20 February 2025

THƠ DZẠ LỮ KIỀU RẤT THỰC, RẤT ĐỜI VÀ CŨNG RẤT NGỌT NGÀO LÃNG MẠN - Hoàng Thị Bích Hà

Hè năm nay, nhà thơ Dzạ Lữ Kiều tặng tôi một số tập thơ đã xuất bản và những tập thơ chỉ in để dành tặng bạn bè và bạn đọc tri âm. Rất vui khi được gửi tặng những tác phẩm- “đứa con tinh thần” của tác giả. Tôi tiếp cận thơ cũng như đi vào “thế giới chữ nghĩa” của ông, lần theo những cảm xúc của tác giả để tìm hiểu về một hồn thơ đậm chất đời và chất hào sảng, phong sương của lính.

Khi ông có thơ đăng trên báo chí thì tôi còn oe oe khóc trong nôi. Có lẽ cùng thời với Dzạ Lữ Kiều đã có một số  cây viết đồng hành cùng với những vui buồn trong đời thơ ông. Tôi chỉ ghi lại những những nhận định của mình theo góc nhìn của một người thưởng thức văn chương thuần túy trong giới cầm bút, cũng là tấm lòng của độc giả đối với tác giả. Trân trọng những lao động nghệ thuật đáng quý cảu tác giả. Bởi người viết cũng như người thư ký của thời đại, thông qua tiếng lòng của họ, ít nhiều người đọc sẽ hiểu được những vui buồn của phận người gắn với những vui buồn nhân thế, của thời đại mà họ đã sống và trải nghiệm.

Nhà thơ Dzạ Lữ Kiều tên thật là Trần Xuân Thái: sinh năm Quý Mùi tại Hương Trà, Thừa Thiên Huế. Ông học hành và trưởng thành tại Huế và bước vào văn giới cùng thời gian anh bước vào đời lính. Tuổi trẻ của người thơ như bao thanh niên cùng thời cũng lên thác xuống ghềnh, hành quân, áo trận…sau 1975, ông rời quân ngũ và đi vùng kinh mới, những bộn bề cơm áo với những khó khăn chung của đất nước thời kỳ hậu chiến. Những trải nghiệm đó là chất liệu làm nên thi ca đẫm chất đời và chất lính của Dzạ Lữ Kiều.

Hiện tại Dzạ Lữ Kiều sống và viết tại Buôn Mê Thuột, gia đình êm ấm với người vợ hiền chung thủy và những đứa con ngoan.

Những sáng tác trước 1975: Thơ đăng các báo: Văn, Thời Nay, Chọn Lọc, Thứ Tư Tuần San, Thẩm Mỹ, Chánh Đạo, Tia Sáng,… bằng những bút danh khác như: Dzạ Trầm Thảo, Hương Văn.

Sau 1975: Tiếp tục cộng tác với các báo trung ương và địa phương:

Các tác phẩm đã xuất bản:

Giọt Huế mưa ( 2007), Giọt mắt đắng (2009), Giọt sương khuya (2012), Giọt nắng phai (2015), Giọt tình quê (2019)

- Thơ, truyện ngắn in riêng dành tặng người thân và bạn đọc tri âm:

Lời gió chướng, 2022, Tạ từ phượng vỹ, Tuyển tập thơ: Những bước chân thầm, Tập truyện ngắn: Bến đời.

Góp mặt trong nhiều tác phẩm với các tác giả thơ Việt Nam đương đại, có nhiều bài thơ đã phổ nhạc. Tôi đã được đọc trên bốn trăm bài thơ của ông trong các tập thơ nói trên. Cho thấy tiếng lòng của thi nhân với cuộc đời, với tình yêu. Đó là những dòng cảm xúc từ đáy lòng thông qua câu chữ để thi nhân gửi gắm nỗi niềm được diễn đạt bằng ngôn từ bình dị mang âm hưởng xứ Huế, mang sắc thái tình cảm. Những vần thơ tha thiết chân thành. Ngọt ngào, lãng mạn trong tình yêu, đầy tình nghĩa với người thân, bạn hữu. Khắc khoải ưu tư với nỗi buồn nhân thế và cũng nhiều chiêm nghiệm được thể hiện bằng nhiều thể loại thơ như: lục bát truyền thống, thơ tự do, thơ ngũ ngôn, lục ngôn, thất ngôn, thể loại thơ văn xuôi… Ở thể thơ nào ông cũng tỏ ra đầy kinh nghiệm. Bằng bút pháp hiện thực và lãng mạn. Hầu hết các sáng tác của Dzạ Lữ Kiều được bắt nguồn từ cảm hứng trữ tình, đôi khi có cả cảm hứng tự sự, khi tách bạch, khi đan xen thật hài hòa cân đối khiến thơ ông neo lại trong lòng bạn đọc với những ấn tượng đẹp. Hồn thơ Dzạ Lữ Kiều mang nét hào sảng của người lính yêu hòa bình:

“Nước non nặng gánh thề chung/ Ra đi thỏa chí tang bồng trời mây”

(Giọt Huế mưa- Lời gió chướng)

“Quê hương ơi! /Nước mắt tuôn/ Bao năm rong ruổi con đường nghẹn đau”

(Giấc mơ trưa hè- Lời gió chướng)

Khắc họa thành công chân dung người lính dãi dầu phong sương là thế, mà vẫn lãng mạn và ngọt ngào. Bộc lộ qua những vần thơ sau:

“Đâu rồi áo trận đã sờn vai/ Giày lính còn lấm bụi đường dài/Mơ về phố thị cùng chung bước/Giọt cà phê, hương ngát bay”(Cà phê nhớ- Giọt nắng phai)

Ý thơ trên đưa tôi liên tưởng đến câu thơ của Quang Dũng: “Đêm mơ Hà Nội dáng kiều thơm”

Chất lãng mạn làm nên vẻ đẹp trong thơ tình của lính:

“Môi em như nụ hồng hàm tiếu/ Để hồn tôi ngơ ngẩn suốt canh thâu” (Chia tay- Giọt nắng phai)

-“Chỉ là ánh mắt em thôi/Sao tim ta đã chơi vơi đỉnh sầu/ Huống em tặng nụ hôn đầu/Ta trả mấy kiếp thêm nhàu trái tim.

Những tháng ngày trong quân ngũ, tình chiến hữu gắn bó thật đẹp, bên câu chuyện tâm tình là những kỷ niệm khắc sâu vào tâm khảm của nhà thơ- người lính.

“Thôi bỏ hết những ngày vui chưa lớn/ Mai đứa về đồng lúa ngọt miền Nam/ Đứa ra Trung xứ cằn khô sỏi đá/ Để lên non nhận kiếp trâu cày/Hãy ngồi sát nhau hút thêm điếu thuốc/Tàn canh rồi ly rượu mãi chưa vơi”.

(Chuyện quân trường- Lời gió chướng)

Những năm tháng sau này, khi có dịp gặp lại những chiến hữu khi ngồi bên nhau, kỷ niệm lại ùa về. Ông trải lòng vào thơ một thời khói lửa, áo trận, hành quân gắn với đời lính gian truân mà cũng đầy bi tráng:

“Bạn bè nhắc lại chuyện thuở xưa/Rừng già đêm lạnh khúc giao mùa/Ba lô súng đạn trăng chếch bóng/Xào xạc rừng già lá vàng khô”

(Cà phê nhớ- Giọt nắng phai)

Khi đã dấn thân vào quân trường không biết ngày về, đành chấp nhận bỏ lại quê hương, người thương và đối diện với biệt ly.

“Người khoác lên mình màu chiến y/ Bỏ lại quê hương nuối tiếc gì/ Quân hành tám hướng người rong ruổi/Tìm thú yên hà- Tống biệt ly”(Chung thủy- Lời gió chướng)

Tôi chợt liên tưởng đến hình ảnh “Người ra đi đầu không ngoảnh lại” của nhà thơ Nguyễn Đình Thi.

Thi nhân- người lính ý thức được rằng đời lãng tử nay đây mai đó thì khó lòng giữ vẹn câu thề với tình riêng. Lấy vần thơ là điểm tựa, là cứu cánh khỏa lấp nỗi vui buồn. Hãy đến với những câu thơ buồn nhưng lãng mạn của Dzạ Lữ Kiều.

“Đời lãng tử mấy khi tròn ước nguyện/Khúc trăm năm cũng dang dở huống là

Thôi hãy dệt vần thơ chưa trọn/Để trong tim vọng nhớ- tình- xuân- xa” (Chia tay- Giọt nắng phai)

Tàn cuộc chiến, ông trở lại với cuộc sống với những vất vả đời thường, bộn bề cơm áo. Nhà thơ có những câu thơ chiêm nghiệm đầy ưu tư trước thành bại của cuộc đời:

“Đời ta áo trận sờn vai/Giày lính bung gót làm người đốt than/Lục bình ta trôi bơ vơ/Nghiệm đời dâu bể bên bờ đục trong”(Về một bút hiệu- Giọt nắng phai)

Anh nói với cháu nội hay nói với chính mình:

“Đời ông kẻ sĩ lỡ thời/Lên rừng đốn củi trắng lời ước mơ(Đêm mất ngủ- Giọt nắng phai)

-"Bao năm…Thành phế binh đời/ Về đây…chốn cũ ta ngồi đếm mưa”

(Mưa phùn và nỗi nhớ- Giọt nắng phai)

Người thơ biết rõ mình là ai, mình làm được gì cho đời bằng những câu thơ gan ruột:

“Ta không rủng rẻng bạc tiền/ Chỉ giàu lời dệt cõi riêng tình người”

(Tình thơ- Giọt tình quê)

Vậy cũng là quý! Tiền bạc đôi khi chỉ là phương tiện của cuộc sống chứ không phải là tất cả. Có thể có đó và hết đó nên cũng là phù du. Sự giàu có về tâm hồn là điều quý giá hơn, để cuộc sống tinh thần thêm phong phú. Những câu thơ tả thực khi nhớ về những cơ cực của người thơ sau cuộc chiến, những tháng ngày tha hương.

“Từ ngày rời bỏ quê hương/Về kinh tế mới - phượng hồng lỡ quên/ Chồng vợ đen đúa gầy gò/Đốt than cưa củi…từng giờ gạo đong”(Ru đời-vọoc đất)

Hai câu thơ: “Nỗi đời cay cực đang giơ vuốt/ cơm áo không đùa với khách thơ” (Xuân Diệu) quả rất đúng cho hoàn cảnh người thơ lúc này. Nhưng khi nghĩ về cố xứ ông vẫn thầm nguyện cầu cho Huế được bình yên nhất là khi mưa bão lại về.

“Ta người xa xứ đã bao năm/Nhớ hoài trong những chuyến về thăm/ Nỗi lòng theo cánh chim mùa bão/ Trời yên, biển lặng…nguyện trong tâm”(Tháng tám bão về- Lời gió chướng)

Tết đến xuân về, nơi xa nhà thơ lại càng nhớ da diết:

“Nhặt giùm tôi chút nắng gầy/Bên thềm xuân Huế bao ngày cách xa/Gói thêm vài hạt mưa sa/ Để thấm hương vị quê nhà nhớ quên”

(Tết- Giọt sương khuya)

Dzạ Lữ Kiều xê dịch nhiều, nên những vùng đất nào ông có dịp đặt chân tới đều để lại dấu ấn trong thơ. Những địa danh Sài Gòn và miền Tây Nam Bộ: Rạch Giá, Sa Đéc, Đồng Tháp, Hà Tiên đều được nhắc đến trong bài thơ dọc đường gió bụi, tập thơ Giọt nắng phai.

Tổng kết lại đời mình ông có nhận xét dí dỏm nhưng rất đúng: lãng tử, ngọt ngào, lãng mạn để làm thơ.

- “Tôi lãng tử/ thích ngọt ngào/Câu thơ viết tặng ngày đầu mới quen”(Ví dụ ta quen nhau)

Đã gần hai mươi lăm năm năm nay, anh đã đang làm việc cho tập san Vô Ưu, tiếp cận với văn hóa Phật giáo nên chất thiền ngấm và hồn thơ ông rất rõ nét:

“Đời là một chuỗi vô thường/Có không…không có con đường trải qua(Hướng tu-Lời gió chướng)

Thơ Dzạ Lữ Kiều được viết ra bởi cảm xúc rất thực, tự nhiên bật ra câu chữ nên cách dùng từ gần gũi với đời thường. Ngôn từ dung dị cũng chân chất giản dị như chính con người của tác giả. Ông sử dụng phương ngữ, có những từ dân dã mà có lẽ miền Trung mới hiểu như “đùm” “Vọoc bùn”. Có lẽ vì vậy mà thơ Dzạ Lữ Kiều bên cạnh những bài thơ hay, câu thơ hay còn có những bài, những câu thơ chưa thực sự ấn tượng. Tuy nhiên nếu đọc kỹ vẫn tìm thấy những điều thú vị. Và trong số lượng sáng tác phong phú đó người đọc dễ dàng tìm thấy khá nhiều câu thơ tâm đắc mỗi khi mình có cùng tâm trạng. Điều đáng quý là nhìn chung tất cả những sáng tác của ông đều được viết ra từ cảm xúc tự nhiên . Thơ Dzạ Lữ Kiều phản ánh cuộc sống, là những trang viết về cuộc đời về nhân tình thế thái rất chân thực, đầy tính nhân văn. Trong ba yếu tố cảm xúc, ngôn ngữ và phương pháp biểu đạt thì cảm xúc là yếu tố quan trọng nhất trong thi ca, để chạm vào rung cảm khi bạn đọc có cùng hoàn cảnh và đi vào lòng người đọc phải là tiếng nói từ trái tim của người nghệ sĩ. Thơ Dzạ Lữ Kiều chân chất, giàu tính nhân bản vừa rất đời mà cũng không kém phần ngọt ngào, lãng mạn. Cảm hứng trữ tình và tự sự được đan xen hài hòa. Hình ảnh, thi liệu thơ trong cuộc sống đượ công  lựa chọn đưa vào thơ hợp lý, kết hợp với cách dùng từ lập ý và vận dụng các biện pháp nghệ thuật để chuyển tải nội dung cần diễn đạt một cách phù hợp và biểu cảm.

Sài Gòn, ngày 25/6/2022

NỖI NIỀM DÀNH CHO HUẾ TRONG THƠ DZẠ LỮ KIỀU

Có thể nói Huế là nguồn cảm xúc không bao giờ vơi cạn trong hồn thơ Dzạ Lữ Kiều. Những vần thơ nặng lòng với Huế chiếm phần lớn trong các sáng tác của ông. Đúng như niềm tâm sự thao thiết ông gửi vào thơ:

“Ôi Huế bao mùa ta xa nhớ/Làm sao nói hết những ân tình(Nhớ- Giọt nắng phai)

Dzạ Lữ Kiều viết nhiều về Huế. Bởi Huế đối với ông là cả những ân tình sâu nặng đầy nhớ mong da diết đã in sâu vào tâm khảm. Những ký ức ngọt ngào, những địa danh, thắng cảnh của Huế luôn hiện diện trong thơ , đầy ắp cả khung trời kỷ niệm. Thơ gửi Huế là tấm chân tình ông dành riêng cho Huế. 

“Ta theo em về bến đò xưa/Một thời đầy ắp tuổi mộng mơ(Bến xưa-Giọt tình phai)

Dù có đi chân trời góc bể, ông vẫn luôn nghĩ về Huế, tâm hồn ông vẫn cứ Huế vương mang:

“Ta…Rời xa Huế rồi em/ Câu thơ ở lại ủ mềm lối xưa/ Gặp em một buổi chiều mưa/Bàn tay bịn rịn bên bờ Hương Giang”

(Chào M- Giọt nắng phai)

Nỗi nhớ Huế trong ông luôn trỗi dậy bật ra thành cảm xúc và tràn cả vào thơ.

“Bỗng dưng ta nhớ Huế lạ lùng/Nhớ mái trường xưa nhẹ bước chân/Nhớ tà áo trắng chiều tan học/Nhớ mái tóc thề theo gió vươn”

(Nỗi nhớ-Giọt nắng phai)

Nhà thơ Dzạ Lữ Kiều lập nghiệp ở vùng đất cao nguyên, có thể nói gia đình ông đã bén rễ ở đây. Ông cũng đã quen với đại ngàn nắng gió. Vùng đất nơi đây cho quả ngọt trái sai để cho những cuộc đời tha hương như ông giờ có thể gọi là “no cơm ấm cật”. Ông cũng đã yêu vùng đất mới này với những đặc điểm rất riêng: hoa cà phê bạt ngàn và âm vang tiếng cồng chiêng ngân dài trong gió. Nhưng có lẽ Huế vẫn là cõi nhớ trong ông không gì thay thế!

Huế của anh gắn với những kỷ niệm thật ngọt ngào và lãng mạn. Huế vẫn là giấc mơ đẹp ngày về:

“Ước được ngày về… thăm Cố đô/ Dìu em gái Huế nón bài thơ/Qua cầu e ấp tà áo tím/Cà phê Thành Nội mãi ngóng chờ” (Cà phê nhớ- Giọt nắng phai)

Huế trong tâm hồn thi nhân là nhịp đập trái tim, là hơi thở, là lẽ sống. Tim thì phải luôn gõ nhịp để duy trì sự sống thì theo ông sống là để nhớ thương Huế không nguôi:

“Một đời ta thương Huế/ Như nhịp đập trái tim” (Huế thương- Giọt sương khuya)

"Ân tình Huế đã bao năm dồn nén/Xa thật rồi! Nhưng đọng mãi trong tim”

(Lưu tình- Giọt sương khuya)

Quê hương Huế gắn liền với những kỷ niệm của một thuở đầu đời. Ở đó thấp thoáng hình bóng giai nhân từng làm rung động con tim thời trai trẻ của Dzạ Lữ Kiều, năm tháng trôi đi trong lớp bụi thời gian nhưng vẫn trở thành những kỷ niệm khó phai.

“Niềm thân ái dấu hoài rất có thể/ Khung trời xưa mấy ai dễ kiếm tìm/Từ muôn kiếp ta gắn liền duyên nợ/Thì dễ gì năm tháng đã quên tên”

(Đoản khúc yêu- Giọt nắng phai)

Thuở tan trường một thời chung bước, nụ cười, ánh mắt của người xưa tưởng chừng ngủ yên trong tâm khảm trên bước đường sương gió. Nhưng mỗi lần trở lại Huế thì những kỷ niệm lại ùa về với những hình ảnh thân quen: nét buồn trên mi, tà áo dài, ánh mắt đó lại vấn vương khi đặt chân lên những lối đi quen.

“Về quê nhặt nụ Huế buồn/Từ em đánh rớt cuối đường ngày xưa/Thuở còn những buổi đón đưa/Sân trường Đồng Khánh ai chờ đợi ai?”(Huế và em - Giọt nắng phai)

Tình yêu dành cho Huế chất chứa trong lòng. Tôi có cảm giác là với Dzạ Lữ Kiều thì những cảm xúc dồn nén chỉ chờ có dịp là tuôn trào lên câu chữ để thành thơ. Bởi Huế là quê hương xứ sở, nơi đó có người thân, bạn bè tri âm. Đặc biệt một thuở tình đầukhông dễ gì quên.

“Một thời mộng ước song đôi

Dìu em đi giữa khung trời Huế thương

Áo dài soi bóng dòng Hương

Đường vô Thành Nội nắng vương tóc thề”

(Một mình dưới trăng- Giọt sương khuya)

Những kỷ niệm thuở nào nằm yên trong ký ức chợt thức dậy. Ông có những câu thơ nhiều cảm xúc:

“Đưa em về…còn mưa bay/Ngồi sau xe ấm vòng tay/Mượn bờ môi chạm nhẹ/Mới hay tình đã đong đầy”.

(Đưa em về …đêm mưa- Giọt nắng phai)

“Ta một đời lãng tử/ Từng sợi tóc vờn bay/ Nhưng trong tim yêu Huế/ Thao thiết đến từng ngày”

(Màu tím tôi yêu- giọt nắng phai)

Một mối tình thời son trẻ dang dở không thành:

“Thời gian trầu đã bén vôi/ Cau tôi chưa trổ nụ phơi nắng hè/ Thế rồi em bỏ sông quê/ Bến tình tôi đứng bên đê ngóng chiều”

(Kỷ niệm xa rồi- Giọt tình quê)

Tác giả  dùng những động từ như: vói, nhặt, ép, hong, treo... rất cụ thể bên cạnh những danh từ trừu tượng kết hợp với những thi liệu: cánh phượng hồng, lưu bút, nỗi nhớ làm cho câu thơ giàu hình ảnh và có giá trị biểu cảm:

“Vói tay nhặt/Cánh phượng hồng/Ép vào lưu bút/Để hong cuộc tình/Em chừ qua ngõ lợi danh/Ta treo nỗi nhớ/lên cành phượng khô”(Khúc tình cuối hạ- Giọt tình quê)

Đi qua những cuộc tình không trọn vẹn, trong dâu bể đời người. Ông có nhiều trải nghiệm, hay nói cách khác là vốn sống. Có ai đó nói rằng “hãy sống rồi mới viết”. Nghiệm lại thấy đúng, những kinh nghiệm sống, những trải nghiệm trên đường đời cùng với năng khiếu thiên bẩm để thi nhân có những bài thơ hay, câu thơ hay có tính triết luận nhẹ nhàng:

“Tình yêu như bóng qua cầu/ Nào ai giữ được bền lâu cho mình” (Tình ảo- Giọt nắng phai)

Vâng! Khi chúng ta ý thức được điều đó thì sẽ sớm lấy lại thăng bằng mỗi khi gặp trắc trở sóng gió trên đường đời. Đến và đi, mọi việc tùy duyên thôi! Nỗi buồn xin gửi vào thơ cho nhẹ lòng mà đứng lên, bước tiếp:

“Sông đời nước biếc trôi mau/ Sông tình ai biết ngày sau mà lường/Em theo lộng tía tha phương/Tôi đứng bên đường nhìn ánh chiều phai” (Nhìn cánh phượng rơi- Giọt tình quê)

Dzạ Lữ Kiều có những câu thơ thật buồn da diết:

“Tre buồn oằn bóng nước xao/Tưởng chừng kỷ niệm quất vào tim tôi/Khi em bỏ lại cuộc chơi/Về chân trời tím ru lời hắt hiu”

(Về lối Hạ- Văn Xá, Thừa Thiên Huế)

Ông cũng hé lộ cho chúng ta biết một lý do để cuộc tình không trọn:

“Tôi vào quân ngũ em biền biệt xa”

 (Chuyện tình bên sông- Giọt sương khuya)

Đặc biệt hơn hết ông dành những câu thơ đầy ân tình sâu nặng cho hai đấng sinh thành của một người con chí hiếu. Thi nhân thấu hiểu những hi sinh thầm lặng, những vất vả lo toan, của cha mẹ tảo tần nuôi dưỡng con cái nên người, nhất là trong thế cuộc tao loạn, vất vả biết chừng nào của song thân. Và ông tự trách mình nơi xa xôi chưa đáp đền ân nghĩa.

“Đời cha gian khổ nhiều rồi/Con chưa báo đáp được lời nghĩa ân/Thân cha nào kể ngọt bùi/Bao nhiêu nước mắt nuốt trôi vào lòng” (Ơn cha- Giọt nắng phai)

Những vần thơ dành cho mẹ cũng thật cảm động:

“Chiều đông mưa rả rích buồn/Nhớ sao cái thuở tan trường tuổi thơ/Mạ lóng ngóng chiếc áo mưa/Chờ con ra lớp- giờ trưa đón về”

(Tuổi thơ& Mẹ- Lời gió chướng)

Huế vẫn đây mà hình bóng mẹ không còn chờ con bên hiên nhà nữa! Mẹ đã về miền viên miễn! Cảm giác đơn côi của đứa con không còn mẹ, dù ở độ tuổi nào thì mất mẹ là một nỗi mất mát lớn không gì bù đắp nổi. Dẫu biết đời là vô thường nhưng quê hương đây rồi mà mẹ ở đâu? Mẹ không còn thì sự hụt hẫng đến vô cùng, đặc biệt đêm về quạnh vắng, trở mình thức giấc cũng nghe như tiếng kinh thành khóc nức nở. Đó là tiếng lòng thi nhân trong tiếng nấc nghẹn ngào khi nghĩ về mẹ:

“Đêm trở gối nghe kinh thành nức nở/Tưởng tim mình tan vỡ giữa cô đơn/Nhớ sao ngày mẹ hao gầy/ Nhường cơm sẻ áo cho bầy con thơ” (Giọt Huế mưa- Lời gió chướng)

Nhờ có người vợ hiền chung thủy để tâm hồn thi nhân neo đậu, khi dấn thân trong gió bụi trường chinh và thỏa chí tang bồng hồ thỉ. Và để thả hồn theo con chữ của đời nghệ sĩ mà duyên nghiệp viết lách đã vướng vào ông:

“Phải chăng chút nghĩa đá vàng/Giúp tôi giữ được tiếng đàn ngày xưa”

 (Lạc bến- Giọt sương khuya)

Người lỡ  “mắc duyên vào bút mực” (từ dùng của Nguyễn Bính) nhất là người sáng tạo thi ca thường có tâm hồn lãng mạn. Đôi khi thả hồn bay bổng lên tận chín tầng mây, nô đùa cùng các tiên giới hoặc giai nhân trong đời thực (dù chỉ trong thơ). Nên rất cần sự cảm thông và thấu hiểu, sẻ chia của người bạn đời chung thủy. Viết lách âu cũng là nghiệp dĩ văn chương. Nếu tâm hồn không lãng mạn thì không thể sáng tạo được văn chương. “Em” biết điều đó phải không? Nên xin em chớ hờn ghen! Dzạ Lữ Kiều có những câu thơ tài hoa mà độc giả tâm đắc:

“Em trách tôi con tim thường vụng dại/Ngăn chứa nhiều chỉ làm khổ thân thôi/Khi đã biết nợ duyên tình phải trả/Em hãy là bồ tát của lòng tôi”

(Trước bình - Giọt tình quê)

Người lính không quân ấy, trên bước đường lữ thứ mỗi lần nghe tiếng mưa rơi cũng chạnh nhớ quê nhà:

“Nào hay lạc mãi mùa xuân/Trôi theo vận nước xa dần dòng Hương/Ta chừ lang bạt tha phương/Vẫn nghe xa xót đêm buồn Huế mưa”(Giọt Huế mưa- Lời gió chướng)

Thơ Dzạ Lữ Kiều được viết ra bởi cảm xúc chân thành dành cho Huế, tự nhiên bật ra câu chữ. Ngôn từ cũng chân chất giản dị như chính con người đời thực của ông. Thơ Dzạ Lữ Kiều giàu tính nhân văn, rất đời mà cũng không kém phần, lãng mạn. Cảm hứng trữ tình và tự sự đan xen hài hòa. Hình ảnh, thi liệu thơ chọn lọc đưa vào thơ hợp lý, cách dùng từ lập ý, vận dụng các biện pháp nghệ thuật để chuyển tải nội dung rất biểu cảm. Tuy nhiên, người đọc vẫn mong người sáng tác không ngừng nâng ca năng lực sáng tạo, dụng công hơn nữa trong việc chọn lọc ngôn từ, những từ thông thường trong cuộc sống khi đi vào thơ là được thi ca hóa một cách Phù hợp. Dzạ Lữ Kiều đặt tựa cho nhiều tập thơ, chỉ có một tập là: Lời gió chướng. Còn lại  tập nào cũng có chữ “Giọt”, không biết hình tượng “giọt” có gì ám ảnh hay ý nghĩa gì chăng? Mà tác giả nhập tâm đến thế như: Giọt sương khuya, giọt tình quê, giọt nắng phai, Giọt Huế mưa, Giọt mắt đắng,…dễ gây cảm giác nhàm chán cho bạn đọc. Tôi nghĩ rằng các tựa tập thơ trên nếu bỏ bớt chữ “giọt” sẽ thanh thoát, biểu cảm hơn. 

Trong gần trọn cuộc đời cầm bút của mình, khi đã bước qua tuổi tám mươi, tác giả vẫn tiếp tục cống hiến cho đời bằng lao động nghệ thuật nghiêm túc, cần mẫn. Nay mái tóc đã phai màu theo thời gian nhưng niềm say đắm với thi ca thì vẫn nguyên vẹn như thuở mới vào đời. Mong thi nhân có được nhiều sức khỏe! Và người đọc chúng ta đón chờ những tác phẩm mới của ông trong thời gian tới!

Sài Gòn, ngày 25/8/2022

Hoàng Thị Bích Hà