20 August 2022

VẾT THƯƠNG CỦA MỘT HẠT BỤI - Trương thị Kim Chi

Em cúi đầu, giọng thấp hẳn xuống:

Cô ơi, theo em được biết, hồi xưa, một trong những hình phạt vô cùng kinh hãi là tứ mã phanh thây.

– Ừ, chỉ hình dung thôi cũng đủ khiếp sợ.

– Dạ, tay chân của phạm nhân bị cột vào bốn sợi dây nối vào chân bốn con ngựa. Khi hành hình, các nài ngựa sẽ thúc ngựa phi ra bốn hướng; nếu không có nài ngựa, người ta sẽ thét to lên hoặc đánh ngựa để chúng hoảng sợ bỏ chạy. Và bốn sợi dây sẽ kéo tay chân phạm nhân đến khi thân thể của họ bị xé ra.

– Ôi thôi! Nghe sợ quá!  Sao bỗng dưng em lại nói đến chuyện đó?

Em chậm rãi:

– Dạ, em đã tìm đọc nhiều thiệt nhiều những kiểu hành hình đau đớn nhất để coi cái đau của mình cỡ nào. Cô ơi, em đã từng bị hành hình theo cách tứ mã phanh thây!

– Hả?

Em trầm ngâm.

– Dạ, mà… có thể còn đau hơn, vì em không phải là phạm nhân, em không làm gì nên tội, em hoàn toàn vô tội, bấy giờ em chỉ là một đứa nhỏ chưa đầy tám tuổi.

– Hả?

– Dạ, ba em đã đem em ra cá độ, rồi ba bị thua.

– …

– Dạ, thực ra chuyện đó không lạ gì ở xứ em.

Làn gió xuân êm ái thổi qua, giọng em nhẹ tênh:

– Không hiểu sao em nhớ rõ lắm cô à. Cứ như thước phim được quay rất chậm, chậm đến độ không thể nào chậm hơn được nữa. Đó là buổi xế trưa, nắng quái hắt vào giữa sân, ba em cùng năm người đàn ông đang ngồi nhậu trên bộ vạc tre kê trước hiên nhà. Nhưng thôi, để tuần tới em kể cô nghe tiếp, tới giờ vô lớp rồi.

Em và tôi cùng nhanh chân xuống cầu thang lộ thiên. Những bậc thang rộng bằng xi măng giả đá nâu với những nét vân đen đẹp tuyệt. Gió biển lồng lộng đuổi theo tóc chúng tôi. Cửa phòng lớp học Yoga đang hé mở. Chúng tôi rón rén bước vào. Vài người khác cùng vào. Chúng tôi khe khẽ, nhè nhẹ trải tấm chiếu nhỏ của mình ra. Cô giáo có mái tóc vàng sáng, đôi mắt xanh lá cây, miệng luôn nở nụ cười tươi vui ấm áp, đón chào cả lớp.

Khoảng tám năm trước đây, một sáng Thứ Bảy, tôi đang dạy lớp Tiếng Việt trong  nhà thờ, một người đàn bà Mỹ trắng dẫn em vào lớp. Bà tự giới thiệu đơn giản, bà tên Julie. Rồi bà nói, con gái yêu của bà vừa làm xong bài khảo sát trình độ, thầy hiệu trưởng xếp con gái yêu vào lớp nầy. Trước khi ra về, bà bắt tay tôi, vui vẻ nói, con gái yêu của bà rất thích học tiếng Việt, nhất định bà cũng sẽ học tiếng Việt.

Con gái yêu của bà là em, người Việt, dáng gầy guộc, da hơi ngăm tái, đôi mắt to mênh mang ánh nhìn xa vắng, đôi môi không hề nở nụ cười. Khuôn mặt buồn bã của em được ôm kín bởi mái tóc đen dày xõa ngang vai.

Giờ ra chơi, em không rời khỏi chỗ. Tôi đến bên em.Em đang lần giở những bài học tiếp theo, chăm chú đọc.

– Chào em!

Em hơi giật mình, ngẩng lên, vẻ dè dặt:

– Em chào cô!

– Cô rất vui khi có em trong lớp. Em chăm học như thế nầy chắc vài bữa nữa em sẽ được lên lớp Năm.

–Dạ… em… em muốn học lẹ thiệt lẹ… để đọc sách tiếng Việt dễ dàng hơn.

–Tuyệt lắm. Nếu em có gì cần hỏi, cô sẵn sàng giúp em.

– Dạ… Cám ơn cô.

Em tiến bộ rất nhanh. Những bài tập làm văn tả cảnh tả người của em khiến tôi vô cùng kinh ngạc. Ẩn chứa trong đôi mắt u buồn xa vắng của em là cả một khoảng trời nồng ấm tình yêu thương đằm thắm dịu dàng.

Rồi mùa học qua nhanh. Sau đó em cũng mau chóng rời trường Tiếng Việt của nhà thờ.

Em:

– Em đã đọc ngốn ngấu sách báo tiếng Việt, như thể người đói được ăn, người khát được uống. Như thể khi lạnh run quơ được tấm mền để đắp. Em thường đọc trên Internet. Cô ơi, được đọc sách là một hạnh phúc lớn của em.

Em đọc sách tôn giáo, sách văn chương, sách lịch sử. Em lên mạng hàng ngày theo dõi tình hình bên Việt Nam. Hễ rảnh là em đọc. Bởi em muốn biết nguồn cội mình. Em muốn biết tại sao ba em và nhiều đàn ông ở Việt Nam nghiện rượu. Em muốn biết tại sao má em và nhiều đàn bà ở Việt Nam cúi đầu nhẫn nhục chịu đựng khổ đau. Tại sao tại sao tại sao? … Em muốn biết quá nhiều, mà em hiểu thời gian thì trôi quá nhanh nên em không thể phí phạm. Lắm khi nhức đầu quá, em chỉ muốn quên quên quên…, tất cả tất cả… nhưng rồi em không thể nào quên. Cái buổi xế trưa nắng quái hắt vào giữa sân, ba em thua cá độ.

– …

– Ba em cùng năm người đàn ông đã nhậu suốt từ sáng. Họ nhậu tơi bời. Lưỡi họ dường như đã cứng lại nên giọng họ nhừa nhựa. Họ nói năng bậy bạ, hát xướng bậy bạ. Em là người đi mua rượu. Cứ chừng một hồi, ba em kêu em đi mua rượu. Em  không nhớ bao nhiêu lần em đã phải lội bộ vô trong ấp để mua rượu.

– …

– Và lần cuối cùng, khi em, một tay vịn thanh cầu, một tay ôm bình rượu, từng bước chân men trên cây cầu tre dẫn vào nhà, em thấy ba em chỉ tay vào em, lè nhè: “Nó đó”. Rồi ba đổ sụm xuống như cây chuối bị chặt gốc. Sau nầy em mới hiểu “Nó đó” tức là ba em đem em ra cá độ. Họ cá nhau chuyện gì em không biết. Vậy là năm người kia kéo em xuống chiếc xuồng. Lúc đó em vẫn chưa hiểu gì ráo. Em kêu khóc, em giằng co, em giẫy giụa. Ba em vẫn gục trên bộ vạc tre. Má em đang nấu cơm chiều, nghe tiếng kêu khóc, nách bé Út chạy ra, ngơ ngác, líu quíu xà quần quanh sân bởi vướng mấy cái lu, cái khạp đựng nước mưa. Má vấp té mấy lần trước khi chạy men theo bờ sông, mặc cho bé Út đang bò lê khóc thét trên vũng nước. Anh Hai em hơn em ba tuổi, đứng chỗ sàn nước cạnh chân cầu, miệng há hốc, ngơ ngác nhìn. Không ai hiểu chuyện gì đang xảy ra. Hình bóng má cuối cùng trong trí nhớ em là tóc má xổ tung ra, xấp xải, bước chân trần của má liêu xiêu tuyệt vọng dọc theo bờ. Em nghe rõ tiếng gào khóc của má, của anh Hai, của bé Út đuổi theo, chạy dài dài theo khúc sông một đỗi rất lâu. Chỗ nhà em vắng, không ai nghe tiếng kêu cứu. Chuyện diễn ra nhanh như một ánh chớp.

Tôi ôm trán, rên rỉ:

– Ôi!

Biển muôn đời vỗ sóng. Biển nơi đây bình yên vỗ sóng. Giọng em như bị cắt thành từng lát mỏng dính trong thoáng gió biển lướt qua:

– Cô ơi, đó chỉ là bắt đầu. Chỉ là bắt đầu.

Em dừng lại. Không dưng em và tôi cùng nhìn ra xa. Bờ Thái Bình Dương vào chiều xanh thăm thẳm. Trời cũng xanh thăm thẳm nên biển và trời như tan hòa vào nhau. Xa xa, những con sóng trắng phau nhấp nhô lấp lóa dưới ánh nắng trông như dát bạc. Xa tít, giữa biển trời xanh ngát, thấp thóang vài cánh thuyền buồm nhỏ xíu như những chiếc lá, lấp lánh. Chỗ chúng tôi ngồi xa biển nên không nghe tiếng sóng vỗ, nhưng gió thì lồng lộng. Gió thổi tung mái tóc em và tôi. Ước gì gió cũng thổi tung hê tất cả những bất hạnh đời em. Giọt nước mắt vẫn cứ trào ra dù tôi cố nén, nhưng gió biển đã kịp thổi khô.

– Cô ơi, giá như ngày đó, họ cầm dao giết em, coi bộ đỡ độc ác hơn là họ đã tứ mã phanh thây em. Dày vò hành hạ tâm hồn em. Em đã mấy lần tìm cái chết, nhưng không thành, cũng qua đó, em hiểu rằng, chết không phải là điều dễ dàng.

– …

– Em đã qua nhiều ngày điều trị tâm lý sau khi được cứu ra khỏi hang ổ bọn buôn người. Ngay cả khi được sang đây, em vẫn  tiếp tục được điều trị,  nhưng làm sao em quên được.

Càng về chiều, biển càng sẫm màu, đẹp dịu dàng trong vẻ đẹp vĩnh cửu. Nắng đã nhạt màu. Gió bắt đầu lạnh. Tận chân trời đằng tây, xa tắp, mặt trời màu vàng cam vừa tựa cằm trên đường chân trời, nhuộm đỏ tía một vùng rực rỡ. Em dừng lại, trầm ngâm nhìn biển.

–Mẹ Julie thường đưa em đi tắm biển ở đây. Mỗi lần em ngập người trong biển, em cảm thấy dễ chịu lạ lùng. Nước biển mênh mông, sóng biển lúc êm ái vỗ về, lúc mạnh mẽ dữ dội dường như muốn xóa sạch mọi vết thương, vết hằn trên thân thể em. Biển bao la dường như nhắc nhở rằng em chỉ là hạt bụi. Và vết thương của một hạt bụi thì có nghĩa gì đâu.  Phải không cô? Ngâm mình trong biển, ngữa mặt nhìn trời xanh trên cao, em tự nhắn nhủ rằng em còn nhỏ hơn một hạt bụi, nỗi đau của cái chưa bằng hạt bụi thì có đáng gì.

– …

– Mẹ Julie thương em lắm. Có những đêm khuya, cơn ác mộng ngày xưa hành hạ em, em ú ớ, vùng vẫy, gào khóc, cào cấu. Mẹ Julie chạy qua, ôm em vào lòng, vỗ về em, thì thầm cầu nguyện.

Nhớ hôm đầu tiên vào lớp Yoga, tôi ngỡ ngàng, vui mừng, em đó phải không? Em chạy ùa đến bên tôi, dạ em đây, em chào cô. Lâu quá gặp lại cô, cô khỏe không? Cô khỏe, cám ơn em, còn em? Dạ em cũng khỏe, em đã vào đại học. Ừ, cũng lâu rồi, mà em xinh quá, nhìn mãi cô mới nhận ra em. Cám ơn cô.  Quả thật cô và em có duyên với nhau ha, cuộc gặp lại hiếm có đó em. Dạ.

Từ đó, em và tôi hay đến trường sớm độ vài chục phút, cô trò cùng leo lên tầng hai, ngồi trên chiếc ghế đá chỗ hành lang hướng về biển. Cô trò đều yêu thích nơi nầy. Hành lang thênh thang rộng, thênh thang nắng gió, cấu trúc rất nghệ thuật, đẹp mê hồn. Có bữa biển chuyển mình, gió nhiều, lạnh thấu xương, cô trò vẫn co ro trong chiếc áo khoác, thưởng thức hương gió, thưởng thức vẻ đẹp kỳ vỹ của trời biển, và chuyện trò.

Rồi khi vào lớp, cô trò trải tấm chiếu cạnh nhau. Chúng tôi thở chậm, đều, sâu và nhẹ. Chúng tôi mềm mại trong những động tác căng duỗi người và cân bằng.

Phần cuối của buổi học rất dễ chịu. Cả lớp nằm im trên sàn, thả lỏng người. Cô giáo sẽ kéo kín tấm rèm cửa hướng ra biển chiều đang phai nắng, và tắt tất cả các ngọn đèn, để ru mọi người bằng tiếng chuông nhẹ êm ngân nga.

– Hè năm ngoái, em về Việt Nam. Em đã đi qua gần như suốt chiều dài của đất nước mình. Em đã xuống tận mũi Cà Mau và lên đến Lạng Sơn. Những dấu ấn lịch sử, Tây Sơn Bình Định, núi Nưa... Em đã được đi qua nhiều dòng sông lịch sử, sông Bến Hải, sông Bạch Đằng, sông Hát…

– Ồ, tuyệt quá! Cô chợt nhớ hồi nọ khi học tới bài Bà Triệu, em giơ tay xin đọc câu nói của bà: “Tôi chỉ muốn cưỡi cơn gió mạnh, đạp luồng sóng dữ, chém cá trường kình  ở  biển đông, lấy lại giang sơn, dựng nền độc lập, cởi ách nô lệ, chứ không chịu khom lưng làm tì thiếp cho người.”

– Dạ. Cám ơn cô. Cô nhớ hay thiệt!

– Điều đáng nhớ thì phải nhớ, em à.

– Dạ, cô ơi, em đã đi qua nhiều thành phố, nhiều miền nông thôn. Ô thôi! Đất nước thì bé nhỏ mà quán nhậu thì nhiều vô kể, em cứ tự hỏi tại sao tại sao?

– Rồi… em đã tìm được gia đình?

– Má em, sau khi em bị người ta mang đi, đã bị điên, rồi mất vì uống nhầm phải chai thuốc trừ sâu. Anh Hai em buồn giận ba em, bỏ nhà đi xa, nghe đâu đi xuất khẩu lao động gì gì đó, không ai biết tin tức. Bé Tư lên Sài Gòn đi làm thuê để kiếm tiền gửi về quê nuôi ba. Rồi ngày nọ, bé bị người ta dụ dỗ đi lấy chồng Đài Loan… Nghe kể, không bao lâu sau, người ta đưa cái hủ tro cốt của bé về… Bữa đó ba em nhậu xỉn, ôm hủ cốt bé Tư chạy qua cây cầu, trợt chân rớt xuống sông chết đuối. Chuyện gia đình em đó.

– …

– Giờ em vẫn còn đang học, và em đã định hướng cuộc đời mình. Em đã hiểu ra nỗi đau của em. Cô ơi, nỗi đau của em chưa bằng hạt bụi, sá gì với nỗi đau của má, của anh Hai, của bé Tư; thấm tháp gì với nỗi đau của biết bao nhiêu những đứa trẻ, những cô gái đang bị đày đọa trong các chợ buôn người rải rác trên nhiều quốc gia trên thế giới, và còn nhiều nữa... Nỗi đau của em đã dạy em bài học sống. Phải sống như thế nào, phải làm gì? Em không muốn nỗi đau của em trở thành vô ích.

Chúa nhật, một chị bạn rủ tôi đi nhà thờ Mỹ. Chị nói, bữa nay ở đó có một vị mục sư nổi tiếng được mời về giảng. Nghe nói lời giảng, cách giảng của vị mục sư ấy có lửa, đầy sức lan tỏa, thuyết phục.

Tôi ngỡ ngàng trước cách trang trí thanh nhã và trang trọng của nhà thờ. Tôi lặng im chiêm bái những bức tranh minh họa cuộc đời Đấng Cứu Thế trên các khung cửa sổ kính màu phỏng theo phong cách Gothic.

Tôi rảo mắt tìm kiếm người quen, và bỗng hết sức kinh ngạc. Kìa! Có phải là em? Tôi đeo mắt kính vào, rồi gỡ mắt kính ra, có phải là em? Một cảm xúc rất lạ trào dâng khiến tôi rưng rưng.

Đúng là em! Em đang đứng trong ban hát dẫn trên bục giảng. Em bé nhỏ giữa các cô gái Mỹ trắng, Mỹ màu cao lớn. Em xinh xắn tinh khôi trong chiếc đầm trắng, giày trắng, dây buộc tóc màu trắng. Em như một đóa huệ trắng nuốt. Em thanh khiết trong sáng như thiên thần. Em hát hết lòng hết dạ. Thỉnh thoảng em nhắm mắt như để lắng sâu tâm hồn vào lời ca thánh.

Kìa là bà Julie, mẹ em. Tôi vừa bắt gặp đôi mắt long lanh hạnh phúc của mẹ Julie đang ngồi dãy ghế cạnh tôi. Tôi biết lát nữa đây, khi nói về em, bà Julie sẽ vô cùng sung sướng “con gái yêu của tôi, con gái yêu của tôi…

Em đó ư? Đứa bé đã từng quằn quại dưới gánh nặng quá khứ đau buồn tủi hờn.

Em đó ư? Đứa bé mà ngày nọ, trước giờ vào học, thường ngồi ủ rủ trong góc nhỏ chỗ chân cầu thang nhà thờ, đôi mắt vô hồn, vẻ mặt lạnh lẽo, môi không bao giờ nở được nụ cười.

Ừ, đó là Em! Em ngày xưa đã từng bị hành hạ đau đớn như cách tứ mã phanh thây và đã học được rằng đó chỉ là vết thương của một hạt bụi.

Trương thị Kim Chi