Năm nay 2023, thời tiết nóng quá nóng ở khắp nơi, kể cả ở
Châu Âu, nhất là đang mùa hè, khi nóng hung có tới 39° và 40° kéo dài cả hàng
tuần lễ không mưa, làm ai ai cũng khó thở. Nhưng mà nghĩ tới nghĩ lui, ít ai
dám than thở, nhìn ra xa coi, Canada cháy rừng, Hy Lạp vừa cháy xong là lụt lội.
Maroc động đất, Lybia bão lụt, vỡ đập, sa mạc không có chỗ thoát nước, chết gần
hai, ba ngàn người, chưa kể Ukraine, chiến tranh vẫn triền miên kéo dài!
Thấy thiên hạ khổ quá, nên có nóng ngộp cũng nín khe, than làm chi, mình có khổ sở chưa đến nạn chết đâu! Nhưng mà ở đâu cũng có cái nạn ở đó, trời mưa thì đất ở đâu không ướt, chẳng ít thì nhiều. Ở đây, mùa hè nóng, muỗi bay về, vo ve theo đốt người cũng khá mệt. Mùa hè năm nay, giá cả sinh hoạt lạm phát, đã ít dám ra biển về núi đổi gió, cứ ở nhà quanh quẩn vào ra ra vào, đêm ngày nghe muỗi vo ve rì rì bên tai, sao mà mệt cầm canh!
Ôi, chuyện bé tí xíu xiu như con muỗi, mà
coi trọng vấn đề chi cho nan giải cuộc sống. Nhưng mà, thưa bạn, thông tin hằng
tháng của thành phố, đang kêu gọi người dân «cứ coi chừng con muỗi tigres,
moustiques tigres, vì mình có vằn vằn nên gọi là muỗi cọp, cọp rằn ấy mà, tên đầy
đủ của nó là Aèdes albopièms, nó phát sinh từ các vùng nhiệt đới Châu Phi, năm
2004 Aèdes đến Pháp và Âu Châu qua các phi trường qua các phương tiện giao
thông vận tải tầu, xe.
Theo nghiên cứu của các nhà muỗi học, gọi
là chuyên viên dịch học quốc tế, thì khoảng chừng năm 2030 Pháp và toàn Âu Châu
sẽ bị tràn đầy muỗi cọp, và chúng sẵn sàng gây ra nhiều bệnh tật, nhất là bệnh
dengue,.. nguy hiểm không kém Covid. Dengue, khi bệnh nhẹ thì sốt, đau nhức các
khớp xương nặng hơn là sốt xuất huyết, nặng hơn nữa là đi tới bệnh zika, làm
teo não và rối loạn thần kinh microphalie, hay viêm não, encéphalite. Vấn đề
này thuộc lãnh vực chuyên khoa y tế, người viết chẳng dám lạm bàn nhiều. Sợ đi
lạc. Thiệt ra có rất nhiều giống muỗi, muỗi thuộc nhóm culicidae, gồm cả ngàn
loại. Riêng con muỗi đòn sóc anophène đã có gần 500 loại và tên gọi khác nhau.
Ở đây, chỉ gọi tên vài ba thứ muỗi quen
thuộc, con muỗi đòn sóc anophène, truyền ký sinh trùng sốt rét, ở Việt Nam
chúng ta đã thấy muỗi đó và thấy người bệnh sốt rét. Rét rồi sốt. Khi con
anophène chích, nó chúc mũi xuống, nên còn gọi là muỗi đòn sóc. Con này luôn đốt
vào ban đêm, thân hình nó dài từ 5 đền 7mm, con muỗi có vảy bao bọc trên thân,
là con culex, gây bệnh sốt, đau đầu, viêm não, con này dài từ 5 đến 10mm. Con
muỗi tigres hay aèdes dài từ 2 đến 8mm lại chích chúng ta cả ban ngày, nghĩa là
luôn luôn và lung tung. Con này chích gây ngứa, ngứa, gãi, sốt, đau đầu, viêm
não, nhất là sốt xuất huyết. Không hiểu sao tới bây giờ mới nghe người ta nói tới
con muỗi cọp aèdes tigres này. Bản thân người viết, tôi có dịp gặp nó từ rất
lâu rồi, từ ngày một đứa con nhỏ của tôi chưa đầy một năm tuổi, cháu bị cảm rồi
sốt, tôi đưa cháu khám bác sĩ, bác sĩ cho thuốc giảm sốt kèm theo một loại trụ
sinh vì bác sĩ nói là cháu bị nhiễm trùng, hai ngày sau, tôi nghỉ làm việc, ở
nhà chăm lo cho con, một lần đó, cho cháu uống xong một liều tétracyline, cháu
khóc khóc quá, tôi nhẹ bồng cháu lên vai xoa nhè nhẹ dỗ dành, bỗng cháu nấc lên
và ói trên vai tôi, vai áo tôi và cả áo cháu loang đỏ đỏ tươi, tôi thất kinh vì
thuốc tétracyline cũng màu đỏ, nhưng không đỏ tươi như màu thuốc cháu vừa cho
ra, tôi ngu ngơ không biết là tétra đụng vào dịch vị chua của bao tử nên đổi
màu tươi, cứ thế tôi bồng con tôi, đội nón, chạy ra phòng mạch của bác sĩ Đào
Quốc Anh. Tôi gõ cửa, đòi gặp ngay, ông bác sĩ từ tốn, ôn tồn kéo ghế mời ngồi
và khuyên tôi bình tĩnh. Ông khám cháu rất kỹ, rất tỉ mỉ, tôi vạch cho bác sĩ
xem trên bả vai và đùi vế cháu nổi lên nhiều vết thâm thâm li ti, tôi hỏi bác
sĩ có phải cháu bị éruption không. Ông giọi kiếng, xoa xoa các chỗ lấm tấm vết
thâm trên da bệnh nhi. Ông cầm tay tôi bảo xoa xoa lên da cháu xem sao ? Tôi nổi
cáu, nếu mà tôi biết cháu làm sao thì tôi tới cầu cứu bác sĩ làm gì ? Tôi chỉ
nghĩ là cháu bị một loại éruption ban, sởi gì đó. Bác sĩ coi kỹ giùm xem! Tới
chừng đó, thì ông nói là, nếu bị éruption thì sờ sờ trên da nó phải nhám và ráp
ráp. Còn đây da cháu Sơn vẫn mịn màng mượt mà, mà lại có những chấm lốm đốm
dưới da vậy là cháu bị xuất huyết dưới da, do muỗi cọp chích! Tôi ôm mặt, thất
vọng, hồn vía loạng choạng!
«Không sao, » ông bác sĩ trấn an,
« tôi thay trụ sinh cho cháu, thay cả thuốc giảm sốt, bà mang cháu về,
chăm nom cháu luôn luôn, tôi cho thêm vitamine k cầm máu và cho thuốc an thần
nhẹ, cháu sẽ ngủ ngon và bớt bị dằn vặt thì cái vụ xuất huyết sẽ giảm lần hồi».
Bác sĩ Đào Quốc Anh chỉ tôi lấy cây viết
bic khoanh tròn xung quanh một, vài chấm đen trên da cháu, ông dặn nếu cái màu
đen lan rộng ra dần tới cái vòng khoanh tròn, thì bà đem cháu lại đây. Thường
thường chấm đen phải nhỏ, mờ dần và biến mất thì hết bệnh.
Cám ơn Trời Phật, Trời Phật thương, vài
ba ngày sau cháu ngủ thật nhiều, ngủ êm, thức dậy, cười và đòi ăn. Tôi mừng chẩy
nước mắt!
Dịp này, năm nay ở Âu Châu này, báo chí
thông tin thành phố nơi tôi ở, một vùng ngoại ô sát rừng Vincennes, kề bên Paris,
vùng 93, Seine Saint Denis. Người ta kêu gọi lấp những hồ nuôi cá cảnh ngoài trời,
dọn dẹp những nơi ẩm thấp, muỗi mòng có thể sinh sản như trong các vũng nước đọng,
trong các đồ chơi trẻ em ngoài vườn, những vỏ lốp xe chứa nước tù túng sau cơn
mưa.
Họ, là chính quyền, nói rõ nếu mỗi một
người đều làm một cử chỉ tốt, cảnh giác để dọn sạch nơi sinh sản của muỗi cọp,
thì chúng ta sẽ có một cuộc sống an lành tươi đẹp và hạnh phúc hơn. Tại vì muỗi
aèdes sống và sinh sôi nẩy nở nhanh gấp ngàn vạn lần người di dân, muỗi tigres
lan tràn mau trong một bán kính 150 mét xung quanh nơi nó đến ở. Một con muỗi
cái tigre một lần sanh, cho ra 200 trứng, trứng đó gặp nước tù, làm nở ra con bọ
gậy, bọ gậy một vài giờ sau hóa thành muỗi cọp, muỗi cọp tự do bay đi hút máu
và truyền bệnh, con muỗi cái có thể truyền bệnh thẳng sang người và các động vật
khác, nó cũng có thể mang bệnh từ người có mầm bệnh sang người chưa có bệnh.
Nói chung muỗi có rất nhiều loại, gây ra
nhiều bệnh nguy hiểm đến bại liệt, tật nguyền, mà đa phần, như hầu hết là chưa
có thuốc chủng ngừa. Người ta cũng có nhiều nguyên tắc phòng ngừa muỗi, xịt thuốc
muỗi, thoa dầu tránh muỗi, ngủ mùng, đóng lưới cửa, đeo vòng kị muỗi. Tuy nhiên
cứ theo báo chí chính quyền đề phòng dẹp bỏ nơi sinh sản, nơi dung túng muỗi,
là một đề phòng rộng lớn và nguyên tắc, khoa học hơn cả.
Vì sao? Vì đợi lúc con muỗi cái aèdes vo
ve kêu bên tai ta là trễ rồi, giặc đã vào tới thủ đô rồi, không gì khó chịu bằng
khi ta thiu thiu đi vào giấc ngủ mà bị con aèdes rì rì quấy phiền. Tác giả Nguyễn
Đăng Quế có mách một cách trị muỗi lẹ và hữu hiệu nhứt là, khi thấy một nàng muỗi
vo ve, thì cứ nghĩ tới một con người xấu xa phản bội mà đập tay mạnh xuống một
cái là hết kêu, muỗi lăn ra chết!
Ý, không dễ đâu, chết con này, còn con
khác, nàng khác lại đến vo ve bên tai, phá giấc ngủ hiếm hoi quý báu của tuổi
già, muỗi cứ vo ve vo ve. Cáu tiết, chát, đập muỗi, muỗi chết đâu chẳng thấy, lại
tát cái bốp lên mặt mình, sáng hôm sau, thấy muỗi chưa chết hay không chết, mà
lại thấy một bên mắt, hay một khóe miệng mình bị sưng húp lên như bị oedème de
quink mới là tài tình!
Và tài tình hơn nữa là chuyện một con muỗi
bé tí teo mà cũng có liên quan đến một câu chuyện tình yêu! Tình yêu muỗi kể
theo cổ tích dân gian, đính kèm phần nào tín ngưỡng nguyên thủy cầu xin, có
tiên có bụt! À há, tới đây, người viết luôn bảo trọng tâm linh nguyên thủy như
T.Y.T và không hề ngộ nhận! Tuy nhiên, trong cái truyện cổ tích, kiểu truyền kỳ
mạn lục này, sao mà từ tâm linh nguyên thủy, người ta, là dân gian coi rẻ, coi
nhẹ đàn bà quá lẽ?
Chuyện cổ tích dân gian muỗi kể rằng, khi
xưa xửa xừa xưa rồi, có một anh nông dân tên là Ngọc Tâm, người hiền lành, chất
phác, đơn giản và chăm chỉ làm ăn, may mắn anh lấy được cô vợ đẹp, tên là Nhan
Diệp, nàng cũng yêu thương chồng, nhưng có bản tính nhí nhảnh, thích xa hoa hưởng
thụ. Hai người lấy nhau và thề suốt đời sống bên nhau. Chẳng một ngày nọ, nàng
bệnh rồi lăn ra chết. Chàng xót thương đi đền nọ, miếu kia cầu khẩn, mong lòng
thành động đến chư tiên. Rồi có một ông tiên quắc thước oai nghi đến dậy anh rằng
cứ lấy kim chích vào đầu ngón tay anh, nặn ra ba giọt máu, rỏ vào miệng vợ anh,
vợ anh sẽ sống lại. Anh làm y lời và quả nhiên linh nghiệm, vợ anh sống lại.
Tiên ông có dặn thêm nàng Nhan Diệp là phải chung thủy với chồng suốt đời.
Vâng dạ xong, một ngày kia, có một thương
gia giầu có gặp cô ta, thấy nàng quá đẹp, thương gia mang bạc vàng và quần áo đẹp
ra quyến rũ cô. Nàng Nhan Diệp dứt áo bỏ chồng ra đi theo tình nhân mới. Anh chồng
hiền tức tối đến mắng mỏ vợ. Người vợ năng nỏ chua ngoa cầm kim may đâm vào
ngón tay mình, cố nặn ra ba giọt máu, quệt quệt lên người anh chồng cũ, miệng
chua chát nói: « Đây, đây, tôi trả anh ba cái giọt máu phải gió !» Vệt máu vừa
thấm khô trên tay chồng, thì cô vợ quá quắt ngã lăn ra chết, kỳ này chết thiệt,
chết luôn, vô phương cứu chữa! Tiên, bụt, chán nản, không thèm đến au secours!
Cô vợ này tên là Nhan Diệp, có nghĩa là
cái bản mặt cô ta mỏng như cái lá, quá vô hậu, nàng chết đi, vì tội phụ bạc,
vong ân bội nghĩa, bị hóa kiếp thành con muỗi aèdes cái, con muỗi mắc cái nghiệp
vay trả trả vay láu cá, nên lúc nào cũng bay quanh bay quẩn lùng sục tìm kiếm một
anh chồng hiền như Ngọc Tâm đặng hút máu đặng mong được trở lại làm người! Vẫn
tiếc nuối thân người.
Bởi vậy, người ta thấy luôn luôn anh muỗi
đực, chỉ bay loáng thoáng, vơ vẩn ngoài không gian, anh muỗi chỉ hút nhựa cây
và nhựa hay mật hoa, trái để sống. Trong khi chị muỗi cái, nặng nghiệp, vác cái
vòi dài hơn, lại cần sanh sản, nên đi chích người ta và các loài động vật khác
có máu. Nàng muỗi cần có protéine để tự nuôi thân và để tăng trưởng trứng trong
mình cô ta. 48 giờ sau khi hút no căng bụng, nàng muỗi đi đẻ trứng, mỗi lần
sanh, chị cho ra 200 trứng, trứng gặp nước, nở thành bọ quây (hay cung quăng)
ngoáy ngoáy liên hồi, cho đến khi hóa thân ra muỗi, lại bay lên và bay đi theo
chu trình đi chích, đốt người và truyền bệnh.
Hay thiệt, cái giống cái nó tai ác nguy
hiểm vậy sao? Đàn bà dễ có mấy tay. Nhưng thôi, luật thừa trừ cần phối kiểm lại,
không có thể để bất công quá đáng và tức cười trong cuộc đời này.
Chúc Thanh