Phần đông du khách từ phương xa đến Paris thường tìm đến Viện
Bảo Tàng Louvre, để xem cho được họa phẩm Nàng Joconde mà danh
họa Leonardo da Vinci đã vẽ và sơn dầu trên gỗ vào khoảng những năm 1503-1507.
Người mẫu là một phụ nữ ở thành Florence, nước Ý, tên Monna Lisa, còn được gọi
là La Gioconda, Pháp gọi: La Joconde. Nụ cười của người mẫu này xưa nay đã thu
hút vô số người đến xem.
Tại sao có hiện tượng này ? Không thể đưa ra một lời đáp đơn giản cho rằng đây là nụ cười của một người đẹp. Không, nụ cười này có một vẻ lạ lùng, khó hiểu, mà Freud, cha đẻ của ngành phân tâm học, đã tìm cách giải thích trong cuốn biên khảo Một kỷ niệm thời thơ ấu của Leonardo da Vinci, viết năm 1910. Đây là lần đầu tiên Freud viết về một danh họa. Ông vốn gần gũi với văn chương hơn hội họa. Quả vậy, nhờ nghiên cứu kịch bản Œdipe – Roi (Œdipe-Vua) Freud đã lập ra thuyết phức cảm Œdipe; cũng như khi Freud đọc truyện ngắn Gradiva của nhà văn Đức Wilhelm Jensen, nói về những giấc mơ, Freud cho rằng giấc mơ là khởi điểm của sáng tạo văn chương.
Với Leonardo da Vinci, Freud bước qua lĩnh
vực hội họa. Tuy nhiên những câu hỏi mà Freud tự đặt về nhà họa sĩ danh tiếng
này, trước tiên không liên quan đến việc diễn giải tác phẩm nghệ thuật. Điều
này sẽ đến sau. Để giải thích nụ cười của Nàng Joconde, Freud đi từ
tuổi thơ của Leonardo da Vinci.
Leonardo da Vinci sinh năm 1452, tại Vinci gần thành
Florence, ở Ý, và mất năm 1519 tại Amboise, ở Pháp. Ông là con rơi của một công
chứng viên, một thứ lãnh chúa thời đó, tên Pietro da Vinci, mẹ của ông là một
phụ nữ dân quê được gọi là Caterina di Meo Lippi. Người vợ chính thức của người
cha tên Donna Albira không có con. Vì thế, khi Leonardo được vài tuổi thì người
cha đưa cậu bé vào lâu đài của mình, nuôi nấng và dạy dỗ như một đứa con chính
thức. Về sau Pietro Da Vinci lập gia đình với một phụ nữ khác và có nhiều con,
nhưng lúc đó Leonardo đã quá 20 tuổi và đã rời lâu đài người cha. Trong thời
gian sống ở lâu đài, Leonardo được vào học tập ở một xưởng vẽ của một họa sĩ. Dần
dần Leonardo nổi tiếng và được nhiều người khâm phục tài năng hội họa của mình.
Tuy nhiên Leonardo bỗng bỏ dở những bức tranh của mình, để hướng về khoa học, để
nghiên cứu về thân thể con người, về cách xây dựng máy móc cho phép con người
bay như chim, về cách nuôi cây, v.v…
Một kỷ niệm của tuổi thơ
Khi nghiên cứu loài diều hâu cho khoa học, tình cờ Leonardo
kể chuyện sau đây:
Dường như tôi sinh ra là để đặc biệt lo về diều hâu, bởi
vì tôi nhớ như một trong những kỷ niệm tuổi thơ đầu tiên là khi tôi còn nằm
nôi, một con diều hâu đến bên tôi, mở miệng tôi ra với cái đuôi của nó và, nhiều
lần, đẩy cái đuôi đó giữa đôi môi tôi.
Freud tự hỏi có thật là một kỷ niệm của thời thơ ấu
không ? Khó tin rằng một đứa bé nhớ lại một điều gì đã xảy ra khi nó còn nằm
nôi. Nếu nó nhớ đến một sự sợ hãi lớn, điều này cùng lắm có thể tin được, nhưng
nếu nó biết đó là một con chim mà lại là một con diều hâu đã gây sự sợ hãi đó,
vì con chim muốn đẩy đuôi vào miệng nó, điều này thật hoàn toàn khó tin.
Freud cho rằng những kỷ niệm thời thơ ấu che giấu điều gì đã
gây lo âu cho đứa bé. Trong cuốn Psychopathologie de la vie quotidienne (Bệnh
tâm thần của đời sống hằng ngày), Freud gọi đó là những kỷ niệm – màn chắn,
nghĩa là những kỷ niệm mà chúng ta tưởng mình đã có, nhưng thật ra là những kỷ
niệm không tương ứng với những gì đã thật sự xảy ra, có điều gì ẩn sau những kỷ
niệm đó. Điều quan trọng là khám phá ra cái gì đã ẩn núp sau cái màn chắn,
nghĩa là điều lo lắng gì đã do huyễn tưởng biểu lộ. Kỷ niệm thời thơ ấu của
Leonardo da Vinci kể cái đuôi con diều hâu nhét vào miệng đứa bé là một huyễn
tưởng có thể được giải thích bởi một hành vi dâm dục đưa bộ phận sinh dục của
người nam vào miệng để kích thích; cũng có thể là hồi ức về việc bú mẹ.
Một điểm khác không rõ ràng là tại sao trong huyễn tưởng đó,
người mẹ được con diều hâu thay thế? Lời đáp của Freud là trong tôn giáo của Ai
Cập, nữ chúa Mut được thể hiện bởi một con diều hâu, và trong những biểu tượng
của tôn giáo đó, diều hâu là biểu tượng tình mẫu tử, bởi vì theo khoa học của
thời đó, diều hâu là một loại chim không có chim trống, chỉ có chim mái mà sự
sinh sản xảy ra khi bay nhờ trung gian của gió. Freud nói có lẽ Leonardo da
Vinci đọc nhiều và biết được chuyện đó, và có được cái kỷ niệm – màn chắn:
Leonardo có một người mẹ nhưng không có cha, ít ra trong một thời gian của tuổi
thơ, điều này giải thích xu hướng đồng tính của Leonardo da Vinci. Freud cho biết
những bệnh nhân đồng tính của ông đều có sự gắn bó nhục dục với một người nữ,
thường khi là người mẹ, sự gắn bó được gây nên hoặc được khuyến khích bởi sự âu
yếm quá độ của người mẹ, lại thêm mãnh liệt bởi sự vắng mặt của người cha.
Nụ cười của Nàng Joconde
Freud muốn mở đầu bằng những giải thích trên đây trước khi
bàn về nụ cười của Nàng Joconde với tính khó hiểu và sự pha lẫn
âu yếm với lạnh lùng, tình dục với sự e dè, quyến rũ với độc ác. Nụ cười của Nàng
Joconde đã gây hàng trăm lối giải thích.
Đương nhiên có một lối giải thích rất đơn giản để đáp lại những
nghi vấn về nụ cười của Nàng Joconde, đó là nói người mẫu Monna
Lisa mỉm cười như thế đó. Nhưng còn lại câu hỏi tại sao Leonardo da Vinci lại
muốn vẽ cái khía cạnh đó của con người Monna Lisa, và nhất là tại sao ông bị mê
hoặc bởi nụ cười đến nỗi trong những họa phẩm đến sau vẫn có nụ cười đó, như bức
tranh Thánh Anna, Đức Mẹ và Chúa Giêsu Hài Đồng cũng có ở Viện
Bảo Tàng Louvre.
Dường như sự kiện Leonardo bị mê hoặc bởi nụ cười của phụ nữ
đã có trước sự gặp gỡ với người mẫu Monna Lisa. Theo Vasari, nhà sử học về hội
họa của Ý, thì khi còn trẻ, Leonardo đã nắn bằng đất sét những cái đầu phụ nữ
cười. Sở dĩ Leonardo bị mê hoặc là vì ông tìm thấy nơi Monna Lisa nụ cười của
người mẹ ông, hay đúng hơn hình ảnh mà ông có về nụ cười của người mẹ. Nơi hai
nhân vật Thánh Anna và Đức Mẹ trên bức tranh, nụ cười đó đượm
vẻ tình mẫu tử hơn. Bức tranh Thánh Anna, Đức Mẹ và Chúa Giêsu Hài Đồng có
những đặc điểm gợi lên thời thơ ấu của Leonardo. Người ta nhận thấy gương mặt rất
trẻ của Thánh Anna, mẹ của Đức Mẹ, tưởng chừng như đó là hai chị em thay vì hai
mẹ con. Chúng ta biết rằng Leonardo có hai người mẹ: người mẹ ruột Caterina và
bà Dona Albiera, vợ chính thức của người cha, đã nuôi Leonardo như đứa con ruột
thịt. Sự phân đôi gương mặt người mẹ đưa đến một đặc điểm khác của bức tranh, một
đặc điểm cũng gây ấn tương không ít mà Freud đã bàn đến trong lần tái bản cuốn
biên khảo Một kỷ niệm thời thơ ấu của Leonardo da Vinci. Đặc điểm
đó là trước Leonardo da Vinci, các nhà họa sĩ khi vẽ về đề tài Thánh Anna và Đức
Mẹ đều vẽ hai người phụ nữ kề bên nhau, và thông thường Chúa Giêsu Hài Đồng ở
giữa hai người. Thế nhưng trên bức tranh của Leonardo da Vinci, Đức Mẹ ngồi
trên đùi Thánh Anna, và trong cái tư thế đó, hai thân thể từ dưới cái cổ trở xuống
có vẻ như lẫn lộn với nhau, như một người phụ nữ có hai đầu. Nếu đưa gương mặt
của Thánh Anna và Đức Mẹ đến gần với bức tranh Nàng Joconde thì
có thể giải thích cái tính lập lờ mà Leonardo da Vinci đã quy cho nụ cười của Đức
Mẹ và đặc biệt cho nụ cười của Nàng Joconde, cả hai được vẽ cùng một
thời kỳ.
Một mặt là một người mẹ bị người ta tước đoạt đứa con, người
mẹ không thể mỉm cười mà không lộ chút buồn bã, và trong bức tranh Thánh
Anna, Đức Mẹ và Chúa Giêsu Hài Đồng ở Viện Bảo Tàng Louvre, thái độ của
Đức Mẹ là thái độ của một người phụ nữ cúi xuống để giữ lấy đứa con đang thoát
khỏi tay mình.
Mặt khác, cái tính đôi, gây lo lắng và như báo hiệu một điềm
xấu mà Leonardo quy cho nụ cười của người đã nhắc nhở mẹ của mình, tức bà Mona
Lisa, điều này có lẽ do Leonardo cảm thấy lờ mờ sự đe dọa của một tình yêu quá
mức của người mẹ khi Leonardo còn bé, một tình yêu vì thiếu bóng người chồng,
người cha, bèn trở nên mãnh liệt, gây hậu quả cho đời sống nhục dục của
Leonardo về sau. Điều này giải thích cái tính khó hiểu của nụ cười, gây khó chịu
cho người xem. Một nụ cười « chứa đựng một cái gì gần như là độc ác
mà người ta không thể hoàn toàn giải thích bằng cách cho rằng do hồi ức về một
người mẹ bị tước đoạt đứa con », Freud viết trong Một kỷ niệm thời
thơ ấu của Leonardo da Vinci.
Như đã nói, ngoài hội họa, Leonardo da Vinci rất tò mò về
khoa học, đến nỗi khoa học thay thế những sinh hoạt nghệ thuật bị ức chế.
Những nghiên cứu đó hẳn lúc đầu là để phụng sự nghệ thuật, nhưng về sau rời
xa nghệ thuật. Và những nghiên cứu khoa học đó không đem lại cho Leonardo một
hào quang nào.
Trong thời kỳ này có hai biến cố đã xảy ra: cái chết của người
cha và cái chết của những người bảo trợ Leonardo, những người này đã thay thế
người cha. Sự mất mát đó đã gây trống trải trong đời sống nghệ thuật của
Leonardo. Rồi đến thời kỳ cuối, sự thanh cao hóa xảy ra dưới hình thức nghệ thuật,
đó là thời kỳ của nụ cười của Nàng Joconde, của Đức Mẹ với Chúa
Giêsu Hài Đồng và thánh Anna.
Nói chung, Freud cố thăm dò vô thức của Leonardo da Vinci, cố
lập tương quan giữa những xung năng, sự sáng tạo nghệ thuật và những cản trở
sáng tạo, đặc biệt từ góc nhìn những họa phẩm dang dở và đời sống nhục dục.
Nhưng việc diễn giải tuổi thơ của Leonardo da Vinci của Freud bị giới hạn về
hai điểm:
Thứ nhất là tài liệu về tiểu sử, đặc biệt về tuổi thơ của
Leonardo da Vinci quá nghèo nàn. Người ta không biết rõ thời gian cậu bé
Leonardo ở với mẹ ruột là bao lâu. Freud đưa ra một giả thuyết đầy hậu quả cho
lập trường của ông, giả thuyết cho rằng Leonardo gần gũi với người mẹ ruột một
thời gian đủ để lớn lên. Freud nói có bằng chứng là thời gian đó không quá năm
năm. Nhưng chúng ta không biết chắc chắn khi nào Leonardo đến ở nơi lâu đài người
cha, có thể ngay từ lúc mới ra đời. Nếu sự thật là như thế thì tất cả những xây
dựng của Freud như tình yêu mãnh liệt, quá mức của người mẹ vì vắng bóng người
chồng, người cha gây hậu quả về sau cho đời sống nhục dục của Leonardo, những
xây dựng đó không vững. Freud nhìn nhận rằng sự nghèo nàn về tài liệu tiểu sử
có thể là nguyên do của những sai lầm, nhưng điều đó không động chạm đến phương
pháp lập luận của ông.
Thứ hai là phương pháp diễn giải, dù tài liệu được dùng có
phong phú hay nghèo nàn đến đâu đi nữa, thì có một điều mà phân tâm học không
thể nhận thấy, đó là lý do Leonardo da Vinci đã thanh cao hóa những xung năng của
mình, bằng sự tò mò về khoa học và bằng những sáng tạo nghệ thuật, thay vì cho
những xung năng đó một kết cục thảm hại như chứng loạn thần kinh.
Dù sao những giải thích của Freud trong Một kỷ
niệm thời thơ ấu của Leonardo da Vinci cũng soi sáng phần nào nụ cười
khó hiểu của Nàng Joconde. Qua nhiều thế kỷ nụ cười đó vẫn là một
thách thức cho vô số nhà phê bình.
Liễu Trương
31/10/2023
Tài liệu tham khảo: