Ngày 2 tháng 9 năm 45, ông Hồ Chí Minh long trọng đọc Tuyên
Ngôn Độc Lập tại quảng trường Ba Đình, Hà Nội. Bữa đó, tui không có mặt. Lý do:
không phải vì quá bận, hay vì có chuyện chi đó (đố kỵ) với đám Cộng Sản mà chỉ
vì tôi chưa kịp… ra đời!
Dù sinh sau đẻ muộn, tôi cũng nghe được hơi nhiều chuyện “không được tử tế gì
cho lắm” quanh cái ngày này, ngày khai sinh ra cái gọi là nước “Việt Nam Dân Chủ
Cộng Hoà.” Trước hết, xin ghi lại vài mẩu tin có liên quan đến ông Nguyễn Hữu
Đang, Trưởng Ban Tổ Chức Ngày 2 Tháng 9, được trích dẫn nguyên văn từ những cơ
quan truyền thông (*) của Nhà Nước, mười lăm năm sau đó :
Báo Quân đội nhân dân (21/01/1960):
“Ta hãy nghe Đang cung khai trước Tòa án: Tôi đã gây hoài nghi đối với sự
lãnh đạo của Đảng và Chính phủ. Tôi đã cổ động cho những xu hướng chính trị phản
động. Tôi đã thổi phồng hoặc xuyên tạc bịa đặt ra những khuyết điểm để nói xấu
Chính phủ và những cơ quan Nhà nước”.
Báo Nhân dân (21/01/1960):
“Trước tòa án, với những bằng chứng đầy đủ, bọn gián điệp nói trên đã nhận hết
tội lỗi của chúng. Sau khi luật sư Đỗ Xuân Sảng bào chữa cho các tội phạm, căn
cứ vào chính sách xét xử và trừng trị của Tòa án nhân dân là nghiêm trị bọn chủ
mưu và bọn ngoan cố, khoan hồng với những người lầm đường, bị lừa gạt đã biết hối
cải…”
Báo Thời Mới (21/01/1960):
“Năm tên gián điệp phản cách mạng, phá hoại hiện hành cúi đầu nhận tội. Nguyễn
Hữu Đang và Thụy An, đầu sỏ chủ mưu, bị phạt giam 15 năm và mất quyền công dân
5 năm sau khi hết hạn giam.”
Mười lăm năm sau, sau khi mãn hạn tù – không biết Thụy An trôi dạt về đâu –
riêng Nguyễn Hữu Đang thì lủi thủi trở lại làng quê của ông, ở Thái Bình:
… Gót nhọc men về thung cũ
Quì dưới chân quê
Trăm sự cúi đầu
Xin quê rộng lượng
Chút thổ phần bò xéo cuối thôn
(“Ăn Năn” – Phùng Cung)
Nguyễn Hữu Đang sống gần hết quãng đời còn lại nhờ vào… côn trùng và cóc rắn!
Ông cũng đã chọn sẵn chỗ nằm trong “… một búi tre gần cuối xóm, độc giữa cánh đồng,
dưới chân búi tre ấy có một chỗ trũng nhưng bằng phẳng, phủ dầy lá tre rụng, rất
vừa người. Tôi sẽ nằm ở đó chết để khỏi phiền ai. Tôi đã chọn con đường ngắn nhất
để có thể bò kịp đến đó, trước khi nhắm mắt xuôi tay”. (Phùng Quán, “Ngày Cuối Năm Tìm Thăm Người Dựng Lễ Đài Tuyên Ngôn Độc Lập.”
Ba Phút Sự Thực, 2nd ed. Nhà Xuất Bản Văn Nghệ Sài Gòn: 2007,
137).
Đọc xong bài viết thượng dẫn, Công Tử Hà Đông có
đôi lời góp ý như sau:
“Nguyễn Hữu Đang đi kháng chiến 9 năm, không thấy nói trong 9 năm ấy NH Đang
làm gì, ở đâu. Trở về Hà Nội sau Hiệp Định Geneve chia đôi đất nước, NH Đang là
một trong số văn nghệ sĩ đòi tự do tư tưởng, tự do sáng tác được gọi là nhóm
Nhân Văn-Giai Phẩm; NH Đang bị Tố Hữu, Trường Chinh thù, kỵ tài, dùng tội Phản
Động Chống Đảng đánh cho tàn tệ. Bọn Tố Hữu, Trường Chinh cho NH Đang đi tù năm
1959. Năm ấy Hồ chí Minh mới về Hà Nội, được tẩm bổ, tiếng VC học mót của CS Tầu
là ‘bồi dưỡng’, người ngợm Hồ béo tốt, hồng hào, phởn phơ. Nhưng không một lần
họ Hồ nhớ đến ‘chú Đang’, không một lời hỏi:
– Chú ấy làm tội gì mà bắt chú ấy tù khổ thế?
Nhiều người Hà Nội biết chuyện NH Đang là Trưởng Ban Tổ Chức Lễ Đài Ngày 2
Tháng 9, 1945 ở Hà Nội, NH Đang là người đứng trước micro giới thiệu:
– Thưa đồng bào... Đây là Chủ Tịch Chính phủ Lâm Thời Hồ chí
Minh.
Nói xong, NH Đang lùi lại, nhường micro cho Hồ chí Minh. Bức ảnh chụp Hồ đọc
tuyên ngôn có NH Đang đứng ngay sau lưng họ Hồ. Sau khi còng cổ tống NH Đang đi
tù, bọn Tố Hữu cho tẩy, xóa hình NH Đang trong bức ảnh. Từ đó ảnh Hồ chí Minh đọc
Tuyên Ngôn không có NH Đang.”
Nói tóm lại là cuộc đời của Nguyễn Hữu Đang đã bị cách mạng
xoá sổ hoàn toàn. Đây không phải là loại “tai nạn” chỉ xẩy ra riêng cho một cá
nhân. Ở bình diện tập thể, người dân cũng bị cách mạng tước đoạt mọi thứ – “tan
hoang đến tột cùng” – theo như cách diễn tả của nhà văn Võ Văn Trực, trong ký sự
Chuyện Làng Ngày Ấy (**):
“Ngày mồng 2 tháng 9 hàng năm, dân làng tôi gọi là ngày ‘Tết Độc Lập’. Cả
làng nghỉ việc đồng áng. Nhà nào cũng thắp hương bầy biện mâm cỗ cúng đơm. Nhiều
trò vui được tổ chức như ngày Tết Nguyên Đán. Làng xóm hân hoan trong phong tục
mới...”
“Thêm được ngày hội Tết độc lập, nhiều ngày hội cổ truyền khác bị phế bỏ: rằm
tháng giêng, Thanh Minh, Tết Đoan ngọ, rằm tháng bẩy... Người ta cho đó là cổ hủ,
là mê tín dị đoan... Thế là cả làng làm cách mạng triệt để, thay cũ đổi mới
hoàn toàn. Gặp nhau ngoài đường, giơ nắm tay phải lên ngang tai ‘chào đồng
chí’. Nhất là trong các cuộc hội nghị, mẹ gọi con bằng ‘đồng chí, con gọi bố bằng
‘đồng chí’, anh gọi em bằng ‘đồng chí’...
“Sau tết Độc lập đầu tiên, đến tết Nguyên Đán, không thấy ông tôi cuộn hương
trầm công phu như trước, chỉ mua hương ở chợ. Chiều 29 tết, ông mở hòm gỗ trắc,
lau bụi đôi hạc đồng, xếp lại câu đối, rồi khoá hòm. Tôi ngỡ ngàng hỏi: ‘Sao
ông không đem ra cúng tết?’ Ông trả lời giọng ngậm ngùi: ‘Bây giờ là cách mạng,
khác rồi cháu ạ...’ Vĩnh viễn các đồ tế khí linh thiêng ấy nằm trong hòm khoá
kín như tấm lòng ông tôi khoá lại niềm tôn kính thờ phụng tiền nhân.
“Sau cuộc rước tổ tiên tập trung về một nơi, tất cả các nhà thờ họ trong
làng đều bị phá. Có nhà thờ biến thành địa điểm hội họp. Có nhà thờ biến thành
kho phân. Tất cả thánh, thần, phật ở rải rác cá thể trong thôn xã đều phải về tập
trung tại đền Hàng Khoán, dưới chân núi Hai Vai...
“Thần đã đi rồi. Thánh đã đi rồi. Phật đã đi rồi. Những ngôi đền, ngôi chùa,
ngôi miếu như cái xác không hồn. Dân tứ chiếng tranh nhau cướp giật mang đi:
người được hòn đá tảng, người được cái cửa vọng, người được viên ngói viên gạch,
người được cái cột gỗ...
“Ôi tan hoang đến tột cùng tan hoang sau cuộc rước các thần các thánh về thế
giới đại đồng. Tại nhà thờ thánh, tượng Khổng Tử lăn long lóc như người ăn mày
tha hương chết đường chết chợ, bị trẻ con ném cứt vào mặt...”
Tác phẩm Chuyện Làng Ngày Ấy, theo nhận xét của nhà phê bình văn học Thụy
Khuê :
“Nhẹ như tiếng thở dài, Võ Văn Trực đưa ta vào cõi ấy, cõi mộng du hoang tàn
tiền sử: Sau khi tập trung tất cả những gì thuộc địa hạt thần linh, đến tập
trung con người. Tập trung con người bằng hội họp, suốt ngày hội họp bỏ bê đồng
áng, hệ quả tất yếu là không có lúa gạo, là đói khát, là thuế khả năng: vét nhẵn,
sạch trơn không còn một hạt thóc. Không còn gì để đóng thuế, là phản động. Là tố
cáo lẫn nhau. Là đấu tranh chính trị. Là tố khổ...”
Chưa hết, cùng thời điểm mà mồ mả tổ tiên và đền thờ thánh thần phải tập trung
“để lấy đất canh tác” thì một trong những nhân vật lãnh đạo của nước Việt Nam
Dân Chủ Cộng Hoà, ông Phạm
Văn Đồng, đã thể hiện “một cử chỉ tốt đẹp về tình hữu nghị” bằng một công
hàm tán thành bản tuyên bố ngày 4 tháng 9 năm 1958 của nước láng giềng Cộng Hoà
Nhân Dân Trung Hoa về hải phận.
Công hàm này đang được Trung Quốc coi như “là một chứng cứ cho thấy Việt Nam đã
công nhận chủ quyền của Trung Quốc đối với hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa.”
Và đây có lẽ là một trong những lý do khiến cho một nhóm trí thức Việt Nam, vào
ngày 13 tháng 7 năm 2011, đã gửi một bản kiến nghị đến
Quốc hội và Bộ Chính trị Đảng Cộng sản Việt Nam, bầy tỏ sự lo ngại rằng:
"Độc lập, tự chủ và toàn vẹn lãnh thổ của nước ta đang bị uy hiếp, xâm phạm
nghiêm trọng."
Trước đây, cũng đã có nhiều người dân Việt khác bầy tỏ sự quan ngại tương tự về
lãnh thổ, lãnh hải cũng như tính cách độc lập của đất nước này. Tất cả, đều
đang bị cầm tù. Không có gì bảo đảm rằng 20 nhân sĩ vừa ký tên trong bản kiến
nghị sẽ thoát khỏi số phận tương tự, trong tương lai gần.
Không có gì quí hơn Độc Lập Tự Do
Tôi biết nó, thằng nói câu nói đó
Tôi biết nó, đồng bào miền Bắc này biết nó
Việc nó làm, tội nó ra sao
Tác giả bốn câu thơ, ông Nguyễn Chí Thiện, rõ ràng là một người... vô ơn! Ông ấy
quên béng đi rằng trong 27 năm đi tù, năm nào vào ngày 2 tháng 9 ông ấy cũng đều
được ban quản lý trại giam cho ăn thịt – chí ít thì cũng phải được một miếng (bạc
nhạc) bằng đầu ngón tay út, hay lớn hơn tí xíu.
Truyền thống “văn hóa độc lập” này vẫn còn kéo dài mãi đến hôm nay, theo như nhật
ký (Một Năm Kể Lại) của Người
Buôn Gió:
“Hôm nay là ngày 2-9-2009, sáng sớm đài phát thanh trên tường ra rả
ca ngợi thành tích đạt được của đất nước, lời ông Hồ đọc bản tuyên ngôn độc lập
được phát đi phát lại nhiều lần. Anh bạn tù cùng phòng hít hít cái mũi vào
không khí nói:
- Hôm nay chúng mình sẽ được ăn thịt.
Tôi nhìn ra ô cửa sắt bâng quơ:
- Chắc hôm nay không phải đi cung nhỉ?
Anh bạn hồ hởi gật đầu.
- Đúng, ai lại đi cung ngày này...”
Ngày mà Bác tuyên bố “từ nay đất nước ta hoàn toàn độc lập”
(quả) là một ngày đặc biệt đối với tất cả mọi người dân Việt, không loại trừ
ai, trải mấy thế hệ qua – kể từ Nguyễn Hữu Đang, qua Nguyễn Chí Thiện, đến Bùi
Thanh Hiếu.
Cái giá của độc lập/tự do, tất nhiên, phải mắc, đã đành. Điều khó đành lòng, phải
nói, là dân Việt lại vớ nhằm của giả mà vẫn phải ngậm bồ hòn làm ngọt, từ hơn nửa
thế kỷ qua.
Tưởng Năng Tiến
____________________
(*) Tất cả các bản tin về phiên toà xử Nhân Văn - Giai Phẩm,
do Lại Nguyên Ân sưu tầm, đều có thể đọc được ở talawas.
(**) Chuyện Làng Ngày Ấy do NXB Lao Động phát hành tháng 6
năm 1993, nhà văn Xuân Cang chịu trách nhiệm xuất bản, nhà văn Ma Văn Kháng chịu
trách nhiệm bản thảo, và đã bị cấm lưu hành tại Việt Nam. Tác phẩm này được Tạp
Chí Văn Học ở California in lại năm 2006.