18 October 2022

LẠC ĐÀ KHÓC (2) - Tam Mao 三毛 | Nguyễn Văn Thực dịch

Đọc (Phần 1)

(Phần 2 tiêp theo)

Tôi còn chưa kịp nhảy dựng lên, anh José đã đập bàn cái rầm, đứng lên toan xông lại núm lấy gã để đấm. Mọi người bỗng nhiên nhìn vào chúng tôi. Tôi, trong tuyệt vọng, níu anh José lại để anh khỏi xông tới. “Hắn chỉ là một thằng vô học, lỗ mãng, anh hơi đâu mà đôi co với thằng chã mà làm gì!”

“Cái thằng ăn nói quàng xiên như thế, mà anh bảo em bỏ qua cho được à? Theo như hắn ta, những người không thần phục sự thống trị của ngoại nhân, thì cũng như đám ruồi xanh phải giết chết hết. Các bạn, người Đài Loan, ngày xưa đã kháng chiến chống Nhật, hắn có biết chăng?” Anh José hét, còn tôi, tôi dộng chân xuống đất, rồi đẩy anh José ra ngoài, 

“Em không tán thành chủ nghĩa thực dân, nhưng, vì thể diện của Tây Ban Nha, chúng ta phải ăn nói làm sao cho xuôi, chứ anh lại đánh lộn với chính đồng bào của anh, thì anh sẽ bị kết án là kẻ không yêu nước, thương đồng bào của anh, vậy thì có ích lợi gì đâu?”

“Con sâu làm rầu nồi canh… hừ, như thế thì làm sao mà người Sahwari ưa chúng ta cho được?” Anh José trở nên buồn bã thực sự. “Bên mười, bên chín rưỡi còn dư, một đàng quân du kích gọi chúng ta là chó, một đàng nghe những lời tương tự từ miệng những người của chính phe mình, anh những muốn độn thổ luôn. Thiệt là khổ! “

“Lúc đầu chuyện này có thể giải quyết trong hoà bình. Nếu Ma rốc không tính chuyện chia cắt, họ sẽ không gấp gáp đòi độc lập kiểu này.”

“Tam Mao, em phải quan sát kỹ tình hình chung quanh, em phải rời khỏi đây ngay, và tìm một nơi nào đó mà tránh bạo loạn, hết loạn rồi trở lại có được không?”

“Em?” Tôi cười to chế nhạo anh José. “Em không đi đâu hết. Tây Ban Nha còn quản trị nơi này một ngày, em sẽ ở lại một ngày, ngay cả khi Tây Ban Nha tháo chạy, chưa chắc em sẽ chạy theo họ.”

Đêm hôm đó có lệnh giới nghiêm trên toàn thị trấn, loạn lạc thì cũng giống như nước lũ tràn xuống đồng bằng thôi, rồi lại rút đi, ban ngày trên đường, cảnh sát Tây Ban Nha cầm súng chỉa vào người bộ hành, người nào người nấy cứ tựa thân vào tường mà vái lia vái lịa, bị ra lệnh phải cởi quần áo ra để cảnh sát khám xét. Sáng sớm nên chẳng có người trẻ tuổi nào, chỉ thấy có ông già bà lão, giơ hai tay lên, mắt hấp háy, để cho người ta sờ trên, nắn dưới, cái kiểu lục soát này làm cho người ta tức tối, mà chẳng mang lại kết quả nào. Du kích, bộ họ ngu đến cỡ đeo súng khơi khơi để bị khám xét hay sao?

Tôi đi đến bệnh viện để cố kiếm cô Shahida, người giữ cổng nói cho tôi biết là cô ấy đang đỡ đẻ ở tầng hai. Lên được lầu hai, chưa bước được bước nào, đã thấy cô Shahida chạy ra hớt ha hớt hải, và đụng vào tôi cái rầm.

“Có chuyện gì vậy?”

“Không có chuyện gì cả, đi, chúng ta đi ngay!” Cô ta kéo tôi xuống lầu.

“Bộ cô không đỡ đẻ hay sao?”

“Người nhà của bà ấy không muốn tôi đỡ đẻ cho bà.” Cô ta bĩu môi, nhún vai nói. “Trường hợp đẻ khó, phải vào nhà thương, gần chết đến nơi, thế mà tôi vừa ló đầu vào, thì bọn họ đã chửi tôi như tát nước, tôi…”

“Bọn họ sao mà gây khó dễ với cô vậy?”

“Tôi đâu biết, tôi…”

“Sao cô không tính chuyện kết hôn đi cho yên chuyện. Cứ đi vô đi ra với anh Afeluat như vậy thì, theo phong tục ở đây, họ không chấp nhận đâu.” 

“Không phải Afeluat đâu.” Cô ta ngẫng đầu lên, gấp gáp phân bua. 

“Hả!” Tôi kinh ngạc kêu lên.

“Chính vì anh chàng Ajyeiba và băng đầu gấu chúng nó cứ kiếm cách gây khó dễ với tôi, tôi bất đắc dĩ phải…, nỗi khổ của tôi, tôi có thể giải bày với ai được đây?” Cô đột nhiên chảy nước mắt, rồi phóng chạy như tên bay.

Tôi từ từ đi dọc hành lang, rồi đi qua khuôn viên của nữ tu viện, một đàn trẻ em đang ngoan ngoãn uống sữa bò, giữa đám trẻ có một em nhỏ người Sahwari, bong bóng sữa còn trên mép môi, dường như đang thích thú với chòm râu mép sữa trắng và dài của em. Tôi bồng em lên, bồng ra nơi có nắng và đùa giỡn với em. 

“Cô kia, bồng cháu bé đi đâu?” Một nữ tu trẻ chạy nhanh lại.

“Con đây mà, thưa dì.” Tôi vừa cười vừa chào,

“Cô làm cho tôi sợ hết hồn.”

“Chú bé này thật đẹp, và mạnh như thế này.” Tôi chú ý đến đôi mắt to và đen láy của chú bé, tay xoa xoa mái tóc xoăn của chú.

“Bé bao nhiêu tuổi rồi, thưa dì?”

“Bốn tuổi.” Người nữ tu hôn hôn đứa bé. 

“Hồi Shahida được đưa đến đây, cô ta đã lớn chưa?”

“Cô ấy, khi được nhận vào đây, thì đã lớn bộn, 16, 17 tuổi gì đó.”

Tôi mỉm cười chào tạm biệt người nữ tu, rồi lại cúi xuống hôn thằng bé, nó thẹn thùng cúi đầu xuống sâu, sâu hết mức. Cái kiểu cúi đầu thẹn thùng tôi thấy quen quen này chợt thoáng qua trong trí nhớ tôi, đứa bé này giống ai đây?

Trên đường phố có lính đi tuần, các dinh cơ của chính phủ, kẽm gai bao lớp trong lớp ngoài, con kiến cũng khó lọt, trước trụ sở nhỏ xíu của hãng máy bay hàng hàng lớp lớp thuỷ triều người nhẫn nại đứng chờ, bỗng xuất hiện một toán ký giả mặt mày lạ hoắc, tựa như một đám du côn, phóng tới phóng lui, sự hỗn loạn đầy lo lắng và ồn ào khiến cho cái tiểu thị trấn lâu nay an ổn bây giờ bị bao phủ bởi một màn điềm xấu của một cơn bão sắp tới. Tôi nhanh chóng trở về nhà, thấy con nhỏ Gueiga đang ngồi trên bậc thang đá.

“Cô Tam Mao, mẹ Tebrak của tui, nhờ tui hỏi liệu cô hôm nay có tắm cho thằng Khalifa được không?” Khalifa là con trai nhỏ tuổi nhất của bà hàng xóm tên là Tebrak, nó bị bịnh da liễu đã lâu, cứ cách vài ngày, nó được bồng đến đây để cho tôi tắm với xà bông sát trùng.

“Ồ, cần tắm hả? Bồng em lại đây.” Tôi, người như mất hồn, mở khoá cửa nhà và lơ mơ nói. 

Thằng nhóc Khalifa, ngồi trong chậu tắm, đôi mắt to cứ liếc qua liếc lại tỏ vẻ không chịu tắm.

“Cưng, bây giờ cưng phải đứng yên. Đừng có làm nước bắn tung toé ra ngoài.”

Tôi quỳ xuống và rửa chân cho thằng nhỏ, nó cầm lấy bàn chải sũng nước, gõ gõ vào cái đầu đang cúi xuống của tôi: “Giết José trước, rồi giết cô sau, giết José trước rồi giết cô sau…” Nó vừa gõ vào đầu tôi vừa hát như hát bài đồng giao, phát âm thật rõ ràng. Khi chợt hiểu thằng nhỏ đang hát gì, tôi nghe như có ai vừa phang vào tai tôi, tôi phải cố hết sức để đứng vững, đoạn tôi giữ chặt thằng Khalifa, lấy cái khăn lớn bao quanh thân nó và bồng vào phòng ngủ. 

Một vài bước ngắn ngủi đến phòng ngủ mà tôi cứ như bước trên vải bông xốp, như bước trong hư không, bước cao bước thấp, không biết làm sao mà mình vào được phòng ngủ, nhè nhẹ lau khô thằng Khalifa, mà người chết sững. 

“Khalifa, cưng nói cái gì vậy? Cưng, nói lại cho cô nghe đi cưng!”

Thằng nhỏ vươn tay lấy cuốn sách của tôi bỏ bên gối, cười vui vẻ nhìn tôi, nói: ““Du kích đến, a, a, a, giết José, giết Tam Mao, hi, hi, hi.” Thằng nhỏ lại chụp lấy cái đồng hồ báo thức trên cái bàn ngủ. Tôi cứng họng không còn biết nói năng gì nữa. Tôi như ngẩn như ngơ lấy cái áo của của anh José mà trùm cho nó, mở cánh cửa chẳng mấy khi mở của nhà bà hàng xóm Tebrak mà đi vào, và trao thằng nhỏ cho mẹ nó. 

“Ôi, cảm ơn, cảm ơn cô, Khalifa, cảm ơn cô đi con!” Bà Tebrak âu yếm nhận lại đứa con, và vừa cười vừa nói với con.

“Du kích giết José, du kích giết Tam Mao.” Thằng nhóc vừa nhảy tưng tưng trong lòng mẹ vừa lấy tay chỉ vào tôi và hét.

“Tao phải giết mày.” Bà hàng xóm Tebrak nghe thằng nhỏ hét lên như thế, liền thả nó xuống rồi đánh nó, khuôn mặt ngay chính, hiền lành của chị ta trở nên đỏ gay, và hét lên.

“Đánh nó mà làm gì, con nít nó đâu có biết gì!” Tôi thở dài buông xuôi. 

“Xin lỗi, xin lỗi cô.” Bà Tebrak bắt đầu khóc, thấy thế, tôi chỉ biết cúi đầu. 

“Xin cô đừng có cái nhìn phân biệt chủng tộc đối với chúng tôi. Chúng ta đều là con của Maulana cả.” (Maulana có nghĩa là Chúa trong tiếng Ả rập Hassaniya.)

“Chị Tebrak, tôi không có phân biệt chủng tộc gì ráo trọi. Thằng nhỏ nó mến tôi, nó cứ theo tôi miết, chúng tôi không phải là loại người đó.”

“ Xin cô tha lỗi, xin lỗi, xin lỗi.” Bà Tebrak nói rồi lại nói, rồi xấu hổ khóc, lấy chéo áo lau mắt không ngừng.

“Chị Tebrak, sao mà chị nói tầm phào thế, toàn nói chuyện buồn cười.”

Anh của con nhỏ Geigua, là Bashir, bước vào, cười nhạo mẹ nó, rồi nghiêng mặt nhìn tôi, vén rèm cửa, đi ra.

“Chị Tebrak, chị đừng có buồn, bọn tuổi trẻ tụi nó suy nghĩ khác tụi mình. Chị không cần phải buồn phiền làm gì cho mệt.” Tôi vỗ vỗ vai bà Tebrak rồi đứng dậy, trong lòng bỗng cảm thấy, như thủa thiếu thời, bị người ta làm trái sự mong đợi của mình mà không biết mình đã làm gì sai, tôi lướt ra ngoài như lướt mây, cỡi sương.

Tôi ngồi đờ đẫn trong nhà, đầu óc trống rỗng, anh José bước vào cửa cùng với anh Afeluat hồi nào tôi cũng không hay. Afeluat cất tiếng:

“Chị Tam Mao, xin anh, chị ngày Chủ Nhật này, làm ơn đưa tôi ra khỏi thị trấn với.”

Tôi vẫn đang còn chơi vơi trong thế giới khác, không nghe rõ anh ta nói gì.

“Xin anh chị giúp đỡ tôi, tôi phải thoát ra khỏi thị trấn để về nhà tôi.”

“Cái gì?”

Anh Afeluat nói thẳng ra: “Tôi không thể tự mình thoát ra được vì ngoài kia du kích khắp nơi. Bảo đảm sẽ an toàn, không sao đâu!”

“Anh cũng có xe mà!” Hôm ấy không hiểu tại sao tôi chẳng những mất hồn mà còn mất cả sự lễ độ, hoàn toàn mất hết tâm tính để nói chuyệnn kiểu như thế. 

“Chị Tam Mao, tôi là người Sahwari, hiện nay cảnh sát Tây Ban Nha không cấp phát giấy thông hành cho xe của người địa phương. Chị bình thường là một người biết điều, sao hôm nay chị lại tỏ ra giận dữ như vậy?” Anh Afeluat nhẫn nại nhìn tôi, nói.

“Bộ anh không phải là cảnh sát hay sao, mà sao bây giờ anh lại nhờ tôi?”

“Tôi là cảnh sát, nhưng tôi cũng là người Sahwari.” Anh ta cười đau khổ. 

“Anh ra khỏi thị trấn, nhưng chớ có gây liên luỵ gì cho chúng tôi, phải trái gì không cần biết, du kích sẽ giết bừa chúng tôi thôi, rồi quẳng chúng tôi như quăng xác chó cho các người xem cho mà xem.” Tôi không biết sao tôi lại không cầm lòng được và hét lên như thế, nói xong thì bật khóc, cứ để cho mình khóc tự nhiên như một đứa bé.

Anh José thay đang thay quần áo thì nghe tôi khóc, vội vội vàng vàng chạy ra, anh và anh Afeluat, hai người nhìn nhau hằm hằm. 

“Tam Mao làm sao vậy?” Anh José nhíu mày, nhăn mặt, miệng chu lại, hỏi anh Afeluat.

“Tôi đâu có biết, tôi nói đàng hoàng với chị ấy mà, không biết sao chị ấy lại nổi tam bành như vậy.” Anh Afeluat lúng túng nói. 

“Được rồi, tôi có điên đi nữa, thì cũng chẳng liên quan gì đến anh.“ Tôi chụp lấy khăn vệ sinh, lau nước mũi, lau mặt, thở sâu, rồi ngồi lên chiếc ghế bành và nhìn trừng vào khoảng không. Nghĩ lại những ân tình mà cha mẹ và anh, chị của anh Afeluat đã dành cho tôi,  tôi cảm thấy hối hận vì mình đã bộp chộp, nóng nảy, tôi liền làm lành:

“Sao anh lại rời thị trấn vào lúc này trong khi tình hình còn rối loạn?”

“Ngày hôm nay sẽ là ngày xum họp của toàn thể gia đình chúng tôi. Từ sau khi loạn lạc nổi lên, chúng tôi ít khi trở lại nhà chúng tôi ở sa mạc.”

“Có còn lạc đà ở đó không?” Anh José hỏi.

“Đã bán cả rồi, các anh của tôi cần tiền, bán sạch, chỉ còn một ít dê mà thôi.”

“Tại sao lại cần nhiều tiền đến mức bán sạch cả gia sản như thế?” 

Tôi cảm thấy thư thái nhiều và cơn giận đã hạ xuống. 

“Này anh Alfeluat, Chủ nhật chúng tôi sẽ đưa anh ra khỏi thị trấn, anh phải bảo đảm là tối anh sẽ trở lại, để khỏi phụ lòng chúng tôi, bạn anh.” Anh José lẵng lặng, chậm rãi nói. 

“Vâng, đây chỉ là một cuộc họp mặt gia đình, anh chị cứ an tâm.” Anh Afeluat vỗ vỗ vai anh José, nói với một giọng điệu thấm đẫm lòng biết ơn chân tình. Chuyện này coi như đã giải quyết xong.

“Anh Afeluat, anh không phải là du kích, làm sao mà anh có thể bảo chúng tôi cứ an tâm là sao?” Tôi hỏi, lòng đầy lo lắng.

“Chị Tam Mao, chúng ta thực sự là bạn của nhau, chị cứ tin vào tôi, tôi bắt đắc dĩ mới tới nhờ anh chị, nếu không chắc chắn thì làm sao tôi lại đến làm phiền anh chị mà làm gì? Ai ai cũng có cha, có mẹ lo lắng cho chúng ta.” Tôi thấy anh ta nói thật lòng, nên không hỏi vặn thêm nữa. 

Người lính gác trạm kiểm soát nhận hai thẻ căn cước màu lam của hai chúng tôi và một thẻ căn cước màu vàng của anh Afeluat.

“Tối, liệu mà trở về, coi chừng trên đường có tụi theo Bassiri.” Anh lính gác vẫy tay cho qua, câu nói cuối cùng của anh lính gác làm cho tim tôi đập loạn xạ. 

“Phải lái cho nhanh, mất ba tiếng cả vòng đi vòng về, đi sớm về sớm.” Anh José nói.

Tôi ngồi ghế sau, anh José và anh Afeluat ngồi ghế trước, để cho chuyến đi được thoải mái, chúng tôi mặc đồ đi sa mạc.

“Đêm hôm có nhớ đường mà về không vậy?” Tôi bồn chồn hỏi.

“Tam Mao, em cứ yên tâm, mấy ngày này em cứ hỏi tới hỏi lui hoài một câu hỏi này.“ Anh José nói, anh Afeluat phá lên cười, xe ra khỏi thị trấn, anh ta trở nên hoạt bát hơn.

“Sao cô bồ Shahida của anh lại không đi với anh?” Tôi hỏi.

“Cô ta phải trực ca.”

“Nói đúng ta, cô ấy sợ, phải không nào?”

“Các người làm ơn đừng nói nữa, anh Afeluat, anh chỉ đường cho tôi, để tôi lái cho nhanh hơn.” Anh José nói.

Chung quanh toàn là bầu trời xám mênh mông, mặt trời rạng đông toả ra những tia nắng u u từ lớp lớp mây dày, buổi sáng ở sa mạc trời còn rất lạnh, vài con chim bay lòng vòng trước mũi xe kêu quang quác, trời đất hoang vắng, mênh mông.

“Tôi ngủ một chút. Thức dậy sớm quá.” Tôi nói rồi co mình trên băng ghế sau và nhắm mắt lại, lòng nặng trĩu như bị đá đè, khó mà vui lên được, tốt nhất là đừng nhìn vào sa mạc lúc này, nếu nhìn, tôi sợ sẽ thấy xuất hiện đột nhiên trên chân trời một người nào đó mà mình không muốn gặp. Chợp mắt được một lúc khá lâu, tôi cảm thấy xe cứ xóc xóc hoài, rồi xe chầm chậm ngừng lại. Tôi cảm thấy nóng, đạp tung cái khăn đang trùm, bỗng nhiên, cửa sau bị mở ra, tôi kinh hãi, hét lên: “Ai vậy?”

“Em của tôi đấy, nó từ xa lặn lội đến đây để đón chúng ta.” Anh Afeluat trả lời. Tôi mơ mơ màng màng đứng dậy, dụi mắt, thấy một khuôn mặt đang nhoẻn miệng cười, đầy vẻ tươi mát của một thiếu niên ngây thơ.

“Ồ, có phải là Mahommad đấy không?“ Tôi cười cười đưa tay ra vẫy. “Chúng ta gần đến chưa?” Tôi chỗi dậy mở cửa. 

“Trước mặt đây này! Gia đình em đã dời chỗ ở, năm ngoái gia đình đâu có ở đây. Lạc đà bán hết rồi, nên hầu như chỉ sống ở đây.” 

Tôi thấy cái lều lớn của gia đình Afeluat xa xa , trái tim tôi căng thẳng sáng tới giờ, bây giờ mới cảm thấy nhẹ nhàng, khoan khoái. Người mẹ xinh đẹp của anh Afeluat dắt hai đứa em gái của anh, như ba điểm đen từ trời cao, bay về phía tôi. 

Salaam alaikum!/Bình anh của Chúa hằng ở cùng anh/chị!” Hai đứa em gái, reo lên và phóng về hướng người anh, rồi liền nhào lại bên tôi, hai tay kéo cổ tôi xuống, khuôn mặt ngây thơ, đẹp đẽ, chiếc áo choàng sa mạc sạch sẽ, hàm răng trắng và sạch, đôi bím tóc mới chải sáng bóng, toàn thân toả ra sự tươi mát của Mẹ Đất mênh mông. Từng bước từng bước nhỏ tôi đi lăm xăm tới bên cạnh mẹ của anh Afeluat vừa rời vòng tay ôm của con trai mình. 

Salaam alaikum!/ Bình an của Chúa hằng ở cùng bà, bà Yasmin!”

Bà từ tốn giang đôi tay ra, bà mặc y phục màu lam, tóc bới thành lọn buông thấp, từ ái đón tôi. Mặt trời bây giờ mới thực sự xuất hiện, bầu trời sau lưng bà, không biết tự lúc nào, không còn có mây xám, mà xanh biếc như thể vừa được rửa bằng nước trong.

“Các em ơi, mau ra ngoài xe mà lấy mấy xấp vải vào, chị cũng mang đến cho các em mấy chuỗi hạt ngũ sắc.” Tôi vừa xua xua đám dê chạy nhảy loạn xạ, vừa hướng về mấy đứa con gái kêu lên. 

“Cái này thì biếu cha.” Anh Afeluat hai tay đưa cho cha hai hũ thuốc hít. “Còn có hộp bánh nữa, ra mà lấy, cả hộp bột ca cao nữa.”

Mọi sự diễn ra giống như trong một thế giới yên bình, thịnh vượng, trở về nhà, thăm người thân, như mỗi lần tôi đến thăm, không có gì thay đổi, tôi thong dong bước tới chiếc lều. 

“Con là Tam Mao đây, thưa tộc trưởng!” Tôi sải bước, cha của anh Afeluat tóc đã trắng cả đầu, không đứng dậy, chỉ ngồi và đưa tay lên. 

Salaam alaikum!/ Bình an của Chúa hằng ở cùng ông!” Tôi quỳ xuống, dùng đầu gối bò lại, từ xa đưa tay phải ra, nhè nhẹ rờ trên đỉnh đầu của ông, lão nhân là người duy nhất mà tôi chào hết mực tôn kính như thế. 

Anh José cũng đi vào, tới gần ông lão, ngồi trên đầu gót chân và sờ vào đầu ông, sau đó mới ngồi xếp bằng trước mặt ông. 

“Tới lần nầy, ở lại đây chơi vài ngày chứ?” Ông già hỏi bằng tiếng Pháp. 

“Tình hình chính trị bất ổn, chúng con phải trở về tối nay.” Anh José dùng tiếng Tây Ban Nha để trả lời. 

“Tây Ban Nha các người sắp bỏ Sahara, có phải không?” Lão nhân thở dài hỏi.

“Gặp thời thế, thế thời phải thế thôi, thưa ông.” Anh José nói. 

“Ôi, chiến tranh! Đâu còn những ngày thái bình thửa trước.”

Lão nhân mần mò trong túi áo một lúc và lôi ra một cái kiềng chân bằng bạc khá nặng, và ra hiệu cho tôi lại gần, tôi bò lại, nghiêng mình về phía ông.

“Con hãy mang đôi kiềng này, mà ta đã lâu nay để dành cho con.” Tôi nghe nhưng không hiểu Pháp ngữ, tuy nhiên nhìn vào ánh mắt của ông, tôi hiểu, tôi liền đưa hai tay ra đón lấy, cởi xăng đan ra, đeo đôi kiềng vào chân, đứng dậy, chập chững bước vài bước.

Zwayna! Zwayna!/ Đẹp lắm! Đẹp lắm!” Ông lão reo lên bằng phương nữ Ả rập Hassaniya. Tôi hiểu, và vừa dịu dàng đáp lại, cũng bằng tiếng Ả rập: “ Haqq!/ Thưa vâng!” vừa nhìn lại không ngơi cườm chân đang đeo món trang sức đẹp đẽ. 

“Mấy đứa em gái, đứa nào cha cũng cho một đôi, mấy em nó còn nhỏ, cha tôi cho cho cô trước.” Anh Alfeluat nói chen vào một cách thân tình. 

“Xin phép ông cho con được đi ra ngoài.” Ông lão gật đầu, tôi liền chạy ra khoe với bà Yasmin đôi chân của tôi. 

Hai chị em gái lúc ấy đang đuổi bắt con dê và sắp giết thịt, vừa mới châm lửa lên với những cây gai khô, bếp lửa buông lên những làn khói lam uốn lượn vào không trung.

Tôi và bà Yasmin đứng đó nhìn ra bãi hoang trống không, mênh mông, lúc trước bọn họ cắm lều xa hơn về hướng Nam, có láng giềng chung quanh, nay không biết vì sao mà di chuyển tới nơi xa vắng này. 

“Sahara đẹp như thế này!” Bà Yasmin duyên dáng đưa đôi tay ra, ca ngợi vùng đất của bà, như những lần trước tôi đến thăm. Cái thế giới chung quanh, qua cánh tay ảo thuật của bà, dường như bỗng biến thành những tiếng trầm trồ đầy tràn ý thơ, chỉ bước vào một bước nhỏ, thật nhỏ, mà toàn thể tâm can, ý tưởng của tôi đã vướng luôn trong cõi thế ấy của bà.

Trên thế giới này không có một Sahara thứ hai, chỉ đối với những người yêu nó, nó sẽ hiện ra, mỹ lệ và dịu dàng, nếu bạn đặt tình yêu của bạn vào lòng Sahara, Sahara sẽ hiện ra, trả ơn tình ấy bằng trời đất vạn cổ bất biến, lặng lẽ hứa sẽ che chở bạn, cầu chúc cho con con cháu cháu của bạn được sinh trong lòng của Sahara, giữa cái mỹ lệ, vẻ hiền hoà của Sahara.

“Bây giờ thì phải giết dê, để tôi đi kêu Afeluat.” Bà Yasmin nói, tôi chạy trở lại lều.

Anh Afeluat đã đi ra đến chỗ giết dê, tôi nằm dài trên đất, hít nhè nhẹ mùi khoai môn từ tấm chiếu đất này, người ở gia đình này, vốn không có mùi hôi thân thể, họ rất khác những người khác. 

Một lúc lâu sau, Afeluat khều khều tôi: “Giết dê xong rồi, cô có thể đến xem.” Đối với chuyện sát sinh, tôi phải gồng mình lắm mới đến xem được.

“Hai con dê lớn như thế này, ăn có đủ không?” Tôi đứng cạnh bà Yasmin, hỏi. 

“Vẫn không đủ đâu! Còn đang chờ mấy anh tụi nó sắp về thăm nhà, và khi anh và cô trở lại nhà, anh và cô có thể mang về một cục, nấu thêm một nồi bo bo hạt nhỏ mà ăn kèm, thì rất ngon.” 

“Từ trước đến giờ tôi chưa hề gặp các anh của Afeluat.” Tôi nói.

“Mấy đứa nó cứ mãi đi xa, đã bao năm nay, khó mà về thăm nhà. Chao ơi, các bạn đến đây đã ba, bốn bận rồi, mà mấy đứa chỉ về thăm có một lần.”

“Khi nào thì các anh ấy về, thưa bà? Và về thăm rồi không trở lại nữa?”

“Ồ, chúng đang trên đường về.” Bà Yasmin lặng lẽ nói, rồi ngồi xổm xuống làm chuyện bếp núc.

“Ở đâu? Thấy có người nào đâu?” Tôi kinh ngạc hỏi.

“Cô nghe cho kỹ đi!”

“Nghe gì, nghe họ nói đang nói chuyện trong lều?”

“Cô không nghe được đâu. Cô không thính lực để nghe ra.” Bà Yasmin vừa cười vừa nói.

Một lúc sau, tôi nhìn ra một vệt bụi vàng tung lên cuối chân trời, giống như khói bốc lên trời rồi tan ra, không thể thấy cái gì đang tiến về phía chúng tôi, đang đi hay đang chạy, lạc đà hay xe.

Bà Yasmin từ từ đứng lên. Những hình tượng trên đất cát dần dần hiện ra, đích thị là một đoàn xe Jepp màu hoàng thổ đang dàn hàng ngang chạy ào ào, ngang tàng thẳng về phía chúng tôi. Khi xe vào trong tầm nhìn của tôi, tôi thấy rõ có người trên xe, họ từ xa lái tản ra dần dần, rồi lái vòng quanh lều, và chạy tách ra từng cái cho tới khi không còn thấy rõ cái nào ra cái nào. 

“Bà Yasmin, bà có chắc chắn đó là người nhà của bà không?” 

Cảm thấy có một cái gì đó thật bi tráng đẫm màu trong không khí, tôi tự dưng kéo chéo áo của bà Yasmin.

Lúc này chỉ có một xe với một nhóm người bịt mặt ngồi trong , hướng về phía chúng tôi mà xông tới. 

Tôi run lên như bị trúng hàn, chân như bị đóng đinh một chỗ, tôi cảm thấy cái nhìn chòng chọc giống như cái nhìn của chim ưng từ chính người đầu trùm khăn đang tiến tới. 

Hai đứa em gái và thằng em trai kêu ré lên, rồi phóng nhanh về phía xe, reo hò mà như khóc.

“Ôi, anh, anh, anh…” Hai đứa em gái bổ nhào vào một người trong nhóm vừa xuống xe, rồi oà khóc nức nở. 

Bà Yasmin giang tay ra, miệng lúng búng gọi tên từng đứa con của mình, khuôn mặt thanh tú, không biết tự lúc nào, lệ sa ràn rụa.

Năm đứa con trai, đứa trước đứa sau, theo nhau lặng lẽ sà vào vòng tay của người mẹ nhỏ nhắn, xinh xắn như sà vào trong vòng tay tình nhân, bất động, mảy may không một tiếng động. Anh Afeluat ra khỏi lều trước tiên, ôm các anh em trai trong thinh lặng, chung quanh lặng như tờ, họ đứng trơ như vừa bị điểm huyệt. 

Anh em từng người một bò vào lều, quỳ xuống và sờ nhẹ vào đỉnh đầu của cha già, lâu lắm rồi cha con mới gặp lại nhau, lão nhân cũng vui mừng, cảm động không cầm lòng được, ràn rụa nước mắt trên đôi má. 

Thế rồi họ tay bắt mặt mừng với anh José, rồi nắm tay tôi kêu lên: “Chị Tam Mao.”

“Anh chị đây là anh em mình, không phải là người ngoài.” Anh Afeluat hào hứng nói, mọi người đều trùm khăn, trông giống y như anh Afeluat, dung mạo và thân thể cực kỳ đẹp, làm nổi rõ chiếc miệng với hàm răng trắng đều.

Tôi thấy là khi họ muốn cởi áo chiếc áo chùng sa mạc ra, họ nhìn anh Afeluat như hỏi ý, anh Afeluat gật đầu.

Khi họ đã nhẹ nhàng cởi áo chùng ra, năm bộ quần áo du kích màu vàng, đột nhiên bốc sáng như lửa, làm nhói cả đôi mắt tôi. 

Anh José và tôi không có thời gian nào để nhìn nhau, cả hai chúng tôi đã biến thành tượng đá. Tôi cảm thấy như tôi bị lừa, máu của toàn thân tôi, như chỉ bằng một nhát cọ, sơn đỏ cả mặt tôi, anh José cũng đứng trơ ra đó. 

“Anh José, xin anh đừng hiểu lầm, hôm nay đơn thuần chỉ là một ngày gia đình đoàn tụ, chứ không có ý nào khác, tôi ngàn vạn lần xin lỗi, và ngàn vạn lần xin anh hiểu cho tôi.” Anh Afeluat vội vàng giải thích, mặt đỏ gay. 

“Chúng nó tất là waladi, xin đừng giận, anh José, chúng nó là waladi của tôi.” Trong những lúc như thế này chỉ có người phụ nữ, như nước làm rã đất, mới khai thông được bế tắc. (Waladi có nghĩa là con trai.)

Tôi đứng dậy, đi ra ngoài với bà Yasmin để cắt thịt dê, rồi nghĩ lại, tôi vẫn còn thấy bức bối trong lòng không còn chịu đựng được nữa, tôi quay phắt lại lều và nói thẳng vào mặt anh Afeluat: “Anh Afeluat, anh đã đánh lừa chúng tôi, sao mà anh có thể trơ mặt bóng mà làm được cái chuyện táo bạo như vậy?”

“Xin thú thật, quả thực Afeluat ra khỏi thị trấn không phải dễ, tuy nhiên cũng không khó đến nổi cần phải dùng mánh lới đặc biệt mới ra khỏi được, thật ra anh em chúng tôi đều biết anh, chị, Afeluat thường nói cho chúng tôi biết về anh, chị, thế là, vì chúng tôi chẳng mấy khi đoàn tụ đông đủ như thế này, nên tôi yêu cầu Afeluat mời anh, chị, xin anh, chị đừng hiểu lầm, chúng ta hãy kết bạn tâm giao với nhau dưới căn lều này.” Một người anh của Afeluat bắt tay anh José, thành thật giải thích, rốt cục, anh José như được cởi gánh nặng khỏi vai. 

“Đừng nói chuyện chính trị!” Bỗng nhiên ông già nói như hét. 

“Hôm nay uống trà, ăn thịt, mọi người trong gia đình hôm nay hãy hưởng cái tình thương trong cuộc sống thường ngày trước đây của chúng ta, ngày mai đây mỗi người lại ra đi mỗi người mỗi ngã.” Người anh thứ nói thế, rồi đứng dậy, sải bước ra khỏi lều đón lấy bình trà mà cô em gái mang đến.

Buổi chiều gần như mọi người trong nhà đều làm việc gì đó tuỳ theo gia đình cần, lượm những nhánh củ khô chất thành đống cao, lùa dê vào chuồng, anh em trai và anh José, thay cho một nhà toàn những người già, yếu làm một cái lều cho mẹ, em gái ngủ, lấy giây da cột gầu, xây bức tường đá chắn gió, nâng cao lò bếp, lấy da dê làm gối, ông lão còn vui vẻ kêu người anh trai cả cắt tóc cho ông. 

Trong số anh em trong nhà, người anh lớn thứ hai của anh Afeluat là người đã làm và giúp đỡ nhiều nhất, nhưng lối đi, cử chỉ, tướng mạo oai phong, lôi cuốn của một vương tử, nói năng lễ độ, dịu dàng, binh phục cũ, mòn nhưng không thể che mất ánh hào quang từ anh phát ra, nhãn thần tập trung, sắc bén, cơ hồ làm cho người ta chẳng dám nhìn thẳng vào mặt anh, khuôn mặt chín chắn, thuần nhã và đẹp đẽ, mà trong đám dân Sahwari không ai có được. 

“Tôi đoán là các anh sắp sửa gây ra một vài biến động trong thị trấn.” Anh José đang bó củi, từ phía ngược gió, nói với anh em của anh Afeluat.

“Ừ, ngày phái bộ của Liên Hiệp Quốc tới, chúng tôi sẽ trở lại đó, chúng tôi đặt hi vọng vào Liên Hiệp Quốc và chúng tôi sẽ cho Liên Hiệp Quốc biết người dân Sahwari sẽ tự mình quyết định phải làm gì cho Đất Nước mình.”

“Các anh coi chừng bị bắt đó!” Tôi nói chen vào.

“Có dân giúp đỡ, thì khó mà bắt được chúng tôi, bao lâu không gặp xui xẻo, thì chuyện bắt chúng tôi không phải dễ.”

“Các anh có vẻ lý tưởng quá, và đầy những ý tưởng lãng mạn trong việc xây dựng Đất Nước, các người sẽ làm gì khi các người có Độc lập? Với một nửa dân của thị trấn là bọn côn đồ, tôi sợ là các anh phải bó tay chịu thua.” Tôi ngồi trên đất ôm lấy con dê nhỏ nói với những người đang còn làm việc. 

“Bước đầu tiên là phát triển và giáo dục người dân trong nước.”

“Ai sẽ đứng ra làm cái chuyện phát triển? Ngay cả đem hết dân số của Tây Sahara là bảy chục ngàn người ra mà án ngữ biên giới bao la để ngăn cho quân Ma rốc, thì cũng không xuể, còn nếu phải sa vào cái cảnh phải nhận Algeria làm nước bảo hộ, thì tình hình càng trở nên tồi tệ hơn bây giờ.”

“Chị Tam Mao, chị quá bi quan đấy!”

“Còn các anh thì quá lãng mạn, đánh du kích thì còn được, chứ lập quốc thì chưa đúng thời cơ.”

“Cứ gắng hết sức mình, không tính chuyện thành, bại.” Bọn họ bình tĩnh trả lời.

Công việc nhà kể như xong, bà Yasmin từ xa gọi mọi người vào chiếc lều mới dựng để uống trà nóng, thảm đã được trải sẵn sàng trên nền đất. 

“Afeluat, mặt trời lặn rồi.” Bà Yasmin nhìn mặt trời và lo lắng nói với anh Afeluat. Cái vẻ lưu luyến không muốn rời gia đình lan toả trên khuôn mặt mệt mỏi của anh.

“Nhanh lên! Chúng ta phải ra đi ngay, trước khi trời tối hẳn.”

Tôi liền đứng dậy, bà Yasmin thấy chúng tôi sắp đi, ngừng một lúc khá lâu cánh tay đang còn lơ lững cầm bình trà, rồi mới đặt xuống, đoạn hối hả lấy cái đùi thịt dê.

“Hai anh chị không thể nán lại một chút nữa hay sao?” Bà nhẹ nhàng nói, gần như năn nỉ.

“Thưa bà, chúng con sẽ trở lại thăm mà!” Tôi nói.

"Tôi biết là sẽ không có lần sau nào cả. Đây là lần cuối cùng, anh José và chị sẽ rời xa Sahara mãi mãi. '' Bà Yasmin nói nhỏ.

“Trong trường hợp mà có Độc lập, chúng tôi sẽ quay trở lại.”

“Tôi sẽ không có Độc lập đâu, người Ma rốc sắp đến rồi, các con tôi cứ mơ tưởng hão huyền…” Lão nhân lắc đầu tóc bạc, buồn buồn nói. “Đi đi thôi, chưa chi mà mặt trời đã lặn!” Ông thúc các con ông lên đường, ông chậm rãi đưa chân chúng tôi, một tay khoác lên anh José và tay kia lên anh Afelua.

Tôi xoay người cầm cái đùi dê bỏ lên xe, rồi quay lại lặng lẽ ôm bà Yasim và hai con gái nhỏ của bà, và ngẫng đầu đăm đăm nhìn những người anh của anh Afeluat, biết bao nhiêu điều không nói trong cái nhìn vô vọng ấy của các anh ấy và của tôi. Suy cho cùng, chúng tôi là những con người thuộc về hai thế giới khác nhau.

Tôi đang chuẩn bị lên xe thì người anh thứ của anh Alfeluat đột nhiên tiến đến, nắm tay tôi thật ân cần và khẽ nói: ”Chị Tam Mao, tôi xin cảm ơn cô vì cô đã chăm sóc cho Shahida. “

“Shahida?” Tôi ngạc nhiên. “Làm sao mà anh ta biết cô Shahida? 

“Shahida là vợ của tôi. Tôi một lần nữa xin giao phó sinh mạng của vợ tôi trong tay chị.”  

Đôi mắt anh lúc này chợt đượm nét dịu dàng lẫn nỗi buồn sâu thẳm, chúng tôi nhìn nhau và cùng chia sẽ một bí mật, trong chạng vạng, anh cười buồn. Tôi đứng lặng người chôn chân một chỗ, nhưng anh, anh quay lưng sải bước, anh đi rồi, tôi phóng xe đi. Làn gió mát đầu tiên của buổi tối khiến tôi rùng mình. 

“Anh Alfeluat, cô Shahida thực sự là vợ của anh trai thứ hai của anh?” Trên đường về, tôi tĩnh dậy như từ một giấc mơ, hỏi, và anh kín đáo khẽ gật đầu, lòng tôi thở phào khoan khoái và nói thầm trong lòng: “Có vậy chứ, chỉ có một người đàn ông như vậy mới xứng với Shahida, thì ra trong Đất Nước này vẫn còn có một người nam Sahrawi xứng đáng với cô ấy.”

“Cô ấy là người vợ duy nhất của Bassiri, lấy nhau, than ôi, đã bảy năm rồi!” Anh buồn bã gật đầu, trong lòng anh có lẽ cũng đang thầm yêu Shahida!

“Bassiri à?” Anh José đạp phanh cái rít, hỏi mà như hét.

“Bassiri! Anh trai thứ của anh là Bassiri?” Tôi cũng hét lên, toàn thể máu trong người tôi sôi lên sùng sục, thủ lĩnh du kích khi ẩn khi hiện, gieo bao kinh hoàng cho bao nhiêu người, và đầy quyền uy của người Sahrawi trong bao năm nay, lại chính là người vừa gọi tên Shahida, và nắm tay tôi.

Chúng tôi choáng váng đến mức không nói nên lời.

“Cha mẹ của anh hình như không biết cô Shahida.”

“Tôi không thể biết được điều nầy, chị Shahida là người Công giáo, cha tôi sẽ giết Bassiri nếu ông ấy biết. Hơn nữa, anh Bassiri luôn sợ người Ma rốc sẽ cướp chị Shahida để làm con tin tống tiền anh ấy, anh ấy không nói cho người ngoài biết.”

“Du kích bị tấn công ba mặt, vừa phải đánh Ma rốc, vừa phải chống lại Tây Ban Nha, lại phải đề phòng Mauritania ở phía Nam, cuối cùng cũng sẽ bị kiệt quệ và chẳng nên cơm nên cháo gì!“ Anh José gần như khẳng định như thế về kết cục của niềm mơ ước mà quân du kích lâu nay hằng theo đuổi.

Tôi thẫn thờ nhìn sa mạc đang bay ngược, nghe anh José nói vậy, tôi chợt nghĩ đến câu trong truyện “Hồng Lâu Mộng/Giấc mơ lâu đài đỏ:

*遁入空門         

Khám phá đích, tuần nhập không môn,

Biết ra được ư, trốn vào cửa không

痴迷的枉送了性命

Si mê đích, uổng tống tính mệnh,

Ngu, mê ư, uổng mất mạng

好一似食盡鳥投林

Hảo nhất tự, thực tận điểu đầu lâm,

Thật giống (như) ăn chim hết, vứt vào rừng

落了片白茫茫大地真乾淨

Mãn liễu phiến bạch mang mang đại địa chân can, tịnh!

Rơi xuống rồi (trên) tấm đất lớn mênh mông, thật khô, ráo!

*Nguyên văn là 看破: khán phá, e không đúng

Tôi lòng ủ dột. Không biết tại sao, tôi đột nhiên cảm thấy anh Bassiri sắp sửa tàn đời, loại trực giác này thường xuyên xuất hiện trong cuộc sống của tôi, và chưa bao giờ sai, trong một thoáng tôi cảm thấy lạnh người và tôi nhìn đăm đăm ra ngoài cửa sổ xe, nghĩ đến điềm gỡ mà không biết phải làm gì đây.

“Tam Mao, có chuyện gì vậy?” Anh José đánh thức tôi khỏi cơn mơ mòng.

“Em nằm nghỉ một lát, hôm nay đủ thứ chuyện xảy ra!” Tôi co mình, đắp chăn, cảm thấy buồn nản, không cách gì thư thái được.

Vào ngày phái bộ quan sát và hoà giải của Liên Hiệp Quốc bay đến Sahara, thống đốc Tây Ban Nha liên tục bảo đảm với người Sahrawi rằng họ có thể tự do bày tỏ lập trường của mình, miễn là họ giữ trật tự, Tây Ban Nha sẽ không bao giờ gây khó dễ cho họ, và khẳng định lại quyền tự quyết cho dân Sahrawi vốn đã được thảo luận cách nay hơn hai năm.  

“Tôi hi vọng họ không hứa cuội, nếu tôi  là chính phủ, thì tôi sẽ không hào phóng đến mức như vậy đâu!” Tôi, lòng thấy lo lắng.

“Chủ nghĩa thực dân đang trên đà sụp đổ, không phải Tây Ban Nha hào phóng gì đâu, Tây Ban Nha cũng sẽ sụp đổ ở đây.” Thời gian gần đây anh José cứ cạu cọ mãi như thế.

Phái bộ của Liên Hiệp Quốc gồm ba thành viên đến Tây Sahara là đại biểu của cả ba quốc gia: Iran, Bờ Biển Ngà và Cuba.

Đoạn đường từ sân bay về thị trấn, từ sáng sớm đã đầy người Sahrawi, họ mặt đối mặt với cảnh sát Tây Ban Nha, lặng lẽ chờ đợi đoàn xe.

Khi Thống đốc tháp tùng phái bộ trên một chiếc ô tô mui trần và bắt đầu vào thị trấn, những người Sahrawi ở đây, khi có người ra hiệu lệnh, thì tất cả đồng thanh hô vang như sấm: “Dân tộc tự quyết, dân tộc tự quyết, xin ban cho chúng tôi quyền dân tộc tự quyết, xin ban cho chúng tôi, xin ban cho chúng tôi…“

Những lá cờ du kích lớn nhỏ được khâu lại bởi hàng ngàn mảnh vải vụn được phất lên, bay như một luồng gió dữ, đàn ông, đàn bà và trẻ em nhảy múa cuồng nhiệt, lòng đầy ắp hy vọng. La hét, khóc lóc, như trời sập đất lở, cùng với những chiếc xe chạy chậm chạp, sa mạc Sahara đang gầm rú, đứng lên đấu tranh, đấu tranh trận này là trận cuối…

“Dân ngu mà cứ nói chuyện đội đá vá trời!” Tôi đứng trên sân thượng của người bạn trong thị trấn thở dài đau đớn, có điều gì gần như niềm tuyệt vọng rơi âm thầm rơi xuống trong tôi, họ đã lấy mạng sống mình mà chiến đấu như một con thiêu thân lao vào ngọn lửa, nhưng vẫn chưa thấy được cái ngày trong sáng mà họ hằng ước mơ.

Chính phủ Tây Ban Nha biết rõ tình hình rõ hơn người dân Sahrawi vạn lần, cứ để cho họ tự mình bám lấy Liên Hiệp Quốc, không ngăn cản cũng không phản đối, rồi rốt cuộc, Tây Ban Nha sắp tháo chạy, thì ai sẽ đến đây thay thế? Kẻ ấy không phải là Bassiri, anh ta không bao giờ sẽ được làm lãnh đạo của một quốc gia nhược tiểu chỉ có 70.000 người này.

Phái bộ của Liên Hiệp Quốc vội vàng rời Tây Sahara và hướng về Ma rốc. Người Sahrawi và người Tây Ban Nha trong thị trấn lại thân thiết đến lạ lùng, thậm chí còn thân thiết hơn xưa. Tây Ban Nha, nghe Ma rốc hô hào chiến đấu, liền thành khẩn hứa hẹn với cho người Sahrawi là Tây Ban Nha  sẽ nhanh chóng thực hiện quyền quốc gia tự quyết cho họ, hai bên khách chủ, dưới sự đe dọa của tiếng trống chiến tranh dồn dập từ Ma rốc dội đến, đã hợp tác chặt chẽ như anh em. Mấu chốt nằm ở Ma rốc, chứ không phải ở Tây Ban Nha. Ngược lại, đối với cô Shahida, ngày nào u ám ngày ấy, cô không phải là người ngây thơ, cô nhìn rõ tình hình hơn ai hết, trong khi đó người Sahwari cứ lạc quan tếu.

(Xem tiếp phần 3)

Tam Mao 

 三毛

(1943 – 1991, Đài Loan)