Kẻ trí thức kia cẩn thận, dè dặt, giữ gìn, chín chắn, tâm hồn đầy mặc cảm.
Alexis Zorba dám làm tất cả mọi sự, không dè dặt, không giữ gìn; Alexis Zorba
lăn vào cuộc đời như một chiến sĩ kiêu dũng lăn vào trận địa; Alexis Zorba nhảy
trên những xác chết của quá khứ, say sưa hò hét trong cuộc sống điên cuồng hiện
tại.
Nikos Kazantzakis đã dựng hình ảnh Alexis Zorba giữa nền văn minh trí thức thời
đại, một hình ảnh hiên ngang bất khuất sống động, tượng trưng cho sự phục hồi
sinh lực của truyền thống Tây phương ở vào chặng cùng đổ vỡ.
Truyền thống tư tưởng tây phương đang bị lôi cuốn trong sự độc tôn của lý trí;
lý trí đồng nghĩa với ảo tưởng, lý trí chặn đứng sức sống tràn lan của con người,
lý trí phá hủy hồn thơ lai láng của vũ trụ, lý trí chỉ biết chia xén, phân hai,
phân biệt, phân tích, lý trí tạo ra ảo tưởng của ảo tưởng, rồi sau cùng chính
lý trí quay lại chống lý trí; đó là mối mâu thuẫn vĩ đại không thể nào vượt qua
được, nếu con người vẫn nằm ngủ trong giấc mộng của giấc mộng.
Alexis Zorba của Nikos Kazantzakis là hiện thân của sự chống đối lý trí; chống
đối lý trí không có nghĩa là ca ngợi sự ngu muội; mà là ngược lại thế, bởi
chính lý trí là sự ngu muội, một thứ ngu muội trá hình, và vì trá hình, sự ngu
muội ấy trở nguy hiểm vô cùng.
Alexis Zorba là một kẻ tỉnh ngộ: nói theo danh từ Phật giáo Thiền tông thì
Alexis Zorba đã đi đến Satori (Ngộ). Alexis Zorba là con người lý tưởng mà
Kazantzakis muốn đạt tới.
Nikos Kazantzakis từ bỏ thiên đàng để trở về quì hôn lòng đất mến yêu. Nikos
Kazantzakis chối từ tất cả những ảo tưởng, kẻ cả ảo tưởng về sự chối từ! Nikos
Kazantzakis đi tìm một giải đất mới nhưng giải đất ấy không nằm trong không
gian, bởi vì: “giải đất mới chỉ có trong lòng người” (Nikos Kazantzakis,
Ascèse, trang 56).
Ta phải quay trở về tìm giải đất mới ấy trong lòng người, ta phải đi tìm Tịnh độ
trong Tâm; vì Tâm chính là Tịnh độ.
“Bổn phận của mi là lên đường đi đến hố thẳm, một cách im lặng, một cách rộng
lượng và không hy vọng”.
(Nikos Kazantzakis, Ascèse, trang 56).
“Bổn phận mi là…”
Bổn phận, nghĩa vụ, chức phận…
Bổn phận mi là…
Phận mình là…
Phận là điều mình không thể không làm; phận là một việc tất yếu, một sự bắt buộc,
một việc quy định.
Bổn phận nằm trong thân phận làm người của mình. Bổn phận có thể nói là xác định
tính chất của thân phận con người. Bổn phận là một điều bắt buộc, một điều kiện
tất yếu làm con người trở thành con người. Chấp nhận bổn phận là chấp nhận sự
thực không thể tránh. Từ chối bổn phận là chạy trốn. Chạy trốn cái gì?
Chạy trốn mình.
Chạy trốn chất tính của mình là con người.
Con người dính liền với thân phận con người, bổn phận là thái độ sống riêng đưa
con người trở về con người. Bổn phận có tính cách độc đáo riêng biệt; phận là
phận của riêng tôi, của mình tôi nên gọi là phận mình, tức là bổn phận; phận là
một sự bắt buộc; phận có nghĩa là chức vị của người; nói rộng hơn, phận chính
là người vì chức vị của người (phận) và người chỉ là một; người không có chức vị
của người không thể gọi là người, không thành ra người. Nói đến người là mặc
nhiên đã nói cái điều làm cho con người trở thành người, tức là phận, nói rõ
hơn là bổn phận.
Phận là một điều tất nhiên, một sự đã qui định từ khi tôi mở mắt chào đời và
qui định trọn vẹn từ khi ý thức tôi đã trưởng thành.
Mỗi người tự nhận phận mình (bổn phận).
Người khác không có quyền bắt buộc tôi làm bổn phận tôi, vì bổn phận đã là một
sự bắt buộc của tôi đối với chính tôi. Sự bắt buộc của người khác xâm phạm đến
chức vị của người tôi; chính sự bắt buộc ấy thay thế sự bắt buộc của riêng tôi,
vì thế người khác đã đánh mất chức vị của người tôi, vì chức vị của người tôi
là sự bắt buộc của riêng tôi đối với tôi.
Người khác bắt buộc tôi làm bổn phận tôi, nghĩa là người khác đã làm tôi đánh mất
bổn phận tôi rồi!
Ái quốc hay không ái quốc, đó là bổn phận riêng tôi. Người khác không được quyền
bắt buộc tôi ái quốc và nói rằng như thế mới là bổn phận tôi; khi có sự tham dự
trực tiếp của người khác vào bổn phận tôi thì tôi đã xa lìa bổn phận rồi, vì bổn
phận là phận của riêng mình tôi.
Ái quốc, hy sinh, phụng sự xã hội, vâng lời cha mẹ, hiếu thảo, trung thành, vân
vân; người khác không được quyền nói những thứ này là bổn phận của tôi. Nói đến
bổn phận là nói đến sự cô đơn tuyệt đối của tôi, của riêng tôi đối với tôi; vì
thế, người khác đứng ngoài vòng và chẳng có liên hệ gì với tôi cả; người khác
chỉ có liên hệ với tôi là sau khi tôi đã nhìn lại bổn phận (hay là không nhìn lại
thì cũng thế).
Tôi nói với tôi như sau:
“bổn phận của mi là…”
Tôi không thể nói như vầy với người khác:
“bổn phận của anh là…”
Nói như thế là trực tiếp phá hủy bổn phận của người khác, là xâm phạm chức vị
làm người của người khác.
Nikos Kazantzakis tự nói với mình rằng:
“bổn phận của mi là lên đường đi đến hố thẳm…”
(Nikos Kazantzakis, Ascèse, trang 56).
Nikos Kazantzakis không nói:
“bổn phận của mi là ái quốc, thương người, phụng sự, làm việc, vâng lời, giúp đỡ,
hay trung thành vân vân…”
Nikos Kazantzakis lại nói:
“bổn phận của mi là lên đường đi đến hố thẳm”
thế là Kazantzakis đã đập vào trung tâm điểm của ý thức con người; lên đường đi
đến hố thẳm là bổn phận quan trọng nhất của tôi; tất cả những thứ khác chỉ là
phụ thuộc.
“bổn phận của mi là lên đường đi đến hố thẳm”.
Đó là ý thức tiên khởi mà tôi phải nhìn nhận cho riêng tôi; bổn phận của tôi là
thế, vì vậy, tôi phải làm bổn phận ấy cho riêng tôi; chính tôi phải làm tròn bổn
phận ấy. Làm tròn cái gì?
Làm tròn bổn – phận – lên – đường – đi – đến- hố – thẳm.
Không làm tròn bổn phận này là chạy trốn; không làm tròn bổn phận này là không
xứng đáng được gọi là người; không làm tròn bổn phận này là đánh mất chức vị
làm người, là tự dối, tự lường gạt mình.
Người chỉ là người, khi người làm bổn phận; bổn phận chỉ là bổn phận khi bổn phận
lên đường đi đến hố thẳm.
Sự kiện lên đường đi đến hố thẳm là một thực tại; từ chối thực tại là nuôi ảo
tưởng, là tự đánh lừa.
Người dính liền với việc lên đường đi đến hố thẳm. Heidegger có từ ngữ “Sein
zum Tode” (Tính hướng tử hay hướng tử tính; Pháp gọi là “L‘être-pour-la-mort”).
Ta bắt chước Heidegger mà đặt từ ngữ mới cho ý nghĩa câu văn trên của
Kazantzakis là “Sein-zum-Abgrund” (tính hướng huyệt hay hướng huyệt tính; dịch
ra Pháp ngữ là: “l‘être-pour-l‘abïme”.
Người vừa mới chào đời là đã lên đường đi đến hố thẳm.
Người thực sự người là lên đường đi đến hố thẳm; người không thực sự người là kẻ
chạy trốn vào cuộc sống thường nhật của thiên hạ (“ le On de la banalité
quotidienne”) và không chịu nhận mình để lên đường đi đến hố thẳm. Việc lên đường
đi đến hố thẳm là một sự bắt buộc, một sự thực bắt buộc; nhưng sự bắt buộc ấy
trở thành sự tự do khi tôi bắt buộc cho riêng tôi.
Nếu để người khác bắt buộc tôi hay nếu sự bắt buộc ấy xảy đến tôi ngoài ý muốn
của tôi hay nếu tôi không tự bắt buộc cho riêng tôi, thì sự bắt buộc ấy trở
thành sợi dây trói buộc tôi lại, quăng tôi xuống hố thẳm như quăng một con vật,
làm tôi mất sự tự do và đánh mất chức vị làm người của tôi.
“bổn phận của mi là lên đường đi đến hố thẳm”
Khi tôi chịu làm bổn phận lên đường đi đến hố thẳm thì tôi trở thành con người
tự do, sự tự do này mới đúng nghĩa là tự do thực sự, vì dù có ở trong tù, tôi vẫn
có thể tự do; và những con người sống bên ngoài kia, họ tưởng là họ tự do,
nhưng thực ra, họ bị nhốt bưng bít trong cuộc sống thường nhật nhạt nhẽo của
thiên hạ “le On de la banalité quotidienne”; (Heidegger gọi là “Das Man”).
Tự do của tôi là tự do thực sự; bởi vì tôi biết rằng tôi lên đường đi đến hố thẳm
cho nên tôi tự do, tôi chỉ được tự do thực sự khi sự tự do của tôi là tự do trước
hố thẳm, bắt chước từ ngữ của Heidegger mà gọi là: “Freiheit zum Abgrund”
(Heidegger: Freiheit zum Tode”).
“bổn phận của mi là lên đường đi đến hố thẳm”.
Nikos Kazantzakis tự nói như thế.
Nhưng lên đường đi đến hố thẳm bằng cách nào?
Nikos Kazantzakis tự nói thêm:
“một cách im lặng…”
Như thế nghĩa là gì?
“bổn phận của mi là lên đường đi đến hố thẳm, một cách im lặng…”
Im lặng là không nói, không nói là không dùng lời, không diễn tả, không bào chữa,
không bênh vực.
Im lặng chẳng những có nghĩa là không nói, mà còn có nghĩa là không không-nói.
Im lặng ở đây không chỉ có nghĩa là im lặng suông, vì im lặng ở đây có nghĩa là
im lặng luôn cả sự im lặng!
Im lặng luôn cả sự im lặng là không còn tiếng nói, cũng không còn tư tưởng,
không còn suy nghĩ, không còn trí nhớ, nói gọn lại là tiến trình ý thức ngừng lại.
Im lặng có nghĩa là sự im lặng ý thức hay là ý thức im lặng.
“bổn phận của mi là lên đường đi đến hố thẳm, một cách im lặng…”
Nikos Kazantzakis nói thêm:
“không hy vọng…”
Tôi lên đường đi đến hố thẳm một cách im lặng, và không hy vọng.
Đó là điều hiển nhiên.
Im lặng mà còn có hy vọng, thì chưa hẳn là im lặng.
Hy vọng nuôi ảo tưởng, ảo tưởng trong thời gian.
Còn hy vọng là còn lường gạt, là còn ý thức; ý thức lường gạt ý thức bằng cách
phóng tới đằng trước nhờ hy vọng; còn hy vọng thì chưa giải thoát; hy vọng là
triển hạn; triển hạn là hạnh phúc; khinh bỉ hạnh phúc là không hy vọng, là mở
đường giải thoát; hy vọng triển hạn và chận đứng sự giải thoát: hy vọng giải
thoát là chưa được giải thoát.
Đến bao giờ mới được giải thoát?
Chỉ đến lúc không còn hy vọng giải thoát, ta mới được giải thoát. Sơn
cùng thủy tận nghi vô lộ…
Chỉ đến lúc tôi không còn mộng sự tỉnh thức, tôi mới thức tỉnh.
“bổn phận của mi là lên đường đi đến hố thẳm, một cách im lặng, không hy vọng…”
Nikos Kazantzakis còn nói thêm:
“một cách rộng lượng”.
Tôi đi đến hố thẳm, một cách im lặng, không hy vọng và một cách rộng lượng.
Rộng lượng hay nhân từ cũng gần nghĩa với nhau.
Rộng lượng ở đây có nghĩa là rộng lượng mà không có đối tượng, vì tôi đang lên
đường đi đến hố thẳm. Rộng lượng là mối tình bao la mênh mông; rộng lượng là
xoá bỏ sự cố chấp, rộng lượng có đối tượng hãy còn là rộng lượng có sự cố chấp;
tôi rộng lượng với người khác nghĩa là tôi còn chấp vào chính sự rộng lượng ấy,
nghĩa là tôi còn phân biệt người khác với tôi và sự rộng lượng của tôi đối với
người khác là một sự phân biệt ngụy trang. Rộng lượng còn phân biệt tôi với người
khác thì vẫn chưa là rộng lượng.
Rộng lượng đồng nghĩa với sự không phân biệt; rộng lượng không phân biệt mới thực
sự là rộng lượng; như thế, rộng lượng không có mục đích; rộng lượng mà có mục
đích, dù mục đích ấy là sự rộng lượng thuần túy thì rộng lượng chưa thuần tuý
là rộng lượng.
Rộng lượng chính là sự im lặng; rộng lượng chính là không hy vọng. Rộng lượng
mà còn hy vọng thì chưa phải rộng lượng; ý thức rằng tôi rộng lượng thì chưa phải
là rộng lượng; rộng lượng đồng nghĩa sự im lặng ý thức.
Con đường đi đến hố thẳm gồm có 3 lối.
1. trí và tình: im lặng
2. trí: không hy vọng
3. tình: rộng lượng
Đó là cố gắng phân chia cho dễ hiểu; nói một cách tuyệt đối thì con đường đi đến
hố thẳm không có lối, vì còn có lối là còn hy vọng, mà còn hy vọng là không thể
rộng lượng, vì rộng lượng còn hy vọng là rộng lượng chưa trọn vẹn và ý thức
chưa im lặng.
…
Chúng ta hãy lập lại trọn câu văn của Nikos Kazantzakis: “giải đất mới
chỉ có trong lòng người… bổn phận của mi là lên đường đi đến hố thẳm, một cách
im lặng, không hy vọng, một cách rộng lượng” (Ascèse, trang 56).