Đọc: Phần (4)
VỀ PHẠM CÔNG THIỆN
1. Viết về Phạm Công Thiện
– Phạm Công Thiện là một hiện tượng xảy ra trong văn học
và triết học. Một thứ hiện tượng phủ nhận của phủ nhận, phủ nhận tuyệt đối, khước
từ mọi giá trị đến từ xã hội.(Đã Một Thời Như Thế: Hiện Tượng Phạm Công Thiện
– Nguyễn Văn Lục)
– Nhưng tận cùng, Phạm Công Thiện là một nhà thơ và
là một thiền sư – và đó là những phẩm chất rất khó hình dung, vì mỗi nhà thơ và
mỗi thiền sư đều có những độc đáo riêng. Và tôi tin rằng, khi nào thân xác anh
rời khỏi thế giới đời thường này, rất nhiều người sẽ gọi Phạm Công Thiện là một
vị Bồ tát, một danh hiệu tôn quý trong Phật giáo và là một hạnh nguyện để chỉ một
người tái sinh từ kiếp này sang kiếp khác để giúp cho mọi người hiểu được thật
nghĩa của vũ trụ. Trong những năm qua, rất nhiều tăng ni Phật tử đã gọi nhà thơ
Bùi Giáng là một vị Bồ tát, và tôi tin là sau này, Phạm Công Thiện cũng sẽ được
tôn vinh như thế, bất chấp những đời thường bất toàn mà chúng ta đôi khi gặp
nơi anh.
Thực sự, tôi đã nhìn anh như một vị Bồ tát từ những ngày tôi mới lớn, và
ngay khi lần đầu đọc cuốn “Ý thức mới trong văn nghệ và triết học“. Lúc
đó, tôi đang học lớp đệ tứ, hay đệ tam ở Chu Văn An, Sài Gòn. Bây giờ gọi là lớp
9 hay lớp 10. Ðâu đó, khoảng giữa thập niên 1960. Dù là đọc ngấu nghiến, nhưng
một ngày không đủ, và đọc một tuần cũng không đủ. Vì có những dòng tôi phải đọc
đi đọc lại, không hoàn toàn vì tính bí hiểm triết lý, mà chỉ vì tính thơ mộng dị
thường trong ngòi bút của anh. “Ði cho hết những đêm hoang vu trên mặt đất…” Thế
đấy, tôi đã đi như thế từ bốn thập niên trước trên các trang sách của anh.
Tôi đã ngồi ở sân Chùa Xá Lợi, dưới các tàng cây ngọc lan và bông sứ lần giở
từng trang sách đó. Và rồi lại ngồi trong một quán cà phê cách trường Chu Văn
An vài mươi bước, ngay lối vào ký túc xá Minh Mạng của các anh chị sinh viên lớn.
Không phải chuyện ngồi đọc cho ra vẻ triết gia, mà thực sự vì có những đoạn văn
trong cuốn Ý thức mới làm tôi run rẩy cả người. Từng trang một, giữa các dòng
chữ của Phạm Công Thiện toát ra một hơi lạnh của vũ trụ vô cùng vô tận. Và tuy
là văn xuôi, hầu hết, nhưng thi tính vẫn dày đặc kinh ngạc. (Nghĩ về nhà thơ Phạm
Công Thiện – Phan Tấn Hải)
2. Phạm Công Thiện đã viết:
– “Ý nghĩa” không thể là “ý nghĩa” được nếu “ý nghĩa”
không đứng chống đối lại với cái gì không phải là “ý nghĩa”; cần phải có “vô ý
nghĩa” để làm ra “ý nghĩa”; “ý nghĩa” có nghĩa là “vô ý nghĩa” ở trong ý nghĩa.
Khi “ý nghĩa” muốn có nghĩa thì nó đã ra ngoài ý nghĩa, nghĩa là “vô ý nghĩa”.
Nếu “ý nghĩa” không chứa đựng bên trong cái không phải là nó thì “không ý
nghĩa” không thể nào ra ngoài “ý nghĩa” để làm ra “ý nghĩa” trở thành có ý
nghĩa. (Ý thức mới trong văn nghjệ và triết học – Phạm Công
Thiện)
– Hồi nhỏ, anh học trường thầy dòng, nhưng sau anh bỏ
đạo và bỏ đi nhà thờ. Anh bắt đầu say mê ngất ngưởng với tiếng hét thịnh nộ của
Nietzsche. Giống như phần đông thanh niên ở khắp thế giới, tuổi trẻ của anh đã
bị ngấm độc, nhiễm nặng thuốc độc của Nietzsche. Tất nhiên, một người nào đã
nhiễm bệnh Nietzsche thì chính trị, dấn thân, hành động, ái quốc, xây dựng lý
tưởng, tôn giáo, vân vân, đều trở thành khói thuốc. Nietzsche dạy anh cõng tuổi
trẻ của anh trên hai vai của chính anh. Từ một người gương mẫu, lạc quan, tin
tưởng, đầy tinh thần vị tha, ái quốc, đầy tinh thần xây dựng, anh bỗng trở
thành con người lạc lõng, bơ vơ, ích kỷ, buông rơi, kiêu ngạo, ngang tàng,
khinh bỉ tất cả mọi sự, khinh bỉ cả những gì nhỏ nhoi trong người anh; anh luôn
luôn đen tối, mắt đầy ngờ vực, lấy đêm làm ngày, “đêm bốc lửa, thế giới bốc lửa”.
Anh sống như con thú dữ với cơn hoả hoạn bắn lửa trong đầu, trong tim và trong
cuộc đời. Đã qua rồi ái quốc, đã qua rồi lý tưởng cao đẹp, đã qua rồi niềm tin
sắt đá của tuổi thơ. Trong phòng anh, có kẻ chỉ thấy những hình ảnh của
Nietzsche, Van Gogh, Rimbaud, Henry Miller và Dostoievsky. Nhưng một sớm đẹp trời
nào đó, bỗng nhiên anh xé bỏ hết Nietzsche, Van Gogh, Rimbaud, Dostoievsky và
Henry Miller. Anh tự cho rằng mình đã lớn, đã mạnh, đã đủ sức, thừa sức để đi một
mình, đứng một mình, ngồi một mình và nằm một mình. Chỉ có một mình và một
mình, anh sống một mình với một mình của anh. Đối với anh, tất cả giá trị đều sụp
đổ, anh thấy rằng anh không còn hiểu gì nữa, anh bước đi trong bóng tối không
thấy gì cả và chỉ bước đi trong bóng tối. Mọi người đều bỏ xa anh, bạn bè bỏ
anh, gia đình bỏ anh, chính anh rồi cũng bỏ cả anh, anh chỉ còn là cái xác đi
trong tối. Trong một đêm tuyệt vọng, anh lảo đảo như một người lên đồng. Tình cờ,
anh dở quyển sách bỏ quên dưới đất. Quyển sách ấy là quyển Zen Buddhism của
D.T. Suzuki. Anh không hề biết Zen là cái gì cả. Nhưng khi đọc tình cờ một câu
trong quyển sách ấy:
. “Làm sao tôi có thể nhập đạo?”
Một môn đệ hỏi Thiền Sư, Thiền Sư trả lời:
. “Con có nghe tiếng suối reo?”
Thế thì đùng một cái, anh mới sực nhớ rằng anh đã sống cái đạo gọi là đạo
Thiền trước khi anh đọc sách về Thiền. Toàn thân anh run rẩy, anh có cảm tưởng
đi hỏng chân trên một đại dương. (Con bướm băng qua đại dương –
Phạm Công Thiện)
ĐỌC LẠI PHẠM CÔNG THIỆN
Nửa thế kỷ, thử đọc lại Phạm Công Thiện xem sao? Có
“hực lửa” như thời “xuân mộng” không? Hay chỉ lạnh lùng “tro bụi” của
hờ hững thời gian.
Sau đây là những ghi chép các trích đoạn “đáng chú ý” từ sách Ý
Thức Mới Về Văn Nghệ Và Triết Học.
Chương: Nghĩ về ý nghĩa của Phật giáo Thiền tông qua vài
suy luận triết học Heidegger
[Trích đoạn]
Đạo Phật Zen (Zen Buddhism)đã hấp dẫn lôi cuốn những người
lãnh đạo những phong trào trí thức tiền phong của Âu Mỹ như Salinger, Heidegger
và C. G. Jung. Chưa bao giờ Đông phương quyến rũ Tây phương lạ lùng như vậy. Sự
kiện này khiến cho ta thắc mắc tự hỏi: Zen đã chứa đựng ý nghĩa gì mà có thể
giáo hoá thoả mãn được những đòi hỏi mãnh liệt của bậc thức giả tiến bộ nhất ở
Tây phương?
Ý nghĩa của đạo Phật Zen là gì?
Tôi có thể trả lời rất dễ dàng, rất nhanh chóng, không hề lúng túng: đạo Phật
Zen chẳng có ý nghĩa gì cả. Tại sao? Bởi vì còn ý nghĩa là còn nằm trong vòng
nhị nguyên đối đãi: “ý nghĩa” đối nghịch với “vô ý nghĩa”, như thế hãy còn bị
ràng buộc trong danh từ, trong tiến trình biểu tượng (processus symbolique), do
đó:
1. Đạo Phật Zen chống thuyết nhân bản, bởi vì thuyết nhân bản vẫn chỉ là sắ
thái của ý thức phân biệt;
2. Đạo Phật Zen chống luận lý học, bởi vì luận lý học còn lệ thuộc vào lãnh vực
ngôn ngữ;
3. Đạo Phật Zen chống lại những giá trị, bởi những giá trị chỉ là những đánh
giá thực tại;
4. Đạo Phật Zen nhận rằng con người chỉ có thể giải thoát nơi cuộc đời này, nơi
một trần gian duy nhất (là trần gian này); nơi theo danh từ triết học của
Heidegger thì ta gọi thần thể tính (Weltlichkeit) của nhân tính (Menschsein) phủ
nhận thế giới “bên kia” (Jenseits) và chỉ nhận “bên này” (Diesseits);
5. Đạo Phật Zen không tôn thờ đức Phật như là giá trị tối thượng, bởi vì tôn thờ
đức Phật là một giá trị thì đức Phật sẽ trở thành đối tượng cho sự đánh giá của
con người (nói như Heidegger là: “Gegenstand für die Schätzung des Menschen”);
6. Đạo Phật Zen chống lại những gì mà nhân loại tôn sùng thờ phụng như là
thiêng liêng quí báu.
Tại sao tôi có những nhận xét trên? Đọc lại những lời đối đáp trên giữa thầy
trò Zen thì tất nhiên ta phải đi đến những nhận thức trên.
…
Về những nét chung của đạo Phật Zen, tôi đã cố gắng đưa ra những nhận xét sơ lược
trên và đi từ những nhận xét ấy, tôi sẽ tha thiết “bênh vực” đạo Phật Zen. (Thực
ra Zen đâu cần “bênh vực”). Tôi phải nói trước rằng tôi không phải là một kẻ giỏi
lý luận và không phải là một kẻ đem lý trí của mình để phân tích một tôn giáo
cao siêu. Khi viết về đạo Phật Zen, tôi chỉ muốn ghi lại cảm giác rất chủ quan
của riêng tôi, của một kẻ vui mừng run run tìm được lương thực tinh khiết cho
tâm hồn bải hoải của mình. Đạo Phật Zen đã hé mở cho tôi thấy những chân trời
bát ngát mênh mông; mỗi lần đi vào tinh thần Zen là mỗi lần tinh thần tôi được
đưa lên cao, mọi tuyệt vọng tan biến, thần kinh hết căng thẳng, hơi thở nhịp
nhàng khoan khoái, tôi cảm thấy sung sướng hạnh phúc lắm và những nỗi cay đắng
nhọc nhằn của đời sống dường như vơi hẳn đi.
…
Trong vài trang sau đây, nói về Zen, tôi xin suy luận theo tinh thần triết lý
Heidegger xin đọc M. Heidegger, Uber den Humanismus, Victorio Klostermann,
Frankurt am Main, 1951).
– Khi tôi nói: “Đạo Phật Zen chống lại thuyết nhân bản” chắc chắn người ta nghĩ
rằng tôi muốn nói: “Đạo Phật Zen bênh vực phi nhân tính (L’ In-Humain) và ca tụng
sự dã man tàn bạo (còn gì “hợp lý” hơn nữa, vì phủ nhận nhân bản tức là chấp nhận
phi nhân bản… Đó là sự hợp lý thông thường của kẻ hạ nhân)…
– Khi tôi nói: “Đạo Phật Zen chống luận lý học” tất nhiên người ta nghĩ rằng
tôi muốn nói; đạo Phật Zen trục xuất mọi xác đáng tín mật của tư tưởng để thay
thế bằng những bản năng và những cảm xúc hoặc để bênh vực chủ nghĩa phi lý trí
(L’ irrationalisme), nghĩ như vậy thì “hợp lý” vô cùng vì ai cũng hiểu, chống
luận lý học tức là bênh vực phi luận lý học (L’ a-logique). (Đó là lý luận của
kẻ hạ nhân).
– Khi tôi nói: “Đạo Phật Zen chống lại những giá trị” tất nhiên mọi người đều
nghĩ rằng tôi muốn ám chỉ: chống lại những giá trị là nhận rằng tất cả mọi sự đều
vô giá trị (Đó là lý luận của kẻ hạ nhân!).
– Khi tôi nói: “Đạo Phật Zen cho rằng con người chỉ có thể giải thoát nơi một
trần gian này”; tất nhiên người ta nghĩ rằng tôi muốn nói: đạo Phật Zen đã hạ
thấp con người xuống hàng trần tục và chối bỏ mọi thể tính siêu việt
(Transcendance); nghĩ như vậy thì thực là “hợp lý”! (Đó là sự hợp lý của kẻ hạ
nhân!)
– Khi tôi nói: “Đạo Phật Zen không tôn thờ đức Phật như là giá trị tối thượng”;
tất nhiên người ta nghĩ rằng tôi muốn nói: đạo Phật Zen không thể gọi là đạo Phật;
vì đạo Phật Zen phản lại đức Phật! (đó là lý luận của kẻ hạ nhân!)
– Khi tôi nói: “Đạo Phật Zen chống lại tất cả những gì nhân loại tôn sùng thờ
phụng như là thiêng liêng quí báu”, tất nhiên người ta nghĩ rằng tôi muốn nói:
chống lại thiêng liêng quí báu tức là tôn thờ “chủ nghĩa hư vô” tức là phá hoại,
tức là vô trách nhiệm; (đó là lý luận của kẻ hạ nhân!)
Nếu tôi chống lại thiên đàng, tất nhiên người ta nghĩ rằng tôi bênh vực hoả ngục;
nếu tôi chửi rủa trách nhiệm, tất nhiên người ta nghĩ rằng tôi là một kẻ vô
trách nhiệm; nếu tôi chửi rủa Tổ quốc, Quê hương, tất nhiên người ta nghĩ rằng
tôi là một kẻ phản quốc; nếu tôi chống lại Luân lý, Đạo đức, tất nhiên người ta
nghĩ rằng tôi là một kẻ vô luân; nếu tôi chống lại Gia đình, tất nhiên người ta
nghĩ rằng tôi là kẻ phá hoại; nếu tôi chống lại Văn minh, Văn hoá, Văn học, tất
nhiên người ta nghĩ rằng tôi là một kẻ lạc hậu, hủ lậu. Thực là hợp lý! Thật là
hợp lý! (Cái hợp lý của kẻ hạ nhân!)
Đây là những thần tượng: Thiên đàng, Niết bàn, Trách nhiệm, Tổ quốc, Luân lý, Đạo
đức, Gia đình, Xã hội, Văn minh, Văn hoá, Văn học, Tiến bộ, Nhân bản, Luận lý học,
Lý trí, Siêu việt thể, Thượng đế, Thiêng liêng, Giá trị, vân vân.
Tôi nghe người ta đồng thanh ca tụng những danh từ trên, rồi tôi lại nghe người
ta đồng thanh mạt sát nguyền rủa tất cả những gì đối nghịch lại với những danh
từ trên. Những danh từ nào đối nghịch với những danh từ trên thì được xem như xấu
xa, dơ nhớp, bẩn thỉu, được xem như “phủ nhận” (“Négatif”) nghĩa là chẳng nghĩa
lý gì cả (“null”, “nichtig”). Người ta chia ra hai thái độ: “phủ nhận” và “chấp
nhận”; người ta khẳng định rằng “chấp nhận” là “tốt” và “phủ nhận” là “xấu”.
Người ta định rằng không “chấp nhận” thì nghĩa là “phủ nhận”. Đối nghịch với cộng
là trừ. Không phải positif thì là négatif. Nhờ luận lý học, người ta đã suy luận
rất là hùng biện, nếu tôi mở miệng ra chống đối trách nhiệm, lập tức người ta mắng
chửi tôi là “một thằng vô trách nhiệm”, và người ta bĩu môi khinh bỉ xa lánh
tôi và xem tôi như một “sâu mọt của xã hội” hay “một kẻ phá hại”. Người ta đã định
xong những phạm trù nào đó và người ta chấp nhận những phạm trù này như là “xác
nhận” những gì đối nghịch lại những phạm trù này được xem như là “phủ nhận”.
Người ta ca tụng thái độ “xác nhận” và nguyền rủa thái độ “phủ nhận”; tất cả những
gì không nằm trong lãnh vực “xác nhận” thì liền bị người ta quăng ném vào hố
sâu (đã được đào trước) và hố sâu này được gọi là hố “phủ nhận”; người ta đồng
hoá hố “phủ nhận” với hư vô; người ta đưa đẩy tất cả đối nghịch vào trong chủ
nghĩa hư vô mà người ta đã tự phát minh bằng luận lý học (Martin Heidegger: On
s’est à tel point empli de “logique” qu’à la seule mention d’une opposition aux
valeurs énumérées plus haut, l’ opposé est immédiatément et exclusivement pris
pour l’envers, pour le contraire nul et sans valeur. Tout ce qui ne s’en tient
pas aux domaines bien connus du positif est rejeté dans la fosse, creusée d’
avance, de la négation pure qu’on identifie, au Néant. On fait tout sombrer
dans un nihilisme qu’on vient d’ inventer soi-même à l’aide de la logique).
Sự “đối nghịch” chỉ là “phủ nhận” khi nào người ta đã định trước, đặt sẵn cái
“xác nhận”. Tôi muốn hỏi: tại sao người ta không chịu tư tưởng vượt ra ngoài sự
định trước, định sẵn? Tại sao người ta không chịu tư tưởng vượt ra ngoài hai
thái độ “phủ nhận” và “chấp nhận”? cf. Heidegger: Le “contre” cependant, quand
une pensée se dresse face au donné, ne conduit – il pas nécessairement à la
négation et au négatif? cela n’arrive – mais alor d’une façon inévitable et
définitive, c’est – à – dire sans nous laisser la moindre liberté de regarder
sur autre chose – que si le donné a été immobilisé auparavant en tant que
“positif” dans le cadre figé de cette opposition (au “negatif”), prise au sens
absolu. Derrrière cette attitude se cache alors le refus de la pensée de
s’avancer au-dela du donné prédonné. En se référant continuellement au logique,
on se donne l’apparence de vouloir s’engager sur le chemin de la pensée, alor
qu’on vient, précisément, d’abjurer tout pensée)
Tôi nói rằng cuộc đời phi lý nhưng tôi không tự tử, bởi vì “phi lý” không phải
là “phủ nhận”; “phi lý” bị xem như “phủ nhận” là khi nào người ta đã định trước
và bất động hoá “hữu lý” như là “xác nhận”.
Người ta dùng luận lý học để phụng sự tư tưởng, nhưng thực sự, người ta đã từ bỏ
phản bội tư tưởng.
Chống thuyết nhân bản không phải là để bênh vực tinh thần phi nhân và chống đối
này mở ra những viễn tượng khác hẳn. Triết học Heidegger cũng thế. (Heidegger:
l’opposition à “L’humanisme” ne mène nullement à une défense de l’ inhumanité,
mais qu’ elle nous ouvre des perspectives bien différentes)
Đạo Phật Zen không đặt con người như “cứu cánh” hay “giá trị cao đẳng” (theo chủ
nghĩa nhân bản cổ điển) và đạo Phật Zen cũng không cho rằng “con người tự chọn
lựa” như chủ nghĩa nhân bản của Sartre. Và mặc dù Heidegger chống đối nhân bản
nhưng việc chống đối này của Heidegger cũng mở ra những viễn tượng khác hẳn những
viễn tượng của đạo Phật Zen (vì ai cũng biết rằng quan điểm căn bản của triết học
Heidegger là quay về “Sein”) và đạo Phật Zen không phải là “chủ nghĩa nhân bản”
mà cũng không phải là “chủ nghĩa phi nhân bản”, con người đạt đến Phật tính là
con người phủ nhận con người, tức là chối từ nhân bản.
Chống luận lý học không có nghĩa là bênh vực phi lý mà là dẫn đến cái Lý mênh
mông của Trời Đất. Triết học của Heidegger cũng thế (Être contre la logique ne
signifie pas être pour l’illogique mais pour le logos et son essence).
Khi tôi nói: “Đạo Phật Zen nhận rằng con người chỉ có thể giải thoát tại một trần
gian duy nhất là trần gian này”, tôi không muốn nói rằng Zen chối bỏ mọi “siêu
việt thể”. Đối với Zen, hai thế giới (tâm linh và vật chất) chỉ là một, không
có sự chia rẽ và làm hai miền khác biệt tách rời nhau: chỉ có một vũ trụ con
người (so sánh Sartre: Il n’y a pas d’autre univers qu’un univers humain
l’univers de la subjectivité humaine) (Câu này của Sartre gợi cho ta nhớ đến
thuyết Duy thức của Phật giáo). Zen không ghét bỏ trần tục để mà tìm kiếm một
thế giới tâm linh xa xôi. Đối với Zen, thế giới tâm linh ở ngay nơi thế giới ô
trọc này, Zen không ước vọng đến tương lai mà chỉ thực hiện đường đi của mình ở
hiện tại (đây cũng là điều mà Zen tách xa Heidegger; đối với Heidegger tương
lai là quan trọng nhất, để mà con người làm cái Entschlossenheit). Thiên đàng từ
trong người tôi chứ không ở nơi đâu cả. (Ta dễ nhớ đến nhà thơ thần bí William
Blake; Blake không ghét bỏ trần gian tục giới; ông chỉ nhận thế giới tâm linh ở
nơi chính trần gian này).
“Đạo Phật Zen không tôn thờ đức Phật như là giá trị tối thượng” như thế không
có nghĩa là Zen đã phản nghịch lại Phật giáo. Trái lại, nhiều học giả đứng đắn ở
thế giới thường nhận rằng Zen mới là tinh túy của Phật giáo, bởi vì Zen mới đạt
tới trung tâm điểm của kinh nghiệm đức Phật Thích Ca; trung tâm điểm ấy là mỗi
người tuyệt đối đi con đường riêng của mình; đức Phật Thích Ca đạt đến chân lý ấy
bằng chính những kinh nghiệm bản thân của Ngài, nếu chúng ta trung thành với đức
Phật thì chúng ta phải lìa xa Ngài; bởi vì không ai làm thầy ai cả; mỗi người
phải làm thầy cho chính mình, chân lý là chân lý của riêng từng người. Hơn nữa,
tôn thờ đức Phật như giá trị tối thượng là một hành động nguyền rủa đáng sợ nhất
vì đã hạ thấp Phật tính. Vừa tư tưởng vừa đánh giá là xúc phạm nguyền rủa ngạo
mạn nhất. (cf. Heidegger: Proclamer “Dieu” comme “valeur suprême”, c’ est donc
dégrader l’essence de Dieu. Penser en évaluant constitue, ici partout le plus
grand blasphème contre l’ être qui puisse s’ imaginer).
Đạo Phật Zen giải thoát con người ta khỏi mọi ràng buộc ở mọi phương diện và
đưa con người đến tự do tuyệt đối, tôn sùng những gì thiêng liêng quí báu là tự
ràng buộc mình vào vòng nô lệ; những thiền sư đều xem nhẹ truyền thống và chẳng
bao giờ nô lệ những kinh điển: họ chẳng bao giờ trọng những kinh Phật như là những
quyển sách thiêng liêng quí báu.
Tinh túy của đạo Phật Zen có thể thu gọn vào bốn câu sau đây:
Ở ngoài kinh điển xa lìa truyền thống
Không dựa vào những tiếng và những chữ
Nhìn vào bản chất và đạt đến Phật tính
Chỉ thẳng vào tâm thức con người.
Những câu trên là những nguyên tắc của đạo Phật Zen và cắt nghĩa sự khác nhau
giữa Zen và những tông phái Phật giáo khác.
…
Bây giờ, tôi xin bàn về những ngộ nhận chung quanh Thiền tông. Viết về Thiền
tông, hành động “viết về” ấy đã là một ngộ nhận to lớn rồi. Và chính bài này
cũng đã vướng vào những ngộ nhận. Nhưng sở dĩ bài này dám nói về những ngộ nhận
của người khác chung quanh Thiền tông là vì ít ra bài này cũng ý thức rằng mình
đã ngộ nhận trước tiên. Và đi từ nhận thức căn bản này: mình có ngộ nhận, mình
mới có thể biết những người khác ngộ nhận, vì tất cả đều nằm chung trong một
hoàn cảnh giới hạn.
Tôi chưa giác ngộ, mặc dù tri thức của tôi bảo rằng tôi chưa giác ngộ, nhưng tiềm
thức tôi không nhận thế; nếu tiềm thức của tôi cũng đồng ý thực sự với ý thức
tôi rằng tôi chưa giác ngộ thì lúc bấy giờ chính sự đồng ý giữ ý thức và tiềm
thức ấy là sự giác ngộ rồi; nói một cách khác, nếu thực sự toàn diện con người
tôi đồng ý rằng tôi chưa giác ngộ thì ngay lúc ấy, trong lúc ấy, trong chớp
nhoáng ấy, tôi đã vụt giác ngộ rồi! Giác ngộ rằng chưa giác ngộ, tức đã là giác
ngộ.
Tôi vừa nói câu này như một con vẹt, nếu câu nói này đi đôi với toàn diện con
người tôi thì tôi đã giác ngộ.
Thiền không có nghĩa là tham thiền, mặc dù Thiền là bởi chữ Zen mà Zen bởi chữ
dhyana; nhưng đến Huệ Năng thì Thiền không có nghĩa là dhyana, mà Thiền đồng
nghĩa với Trí Bát Nhã, hay nói một cách khác dhyana đổi ra Prajna. Vậy Thiền đồng
nghĩa là Giác ngộ. Nói tóm lại Thiền chính là Ngộ mà người Nhật gọi là Satori.
Điều ngộ nhận to lớn nhất mà hiện nay tôi thấy rất nhiều vị học giả thường vướng
là họ hiểu sai chữ Thiền trong nghĩa Thiền tông là Thiền trong nghĩa tham thiền
hay toạ thiền, mặc dù Thiền tông cũng có tham thiền và toạ thiền, nhưng chính sự
tham thiền và toạ thiền ấy không phải là tất cả nội dung của Thiền tông.Thiền
trong nghĩa Thiền tông không phải chỉ là Thiền trong khi toạ thiền hay tham thiền
mà trong bất cứ hành động nào thì cũng có thể được cả, và người ta có thể Thiền
thực sự mà không cần tham hay toạ. Càng tham thiền hay toạ thiền lại càng xa
Thiền, nhưng mượn cớ này để lười biếng không tham thiền hay toạ thiền thì lại
là cuồng thiền.
Bây giờ, để dễ thảo luận, tôi xin nêu ra một nguyên tắc, mà nếu mọi người chấp
nhận nguyên tắc này thì mới có thể thảo luận được. Nguyên tắc đầu tiên là:
Thiền có nghĩa là Ngộ.
Ngộ ở đây có nghĩa là Giác Ngộ, tức là kinh nghiệm tuyệt đối mà chỉ có đức Phật
là thí dụ cụ thể nhứt mà ta đã thấy trong lịch sử nhân loại.
Nguyên tắc thứ nhất này rất quan trọng, vì chính nguyên tắc này sẽ làm tiêu chuẩn
để chặn đứng tất cả mọi cuộc tranh luận bí lối và tất cả những lạm dụng nguy hiểm.
Từ nguyên tắc thứ nhất này, chúng ta có thể đi đến mọi nhận thức sau đây:
– Thiền là Ngộ, ai cũng có quyền nói về Thiền, viết về Thiền, bênh vực Thiền,
chỉ trích Thiền, tranh luận về Thiền; muốn làm gì thì làm, nhưng luôn luôn cần
phải tự hỏi rằng: “mình có ngộ hay không?”; nếu mình tự nhận rằng chưa Ngộ thì
khi viết hay nói về Thiền thì phải đứng trên quan niệm “chưa ngộ”; còn nếu tự
nhận rằng mình đã “Ngộ” thì lấy gì làm tiêu chuẩn để biết rằng mình “Ngộ”; bởi
vì “Ngộ” làm gì có tiêu chuẩn và ai cũng hiểu rằng “Ngộ” mà biết rằng mình “Ngộ”
thì chưa phải là “Ngộ”; vậy “không Ngộ” là Ngộ ư? Nói như thế cũng không đúng.
Chỉ có cách giải quyết duy nhất là muốn biết mình “Ngộ” hay không, thì cứ đợi đến
“Ngộ” rồi sẽ biết.
Tóm tắt lại từ nguyên tắc thứ nhất: Thiền là Ngộ.
Ta đi đến nhận thức này:
– Chúng ta, tôi, anh, ông, chưa được Ngộ. Từ nhận thức này, chúng ta ý thức được
thẩm quyền và giới hạn của chúng ta;
– Vì chưa được Ngộ, nên muốn nói về Thiền, chúng ta phải nhớ đứng trên vị trí
“chưa Ngộ”. Từ ý thức trên, chúng ta đi đến những nhận xét này;
– Vì đứng trên vị trí “chưa Ngộ” thì dù có bỏ suốt đời để nghiên cứu Thiền thì
Thiền ấy cũng vẫn là “Thiền chưa Ngộ”.
Nếu “chưa Ngộ” mà muốn nói về Thiền thì phải nói như thế nào? Thì phải nói đến
những gì là “chưa Ngộ” của chính mình; nếu mình thành thật thao thức đau khổ chấp
nhận tất cả những gì “chưa Ngộ” trong con người mình thì lúc ấy là lúc “Ngộ” dễ
vụt đến trong nháy mắt, bởi vì “chưa Ngộ” được thực sự hoàn toàn ý thức là
“chưa Ngộ” thì đã là “Ngộ” rồi.
(Hình sách Thiền Luận của D.T. Suzuki)
Bây giờ xin vào đề.
Trước hết, tôi xin phê bình tất cả những tác phẩm của D.T. Suzuki về Thiền
tông.
Nhận xét đầu tiên là tôi thấy ngay trọn vẹn sự nghiệp D.T. Suzuki về Thiền tông
là một cái dao hai lưỡi, biết dùng thì có lợi, nhưng vung tay thì tới đại nguy
hiểm.
Tất cả những quyển sách của Suzuki chỉ có giá trị là khi Suzuki viết về Thiền
mà đứng trên vị trí “chưa Ngộ” và nhất là, ý thức rằng mình “chưa Ngộ”.
Tôi xin kết luận ngay rằng D. T. Suzuki là một học giả thông minh, rất uyên bác
về Thiền tông, có thể nói là uyên bác nhất thế giới, nhưng tôi phải nói ngay rằng
tất cả những quyển sách của D. T. Suzuki đều hoàn toàn vô giá trị, vì D.T.
Suzuki đã viết về Thiền mà viết với giọng điệu đầy thẩm quyền như chính D. T.
Suzuki đã “Ngộ” rồi! D. T. Suzuki “chưa Ngộ” mà khi viết về Thiền, ông đã dùng
ngôn ngữ của người đứng trên vị trí “Ngộ”. Thực ra “Ngộ” làm gì có vị trí.
Bởi thế, đọc trọn vẹn sự nghiệp của D. T. Suzuki, tôi chỉ thấy ông lặp đi lặp lại
và càng ngày tư tưởng ông càng cạn đi, để rồi đọng lại thành khuôn thước và hệ
thống.
Ngộ nhận lớn nhất mà D. T. Suzuki đã phạm là khi ông tự đặt ra câu hỏi sau đây:
Thiền là gì?
D. T. Suzuki viết bằng Anh ngữ là:
– What is Zen?
Khi hỏi một câu hỏi như vậy thì đã là thiển cận rồi, vì hỏi như thế thì ít nhất
cũng tự nhận mình đã “Ngộ” rồi; nhưng chính vì D.T. Suzuki chưa Ngộ, nên câu hỏi
trên mới tố cáo cho ta thấy những điều này:
– Khi đặt câu hỏi thì trong câu hỏi ấy đã giới hạn câu trả lời;
– Khi đặt câu hỏi thì câu trả lời đã tiềm tàng có trước câu hỏi.
Như vậy khi đặt câu “Thiền là gì?” (What is Zen?) thì đã tự ý định trước là
“Thiền là một cái gì” (Zen is something; vì What có nghĩa là something). Mà nếu
cho rằng: “Thiền là một cái gì” thì đã đánh giá Thiền và lôi Thiền xuống ngang
hàng một đồ vật (What tức là chỉ cho vật mà thực ngữ của Heidegger gọi là:
“Vorhandensein”).
Bây giờ không cần nói đến chữ “gì” (What), mà chỉ cần nói đến chữ “là” là đủ kết
luận về một điều sai lầm của Suzuki; “là” (Is tức là to be) là xác nhận một hữu
thể, một bản chất, một thể chất, một đặc chất.
Khi ta nói:
– Thiền là.
– Zen is.
Tức là ta đã nhận rằng mình đã “Ngộ” rồi, vì có “Ngộ” thì mới được bản chất, thể
chất, thực chất của Thiền; biết như thế mới nói là “là”.
Nếu chúng ta chưa “Ngộ”, thì chúng ta không thể nói:
– Thiền là.
Mà cũng không thể nói:
– Thiền không là.
Bởi vì nếu nói là “không là” thì ít nhất cũng đã biết trước cái “là”, tức là chỉ
có thể xác nhận là sau khi đã phủ nhận, mà chỉ có thể phủ nhận là sau khi đã
xác nhận; đằng này chúng ta không biết gì cả, chúng ta “chưa Ngộ” thì dù có phủ
nhận hay xác nhận cũng đều là vô minh.
Như thế, trong câu hỏi: “Thiền tông là gì?” chúng ta đã thấy người đặt lên câu
hỏi ấy là một người hoặc nếu không ngu xuẩn thì cũng tự nhận mình đã “Ngộ” rồi,
nhưng thực ra nếu “Ngộ” rồi thì cần gì phải đặt câu hỏi ngu xuẩn như vậy?
Từ những nhận thức trên, bây giờ ta thấy những đường lối mở ra như sau;
– Nói về Thiền cho đúng sự thực thì phải “Ngộ” chẳng hạn như lục tổ Huệ Năng và
những vị thiền sư đời Đường, đời Tống.
– Nói về Thiền cho đứng đắn, mà đang lúc mình chưa “Ngộ” thì phải ý thức giới hạn
mình và chỉ có thể được quyền đứng trên phương diện, vị trí lập trường của một
sử gia, một người chép sử, một người ghi lại kinh nghiệm quá khứ.
Trong một cuộc tranh luận giữa Hồ Thích và D. T. Suzuki, chúng ta thấy cả hai đều
rơi vào sai lầm. Hồ Thích đứng trên lập trường của sử gia, nhưng Hồ Thích lại
hiểu sai vai trò lịch sử, khi Hồ Thích cho rằng có thể dùng phương pháp sừ học
để hiểu Thiền. Hồ Thích đã sai lầm rất lớn; Thiền là kinh nghiệm giác ngộ; lịch
sử không phải là kinh nghiệm; lịch sử chỉ là ghi chép kinh nghiệm; Hồ Thích đã
sai lầm vì đã cho rằng đứng trên vị trí “chưa giác ngộ” có thể hiểu được Ngộ;
còn Suzuki đã đúng khi cho rằng “chưa Ngộ” thì không thể nào hiểu “Ngộ” được,
nhưng khi nói câu ấy, Suzuki đã ngụ ý rằng mình đã “Ngộ”.
Tất cả những kinh sách của Thiền tông như Pháp bảo đàn kinh, Vô môn quan, Lăng
già sư tư ký, Tín tâm minh, Truyền đăng lục, vân vân,… đều nói lên ngôn ngữ của
những con người đã “Ngộ” rồi. Và chính ngôn ngữ ấy là ngôn ngữ của Thiền.
Chẳng hạn như dở quyển Vô quan môn ta đọc thấy những câu sau đây của Thiền sư
Vô Môn:
Phùng Phật sát Phật, phùng tổ sát tổ.
“Gặp Phật giết Phật, gặp tổ giết tổ.”
Thiền sư Vô Môn nói câu trên, dùng ngôn ngữ mạnh bạo trên là lúc thiền sư đã
“Ngộ” rồi; còn nếu bất cứ người thứ hai nào mà lặp lại câu trên, đang lúc mình
“chưa Ngộ” thì câu trên trở thành rất nguy hiểm và tai hại: nó biến thành cái cớ
để người ta tự bào chữa hành động ngu xuẩn của mình; nó là cái cớ để người ta
ngạo mạn kiêu căng; nó là cái cớ để người ta phá hoại tôn giáo, phá hoại truyền
thống, không phải phá hoại để giải thoát, mà phá hoại vì ngu si mê muội, vì dại
dột; phá hoại như thế có nghĩa là tự sát.
Chúng ta chỉ có quyền lặp lại câu nói của thiền sư Vô Môn với ý thức rằng mình
chưa Ngộ và câu nói ấy là câu nói của một người đã chứng “Ngộ”; chúng ta chỉ có
quyền lặp lại câu nói trên sau khi chúng ta biết rằng đó chỉ là một lối nói để
phá chấp đến triệt để; còn chấp “Phật” tức là chưa thành Phật, còn chấp tổ
nghĩa là thành tổ: giết Phật ở đây không có nghĩa là giết Phật, mà có nghĩa là
giết ông “Phật” mà ta đã chấp trong trí ta.
Bi kịch lớn lao nhất ở đời là mỗi khi vĩ nhân xuất hiện và sau khi vĩ nhân ấy
đã nói lên một lời nào thì những kẻ hạ nhân cũng bắt chước nói lại lời ấy; và mặc
dù lời ấy cũng gồm bấy nhiêu chữ, nhưng những chữ ấy không còn là những chữ của
vĩ nhân nữa; chẳng hạn vĩ nhân nói “sát Phật” thì hạ nhân cũng bắt chước mà nói
“sát Phật”; nhưng đau đớn biết bao là câu lặp lại bỗng trở thành thuốc độc và
đưa con người đến chỗ tự sát.
Nietzsche đã hiểu bi kịch trên: chúng ta thấy biết bao nhiêu lần Nietzsche đã để
cho Zarathustra cảnh cáo mối tai hại ấy trong quyển Ainsi parlait Zarathustra.
Heidegger cũng hiểu ý của Nietzsche, nên trong quyển Qu’appelle –t-on-penser?,
Heidegger có viết: “Trước kia đó là tiếng kêu la của Nietzsche, mà ngày nay tiếng
kêu la ấy đã trở thành câu chuyện ba hoa của thiên hạ”.
Chẳng hạn, chúng ta thấy Nietzsche kêu: “Thượng đế đã chết”. Đó là tiếng kêu la
thống thiết của Nietzsche để báo tin một kỷ nguyên mới. Ngày nay, thường khi,
trong những phòng cà phê hay giảng đường đại học, chúng ta nghe người ta say
sưa nói: “Thượng đế đã chết”; họ nói ba hoa như vậy, và họ vẫn tiếp tay duy trì
thế giới cũ và cản lối làm chướng ngại vật không cho kỷ nguyên mới mở màn. Thế
là “siêu nhân” của Nietzsche đã chết theo sau đó, do những đầu miệng của kẻ hạ
nhân.
Thế là Nietzsche cũng chết luôn, như Malraux đã có lần nói như vậy.
Về Suzuki tôi xin tóm lại: Thiền của Suzuki không phải là Thiền của Vô Môn
quan, của Pháp bảo đàn kinh, của Truyền đăng lục, vân vân; nghĩa là Thiền của
Suzuki là Thiền về Thiền, cũng như Luận lý học là tư tưởng về tư tưởng – la
pensée sur la pensée theo kiểu nói của Heidegger. Đó chỉ là một lối suy tư đặc
biệt – une façon particulière de penser – một lối suy tư đặc biệt như Thiền của
Suzuki cũng là một lối Thiền đặc biệt – une façon particulière de méditer, de
“Zenifier”!
Những quyển Vô Môn quan, Pháp bảo đàn kinh, vân vân; là nói lại Thiền của Thiền
của vị sư đã “Ngộ”.
Vô Môn quan, Pháp bảo đàn kinh, vân vân, không phải Thiền mà chỉ nói về Thiền.
Như vậy Suzuki đã nói về cái “nói về” ấy; còn những kẻ nào tôn sùng Suzuki và
tham khảo sách của Suzuki (như Alan Watts, Christmas Humphreys, Hubert Benoit,
Blyth, Sohuku Ogata, Chang Chen Chi, vân vân) thì những kẻ ấy lại nói về “cái
nói về cái nói về” dịch ra tiếng Pháp cho dễ hiểu là: la pensée sur la pensée
sur la pensée… Như thế là vô minh quá lắm rồi.
……
Trong một câu chuyện giữa người A và người B; người A nói rằng: “Tôi thích cái
này, tôi ghét cái kia”.
Anh B vụt trả lời: “Anh nói rằng anh có nghiên cứu Thiền nhưng tại sao anh lại
nói rằng anh thích cái này, ghét cái kia? Thiền đâu có ghét, đâu có thích!”.
Trong câu chuyện trên, chúng ta thấy anh A chưa ngộ và anh A hồn nhiên nói năng
tự nhiên thành thật như một kẻ chưa ngộ; còn anh B thì chưa ngộ mà lại chỉ
trích anh A; và khi chỉ trích như vậy thì tỏ ý mình đã hiểu Thiền, đã ngộ Thiền;
sự thực thì anh B chưa ngộ; chẳng những thế anh còn vướng vào tội ngạo mạn ngu
si vì anh B đã học lỏm được trong một quyển sách nào đó rằng “thích và ghét
không phải là Thiền”; câu nói là câu nói của một thiền sư đã Ngộ; anh B chưa Ngộ
mà lặp lại một câu của người Ngộ, và như thế tự cho mình cao hơn anh A, nghĩa
là tự cho mình ngộ hơn người chưa ngộ! Ôi bi kịch! Chân lý mà bị lặp lại thì đã
biến thành tà thuyết!
[Hết trích]
(Còn tiếp)
.
Nguyên Lạc
____________________
Phụ lục:
Thiền Luận – D T Suzuki
https://acrobat.adobe.com/id/urn:aaid:sc:VA6C2:aa921b29-4511-467a-8e65-d180af029119