17 June 2023

ĐÁ CÒN TƯỞNG NHỚ - Nguyễn Đức Tùng

Một ban nhạc Jazz ở Mỹ

Âm nhạc vang lừng mặt nước, hải đằng nở rộ: San Antonio. Với nhiều kênh đào len lỏi qua các dinh thự, nghệ thuật Đen, Black Art Movement, văn hóa Tây Ban Nha. Cậu tôi, người hướng dẫn cả nhóm cùng lái xe từ Houston xuôi Nam, học tiếng Anh ở San Antonio những năm một chín bảy mươi, trong chương trình huấn luyện sĩ quan hải quân. Tôi còn có ý định riêng, vì thầy học cũ của tôi, thầy B. Vân, cũng có thời gian ở đây, dân du học như cậu tôi, nhưng qua trước. Tôi học tiếng Anh với ông trong thời kỳ phải về nông thôn lao động, vì sinh ngữ một của tôi là tiếng Pháp, thầy dùng bộ sách English For Today, tập 1 đến tập 5, dạy kỹ, học phát âm chính xác, phân tích nghĩa, và khi đọc sách, ông đối chiếu với cuộc sống ở đó. Đôi khi ông cũng trích dẫn các nhà thơ Mỹ.

Sau chiến tranh, vợ mất sớm, ông đưa ba con nhỏ vào miền Đông, không có hộ khẩu chính thức, nhà trường chỉ ký hợp đồng tạm mà lương giáo viên chính ngạch cũng đói, ai cũng phải làm thêm, ông chở nước đá đi bán quán cà phê, buổi chiều lên rẫy trồng mấy công mì sắn. Tôi nhớ chiếc xe đạp Phượng hoàng cũ cao như con ngựa, sau yên xe ràng rịt bó sắn to để đem về luộc buổi chiều cho các con. Ông ăn mặc như nông dân, nón lá, nhưng sau cặp kính dày cộp của người cận thị nặng ánh mắt long lanh như cười, nhiều khi ngồi trước mặt ông tôi nghĩ đến tính cách hồn nhiên của các nhà giáo ở nước ta, nghiêm nghị mà hồn nhiên. Ông kể những chuyện điểm xuyết vào bài, tôi nhớ có lần dạy chữ nasty có nghĩa là xấu, dơ bẩn, tục tĩu, và chữ kèm theo, trạng từ, danh từ, nastily, nastiness, kể rằng một lần ông đi xem chương trình thi hoa hậu ở San Antonio, một tay giám khảo ba trợn hỏi cô thí sinh xinh đẹp tóc vàng một câu:

– Đêm qua cô đã ngủ với ai? (With whom did you sleep last night?)

Cô thí sinh quay lại, trả lời lập tức:

– Don’t ask nastily.

Những ví dụ như vậy có nhiều, dễ nhớ, ông bắt tôi học thuộc cả câu, nhưng câu hỏi của tay giám khảo trên thì tôi chưa có dịp nào xài tới. Tôi cũng theo ông lên rẫy, ngọn đồi đầu nguồn sông, từ quốc lộ đi vào năm cây số, băng qua suối chảy xiết, cánh rừng ngày trước có nhiều chồn và rắn, tôi vừa nghe một người bạn nói ở nước ta bây giờ rắn không còn con nào, cái dốc cao chóng mặt, lên được tha hồ thở. Có lần chúng tôi gặp người quen cùng nhen lửa bày rượu, thức nhắm, cả bọn vừa uống vừa hát, khi có chút tự do giữa đất trời mênh mông, thoát khỏi ràng buộc của xã hội, con người trở nên cao cả. Những củ sắn luộc chín ngon, thơm lừng. Nhưng khi bạn ăn mãi một thứ, chúng là cực hình. Và nguy hiểm. Trong vỏ sắn có chất thủy phân trong nước thành cyanhydric acid và glucose, độc tính của sắn là do acid. Người ta bóc vỏ, ngâm sắn trong nước qua một đêm trước khi luộc, nếu bóc vội quá, không kịp ngâm đã nấu, chất acid ngấm vào trong sắn, acid ức chế hoạt động của một men quan trọng đối với hô hấp. Triệu chứng đầu tiên là đau bụng, nôn mửa, tiêu chảy, sau đó nhức đầu hoa mắt, co giật, người bệnh ngạt thở, tím tái. Khi ngộ độc nặng, máu động mạch trở nên đỏ roi rói vì oxygen tới tấp đi vào hồng cầu mà không được dùng tới. Ở làng quê, hiện tượng ngộ độc ít xảy ra vì đất thuần hóa, nhưng sắn trồng ở vùng kinh tế mới, chất đắng nhiều, độc tố cao. Mười hai năm sau, khi về quê, tôi đi một mình tìm thầy học cũ. Đến nhà, mọi người đi đâu cả, phải ngồi chờ một lúc lâu mới có một thanh niên về mở cửa. Cách biệt nhiều năm nhưng tôi nhận ra Hiếu, đứa con trai đầu lòng của thầy, năm nào mười mấy tuổi mà nay đã trưởng thành. Cửa mở, tôi bước vào nhà, đứng lặng đi trước bàn thờ. Trước ngày về thăm, tôi không biết ông đã mất. Hiếu lấy xe đạp chở tôi đi ra mộ, đường xa, qua nhiều ngọn đồi, nó kể chuyện sau khi tôi đi được một năm, một hôm đi dạy học về, nhà không còn gì ăn thầy liền lấy xe đạp lên rẫy, cả ngày chưa có gì, đói, ông ăn tạm vài củ sắn luộc vội chưa kịp chín. Ông trúng độc, ói mửa, nằm sấp trên mặt đất, cho đến khi người nhà tìm được vào sáng hôm sau bên nồi sắn luộc thì cơ thể đã giá lạnh. Mọi người quyết định chôn cất ở đó. Hiếu tìm ra mộ dễ dàng, một tấm bia nhỏ giữa lùm cỏ tranh, ngay dưới chân một tảng đá lớn. Trên đồi, gió xuân thổi về rào rạt, tôi đứng trước gió lắng nghe những tiếng động khác, tiếng mở cửa buổi sáng khi thầy bước vào nhà, ánh đèn mờ tỏ giữa hai người chúng tôi, khuôn mặt ông cúi thấp xuống gần chạm sách vì cận thị nặng, nghe lại thứ tiếng Anh của thầy với giọng nói phương Nam của Mỹ, vài chữ đặc biệt của người da đen, cách phát âm lạ của họ, có cách phát âm tách bạch không nối giữa hai chữ, như trong thank-you, chữ y nặng như chữ trong tiếng Việt, tiếng kèn đồng chơi nhạc Jazz, những buổi biểu diễn ngoài trời, nền văn hóa được diễn tả sinh động trong bộ English For Today. Hiếu khom người xuống nhen lửa, tôi xin một bó nhang lớn, đứng trước mộ. Gió rừng thổi mạnh, xoáy, lửa trên tay cháy bừng bừng táp vào mặt, gió càng lúc càng mạnh, bó nhang càng cháy đỏ, như những hồng huyết cầu chứa quá nhiều oxy không tiêu thụ cuồn cuộn đuổi nhau trong huyết quản.

Ba ngày ba đêm ở San Antonio tôi đi tìm khắp nơi, thất vọng, buổi tối trước khi ra phi trường, cậu tôi rủ mọi người đến ăn tối ở quầy bar bán rượu có nhạc, chúng tôi len lỏi dọc bờ kênh, trên các “river walk”, trong ánh điện nhiều màu chiếu mặt nước lấp lánh, tiếng cười, tiếng ca nhạc, mùi nước hoa, mùi nước tiểu, khói thuốc lá, mùi cà phê. Chúng tôi dừng lại trước một quán bar lâu đời, có tên The Esquire Tavern. Quán rượu Hiệp sĩ. Tôi sững người, nghe tiếng nhạc vọng ra, nhạc Jazz, và trong một phút cái tên ấy sáng lên trong ký ức. Tôi nhớ thầy B. Vân đã có lần nhắc đến cái bar nơi ngày xưa khi đi học, bạn bè thanh niên độc thân rủ nhau tới đó. Jazz là điệp khúc quân hành. Người chơi nhạc tạo lập những biến điệu của nó, người thổi kèn sáng chế ra biến tấu bên ngoài nhịp chân đi, phức tạp, ngẫu hứng. Thành phố San Antonio có nhiều người chơi nhạc lâu năm, những người da đen thổi kèn. Ở trong tiệm rượu nổi tiếng, thầy đã làm quen, và hình như đem lòng yêu, một cô bé bồi bàn da đen. Ông có nói tên của người thiếu nữ ấy: tôi cố nhớ lại. Nhưng Susy, hay Judy, hay June mới được? Cái tên nào vậy? Mà để làm gì?

đôi khi anh muốn tin
ngoài đời đầy cỏ hoa tinh khiết

mà bên cỏ hoa quyến rũ cánh tay em

Thì hãy tin như Thanh Tâm Tuyền, người cũng yêu Jazz và Blues. Cậu tôi biết ý, để tôi đứng một mình, đưa những người khác vào bàn trước. Quán rượu này lâu đời, thành lập từ năm 1933 để chào mừng việc hủy bỏ hoàn toàn lệnh cấm rượu, chấm dứt đạo luật 18, một tu chính án tạo ra thời đại Al Capone lừng lẫy. Trong quán tối, bán bia ướp lạnh, rượu vang, rượu mạnh và các món ăn thơm lừng. Tôi đứng ngoài cửa, dưới mái hiên gần mặt nước, chăm chú nhìn cái bảng tên quán, ngắm một người thiếu nữ, một usher, mặc đầm dài màu đen tuyền, ngực nhọn, uyển chuyển đi ra đi vào để đưa khách vào chỗ. Liệu cô có phải là Suzy hay Judy hay June? Bao nhiêu năm tháng, nay cô ở đâu, chắc đã thành bà già nhiều con cháu, và trong những ngày yên ả cuối cùng, có bao giờ nhớ lại một người bạn trai thuở trước đến từ một xứ sở chiến tranh khốn khổ, lướt qua đời như ngôi sao băng? Lướt qua một tuổi trẻ tuyệt đẹp. Và điên rồ, đáng thương?

We Real Cool

We real cool. We
Left school. We

Lurk late. We
Strike straight. We

Sing sin. We
Thin gin. We

Jazz June. We
Die soon.

Khi đứng đó, tôi bỗng nhớ đến bài thơ của Gwendolyn Brooks (1917- 2000). Tại sao tôi nhớ đến nó vào lúc ấy? Tôi không biết. Nhiều năm sau tôi vẫn nghĩ về mối liên hệ này. Có những sợi dây nằm sau dưới ý thức, nó dẫn bạn đi mà bạn không biết. Gwendolyn Brooks là nhà thơ da đen đầu tiên trở thành thi sĩ công huân Hoa kỳ, cũng là tác giả da đen đầu tiên nhận giải Pulitzer Prize. Bài thơ còn có phụ đề là The Pool Players, Seven at the Golden ShovelCác tay chơi bi da, Bảy người ở quán Golden Shovel.

Bọn ta ngầu thiệt. Bọn ta
Bỏ trường đi biệt. Bọn ta

Lang bạt ngoài đường tới khuya. Bọn ta
Thọc bi-da sành điệu. Bọn ta

Ca vang nhiều tội ác. Bọn ta
Pha nhạt rượu gin, chia chác đều. Bọn ta

Chơi June. Bọn ta
Rồi sẽ chết sớm.

Chữ Jazz trong bài thơ vừa một hành động vừa là âm nhạc, thứ khởi đầu từ New Orleans, đầu thế kỷ hai mươi, khi nó ra đời thì đã có Blues, từ Mississippi. Blues là một yếu tố của Jazz, có khuynh hướng riêng tư và ca khúc, trong khi Jazz nặng về nhạc khí và đám đông hơn. Chỉ một cây ghi ta hay một giọng hát đủ làm nên điệu Blues, trong khi Jazz cần nhiều hơn thế, như một dòng năng lượng tràn bờ. Chúng ta thấy Gwendolyn Brooks vừa nói về bảy người trẻ tuổi, vừa nói về bảy mối tội đầu (seven deadly sins), khi chúng ta nghĩ đến những học sinh bỏ học, la cà trong quán xá, phá hỏng cuộc đời mình không những trong thú ăn chơi mà còn trong những tội ác:

We sing sin

Và cái kết cục bi thảm và tất nhiên:

We die soon

Thế còn những người trẻ tuổi lạc lõng hôm nay? Ở Mỹ, ở mọi nơi? Văn cảnh là những hoàn cảnh xung quanh một văn bản và có tính chất nguyên nhân đối với các yếu tố trong văn bản ấy. Cần chú ý rằng văn cảnh không phải là toàn bộ các hoàn cảnh xung quanh một văn bản. Mối qua hệ giữa văn bản và văn cảnh rất tinh tế, và được bàn sâu bởi những tác giả như Peter Barry hay Adrian Barlow. Peter Barry cho rằng cách đọc đúng là tìm kiếm một văn cảnh sâu (deep context), tức là văn cảnh có sẵn trong một văn bản. Trong tiếng Anh, June vừa là tháng sáu, mùa hè, vừa là tên một người nữ, chữ golden shovel có bản viết hoa, có bản không viết hoa, vừa có thể là tên quán bi da, vừa tượng trưng cho cái xẻng chôn người chết ở cuối bài thơ. Cách dùng chữ của Gwendolyn Brooks đa nghĩa, nhiều tiếng lóng.

We real cool

Thực ra là:

We are really cool

Rõ ràng là ngôn ngữ của người da đen: họ ít dùng động từ to be và cũng lược bớt trạng từ. Sự vui thú của bài thơ khi đọc lên còn ở cách hợp vần, có tính nhạc và đồng dao. Như ngẫu hứng Jazz:

We real cool
We left school

We lurk late
We strike straight

We sing sin
We thin gin

We jazz June

Còn cấu trúc của bài thơ? Cấu trúc là hình thể lý tính của các ý tưởng được xếp đặt với mục đích. Cấu trúc của thơ không tĩnh mà động, là sự chuyển dịch từ chỗ tương tranh, tìm kiếm, đến chỗ gắn kết, sinh thành. Trong một bài thơ, tứ thơ và cấu trúc thơ phải phối hợp với nhau, tương tác lẫn nhau, tạo ra một cân bằng động. Đối với người không thích đùa, chúng phải thế này:

We real cool
We left school

We lurk late
We strike straight 

Nhưng với người thích đùa, chúng sẽ là:

We real cool. We
Left school. We

Lurk late. We
Strike straight. We

Trong những buổi đọc “We Real Cool” lúc sinh thời, Gwendolyn Brooks phát âm chữ we thật nhẹ, như diễn tả cách các tay chơi bi da tự chất vấn sự hiện hữu của mình trong bài thơ và cả ngoài đời. Đời sống họ ngắn ngủi quá, dường như chỉ bằng độ dài của bài thơ, cho dù là họ “real cool.”

Một ngôi sao băng đã rơi xuống trên đồi cỏ tranh, trước một tảng đá, ở một đất nước xa lạ mà cái tên đối với người Mỹ có nghĩa là chiến tranh, một mình trong ngày sẫm tối, rơi mòn cát bụi. Bây giờ tôi đã vào bên trong quán, lắng nghe. Tôi đã vào bên trong tảng đá. Người ca sĩ da đen đứng trước máy vi âm, anh ta khởi đầu, dàn nhạc bắt theo. Người ca sĩ đánh nhịp chân ngày càng nhanh, rầm rập trên mặt sàn gỗ, hát, chơi kèn trumpet giữa hai lần nhịp. Nhạc Jazz là âm nhạc của người Mỹ nhưng có nguồn gốc từ Phi châu và Nam Mỹ, thứ âm nhạc vừa truyền thống vừa cách tân, diễn tả nhịp sống sôi động hiện đại trong khi vẫn giữ yếu tố cổ điển. Tôi nhận thấy Jazz gần gũi với ngôn ngữ thơ ca, và tôi tin nhiều nhà thơ cũng chịu ảnh hưởng của nó. Tôi hiểu vì sao người thầy học cũ của tôi đã yêu mến điệu nhạc phương Nam này và đã nhắc tới những ngày còn trẻ ở San Antonio nhiều đến thế. Và ông cũng có nhắc đến June, phải không?

Nguyễn Đức Tùng