14 October 2023

LIỄU CHƯƠNG ĐÀI - Phạm Thành Châu

Tôi đi tù cải tạo về năm tám mốt. Trong giấy ra trại có ghi rõ tôi phải về quê, nhưng tôi ở lì tại Sài Gòn, coi như dân lậu. Tôi ở nhờ nhà người bà con. Có người bạn giới thiệu cho tôi một chân chạy bàn ở một quán cà phê ôm, gần hồ Con Rùa. 

Gọi là cà phê ôm cũng không đúng vì khách vào quán, chẳng có em nào để ôm cả mà họ ôm  nhau. Quán có dăm bảy bàn nhỏ cách biệt nhau bằng những chậu cây cảnh, ban đêm tối thui, chỉ duy nhất một cây đèn tù mù ở bàn tính tiền. Bà chủ vừa ngồi két (thu tiền) vừa pha cà phê, tôi bưng đến cho khách. Nhờ quán thiếu ánh sáng nên các cặp tình nhân rất thích vào tâm sự. Đa số là các cô cậu trẻ, đôi khi là những cặp sồn sồn, có lẽ đó là giai đoạn đầu của những kẻ ngoại tình. Cũng có khi là một ông già cốc đế, gạ một em làng chơi vào để quờ quạng, cuối buổi trả tiền sòng phẳng. Thời đó chưa có Viagra nên chỉ có chừng đó là thú vui của các ông già. Điều buồn cười là ở trong bóng tối lâu, tôi đã quen mắt nên thấy hết mọi chuyện, trong khi khách mới vào, tưởng ai cũng mù như mình, nên vừa ngồi vào là ôm nhau, làm đủ trò như trong phòng riêng! Họ cứ ôm hôn, rờ rẫm suốt buổi, tưởng chừng chiếc ghế có dính keo, đứng lên không được. Dĩ nhiên số tiền phải trả căn cứ vào thời gian ngồi cộng với tiền cà phê, nước ngọt.

Tôi về khoảng mười hai giờ hoặc trễ hơn. Nhà ở quận Mười, có thể chạy thẳng theo đường Lê Văn Duyệt rồi quẹo Tô Hiến Thành, nhưng tôi thích đạp xe lang thang qua các đường Tú Xương, Bà Huyện Thanh Quan... Các đường nầy về khuya rất thanh vắng, khi có sương mù hay mưa lất phất thì chẳng khác gì Đa Lạt, lại thêm hương thơm các loại hoa dạ lý, ngọc lan từ các biệt thự thoang thoảng trong trời đêm mát rượi, yên tĩnh, khiến tôi thấy chỉ những giây phút đó là đáng sống.

Thực ra không hẳn là đường vắng vì thỉnh thoảng cũng có người đi. Vài cặp tình nhân ngồi bên đường, mấy cô gái ăn sương thong thả tới lui đón khách.

Một buổi tối, đi làm về, đến góc Tú Xương, Trương Minh Giảng, tôi bỗng nghe tiếng kêu cứu “Cướp, cướp!” rồi tiếng hô hoán, tiếng xe gắn máy, tiếng chân người chạy rầm rập. Kinh nghiệm dạy tôi nên đứng xa mà nhìn. Khi người đã vãng, tôi mới lò dò đến, thấy một chị đàn bà, đứng một mình, vẻ ngơ ngẩn, bồn chồn. Chị ta cỡ ba mươi tuổi, người tròn lẳn, chỗ ngực không gài nút, để lộ làn da trắng mát rất hấp dẫn. Tôi hỏi.

- Ai bị cướp vậy chị?
- Tôi. Hai tên đi xe gắn máy.
- Có ai đuổi theo không?
- Có, công an.

Tôi ngạc nhiên, công an đâu mà nhanh thế? Sau mới nhớ là bên kia đường Hiền Vương có một khu gia cư, trước bảy lăm là chỗ cư ngụ của nhân viên Mỹ, sau nầy là chỗ ở của cán bộ đảng, nhà nước thứ dữ, thành thử công an phải đi lòng vòng bảo vệ an ninh suốt ngày đêm. Ả tiến lại gần tôi, khẩn khoản.

- Anh cho em quá giang một khúc được không?
Tôi ỡm ờ.
- Khúc nào đây? Khúc trên hay khúc dưới?
Không chờ tôi bằng lòng, ả ngồi ngay vào sau xe đạp.
- Khúc nào cũng được, miễn cho em đi khỏi nơi đây ngay.
- Sao kì vậy? Phải chờ công an họ đem trả tiền lại.
- Để đó mà họ trả lại! Họ bắt luôn em nữa. Em phải tránh họ.
- Nhưng có mất tiền thực không?
- Thiệt mà, em để tiền trong xú chen, chúng thò tay vào lấy mất.
- Tiền để trong xú chen sao chúng biết mà thò tay vào?
- Thì phải để cho chúng sờ mó chút đỉnh, có chịu hay không mới đi chớ!
- Nhưng đã mất của còn bỏ chạy là sao?
- Công an quay lại, họ sẽ bắt em.
- Sao lại bắt em?

Ả gắt lên.

- Đi lẹ lẹ giùm em, để đó mà vờ vĩnh. Em là “gái”, công an quay lại hỏi, lòi ra, họ nắm đầu!

 Tôi chở ả ra Phan Thanh Giản, xuống nghĩa trang Mạc Đỉnh Chi, ả ngồi sau, ôm tôi cứng ngắt. Đạp một lúc đã thở dốc nên tôi chẳng vui thú gì khi được ả ép cái ngực bự, mềm èo vào lưng.

- Xuống đây được chưa?
- Cho em về quận Tư.
- Trời đất! Đừng giỡn chơi. Đón xích lô mà về.
- Tiền đâu? Chúng lấy sạch rồi.

Rồi ả dỗ giành.

- Ráng về nhà...em cho thương.
- Chở kiểu nầy, muốn hộc xì dầu, xíu oách đâu còn mà nói chuyện tào lao.
- Lỡ làm ơn, làm ơn cho trót. Bỏ em xuống chỗ cột cờ Thủ Ngữ cũng được.

Tôi đạp qua đường Thống Nhất, vừa đến nhà thờ Đức Bà, ả bỗng “ối!” lên một tiếng làm tôi thất kinh, ngừng lại, tưởng chân ả bị kẹt trong căm xe.

- Cái gì dzậy?
- Anh ngừng đây. Cho em hỏi chuyện nầy.

Ả đứng xuống, giành lấy xe đạp dựa vào ghế đá, kéo tay tôi lại, ấn ngồi xuống, miệng cứ lầm bầm “Chắc là đúng rồi!” Người ả đang trì trệ bỗng sinh động hẳn lên và cái cách ân cần, vui mừng đến lính quính của ả đối với tôi chẳng khác gì con chó mừng cậu chủ nhỏ đi học về.

- Anh là anh Hưng, đúng không? Lúc nãy em còn ngờ ngợ, rồi nghe mùi mồ hôi của anh là em biết chắc là anh, vì mùi mồ hôi của anh giống hệt mùi mồ hôi ba em. Em nhớ rõ mùi mồ hôi của anh.

Ả liến thoắng như tự khen mình, nhưng tôi cảnh giác, nên chối phăng.

- Tôi không phải tên Hưng.

Ả nhìn tận mặt tôi rồi cười.

- Anh có chối cũng không được. Em bắt được anh rồi! Em tìm anh bao nhiêu năm nay. Anh là anh Hưng, lúc trước học trường luật, phải không?

- Trường luật thì có khối gì người tên Hưng. Bây giờ chịu khó đi bộ về nhà, tôi phải về. Đi khuya, công an hỏi giấy tờ phiền phức. Đã chở giùm cho còn chê hôi.

 Tôi đứng lên, ả đè vai tôi xuống.

- Ngồi với em, em nói là anh nhớ ra em ngay. Em tên Loan, nhớ chưa?
- Lon với gáo! Tôi chả quen ai tên Lon cả.

Vừa nói tôi vừa sờ cái bóp ở túi quần sau và ngồi xê ra xa. Ả như không quan tâm.

- Em nói là anh nhớ ra ngay. Anh dạy tiếng Anh cho tụi em. Em nè, con Ngọc nè, con Hạnh nè. Lúc đó anh còn là sinh viên, thường đến nhà tụi em ở hẻm sáu mươi đường Trần Quang Diệu đó. Anh nhớ ra chưa?

Tôi đã bắt đầu thấy thấp thoáng một vài hình ảnh, rồi cố vận dụng trí nhớ, tìm lại cái đầu mối mà ả vừa trao cho tôi để phăng lần sợi dây dĩ vãng. Cô Loan, cô Hạnh, cô Ngọc học Anh văn.

- A! Nhớ rồi! Mà sao lại gặp nhau được, kể cũng lạ?

- Lúc nào em cũng cầu Trời khẩn Phật, xin được gặp lại anh một lần, rồi có chết cũng vui lòng nhắm mắt.

- Gì mà ghê vậy? Nhắm mắt với nhắm mũi!

Tuy nói thế chứ tôi cũng cảm động vì thời gian quá lâu mà ả vẫn còn nhớ được ra tôi.

- E mười mấy năm nay rồi. Mà sao em lại nhận ra anh được? Em nhắc thì anh nhớ, nhưng chỉ nhớ mang máng sự việc chứ không nhớ rõ người nào cả. Hình như em tên Loan hơi mập, cô Ngọc có đôi mắt đẹp lắm, anh mê luôn, cô Hạnh hiền lành, ít nói. Anh không nhận ra em. Cũng không chắc em đây là cô Loan ngày xưa nữa.

- Em đúng là Loan đây mà!

Ả cầm tay tôi đặt trên đùi ả, giọng thân mật.

- Anh nhớ được, em mừng lắm, vì biết chắc anh là anh Hưng.

Thời đó tôi học luật. Tôi không nhớ ai đã giới thiệu tôi đến dạy cho ba cô gái. Cả ba đều ở dưới quê lên Sài Gòn giúp việc cho mấy tiệm cà phê, sau thấy không sống được với nghề bưng cà phê, mới nhờ tôi chỉ cho các cô mấy câu tiếng Anh để đi bán bar. Lúc đó Mỹ mới vào Việt Nam, quán rượu cho Mỹ mọc đầy quanh phi trường Tân Sơn Nhất và các bến tàu.

Những ngày đầu, tôi đến dạy, các cô rất lễ phép, kêu tôi bằng thầy, xưng em, nhưng chỉ ít lâu sau, thấy tôi hiền quá, các cô coi như bạn. Mỗi khi tôi xuất hiện là các cô reo lên “Chàng đến rồi tụi bây ơi. Mời cưng vô nhà” Cô Loan, là cô mập nhất, chạy ra ôm lấy vai tôi như giành làm của riêng “Chồng tao đến! Đem nước ngọt cho chồng tao uống. Lẹ lên tụi bây!” Tôi là trai tân nên vừa thích vừa mắc cỡ đỏ cả mặt, các cô thấy thế càng chọc ghẹo thêm, coi như trò vui.

Các cô thuê một căn nhà nhỏ lợp tôn trong đường hẻm. Nhà có hai chiếc giường hai bên, giữa là một cái bàn với bốn cái ghế dựa. Khi ngồi học, cô Loan giành ngồi cạnh tôi, thỉnh thoảng cứ cạ đùi cô vào đùi tôi. Tôi sướng mê, ngồi thộn mặt ra, giảng bài trật bậy, thế là các cô lại cười vì biết ngay những gì đã xảy ra dưới gậm bàn. Điều lạ lùng là tôi dạy bao nhiêu, các cô nhớ nằm lòng bấy nhiêu, lại nói nghe thánh thót như nữ tài tử Mỹ trong xi nê. Thực ra tiếng Anh của tôi chẳng bao nhiêu, tôi mua mấy quyển tiếng Anh đàm thoại, chọn ra những câu nào thích hợp với nghề bán bar, đem ra bắt các cô học thuộc lòng. Các cô còn có biệt tài là đoán được những gì người khác nói, dù trong câu có rất nhiều tiếng các cô không biết. Sau nầy, khi các cô hành nghề trong các quán rượu, tôi vào, nghe các cô đấu tiếng Anh với người Mỹ như máy, tôi chẳng hiểu gì cả!

Học được khoảng ba, bốn tháng, các cô xin nghỉ học. Tối hôm đó, tôi đến, cô Ngọc trịnh trọng thay mặt các cô mà nói lời cám ơn.

- Chiều nay tụi em lên cái bar trên đường Thoại Ngọc Hầu, vào xin việc, bà chủ xổ ngay mấy câu tiếng Anh để hỏi tụi em. Tụi em trả lời được cả, vậy là bả OK. Tuần tới tụi em bắt đầu làm việc. Tụi em cám ơn anh rất nhiều. Tuy không còn dạy tụi em nữa, nhưng anh nhớ ghé nhà tụi em chơi. Không gặp anh, tụi em sẽ nhớ anh lắm.

Chỉ nói chừng đó mà cô nào cũng rơm rớm nước mắt khiến tôi cũng bùi ngùi, nhất là khi tưởng tượng đến mấy thằng Mỹ đen ôm các em mà quờ quạng, tôi đau lòng lắm. Mà em nào tôi thấy cũng rất chất phác, hiền lành cả. Thế nên khi cô Ngọc đưa cái phong bì trả học phí, tôi đề nghị các cô đi mua đồ về nhậu. Các cô chia nhau ra đi chỉ còn cô Ngọc ở lại. Hai đứa tôi nói chuyện linh tinh một lúc thì tôi ôm cô và hôn lên má cô. Tôi vẫn còn nhớ, khi tôi ôm hôn cô Ngọc, cô mềm nhủn người, nằm ngay vào lòng tôi, úp mặt vào người tôi, thở hào hển. Chính tôi cũng muốn ngộp thở vì run và hồi hộp, tim đập thình thịch. Nhưng tôi chỉ biết ôm chặt lấy cô và cứ ngồi yên như thế mà chẳng làm gì cả, cho đến khi các cô kia quay về, tôi đỡ cô Ngọc lên mới biết là cô khóc, nước mắt tèm lem cả mặt mũi, tôi lấy khăn lau cho cô thì cô lại cười, nói.

- Cám ơn anh!

Tối đó chúng tôi nhậu nhẹt với nhau đến khuya. Tôi không biết uống rượu, các cô cũng thế, nên chỉ vài chai bia mà đứa nào cũng say. Các cô hát, cười, rồi lại thút thít khóc với nhau.

- Uống đi! Uống để vui cái ngày cuối cùng tụi mình còn trong trắng.

Tôi say quá đứng không vững nên lăn đại vào một chiếc giường cạnh đó nằm ngủ. Đến gần sáng, tôi giật mình thức giấc, không hiểu mình đang nằm ở đâu, lại có ai nằm bên cạnh, gát chân lên người tôi. Một chiếc đèn nhỏ để trên bàn, chiếu ánh sáng mờ mờ qua cái màn vải, tôi quay đầu nhìn thì nhận ra là cô Loan đang ôm tôi ngủ, đùi cô đè nặng người tôi mà tôi không dám đẩy chân cô xuống chỉ sợ cô giật mình thức giấc. Tôi cứ nằm im thin thít mà nhìn cô, cứ tưởng mình nằm mơ vì không tin rằng tự nhiên lại được nằm ngủ với một đứa con gái. Rồi không hiểu sao, sau đó tôi ngủ luôn, thẳng một giấc đến sáng. Tỉnh dậy chỉ thấy cô Loan đang ngồi chải tóc, các cô kia chẳng thấy đâu. Cô Loan đã trang điểm xong rủ tôi đi ăn điểm tâm, tôi súc miệng qua loa rồi chở cô ra tiệm phở. Cô ngồi sau xe, vòng tay ôm lấy bụng tôi. Đó là lần đầu trong đời tôi được hân hạnh chở một đứa con gái và được ôm eo. Lần nầy giúp tôi xác nhận rằng chuyện khi hôm, tôi ôm cô Ngọc và nằm ngủ với cô Loan là sự thật chứ không phải là nằm mơ. Sau nầy, tôi kể lại cho bạn bè nghe, ai cũng cho rằng tôi phịa. Chính tôi, khi đã thành một thằng lính bạt mạng, mỗi khi nhớ lại, tôi vẫn ân hận rằng mình là con nai tơ quá khờ.

Từ đó tôi không đến nhà các cô nữa, chỉ thỉnh thoảng ghé vào cái bar nơi các cô hành nghề ở đường Thoại Ngọc Hầu thăm các cô, để được các cô mừng rỡ chạy ra ôm hôn một cách tự nhiên như hôn một em bé dễ thương. Lúc đó tôi hãnh diện với mấy chàng lính viễn chinh người Mỹ lắm.

Ít lâu sau các cô không còn làm ở đó nữa, không rõ lưu lạc về phương trời nào?

- Thế bây giờ cô Ngọc ở đâu?
- Nó theo chồng về Mỹ từ năm bảy hai rồi. Anh lúc nào cũng chỉ để ý đến con Ngọc. Anh chê em! Không thương em!
- Cô Ngọc vậy là may mắn hơn tụi mình nhiều. Còn cô Hạnh?
- Hắn theo một thằng cô hồn, rồi biệt tăm luôn, không gặp lại lần nào nữa.

 Chúng tôi ngồi yên lặng khá lâu. Tôi không biết nói gì với ả, chả lẽ lại hỏi một câu thông thường “Bây giờ em làm gì?”, còn ả thì nắm lấy bàn tay tôi, tựa đầu vào người tôi, giống hệt đôi tình nhân ngồi ghế đá công viên tâm sự. Tôi bỗng thấy thương tất cả ba cô gái, ba cô hiền lành, chơn chất lên thành phố kiếm sống để rồi bị cuốn vào những hoàn cảnh mà các cô không ngờ được. Ba cô giống như những con chim mới tập bay, vừa tung cách lên là bị ngay bão tố vùi dập. Ả lên tiếng.

- Anh đang suy nghĩ gì?
- Có nghĩ gì đâu. Nghỉ lấy sức để đưa em về. Khuya quá rồi! Anh là dân lậu, bị công an hỏi phiền lắm.
- Anh đưa em về, thật không anh?

Giọng ả nũng nịu như với người tình.

- Anh à! Gặp lại anh, em mừng lắm. Hồi đó, anh không biết là em thương anh rất nhiều, hơn cả con Ngọc thương anh nữa. Bao nhiêu năm rồi, em vẫn thương anh, nhớ anh, tìm anh. Lúc trước em mặc cảm nghèo hèn, quê mùa, không dám nói thương anh, bây giờ em là rác rến rồi, còn sợ gì nữa! Miễn anh hiểu em là em vui.

- Cũng chẳng có gì đáng vui đâu em. Anh bây giờ như một tên Do Thái thời xưa, chẳng có quê hương đất nước để mà về. Anh không còn là người dân Việt nữa. Công an lúc nào cũng theo dõi bọn anh, vi phạm một chút là vào tù ngay. Người quen biết gặp anh cũng làm mặt lạ. Em cũng nên như thế. Đừng rây vào anh mà mang họa. Anh cám ơn em. Anh cũng xin nói lời thành thật rằng. Cuộc đời đổi thay và lòng người cũng thế, nhưng anh biết chắc một điều rằng Em, cô Ngọc, cô Hạnh là những người duy nhất, từ trước đến nay, vẫn thương yêu anh. Hạnh phúc đó anh sẽ không bao giờ quên. Bây giờ anh đưa em về nhà. Khi nào có dịp, anh sẽ ghé thăm em. Khuya quá rồi. Công an mà bắt được anh thì phiền lắm.

Ả ngồi lặng thinh, như đắn đo, tần ngần một lúc lâu rồi ả ôm cả cánh tay tôi vào người.

- Em nói cái nầy anh nghe. Anh về với em đêm nay. Anh đã biết em là “gái” rồi. Em thường đón khách ở các đường vắng lúc nãy về ngủ với em. Xóm em, nhiều đứa làm nghề nầy, ai cũng biết, công an cũng biết nữa, họ không bắt bớ gì đâu. Anh đừng sợ. Nghe anh! Em sẽ thay tấm ra mới, mền gối mới. Nếu cho rằng em dơ bẩn thì anh chỉ nằm với em thôi. Giống như  lúc trước anh với em nằm ngủ với nhau đó.

Ả im lặng, thật lâu, như suy nghĩ điều gì, rồi nói.

- Lúc đó em còn con gái. Em muốn cho anh trước khi em đi bán bar...Suốt đêm đó em có ngủ được đâu! Anh thức giấc trở mình, em cũng biết nữa.

Rồi ả thở dài.

- Bây giờ em chẳng còn gì! Đời em trải qua biết bao nhiêu đàn ông... Những lúc “gần” họ như  thế, em chỉ nghĩ đến anh, chỉ mơ tưởng được gặp lại anh, được anh ôm ấp. Nghe anh! Thương em một lần. Về với em đêm nay. Nghe anh!

Tôi không nghe ả khóc, nhưng ả ôm chặt cánh tay tôi như sợ nó có cánh, sẽ bay vút lên trời, mất dạng.

Năm 1994, tôi từ Mỹ về Sài Gòn, đón xe thồ xuống đường Tôn Đản, quận Tư tìm cô Loan. Sài Gòn thay đổi nhiều quá, đường Tôn Đản lạ hoắc. Mặt tiền đều xây lầu khiến con đường đã hẹp như càng hẹp thêm. Tôi đi lơ ngơ, không nhớ rõ cô Loan ở chỗ nào. Tôi vào tất cả các con hẻm, hỏi thăm, nhưng chẳng ai biết. Cuối cùng, tôi đoán chừng và đi sâu vào một đường nhỏ, hỏi một bà cụ ngồi trước một căn nhà lụp xụp. Bà cụ vui vẻ bảo rằng có biết cô Loan bán bar nhưng cô đã dọn đi đâu không rõ, lâu lắm rồi.

Tôi chào bà cụ và ra khỏi hẻm, đứng tần ngần, không biết nên đi đâu để tìm cô? Tôi không tưởng tượng được cuộc sống của cô bây giờ ra sao? Cô đã lớn tuổi, không thể hành nghề bán bar hay làm “gái” nữa. Có thể cô đã về quê với ruộng đồng, cấy cày như một nông dân lam lũ? Hay cô đang chen chúc trong một xóm lao động khác, một mình bương chải, kiếm sống qua ngày?

Không tìm thấy cô, Sài Gòn đã lạ bỗng như vắng tanh.

Phạm Thành Châu