23 December 2023

TRONG MIỀN TUYẾT BĂNG CÔ ĐƠN GIÁ LẠNH - Trần Quí Phiệt

Trong một căn hộ nhỏ của Đại học Texas trước đêm Giáng sinh năm 1975 hai người bạn ngồi đối diện nhau. Họ ngồi yên trong bóng tối, không nói một lời nào, đắm chìm trong tư tưởng, hay quá sốc, quá buồn không thể nghĩ ngợi được gì. Tiên đoán thời tiết nói sẽ có cơn lạnh lớn đang tràn xuống miền nam và sẽ có tuyết tối nay hay vào lễ Giáng sinh ngày mai. Bên ngoài những bông tuyết bắt đầu rơi nhẹ trên mái của khu chung cư và trên những cành cây liễu trong khu xe đậu. Đó là Giáng sinh trắng đầu tiên ở Austin kể từ lúc họ đến học ở đây. Trong căn hộ rất lạnh vì hai người run lên mặc dù lò sưởi ga chạy không ngừng.

Giống như hầu hết các sinh viên miền Nam học ở đây với học bổng của chính phủ Mỹ, cơ hội trở về Việt Nam của tôi rất mong manh. Hoàn cảnh của Bình càng tệ hơn. Bình vừa mới được thư một người bạn nói Nhung, vợ của Bình thành hôn hai năm trước khi Bình sang đây với học bổng USAID đã sang Mỹ và hiện sống với một người đàn ông Mỹ tại Honolulu. Như vậy là người đàn bà Bình yêu thương nhất đang sống với một người đàn ông Mỹ! Tôi an ủi Bình bảo anh rằng hoàn cảnh của anh không phải duy nhất. Trong những ngày cuối cùng của tháng tư năm 1975 báo chí Saigon tràn ngập quảng cáo của giới phụ nữ trẻ giàu có muốn kết hôn với ngoại kiều với điều kiện được rời khỏi Việt Nam. Bình tiết lộ rằng Nhung dùng một thông hành giả để vào Mỹ với Jim, một nhân viên tòa đại sứ Mỹ và là bạn của Bình. Thay vì đi luôn đến Austin để sum họp với Bình, Nhung ở lại Honolulu với chồng mới là Jim. Bình không biết Nhung tự nguyện lấy Jim hay Jim ép buộc nàng. Hiện giờ đang sống ở Hoa Kỳ, cả Jim và Nhung phải biết rằng họ phạm luật nếu Nhung không ly dị với người chồng có hôn thú của nàng. Không có cách gì Bình có thể biết được chuyện gì đã xảy ra. Huy bạn của Bình, người thấy Jim và Nhung khi hai người mua sắm ở Little Saigon, nói Nhung trông vui vẻ và hạnh phúc.

Khi tôi đón Bình ở sân bay chàng nói lại chuyện ấy với tôi, mặt chàng đau khổ và xấu hổ. Tôi bảo Bình rằng Nhung phải sống và muốn thế nàng phải thích ứng với hoàn cảnh mới. Tôi không biết điều gì xảy đến cho các phụ nữ Saigon sau khi đăng quảng cáo trên báo, nhưng tôi tin rằng chính vì sợ cộng sản họ mới dùng đến biện pháp tuyệt vọng đó. Khi tìm cách đem Nhung ra khỏi Việt Nam, Bình không biết việc này có thể xảy ra cho nàng. Nhiều người Việt cả đàn ông và đàn bà sống ở quê nhà và hải ngoại không được chuẩn bị cho một tai biến với một cường độ khủng khiếp như sự sụp đổ của miền Nam. Thế giới của họ trở thành không những bi thảm mà còn vô nghĩa. Thật đau buồn và phi lý khi Phượng từ bỏ giấc mơ Mỹ trở về người chồng tàn bạo để đau khổ và sau cùng chết một cách bi đát khi nàng quá trẻ như thế. Cũng không sao hiểu được Bình phải chịu đựng một cuộc sống nhục nhã như là một trừng phạt cho cố gắng của chàng được sum họp với vợ chàng. Như đã nói trên, tôi là người tin vào quả báo của quốc gia đối với mọi người dân Việt vì những tội lỗi nặng nề nhưng không rõ nguồn gốc tổ tiên họ đã phạm trong tiền kiếp. Chúng tôi không thoát quả báo ấy được. Nó theo chúng tôi bất cứ chỗ nào chúng tôi đi, bất kỳ chỗ nào chúng tôi sống.
Trong bóng tối tôi nghe tiếng thở dài cố nén của Bình và tôi biết nó có nghĩa là gì. Đó không phải thất vọng, công phẫn, hay giận hờn chúng ta cảm thấy khi bị phản bội bởi người chúng ta yêu say đắm. Bây giờ không còn đáng như thế nữa. Không đáng nhớ một người đã chọn việc phản bội bạn. Đó là sự ân hận, buồn rầu, và đau khổ về một sự mất mát không thể tìm lại, cứu chữa, chấn chỉnh bao lâu bạn còn sống.

Chúng tôi tiếp tục ngồi yên trong bóng tối. Bên ngoài một ánh chớp lóe lên, đủ sáng để tôi thấy người đối thoại. Bình ngồi ngả người ra sau lưng ghế, hai tay khuỳnh trước ngực, hai mắt nhắm nghiền. Mặt chàng ướt đẫm mồ hôi, trông xanh xao và hằn lên nét đau khổ. Bình chắc phải suy nghĩ lung lắm, hay đang cố đè nén một tình cảm rất mạnh đang dâng lên trước khi chàng có thể cất lời. Bình phải nói, cũng như Phượng phải viết.

Giống như Bình, mãi cho đến khi tôi nhận được thư Kim tôi không biết chuyện gì xảy ra cho Phượng và gia đình nàng. Sau khi Phượng rời Mỹ mẹ nàng bị tai biến và được đưa sang California sống với người cháu gái. Chẳng mấy lâu sau bà Liêm bị mất trí (Kim nói thế mà tốt cho bà Liêm bởi vì bà đã hoàn toàn không nhớ Phượng nữa). Về phần Kim, nàng đã thôi học đại học và hiện làm việc trong một tiệm uốn tóc để nuôi mẹ. Điều xảy ra cho gia đình này quá sức hiểu biết của tôi. Khi họ mới tới Mỹ, mặc dù hơi choáng ngợp, họ phấn khởi và đầy hy vọng. Ba tháng sau, bất hạnh ào tới gia đình này, ào tới quá mạnh nên chỉ trong một năm gia đình hoàn toàn tan nát.

“Tôi tình cờ biết Phượng trở về chồng cô ấy khi tôi gọi Kim hỏi bài vở ở trường của Kim,” Bình trả lời. Giọng nói của Bình rõ ràng nhưng buồn rầu dường như nhớ đến Phượng làm Bình cảm thấy đau đớn. Bình muốn kể lại câu chuyện của Phượng bởi vì chàng có liên hệ với câu chuyện đó và kể lại câu chuyện làm chàng cảm thấy dễ chịu hơn. Bình bảo tôi chàng không biết Phượng có “cảm tình với tôi” (Bình cố tình tránh dùng câu “yêu’) cho đến khi theo yêu cầu của chàng Phượng để chàng đến thăm nàng hôm trước khi nàng rời Austin. Bình cũng không biết Phượng viết nhật ký. Sau khi lên máy bay Phượng bảo em nàng hủy nhật ký ấy, và khi lâm chung lại đổi ý. Bình bảo tôi rằng “Phượng là một cô gái đáng yêu,” khi chàng biết Phượng nhiều hơn. “Nhưng tôi luôn xem nàng như người em gái,” Bình nói.

Đã quá nửa đêm và mặc dù Bình đã kiệt sức vì phải đóng vai trò vừa là nhân vật vừa người kể chuyện, chàng vẫn tiếp tục nói không ngừng. Chưa bao giờ tôi thấy Bình cần được cảm thông, muốn tâm sự đến thế. Chàng nói không chờ tôi trả lời, hầu như không quan tâm sự góp ý của tôi, không biết đến sự có mặt của tôi. Trở nên hùng hồn hơn bao giờ nhưng thiếu thính giả lý tưởng, Bình dường như thôi thúc bởi một ý muốn mãnh liệt cần tham gia vào một cuộc thú tội không ngừng.

“Tôi cứ tưởng rằng Phượng trở về Souphavong bởi vì cô ấy đã tha thứ cho chồng và bởi vì khó cho một phụ nữ giáo dục trong nền văn hóa Pháp như cô phải sống ở Mỹ. Tôi không biết Phượng làm thế bởi vì tôi.” Bình tiếp tục nói bẳng một giọng nhỏ, run run dường như chàng nói với mình hay với một người vắng mặt đã mất rồi nhưng yêu dấu và quan trọng đối với chàng. Trong đêm tối lạnh lẽo giọng nói của Bình nhỏ, khi nghe khi không, luôn khó nghe, nhưng đều đều dường như không phải tiếng người, như đến từ một thế giới khác của người chết.

Trước khi dọn đi Arizona, Bình không tiết lộ gì với tôi về Phượng, không bảo tôi chàng ăn trưa với Phượng trước khi nàng rời Austin. “Anh biết không,” Bình vẫn nói bằng một giọng nhẹ, xa vắng, hầu như không nghe được. “Tôi xem cô ấy như em gái tôi. Tôi không thể phản bội Nhung. Nàng là vợ tôi. Tôi không muốn phạm tội. Trong cuốn nhật ký Phượng cũng nói không thể, không muốn vượt qua giới hạn ấy bởi vì cô ấy là người Công giáo và bởi vì cô kính trọng tôi, không có ý muốn đặt tôi vào tình trạng khó xử,” Bình ngừng kể. “Nhưng đó là tinh yêu,” tôi buột miệng. “Hy sinh cho người mình yêu là một cách biểu lộ tình yêu của mình đối với người ấy.” Không có câu trả lời. Tôi không mong đợi câu trả lời. Và Bình không cần trả lời vì Bình bây giờ đồng ý với tôi là vì muốn bảo vệ hạnh phúc và danh dự của người mình yêu Phượng trở về hỏa ngục nàng đã trốn chạy, tiếp tục sống trong cô đơn, tối tăm và tủi nhục cho đến chết, không để cho người yêu của mình hay biết. 

Bình yên lặng hồi lâu trước khi nói trở lại. Trong đêm khuya yên lặng và tối tăm sự chờ đợi của tôi dường như kéo dài không bao giờ dứt. Bình dường như vẫn còn xúc động mạnh vì truyện kể của chàng. Điều Phượng viết trong nhật ký là hiện thân của máu và nước mắt, báo hiệu kết cục bi thảm của nàng, và Bình cảm thấy phải kể câu chuyện ấy sau khi đọc tập nhật ký của nàng. “Phượng không nói gì với tôi về chuyện cô ấy đi Pháp. Không một lời nào,” Bình nói. “Phượng không bao giờ làm thế đối với tôi.” Giọng nói của Bình có vẻ vừa buồn rầu vừa oán trách. “Phượng cũng hoàn toàn dấu tôi chuyện này,” tôi đồng ý với Bình. “Khi tôi đến gặp mẹ của Phượng, bà chỉ nói cho tôi biết Phượng nhận được thư của Souphavong. Có lẽ bà Liêm và Kim không biết Phượng quyết định về lại Souphavong.” “Phải đấy,” Bình nói. “Tôi cũng chỉ biết khi tôi gọi Kim hỏi chuyện học hành của cô bé. Tôi chỉ biết chuyện Phượng đi hai ngày trước khi cô ấy khởi hành. Tin cô ấy đi làm tôi sốc và ngạc nhiên. Tại sao Phượng làm thế khi mới ở đây chưa lâu và mọi thứ đều tốt đẹp cho cô ấy? Phượng có một việc làm tốt, dường như được hạnh phúc ở đây, và gia đình cần Phượng. Vì vậy, tôi đi gặp Phượng và bà Liêm ngay.” 

Bình ngừng kể, đoạn bỗng nhiên cao giọng, nói nhanh dường như vẫn còn khổ tâm hay giận hờn khi nhớ lại chuyện xảy ra. “Anh biết tôi thấy cái gì không? Dường như bà Liêm vừa mới khóc. Kim ngồi trước mặt mẹ, đầu cúi xuống và im lặng thay vì học bài hay làm bài tập trong phòng như thường lệ. Tôi không thấy Phượng. Bà Liêm buồn bã chào tôi, bảo tôi Phượng đi Pháp vài hôm nữa. Bà nói Phượng đi mua sắm mấy thứ cần thiết cho chuyến đi. ‘Em nó sang Pháp ở với chồng nó,’ giọng bà Liêm nghẹn lại dường như bà đang cố kìm hãm cơn cảm xúc. Rồi bà ngừng nói. Tôi sửng sốt và bối rối, không biết nói gì với bà Liêm. Tôi ngồi xuống ghế, không nói nên lời, cũng không hỏi bà sau khi Phượng đi rồi bà và Kim sẽ đi đâu. 

Độ mười phút sau, có tiếng cửa mở và Phượng trở về. Tim tôi đập mạnh với những tình cảm mâu thuẫn—bối rối, thương xót, buồn rầu, một cảm giác nặng nề về một sự mất mát, và cả giận hờn nữa. Phượng trông ngạc nhiên khi thấy tôi, nhưng liền sau đó trong đôi mắt thoáng vẻ buồn rầu, trách móc cho đến bây giờ tôi vẫn còn nhớ. Phượng cũng trông mệt mỏi, hốc hác. Nhưng rất nhanh nàng giữ lại vẻ vui mừng thường lệ khi thấy tôi. ‘Hi anh,’ nàng chào tôi bằng tiếng Anh. Rôi chuyển sang tiếng Việt Phượng nói một hơi, bằng một giọng tự nhiên. ‘Tuần tới em sang Pháp sống với chồng em.’ (Nàng nói nhanh nhưng chậm lại dường như nhấn mạnh ba bốn chữ sau cùng của câu nói để cho tôi chú ý đến tình trạng hôn nhân của nàng. Giọng Bắc của Phượng thường êm ái, dễ nghe nhưng hôm nay nghe quá lạnh lẽo, hững hờ, nặng nề khiến tôi cảm thấy sốc.) 

Sau đó thay vì chờ phản ứng của tôi, Phượng quay sang mẹ nàng nói huyên thuyên không ngừng những chuyện đâu đâu không liên quan về chuyến đi của nàng, hình như cố ý tảng lờ tôi. Thái độ của Phượng khiến tôi kinh ngạc. Hình như nàng muốn dấu tôi điều gì. Có phải vì tôi là người ngoài không quan trọng đối vời nàng và gia đình nàng và do đó không đáng cho nàng tiết lộ bí mật của nàng, không có quyền được biết việc nàng đang làm? Nhưng tại sao khi thấy tôi Phượng nhìn tôi với cặp mắt buồn bã và oán trách ấy? Tôi cảm thấy bị chạm tự ái bởi cách nàng đối xử tôi nhưng cùng trong một lúc kinh hoảng bởi hành động liều lĩnh nàng đang làm. Không phải anh bảo tôi rằng bà Liêm nói Souphavong có viết thư bắt buộc Phượng trở về với hắn? Tôi rất lo đến sự an nguy của Phượng bởi vì sự tàn bạo của Souphavong thời gian nàng ở Vientiane. Trông không giống như tính của Phượng chút nào. Tuy dịu dàng và vui vẻ, Phượng có thể chống đối mạnh mẽ nếu nàng bị áp bức. Tôi nhớ khi làm việc tại quán bar nói tiếng Pháp nàng cãi với người quản lý và sau đó bỏ việc bởi vì nàng cảm thấy bị kỳ thị. Bởi vì Souphavong tính tình hung bạo, Phượng có thể nhờ luật sư can thiệp chấm dứt hôn ước với hắn. Tại sao nàng chịu khuất phục mệnh lệnh của một tên là nguồn gốc sự đau khổ và tự hành hạ bản thân của nàng như thế? Làm thế nào Phượng không sợ hậu quả hành động liều lĩnh của nàng mà nàng và mọi người trong gia đình nàng ai cũng biết? Có phải nàng tự ý hành động, theo ý muốn của nàng hay có thúc đẩy, ép buộc mạnh mẽ nào đến độ nàng chống lại không nỗi?

Bình ngừng nói một lát. Chưa bao giờ tôi thấy chàng nói hùng hồn, mạch lạc, nhưng bị kích thích mạnh mẽ đến thế. Phượng chết rồi nhưng chàng còn quan tâm đến nàng, đến sự việc xảy ra cho nàng, dường như nàng có thể còn sống nếu sự việc được giải quyết thuận lợi cho nàng. Tôi cảm thấy như bị lôi cuốn vào chuyện của Phượng và Bình do chính Bình tạo dựng lại như là một nhân vật chính và người kể chuyện, đến độ tôi tự nhiên buột miệng góp phần bổ túc mặc dù không được mời gọi. “Sự thôi thúc, ép buộc đến từ tình yêu Phượng tìm thấy trên miền đất này nhưng sau đó phải chạy trốn tình yêu đó,” tôi buột miệng nói, theo giòng suy nghĩ diễn ra trong tâm tư, không cố ý trực tiếp trả lời câu hỏi của chàng, nhưng rõ ràng muốn nói thay cho Phượng và góp phần vào câu chuyện bi thảm về mối tình của nàng, suy nghĩ  nàng ra đi vì bạn. Phượng viết như thế trong nhật ký. Đó là mối tình đầu của nàng. Cuộc hôn nhân của nàng với Souphavong chỉ là một sự trao đổi. Phượng tìm được tình yêu ở đây lần đầu và cũng là lần cuối, nhưng để rồi phải trốn chạy tình yêu đó. Nhưng chúng ta không thể trốn chạy tình yêu được vì đó là nghiệp lực của mình. Nó theo ta cho đến chết, đòi hỏi được người sống thừa nhận và hiểu biết, nếu không họ (người chết) không được yên ổn”. Đó là lý do tại sao trong nhật ký Phượng viết rằng nàng xem nhân vật Dido của Virgil như người chị linh hồn. Trong cơn cảm xúc nàng cảm thấy được an ủi bởi nhân vật văn chương không có thật này trong hành trình đơn độc đến cõi chết. Cả hai chị em đều chung thủy với tình yêu cho đến hơi thở cuối cùng và muốn được thừa nhận như thế sau khi chết.”

Bình không trả lời suy nghĩ của tôi. Có lẽ đối với chàng không còn ý nghĩa gì nữa bởi vì tất cả đều là những lời rỗng tuếch. Có lẽ Bình đắm mình vào giòng tư tưởng và hoài niệm nên không nghe tôi nói. Hay có lẽ chàng chỉ muốn kể câu chuyện, bởi vì cắt nghĩa hay lý luận điều không thể sửa đổi, cứu chữa, hay phục hồi, hay bởi vì kể chuyện, nghĩa là nói về quá khứ, là một cách sám hối và ý hướng muốn đền tội. Tôi cảm thấy thật ngu ngốc khi lý luận với chàng. Bây giờ bàn bạc suy ngẫm về chuyện không cứu chữa được nữa là điều không thích hợp và vô ích. Chỉ có kể chuyện là có thể làm Bình cảm thấy dễ chịu vì đó là một hình thức thú tội. Do đó, sau khi ngừng kể trong chốc lát giọng Bình nghe đều đều trở lại, “Tôi từ giã bà Liêm và Phượng đêm hôm đó với lòng nặng trĩu và với những tình cảm trái ngược lẫn lộn. Tôi giận Phượng. Nếu Kim không nói, có lẽ tôi không biết chuyện Phượng ra đi. Tại sao nàng đối xử tôi như một người ngoài trong lúc có lần nàng thề với tôi ngoài gia đình nàng tôi là người nàng tin tưởng và sẽ hỏi ý kiến trong bất cứ vấn đề gì. Nhưng tôi có thể làm gì nếu nàng hỏi ý kiến tôi? Tôi xấu hổ, cảm thấy tội lỗi nữa rằng tôi không thể làm gì để Phượng và mẹ nàng cảm thấy dễ chịu hơn. 

Đêm hôm ấy và những ngày kế tiếp sau khi Phượng ra đi, tôi vẫn còn cảm thấy đau lòng và bị ám ảnh bởi nét u buồn và cái nhìn trách móc trên mặt nàng. Tôi không biết ý nghĩa của cái nhìn ấy cho đến khi tôi gặp nàng một ngày trước khi nàng ra đi, nhưng tôi mơ hồ cảm thấy chuyện nàng ra đi có liên quan đến tôi. Phải, tôi cảm thấy rằng nàng đi bởi vì tôi. Nhưng tôi không thể làm gì để có thể giữ nàng lại. Tuy Phượng rất can đảm và thông minh, nhưng ta không thể tin rằng một cô gái hai mươi tuổi lúc nào cũng khôn ngoan! Thật khó mà tin rằng mới năm ngoái nàng đang ở tuổi xuân tràn ngập sức sống mà bây giờ đã ra người thiên cổ. Thật quá bi thảm! Quá khủng khiếp!”

Bình lại ngừng kể. Rõ ràng cái chết của Phượng làm xúc động và đau lòng chàng, làm chàng cảm thấy tội lỗi khi biết rằng mọi sự Phượng làm là vì chàng. Tôi không thấy mặt chàng trong bòng tối, nhưng tôi nghĩ chàng phải đau đớn lắm khi kể chuyện về Phượng. 

Trong đêm tối yên lặng tôi nghe Bình nén tiếng thở dài. “Tôi mời Phượng ăn trưa với tôi trước khi nàng đi,” Bình nói tiếp. “Lúc đầu nàng từ chối, nhưng khi tôi nài nỉ rằng tôi muốn gặp nàng lần cuối nàng mềm lòng chấp thuận. Tôi luôn muốn có một vài lúc riêng tư với nàng để chúng tôi có thể noi chuyện với nhau như hai người bạn thân, hay như ‘hai anh em,’ như anh nói theo kiểu Việt Nam mình. Nhưng tôi đã kềm giữ ý muốn đó bởi vì tôi sợ một cuộc gặp gỡ thân mật như vậy sẽ tạo ra những hậu quả đáng tiếc. Bởi vì Phượng đi vĩnh viễn, tôi nghĩ gặp nàng lần cuối cũng không hề gì. Tôi muốn dùng cơ hội đầu tiên và sau cùng này nói với Phượng tôi luôn muốn nàng hạnh phúc và tôi sẽ nhớ nàng nhiều. 

“Sau khi ăn trưa chúng tôi đi đến một công viên gần đó để nói chuyện. Phượng bảo tôi rằng nàng sẽ sắp xếp cho mẹ nàng sang Pháp sống với nàng, Kim sẽ sang California ở với người chị họ sau khi niên học chấm dứt. Phượng bảo Kim có thể tự lo cho bản thân ở đây nhưng cầu xin tôi để ý đến cô em gái của nàng dùm nàng. Phượng đề nghị thay mặt tôi chuyển thư và tiền về ‘vợ anh’ (tôi không biết làm cách nào nàng có thông tin về tình trạng gia đình của tôi và quá sửng sốt, quá xấu hổ nên không cải chính nàng), nếu có tôi yêu cầu, đổi lại chuyện tôi giúp gia đình nàng. Tôi bị sốc bởi sự thẳng thừng của nàng tôi nhận thấy rất Mỹ. Tánh Phượng không như thế. Đó không phải là Phượng với tính tình dịu dàng, tế nhị mà tôi thường biết. Có lẽ nàng giận tôi hay có chuyện gì đó và muốn ‘nói chuyện làm ăn’ với tôi. Bỗng nhiên Phượng nói huyên thiên—nói hết một mình, không cho tôi chen vào, bằng cách kể tôi nghe những gì nàng sẽ làm cho gia đình nàng, hỏi tôi nhiều câu hỏi về chuyện trường và sở làm, tin tức của Nhung, tôi có dự định gì về tương lai không, vân vân. Từ đầu đến cuối trông không giống con người Phượng lúc nào cũng dè dặt và hay e thẹn. Nhưng có lẽ bởi vì thấy vẻ mặt đau khổ của tôi khi nàng hỏi tôi những câu hỏi liên tục, Phượng mếu máo và nắm chặt cả hai tay tôi, nước mắt trào ra. Bỗng nhiên tôi hiểu tại sao nàng nhìn tôi với đôi mắt buồn thảm và trách móc khi tôi đến thăm nàng hôm trước. Chúng tôi nắm tay nhau một lúc và tôi cảm thấy rằng nếu tôi tiến thêm bước nữa tôi không biết việc gì sê xảy ra.”

Giọng Bình ngừng hẳn. Trong căn phòng tối mịt thiếu không khí tôi nghe tiếng chàng thở mạnh.  Chàng kiệt sức vì câu chuyện chàng kể quá liên quan nhiều thứ--những nhớ nhung, buồn rầu, hối hận và tiếc nuối. Chưa bao giờ tôi thấy Bình nồng nhiệt, thành thật, đau khổ đến thế. Có thật Bình yêu Phượng đến thế chăng? Tại sao chàng không “tiến thêm bước nữa” vào ngày hôm đó khi cả hai người gặp nhau lần cuối cùng khi Bình được tự  do sau khi Nhung, vợ cũ của chàng, đã chính thức bỏ chàng ngay sau khi Nhung đến Mỹ? Bình là người có học thức nhưng nhút nhát, không biết cách làm quen với người lạ, làm sao có thể giao du tâm sự với một phụ nữ được? Nhưng với tư cách là một người biết Bình nhiều, tôi nghĩ rằng việc Bình sợ không dám gắn bó với Phượng có liên quan đến nền văn hóa cũng như đức tin của chàng. 

Từ đầu cuộc gặp gỡ cho đến ba tháng giúp đỡ nàng và gia đình nàng, cho đến cuộc gặp mặt xúc động đầu tiên và cuối cùng trước cuộc ra đi định mệnh của Phượng nàng luôn luôn là biểu tượng của một người em gái đối với chàng. Biết rằng chàng là một người Công giáo thuần thành và có ý nghĩ muốn đi tu sau khi tốt nghiệp Tú tài, tôi không nghĩ rằng chàng để cho mối liên hệ với nàng bị hoen ố bởi những ý muốn thấp hèn của dục vọng. Mặc dù trong cuộc gặp gỡ cuối cùng với Phượng, Bình biết Nhung đã ra khỏi đời chàng, chàng cũng không muốn phạm tội không phải vì chàng còn yêu Nhung nhưng vì chàng kính trọng Phượng và chàng sợ Chúa. Chàng sợ Chúa, nhưng chàng sợ đôi mắt buồn rầu của Phượng nhiều hơn nữa. Tôi biết vì sao Bình rời Austin liền sau đó, có vẻ vội vã, sau khi Phượng ra đi. Tôi nghĩ chàng làm thế vì chàng không sao chịu đựng nổi đôi mắt buồn bã của Phượng, nhưng càng cố trốn chạy chừng nào đôi mắt ấy càng ám ảnh chàng, đến nỗi chàng phải quay về nơi nguồn gốc của thảm kịch để tìm lại và nhìn thẳng vào đôi mắt ấy. Bởi vì đó là kỷ niệm của yêu thương, chúng ta phải ôm ấp lấy, không thể chạy trốn khỏi nó được. Đêm nay không những Bình đã tìm được hoài niệm yêu thương của Phượng mà còn hiểu biết và chấp nhận tình yêu của nàng. Việc này còn quá hơn điều Phượng có thể mong ước khi nàng còn sống.

Câu chuyện của Phượng không phải về một trường hợp đặc biệt của tình yêu vô vọng. Nó có một ý nghĩa toàn diện. Trong chiến tranh với sự can thiệp ào ạt của Mỹ và quân đội ngoại quốc nhiều phụ nữ trẻ như Phượng bị bắt buộc bán mình để cứu gia đình. Nhũng phụ nữ khác can đảm nhận trách nhiệm nuôi dưỡng con thơ sau khi chồng của họ hy sinh ngoài trận tiền trong thời kỳ chiến tranh hay bị giam hãm trong các trại cải tạo sau khi miền Bắc xâm chiếm miền Nam. Lại còn có nhiều phụ nữ bị hãm hiếp và làm nhục bởi bọn cướp biển hay bỏ mình trên biển cả khi theo gia đình  trốn cộng sản sau năm 1975. Những phụ nữ này phải được tưởng nhớ, những câu chuyện của họ phải được kể, linh hồn của họ phải được yên nghỉ. Và không những các nạn nhân này xứng đáng sự tưởng niệm của chúng ta, chúng ta còn phải dự phần vào việc kể lại chuyện của tất cả những người chết chúng ta quen hay không quen, nói họ chết như thế nào cho chúng ta và vì chúng ta. Kể chuyện, hay như trong trường hợp của tôi, viết về người chết là cứu rỗi quá khứ bi đát của chúng ta và cũng là cứu rỗi mình bởi vì người chết thuộc về quá khứ chúng ta nhớ thương và biết ơn biết bao.

Căn phòng im lặng hoàn toàn ngoại trừ tiếng kêu liên tục của chiếc lò sưởi. Đêm thật dài. Những vệt sáng yếu ớt của hừng đông xuyên qua khe cửa sổ. Căn phòng lạnh lẽo nhưng khó thở nên tôi mở hé cửa sổ để đem vào ít không khí. Dự đoán thời tiết nói lần đầu tiên sẽ có tuyết nhiều vào ngày lể Giáng sinh. Những bông tuyết rơi nhanh và mạnh khắp nơi—những mái nhà, bãi đậu xe, ngọn liễu rủ⸻và bên kia những dãy đồi uốn lượn. Tội nghiệp Phượng, nàng không còn có thể về nhà mà phải nằm trong miền băng giá xa xôi nơi không có ai quan tâm đến viếng mộ nàng và thắp một nén hương tưởng nhớ nàng. Phượng là một cô gái nhiệt tình, dễ mến, rất yêu đời nhưng bây giờ số kiếp phải nằm trong yên lặng và cô đơn thiên thu. 

Có tiếng chiêm chiếp yếu ớt của những con chim sẻ từ những bụi cây trước căn phòng của tôi. Trời còn quá tối chưa kiếm ăn được nên chúng kêu yếu ớt và tội nghiệp mãi như thế. Christmas ở Mỹ quá yên ắng và buồn bã so với Noël ở Việt Nam trước khi có thay đổi chế độ. Quá yên ắng và buồn bã nên tôi càng cảm thấy cô đơn và đau khổ khi nghĩ đến gia đình tôi ở nhà đang nhớ tôi, đang nhắc đến tôi vào giờ này. Nhưng tôi may mắn hơn Bình. Tôi có gia đình ở nhà. Bình không có ai hết. Chàng có một người thương yêu và quan tâm đến chàng nhưng nay đã chết rồi. Trời còn tối nên tôi vặn đèn lên. Bình trông xanh xao, kiệt sức nhưng trên khuôn mặt lộ một vẻ cương quyết, nghiêm nghị, khắc khổ làm tôi hoảng sợ. Chàng thức trắng đêm tối hôm qua.  Chàng muốn kể câu chuyện một lần cho xong bởi vì tôi biết rằng chàng sẽ không còn cơ hội kể lại câu chuyện ấy lần nữa. Câu chuyện dài trong đó chàng đóng vai trò vừa là người kể chuyện vừa là nhân vật một cách say sưa, trung thành và không thể kềm chế được chắc đã làm chàng kiệt sức. Bằng cách kể hết câu chuyện của Phượng và đền tội như vậy, Bình đã chuộc tội không những cho người yêu trung thành của chàng mà còn cho chàng nữa. Tôi rất vui mừng được biết rằng sự trở về của chàng tưởng sẽ đem lại cho chàng đau buồn và hối tiếc đã có kết quả vô cùng tốt đẹp.

Những hồi chuông vang lên từ nhà thờ Thánh Tâm của giáo dân Việt Nam ở thành phố Austin báo hiệu thánh lễ Giáng sinh buổi sáng. Bình đưa tay làm dấu thánh giá. Thức trắng đêm làm Bình kiệt sức, nhưng cái nhìn khắc khổ dễ sợ trên mặt chàng đã không còn nữa. Mắt chàng lóe lên một ánh vui mừng. Đã đi hết Đoạn đường đau khổ qua đau thương, hối hận và sám hối, chàng đang vững bước trên con đường đi tìm cứu rỗi cho linh hồn đau khổ của chàng.

Bình khẩn thiết xin tôi đưa chàng đến nhà thờ dự thánh lể buổi sáng. Chàng đã không dự thánh lễ tối qua và không muốn bỏ qua lần nữa cơ hội đã đem chàng và người bạn yêu dấu lại với nhau trong một thời gian ngắn ngũi hơn một năm trước.

Chưa bao giờ tôi thấy Bình cầu nguyện một cách thành khẩn như vậy. Chàng dường như cầu nguyện với tất cả con tim và linh hồn của chàng. Tôi biết chàng làm thế không những cho người đàn bà chàng yêu mà còn cho chàng nữa. Khuôn mặt chàng hồng lên với một ý chí mạnh mẽ và có mục đích và tôi nghĩ chàng sẽ làm một cái gì rất quan trọng đối với chàng, một cái gì liên quan đến tiếng gọi chàng bảo tôi chàng đã nghe một lần khi còn là một học sinh ban Tú Tài trường Taberd, một trường trung học thuộc dòng Chúa Cứu thế ở Saigon. Mắc dù tôi cố mời chàng ở lại thêm vài ngày nữa, chàng đáp máy bay trở lại Arizona chiều hôm ấy.

Trần Quí Phiệt. 

*Trích dịch từ “In the Lonely Icy Cold Region” trong Hồi ký Đi tìm thời gian đã mất.