Buổi đầu tôi mặc hai lượt quần, ba lớp áo. Chồng tôi bảo,
thày tẩm quất nào phải ông thày võ chọc ngón tay thủng tường mà mình che chắn
khiếp đảm như thế. Thày lại đeo kính xẩm, không nói trước có khi lẫn lộn đàn
ông với đàn bà. Nhưng tôi nghĩ, áo xống đâu chỉ để che thân mình và che mắt ai,
trong quan tài người ta cũng mặc thật chu đáo. Lần đầu để tay người lạ chạm
vào, có giữ ý có lành. Đàn ông không phải ai cũng tân tiến như chồng tôi, mà những
người mù tôi biết đều có vẻ không theo thời, như thể họ sống riêng ra một cõi
xa xôi nào đó. Cõi ấy mặt trời không mọc và lặn.
Chồng tôi lấy làm thú vị cái giọng chao chát ấy, khẩn
khoản nài, thày chua thêm một đoạn nữa: "Ông chê đồ giả thì dẫn bà nhà đi
khách sạn. Trong ấy toàn người thật việc thật, vui lắm. Vào mát xoa mát da, ra
tắm hơi ấm thịt, lại lịch sự nhẹ nhàng. Chúng tôi đây có mỗi món vặn cổ bẻ
lưng, khí man rợ, không hợp với đàn bà." Chồng tôi nghe vậy càng thích.
Anh vốn có duyên với những kẻ khác đời, nghe tiếng ai ngông là lặn lội đến mời
về thù tạc bằng được. Một dạo nhà tôi tấp nập khách nghệ sĩ, sau chồng tôi kết
luận là họ chỉ ra vẻ lập dị, chứ muốn được đời tán thưởng thì sao đành khác đời.
Vả lại nhiều vị làm nghệ sĩ suông thì xù xì, đặt vào đâu cũng không vừa, nhưng
tác phẩm cứ trình ra là tròn khuôn, thần thái gồ ghề biến đi đâu hết cả, anh thật
không biết nên tiếp tục xử sự với các vị ấy như thế nào. Năm ngoái anh tiếc mãi
một vị không nghệ sĩ, nghe nói ông viên chức cũ thời Pháp ấy theo cái chủ nghĩa
tự đặt là chủ nghĩa cảm ơn xin lỗi, tuyên ngôn rằng mình là người cuối cùng biết
nói hai từ sắp tuyệt chủng ấy, nên lưỡi còn ngọ nguậy thì không nói gì hơn hai
từ này. Chồng tôi tới quá muộn, lưỡi ông ấy đã cứng, may là còn tìm được xác ở
bãi rác ngoại ô, đành đem về nghĩa trang Văn Điển chôn như mọi người. Cả năm
nay anh than buồn cho thiên hạ, buồn cho mình.
Đám trẻ có liều mà không ngông. Đám già thì xa đời chứ chẳng
khác đời. Thày quất này tuổi còn non mà nói giọng thâm thuý chững chạc, rõ ra kẻ
không xu thời. Chồng tôi trổ hết duyên, rủ được thày đi uống mấy chén rượu tăm
nơi một chủ rượu cũng có tiếng khinh bạc, không bao giờ thèm tiếp khách vãng
lai. Cuối cùng thày bảo nể lắm nên nhận lời, nhưng xưa nay chưa từng tẩm quất
đàn bà, phục vụ có gì sai sót xin ông Giáo rộng lượng. Ban đầu chồng tôi cho vợ
nằm trên sập, ý là để thày đứng cạnh cho tiện tầm tay. Nhưng thày bảo:
"Chúng tôi chỉ quen ngồi chiếu. Nghe nói ở viện y học dân tộc có khoa xoa
bóp, thày thuốc mặc bờ lu trắng thì đứng, bệnh nhân nằm. Chúng tôi đây là tẩm
quất dân dã, xin cứ xuề xoà cho đúng kiểu." Chồng tôi vội trải chiếu, đáp
rằng thày nói hợp ý anh lắm, đây là chỗ thân mật, không phải nơi công cộng, là
cái thú thoải mái chứ đâu phải cái bắt buộc chỉnh chu gì, xin thày cứ tự nhiên
cho. Thày ngồi vào chiếu. Tôi xuống nằm. Chồng tôi bảo: "Phía đầu ở bên
trái, phía chân bên phải thày đấy ạ." Anh cũng đã dọn nhà thật kỹ. Nhà tôi
thường ngổn ngang, bàn ghế kê rất trắc trở, quà tặng lặt vặt của khách văn nghệ
một thuở và đồ lạ mắt do chồng tôi sưu tầm bày đầy, cây cảnh và sách vở không
chừa chỗ nào. Ông thày này không khua gậy, không có chó dắt, không có trẻ đưa,
như bắt xung quanh tránh mình chứ mình không tránh. Tôi nằm nghiêm. Sấp, ngửa,
nghiêng, nằm thế nào cũng thấy gò bó, như cả đời chưa nằm bao giờ. Nằm sấp thì
mông thừa, đùi càng khép mông càng nổi gò. Mà mở đùi e hớ. Nằm nghiêng càng lộ.
Nằm ngửa thì tênh hênh. Thày ấn tay vào là tôi gồng lên. Cả người tôi là một khối
cảnh giác sưng sỉa. Thày bảo: "Bà nhà không được thoải mái lắm." Chồng
tôi dồn hỏi: "Sao lại không thoải mái? Thoải mái là thế nào?" Thày
đáp: "Hồi nhỏ bị người lớn nọc ra đánh, chúng tôi cũng nằm như thế
này." Chồng tôi cười lớn. Anh bình luận hồi lâu về cái lẽ thấm thía của
tình thương trong roi vọt, rồi bảo: "Vì thế tôi mê món tẩm quất dân tộc.
Nó là món đấm món véo, món thượng cẳng chân hạ cẳng tay, vào đến đâu nhớ đến đấy,
không phải cái thứ mát-xa mát-xôi thời bây giờ. Tôi chúa ghét những thứ thoang
thoảng cảnh vẻ, quý tộc rởm, lãng mạn rởm, văn minh rởm! Xin thày cứ tẩn mạnh
cho." Chồng mê gì tôi thích nấy, ghét gì tôi chê cùng, từ ngày đầu làm vợ
đã thế thì cứ tiếp tục thế đến ngày chót. Tôi cho làm vợ là thân phải trao, phận
phải gửi cả, đâu giữ chỗ nào cho riêng ý mình. Chồng tôi lại cho thế là thụ động,
đem cái kết quả của nghĩa vụ làm điểm xuất phát. Vậy sửa rằng, sở dĩ trao thân
gửi phận vì chung một lòng. Tôi không thấy đi từ tình lòng hay từ nghĩa phận cuối
cùng có gì khác. Nhưng sửa cũng thế mà chồng được vừa ý. Thì sửa là hơn. Thày
đáp: "Chúng tôi cũng thích tẩn mạnh. Khách được đấm cho ra tấm ra món đỡ
tiếc tiền. Nhưng hôm nay xin làm biếu không hai bàn tay, hai bàn chân, là thứ
râu ria không đáng kể gì. Ông Giáo thấy vô hại thì lần sau chúng tôi xin ra đòn
hẳn." Chồng tôi đồng ý, nhưng giao hẹn: "Thày giữ kẽ buổi đầu thôi
nhé! Từ lần sau ta phải bỏ hết các thủ tục khách sáo. Tẩm quất mà rào trước đón
sau thì còn ra cái gì!" Mỗi bàn tay tôi không đầy hai chục phân vuông thày
làm hết mười lăm phút. Tôi để ý nhất động tác vê các ngón, tỉ mỉ từng li. Sau
trọn nửa tiếng đồng hồ chồng tôi đùa: "Thày quen tay nhà tôi hơn tôi rồi đấy".
Thày đáp: "Ông Giáo nói đúng. Người ta thuộc mặt nhau là thường, thuộc giọng
nhau cũng còn là thường, thuộc đến mùi nhau đã hiếm hơn, thuộc tiếng chân nhau
là hiếm lắm.
Nhưng hiếm nhất là thuộc tay nhau. Xưa không có lệ bắt tay cầm
tay, không ai biết tay ai đã đành. Nay đưa tay xoành xoạch cũng chẳng hơn gì.
Ngay những người suốt ngày xoa tay xin xỏ, những người suốt đời chụm tay cầu
cúng, tay này cũng còn không biết tay kia thế nào..." Chồng tôi ngắt lời:
"Thày nói thế chắc phải biết tay thiên hạ lắm!" Thày đáp: "Không
dám! Chúng tôi chỉ biết lưng thiên hạ thôi. Đàn ông đi tẩm quất quan trọng mỗi
cái lưng, ai hơi đâu vẽ chuyện nắn tay. Mỗi tay khách bẻ cho kêu mười cái, có
thành tích răng rắc là các vị hài lòng rồi. Kêu mười cái hết mười giây đồng hồ.
Lắm vị tay chỉ kêu cùng lắm được chín cái, là chín giây, cũng bằng một cái bắt
tay khách sáo thôi, ông Giáo ạ." Chồng tôi bảo, anh cũng thích nghe cái
thành tích răng rắc ấy, xem nó thế nào. Thày bèn đặt ngửa một bàn tay tôi trong
lòng tay thày, khum lại. Ngón cái tay thày dạo một đường như bấm phím nhạc trên
mỗi mấu giữa hai đốt đầu bốn ngón tay tôi. Bốn tiếng gọn gàng vang lên. Ngón
cái tay thày dịch nhanh lên lưng đốt cuối bốn ngón tay tôi. Bốn tiếng nữa, trầm
hơn tiếng trước. Bây giờ ngón cái và ngón trỏ tay thày gập gọn ngón cái tay
tôi, thêm một tiếng trầm. Tiếng thứ mười vang lên ở đâu đó sâu dưới rễ ngón
cái.
Tay bên kia cũng kêu đủ mười nốt. Chồng tôi khen. Thày bảo:
"Chẳng qua là cái mẹo vặt, ai khéo là làm được, ông Giáo nên tập cho biết
cái ấy không cao siêu gì." Đến lượt chân, chồng tôi có vẻ xúc động. Lúc
thày miết dài trên mu, lách qua từng kẽ ngón, lăn chiếc mắt cá, rồi đặt trọn
bàn chân tôi cũng không đầy hai mươi phân vuông lên tay này, tay kia trùm xuống,
như ủ một con chim thật nhỏ xinh yếu ớt, anh bỗng nhìn vợ. Tôi nhoẻn cười. Mỗi
khi không chắc chồng nghĩ gì tôi đều nhoẻn cười. Tay thày vòng ấm cổ chân tôi.
Tay thày băm, gõ, đập miên man lòng bàn chân tôi. Tay thày cù phơn phớt. Tôi nhột,
tôi động từ gót động lên.
Chồng tôi thốt ra: "Thày bảo tẩm quất là món man rợ phải
không?" "Vâng." Thày rút mạnh, cổ chân tôi kêu khục một tiếng.
"Hay ông Giáo gọi nó là món bình dân cho tiện." Lại rút mạnh. Cổ chân
bên kia lại kêu khục. Hai bàn chân tôi không lìa khỏi cẳng. Chúng chỉ nhẹ như
hai chiếc lá rủ mềm khoan khoái và lười biếng, chúng chỉ muốn mãi mãi nằm đó, để
được ủ nữa, cù nữa, chiều chuộng nữa. Chúng hư mất rồi. "Vâng, chúng tôi
không cốt nói cho ra vẻ đâu. Chẳng qua là những món lịch sự hiện đại tràn lan
quá, dễ tìm, dễ dùng quá, thay đổi nhanh quá, khiến người sâu xa như ông Giáo
phải bất mãn, quay sang đề cao những thứ mộc mạc cổ truyền. Chúng tôi phải nói
trước để ông Giáo khỏi thất vọng. Món tẩm quất này nếu không cổ lỗ rị mọ thì
người tối tăm như chúng tôi sao làm được. Có cơ sở gì đâu.
Cứ lỗ mỗ học mót trong thiên hạ, cái hay cái dở như nhau cả.
Chúng tôi chả biết cái gì đáng vứt, cái gì có giá trị thật, cứ à uôm dùng tuốt
cho được việc. Người ngoài thấy u u minh minh lại xếp luôn vào hạng huyền diệu.
Thật là vẽ chân cho rắn. Châm cứu bấm huyệt may ra có chút văn minh tinh tế, chứ
xoa xoa đập đập thì bọn đười ươi cũng không thua gì. Chẳng qua là cái nghề kiếm
sống. Chúng tôi vốn mê nghề khác, nhưng trời đã bắt như thế này thì đành chịu
trời..." Chồng tôi không biết nên đáp thế nào. Khách ngông đến nhà tôi có
khi ăn nói dở khôn dở dại, nhưng ông thày này lắt léo, cả buổi nói toàn giọng
ngấm ngầm giễu cợt. Chẳng hiểu muốn thân hay muốn sơ? Chẳng hiểu trọng hay
khinh người? Thật thà hay vòng vo thử thách? Riêng ngón nghề thì rõ ràng, nên
chồng tôi nhất định đòi thuê xích lô đưa thày về, để hôm sau lại rước bằng được.
Anh không nói ra hẳn, nhưng tôi biết ông thày khó hiểu này sẽ còn làm khách quý
trong nhà tôi lâu dài. Buổi thứ hai chồng tôi hồi hộp còn hơn vợ. Thày chưa đến,
anh đã giục tôi ra nằm.
Tôi nằm sấp, nhắm mắt, nghĩ linh tinh. Thày tẩm quất không
bao giờ biết mặt tôi. Thày tẩm quất có đôi tay lúc ấm lúc mát rượi. Thày tẩm quất
có giọng mỉa đời. Không khéo hôm trước mỉa ngầm chồng tôi. Khinh tôi cũng nên.
Nhưng sao mà vuốt chân tôi thành thật thế. Mấy cô thợ sửa móng chiều chân khách
lắm cũng không bằng. Từ hôm qua tôi biết mình có hai bàn chân, để xúc động, để
vòi, để hư, để nghĩ. Ừ, hai bàn chân làm lụng vất vả nhất cơ thể, mỗi ngày tôi
chải tóc mấy bận mà chẳng buồn chải chân. Mỗi đêm chồng tôi tìm ngực vợ bao lần
mà chân để suông. Đêm qua anh bỗng hôn chân tôi ướt lịm, điên khùng hơn hôn
môi, khiến vợ chồng lại lạ nhau như mới cưới. Tôi cảm động phát khóc. Trên đời
chắc không nhiều người vợ được chồng mút chân. Hôm nay anh bảo tôi mặc một bộ đồ
lụa. Thế là đủ kín đáo, đàn ông đi tẩm quất chỉ đánh cái quần đùi. Anh đâu thuê
thày về tận nhà xoa bóp mấy lớp mo nang em khư khư khoác vào người. Là da thịt
em, anh yêu, anh chiều. Là em, anh thương, anh không dắt em vào những cái sướng
ở đời thì tự em chả bao giờ dám sướng. Vả lại, giữ gìn quá hoá ra gán cho người
ta có ý trộm. Vợ anh đâu như mấy cô thiếu nữ, đi thì dính hai đầu gối vào nhau,
ngồi thì đùi quấn như thắt nút. Khép quá khác nào thách người ta xông vào. Bộ đồ
lụa khiến tôi mềm mại, hay lúc tay thày đặt xuống tôi bỗng thấy thân thuộc? Tôi
cũng quen tay thày rồi sao? Đầu tiên là những vòng xoa nhè nhẹ, dịch dần từ hai
bả vai, theo lưng, trườn sang hai bên lườn, xuống hai bờ mông. Tôi lại nhoẻn cười
với chồng.
Thày bảo: "Lưng tạm được, vai với mông mất nhiều công đấy
ạ." Chồng tôi không hiểu. Thày giải thích: "Hai buổi là chúng tôi làm
cái lưng này nhuyễn, không có vấn đề gì. Vai với cả vùng cổ sượng lắm, phải cả
tuần mới ổn. Nhưng hông có vẻ hơi lệch. Chúng tôi chưa dám chắc. Nếu lệch thật
thì chúng tôi xin chịu. Ông Giáo phải tìm thày thuốc, chứ thày quất không ăn
thua." Chồng tôi khẩn khoản xin thày xem kỹ lại hông vợ. Thày một mực bảo
khả năng mình hạn chế. Trong khi hai bên nói qua nói lại, chồng tôi đặt tay lên
mông tôi bên này mà nắn, thày nắn bên kia, cái giữ kẽ của hôm trước quả là đã bỏ
đi như giao hẹn. Cuối cùng chồng tôi đành chấp nhận ý thày, anh còn khen thày
thật khiêm tốn, không như mấy ông lang trọc, có mỗi lá cao đen đen bẩn bẩn mà
hô rằng chữa bách bệnh. Anh cũng tự khen mình nhìn người không lầm. Cả buổi
thày vừa làm vừa thong thả giới thiệu cho chồng tôi từng ngón nghề. Cái này là
đấm, nông thôi, lỏng thôi, như vừa thả xuống đã nhấc lên, lực từ cổ tay rơi ra,
không từ cánh tay dồn lại. Đấm phải vui tai mới là đấm hay. Đã bảo tẩm quất là
món dân dã ồn ào. Dân mình thích đông, thích ồn. Phạt nhau đày ra chỗ tĩnh mịch
vắng vẻ khiếp hơn ra pháp trường. Pháp trường còn có súng nổ, người la hét. Cái
này là vỗ, tay khum như mui rùa, như đùm không khí mà đập xuống. Cũng phải nghe
bồm bộp mới sướng.
Cái này là chặt, xát, miết, véo, day, phát, bóp, ấn, lăn,
vê, cọ, kẹp..., nghe rặt tra tấn, đã bảo tẩm quất không phải nghệ thuật vuốt
ve. Cái này là bắt chuột. Dọc sống lưng, chỗ này, chỗ này, mỗi bên có một con
chuột lẩn kỹ lắm, lùa cho nó nổi lên mà chạy mới là giỏi. Cái này là kiến bò.
Thoang thoảng đầu ngón tay, nhưng khách phải sởn gai ốc mới là đạt. Nhưng lắm vị
khách lưng to như cái phản, kiến bò không ăn thua, phải vục ngập móng mà cào
như dế đào may ra họ mới có cảm giác. Hạng người ấy càng bị giẫm đạp nhừ tử
càng biết ơn. Bây giờ đến cò lội, ngón tay làm chân cò chớ lội rầm rập. Gọi là
cò mổ cũng được, mổ nhát một, sao cho thong thả, nhẩn nha. Rào rào như đánh máy
thuê là khách tưởng đang vào cao điểm. Thế là hỏng. Cao điểm phải là đoạn đau đớn
nhất, đau xong lịm đi vài giây là đến cực sướng, sướng dã man. Bây giờ đến đoạn
rắn vắt ngang. Đã bảo tẩm quất là món rị mọ. Toàn côn trùng, rắn rết, chuột bọ,
tuy mộc mạc thật thà hơn long ly quy phượng, nhưng mới nghe chắc cũng chối tai.
Rắn vắt chẳng qua là cuốn da. Người ta có năm chỗ để cuốn, hai khuỷu tay, hai đầu
gối, với lưng. Cuốn đẹp thì da chỗ này đuổi da chỗ kia như sóng. Đây, bây giờ mới
đến cao điểm, gọi đơn giản là nhổ. Nhổ từ chỗ này xuống, kết thúc ở mút xương
cùng. Thày chuyển tư thế nhanh đến mức tôi không kịp hoảng hốt. Bây giờ thày
lom khom trên tôi, tay lần theo sống lưng từ ngang eo xuống, rút mạnh. Sống
lưng tôi lần lượt kêu đánh khục, mỗi tiếng kêu lại dịch một đốt xuống dưới. Tôi
run thầm. Một tiếng nữa, một tiếng nữa, một tiếng nữa, là đến cái nốt ruồi ấy.
Ăn ở với nhau mấy tháng trời chồng tôi mới biết đến nó, cái nốt ruồi thật khuất,
chỗ xương cùng, cái nốt ruồi của riêng hai vợ chồng, thiêng liêng, bất khả xâm
phạm. Mỗi lần âu yếm cái chút xíu thiêng liêng ấy chồng tôi lại bảo, người xưa
nguyện ước với nhau vin vào núi, sông, có khi lấy cả trời đất ra mà làm chứng,
đều là những thứ của chung thiên hạ. Của chung dùng mãi cũng mòn, mình bây giờ
thề bồi chỉ trông vào cái nốt ruồi bí mật này thôi.
Xưa là núi Thái Sơn hùng vĩ, nay là một hạt đậu nhỏ nhoi ẩn
giữa hai bờ mông vợ. Nhưng bây giờ chồng tôi như bị thôi miên, bây giờ thày có
cưỡi lên vợ chắc anh cũng bằng lòng, cái này chắc gọi là cưỡi trâu nhổ mạ. Thày
cưỡi lên tôi thật. Thỉnh thoảng tôi vẫn thấy thợ tẩm quất ngồi ngay trên mông
khách ở vỉa hè mà hành nghề như vậy. Thì ra theo bài bản chứ không tự tiện. Chồng
tôi hay giễu thói đài các rởm của thiên hạ, nhưng anh đâu phải người bỗ bã, chắc
anh không để tôi phải qua đủ bài bản, gác đùi lên vai thày như khách ở vỉa hè.
Nhưng hai người đàn ông chỉ chăm chú vào công việc, người này vẫn giảng giải
chu đáo, người kia vẫn nghe như nuốt từng lời. Cả năm rồi chồng tôi không có ai
để chịu nghe như vậy. Tôi lịm đi khi cái hạt đậu làm tin ấy lọt giữa bốn ngón
tay thày và tiếng khục cuối cùng vang lên. Lúc giữa đêm choàng tỉnh thấy chồng
trên lưng, dịu dàng, đắm đuối, điên khùng, chú kiến khổng lồ, chàng cò, gã rắn.
Như thế là tôi lo không đâu cho một chút nốt ruồi. Hôm tôi bỏ áo ngoài, chỉ giữ
một cái yếm, chồng tôi nảy ra ý dùng nến thay đèn điện. Để vợ thấy kín đáo, chứ
với ông thày tội nghiệp thì đèn giời cũng bằng thừa. Quả như vậy. Thày điềm
nhiên cầm lưng tôi để trần, chăm sóc cũng tỉ mỉ như mọi lần, bóp vai nắn gáy tận
tình. Phần tôi khoan khoái thấm thía hơn và phần chồng tôi ngắm không chán ánh
nến loang lãng mạn trên những đường cong mịn màng của vợ. Nhiều hôm sau chồng
tôi lại bảo bỏ yếm, vì cái dây vòng trên cổ và cái nút thắt ngang lưng hơi vướng,
tay thày đang thoải mái bỗng vấp những chỗ ấy, mất hay. Vả lại lưng tôi bây giờ
đã nhuyễn, vùng vai cũng sắp mượt, riêng bụng và ngực chưa hề qua tay thày. Chồng
tôi sợ nếu không nhắc chắc thày bỏ qua, nên nhất định đòi thày giới thiệu những
ngón tẩm quất nửa người phía trước.
Thày nhất định thoái thác. Chồng tôi nói dỗi: "Hoá ra
thày cũng kiêng kị lắm thứ như mọi người. Hay thày coi thường tôi?" Thày
đáp: "Không dám ạ! Ông Giáo là người đi riêng một lối trong thiên hạ, có sợ
ai coi thường! Còn chúng tôi, đã thế này thì phiền toái vào đâu mà ngại, chẳng
qua là không có kinh nghiệm tẩm quất đàn bà, chỉ sợ mang tiếng làm vụng."
Chồng tôi khích: "Ơ hay! Đàn bà với đàn ông không là người cả sao? Thày mà
còn phân biệt đối xử thì ai bình đẳng cho? Tôi tưởng anh em mình không nói cũng
nhất trí từ lâu rồi mới phải!" Anh thúc quá, thày đành giao hẹn:
"Chúng tôi có nhỡ tay là ông Giáo chịu trách nhiệm đấy nhé!" Tay thày
nhỡ sao được. Tay ấy vê ngón tay tôi, vuốt mu bàn chân tôi, không quên một ly;
tay ấy chẳng bao giờ chạm cái nốt ruồi, lần nào cũng quây gọn nó rồi lại thả
nó, như vừa đánh vây vừa nhử; tay ấy nhổ tóc tôi tí tách, mỗi bụi tóc đủ hai
mươi chín chiếc vừa bằng tuổi tôi; tay ấy kéo tai tôi ròn tan, bảy mươi tám chỗ
kêu trên người tôi chẳng lầm chỗ nào; tay ấy mỗi lần trườn ngang nách tôi đều dừng
tuyệt khéo sát chân triền ngực. Mắt người mù là ở tay. Tay ấy mười con mắt. Bây
giờ tay ấy ôm ngang eo tôi, lùa trên bụng tôi, toả xuống ngang hông, chập chờn,
thăm dò. Rồi quả quyết chườm quanh rốn.
Rồi xoa, mỗi vòng một rộng, tay này đuổi tay kia, một quành
xuống bụng dưới và một lội qua vùng ngực. Rồi ngọt ngào miết dọc những dẻ xương
sườn. Rồi miết đi miết lại từ cổ xuống ức, lách giữa hai bầu ngực. Chồng tôi thấy
chúng khít e vướng, nên khẽ nhón hai chỏm, rẽ ra cho rộng chỗ. Rồi tôi chẳng biết
tay ai là tay ai nữa. Một hôm nào đó chồng tôi lại bảo bỏ quần ngoài, để thày
chỉ cho rõ những dấu hiệu lệch xương hông. Bệnh này không chữa thì nhẹ là đau
lưng, nặng có thể gây rối loạn kinh nguyệt, thậm chí bế kinh, anh tìm sách đọc,
biết như vậy. Bây giờ bệnh tôi đã chắc chắn, lệch xương hông trái phối hợp với
căng khớp hông phải. Chồng tôi khẳng định vợ có đủ các triệu chứng, đặc biệt là
khảnh ăn, táo bón, dễ cảm cúm và khó ngủ. Thày không dám chữa thì anh tự chữa
cho vợ. Nhưng thày phải cố vấn. Phải thao tác mẫu cho anh luyện theo.
Thày do dự: "Ông Giáo là người đọc sách, làm gì cũng có
sách đỡ, thành hay bại đều dẫn lý thuyết ra viện được cả. Chúng tôi làm theo
kinh nghiệm suông, thành hay bại là chuyện ăn may, thật không dám lấn sân khoa
học đâu ạ. Chúng tôi xin kiếu." Chồng tôi đã quen co kéo với thày. Ông
thày này tuy lấp lửng phức tạp, nhưng cuối cùng bao giờ anh cũng thuyết phục được.
Anh thầm giễu cái lối vòng vo tam quốc, ra vẻ nhún để làm cao ấy là rách việc,
là nệ rởm tinh thần ứng xử Á đông, nhưng cũng thú thấy mình bắt vở được thày và
cầm chắc phần thắng. Lần này anh thẳng thừng đáp: "Thày mà an phận làm thợ
tẩm quất đầu đường chắc tôi không vời đến. Cái khổ của anh em mình là lắm tham
vọng mà cứ giấu giếm, khinh thiên hạ tầm thường mà lại sợ thiên hạ chê cười. Có
mỗi việc chỉnh cái xương hông mà đã nhụt chí, đến lúc phải nắn trời thì làm thế
nào!" Thày phản đối: "Ấy chết! Nắn trời thì ông Giáo phải tìm người
khác." Chồng tôi túm ngay lấy câu ấy: "Nhưng chỉnh xương hông thì
thày giúp tôi!" Thày gật. Hai người đàn ông thực ra đã thuộc nhau lắm. Họ
đối đáp vì họ thích nghe nhau, càng đoán trước được nhau càng khoái trá.
Thày làm mẫu, chồng tôi theo. Anh vụng hơn nhiều. Thày ấn
hai đầu gối mềm gọn xuống lưng tôi. Đến lượt anh thì hai đầu gối như hai đầu
chày giã giò. Thày xát đùi tôi bên này xong từ lâu, đùi bên kia gác trên vai chồng
tôi đã tê mà anh còn dùng dằng chưa dứt. Dứt làm sao được. Anh đã nhất định bảo
tôi mặc chiếc quần lót thêu lồng tên vợ chồng. Đường thêu nổi, thày lần theo chắc
đánh vần được. Thày bày toàn những động tác khó. Bóp dây chằng bẹn và cơ xương
chậu. Xoay khớp xương hông. Chồng tôi nắm rất nhanh những gì có vẻ phức tạp.
Anh còn tự đưa ra những đề nghị nghe rặt khoa học về mấu chuyển lớn, toạ cột,
ngấn mông, khớp háng, bắp thịt xương cùng. Nhưng giản dị như bẻ lưng, anh không
tập nổi. Anh ghì eo, cắn gáy và cào cấu ngực vợ mãi mà lưng vợ không kêu, đành
mời thày ra hướng dẫn lại. Thày ngồi chắc chắn phía sau, đỡ tôi bằng hai đầu gối,
cằm tì nhẹ trên gáy tôi, tay vòng qua nách ra trước, ôm quanh hai vai, khoá lại.
Thày thúc nhẹ.
Lưng tôi kêu rất đẹp. Tôi uốn người ra sau như cánh cung,
chân chơi vơi không chạm chiếu, đầu ngả xuống ngực thày. Thày nghiêng xuống, má
ấp má tôi một thoáng, miệng kề miệng tôi trong tích tắc. Tay nhẹ nhàng buông
vai, hứng lấy hai bầu ngực. Ngực tôi từ cương dễ sợ, hai núm vểnh lên thật đáng
xấu hổ. Nhưng thày bảo: "Cái trò tẩm quất này bỗ bã lắm, có gì sơ suất xin
ông Giáo rộng lượng." Rồi bình tĩnh day thật đều, thật tròn, thật chậm.
Tôi từ từ ngã hẳn vào lòng thày, nghe tim thày đập bình thản. Thày tẩm quất có
hình dung ra tôi không? Hay chỉ sờ thấy đàn bà là cái bị thịt lồi lõm nhiều hơn
đàn ông? Có mến tôi chút nào không mà tim vô tình thế? Chiều chồng tôi hay chiều
tôi? Hơn một tháng chồng tôi chăm chỉ dọn nhà, trải chiếu, đốt trầm, thắp nến.
Mỗi cuộc tẩm quất đã thành một nghi lễ say đắm. Tôi tắm, xức nước hoa, xong là
thày đến, đúng tám giờ. Tám giờ, trời tháng mười đã tối lắm. Ba người quấn vào
nhau trong ánh nến. Chồng tôi như con nghiện, bao nhiêu cũng không vừa. Bây giờ
chiếc quần lót thêu lồng tên hai vợ chồng anh cũng thấy vướng. Em mọi chỗ đều tự
do sung sướng, sao chỗ này thiệt thòi? Một nhúm vải trên người nào đủ để hơn
hay thiệt, tôi thật không rõ. Nhưng cởi mà chồng vừa ý, thì cởi là hơn.
Tôi lại nhắm mắt nằm trong lòng thày như mọi lần, bỗng tay
thày đang day sững lại. Hình như thày thoáng giật mình. Thoáng buông. Hay nửa
buông nửa còn muốn giữ? Tôi nín thở. Hay thày ngại ngực tôi đa tình quá? Chẳng
lẽ hôm nay nó hư đốn hơn mọi ngày? Hay thày chợt quên đang ngồi chiếu tẩm quất?
Chiếu tẩm quất là chỗ tra tấn. Giần cho xác thịt tôi ngắc ngoải rồi bỏ. Tàn nhẫn.
Man rợ. Hay là tinh vi? Nhưng thày sững lại lâu quá. Tôi mở mắt, thấy chồng lù
lù giữa hai đùi vợ. Thày đẩy tôi ra hay tôi vùng dậy? Hay chồng tôi giằng lấy vợ?
Nhanh quá và điên rồ quá, tôi nào rõ, biết nói sao cho chồng an lòng? Anh chột
dạ rằng, thày biết gì, nghe gì, đánh hơi thấy gì? Hay nhìn thấy gì mà bỗng đổi
thái độ? Sao đang tẩm quất vợ anh bỗng dừng? Sao thoáng ngoảnh mặt lúc anh yêu
vợ? Anh yêu vợ ý tứ lắm, lúc cực thả cũng khẽ khàng như không, lẽ nào chẳng thấy
chẳng nghe chẳng sờ mà thày chạnh lòng.
Bỏ đi như tự ái. Bỏ đi khi nến chưa tàn, không một lời nhắn
lại. Hôm sau chồng tôi không thắp nến. Trời đã tối hẳn. Anh bảo, nếu thật ở cõi
nhật thực thì tối mịt chính là đèn giời. Xem thày quất này chỉ tinh đời hay
tinh cả mắt. Tôi nằm trong bóng đêm yên ổn mà vừa thương chồng vừa ái ngại cho
thày. Nếu đêm đen thật là cõi của thày, mãi mãi đen ngòm, mãi mãi vô vọng, thì
chồng tôi khỏi khổ sở. Khỏi rà lại từng động tác của thày, động tác nào cũng
làm anh nhức nhối. Hình như thày tránh hơi khéo quá cái nốt ruồi? Hình như thày
ấn xương mu kỹ lưỡng lắm. Hình như thày thuộc vợ anh từ trên xuống dưới hơn
anh. Khỏi soát từng lời anh đã háo hức nghe và rung động. Hình như một hôm nào
đó thày ví von, "da chỗ này đuổi da chỗ kia như sóng". Sóng là thứ
không nhìn chẳng tả được như vậy. Lại bảo "tay khum như mui rùa",
thày đã bao giờ thấy rùa? Thấy kiến? Thấy cò? Thấy rắn? Thấy long ly quy phượng?
Nhưng lại bảo "trời đã bắt thế này thì đành chịu trời". Là trời bắt
thế nào? Rồi bảo "tối tăm như chúng tôi". "Tối tăm" chứ không
"mù loà", thằng cha tinh quái này chọn từ xảo quyệt lắm. Úp úp mở mở.
Nửa thật nửa hợm.
Chẳng bẻ hắn vào đâu được. Hắn không dâm đãng mà "bỗ
bã". Hắn không bóp vú vợ anh mà "nhỡ tay". Mỗi ngày hắn "sơ
suất" đè lên mông vợ anh, giạng đùi vợ anh ra vài lượt. Lại còn cái xương
hông lệch! Hắn nhìn thủng vợ anh từng milimét rồi còn giả đò "chưa dám chắc".
Bây giờ tố hắn đánh hoả mù có khác nào giơ cái mặt mình ngu ra giữa thiên hạ. Hỏi
là người ta cười sằng sặc, bảo mười thằng đeo kính xẩm làm nghề quất, nghề bói,
nghề hát rong, nghề ăn xin, thì chín thằng mù rởm. Mù thật thường làm nghề
lương thiện, vót tăm, đan rổ, bóc lạc, tỉa hành. Chẳng ai biết thằng cha như
anh tả là thằng cha nào. Tên tuổi không có. Tính nết khó chịu như thế may ra có
gã vẽ truyền thần hết thời đi lang thang nói giọng trên đời. Thằng cha láu cá
có lần nói bóng gió rằng hắn vốn mê nghề gì khác thì phải. Nghề vẽ truyền thần
chắc? Nghề săm soi tận mắt từng milimét! Bây giờ anh há miệng mắc quai. Chơi
dân dã thì dân dã liếm mặt như thế đấy. Chuộng đòn dân tộc cổ truyền một chút
là dân tộc cổ truyền rờ hồn. Hắn mù đểu thì anh mù quáng thật. Lòng mình có bao
nhiêu và xác thịt vợ có bao nhiêu phơi ra cả. Bây giờ lấy bóng tối mà bọc lại.
Tắt đèn kẻ sáng ắt mù hơn kẻ mù. Tám giờ thày không tới. Chín giờ cũng không tới.
Bóng tối căng thẳng. Chồng tôi im lìm.
Nhà tôi hôm nay không dọn, bàn ghế lại kê rất trắc trở, vấp
là ngã vào đám chai lọ bày saün trên sàn. Tôi nằm bồn chồn như thuở nhỏ rình ma
trong đêm. Lần này tôi sẽ không ngủ quên. Tháng mười một trời còn lâu mới sáng.
Chín mù rởm kệ chín, cốt ở người thứ mười mù chân chính. Sao chồng tôi ưa tin ở
thiểu số sáng suốt bỗng nản lòng sớm thế vì số đông? Đêm còn dài lắm và tôi còn
đủ kiên nhẫn tin vào một cặp mắt xứng đáng tàn tật. Cầu cho thày mù. Mù trong
sáng, tinh tường, kiêu hãnh. Mù mà dễ cho thày và đỡ phiền ai thì hãy mù hết
lòng. Mù toét. Mù đặc. Mù hẳn. Mù vô vọng. Mù như khoét mắt bỏ đi. Mù cho chồng
tôi ghi ơn tri kỉ. Mù làm khách quý trong nhà tôi mãi mãi. Mù từ hôm nay cũng
chưa muộn. Tôi sẽ dẫn tay thày đến những chỗ cần tới. Tôi thuộc lắm đường đi lối
lại. Tôi chờ chiều chuộng đã chín nẫu. Sao thày không ung dung bước qua bóng tối
đến đây như bao ngày cho tôi rơi vào lòng? Ròng rã bao nhiêu chờ đợi, tôi không
đếm nổi. Không đếm những cú đấm cú véo và chà đạp, những vết bầm tím, máu me,
sưng húp, rách nát, mỗi lần chồng tôi nọc vợ ra tẩm quất. Khi không chỗ nào
trên cái bị thịt méo mó là tôi còn lành lặn, anh chẳng đụng tới nữa. Rồi cũng bỏ
đi, không nhắn lại lời nào, như thày tẩm quất.