02 November 2023

ÂM DƯƠNG KHÓ GIẢI - Minh Thúy Thành Nội

Tôi lớn lên từ khu xóm gần hồ Tịnh Tâm. Trong xóm tôi ở toàn các ông Giáo, ông Trợ, ông Phán, ông Nghè, ông Thông được ghép tên thật phía sau, và người ta thường gọi như thầy Trợ Hiếu, bác Phán Quỳnh, v.v... Tôi xin kể về gia đình bà Thông Hợp và gia đình thầy Giáo Mạnh.


Chuyện thứ nhất 

Cách đây hơn 50 năm về trước, nhà tôi ở đối diện với khu biệt thự kín cổng cao tường, có cây vú sữa rậm rạp um tùm phủ ngay cổng vào. Bà Thông Hợp phân chia rất nhiều ngôi nhà trong khuôn viên, dành cho các con lập gia đình sinh sống. Người con trai trưởng tên Hùng có vợ bốn con ở căn nhà cao, cửa sổ nhìn qua nhà tôi. Trông anh ốm yếu, nước da xanh mét, trên người luôn có vết bầm tím. Anh ít tiếp xúc với ai. Trước anh có đi dạy tiểu học nhưng sau bệnh hoạn triền miên nên ở nhà, vợ anh làm y tá.

    Mỗi đêm thỉnh thoảng vọng qua nhà tôi tiếng anh Hùng “tao cũng sẽ giết mi’, rồi nghe có tiếng như ai đấm đá nhau. Sáng ra người ta để ý mặt mày anh sưng vù, tình trạng như vậy hoài nên ai cũng quen mắt nghĩ anh bị bệnh tâm thần. Một lần mẹ tôi sai đem qua chị vợ chai nước mắm, đi ngang phòng giữa tôi thấy anh ngồi nói một mình. Tôi tò mò hỏi, “Không có ai sao anh nói chuyện vậy?” Chị buồn rầu, “Tối ngày cứ vậy hoài đó, bệnh chẳng thuyên giảm tý mô, chị mệt mỏi lắm”.

    Thế rồi mùa học thi gạo bài, hồi đó các anh lớn rủ nhau học dưới cột đèn ngoài đường. Đêm nào anh cả tôi cũng ngồi dưới cột đèn miệt mài ôn luyện. Bỗng một đêm vào khoảng hai, ba giờ sáng, anh chạy thình thịch vào bật đèn sáng thức cả nhà dậy. Anh hổn hển kể, “Con đang học, tình cờ ngẩng đầu lên thấy một người con gái tóc ngang lưng mặc bộ trắng toát đi vào ngõ nhà bà Thông Hợp, tưởng mình hoa mắt nhìn kỹ lại rất rõ ràng là cô gái đang đi, rồi nhìn theo xem cô đi tới đâu nhưng sau đó không thấy nữa, người lạnh xương sống chạy lẹ vào đây.”

    Từ đó anh không dám ra cột đèn nữa, mà mẹ tôi cũng cấm đoán các con khi trời chạng vạng không được bước ra đường nữa. Lúc vợ anh Hùng qua nhà mua sữa, đường, mẹ tôi kể nhỏ cho chị nghe. Chị rất mến mẹ tôi nên dặn giữ kín chuyện, rồi kể rằng: Hồi thanh niên anh Hùng có quen cô bạn học, hai người thương nhau nhưng bị bà Thông Hợp chê không được môn đăng hộ đối, nhất định không chấp nhận, sau cô kia thắt cổ tử tự chỉ mới mười bảy tuổi, và từ đó anh Hùng cũng bị bệnh ma vương không chữa trị được.

 

Chuyện thứ hai 

Nhà tôi có bậc thềm xi măng rộng được che bóng mát rậm của cây nhãn. Mỗi trưa hè các bác trong xóm thường qua ngồi hóng gió và “tám” chuyện. Lúc nhỏ tôi có tật hay bung búi tóc của mẹ ra vọc và bắt chí, nên nghe được chuyện O Hương (em thầy Giáo Mạnh) cất căn nhà nhỏ trong vườn nhà anh.

    Con trai đầu O Hương học sư phạm Quy Nhơn quen cô nào trong đó, có đứa con trai bồng về ra mắt Nội. O giận lắm vì lỡ hứa kết sui gia với bạn, O không chấp nhận. Con trai O thuê nhà sau bờ thành hồ Tịnh Tâm cho mẹ con ở tạm, chờ tình hình giải quyết. Không ngờ O giận lẫy nghiêm khắc không nhìn mặt. Cô kia một đêm nọ dại dột cắt tay lấy máu viết lá thư tuyệt mạng, rồi bồng con đến cầu Bạch Hổ nhảy xuống sông tự vẫn, trong lúc cầu mới xây xong sắp khánh thành. O Hương hối hận lặng lẽ đến đem xác hai mẹ con về chôn, nhưng bị người ta chửi rủa quá, nên gia đình O dọn vào Nam sinh sống.

    Ngôi nhà hương hỏa thờ tự của thầy giáo Mạnh có khu vườn rất rộng, chính O Hương đã xây ngôi nhà nhỏ bên góc. Vợ thầy rất thân với mẹ tôi, thường qua lại, rủ nhau xem cải lương đoàn Kim Chung hát, xem xi-nê phim Tàu “Hồn Bướm Mơ Tiên”. Năm 1971 một hôm bác bị bệnh cảm cúm, sợ lây bệnh cho con nên muốn nằm ngủ ngôi nhà sau. Tự dưng nửa đêm anh Ngọc (con đầu) đang nằm ngủ chợt thức giấc thấy vạt lửa đỏ vụt qua khung cửa kính. Anh vùng dậy la làng tung cửa chạy theo dập lửa, bác gái chạy thật nhanh ra cổng, thì loạng choạng té xuống hố có vũng nước sau cơn mưa. Cả nhà thức dậy phụ bế bác gái vào đặt trên giường và gọi xe cấp cứu của bệnh viện. Trong lúc chờ đợi tiếng bác gái kêu gào hét lớn vang rõ trong đêm khuya, “Nói Ngọc đừng ra ngoài, công an đang ngồi trên nóc nhà rình bắt đó, Ngọc ơi không được ra ngoài.” Chỉ một câu đó bác gái lặp đi lặp lại, cả xóm không ai ngủ được vì tiếng thét hãi hùng, mẹ tôi mấy lần định chạy qua vì nóng ruột, nhưng anh tôi không cho sợ Nhân Dân Tự Vệ đang gác ngoài đường bắn lộn. Gần sáng xe cứu thương mới đến chở đi. Khoảng trưa xe chở xác về nhà, trên nệm những tấm da rớt lại từng mảng, mặt bác đen thui. Bác mất rồi thỉnh thoảng anh Ngọc chạy qua nhà tôi gọi mấy chị về, và đứng kể, “Tụi bây biết răng không? Tao bị ai xô xuống hố giống mạ lúc bị té rứa đó, hay là mạ xô không biết”. Anh vừa kể vừa giơ tay chỉ mấy vết bùn dính áo trước sau, ai cũng sợ hãi im lặng hoang mang.

    Hai năm sau, một buổi sáng tôi còn nhớ rõ đang đi tới cổng nhà anh, xe bệnh viện đậu ở trước, thấy anh vừa đi vừa xoa bụng cười trả lời hàng xóm, “Đau bụng đi cầu nhiều lần chú ơi, qua bệnh viện khám thử xem”. Ai ngờ chỉ qua một đêm ngày mai xác anh được chở về (không biết có chính xác mà người thân nghi bị chích lộn thuốc). Trong khi thầy giáo Mạnh lại đi chơi xa trước đó một ngày. Thầy đi chẳng cho con cái biết tới đâu ở nhà ai. Các em anh Ngọc quá đau buồn chỉ biết ngồi khóc than trời đất. Các bạn dạy chung trường và bạn lính ra tay lo đám tang sắp xếp mọi bề. Anh Ngọc mất lúc 27 tuổi, đang dự tính lập gia đình với người bạn đồng nghiệp dạy chung trường.

    Ngày cuối cùng đưa đám xong thì buổi chiều từ đằng xa có bóng thầy Giáo Mạnh xuống xe lam đi bộ về. Một đám con nít bám đuôi theo thầy, bao nhiêu con mắt bà con lối xóm đều đứng đổ về phía thầy, tôi cũng đọc được trong ánh mắt thầy lộ vẻ ngạc nhiên lạ lùng. Vào cổng bước lên bậc thềm, đám nhỏ và người lớn cũng chạy theo. Thầy thấy quang cảnh khác lạ, phòng nhoi ra bên hông trái cây bàn thờ nghi ngút. Thầy thảng thốt thấy hình anh Ngọc trước khói hương. Thầy khóc gào, “Khốn nạn, người cha khốn nạn, đáng lẽ để ba chết, con phải sống Ngọc ơi, khốn nạn quá...” Thầy ngồi bệt xuống kể lể cho các con nghe: bốn hôm trước ba nằm ngủ, tự dưng thấy hai ông cầm giáo mác mặc quần áo màu đỏ đến đứng đầu giường nói, “Ta đến bắt nhà ngươi đi, nhưng chưa tới số, hai hôm nữa sẽ trở lại đón”. Thầy thức dậy hoảng sợ quá, lặng lẽ dọn hành lý trốn con cái vào Phan Rang chơi với bạn không cho ai hay, như đi trốn lời cảnh báo của hai ông áo đỏ.

    Từ đó đến nay không nghe chuyện gì xảy ra nữa. Ngôi nhà buồn tênh vì các chị em gái đi lấy chồng xa. Chỉ còn em trai út lấy vợ nối tiếp thờ tự hương hỏa. Cô dâu út rất mộ đạo, hay đi Chùa tụng kinh niệm Phật, làm công quả giúp các hội từ thiện. Có lẽ cô đã cúng bái cầu siêu các vong hồn người mất nên được yên ổn chăng?

    Chuyện âm dương thật khó hiểu và huyền bí.

Minh Thúy Thành Nội

(10/2023)