22 October 2022

LẠC ĐÀ KHÓC (3) - Tam Mao 三毛 | Nguyễn Văn Thực dịch

Đọc (Phần 2)

(Phần 3 -Tiếp theo và hết)

“Ma rốc ư? Nếu Liên Hiệp Quốc nói rằng phải trao Tây Sahara cho dân tộc chúng tôi tự quyết lấy thì Ma rốc không cần phải sợ hãi. Ma rốc, họ tự cho họ là ai? Còn nếu không, Tây Ban Nha sẽ phải  đưa Ma rốc ra tòa án La Haye!”

Vào ngày 17 tháng 10, sau không biết bao nhiêu ngày tranh tụng về vấn đề Tây Sahara, và bị thúc dục rất nhiều lần, cuối cùng Tòa án Quốc tế ở La Haye mới đưa ra phán quyết đã được chờ đợi từ lâu.

“Chúng ta đã chiến thắng! Chúng ta đã  chiến thắng! Hy vọng đã vươn lên, hoà bình đã đến cho dân tộc Sahrawi !“ Người Sahrawi trong thị trấn khi nghe đài phát thanh như thế, họ lấy hết mọi thứ có thể đập được đưa ra đập, và nhảy và la hét như điên, người Tây Ban Nha và Sahrawi, khi gặp nhau, bất kể họ có quen biết hay không, cứ ôm nhau. Họ cùng cười, cùng nhảy múa và ăn mừng như điên trên khắp đường phố. 

“Em có thấy không: nếu Tây Ban Nha giải quyết được chuyện sống chung hòa bình với nhau trong tương lai, chúng ta sẽ ở lại đây?“ Anh José ôm tôi cười sung sướng, nhưng tôi vẫn lo lắng, không hiểu sao tôi cứ cảm thấy thảm họa đằng nào cũng sắp xảy ra.

“Mọi chuyện sẽ không đơn giản như vậy, và đây không phải như con nít chơi trò chơi gia đình.” Tôi vẫn không chịu tin.

Vào ngay buổi tối hôm Toà án La Haye đưa ra phán quyết, xướng ngôn viên của Đài phát thanh Sahara đột nhiên đau đớn đưa tin: “Vua Hassan của Ma rốc kêu gọi quân tình nguyện tập họp lại, và bắt đầu từ ngày mai, họ sẽ tiến quân một cách hòa bình về phía Tây Sahara.”

Anh José vỗ bàn và bật dậy.

“Quyết chiến!” Anh hét lên, và tôi, tôi vùi mặt vào lòng mình.

Điều kinh hoàng là quỷ vương Hassan chỉ mong kiếm được 300.000 người tình nguyện, thế mà ngày hôm sau đã có 2 triệu người ghi danh xin đi. 

Bản tin truyền hình buổi tối ở Tây Sahara bắt đầu chiếu phóng sự về cuộc tiến quân trong hòa bình về biên giới ấy: “Ngày 23 tháng Mười, phải chiếm cho được El Aiún!”  Bọn Ma rốc oà ra như ong vò vẽ vỡ tổ, họ ồn ào theo nhau, bước những bước đầu tiên, vừa đi vừa nhảy múa, từ từ tiến đến gần biên giới, trông thật dễ sợ, và từng bước, từng bước họ dẫm vào trái tim chúng tôi, những người bên này biên giới đang xem truyền hình cảnh họ tiến ra biên giới.  

“Nhảy, nhảy, nhảy cứ nhảy cho chết cha chúng mày đi, cái lũ khốn nạn!” Tôi hét, tôi chửi cái đám đàn ông, đàn bà đang nhảy, múa, vỗ tay trên TV.

“Quyết chiến!” Mọi anh hùng của Quân đoàn Sa mạc điên cuồng lái xe về phía biên giới, và biên giới ấy chỉ cách thị trấn El Aiún 40 km.

Vào ngày 19 tháng 10, người Ma rốc tình nguyện ra biên giới tăng chứ không có giảm.

Ngày 20 tháng 10, mũi tên trong bản đồ trên báo chí chỉ bước tiến của quân Ma rốc dài thêm.

Ngày 21 tháng 10, chính phủ Tây Ban Nha bất ngờ dùng loa phát thanh trên đường phố, kêu gọi khẩn cấp di tản phụ nữ và trẻ em Tây Ban Nha.

“Tam Mao, phải chuồn thôi, nhanh chân lên, muộn quá rồi.” Những người bạn từ thị trấn, đồ đoàn bị mất hết, vội vàng đến chào tạm biệt tôi rồi chạy ra phi trường.

“Tam Mao, nhanh lên, nhanh lên.” Mọi người họ nhìn thấy tôi, ghé lại hối hả gõ cửa, rồi nhảy lên xe, phóng đi.

Cảnh sát Tây Ban Nha trên đường phố đột nhiên không thấy đâu nữa, cả thị trấn trống không, ngoại trừ đám đông bên ngoài cổng hãng hàng không. 

Tại thời điểm nguy cấp này, anh José đã ngày đêm túc trực trên bờ kè nổi của Công ty Khai thác phốt phát để giúp di tản vũ khí, đạn dược và lính của quân đoàn, nên không thể về nhà để xoay xở cho tôi.

Vào ngày 22 tháng 12, một lá cờ Ma rốc đã bất ngờ được kéo lên trên sân thượng nhà của anh Hamdi/Hamđi, và sau đó những lá cờ Ma rốc khác bắt đầu tung bay trong một vài nơi khác trong thị trấn.

“Hamdi, anh trở cờ nhanh quá vậy?” Tôi nhìn anh ta, và tôi gần như bật khóc.

“Tôi có vợ con. Cô muốn gì ở tôi? Bộ cô muốn tôi chết hay sao?”

Tôi ngạc nhiên sợ hãi khi thấy đôi mắt của con nhỏ Gueiga sưng lên như hạt trái hồ đào, tôi hỏi: “Gueiga, em...”

“Chồng tui, anh Abeidy đã bỏ đi theo du kích mất rồi.”

Tôi nói: “Người can đảm không thể sống buông xuôi, còn không thì phải sống lưu vong.”

Anh José tiếp lời: “Nhớ đóng cửa cho kỹ, và phải hỏi cho rõ ràng là ai thì mới mở cửa. Người Ma rốc sẽ không đến vào ngày mai, họ còn lâu mới đến đây được! Vé máy bay của em, anh đã nhờ đặt giùm, anh sẽ không bỏ em một mình, anh sẽ quay lại khi thuận tiện, nếu tình huống trở nên tồi tệ, em cứ xách vali nhỏ mà chạy ra sân bay, anh sẽ kiếm cách gặp lại em, can đảm lên.” Tôi gật gật đầu, anh José mở to đôi mắt có những tia máu đỏ, và hơn trăm dặm trở lại, công ty phốt phát tổng động viên toàn thể nhân viên, phối hợp với quân đội, chuyên chở những thứ đáng giá nhất bốc lên tàu hàng, không một nhân viên nào bị khiển trách bỏ nhiệm sở hay phàn nàn vào lúc này. Tất cả các tàu dân sự Tây Ba Nha ở quần đảo Canari đã đến đợi bên ngoài giàn nổi.

Đêm đó, khi tôi đang ở nhà một mình thì có tiếng gõ cửa nhè nhẹ.

“Ai đó?” Tôi bật đèn và lớn tiếng hỏi.

“Shahida đây, chị mở cửa mau!”

Tôi bước vội ra mở cửa, Shahida lao vụt vào, và theo sau là một người đàn ông che mặt cũng vụt vào, tôi lập tức đóng cửa và khóa chặt cửa lại.

Khi bước được vào nhà, Shahida run lên vì quá sợ hãi, và chéo tay ôm vai mình, tôi nhìn đăm vào người lạ kia đang gục trên chiếu và thở hổn hển, ông ta từ từ cởi khăn trùm đầu ra, rồi gật đầu mỉm cười với tôi… Bassiri!

“Các người thật liều lĩnh, cái anh chàng Hamdi hàng xóm đã theo người Ma rốc rồi.” Tôi bật dậy và tắt đèn rồi đẩy họ vào phòng ngủ không cửa sổ. “Sân thượng nhà này là nơi người ta hay tụ tập, trên nóc có một lỗ thủng, họ có thể nhìn thấy chúng ta ở phòng ngoài này.” Tôi đóng chặt cửa phòng ngủ, rồi bật ngọn đèn nhỏ cạnh giường lên.

“Có gì cho tôi ăn với!” anh Bassiri nthở dài, cô Shahida chuẩn bị đi vào bếp, tôi nói:

“Để tôi đi kiếm xem có gì ăn không, cô cứ ở trong buồng.” Tôi lặng lẽ ấn cô ta ngồi xuống.

Bassiri rất đói, nhưng anh chỉ ăn được mấy miếng, và không thể ăn thêm được nữa, rồi anh thở dài, một hình nhân có khuôn mặt hốc hác, tiều tuỵ của một người chí lớn không thành. 

“Anh trở lại đây để làm gì? Vào lúc này?”

“Thăm vợ tôi!” anh Bassiri nhìn cô Shahida và lại thở dài.

“Biết trước rằng ngày tiến quân hòa bình của người Ma rốc sẽ bắt đầu diễn ra trong một ngày rất gần, tôi liền vội vã ngày đêm từ Angeria trở về nước, tôi đã đi suốt nhiêu bao ngày nay ...”

“Anh đi một mình?”

Anh ta gật đầu.

“Còn những người du kích khác đâu?”

“Họ chạy ra biên giới để chặn người Ma rốc.”

“Tất cả có bao nhiêu du kích?»

“Chỉ có hai nghìn người. “

“Có bao nhiêu người của anh đang ở trong thị trấn này?”

“Tôi e rằng bây giờ không có một mống nào mà không co chân chạy có cờ vì sợ hãi, than ôi, lòng người! Tôi phải rời khỏi đây trước giờ thiết quân luật.” anh Bassiri nói rồi đứng bật dậy.

“Anh Afeluat đâu?”

“Lát nữa chúng tôi sẽ gặp hắn.”

“Gặp ở đâu?”

“Tại nhà một người bạn.” Anh thở dài, cô Shahida lập tức hỏi:

“Bạn anh có đáng tin không vậy? Vào giờ này, mà anh vẫn tin tưởng vào bạn bè của anh được à?”

Anh Bassiri gật đầu.

Tôi thầm cân nhắc một lúc, rồi kéo ngăn kéo ra, lấy ra một chiếc chìa khóa: “Anh Bassiri, đây là một căn nhà trống do một người bạn tặng cho tôi, cạnh quán rượu, có mái nhà hình bán nguyệt và sơn màu vàng tươi, không lầm vào đâu được. Nếu không có nơi nào để cho anh ở, thì anh hãy đến đó mà trốn, đây là một ngôi nhà của người Tây Ban Nha, và sẽ không ai nghi ngờ đâu. “

“Tôi không muốn cho cô liên luỵ vào, tôi không thể đến đó ở được.”

Anh ta từ chối lấy chìa khóa, nhưng Shahida cứ cầu khẩn anh ta mãi: “Nếu anh nhận lấy chìa khóa, thì dầu gì anh cũng có một nơi mà ẩn thân, trong thị trấn đâu đâu cũng có gián điệp của Ma rốc. Anh cứ nghe theo lời cô Tam Mao, cô ấy tính thế, không sai đâu. “

“Tôi còn có một nơi khác để đến.“

“Này cô Tam Mao, Shahida vẫn còn một số tiền, và nhờ đó sau này sẽ tự xoay xở được. Bây giờ xin cô đưa cô ấy đi khỏi đây, rồi hẵng tính. Các dì phước sẽ đưa đứa con đi. Mẹ và con đi hai đường, thì sẽ không thu hút sự chú ý. Bọn Ma rốc biết rằng tôi vốn có vợ, con ở trong thị trấn này.“

“Con?” Tôi sững sờ nhìn cô Shahida.

“Tôi sẽ giải thích cho cô sau.” Và cô Shahida hối thúc chồng mình ra đi, run lẩy bẩy đến nổi nói không ra lời. 

Anh Bassini ôm mặt cô Shahida, lặng thinh nhìn vài giây, thở dài thật dài, nhẹ nhàng vuốt tóc cô, đoạn đột ngột xoay người và sải bước đi ra .

Cô Shahida và tôi nằm im thin thít, một đêm mất ngủ đã qua, trời đã rạng sáng và cô đòi đi làm.

“Hôm nay con của chúng tôi sẽ lên đường đi Tây Ban Nha với các dì phước, và tôi phải đi gặp cháu.” 

“Chiều, tôi sẽ tìm cô, khi có tin là mua được vé, tôi và cô sẽ rời đây ngay.” 

Cô gật đầu như mất hồn, rồi chậm chậm bước ra khỏi nhà. 

“Chờ một chút, tôi lái xe đưa cô đi.” Nãy giờ tôi quên khuấy là mình vẫn còn có xe đậu ở nhà. 

Sau một ngày hôn hôn mê mê, vào khoảng 5 giờ chiều tôi lái xe đến bệnh viện, lên xe thì thấy xăng sắp hết nên phải đổ xăng trước, sau một đêm mất ngủ, tôi cảm thấy đầu choáng váng, tai lùng bùng, mồ hôi chảy, người yếu ớt như thể sắp ngã bệnh, mơ mơ hồ hồ lái xe, thế là tông vào cái cổng chắn ở ngoài thị trấn, sợ toát mồ hôi lạnh, tôi thắng kít xe lại.

“Tại sao, lại có chốt chặn ở đây?” Tôi hỏi một người lính Tây Ban Nha đang canh gác. 

“Có chuyện không lành đã xảy ra, người ta đang chôn cất người.”

“Tại sao chôn người mà lại phải kiểm soát giao thông!” Tôi mệt mỏi muốn chết, hỏi. 

“Người chết đó là Bassiri, thủ lãnh du kích!”

“Anh… anh nói láo” Tôi hét lên.

“Thật mà, tôi nói dối với cô mà làm gì?”

“Nhầm, chắc chắn là nhầm.” Tôi lại hét.

“Làm sao có thể nhầm lẫn được? Mặt của tên chỉ huy, em trai hắn nhận ra mà, sau khi nhận mặt anh mình, anh ta bị nhốt lại, không biết đã được thả hay chưa?”

“Làm sao có thể như thế được? Làm sao có thể như thế được?” Tôi gần như cầu xin người lính trẻ phủ nhận sự thực anh ta vừa nói.

“Người của ông ta đã chiến đấu và ông ta đã bị giết hết, than ôi, máu thịt tùm lum, mặt mũi nát bét!”

Tôi phát run lên, đang tính lui xe, thì đụng sạp hàng chắn lối không cách gì lùi được. 

“Tôi bị xây xẩm, anh làm ơn de xe giùm tôi.”

Tôi khẽ khàng bước xuống xe và kêu anh lính giúp tôi, anh ta nhìn tôi lạ lẫm rồi mới thuận de giùm xe. “Chị phải cẩn thận! Đi rồi nhớ quay về ngay! “

Tôi run rẫy cả người và người cứ run mãi cho đến khi tới bệnh viện, và thất thểu bước ra khỏi xe, khi thấy người ông lão gác cổng, tôi hỏi mà không thành tiếng.

“Ông có biết cô Shahida giờ đang ở đâu không?”

“Đi mất rồi!” Ông ta im lặng nhìn tôi.

“Đi mất rồi, mà cô ta đi nơi nào, ông có thấy là cô ta cố tìm tôi không?” Tôi kinh hãi lắp bắp hỏi ông ta. 

“Tôi không biết.”

“Còn mấy bà phước thì sao? “

“Mấy dì dẫn theo một vài đứa trẻ và ra đi từ sáng sớm.”

“Cô Shahida có còn ở trong ký túc xá không?”

“Không, tôi đã nói là không. Hơn ba giờ chiều, cô ấy mặt mày trắng bệch lẵng lặng ra đi.”

“Còn anh Afeluat đâu?”

“Làm sao mà tôi biết được.” Người gác cổng sốt ruột  trả lời, tôi không còn cách nào khác là phải rời khỏi nơi này, tôi lái xe vòng vòng quanh thị trấn, tới một trạm xăng khác và đổ xăng như một kẻ mộng du. “Thưa bà, bà phải đi ngay! Vài ngày nữa người Ma rốc sẽ tới đây.”

Tôi chẳng thèm để ý tới những người ở cây xăng và cứ chạy xe vòng vòng khu vực gần đồn cảnh sát hỏi thăm người ta.

“Ông/bà có thấy ông Afeluat ở đâu không? Ông/ bà có thấy ông Afeluat không?”

Mọi người đều buồn bã lắc đầu.

Cảnh sát Sahrawi đã bị giải tán vài ngày trước đây.

Tôi lái xe một lần nữa đến công viên nơi người Sahrawi hay tụ tập, và trong một cửa hàng cửa mở một cánh, có một người đàn ông trọng tuổi mà tôi trước đây tôi thường hay mua hàng.

“Xin lỗi ông, ông có gặp cô Shahida ở đâu không? Và anh Afeluat nữa, ông có gặp không?“

Ông già nhẹ nhàng đẩy tôi ra vì sợ hãi, và thở dài. 

“Xin vui lòng cho tôi biết….”

“Dẹp cái chuyện này đi! Mắc mớ gì đến cô mà cô cứ hỏi.”

“Ông mà nói, thì tôi sẽ rời đây mà đi ngay lập tức, không làm phiền ông nữa, tôi hứa với ông.” Tôi van xin ông  ta. 

“Tối nay, mọi người sẽ tụ tập để xét xử Shahida.” Ông ta len lén nhìn quanh và nói.

“Tại sao lại xét xử? Tại sao?” Tôi đâm ra sợ hãi và chẳng biết phải làm gì.  

“Cô ta đã bán đứng thủ lãnh Bassiri, cô ta báo với người Ma rốc là thủ lãnh Bassiri đã trở lại, bọn gián điệp Ma rốc mai phục ở trong một con hẻm và họ đã tóm được thủ lãnh Bassiri một cách ngon lành.”

“Không thể như thế được, ai đã nhốt cô ta, tôi sẽ  đi khai với họ, cô Shahida đã ở nhà tôi đêm hôm qua, cô ta không thể làm chuyện đó được, và nhất là cô ta chính là vợ của thủ lãnh Basssiri….”

Ông già lại nhẹ nhàng đẩy tôi ra khỏi quán, tôi trở lại xe, gục mặt xuống vô lăng và mệt tê cứng người.

Tôi trở lại cửa nhà, con nhỏ Gueiga từ trong đám người đang tụ tập hóng chuyện lập tức chạy về phía tôi. “Vào đây, tui sẽ nói cho cô nghe chuyện này.” Con nhỏ đẩy tôi vào nhà.

“Ông Bassiri đã chết rồi, em phải nói rõ cho tôi vụ này. “ Tôi vừa đi vòng qua vòng lại trong nhà vừa nói.

“Không phải chỉ có thế, bọn họ sẽ còn giết cả cô Shahida tối nay.” 

“Vậy hả, mà sẽ giết ở đâu?”

“Tại là lò sát sinh người ta giết thịt lạc đà.” Con nhỏ Gueiga hoảng sợ nói.

“Bọn họ là những ai?”

“Gã Ajyeiba và đồng bọn.”

“Chúng nó cố tình vu oan giá hoạ cho cô ấy. Tối qua cô Shahida đã ở nhà tôi mà.” Tôi lại nói như hét.

Con nhỏ Gueiga ngồi lặng thinh, vẻ mặt hoảng hốt như một con đần .

“Gueiga, em xoa bóp cho tôi một chút! Tôi đau nhừ cả người. Trời ơi là Trời! Trời ơi là Trời!” Tôi nằm dài úp mặt trên đất thở dài thườn thượt. 

Con nhỏ Gueiga cúi xuống bên cạnh tôi và xoa bóp cho tôi.

“Bọn chúng hô hoán: mọi người hãy đến mà xem.” Con nhỏ Gueiga nói.

“Buổi tối mà vào lúc mấy giờ?”

“Tám giờ rưỡi, chúng hô hào mọi người hãy đến mà xem, và nói rằng nếu có ai không muốn đi thì nói cho kẻ đó biết rằng vụ xử tội tối nay không đẹp không ăn tiền.”

“Cái thằng Ajyeiba theo tụi Ma rốc, em không biết à?”

“Cái thằng không khốn kiếp, cái thằng du côn!” Con nhỏ Gueiga nói.

Tôi nhắm mắt lại, đầu óc quay cuồng như đèn cù, ai có thể cứu được cô Shahida, các bà dì phước ra đi mất rồi, quân đội Tây Ban Nha thì bất cần, anh Afeluat cũng đã bỏ đi, tôi thì tôi bó tay, anh José sẽ không trở về nhà vào lúc này, chẳng có ai để mà bàn bạc, tôi hoàn toàn cô đơn, tuyệt vọng.

“Mấy giờ rồi? Gueiga, em đi lấy đồng hồ cho tôi xem.”

Con nhỏ Gueiga đưa đồng hồ cho tôi, tôi nhìn đồng hồ, đã bảy giờ mười. 

“Đoàn người Ma rốc hành quân qua đây giờ hôm nay đã đi tới đâu rồi? Có tin tức gì không em?” Tôi hỏi. 

“Em không biết, nghe nói Quân đoàn sa mạc Tây Ban Nha ở biên giới đã gỡ dọn mìn, cho bọn Ma rốc vượt biên giới.”

“Một số lính của Quân đoàn Sa mạc không chịu rút lui, và cùng du kích rút vào sa mạc.” Con nhỏ Gueiga lại nói tiếp.

“Làm sao mà em biết?”

“ Ba Hamdi nói.”

“Này Gueiga, chúng ta phải nghĩ cách để cứu cô Shahida.»

“Em chịu thua, em đâu biết cách nào. “

“Tối nay tôi sẽ đi đến đó, em có đi không? Tôi sẽ làm chứng rằng cô ấy đã ở nhà chúng tôi đêm qua…”

“Cô Tam Mao, không được đâu, không được đâu! Đừng có nói, kẻo lại chuốc hoạ vào thân.” Con nhỏ Gueiga vội vàng ngăn tôi, nó gần như muốn khóc.

Tôi nhắm mắt, thân thể rã rời, đợi đến 8 giờ 30 tôi sẽ đến ngay, gì thì gì tôi cũng phải gặp cô Shahida, nếu có chuyện xét xử đàng hoàng, thì người ta phải để cho tôi tôi tranh luận với người ta, tôi chỉ sợ rằng đây là một dịp cho bọn du côn trừng phạt cô ta một cách tàn khốc chỉ vì tư thù. Như thế thì xét xử cái quái gì? Tôi chắc như đinh đóng cột là bọn nó cố tình muốn giết cô Shahida, người đàn bà mà anh chàng Ajyeiba bấy lâu nay ngày nào cũng lẻo đẽo đi theo mà chẳng được xơ múi gì. Trong thời thế loạn lạc, những sự việc vô nhân đạo như thế có thể xảy ra.

Khoảng tám giờ, tôi nghe tiếng người như thuỷ triều xô đến bên ngoài, mặt người nào người nấy đều câm lặng, trên mặt mũi trơ trơ, có người đi bộ, có người lái xe, tất cả đều đi tới lò sát sinh nằm bên thung lũng cát xa xa, bên ngoài thị trấn.

Tôi lên xe chạy chầm chậm giữa đám người Sahrawi, hết đường, thì tiếp đến cát, tôi bỏ xe lại, xuống xe, đi theo mọi người.

Lò sát sinh vào ngày thường là nơi tôi không muốn đến, ở đấy, tiếng than khóc của những con lạc đà bị giết vẫn vang vọng qua chiều dài năm tháng, thịt thối róc chưa hết và xương của những con lạc đà đã bị giết chết bị ném xuống một thung lũng cát cạn lòng. Nơi này gió luôn khắc nghiệt, ngay cả ban ngày cũng khiến người ta cảm thấy u ám, buồn bã, bây giờ hoàng hôn sắp hết, mặt trời lặn chỉ còn kéo theo một cái đuôi nhợt nhạt chiếu rọi yếu ớt phía chân trời.

Lò sát sinh là một căn phòng dài, hình chữ nhật, tường xi măng, trong bóng hoàng hôn, nó thực giống như một chiếc quan tài lớn được một bàn tay khổng lồ nào đó từ trên mấy tầng mây nhẹ nhàng đặt trên cát, nằm nghiêng nghiêng trên mặt đất toàn cát, nó làm cho người ta kinh hãi không dám nhìn thẳng vào nó.

Đã có rất nhiều người tụ tập, xem ra có vẻ náo nhiệt, giống như một bầy cừu bị lạc, xúm lại và xô đẩy nhau, đám người cũng như thế, nhưng lại im phăng phắc. 

Trước 8 giờ 30, một chiếc xe jeep cỡ vừa hối hả, dương dương tự đắc phóng về phía đám đông, mọi người vội vàng lùi lại để nhường đường. Trên chiếc ghế cao cao, bên cạnh ghế lái, cô Shahida ngồi im không nhúc nhích, cả người tái nhợt giống y như một tử thi.

Tôi đẩy người ta ra và đưa tay ra định gọi cô Shahida, nhưng, mẹ cha chúng nó, tôi không thể lại gần cô, đám đông như những con sóng dữ, dồn dập xô tôi, đẩy tôi, bao nhiêu người giẫm lên chân tôi, lúc đẩy tôi về phía trước, lúc ép tôi lùi lại sau.  

Tôi nhìn xung quanh trùng trùng người, nhưng không thấy một người nào mà tôi quen biết. Tôi nhón chân nhảy lên để xem thì thấy cô Shahida bị cái thằng Ajyeiba rị lấy tóc và kéo từ trên xe xuống. Đám đông lại ồn ào náo động, và mọi người đang tranh giành chỗ, ép nhau, đẩy về phía trước .

Cô Shahida nhắm mắt, không cử động, tôi nghĩ cô ấy rất đau lòng khi nghe tin anh Bassiri đã chết, ruột đau chín khúc, lúc này, có lẽ đang chỉ cầu xin cho mình được chết.

Các bà phước đã mang đứa con của hai vợ chồng ra đi một cách an toàn, và cô chẳng còn lưu luyến gì cái Đất Nước này nữa.

Toà án nhân dân (5) sẽ diễn ra trong ấy, trong ấy người ta sẽ tranh luận, trong ấy người ta nhắc tới thủ lãnh Bassiri của họ, trong ấy người ta nêu lên  chính nghĩa, thế mà ngay khi cô Shahida vừa bị kéo xuống, cô liền  bị một số người xé toạc mảng áo phía trước, và bộ ngực trần của cô phơi ra thật đáng thương trước không biết bao nhiêu là người.

Cô ấy ngẩng đầu lên, nhắm mắt lại, nghiến răng, không nhúc nhích. Lúc này, cái gã Ajyeiba hét lên bằng tiếng Ả rập Hassaniya, thế là đám đông nhốn nháo lên. Tôi nghe mà chẳng hiểu gì, tôi chụp lấy người đàn ông bên cạnh tôi và hỏi cô ta bị án tử hình à, ông ta lắc đầu từ chối dịch, tôi bèn chen người hỏi một cô gái, cô ta nói mà không ra tiếng: “Họ sẽ cưỡng hiếp cô ấy, hiếp xong rồi mới giết, và anh chàng Ajyeiba hỏi ai muốn hiếp cô ấy không, vì cô ấy theo Công giáo, ai mà hiếp cô ấy, thì không phải mang tội gì cả.” 

“Vậy hả! Trời Đất ơi! Hãy cho tôi đi qua, tôi phải đi tới đó.” Tôi đẩy đám người trước mặt, trong tuyệt vọng, chỉ vài bước thôi mà dài như ngàn dặm, xem ra tôi không bao giờ có thể chen qua được.

Tôi bèn nhảy dựng lên để nhìn cho được cô Shahida, cái thằng Ajyeiba và mấy đứa khác vẫn còn đang xé váy của cô ấy. Cô Shahida toan chạy, nhưng một vài người đã chồm tới, cố sức tụt váy cô ra, đánh cho thân thể gần như trần truồng của cô lăn quay trên bãi cát, vài người nhảy lại túm lấy tay và chân cô đè riết xuống, rồi giạng tay, banh chân cô ra, lúc này tiếng hét của cô Shahida vang lên như tiếng thét của một con thú hoang: “Á…! Đừng…! Đừng…! Á…! Á ...!” , tôi phải hét lên, nhưng nghẹn không hét được nữa rồi, tôi khóc mà không dám khóc thành tiếng, nhìn, nhưng  tôi nhìn không nổi, và tôi cũng không muốn nhìn nữa, nhưng tôi vẫn cố gắng hướng cái nhìn chết sững của mình về phía có cô Shahida đang bị làm nhục… “Đừng...!”, tôi nghe tiếng hét của chính mình, hét đến khản cả cổ... Lúc này, tôi cảm thấy ở sau lưng tôi có một người đang lao như một con báo, lao qua đám đông, vạch từng người từng người, và như một tia chớp, lao vào chỗ đám đầu trâu mặt ngựa đang bâu quanh cô Shahida, kéo cái thằng đang đang nằm đè trên người cô, nắm tóc của cô và kéo lê cô về hướng khu đất cao và vắng vẻ nằm phía sau lò sát sinh, sau lưng anh. Người đàn ông đó, chính là anh Afeluat. Anh tay cầm một khẩu súng lục, miệng sủi bọt như một thằng điên, anh chĩa súng vào đám đông, những kẻ đang định lao vào giật súng, bảy tám tên du côn bèn chìa dao ra, cả đám đông đồng loạt kêu lên sợ hãi, rồi bắt đầu chạy túa ra ngoài. Tôi cố hết sức để tiến sát lại phía anh Alfeluat nhưng tôi bị đẩy ra, tôi loạng choạng lùi lại. Tôi mở mắt ra và thấy người người đang bủa vòng vây quanh anh Afeluat. Anh Afeluat một tay kéo Shahida trên mặt đất, với đôi mắt dè chừng của loài báo, phóng ra những tia sáng dữ tợn, một tay hưa súng lục về đám người đang chen lấn tràn về phía anh, ngay vào lúc ấy có một gã nãy giờ cứ đứng loay hoay sau anh Afeluat,  nhảy lên chồm vào người anh, anh nã một phát súng, những gã đàn ông khác hùa vào chụp lấy anh. ”Giết chị đi, giết chị đi, Afeluat ơi...! Giết đi... Ôi…!” Cô Shahida điên cuồng hét rồi lại hét. Tôi sợ đến mức nghẹn cả họng, rồi nghe có thêm mấy tiếng súng, người ta la hét vì sợ hãi, xô đẩy, chen lấn, tôi ngã xuống, bị người ta đạp lên, một lúc sau, xung quanh bỗng trở nên trống rỗng, vắng lặng, tôi xoay người, nhỏm dậy ngồi dậy, và thấy gã Ajyeiba và mấy đứa khác đang vội vàng đỡ ai đó lên xe. Hai xác chết trên mặt đất. Anh Afeluat nằm chết trên mặt đất mà mắt chưa nhắm được, cô Shahida nằm sấp. Anh Afeluat nằm chết ở tư thế như thể anh ta đang bò về phía Shahida, và muốn lấy tấm thân mình để che chở cho cô.

Tôi ngồi xổm trên nền đất cát xa xa, run rẩy, không ngừng run rẩy, trời tối đến mức phải nhìn một  lúc lâu mới thấy được hai thi thể. Bỗng nhiên không còn nghe tiếng gió thổi, tôi dần dần không còn thấy gì nữa, tôi chỉ nghe tiếng nghé ọ ai oán mỗi lúc mỗi lớn của lạc đà trong lò sát sinh, bầu trời cũng dần dần tràn ngập tiếng vọng về mênh mông của những con lạc đà khóc rưng rức, và những tiếng khóc ấy, bây giờ, như tiếng sấm, phủ chụp lấy tôi.

Tam Mao 

 三毛

(1943 – 1991, Đài Loan)

 

Chú Thích:

(1)

Tây Sahara, nguồn wikipedia

Tây Sahara (tiếng Ả Rập: الصحراء الغربية aṣ-Ṣaḥrā 'al-Gharbiyyah; tiếng Berber: Taneẓroft Tutrimt; tiếng Tây Ban Nha: Sáhara Occidental) là một lãnh thổ còn đang trong vòng tranh chấp trên bờ biển phía tây bắc vùng Maghreb, Tây Bắc Phi Châu. Hiện nay khoảng 20% ​​lãnh thổ do Cộng hòa Dân chủ Ả Rập Sahrawi (SADR) kiểm soát, trong khi 80% lãnh thổ còn lại bị nước láng giềng Ma rốc chiếm đóng và quản trị. Diện tích 266.000 km vuông. Đây là một trong những lãnh thổ thưa dân nhất trên thế giới, chủ yếu bao gồm các sa mạc bằng phẳng. Dân số ước tính chỉ hơn 500.000 người, trong đó gần 40% sống ở Laayoune, thành phố lớn nhất ở Tây Sahara.

Bị Tây Ban Nha chiếm đóng cho đến năm 1975. Trước đó, kể từ năm 1963, theo yêu cầu của Ma rốc, Tây Sahara nằm trong danh sách các lãnh thổ không tự quản của Liên Hiệp Quốc. Năm 1965, Đại hội đồng Liên Hiệp Quốc thông qua nghị quyết đầu tiên về Tây Sahara, yêu cầu Tây Ban Nha phi thực dân hóa lãnh thổ. Một năm sau, một nghị quyết mới được Đại hội đồng Liên Hiệp Quốc thông qua, yêu cầu Tây Ban Nha tổ chức một cuộc trưng cầu dân ý về quyền dân tộc tự quyết. Năm 1975, Tây Ban Nha từ bỏ quyền kiểm soát hành chính lãnh thổ cho Ma rốc (quốc gia này đã chính thức tuyên bố chủ quyền lãnh thổ trên Tây Sahara từ năm 1957) và Mauritania. Một cuộc chiến đã nổ ra giữa các quốc gia này và phong trào quốc gia ở Sahrawi là Mặt trận Polisario. Mặt trận này tuyên bố thành lập SADR với một chính phủ lưu vong ở Tindouf, Algeria. Mauritania đã rút lại yêu sách của mình vào năm 1979, và cuối cùng Ma rốc đã kiểm soát trên thực tế hầu hết lãnh thổ, bao gồm tất cả các thành phố lớn và hầu hết các nguồn tài nguyên thiên nhiên. Liên Hiệp Quốc coi Mặt trận Polisario là đại diện hợp pháp của người Sahrawi, và vẫn duy trì quyền tự quyết của người Sahrawi.

Kể từ khi có một thỏa thuận ngừng bắn do Liên Hiệp Quốc bảo trợ vào năm 1991, chính phủ Ma rốc quản trị b 2/3 lãnh thổ, bao gồm phần lớn những vùng đất dọc đường bờ biển Đại Tây Dương, với sự hỗ trợ ngầm từ Pháp và Hoa Kỳ. Phần còn lại của lãnh thổ do SADR quản trị, với sự ủng hộ của Algeria, gồm bờ biển bên ngoài Bức tường Tây Sahara của Ma rốc, vùng Cực Nam, và bán đảo Ras Nouadhibou. Trên bình diện quốc tế, các quốc gia, như Nga, lập trường thường không rõ ràng và có thái độ trung lập đối với các tuyên bố của mỗi bên, đồng thời thúc ép cả hai bên đồng ý về một giải pháp hòa bình. 

Mãi đến năm 2020, chưa có quốc gia thành viên nào khác của Liên Hiệp Quốc chính thức công nhận chủ quyền của Ma-rốc đối với các phần của Tây Sahara. Năm 2020, Hoa Kỳ công nhận chủ quyền của Ma rốc đối với Tây Sahara để đổi lấy việc Ma rốc bình thường hóa quan hệ với Israel. (Wikipedia)

(2) Về tác giả Tam Mao: 三毛, tên thật là Trần Mậu Bình陳懋平, tên tiếng Anh là Echo Chen Ping, hay Echo Chan (Echo là một nữ thần Hy Lạp); hồi còn trẻ cô tránh viết chữ Mậu:: (Mao đọc theo tiếng Quan thoại) vì cô không bao giờ viết đúng được.

Cô là nhà văn và dịch giả Đài Loan. Các tác phẩm của cô rất đa dạng từ tự truyện, du ký, cho đến các bản dịch truyện tranh tiếng Tây Ban Nha. Bút danh của cô được lấy từ nhân vật chính Tam Mao trong các truyện tranh gây cười nổi tiếng nhất của Trương Lạc Bình,

Cha mẹ cô là những người theo Kytô giáo/Cơ đốc giáo và rất sùng đạo. Gia đình cô gốc người Chiết Giang. Cha cô là luật sư. Sau Chiến tranh Trung-Nhật lần thứ hai, gia đình chuyển đến Nam Kinh. Khi cô lên sáu, gia đình cô chuyển đến Đài Loan khi lục địa Trung Hoa bị rơi vào tay Cộng Sản. 

Cô học tại trường tiểu học quốc gia Trung Chính, quận Trung Sơn, thành phố Đài Bắc, và được nhận vào trường nữ sinh số 1 Đài Bắc, vào năm 1954. “Khi còn nhỏ, tôi thích nhặt và chơi đồ chơi mà người ta vứt đi, mình vui với  mình: Tự đắc kỳ lạc:自得其樂.”

Khi Trần Mậu Bình học lớp 2, thường bị điểm 0 trong môn toán. Trong học kỳ hai, trò Bình khám phá ra rằng các bài thi toán đều lấy từ những  bài tập ở cuối sách giáo khoa. Để không bị ở lại lớp, trò Bình đã ghi nhớ và dọn trước các bài tập cuối sách và đạt điểm tối ưu trong sáu bài toán đố. Thầy dạy toán nghi ngờ rằng trò Bình đã gian lận, trò Bình bèn thưa với thầy: "Bản thân em, em không có khả năng gian lận. Dù thầy là thầy, thầy cũng không thể xúc phạm em như thế.” Vì vậy, thầy này tự ra đề toán, trò Bình không giải được, bị thầy cho hai trứng gà/zero. Trước mặt cả lớp, thầy đã dùng bút lông vẽ hai vòng tròn lớn tượng trưng cho hai trứng quanh mắt để hạ nhục trò Bình. Sau khi bị sỉ nhục như thế, hôm sau trò Bình bị ngất xỉu trong lớp, và trò Bình bắt đầu gặp khó khăn nghiêm trọng về tâm lý, sau đó trò thường trốn đến nghĩa trang để đọc tiểu thuyết, và cuối cùng bỏ học. Trò Bình trở lại trường học vào năm 1956, nhưng vẫn thường xuyên đến thư viện để đọc sách, và sau đó bỏ học.

Vừa mới bỏ học, Trần Mậu Bình liền được cha mẹ chuyển đến trường Hoa Kỳ, Đài Bắc. Cha Trần Mậu Bình đã kèm tiếng Anh thêm, và được gửi đi học cắm hoa, dương cầm, học vẽ tranh phong cảnh với hoạ sĩ nổi tiếng Hoàng Quân Bích, và vẽ hoa và chim với hoạ sư Thiệu Ấu Hiên. Cha cô dạy cô học thuộc thơ Đường và Tống, đọc Cổ Văn Quán Chỉ; cô còn đọc các nhà văn nổi tiếng của Trung Quốc, chẳng hạn như của Lỗ Tấn, Ba Kim, Băng Tâm, Lão Xá, Úc Đại Phu... Cô đặc biệt thích cuốn Hồng Lâu Mộng, mà cô đọc khi còn là học sinh lớp nhì/năm trong giờ học. Cô cũng đọc văn chương Tây Phương như các tác phẩm Bá tước Monte Cristo, Don Quixote, Cuốn theo chiều gió… Khi người ta hỏi cô muốn trở thành gì khi lớn, cô trả lời rằng cô ấy muốn kết hôn với một nghệ sĩ vĩ đại, cụ thể là Pablo Picasso. 

Trần Mậu Bình đã có lần tự sát bằng cách cắt cổ tay của mình. Cô cũng đã gặp bác sĩ tâm lý, nhưng tâm lý liệu pháp mỗi tuần một lần không giúp ích được gì. Nhiều người thân và bạn bè cũng đã giúp đỡ cô. 

Tam Mao học triết học tại Đại học Văn hóa Trung Quốc ở Đài Loan, với mục tiêu “tìm giải đáp cho các vấn đề trong cuộc sống.” Tại đây, cô quen với một sinh viên; tuy nhiên, "vỡ mộng trong chuyện tình cảm", cô chuyển đến Madrid, Tây Ban Nha, ở tuổi 20 và bắt đầu theo học tại Đại học Complutense của Madrid. Tại Madrid, Tam Mao đã gặp José María Quero y Ruíz người Tây Ban Nha, lúc đó đang học lớp 12, người mà sau này cô sẽ kết hôn. 

Tam Mao sau đó chuyển đến Đức, nơi cô học tiếng Đức cao cấp, đôi khi lên đến 16 giờ mỗi ngày. Trong vòng chín tháng, cô đã có bằng dạy tiếng Đức.

Ở tuổi 26, Tam Mao trở về Đài Loan. Cô đã đính hôn với một giáo viên người Đức, nhưng ông ta đã chết vì một cơn đau tim ngay trước khi đám cưới, Tam Mao tự tử bằng thuốc ngủ nhưng được cứu sống.

Tam Mao trở lại Madrid và bắt đầu dạy tiếng Anh tại một trường tiểu học, khơi lại tình xưa với José Ruíz, và họ kết hôn vào năm 1973 khi họ trước đó đã sống chung ở Tây Sahara do Tây Ban Nha kiểm soát.

Cuốn Lạc đà Khóc

Năm 1976, cô xuất bản tập Lạc đà Khóc, gồm nhiều bài văn mà bài Lạc đà Khóc được dùng làm tựa đề, bản tiếng Anh gọi là Stories of The Sahara, kể về những kinh nghiệm của cô khi sống ở Sahara cùng với người chồng tên là José. Một phần du ký và một phần hồi ký, đó là một tường thuật về cuộc sống và tình yêu trên sa mạc. Với cuốn này, Tam Mao trở thành một nhà văn viết tự truyện có giọng văn và cái nhìn độc đáo. Sau thành công vang dội của cuốn này ở Đài Loan, Hồng Kông và Lục địa Trung Quốc, những bài viết đầu tiên của cô được tập hợp thành sách, xuất bản với tựa đề Vũ Quý Bất Tái Lai: Mùa Mưa Không Trở Lại/ Gone With The Rain Season.

Cô tiếp tục viết, và những kinh nghiệm sống của cô ở Sahara và quần đảo Canary đã được xuất bản trong một số cuốn sách khác.

Vào ngày 30 tháng 9 năm 1979, José bị chết đuối khi đang lặn. Năm 1980, cô trở lại Đài Loan, và vào tháng 11 năm 1981, cô đi đến Trung và Nam Mỹ để quan sát và viết bài theo ủy nhiệm của các nhà xuất bản Đài Loan. Những kinh nghiệm này đã được ghi lại trong các bài viết tiếp theo. Từ năm 1981 đến năm 1984, cô giảng dạy và thuyết trình tại trường cũ của mình, Đại học Văn hóa Trung Quốc, ở Đài Loan. Sau thời điểm này, cô quyết định dùng toàn thời cho việc viết văn.

Sách của Tam Mao chủ yếu đề cập đến những kinh nghiệm của cô khi học tập và sinh sống ở nước ngoài. Các tác phẩm của cô được đón nhận vô cùng nồng nhiệt không chỉ ở Đài Loan mà còn ở Lục Địa Trung Quốc, tới nay vẫn được yêu thích. Từ năm 1976 đến khi cô qua đời năm 1991, Tam Mao đã xuất bản hơn 20 tác phẩm. Cô cũng đã dịch truyện tranh Mafalda từ tiếng Tây Ban Nha sang tiếng Trung Quốc.

Cái chết

Vào ngày 4/ 1/1991, ở tuổi 47, Tam Mao đã tự sát tại Bệnh viện Đa khoa Cựu chiến binh Đài Bắc ở Đài Bắc bằng cách treo cổ tự tử bằng một đôi tất lụa. 

Một số người hâm mộ, đặc biệt là Trương Cẩm Yên, cho rằng cái chết của cô là một vụ giết người. Việc tự sát của cô đã đã gây xúc động lớn cho nhiều độc giả của cô, và dân chúng trên khắp thế giới nói tiếng Trung Hoa cũng bày tỏ  đau buồn. Ngoài ra còn có nhiều đồn đoán liên quan đến lý do cô tự tử: sợ bệnh ung thư, thất vọng vì kịch bản của cô cho bộ phim Red Dust/Bụi Đỏ không được giải trong Liên Hoan phim và Phát Giải của hãng phim Kim Mã, Đài Loan, một thất bại mà cô chịu đựng không nổi, hoặc do buồn vì chồng cô, José, bị chết trong một cuộc lặn, 12 năm trước đó.

Năm 2019, Tam Mao được tôn vinh trên New York Times, trong mục cáo phó Overlooked, cho tác phẩm Stories of The Sahara/ Những câu chuyện về sa mạc Sahara của cô. 

Tác phẩm này của cô được ca ngợi vì trong đó nói đến sự kiên trì qua nhiều thế hệ, và sách đã truyền cảm hứng cho những phụ nữ trẻ Trung Hoa (đặc biệt phụ nữ Đài Loan) khao khát thoát khỏi các chuẩn mực văn hóa bảo thủ. (Wikipedia Anh ngữ và Hoa ngữ)

(3) Ở trong các bài bút ký khác trong cuốn sách Lạc đà Khóc, tác giả có kể là dân ở đây không tắm, kể các cô gái, kể cả cô dâu, nên mùi rất hôi, đã thế còn trết một loại bùn đỏ để làm đẹp tóc.

 (4) La Haye (Pháp)/The Hague (Anh) / Den Haag (Hoà Lan).

 (5) nguyên văn會審: hội thẩm: họp nhau mà xét xử; cứ chiếu theo văn cảnh của bài văn thì dùng chữ ”toà án nhân dân” là thích hợp nhất.