25 October 2023

NHẠC VIỆT, BÀI BOLÉRO ĐẦU TIÊN - Lê Hữu

“Nắng chiều” là bài boléro đầu tiên của nhạc Việt? Nhiều người tin là như vậy, do không tìm thấy bài nào cũ hơn ghi thể điệu boléro. Bài hát được nhạc sĩ Lê Trọng Nguyễn sáng tác năm 1953 (có tài liệu ghi năm 1952). Người ta đã quên nhắc tới một nhạc phẩm boléro khác, bài “Chiều thu ấy…” của Lam Phương và Cẩm Huệ, do nhà xuất bản Đoàn Giao ấn hành tại Sài Gòn. Trên tờ nhạc, bên dưới tên tác giả, ghi rõ thời điểm bài nhạc ra đời, năm 1952. “Chiều thu ấy…” là sáng tác đầu tay của nhạc sĩ Lam Phương, năm ông 15 tuổi, với phần lời của nhạc sĩ Hoàng Lang (Cẩm Huệ). 

Cả hai bài, “Nắng chiều” và “Chiều thu ấy…”, đều ghi thể điệu Rumba Boléro. Liệu còn bài boléro nào ra đời sớm hơn nữa? Thật khó mà biết đích xác, có điều, những người yêu nhạc Việt ở miền Nam có thể nhớ được bài boléro đầu tiên mình quen biết và yêu thích một thời.

Nhạc boléro, một thời quên lãng 

“Nắng chiều” đẹp như một bài thơ, như cô gái duyên dáng, dịu hiền ai gặp lần đầu cũng đều cảm mến. Bài hát đẹp cả nhạc lẫn lời, cũng là bài boléro Việt đầu tiên tôi được làm quen. 

Anh nhớ bước em khi nắng vương thềm

“Nắng chiều” là đây, là vạt nắng lung linh đón bước chân ai qua thềm.  

Anh nhớ xót xa dưới tre là ngà

Tôi chưa nghe ai nói “nhớ xót xa” bao giờ. Trong nỗi nhớ xót xa ấy có nỗi ray rứt và tiếc nuối. 

Gợn buồn nhìn anh, em nói “Mến anh”

Nốt láy mềm mại ở chữ “Mến” ấy nghe dịu dàng tình cảm thương yêu. Đến câu hát này mới thật là thơ,

Mây lướt thướt trôi khi nắng vương đồi

Nhớ em dịu hiền, nắng chiều ngừng trôi 

“Nắng chiều” về sau này được hát và chơi nhạc với nhịp điệu nhanh hơn, từ rumba đến bossa nova, chachacha, từ ánh “nắng” dìu dịu đến tia “nắng” xôn xao, làm thay đổi tình ý của bài hát.

Một bài hát, đôi khi chẳng có gì là hay ho đối với người này nhưng đối với người khác mỗi lần nghe lại như khơi dậy cả “một trời kỷ niệm”. Tôi nhớ hai bài nhạc tôi vẫn tập tành chơi điệu boléro với cây đàn guitar thuở ấy. Bài thứ nhất là “Đôi bóng” (1963) của Lê Dinh và Anh Bằng. Nhớ bài ấy cũng là nhớ giọng hát Thanh Thúy và những câu thơ Đinh Hùng trong tờ nhạc, nằm bên dưới tựa bài hát.

Tôi đợi trăng về bên phía tôi 
để sầu in bóng chỗ ai ngồi

Hai linh hồn vào chung một mộng
Hai bóng người làm một bóng thôi

Tôi chắc những câu thơ ấy đã gợi nguồn nhạc hứng cho hai ông nhạc sĩ để viết nên bài “Đôi bóng”. 

Giờ này người đi trong gian khổ 

thì hoa môi không nở / ánh mắt quên tình mơ

Tôi chưa nghe ai nói “hoa môi không nở”, chỉ đôi môi thiếu vắng nụ cười. 

Bài thứ hai là “Chuyến tàu hoàng hôn” (1962) của Minh Kỳ và Hoài Linh. Bài hát kể về cuộc tiễn đưa trên sân ga khi chiều tàn.

Chiều bao tiễn nhau đi khi bóng ngả xế tà

Một ông bạn tôi, qua Mỹ diện HO, rất thích bài này, cứ nghe đi nghe lại và còn nghêu ngao hát theo. Hẳn là anh có nỗi niềm tâm sự nào đó. Hình ảnh con tàu và sân ga thường vẽ ra cảnh tượng buồn bã của một cuộc chia tay nào. Chia tay với con tàu hay chia tay với sân ga cũng là chia tay với một mối tình. Mối tình nào, tiếng còi tàu nào còn đeo đuổi ông bạn tôi mãi đến nay.

Nếu mai đây về, cũng trên chuyến tàu hoàng hôn...

Câu hát cuối cứ lặp đi lặp lại, nhỏ dần nhỏ dần rồi tắt hẳn, như tiếng còi tàu xa dần, như bóng con tầu mờ dần... Thích bài hát, anh bạn cũng thích giọng hát cô ca sĩ. Có lần cháu anh hỏi “H.O. là viết tắt của những chữ gì vậy chú?”, anh trả lời là “Hoàng Oanh”.

Thường thì những bài boléro tôi nhớ được vẫn đi với một giọng hát nào, chẳng hạn “Nửa đêm ngoài phố” (Trúc Phương) với tiếng hát Thanh Thúy, “Ai lên xứ hoa đào” (Hoàng Nguyên) với Lệ Thanh, “Gửi về anh” (Đỗ Thu) với Thái Thanh, “Bến giang đầu” (Lê Trọng Nguyễn) với Hà Thanh, “Mùa đông của anh” (Trần Thiện Thanh) với Thanh Lan, “Biệt kinh kỳ” (Minh Kỳ & Hoài Linh) với Duy Khánh, “Khi em nhìn anh” (Y Vân) với Nhật Trường…

Gần như ca sĩ nào cũng khởi nghiệp cầm ca từ những bài boléro đầu tiên, là những bài dễ hát, dễ được đón nhận vào thời tân nhạc Việt thịnh hành nhất ở miền Nam khoảng đầu thập niên 1960s, trong đó không thiếu những bài boléro ngọt ngào.

Về sau này tôi ít nghe và có lúc tưởng đã quên những bài boléro ấy, chỉ vì sở thích và khuynh hướng thưởng ngoạn trong việc đọc sách, xem phim, nghe nhạc có thay đổi theo từng thời kỳ. Hoặc đơn giản, chỉ là ăn mãi một món cũng ngán, cần thay đổi món ăn lạ miệng hơn. Những bài hát boléro ngày xưa ấy chỉ còn là dư âm một mùa nào đã vắng xa. 

Nhạc boléro, hai đời sống

Từ sau năm 1975, “nhạc vàng” miền Nam bị xem như mặt hàng “quốc cấm”. Điều lạ lùng là, sau nhiều năm ngủ kỹ tưởng đã tắt lịm, nhạc boléro như nàng công chúa ngủ trong rừng một ngày kia được người yêu nhạc trong Nam ngoài Bắc rón rén đến bên giường lay gọi, thổi vào một sức sống mới thật sinh động. Nhiều bài boléro ngỡ chỉ còn là dòng nhạc hoài niệm bỗng được vực dậy, nâng niu, đắm đuối.

Sự lên ngôi của “dòng nhạc trữ tình boléro” nổi lên như một hiện tượng lạ, tạo cơn lốc cuồng nhiệt, thống lĩnh mọi sinh hoạt văn hóa văn nghệ trong nước. Những bài hát thể điệu boléro xập xình, nhịp điệu rỉ rả, giai điệu luyến láy đi cùng lời ca bình dị, dễ hát, dễ nghe lại dễ đệm đàn với nhạc cụ thông dụng là chiếc đàn guitar thùng đã chinh phục trái tim người yêu nhạc trong cả nước. Nhạc điệu boléro vốn là “đặc sản” âm nhạc của miền Nam, nay trở thành món ăn ngon, hấp dẫn và hợp khẩu vị người yêu nhạc miền Bắc sau nhiều năm phải nhai đi nhai lại mãi những món khó tiêu và ngán đến tận cổ. 

Nhạc boléro, như thế có đến hai đời sống, cách nhau đến gần nửa thế kỷ. Đời sống thứ hai, tuy là tái sinh nhưng lại sống hùng, sống mạnh hơn vì được phổ biến tràn lan trong cả nước chứ không chỉ giới hạn trong phạm vi miền Nam như thời kỳ trước năm 1975. 

Trước năm 1975, nhạc Việt miền Nam làm gì có những tên gọi “dòng nhạc boléro”, “tuyệt phẩm boléro”, “siêu phẩm boléro”. Làm gì có những danh hiệu nổi đình nổi đám như “Nữ hoàng boléro”, “Ông hoàng boléro”, “Hoàng tử boléro”, “Công chúa boléro”, “Thánh nữ boléro”, “Thiên thần boléro”, “Búp bê boléro” và cả “Thần đồng boléro”. Làm gì có những cuộc thi tuyển “Giọng ca vàng boléro”, những cuộc thi hát sao cho thật giống những ca sĩ nổi tiếng “chuyên trị” boléro. Làm gì có những quán cà phê nhạc, những phòng trà chỉ chơi toàn nhạc boléro cho những người khách bước vào để được nghe, được bước lên sân khấu hát một bài boléro cho thỏa niềm đam mê dòng nhạc mình yêu quý. Phổ biến hơn nữa là những người hát rong, những giọng ca đường phố kéo theo những thùng loa kẹo kéo nỉ non những bài bản boléro cho bà con thưởng thức miễn phí. Người người cùng hát boléro, nhà nhà cùng hát boléro. Cả nước chung tay xây đắp, vun xới tình yêu boléro. Mối tình âm nhạc thắm thiết, bền chặt, thủy chung.

Nhạc boléro gần như đạt ngôi vị cao nhất trong mọi thể loại nhạc Việt ở trong nước. Nhạc vàng gần như vươn tới đỉnh cao với thời hoàng kim của boléro. Những thần tượng boléro đã mê hoặc, hớp hồn không biết bao nhiêu “tín đồ boléro”. Nhiều ca sĩ nổi lên từ dòng nhạc này được ngưỡng mộ, tôn vinh, phong tặng những danh hiệu sáng chói. Đến nay, người ta vẫn tiếp tục tìm kiếm những giọng ca vàng hát nhạc boléro ngọt nhất, mùi nhất. 

Hát boléro tưởng dễ nhưng không dễ hát cho hay. Hát không hay thì không nghe ra boléro. Giọng phải mềm, ngọt và mùi. Mùi là ngân nga, nhấn nhá, luyến láy sao cho mùi mẫn, miễn đừng có điệu đàng quá. Phải “mùi” mới nghe ra boléro, mới nghe rót mật vào tai. 

Trong một cuộc thi hát boléro ở trong nước, các giám khảo cho nhận xét, góp ý sau phần trình diễn của một thí sinh: “Em hát rất tốt, đúng nhịp đúng phách, đúng nốt đúng tông nhưng nghe vẫn thiêu thiếu cái gì đó. Cái mà em thiếu là cái ‘hồn’ của bài hát. Em hát bằng một giọng đều đều, nhàn nhạt từ đầu tới cuối bài, không có ‘màu’, không có ‘diễn’, không có những chỗ nhấn nhá biểu cảm cho điệu nhạc lời ca nên không truyền được cảm xúc tới người nghe. Em phải xem lại.” Thí sinh hát tốt nhưng vẫn không được điểm cao, và cũng… không hiểu tại sao. 

Nhạc boléro ở đây là điệu nhạc boléro “đặc trưng” của người Việt, không giống như boléro có nguồn gốc từ các nước Tây Ban Nha, Cuba xa xôi. Người Việt vốn giàu sáng kiến, đã “Việt hóa” điệu nhạc ấy thành thể điệu “boléro Việt” với tiết tấu chậm rãi, nhịp phách kéo lơi ra, nghe rỉ rả, nỉ non rất gần với làn điệu cổ nhạc dân tộc, phù hợp với tai nghe nhạc của người mình. Nhiều người dễ lầm tưởng “dòng nhạc boléro” là cách gọi những bài bản thể điệu này, nhưng không hẳn vậy, các bài nhạc “trữ tình” thể điệu boléro, habanera, ballad và cả slow, slow rock được người trong nước gộp chung và gọi chung là “nhạc vàng boléro” hay “dòng nhạc boléro” cho… tiện.

Cho dù thích hay không thích, khó mà phủ nhận rằng “dòng nhạc” ấy rất gần gũi và thể hiện được tâm tình người Việt. Dễ nhận thấy điều này, vào mỗi mùa Tết đến xuân về những bài nhạc Xuân được yêu thích, được nghe được hát nhiều nhất phần lớn là những ca khúc thuộc “dòng nhạc” này. Kể ra không hết, “Hạnh phúc đầu xuân”, “Cánh thiệp đầu xuân” (Minh Kỳ & Lê Dinh), “Đám cưới đầu xuân”, “Đồn vắng chiều xuân” (Trần Thiện Thanh), “Đan áo mùa xuân” (Phạm Thế Mỹ), “Mùa xuân đầu tiên” (Tuấn Khanh), “Mùa xuân đó có em” (Anh Việt Thu), “Mùa xuân của mẹ”, “Xuân này con không về” (Trịnh Lâm Ngân), “Câu chuyện đầu năm” (Hoài An), “Đón xuân này, nhớ xuân xưa” (Anh Châu & Châu Kỳ)… 

Nhạc boléro trong nước đang thời kỳ sung mãn và hứa hẹn sức sống lâu dài. Nhạc boléro đã như một món ăn quen thuộc, ngon miệng, không có không được. Thử tưởng tượng, ngày nào đó thiếu vắng đi “dòng nhạc” này, đời sống sẽ buồn và tẻ nhạt biết chừng nào.

Nếu mai đây về cũng trên chuyến tàu hoàng hôn…

Kể từ ngày tập tành đàn địch điệu boléro xập xình bài hát này, tôi đã bay một vòng bay quá dài. Từ một chàng trai mới lớn, đứng nhìn người tiễn đưa nhau trên sân ga, đến khi bước vào buổi hoàng hôn của đời người. Sân ga vẫn nằm đấy, im lìm. Vẫn là sân ga cũ, nhưng lòng tôi đã khác. Tôi đứng mãi nơi đó, đón đợi con tầu xình xịch đỗ bến khi trời chạng vạng tối, chầm chậm bước lên, nghe tiếng xình xịch con tàu chuyển bánh đưa tôi về nơi chốn nào.

Bài boléro tôi đàn hát nghêu ngao ngày xưa ấy, nay lại thích hợp với tôi hơn bao giờ. Và tôi, mỗi lần hát karaoké cùng các bạn trẻ thích hát nhạc boléro, những khi được hỏi “Chú hát bài gì?”, tôi đều bật ra câu trả lời “Cho chú bài Chuyến tàu hoàng hôn”. 

Lê Hữu