Hôm qua vẫn trở lại
Dĩ vãng là hôm nay
Ngày mai là hiện tại
Hiện tại chết mỗi giây
Mỗi giây mất một đời
Cái gì vừa vụt tới
Liệng bay đi tức thời
Em đâu rồi em ơi
(Trên tất cả đỉnh cao là lặng im -Phạm Công Thiện)
ĐỌC LẠI PHẠM CÔNG THIỆN
Nửa thế kỷ, thử đọc lại Phạm Công Thiện xem sao? Có
“hực lửa” như thời “xuân mộng” không? Hay chỉ lạnh lùng “tro bụi” của
hờ hững thời gian.
Sau đây là những ghi chép các trích đoạn “đáng chú ý” từ sách Ý
Thức Mới Về Văn Nghệ Và Triết Học.
Chương: Ý thức bất diệt – Biểu tượng cuộc đời trong tiểu
thuyết Ivo Andric
.
(Hình sách Chiếc cầu trên sông Drina)
[Trích đoạn]
1.
Năm 1961, nhà văn Nam Tư Ivo Andric được giải thưởng Nobel về quyển Cầu trên
sông Drina. Ông gọi tiểu thuyết của ông là “Chronique” (biên niên sử), bởi vì Cầu
trên sông Drina bao gồm trên ba trăm năm lịch sử Nam Tư.
Tôi không nghĩ rằng tôi đang đọc lịch sử. Tôi lại có cảm tưởng man mác rằng
mình là một hồn ma; vì quá lưu luyến với cõi trần, nên trên ba trăm năm vẫn hiện
về lảng vảng trên cầu Drina để theo dõi những đau thương của cuộc đời.
Thế hệ này rồi đến thế hệ khác, lớp lớp người, lớp lớp sóng, bao nhiêu sương
gió, mưa to bão loạn, khói lửa ngút trời: dòng sông Drina cuồng loạn, dòng sông
Drina thanh bình. Cát bụi. Hương thời gian thổi qua heo hắt. Cầu Drina vẫn lạnh
lùng bắc ngang dòng đời vô tận.
Thành phố Visegrad ở ngay bên cầu Drina. Từ mấy thế kỷ, cuộc đời lặng lẽ của
dân cư thành phố đã bắt rễ ngay giữa cầu. Vận mạng dân cư thành phố và vận mạng
chiếc cầu dính liền chặt chẽ với nhau đến nỗi người ta không thể nào nghĩ rời
ra được [1] . Phần quan trọng nhất trên cầu Drina là kapia, sân thượng ở giữa cầu.
Tất cả những biến cố lớn nhỏ đều xảy ra tại kapia. Nơi đây, những đêm trăng
thanh gió mát, ta thấy bao nhiêu người lô nhô, lố nhố, trò chuyện, nô đùa sung
sướng; hết thế hệ này rồi tới thế hệ khác, bao nhiêu lớp người kế tiếp nhau đều
lần lượt trải qua chặng đời của họ nơi giữa cầu. Cũng có lúc cầu Drina hoàn
toàn vắng lạnh hoang vu; thỉnh thoảng một vài cơn gió vèo qua trên mặt đất khô
khan và ánh trăng ma quái chiếu rọi vào những đầu người ứ máu treo lắc lư giữa
sân cầu. Đó là những thời tao loạn biến động ở biên thùy. Một vài người lính đi
qua lại trên cầu; không khí nặng nề vây trùm cả thành phố. Rồi mọi sự đen tối
cũng đều qua hết.
Cầu Drina lại sống bình thản như xưa; cũng từng ấy người nhỏ lớn, từng ấy câu
chuyện vui buồn, từng ấy bi kịch và hài kịch của đời tiếp diễn không ngừng từ mấy
trăm năm. Cuộc đời dân cư thành phố đã trôi chảy phát triển trên cầu và tại
kapia. Người ta luôn luôn nghe những tiếng “trên cầu” trong tất cả những câu
chuyện về biến cố gia đình, công cộng hay riêng tư. Những bước chân chập chững
đầu tiên của tuổi thơ và những trò chơi ban đầu của tuổi trẻ đều xảy ra trên cầu
Drina (trang 15). Tất cả mọi sự, như đám ma, đám cưới, tình yêu, sự thương lượng,
buôn bán, giải hoà, gây cãi, tranh luận, họp mặt, hẹn hò và chờ đợi đều xảy ra
nơi sân thượng giữa cầu.
Dân cư ở Visegrad mang nặng dòng máu nghệ sĩ, họ là những người thích trầm tư mặc
tưởng, mơ mộng xa vời, phóng túng chơi vơi, triền miên, thanh thản với đời sống
bên trong, tận hưởng thú đời, dễ dãi và xem thường tiền bạc. Người ta kể chuyện
một tên cướp nọ, trước khi bỏ nghề vì quá già yếu, đã dặn một môn đệ như vầy:
“Lúc nào anh định ẩn núp để đánh cướp và anh thấy thằng nào khùng khùng đi ngựa,
chân thòng vắt ngang đằng trước yên, tay đánh trống, miệng hát ầm lên, anh đừng
đánh cướp nó, mất công vô ích. Hãy để cho nó đi. Nó là dân ở thành Visegrad. Nó
chẳng có tiền bạc gì cả, bởi vì tiền bạc chẳng bao giờ bám hạng người ấy”
(trang 21).
Dân Visegrad thích ngồi giữa cầu vào lúc bình minh, hoàng hôn hoặc chiều tối để
ngắm muôn triệu ngàn sao trên vòm trời hay ngồi dựa tay vào thành cầu, ngắm
nhìn những luồng ánh sáng lung linh trên những triền núi và trông những đám mây
chơi vơi. Họ là những thi sĩ không làm thơ, những con người nghệ sĩ sống mông
lung trong mộng tưởng triền miên. Người ta nói rằng chính sân thượng kapia ấy
đã ảnh hưởng đến vận mạng thành phố và đến cả tính tình bâng quơ của dân cư
thành phố.
Lịch sử của cầu Drina cũng là lịch sử đời sống thành phố và đời sống dân cư ở
đó.
Mehmed Pasna, đại nhân của đế quốc Thổ Nhĩ Kỳ, đã có công xây cất cầu Drina.
Ngày trước, những vùng lệ thuộc đế quốc Thổ đều phải chịu lệ hiến máu. Quân
lính Thổ đi lùng kiếm khắp nơi để bắt những trẻ con đẹp trai khoẻ mạnh – từ mười
tuổi đến mười lăm tuổi. Những đứa trẻ này được nuôi nấng đàng hoàng ở Thổ Nhĩ Kỳ
để trở thành dân Thổ và sống phụng sự đế quốc Thổ Nhĩ Kỳ. Một buổi sáng lờ mờ
vào năm 1516, một đứa trẻ thông minh khoảng mười tuổi bị quân lính Thổ bắt đem
về Stamboul, lúc đến dòng Drina, đứa bé ấy bỗng nhiên rưng rưng cảm thấy nhói
đau trong lòng, nơi đây đã cô đọng tất cả nỗi tuyệt vọng và bất lực khôn cùng của
con người, từ đây, đứa bé ấy phải lìa bỏ quê hương vĩnh viễn, theo một lối sống
mới, mang tên mới và quên luôn gốc rễ của mình.
Về sau, đứa bé ấy trở thành một vị anh hùng tài ba thống đốc và thượng thư trứ
danh, tên là Mehmed Pasha Sokolli, người đã mở mang bờ cõi Thổ Nhĩ Kỳ và tạo
nhiều huân công oanh liệt; Mehmed Pasha đã quên nguồn gốc ông, nhưng một hôm, bỗng
nhiên những vết tích chua xót của tuổi thơ trở về ám ảnh ông một cách đau đớn
mãnh liệt và ông cho xây chiếc cầu to lớn ngang qua dòng sông Drina để nối liền
miền Bosnie và phương Đông, nối liền nơi ông chào đời và nơi ông thành người.
Sau bao lần trở ngại khó khăn, cầu Drina được cất xong vào năm 1571 và ít lâu
sau, Mehmed Pasha chết; nhưng từ đó cầu Drina vẫn sống vĩnh cửu với thời gian,
Qua những biến thiên phát triển nhanh chóng của thế hệ loài người, cầu Drina vẫn
không ngừng thay đổi như dòng nước chảy dưới cầu (trang 71).
Trên ba trăm năm trời, bao nhiêu thiên tai, bao nhiêu hiểm hoạ xảy ra… Bao lần
chiến tranh, tàn sát, biến động, nổi loạn, dịch, lụt… chẳng hạn trận đại thủy
tai vào hạ bán thế kỷ mười chín (chương V), trận nổi loạn ở Serbie vào đầu thế
kỷ mười chín (chương VI), bệnh dịch vào giữa thế kỷ mười chín (chương VII), cuộc
nổi dậy ở Serbie vào cuối thế kỷ mười chín (chương IX), quân đội Áo chiếm
Bosnie vào năm 1878 (chương IX, X, XI, XIII, XIV, XVI, XVII, và XVIII), những
chiến thắng của dân Serbes (chương XVIII), đại công Franz Ferdinand bị ám sát
(chương XXII)…
Tất cả những biến cố trên đã lay chuyển tơi bời đời sống thành phố; vai trò cầu
Drina nhiều lúc phải thay đổi hoàn toàn; sinh hoạt trên cầu cũng thế và cầu
cũng bị chiến tranh tàn phá nhiều; thế mà sau bao lần dâu biển, cầu Drina vẫn
không thay đổi qua những năm, qua những thế kỷ hoặc qua những khúc quanh đau đớn
nhất trong những biến cố loài người… (trang 101).
2.
Bên dòng sông Drina và nhất là nơi sân thượng giữa cầu, từ
thế kỷ này đến thế kỷ khác, từng lớp người lặng lẽ đi vào cuộc đời rồi lại chết
đi, để từng lớp người khác tiếp tục bước tới và chẳng bao lâu lại biến mất đi,
để từng lớp người khác nữa… Cứ thế, cuộc đời vẫn miên man trôi chảy không ngừng
như dòng suối ngầu bọt giữa ven rừng: suối vẫn chảy, luôn luôn mới nhưng luôn
luôn vẫn là một dòng suối cũ. Những người ấy xuất hiện trên cõi đời như những
bóng nắng mùa thu. Họ sống một thời gian ở cõi trần, mang nhiều hy sinh tha thiết
với đời, chịu đựng nhiều đau khổ, rồi chết đi nhẹ nhàng như làn khói mỏng bâng
quơ… Họ chết nhưng họ bất diệt.
Họ là Ilinka (người thiếu phụ điên và đau khổ), Radisav (vị anh hùng lẫm liệt bỏ
mình vì lý tưởng), Arif Beg (người quản đốc việc xây cất cầu). Dauthodja
Mutavelic (người quản thủ nhà trọ bên cầu), Jelisije (cụ già ái quốc), Mile
(người nhà quê ngây ngô), Salko Corkan (con người cầu bơ cầu bất, lãng tử),
Fata (giai nhân mệnh bạc), Alihodja Mutevelic (con nhà danh gia vọng tộc), Pop
Nicola (giáo trưởng), Mula Ibrahim (quí tộc), Shemsibeg Brankovic (con người cứng
đầu bướng bỉnh), Milan Glasicanin (người đánh bạc), Gregor Fedun (anh lính trẻ
tuổi si tình), Lotte (cô quản lý lữ quán), Nikola Glasicanin (chàng thanh niên
ái quốc nghèo khổ), Vlado Maric (người thợ trẻ nghèo), Fehim Bahtijarevic (người
sinh viên trầm lặng), Pavle Ranpovic (bác thương gia lạc lõng), Corka (cô giáo
non trẻ) và Jamak (lão đưa đò quái dị).
Họ sống không lâu ở cõi đời nhưng họ đã để lại trong tâm tưởng tôi những hình ảnh
rực ngời nhất của con người, nhất là Ilinka và Jamak, hai kiếp sống tầm thường
nhất trong những kiếp sống trên, thế mà không hiểu vì sao tôi cứ bị hai hình
bóng tầm thường ấy ám ảnh theo đuổi tôi một cách lạ lùng nhất; tôi thấy rõ nét
mặt kỳ dị của Jamak và nghe tiếng than khóc ảo não của Ilinka trong tiềm thức,
nhất là vào những đêm tối có trăng. Phải chăng Jamak và Ilinka là những hình ảnh
trung thực nhất của con người. Con người sinh để khổ rồi chết. Phải chăng chính
sự đau khổ đó làm con người trở nên một con vật cao quý nhất, tốt đẹp nhất? Con
người bất diệt bởi vì con người đau khổ. Những lời nói của Faulkner (trong lúc
nhận giải thưởng Nobel vào khoảng mười năm trước Ivo Andric) mà đến hôm nay vẫn
còn văng vẳng bên tai tôi: “Con người bất diệt bởi vì con người có một linh hồn,
một tâm hồn dễ trắc ẩn động lòng, biết hy sinh và chịu đựng đau khổ” [2] .
Trên đường đời luân lạc, tôi đã từng gặp biết bao nhiêu cụ già lái đò, tóc bạc
trắng phơ, cô đơn chiếc bóng, không gia đình, không con không cái, ngày ngày
hiu quạnh đưa khách sang sông. Tôi đã nghĩ gì? Trên những vỉa hè đầu phố, tôi
đã từng gặp biết bao nhiêu người đàn bà điên khùng ngơ ngác, bơ vơ, lạc lõng
lang thang giữa người đời như con chó ghẻ? Tôi đã nghĩ gì?
Jamak sống vào thời cầu Drina chưa được xây cất. Thuở ấy, chỉ có Jamak chèo đò
đưa khách sang sông. Jamak là một cụ già lầm lì trông rất dễ sợ. Chiến tranh đã
tàn phá tâm hồn cụ và cụ trở nên bơ phờ lạnh lùng trước cuộc sống. Con người lầm
lì ấy đã tung hoành ngang dọc trong mấy trận địa, mang nhiều thương tích và nhiều
tiếng tăm, để rồi vào buổi hoàng hôn của đời mình trở về lặng lẽ âm thầm trên
dòng Drina. Cụ không bao giờ cười và cũng không bao giờ nói chuyện với khách
sang sông; mỗi lần trả tiền đò người ta cứ ném tiền xuống khoang thuyền và cụ vẫn
lạnh lùng chẳng bao giờ quan tâm đến. Nét mặt trông hung dữ, nhưng tính tình
cương trực ngay thẳng. Những lúc mực nước sông lên cao hay trời kéo mây, cụ kéo
đò vào nghỉ và lúc bấy giờ, dòng sông Drina trở thành đại dương bao la vì không
ai có thể qua sông được nữa; có kêu gọi cách gì đi nữa; Jamak cũng không bao giờ
trả lời. Tiếng người gọi đò ơi ới chan hoà với tiếng mưa rơi phũ phàng, rồi biến
mất giữa dòng sông. Cuộc sống lặng lẽ của cụ lái đò cô đơn và kỳ quặc ấy khiến
ta bàng hoàng nghĩ ngợi. Những gì đau thương chua xót của đời đã hằn vết ray rứt
trong lòng cụ để rồi lúc tóc bạc trắng phơ cụ trở về sống âm thầm bên dòng
Drina:
Sầu kiến chu hành phong hựu khởi
Bạch đầu lãng lý bạch đầu nhân [*]
Hình ảnh Jamak nhắc lại hình ảnh của một người lái đò khác
tên là Vasudeva, trong truyện Siddharta của Hermann Hesse (Nobel 1946).
Jamak và Vasudeva là hai người lái đò lạ thường kỳ bí nhứt trong văn chương
nhân loại, mà có lẽ suốt đời tôi không bao giờ quên được.
Trong truyện Cầu trên sông Drina, ngoài Jamak, ta cũng không thể quên Ilinka xuất
hiện vào lúc cầu Drina bắt đầu được xây cất. Nàng là một người đầy tớ nghèo khổ,
khùng khùng điên điên, thế rồi bỗng nhiên nàng có thai và nàng cũng không hề
nói đến tên người đã gây đau khổ cho nàng (hay là nàng cũng không biết ai).
Nàng sinh đôi trong một chuồng ngựa nào đó; hai đứa hài nhi đều chết; người ta
chôn hai đứa con nàng trong một vườn mận. Vài ngày sau, Ilinka ngồi dậy và đi
tìm kiếm hai đứa con nàng; nàng bơ phờ đi tìm khắp nơi trong làng hoặc lai vãng
bên bờ sông. Người ta cố giải thích rằng con nàng đã chết, nhưng Ilinka nhứt định
không tin. Từ đó, ngày nào người ta cũng gặp nàng đi thất tha thất thểu khắp
nơi. Một thời gian sau, vào mùa đông lạnh buốt, nàng biệt tăm mất dạng luôn.
Người thiếu phụ điên khùng đau khổ ấy là hình ảnh trọn vẹn đẹp đẽ nhất của người
đàn bà.
Ngoài Jamak và Ilinka, đáng nhớ nhất là Fata, Gregor Fedun, Radisav, Jelisije,
Dauthodja Mutavelic, Alihodja Mutavelic, Nikola Glasicanin, Salko Clirkan,
Lotte…
Họ đều là những tâm hồn cao quí, sống trung thành với quả tim của họ, họ thà chết
chứ không bao giờ tự đánh lừa hay là để kẻ khác đánh lừa mình, chẳng hạn Gregor
Fedun, một anh lính trẻ tuổi gác trên kapia của cầu Drina, đã tha thiết yêu đắm
một cô gái đi đường; đang lúc chàng ngây thơ dâng trọn tâm hồn mình, chàng có
ngờ đâu chàng đã bị cô gái kia đánh lừa để âm mưu tìm đường tẩu thoát cho một
tên cướp ghê gớm; chàng đã lỡ yêu say đắm, đến khi mọi sự đổ vỡ, chàng không thể
nào sống được vì chàng đã lỡ yêu say đắm, đến khi mọi sự đổ vỡ, chàng không thể
nào sống được, vì chàng đã để kẻ khác đánh lừa chàng một cách thảm thương và
chàng đã tự kết thúc đời chàng. Đó là sự kết liễu của một kẻ đã tự đánh lừa và
để kẻ khác đánh lừa mình (trang 167).
Hình ảnh Fata cũng đẹp đẽ vô cùng. Cha nàng bắt nàng lấy một người chồng mà
nàng không yêu. Nàng vâng lời cha để giữ trọn đạo con, nhưng đồng thời nàng
cũng vâng lời quả tim nàng để giữ trọn đạo sống khi đám rước dâu đi đến giữa
sân cầu, Fata đã nhảy xuống dòng sông Drina để tìm nơi chốn nào mà tất cả mọi sự
đều tự do, vô tận, vô danh và im lặng (trang 109).
Chúng ta không thể nào quên được Radisav, vị anh hùng bất khuất, người đã hy
sinh hơi thở của mình để tranh đấu chống lại tàn bạo. Radisav đã bị hành hình
ngay trên cầu; chàng chết, nhưng bất diệt như một tượng đá ngàn năm vẫn còn đó
(trang 55).
Radisav, Fanta, Gregor Rebun đều ở trong những hoàn cảnh khác nhau, nhưng cả ba
giống nhau là đều tìm sự sống trong cõi chết; khi cuộc đời không còn đáp trả lại
những tiếng gọi đau thương của lòng họ; họ đã bỏ đi để tìm miền hoa thơm cỏ biếc
của một chân trời khác.
Jelisije thoáng hiện trên cầu Drina như một du khách ở trần gian, một bóng phù
du trong một thế giới phù du (trang 85) Jelisije là một cụ già có hình dáng của
một tiên ông, suốt ngày bềnh bồng lang thang trên những nẻo đường, hết đi hành
hương nơi này rồi đến nơi nọ, cuộc đời cụ như một bóng mây phiêu diêu. Vì lòng
khí khái và ái quốc, cụ đã bị hành hình trên cầu cùng với người nhà quê ngây
thơ vô tội, tên là Mile.
Dauthodja Mutavelic, Alihodja Mutavelic, Nikola Glasicanin, Lotte, Salko Corkan
đều là những con người biết sống trọn vẹn với đời họ, cứng đầu cứng cổ, trầm lặng,
chịu đựng đau khổ, đầy lòng hy sinh nhân ái, tha thiết vời người, thành thật với
lòng họ.
Dauthodja Mutavelic đã nói lên ý nghĩa chung của họ: “Vận mạng chúng tôi trên mặt
đất này là đấu tranh chống lại sự suy đồi, sự chết và sự phân tán; dù sự chiến
đấu có hoàn toàn hoài công đi nữa, con người cũng phải chịu đựng kiên nhẫn
trong sự chiến đấu này” (trang 73).
3.
Ivo Andric đã dựng lại hình ảnh của cầu Drina trên ba trăm
trang giấy. Ông muốn nói gì? Phải chăng cầu Drina là biểu tượng của cuộc đời?
Trải qua bao nhiêu tang thương biến đổi, trải qua bao nhiêu bi hài kịch của con
người, dòng đời cứ trôi chảy mênh mang và bất diệt.
Phải chăng ý nghĩa của tác phẩm Cầu trên sông Drina nằm gọn trong câu văn sau
đây: “Cuộc đời là một sự huyền diệu khó hiểu, mặc dù bị phá huỷ tàn hại không
ngừng, cuộc đời vẫn trường tồn như chiếc Cầu trên sông Drina” (trang 81).
Quyển truyện chấm dứt lúc Alihodja từ giã cuộc đời và lúc cầu
Drina bị chiến tranh phá huỷ, thế mà người đọc không cảm thấy thất vọng và lại
mang đầy hy vọng triền miên như Alihodja (lúc thở hơi cuối cùng, Alihodja vẫn
còn tin tưởng mãnh liệt vào cuộc đời).
[Hết trích]
.
Nguyên Lạc
_________________________________
Chú thích:
[*] Sầu kiến chu hành phong hựu khởi,
Bạch đầu lãng lý bạch đầu nhân.
(Lâm giang tống Hạ Chiêm – Bạch Cư Dị)
Dịch nghĩa
Buồn trông lúc thuyền đi, gió lại nổi lên,
Ông lão bạc đầu ở giữa lớp sóng bạc đầu.
—————
Phụ đính:
Tôi biết đến tác giả Hermann Hesse – Nobel 1946 – với
sách “Siddharta” (Câu chuyện dòng sông), và Ivo Andritch – Nobel
1961 – với sách “The Bridge on The Drina” (Chiếc cầu trên sông Drina), và
rồi tìm đọc chúng thông qua “Ý thức mới trong văn nghệ và triết học”
lúc 18 tuổi, trước 1975, khi vừa đặt chân vào ngưỡng cửa đại học. Xin
trích đoạn ra đây bài viết rất… buồn, của Vũ Thế Thành có liên quan
đến quyển sách “Chiếc cầu trên sông Drina“:
[ Trích đoạn]
Những năm cuối thập niên 70, đầu 80 chẳng ai sống bằng lương nhà nước nổi.
Lương kỹ sư khoảng 73 đồng. Nhu yếu phẩm gạo (13kg), đường (0,5kg), thịt mỡ
(0,6kg)… được mua theo giá chính thức. Cũng phải kể, đàn ông được mua thêm 3
gói thuốc đen, phụ nữ vài thước vải mùng. Mấy thứ này ngốn hơn nửa tiền lương rồi.
Còn giá thị trường đại khái thế này: 3 đồng/tô phở bình dân, 3 đồng/xị rượu hạng
bét, 0,5 đồng/ly cà phê bắp… Mức sống tiêu chuẩn cán bộ (kỹ thuật) là thế. Còn
dân thường hầu như phải vật lộn theo giá thị trường. Sổ gạo khi có khi không,
chen lấn, khoai mì, bo bo, hàng độn đủ thứ… Vậy mà thiên hạ vẫn sống, vẫn loay
hoay kiếm cái gì đó để ăn, để tồn tại. Sức đề kháng của con người để sinh tồn
trong nhiều trường hợp thật không tưởng tượng nổi. Sau này tôi mới hiểu vì sao
mấy ông tù cải tạo, phải chờ thả về nhà mới chịu… đổ bệnh.
La cà trong giới xích lô tôi mới biết ra rằng, không ít người là trí thức (cũ)
đã chọn con đường mưu sinh này. Khá bộn cái gọi là “ngụy quân, ngụy quyền” cũng
tham gia vào nghề này. Họ khó có chọn lựa nào khác. Ai cũng tìm cách che giấu
thân phận, nhưng “phát hiện” ra nhau không phải là điều khó. Lúc ế độ, không có
khách, tấp vào bóng mát nào đó, nằm khểnh trên xe đọc sách. Tri thức vẫn là một
nhu cầu, ngoài chuyện ăn uống.
…
Một buổi sáng chủ nhật, tôi chở bà khách từ chợ An Đông. Bà bao xe nguyên ngày,
đi nhiều nơi trong Sài Gòn, mỗi nơi bà đi vào khoảng nửa tiếng, rồi trở ra đi
tiếp. Đi kiểu này thì khỏe, tôi khỏi tốn công cảo xe lòng vòng kiếm khách. Tới
nơi, khách đi công chuyện của khách, tôi ngả người lên xe nằm chờ, và lấy sách
ra đọc. Chặng cuối cùng, bà yêu cầu đi ra Bến xe Miền Tây để đón xe đò về Rạch
Giá. Có vẻ như đã xong công việc, bà khách ngồi trên xe vui vẻ bắt chuyện:
– Anh đạp xích lô lâu chưa?
– Chừng vài tháng.
– Tôi thấy anh đâu có dáng đạp xích lô, mặt mũi như thế phải là người có ăn học.
– Tôi đang kiếm sống bằng nghề đạp xích lô mà.
– Ban nãy tôi thoáng thấy anh đọc truyện tiếng Anh, quyển gì, à… 16
skeletons from my closet
Bà khách này đáo để quá… Tôi im lặng hồi lâu.
– Sao anh không đi?
– Đi đâu? -Tôi vờ ngớ ngẩn
– Ở đây khó sống. Bên kia còn thấy tương lai…
Tới bến xe, bà trả tôi gấp đôi số tiền thỏa thuận. Anh không muốn đi thật
sao? Tôi lờ mờ hiểu ra công việc của bà sáng nay. Tôi có hoàn
cảnh riêng. Chúc chị đi bằng an.
Đi vài bước, bà khách chợt quay lại, rút ra trong túi xách quyển sách: Anh
cầm cuốn này mà đọc. Tôi chưa kịp cám ơn bà đã quầy quả đi ngay vào bến. Đó
là tiểu thuyết Nhịp cầu trên sông Drina của Ivo Andritch.
…
Quyển tiểu thuyết để lại, chiếc cầu trên sông Drina được xây từ thế kỷ XVI, nối
liền Bosnie và Serbie, khi đó Nam Tư còn là thuộc địa của đế quốc Thổ Nhĩ Kỳ.
Viên tể tướng của đế quốc lại mang dòng máu Nam Tư, đã cho xây chiếc cầu bắc
ngang dòng sông ngăn cách đó. Máu và nước mắt, thù hận và nhẫn tâm. Biết bao biến
cố xảy ra chung quanh cây cầu trải dài suốt bốn trăm năm, từ chiến tranh, bệnh
dịch cho đến cái chết của một thiếu nữ lao mình xuống sông Drina vào ngày hôn lễ,
hay tâm tư của cô chủ quán già Lotika ê chề vì tình đời bạc bẽo. Rồi chiếc cầu
cũng đến ngày kết thúc số phận của nó khi Thế chiến thứ Nhất bùng nổ. Số phận của
chiếc cầu và thân phận của con người. Bốn trăm năm có là giấc mộng?
…
Tôi nhìn ra sân vườn, mưa vẫn rơi rả rích. Mưa rơi trên khóm trúc sát bên cửa sổ,
rơi từng giọt một, chẳng vội vàng gì. Vậy là 38 năm đã trôi qua, rồi câu chuyện
bốn trăm năm chiếc cầu trên sông Drina, và còn biết bao chuyện của một thời
chưa nói hết. Buồn!
Vũ Thế Thành , Đà Lạt 28-04-2013
[Hết trích]
Nguồn: Chuyện của một thời (https://vuthethanh.com/2017/08/19/chuyen-cua-mot-thoi/)