Mẹ còn có mỗi lời ru
Buồn như ngọn gió mùa thu thoảng về… (BC)
Ngôi nhà của họ nằm trên một làng nhỏ ven biển, nơi quanh năm chỉ có nắng và gió. Cuộc sống họ thật đơn sơ, bình yên như tiếng sóng biển rì rào bên ghềnh đá lở; ngày hai lần anh Hai vác tấm lưới cũ trên vai giong thuyền ra khơi vào sớm tinh mơ, rồi trở về lúc chiều tà với tôm cá nhảy lách tách trong thúng. Chị Hai ở nhà loay hoay với mớ hải sản khô, canh chừng thời tiết mưa nắng bất thường của ông trời. Chỉ cần sơ sẩy một chút là bao nhiêu công cán của hai vợ chồng bỏ sông bỏ bể. Cái ăn của con người ở đây luôn khó khăn vì phải phụ thuộc vào thiên nhiên, mà thiên nhiên nơi vùng biển khô cằn này đa phần là khắc nghiệt.
Chiều chiều, chị lại theo những người phụ nữ ra bờ biển
ngóng đợi chồng về. Đây là phút giây thư thả nhất trong ngày của những người
đàn bà làng chài. Biển hào phóng cho họ đầy gió căng lồng ngực và lời ru êm ái,
mà không giai điệu nào có thể so sánh được. Câu chuyện giòn giã có thể dừng
lại bất cứ lúc nào, khi đoàn ghe thuyền trở về cập bến. Những người đàn ông của
họ đã về.
Chị Hai luôn là người đứng dậy đầu tiên và cũng là người đầu
tiên chạy xuống. Ống quần xắn cao quá gối, chị lội nước bươn bã đến bên chồng.
Hai vợ chồng lụi hụi khiêng tôm cá lên bãi trong tiếng cười nói không dứt.
Rồi chị Hai mang bầu. Làm sao nói được niềm vui vô cùng của
họ. Lần đầu tiên áp mặt vào bụng vợ, nghe tiếng con cựa quậy, anh Hai đã chảy
nước mắt. Giọt nước mắt của người đàn ông dạn dày sương gió, nóng hổi, bồi hồi.
Chín tháng mười ngày con ra đời, hai vợ chồng run rẩy nhận con từ tay cô đỡ, rồi
chuyền tay nhau ấp ủ yêu thương. Chị gật đầu rưng rưng khi anh nói:
- Mình đặt tên con là Nhật Minh, nghe. Con là một ngày mới
tinh khôi, sáng ngời.
Họ đổi cách xưng hô bằng những từ “Cha, Mạ“.
- Cha Minh ơi!
- Mạ Minh
nè!
Chao ôi, mỗi lần
nghe là ấm cả lòng. Xóm giềng cũng gọi họ là “Cha thằng Minh”, “Mạ thằng Minh“.
- Cha thằng Minh
nè, mang ít hàu này về nấu cháo vợ ăn cho có sữa.
- Đàn bà mới sanh
đẻ phải kiêng cử, đừng có dễ ngươi nghe mạ thằng Minh.
Minh lớn lên từng
ngày trong tình làng nghĩa xóm của làng chài nghèo ven biển, trong hương cá khô
hòa quyện muối mặn ướp đằm hơi thở, trong lời ru êm đềm của mạ theo nhịp
võng đong đưa:
“À ơi, con ngủ
cho ngoan
Để mạ gánh nước rửa bành cho voi
Muốn coi lên núi
mà coi
Có Bà Triệu Ẩu cưỡi
voi đánh cồng…”
Mạ ngồi vá tấm lưới
rách lỗ chỗ, vừa đưa võng cho con. Tiếng mạ ru à ơi âm điệu miền Trung nghe
thân thương mà cũng nghe buồn não nuột. Thỉnh thoảng, mạ dừng tay, trìu mến
nhìn con ngoan giấc ngủ. Này mái tóc tơ như mây phơ phất. Này chiếc mũi xinh
xinh, chiếc miệng rộng tạc như cha. Mạ yêu tất cả những gì thuộc về con, cả tiếng
cười dòn tan, tiếng khóc dỗi hờn. Vừa thoắt con ngoài tầm mắt là tim mạ đã hoảng
loạn. Mạ cảm ơn cuộc đời đã cho cha mạ món quà quý giá, thiêng liêng vô cùng -
đó là sự hiện diện của con.
Nắng bên ngoài đã
lên cao. Mạ buông tấm lưới, tất tả ra sân đảo lại mớ cá khô trên giàn. Tay mạ
thoăn thoắt lướt đều trên những giàn tre. Chỉ cần thêm một vài nắng nữa là có
thể bán được lứa cá này và sắm sửa ít đồ cho con. Mùa lạnh sắp tới rồi,
con cần thêm áo ấm và tấm chăn dày. Nghĩ đến đó, lòng mạ bỗng vui chi lạ.
Cha không có thói
quen tụ tập, đàn đúm, chén chú chén anh như những người đàn ông khác. Sau bữa
ăn tối, cha thắp cây đèn dầu đặt trên bàn ăn. Trong lúc thằng Minh soạn tập vở,
cha lụi hụi hun khói đuổi muỗi cho con. Muỗi vùng này con nào con nấy to đụi,
chích mũi nào là sưng tấy mũi đó. Dường như chưa yên tâm, thỉnh thoảng cha còn
phe phẩy chiếc quạt trên tay quanh người con. Mạ ngồi cạnh đó, mở chiếc hộp thiếc
ra, vuốt thẳng từng tờ tiền giấy nồng mùi tôm cá, đếm tới đếm lui rồi cất lại
vào góc tủ. Số tiền này hai vợ chồng bắt đầu dành dụm từ ngày mạ mang thai, dự
định cho con chút vốn liếng sau này.
Chợt mạ nhìn cha,
hỏi:
- Ủa, sao mấy bữa
nay không thấy cha Minh hút thuốc nữa. Cha mệt à?
Cha lắc đầu:
- Thuốc rê thì
cũng là tiền. Bỏ đi, ky cóp cho con có ích hơn.
Chợt có chiếc
bóng lấp ló ngoài cửa:
- Minh ơi,
Minh.
Cha rướn người
nhìn ra:
- Ai đó,
bây?
- Dạ, thằng Ân đó
cha.
Minh đáp lời cha
rồi quay ra cửa:
- Ân, vô đi mậy.
Chỉ chờ thế, thằng
Ân chạy tót vào nhà, cúi đầu chào hai người lớn, và nói:
- Nhà con hết dầu.
Cô chú cho con qua đây học ké với thằng Minh nghe.
Cha dễ dãi:
- Ừ, con ngồi học
bài cùng Minh đi.
Mạ xuống bếp bưng
rổ khoai lên, mời:
- Cha Minh với
hai đứa nhỏ ăn đi, mạ vừa luộc chín tới đó.
Nhìn thằng Ân nhồm
nhoàm củ khoai, mạ thương cảm quá. Nhà mình đã nghèo, nhà nó còn tội hơn. Mạ nó
bệnh rề rề quanh năm, một mình cha nó bươn chải không đủ sống, cảnh nhà thiếu
trước hụt sau với trăm gánh lo.
Minh sà xuống bên
mạ:
- Mạ ơi, bài hò của
mạ có bà Triệu cỡi voi đánh cồng trên núi là sao vậy mạ?
- À, bà Triệu tập
trận để đánh đuổi giặc Ngô xâm lược nước ta đó con.
- Mai mốt con lớn,
con sẽ cỡi voi ra trận mạ nghe.
Cả nhà bật cười.
Thằng Ân cười lớn phun cả miếng khoai đang ăn:
- Bây giờ ai mà cỡi
voi nữa, ngố.
Cha xoa đầu Minh:
- Con mau lớn rồi
học làm thầy giáo, về đây dạy cho bà con mình chữ nghĩa nghen. Đời cha mạ dốt
nát, chỉ mong con thành đạt, không phải tất bật kiếm cái ăn khổ cực.
Mạ cười mà mắt
long lanh:
- Lúc đó mọi người
sẽ gọi cha mạ là cha mạ ông giáo Minh. Chỉ nghĩ thôi, đã nghe
mát cả ruột gan.
Minh dạ thật
ngoan:
- Dạ, con sẽ học
thật giỏi để làm thầy giáo nghe cha mạ.
Thằng Ân cũng
chen vào:
- Con nữa. Con
cũng học làm thầy giáo chung với thằng Minh nữa.
Niềm vui của mạ
bây giờ là chiều muộn cùng cha ra ngõ đợi con về. Mắt mạ sáng rực khi thấy thấp
thoáng bóng con từ xa xa. Trên chiếc xe đạp cũ cha mạ chắt bóp mua cho từ
lúc con vào trung học trên thị xã, con và thằng Ân chở nhau ngày hai buổi đi về.
Khoảng đường hơn hai mươi cây số mỗi ngày tụi con gò lưng đạp, từ lúc còn chống
chân chưa tới, đến lúc chân tay dài lòng khòng. Hôm nào có bảng điểm hoặc bài
làm cao điểm, con đã vẫy tờ giấy từ xa như nôn nóng muốn khoe với cha mạ thành
quả của mình. Cha mạ cũng vẫy tay cao, hồi hộp chờ con phóng xe như bay trên
con dốc gập ghềnh.
Những hôm nghỉ học,
con theo cha ra biển bắt cá. Chiều lại, mạ ra bãi ngóng thuyền về. Nhiều lần, mạ
lặng người khi nhìn bóng con bên cha. Hai chiếc bóng cao to, vững chải. Hai người
đàn ông yêu thương của cuộc đời mạ.
*
Ân rủ Minh lên dốc
đá. Từ nơi này, hai đứa có thể nhìn bao quát khắp ngôi làng. Những chiếc thuyền
chài cũ nát, những thuyền thúng xộc xệch nằm phơi trên bãi vắng. Chỉ toàn là
cát, đến cỏ cũng xác xơ, có mỗi rau muống biển và phi lao tràn lan khắp chốn.
Nhưng thật lạ lùng, màu xanh của biển vẫn lóng lánh trải đến tận chân trời,
sóng vẫn nhấp nhô từng lượn vờn quanh bờ đá , đẹp tuyệt vời trong hoang sơ và cằn
cỗi.
Những lúc buồn
hai đứa vẫn thường ra đây, ngồi nhìn biển, thở hít không khí nồng nàn mùi
cá khô, mùi muối mặn, nói vài ba câu chuyện tếu táo là trôi hết muộn phiền.
Minh yên lặng, chờ
thằng bạn. Khác với mọi lần, Ân lầm lì cả buổi. Minh nóng lòng, giục mấy lần,
nó mới nói:
- Thi tốt nghiệp
xong, tau sẽ nghỉ học.
Minh bàng hoàng:
- Mày không thi đại
học à?
- Không, mày biết
hoàn cảnh nhà tau rồi đó.
Ân nhìn xa xăm:
- Mạ tau thì yếu.
Cha tau một mình làm sao lo cho cả mạ và tau. Nếu tau vào đại học, sẽ trở thành
gánh nặng của gia đình.
Một khoảng lặng
giữa hai đứa bạn thân. Minh muốn an ủi thằng Ân, nhưng biết nói gì bây giờ. Vì
mở miệng ra, chạm vào đâu cũng va phải vết đau.
Hoàng hôn mùa này
sụp xuống thật nhanh. Bóng tối giúp người ta dễ che giấu tâm trạng hơn.
Ân lên tiếng phá tan sự im lặng:
- Có tau phụ
thêm, chắc hai cha con tau sẽ kiếm được thêm ít tiền, đủ lo thuốc men cho mạ
tau, rồi dành dụm mua chiếc thuyền mới. Chừng mày về, chắc tau đã sắm được thuyền
mới rồi. Mình sẽ ra khơi bắt tôm cá đãi mày ăn đã đời luôn.
Minh ậm ừ thả cái
nhìn vào bóng tối. Ân quay sang vỗ vai Minh:
- Mày nữa. Ráng
ôn bài vở, rồi ráng đậu vào Đại học Sư phạm cho cha mạ mày vui. Còn thày cô nữa
đó. Tau đã dang dở việc học rồi, thì mày phải cố, đừng phụ lòng thầy cô mình
nghe. Đậu rồi, lên thành phố học, rảnh rỗi nhớ biên thơ cho tau nghe. Chụp hình
cho tau coi với. Chắc thành phố đẹp lắm.
Những câu nói rời
rạc, đứt quãng từng khúc, tưởng chừng như thằng Ân cứ phải dừng lại để nuốt tiếng
thở dài. Lần đầu tiên câu chuyện của hai đứa càng lúc càng thêm buồn.
Vậy đó, mà thằng
Ân chết. Nó chết một cách oan ức, tức tưởi. Một phát súng phá tan lồng ngực nó
khi đang đi câu tôm buổi tối. Máu từ thân thể nó thấm vào cát ẩm, hòa tan vào
sóng nước mênh mông.
Cũng trong đêm,
những tờ truyền đơn dán cờ xanh đỏ sao vàng với dòng chữ in “Mặt trận giải
phóng đã có mặt nơi đây, sát cánh cùng đồng bào chiến đấu giành tự do, độc lập”,
tung rải rác khắp làng chài.
Lúc Minh vừa bước
vào, mạ Ân đang phủ phục bên quan tài. Minh quỳ cạnh bà. Bà ngước lên níu tay
Minh van vỉ:
- Con nhìn kỹ
giùm bác đi. Không phải là thằng Ân đâu, không phải nó đâu. Nó đang ở bên nhà
con học bài mà. Đúng không con?
Minh cũng muốn
gào lên thật to:
- Ừ. Không phải
là mày đâu. Ân ơi, không phải là mày đâu mà.
Gió lùa thông thốc
từ biển vào sân, ùa vào nhà, rít lên từng tiếng buốt lòng luôn qua những hàng
phi lao nghiêng ngã.
Nghẹn ngào, những
tiếng khóc uất nghẹn vang lên trong tang tóc.
*
Thầy đã gặp Minh
sau giờ học, sau khi nhận lại tờ đơn thi đại học trống những thông tin. Thầy
không nói một lời nào, chỉ nhìn Mình như chờ đợi. Giá mà thầy la hét, chắc Minh
sẽ thấy nhẹ lòng hơn. Thầy đã bỏ bao nhiêu công sức, đặt bao nhiêu kỳ vọng vào
học trò mình. Vậy mà, Minh đã phụ công thầy.
Mãi rồi Mình mới
ngước đôi mắt đỏ au lên:
- Em xin lỗi thầy.
- Thầy chỉ muốn hỏi
vì sao em lại quyết định như thế này. Cha mạ, thầy cô và bạn bèđã kỳ vọng vào
em biết bao nhiêu.
Giọng thầy thất vọng
lẫn bất lực. Có thể thầy nghĩ lứa tuổi này, học sinh của thầy thường hay ương
bướng.
Minh nghẹn lời.
Không, thầy ơi, em muốn vào đại học lắm. Đó là kỳ vọng của những người thân yêu
và cũng là ước mong suốt bao năm em miệt mài đèn sách. Nhưng mà, chiến tranh đã
đến làng quê của mình rồi. Thằng bạn thân của em đã chết. Nhiều người trong
làng và những làng bên cũng chết vì lạc đạn, dẫm mìn. Những cái chết oan ức đó
rồi sẽ còn tiếp diễn.
Câu hò mạ ru từ
ngày nằm võng, em vẫn thuộc nằm lòng. Bây giờ em dừng lại việc học, nhưng hết
chiến tranh rồi em sẽ lại về và tiếp tục ước mơ của mình nghe thầy.
Hai thầy trò nói
chuyện thật lâu. Khi chia tay, thầy xiết chặt vai Minh. Ánh mắt thầy cũng cũng
đỏ hoe. Học trò của thầy trưởng thành, lý tưởng hơn thầy nghĩ. Thầy hạnh phúc
vì cuộc đời mình đã không phí công chèo chống những chuyến đò.
Thật khó khăn để
Minh nói cho cha mạ nghe quyết định của mình. Mạ thở dài:
- Chừng nào cho hết
chiến tranh, con ơi.
Tưởng tượng con sẽ
xông ra giữa làn tên mũi đạn, nước mắt mạ đã chảy dài, ruột gan mạ đã xoắn
từng cơn.
Cha chỉ ngồi yên
trầm ngâm. Cha biết tính tình con giống cha ở chỗ rất kiên định. Hẳn con cũng
đã suy nghĩ rất kỹ rồi. Cha không muốn dùng tình cảm hay quyền lực để ngăn cản
quyết định của con, vì như thế sẽ làm con thêm khó xử.
Bàn tay thô ráp của
cha vỗ nhè nhẹ lên mái tóc con, cử chỉ yêu thương cha vẫn thường làm thay cho lời
nói. Lần đầu tiên cha cảm nhận được con đã thật sự trưởng thành.
Trong một thoáng,
cha nghe lòng mình yếu đuối và mâu thuẫn, khi muốn thời gian quay trở lại, để
con cứ hoài bé dại, cứ lũn cũn chạy theo cha, cứ mãi ở trong vòng tay cha bao bọc,
chở che.
Những ngày cuối
cùng còn ở nhà, Minh làm việc không ngơi tay.Minh chặt cũi, bó lại. Kéo
gàu đổ nước đầy hàng lu bên hiên. Giậm lại mái tranh… Mỗi khi ngẩng nhìn lên,
Minh nghe tim mình thắt lại khi thấy mạ thẩn thờ kéo vạt áo chậm nước mắt,
cha ngồi rít điếu thuốc rê dõi mắt buồn hiu. Lâu lắm rồi Minh mới thấy cha cầm
lại điếu thuốc. Chắc hẳn cha đau khổ lắm.
*
Minh rời đi vào
buổi sớm tinh sương. Hôm đó cha không ra khơi dù trời rất trong, biển rất yên
bình. Bàn tay cha mạ núm níu không nỡ buông rời con. Dù bước thật nhanh không một
lần nhìn lại, nhưng Minh biết sau lưng, cha mạ đang đứng lặng như hóa đá hút mắt
nhìn theo. Biển tĩnh lặng sao lòng Minh dấy lên từng cơn sóng bổ ầm ào tựa như
những ngày đầy giông bão.
Minh chọn binh chủng
Thủy Quân Lục Chiến vì đây là đơn vị tác chiến đổ bộ từ đường thủy. Biển cả đã
nuôi anh khôn lớn, hòa tan vào dòng máu và hơi thở của anh. Bây giờ đã đến lúc
anh mang tuổi trẻ mình trả món nợ ân tình ấy.
Hết chiến
tranh con sẽ trở về nhà mình với cha mạ nghe.
Thư nào Mình cũng
ghi câu đó, như một lời hứa chắc chắn cho tương lai. Cha đọc tới đọc lui những
bức thư của con cho mạ nghe dưới ngọn đèn dầu tù mù mỗi đêm, bên chỗ con ngồi học
ngày xưa.
Rổ khoai thỉnh
thoảng mạ luộc lên để chỏng chơ từ lúc khói còn nghi ngút đến lúc lạnh tanh. Hết
cha, đến mạ, bốc khoai lên tay rồi thẩn thờ đặt xuống. Những bữa cơm cha mạ chống
đũa nhớ tiếng nói quen thuộc của con. Sao bây giờ ngôi nhà bốn bề quạnh vắng.
Mạ thường giật
mình với những giấc mơ hoảng loạn. Tỉnh dậy, mạ sờ thấy chỗ bên cạnh mình lạnh
tanh. Cha ngồi ở bậc cửa, rít từng đốm thuốc lập lòe tự lúc nào. Có tiếng
pháo vang ầm ì trong đêm vắng, dập dồn gõ vào tim mạ những nhịp âu lo.
*
Chiến tranh càng
lúc càng khốc liệt. Tin tức của con thưa dần.
Rồi một ngày tang
thương bao trùm ngôi nhà nhỏ của gia đình mình. Con trở về trong poncho trùm
kín, trong chiếc quan tài phủ lá cờ tổ quốc. Tiểu đội của con đã tử thủ cho đến
giây phút cuối cùng.
Trên mảnh đất cao
gần nhà, cha mạ ngậm ngùi làm người đầu bạc lập ngôi mộ cho kẻ đầu xanh. Không
biết bao nhiêu lần mạ ngồi đó ôm di ảnh con khóc ngất. Còn cha chết lặng trong
đau đớn nhìn trân trân vào nấm mồ chưa xanh cỏ. Sinh ly tử biệt. Nỗi đau cứ từng
ngày cứa vào tim cha mạ những vết cắt xót xa.
Chiến tranh rồi
chấm dứt. Nhưng không có nghĩa là cuộc sống trở lại sự yên bình vốn có của nó từ
xưa. Làng quê đã thay đổi nhiều lắm. Thêm nhiều nấm mộ của những người già, của
những người chết vì bom đạn chiến tranh. Có những người mới đến ngụ cư và những
người cũ bỏ làng vượt biển. Cuộc sống khó khăn, xô bồ hơn.
Cha vẫn vác lưới
ra khơi. Mạ lầm lũi ở nhà với mớ cá khô trên giàn lủng lẳng. Tiếng sóng vẫn rì
rào ngày đêm bên ghềnh đá. Nhưng tiếng cười của con đã bằng bặt từ lâu.
Năm tháng tiếp tục
trôi qua. Dù biết con đã mất, nhưng từ sâu thẳm nơi đáy lòng, cha mạ vẫn không
thể chấp nhận được sự thật tàn nhẫn này. Nhìn đâu mạ cũng thấy thấp thoáng dáng
con. Con thả gàu vào giếng múc nước đổ đầy lu cho mạ. Con đạp xe thả dốc về
nhà. Con ngồi nơi bàn học bài… Nếu không có chiến tranh, giờ này chắc con
đã ra trường, trở về đây làm thầy giáo dạy dám con nít làng mình…
Cha mạ núm níu
không nỡ rời xa làng vì nơi này có một phần máu thịt của con. Cho đến một ngày,
cha nắm lấy bàn tay mạ, nghẹn ngào:
- Chuyến cuối rồi,
vợ chồng mình đi thôi mạ Minh.
- Mình đi rồi bỏ
mộ con ở lại lấy ai nhang khói. Mạ rưng rưng.
Cha nói trong nước
mắt:
- Con mất rồi thì
mình đi đâu, hồn con theo đó.
Lệ cha đã rơi lả
chả khi thắp hương khấn con, rồi cha lấy một nắm đất nơi mộ, gói lại mang theo
người.
Tối đó, cha mạ
cùng những người làng cũ còn lại lên tàu. Đêm cuối tháng trời mù mù, mưa
rơi lất phất. Mạ lả người trên vai cha như xác không hồn. Cha ghìm từng cơn nấc
nghẹn chực trào ngược ra khỏi lồng ngực.
Chiếc tàu lặng lẽ
ra khơi. Ngôi làng lùi xa, lùi xa và chìm trong cơn mưa tầm tã.
*
Bao nhiêu năm đã
trôi qua rồi, mạ cũng không nhớ được. Thời gian không làm nguôi ngoai nỗi đau
thương trong lòng mạ, mà chỉ nhuộm màu sương trên mái tóc xác xơ. Đôi khi lẩn
thẩn mạ ngoái ra sau, dớn dác gọi Minh ơi! rồi ngẩn ngơ bật
khóc.
Chiều nay, như một
thói quen từ lúc nào, mạ lại ra ngồi bên thềm nhà cho chút nắng hiếm hoi cuối
mùa hong trái tim khô quắt. Ánh mắt mạ dõi phía ánh dương đang lịm về cuối chân
trời, nơi chốn xa xôi mà mạ tin rằng đó là hướng quê nhà. Làng chài nghèo ven
biển nằm nơi ấy. Mộ con cũng nằm nơi ấy, quạnh quẽ không chút khói nhang.
Qua làn mây mù của
đôi mắt già hấp háy, mạ chỉ thấy một màn tối chườm xuống, bao trùm dần khoảng
sân chung quanh mạ. Trong quên nhớ mênh mang, vô thức mạ đưa tay như đẩy
đưa nhịp võng. Ngủ đi, ngủ đi con. Ừ, để mạ ru con nhé.
“À ơi, con ngủ
cho ngoan
Để mạ gánh nước rửa bành cho voi
Muốn coi lên núi
mà coi
Có Bà Triệu Ẩu cưỡi
voi đánh cồng…”
Cuộc chiến tranh
ngày ấy đã trôi qua lâu lắm rồi. Bây giờ, có mấy ai còn nhớ đến. Chỉ còn lời thầm
thì của gió, thoảng trong lời ru của mạ mãi mãi không bao giờ phai nhạt theo
năm tháng.
Biển Cát