01 May 2025

MỘT GIỜ TRỰC CANH - Nguyễn Tường Thiết

Gần đây trong khi lục lọi đống giấy tờ cũ tôi bất ngờ phát hiện tấm thẻ căn cước quân nhân của mình, tấm thẻ với bức ảnh tôi thời còn trẻ măng, trên ve áo trận gắn hai bông mai đen, góc trên tấm thẻ ghi hàng chữ Quân Lực Việt Nam Cộng Hòa.

Tôi bồi hồi nhìn tấm thẻ.

Đã 50 năm trôi qua, nửa thế kỷ, kể từ khi tôi rời khỏi đất nước vào ngày 30 tháng Tư năm 1975, mang theo trong ví tấm căn cước quân nhân này.

Trong khi rất nhiều quân nhân của QLVNCH sau ngày lịch sử trọng đại ấy buộc phải nhanh chóng tiêu hủy những tấm thẻ quân nhân này để phi tang căn cước thật của mình, thì tôi may mắn rời nước đúng vào ngày sau cùng của cuộc chiến, nên nay vẫn giữ được tấm thẻ này. Với tôi, tấm thẻ rất quý vì nó là căn cước về một mảnh đời quân nhân của tôi, mảnh đời mà tôi rất hãnh diện, kéo dài từ đầu tháng Hai năm 1968 đến hết tháng Tư năm 1975.

Thời điểm phát hành tấm thẻ căn cước là năm 1971. Lúc ấy, tôi đang phục vụ tại Khối Kế Hoạch/Tổng Cục Chiến Tranh Chính Trị toạ lạc tại số 2 đường Thống Nhất Sài Gòn, nằm phía bên tay phải của Tòa Đại Sứ Hoa Kỳ tại Việt Nam, chỉ cách con đường Mạc Đĩnh Chi.

Trong thời gian phục vụ tại Tổng Cục, ngoài nhiệm vụ chính của một sĩ quan CTCT, tôi cũng như tất cả các sĩ quan CTCT khác ở Sài Gòn thi hành những công tác phụ như trực canh và tuần tiễu.

Trực canh là một phần của công tác dân vận nhằm uỷ lạo gia đình tử sĩ, thăm viếng, chào kính và canh gác quan tài của các quân nhân tử trận. Với cấp bực Trung úy, tôi được phân phối trực canh những sĩ quan tử trận cấp Úy.

Vào mùa hè đỏ lửa năm 1972, chiến trường An Lộc diễn ra khốc liệt. Mỗi ngày Cộng quân nã vào thị xã An Lộc cả ngàn quả trái phá, khiến hầu như ngày nào cũng có những chuyến bay từ tiền tuyến về Thủ Đô chở đầy quan tài những chiến sĩ tử trận.

Trong bối cảnh thời cao điểm nhất của chiến tranh Việt Nam, bài viết sau đây, Một giờ trực canh, ghi lại một khoảnh khắc đáng ghi nhớ nhất trong đời quân ngũ của tôi.

*

Đến cuối con đường hẻm, thằng bé dẫn đường cho tôi chỉ vào một căn nhà. Tôi cẩn thận đọc kỹ số nhà 1024/36B trên vách tường trước khi bước vào trong vì cửa trước mở toang. Bên trong là một phòng khách nhỏ, có một chiếc bàn tròn và hai ghế nệm thấp. Một thiếu nữ với băng tang trắng quấn quanh đầu ngồi sau một bàn học đang đọc sách dưới ánh sáng một ngọn đèn chụp, thấy tôi cô vội vã đứng dậy. Tôi cất tiếng hỏi:

–Thưa cô, đây là nhà của cố Đại úy Bôn?

Cô gái khẽ gật đầu rồi nói nói to vào bên trong:

– Mẹ ơi, có khách.

Tôi bước vào phòng trong. Dưới ánh sáng lờ mờ của hai ngọn nến cạnh một quan tài đặt chính giữa phòng, tôi nhìn thấy di ảnh của Đại uý Bôn với ba bông mai đen trên ve áo trận. Ngoài chiếc quan tài, không một ai trong phòng. Lát sau, một bà cụ mà tôi đoán là mẹ của viên Đại úy tử trận từ gian trong bước ra. Thấy tôi mặc quân phục, bà ngỡ tôi là bạn của con mình. Bà ôm chầm lấy tôi, oà lên khóc:

– Ối con ơi là con ơi… Bạn của con đến thăm con đây này…

Rồi, như sực nhớ ra, cụ lau vội nước mắt, nói:

– Chết chửa, mời ông ngồi. Để tôi đi lấy nước.

– Thôi bác…

Tôi toan cản nhưng không kịp. Bà cụ lật đật đi vào trong. Lát sau bà đưa tôi tách trà nóng rồi rối rít hỏi tôi tin tức về con mình, về cái chết của nó.

Tôi không biết trả lời sao. Đặt tách nước trà trên một cái đôn gần đó, tôi giải thích rằng tôi không quen biết Đại úy Bôn, tôi chỉ là một sĩ quan ngành Chiến tranh Chính trị có nhiệm vụ đến đây ủy lạo và chia buồn cùng tang quyến. Tôi xin phép bà cụ được thắp nhang trước quan tài, rồi tôi đứng nghiêm chào kính trước tấm di ảnh. Sau đó tôi đứng nghiêm bên cạnh quan tài bắt đầu thi hành nhiệm vụ một giờ trực canh.

Tôi nhìn lên một chiếc đồng hồ gắn ở trên tường: 8 giờ 10 phút. 

 Sáng nay, sau lễ thượng kỳ đầu tuần tại sân trước Tổng Cục Chiến Tranh Chính Trị, hạ sĩ Đê ở Phòng Dân Vận/Khối Kế Hoạch đưa tôi tờ Sự Vụ Lệnh nói:

– Này, Trung úy Thiết, tôi chắc có sự lầm lẫn ở đây. Thường thì không bao giờ họ xếp công tác tuần tiễu và trực canh cùng một ngày. Trung úy có thể khiếu nại bên phòng Nhân viên.

Xem tờ SVL tôi đáp:

– Họ không lầm đâu. Dạo này chiến sự gia tăng. Ngày nào cũng có tử sĩ từ chiến trường đổ về. Tổng Cục không đủ túc số sĩ quan để phân phối công tác. Không sao. Tôi có thể làm hai việc một lúc: trong lúc xe tuần tiễu đậu ở một nơi gần gia đình tử sĩ, tôi có thể đi bộ đến chỗ trực canh khoảng một tiếng, như vậy cũng tiện, khỏi phải đi xe riêng.

Sự Vụ Lệnh ghi tôi chỉ huy toán tuần tiễu từ 6 giờ chiều cho đến 12 giờ đêm. Từ 8 đến 9 giờ tối là giờ tôi trực canh quan tài tử sĩ: Đại uý Huỳnh Văn Bôn, địa chỉ: 1024/36B hẻm Lê Văn Duyệt, Sài Gòn.

Gian phòng im lặng. Bà cụ đã vào lại trong nhà. Cô gái lúc nẫy ngồi yên  dưới ánh sáng ngọn đèn chụp, hình như đang học bài. Tôi tự hỏi, cô này là vợ hay là em gái của tử sĩ Bôn? Chắc là em gái vì trông cô quá trẻ để là vợ người quá cố trong ảnh. Qua một cái cửa sổ nhỏ nơi vách tường ngăn đôi phòng trong và phòng khách, tôi có thể trông thấy cô đang ngồi cắn bút suy nghĩ. Cô đang học luyện thi Tú Tài?

Liếc nhìn quan tài bên cạnh, tôi lại tự hỏi không biết Đại úy Bôn này thuộc Sư đoàn nào, chết ở chiến trận nào. Có phải ở An Lộc không? Nếu đúng thế thì anh ta có biết anh Hoà không? Đại úy này chết trước hay sau anh Hoà?

Anh vợ tôi, Trung úy Nguyễn Thái Hoà, cũng vừa chết tại chiến trường An Lộc. Một cái chết oan uổng. Anh tử trận không phải do pháo địch mà do đạn của đồng đội, lại chết vào ngày tàn của chiến cuộc An Lộc, khi Cộng quân đã bắt đầu ngớt pháo kích và tình hình thị xã An Lộc tương đối sáng sủa và an ninh đủ để Tổng Thống Nguyễn Văn Thiệu đáp trực thăng xuống thị xã đi thanh tra và gắn lon thăng cấp cho một số sĩ quan Sư đoàn 5 Bộ Binh vào ngày mồng 7 tháng 7 năm 1972. Anh Hoà lúc ấy giữ chức vụ Tiểu đoàn phó thay thế một vị Đại uý tử trận, và với chức vụ mới này anh được Tổng Thống đặc cách gắn lon Đại úy tại mặt trận cho anh. Không may, anh chỉ đeo lon Đại úy được có vài giờ đồng hồ. Tối hôm đó, anh tử trận khi anh nhào xuống hố tránh pháo kích. Anh không chết vì pháo địch mà chết vì đạp nhầm quả đạn M79 do đồng đội phóng đi. Quả đạn này không nổ vì chưa đủ số vòng quay, nó nằm sẵn như một quả mìn ở dưới hố từ hồi nào không biết, chỉ chờ có ai đụng phải để phát nổ.

Tin anh vợ tôi chết đến với tôi thật bất ngờ, khiến tôi sửng sốt. Mới đó mà… Lần cuối hai anh em gặp nhau chỉ vài tháng trước. Anh từ Bình Dương về Sài Gòn nghỉ phép. Chúng tôi kéo nhau đến rạp Đại Nam đường Trần Hưng Đạo xem cuốn phim mới chiếu mang tên Đường Sơn Đại Huynh do Lý Tiểu Long đóng.

Gian phòng nóng hừng hực. Cái nóng của Sài Gòn tháng Bẩy. Bộ quân phục mới tinh và thẳng nếp tôi chỉ dùng trong các dịp nghi lễ, nó cứng ngắc và nóng làm tôi bực bội. Tôi cảm giác những giọt mồ hôi trong người như vã ra chẩy thành từng dòng trên sống lưng.

Không khí trong phòng lẫn trong mùi nhang trầm còn có thoảng một mùi thum thủm rất đặc biệt – mùi tử khí – toát ra từ kẽ nắp quan tài. Tôi đã sống và cố làm quen với mùi đó từ mấy tháng nay khi chiến tranh leo thang. Xác tử sĩ trong các quan tài đóng thô sơ đổ về nhiều khiến hầu như tuần nào tôi cũng phải trực canh. Tôi nhớ lại quang cảnh nghĩa trang quân đội Biên Hòa hôm đi chôn cất ông anh vợ. Trên đồi cao, trong một gian trống lợp tôn, hàng chục chiếc quan tài xếp ngay ngắn chờ thân nhân đến nhận để chôn cất. Ánh nắng hè gay gắt dội trên mái tôn, những chiếc quan tài ở dưới như bị thiêu nóng, toả mùi xác chết nồng nặc, khiến chúng tôi ai nấy bôi dầu Nhị Thiên Đường lên tay lên mặt lên mũi mà vẫn không át được mùi hôi thối. Mặc dầu vậy, mấy chục thân nhân tử sĩ, những bà mẹ, những người vợ, vẫn ôm lấy những chiếc quan tài ấy mà than khóc thảm thiết.

Từ ngoài cửa một thằng bé chạy vụt vào nhà. Có tiếng gọi to của cô gái:

– Hùng! Mày đi đâu mãi từ chiều bây giờ mới về? Vào phòng lấy sách ngay cho tao rồi ra đây làm toán.

Thằng bé tên Hùng tiu nghỉu lấy cặp sách rồi ra phòng khách ngồi với chị nó.

Trên chiếc đồng hồ gắn trên tường kim chỉ 8 giờ 36 phút.

Khoảng hơn hai tuần lễ trước khi anh Hoà mất, tôi điện thoại nói chuyện với anh được hai lần. Hai lần đó đều vào ban đêm khi tôi trực đêm tại Tổng Cục/ CTCT. Vào văn phòng Trung Tướng Trần Văn Trung, tôi dùng điện thoại của Trung Tướng Tổng Cục Trưởng gọi về Bộ Chỉ Huy SĐ 5 ở An Lộc xin nói chuyện với Trung uý Nguyễn Thái Hòa. Chỉ có cách dùng đường dây đặc biệt này tôi mới liên lạc được với An Lộc vì chiến trường ở đây lúc này rất ác liệt. Cả hai lần gọi điện thoại tôi đều nghe tiếng pháo kích vọng ở đầu dây. Lần gọi đầu, tôi hỏi anh Hòa anh cần thứ gì nhất trong lúc này. Anh nói ngay: “Thuốc lá! Hết mẹ nó thuốc Quân Tiếp Vụ từ mấy tuần nay rồi, sống sao nổi”. Lần thứ hai, không để tôi nói, anh nói ngay, giọng khẩn trương: “Nói với Vân là anh Lê Bắc Việt con bác Thiệu mới chết trận. Vân báo ngay cho bác Thiệu. Nhớ nghe, Trung uý Lê Bắc Việt!”. Lần thứ ba tôi gọi, Bộ Chỉ Huy SĐ 5 cho biết không liên lạc được với Trung uý Nguyễn Thái Hoà. Họ không cho biết lý do. Sau này tôi mới biết là anh Hoà đã đi theo anh Việt khoảng một tuần lễ sau đó.

Nhớ đến mấy đêm trực tại Tổng Cục/CTCT và gọi điện thoại nói chuyện với anh Hoà, tôi lại nghĩ tới Trung tá Ngô Văn Hùng, Trưởng khối Kế hoạch, xếp trực tiếp của tôi, thỉnh thoảng cũng trực đêm tại đó. Làm việc dưới quyền Trung tá Hùng trong mấy năm ở Tổng Cục, tôi là người rất thân cận với ông.

Sau khi tốt nghiệp khoá 2/68 quân trường Bộ Binh Thủ Đức, tôi làm việc tại phòng Tâm Lý Chiến của quân trường này, phụ trách tờ Nguyệt san Bộ Binh. Làm công việc của một sĩ quan Chiến tranh Chính trị, nhưng lúc đó tôi chưa nhập Ngành, quân số vẫn thuộc Khối Dự Trữ của trường Bộ binh, nên bất cứ khi nào chiến trường cần thêm sĩ số, tôi vẫn có thể bị gọi đi bổ sung tác chiến. Một người em họ tôi là nhà văn Thế Uyên quen biết khá thân với Trung tá Ngô Văn Hùng có trình bầy với ông về tình trạng quân ngũ của tôi và nhờ ông giúp để tôi phục vụ tại Tổng Cục/CTCT. Trung tá Hùng gửi tôi theo học khoá 6 Căn bản CTCT tại trường Đại học Chiến tranh Chính trị Đà Lạt để tôi chính thức nhập Ngành trước khi ông can thiệp cho tôi về làm việc tại Khối Kế Hoạch.

Dáng người cao cao gầy gầy, đôi mắt qua cặp kính cận lúc nào cũng ánh lên vẻ nhiệt huyết, Trung tá Ngô Văn Hùng là một quân nhân rất đặc biệt của ngành Chiến tranh Chính trị. Ông làm việc bất kể ngày đêm, buộc nhân viên dưới quyền phải làm việc hăng như ông khiến thuộc cấp nhiều người không ưa. Trung tá Hùng luôn luôn thao thức ưu tư về thời cuộc. Trong một buổi trực đêm tại Tổng Cục, Trung tá nói với tôi ông vừa đi xem một vở kịch của nghệ sĩ Kim Cương, và hết hồn thấy nội dung vở kịch rõ ràng là tuyên truyền cho Việt cộng, thế mà chính quyền vẫn làm ngơ như không biết. Ông bực tức nói: “Thế này thì mất nước đến nơi rồi!” Lúc ông nói với tôi câu đó tôi không thể ngờ rằng điều ông nói trở thành sự thật chỉ mấy năm sau và ông phải trả một giá rất đắt cho lời tiên đoán của mình: từ ở bên Mỹ tôi nghe tin Trung tá Ngô Văn Hùng chết vì ngộp thở trên chuyến tàu hỏa chở tù nhân cải tạo ra Bắc không lâu sau ngày 30 tháng Tư.

– Mày ngu lắm! Bài toán dễ thế mà cũng làm trật. Làm lại đi! Lười biếng như mày không chịu học mai sau đi lính thì ráng mà chịu.

Tiếng mắng gắt khá lớn của cô gái làm đứt dòng suy nghĩ của tôi. Tôi nhìn đồng hồ: 8 giờ 45.

Có tiếng dép lẹp xẹp của bà cụ từ trong nhà đi ra. Bà nhìn tôi ái ngại nói nhỏ nhẹ:

– Thôi con! Con nghỉ đi. Uống miếng nước đi. Này, tách nước trà của con còn nguyên đây này.

Tôi làm lơ, nhìn thẳng, vờ như không nghe bà cụ nói. Tôi biết bà cụ thương hại tôi trời nóng mà cứ đứng mãi không nghỉ. Bà cũng không hiểu sao tại sao tôi đứng như trời trồng bên cạnh quan tài để làm gì, cũng như những đứa trẻ con trong xóm thường chỉ trỏ xì xầm nhìn tôi mỗi lần trực canh. Không một ai hay biết đây là nhiệm vụ của một sĩ quan Chiến tranh Chính trị trong công tác dân vận uỷ lạo gia đình tử sĩ. Việc chào kính và trực canh quan tài thể hiện sự tôn kính đối với người đã hy sinh, theo kinh nghiệm của tôi, an ủi thân nhân tử sĩ rất nhiều, hơn hẳn mọi sự ủy lạo khác. Riêng tôi thực thi công tác trực canh cũng là một hình thức tỏ lòng biết ơn những chiến sĩ tác chiến ở tuyến đầu, trong khi mình được may mắn ở hậu cứ an toàn.

Khoảng gần 6 giờ chiều tôi lái xe gắn máy tới Cục Tâm Lý Chiến đường Hồng Thập Tự gần cầu Thị Nghè. Tại đây, trên một xe nhà binh Dodge 4, tôi chỉ huy một toán 3 người: một tài xế binh nhì, một hạ sĩ quan Tâm Lý Chiến và một hạ sĩ quan Quân Cảnh.

Thực chất của công tác tuần tiễu là truy lùng những phần tử trốn quân dịch, hay nói nôm na là đi “bắt lính”. Hồi ấy, những xe tuần tiễu thường đậu tại các ngã Năm ngã Sáu nơi có đông đúc xe cộ qua lại. Xe đậu, tôi và tàì xế ngồi chờ trên xe. Với điếu thuốc lá Quân Tiếp Vụ trên môi, tôi ngó ra ngoài cửa xe quan sát xe cộ chằng chịt qua lại vào giờ tan sở, lâu lâu ghé mắt xem hai thuộc hạ của mình chặn những xe gắn máy xem xét giấy tờ dân chúng.

Tôi dám chắc là trong số những độc giả lớn tuổi hồi đó sinh sống ở Sài Gòn đều có ít nhất một lần bị quân cảnh chặn lại hỏi giấy tờ tuỳ thân, bởi vì chính tôi đã nhiều lần bị quân cảnh chặn hỏi và phải trình tấm thẻ căn cước quân nhân này những khi tôi ra đường mặc thường phục.

Là trưởng toán, tôi không trực tiếp hỏi giấy tờ dân chúng. Nhiệm vụ của tôi là xem xét những trường hợp nghi ngờ và quyết định để họ đi hay mời họ lên xe đưa về Quân Vụ Thị Trấn điều tra thêm.

Trong những lần đi tuần tiễu như vậy, tôi thường quyết định thả họ đi chứ không mang họ về QVTT. Hạ sĩ quan dưới quyền có lần nói với tôi: “Trung uý dễ dãi quá”. Thật ra tôi có cách riêng để điều tra mà các hạ sĩ quan này có thể không biết. Hồi đó, đa số những thanh niên trong tuổi quân dịch không phải nhập ngũ vì họ được hoãn dịch với lý do học vấn. Để chứng minh, họ phải trình thẻ sinh viên. Quân cảnh thường giao cho tôi quyết định về số phận những thanh niên khai họ là sinh viên nhưng lại quên mang thẻ SV để chứng minh. Tôi chỉ việc hỏi là họ học ở Đại học nào, nói tên vài giáo sư cùng môn dậy của các giáo sư đó. Câu trả lời của họ cho tôi biết ngay anh ta có phải là sinh viên thật hay không.

Có tiếng bà cụ hỏi cô gái:

– Con có thấy lọ dầu Nhị Thiên Đường của mẹ để ở đâu không?

Cô gái trả lời:

– Hình như mẹ để ở trên bàn trong bếp. Để con đi lấy.

Cô gái rời bàn học đi vào bếp. Khi đi qua chỗ tôi đứng cô liếc nhìn tôi rồi lại nhìn lên đồng hồ tường: 9 giờ 02 phút.

Khoảng 7 giờ rưỡi chiều, tôi ra lệnh tài xế rời địa điểm tuần tiễu ở Ngã Sáu Sài Gòn theo đường Lê Văn Duyệt dò tìm số nhà cố Đại uý Huỳnh Văn Bôn, rồi tôi chỉ định đậu xe ở một ngã Năm gần đó. Ngã Năm này nằm trên đường Lê Văn Duyệt, chỗ một bùng binh có đường rầy xe lửa chạy ngang và có ba đường Yên Đổ, Hiền Vương, Trần Quốc Toản đâm vào.

Trời bắt đầu tối khi tôi bước vào con hẻm. Tuy đã tối, cơn nóng ban ngày vẫn chưa giảm. Từ ngã năm Lê Văn Duyệt đi bộ đến đây chưa đầy nửa cây số mồ hôi đã rịn trên trán. Hai bên hẻm là những căn nhà thấp cửa mở toang. Trước hiên nhà, mấy bà già đứng phe phẩy chiếc quạt giấy, bọn trẻ con bận quần cụt chạy lăng xăng trong hẻm giành nhau một quả bóng đá.

Đi qua được mươi căn nhà, tôi thấy một căn thắp đèn sáng trưng, có mấy người bận đồ tang đứng trước cửa, tôi tiến lại gần. Bên trong là một quan tài đặt chính giữa phòng. Lá quốc kỳ phủ trên cho biết trong quan tài là một tử sĩ.

Tôi hỏi một thanh niên đứng trước cửa:

– Có phải đây là nhà của cố Đại úy Bôn?

Anh ta lắc đầu. Tôi giơ tờ Sự Vụ Lệnh hỏi anh ta lần nữa:

– Số nhà này có phải 1024/36B không?

Anh ta lại lắc đầu, vẫn không trả lời.

Một thằng bé đứng ngay cạnh tôi nói:

– Ông ơi, ở cuối hẻm này cũng có một người vừa chết trận. Có lẽ đó là nhà của ông Đại úy. Để tôi dẫn ông đi.

Nói xong nó xăm xăm đi trước. Đến cuối đường hẻm, thằng bé dẫn đường chỉ vào một căn nhà. Tôi cẩn thận đọc số nhà 1024/36B ghi trên vách tường trước khi bước vào trong nhà vì cửa trước mở toang. Bên trong là một phòng khách nhỏ có một chiếc bàn tròn và hai ghế nệm thấp. Một thiếu nữ với băng tang trắng trên đầu ngồi sau một bàn học đang đọc sách dưới ánh sáng một ngọn đèn chụp, thấy tôi cô vội vã đứng dậy. Tôi cất tiếng hỏi:

–Thưa cô, đây là nhà của cố Đại úy Bôn?

Cô gái khẽ gật đầu rồi nói nói to vào bên trong:

– Mẹ ơi, có khách.

Tôi bước vào phòng trong. Dưới ánh sáng lờ mờ của hai ngọn nến cạnh một quan tài đặt chính giữa phòng tôi nhìn thấy di ảnh của Đại uý Bôn với ba bông mai đen trên ve áo trận.

Tôi nhìn lên chiếc đồng hồ gắn trên tường: 9 giờ 10 phút.

Một giờ trực canh vừa hết.

Tôi nghĩ đã đến lúc phải trở lại xe tuần tiễu đậu ở Ngã Năm. Đứng nghiêm trước quan tài tôi giơ tay chào kính lần cuối.

Lần này, không nhìn vào di ảnh Đại úy Bôn, tôi chào lá cờ vàng ba sọc đỏ phủ trên nắp quan tài.

Trí tôi thoáng hiện hình ảnh lá quốc kỳ ấy phất phới trên đỉnh cột cờ trước sân Tổng cục Chiến tranh Chính trị trong lễ thượng kỳ sáng nay. Dưới sự chỉ huy của Đại tá Nguyễn Văn Thái, Tham mưu trưởng Tổng cục/CTCT, gần trăm sĩ quan, hạ sĩ quan và binh sĩ ngành CTCT đứng thành hình chữ U hướng về lá quốc kỳ.

Này công dân ơi…

Trong số những quân nhân cất cao giọng hát quốc ca vào các buổi lễ thượng kỳ đầu tuần, tôi thỉnh thoảng nhận diện được vài khuôn mặt nổi tiếng  của ngành CTCT như là Trung tá Tạ Tỵ, Đại úy Du Tử Lê thuộc Cục Tâm Lý Chiến và Thiếu tá Sĩ Phú thuộc Khối CTCT/Không Quân.

*

Hôm nay, 50 năm trước, trưa ngày 30 tháng Tư năm 1975, một đoàn tàu di tản nối nhau tiến về biển Cần Giờ.

Phía trước tôi, miệng sông Sài Gòn mở rộng. Vũng Tàu, thành phố của biển và của tuổi trẻ tôi, với hàng thùy dương hình cánh cung nơi bãi trước, với mái ngói đỏ tươi của ngôi biệt điện Thành Thái nằm lưng chừng một ngọn núi cao, với tháp hải đăng chót vót trên đỉnh, thành phố ấy đang nhỏ dần, lùi xa. Tôi nhìn lần cuối quê hương của mình cho đến khi dải màu xanh của rừng tràm mỏng dần đi rồi biến mất vào đường chân trời.

Hàng trăm chiếc tàu và thuyền bè di tản lũ lượt tiến ra khơi về miền vô định. Trên lòng biển bao la, trông chúng bé nhỏ và mong manh như những chiếc lá liễu.

Trên chiếc tàu mang tên Tourane 3, đoàn người di tản trong số có tôi sau đó được chuyển qua một chiến hạm của hải quân Việt Nam, chiếc HQ16 trực chỉ hướng đông đến Phi Luật Tân. Nơi đây, trước khi trao trả chiếc chiến hạm này cho hải quân Mỹ, một buổi lễ hạ kỳ được tổ chức đơn giản trên boong chiếc HQ16.

Mấy trăm người di tản gồm cả quân nhân lẫn dân sự, cả nam lẫn nữ thuộc đủ mọi lứa tuổi nhìn chiếc cờ ba sọc đỏ – ba dòng máu khô – đang từ từ hạ xuống trong buổi chiều vàng của vịnh Subic Bay.

Buổi hạ kỳ chấm dứt chóng vánh và trong sự lặng lẽ. Không tiếng kèn. Không quốc ca. Chỉ có những tiếng nức nở.

Nguyễn Tường Thiết
Seattle, tháng Tư năm 2025