Nữ Hoàng Elizabeth II đến phòng tiếp đón Quốc Vương
Sheikh Hamad bin Khalifa al Thani của Qatar tại Lâu Đài Windsor, Anh ngày 26
tháng 10, 2010. Năm 85 tuổi, bà vẫn làm phận sự, tham dự 325 sinh hoạt công cộng
trong một năm, gần như mỗi ngày một lần! (Dan Kitwood - WPA Pool /Getty Images)
Nữ hoàng Elizabeth Đệ Nhị, mới qua đời, là hình ảnh một con
người có Phẩm Cách (Dignity). Nước Anh may mắn có một người đóng vai trò lãnh đạo,
trong 70 năm làm biểu tượng vững vàng khi quốc gia trải qua bao sóng gió.
Nghe tin bà qua đời, nhật báo The Wall Street Journal đã trích lại một ý kiến của ký giả Walter Bagehot trong cuốn “Hiến Pháp Anh Quốc” viết năm 1867. Vị chủ bút báo The Economist nhận thấy chế độ quân chủ hiệu quả nhất để gây dựng phẩm cách: “tạo ra và giữ gìn niềm kính trọng của dân chúng.”
Chế độ Cộng Hòa khi cai trị dân cũng dựa trên niềm kính trọng,
nhưng các đại biểu dân cử không gây được niềm tin vào phẩm cách đáng kính như
thế. Năm 2012, sau 60 năm trị vì, nữ hoàng vẫn được 90 phần trăm dân chúng ngưỡng
mộ. Tại Mỹ, uy tín các vị tổng thống thì trồi sụt bất thường, có khi xuống dưới
40%. Lòng tin tưởng vào Quốc Hội, và bây giờ đến Tối Cao Pháp Viện, còn tệ hơn
nữa.
Nhưng phẩm cách đáng kính của Nữ hoàng Elizabeth II không do
chế độ tạo ra mà do chính con người và hành động của bà. Có thể nói, chính bà
đã cứu vãn chế độ quân chủ trong lúc chỉ hết sức làm bổn phận của mình. Khi gửi
lời phân ưu, Giáo Hoàng Phan Xi Cô ca ngợi nữ hoàng “là tấm gương của một người
chu toàn bổn phận.”
Chu toàn bổn phận có nghĩa là làm đúng vai trò được giao
phó: Làm một nữ hoàng. Đài BBC mới nhắc lại một bài diễn văn đọc năm 1947, bà
đã phát lời thề: “cả cuộc đời tôi, dài hay ngắn không biết, sẽ để phụng sự quý
vị…” Năm 1977, kỷ niệm 25 năm trị vì, bà nhắc lại lời thệ nguyện đó: “Mặc dù được
phát biểu trong lúc tuổi còn quá trẻ, nhưng khi trưởng thành hơn, tôi không tiếc
đã nói như thế và không muốn thay đổi một lời nào cả.” Bà làm việc với 15 vị thủ
tướng Anh, người sau cùng được bà chỉ định hai ngày trước khi qua đời. Bà đã đi
thăm hơn 50 quốc gia cựu thuộc địa trong Khối Thịnh Vượng Chung, trừ Cameroon,
mới gia nhập năm 1995, và Rwanda năm 2009. Bà đến thăm Canada 20 lần, Australia
16, New Zealand 10 và Jamaica sáu lần. Năm 85 tuổi, bà vẫn làm phận sự, tham dự
325 sinh hoạt công cộng trong một năm, gần như mỗi ngày một lần!
Đóng đúng vai trò nữ hoàng, không phô bày con người riêng
tư, khó nhất là phải ít nói. Không ai biết ý kiến của nữ hoàng trước những biến
cố đảo lộn cả nước Anh, như cuộc đổ bộ chiếm kinh đào Suez thất bại năm 1956,
cuộc chiến tranh với Argentina ở đảo Falkland; cả khi nước Anh rút khỏi Liên Hiệp
Âu Châu. Khi dân Bắc Ái Nhĩ Lan bỏ phiếu hay khi dân Scotland trưng cầu ý kiến
xem có muốn ly khai khỏi Vương Quốc Hiệp Nhất (United Kingdom) hay không, bà giữ
im lặng. Như hiến pháp bất thành văn quy định, Nữ Hoàng không bao giờ nêu ý kiến
về các xung đột chính trị, đảng phái, nếu không được mời. Và các vị thủ tướng
cũng tôn trọng hiến pháp, không bao giờ mời.
Một cuộc xung đột nội bộ đẫm máu trong triều đại Elizabeth
II diễn ra ở Bắc Ái Nhĩ Lan. IRA (Quân Giải Phóng Ái Nhĩ Lan) muốn vùng này được
nhập vào nước Ireland; lực lượng Sinn Féin đã gây nhiều cuộc bạo động, ám sát,
cho đến khi chịu hòa giải và không bị kết tội. Năm 2011 nữ hoàng là vị quốc trưởng
Anh đến thăm Cộng Hòa Ireland từ khi nước này tách khỏi vương quốc UK. Năm 2012
nữ hoàng bắt tay Martin McGuinnes, một lãnh tụ Sinn Féin đã trở thành phó thủ
tướng Bắc Ái Nhĩ Lan. Ai cũng biết chính nhóm Sinn Féin, năm 1979, đã giết Lord
Mountbatten, một người anh họ rất thân thiết với bà.
Bà đóng vai nguyên thủ quốc gia một cách bình thản lặng lẽ;
dùng những lời ái ngữ vừa phải; mọi cử chỉ, hành vi đều có chừng mực như thể tất
cả đã được quy định trước; nhưng bà biểu lộ rất thoải mái, tự nhiên, như thể đã
được sinh ra để sống đúng theo nền nếp đó. Trước mắt dân chúng, bà không bao giờ
tự biểu lộ cá tính, ngoài thú vui yêu chó và ngựa đua. Ông chồng bà, Hoàng Tế
Philips nhiều khi tuyên bố những câu gây phản ứng ồn ào, các con bà cũng hay ăn
nói quá tự do; bà thì không bao giờ. Là một phụ nữ giàu nhất thế giới nhờ di sản
nhiều đời, bà không cần dùng địa vị để sinh lợi. Đọc báo thấy những lời than
phiền rằng công quỹ phải chi nhiều quá để nuôi một hoàng gia, bà tình nguyện
đóng thuế. Bà không bày tỏ ý kiến về cả các xung đột trong gia đình, không trở
thành đề tài cho những tờ báo lá cải như các con, các cháu.
Lối sống, ngôn ngữ và hành vi của nữ hoàng trở thành một “điểm
cố định tĩnh lặng trong một thế giới chuyển vần,” (the still point in the
turning world) như lời thơ của Thomas Stearns Eliot (1888 –1965), một thi sĩ gốc
Mỹ đã xin làm công dân Anh quốc năm 39 tuổi. Điểm tĩnh lặng mang danh hiệu
Elizabeth II là nền tảng của một vương quốc bao gồm những sắc dân khác biệt gốc
English, Scots, Welsh, Irish, và bây giờ thêm hàng trăm sắc dân khắp thế giới đến
cư ngụ. Hai bộ trưởng quan trọng trong chính phủ mới từ nhiệm, một gốc Ấn Độ, một
gốc Pakistan, đều hy vọng có ngày sẽ làm thủ tướng. Nữ hoàng là một biểu tượng
tạo thành mối đoàn kết quốc gia, tiêu biểu cho một truyền thống văn hóa cổ truyền
nhưng chấp nhận thay đổi.
Bà không thuộc một phe nhóm, một địa phương nào, không thiên
tả hay thiên hữu, trong một chế độ dân chủ vốn được dựng lên với mục đích cho mọi
người có cơ hội tự do đả kích, đấu tranh, giành giựt lẫn nhau.
Dân Anh có khi bầu cho đảng Bảo Thủ chiếm đa số ở Viện Dân
Biểu, có khi chọn đảng Lao Động. Mỗi lần thay đổi, việc đầu tiên của người lãnh
đạo đảng là đi triều kiến nữ hoàng, để được bà mời đứng ra lập chính phủ mới. Hình
ảnh đó cho thấy hai đảng, dù luôn luôn tranh giành quyền lực, nhưng vẫn theo
cùng một mục đích, phục vụ cùng một quốc gia. Mỗi lần bà đến đọc diễn văn trước
quốc hội, những đại biểu ồn ào quá khích nhất cũng phải đóng vai các thần dân
ngoan ngoãn.
Nhật báo Financial Times ghi nhận trong lịch sử Anh quốc ba
vị nữ hoàng đều đánh dấu các biến chuyển lớn. Elizabeth I trị vì từ 1558 đến
1603 đã mở rộng ảnh hưởng đế quốc ở Âu Châu, các nước Hồi Giáo và sang châu Mỹ;
Victoria, ngự trị từ 1837 đến 1901 là thời đế quốc Anh bành trướng khắp thế giới.
Nữ hoàng Elizabeth II chứng kiến tình trạng đế quốc tan rã,
các thuộc địa giành độc lập, nhưng cuối cùng vẫn giữ được mối liên hệ ngoại
giao, kinh tế và văn hóa.
Năm 1922, trước khi bà ra đời, Ireland đã giành độc lập, một
nhân vật trong tiểu thuyết “Ulysses” của James Joyce nói, “Nước Anh cổ lỗ đang
chết dần.” Triều đại 70 năm của Nữ Hoàng Elizabeth II cho thấy lời tiên đoán đó
“hơi quá đáng.” Có thể nhờ phẩm cách vững chãi thảnh thơi của bà mà Vương Quốc
Hiệp Nhất, UK, vẫn tồn tại. Bà đã sống qua 14 đời tổng thống Mỹ, từ Harry
Truman đến Joe Biden. Nước Mỹ hiện đang chia rẽ cùng cực không biết bao giờ mới
hàn gắn được. Dân chúng cả nước Anh đang cùng nhau tưởng niệm một người lãnh đạo
biết giữ phẩm cách.
Mười năm trước, trong một buổi lễ kỷ niệm ở nhà thờ St.
Paul, Tổng Giám Mục Rowan Williams lúc đó đã coi 60 năm trị vì của nữ hoàng là
“một tấm gương sống, chứng tỏ rằng người ta vẫn có thể ‘phụng sự công ích;” và
trong khi phục vụ họ tìm thấy hạnh phúc.” Elizabeth II suốt đời hết sức làm bổn
phận, không bị lôi cuốn bởi những thứ nằm ngoài phận sự, lúc nào cũng biết mình
đang làm gì, vững chãi và thảnh thơi. Có thể đoán Nữ Hoàng đã sống một cuộc đời
hạnh phúc.
Ngô Nhân Dụng