
Một nửa thế kỷ đã trôi qua. Năm mươi năm không phải là một
thời gian ngắn, đã bao thăng trầm trải qua trong một đời người nhưng tại sao
chúng ta không bao giờ quên được ngày ấy: ngày 30 tháng Tư 1975. Thi sĩ Thanh
Nam trong những năm tháng đầu của đời sống lưu vong, đã ngậm ngùi trong nỗi buồn
“một năm người có mười hai tháng, ta trọn năm dài một Tháng Tư.” Người ta
muốn ngụy biện đó là ngày “Thống nhất đất nước” hay là ngày “Giải phóng miền
Nam” thì đối với những người tỵ nạn Cộng Sản như chúng tôi ngày đó vẫn là ngày
“MẤT NƯỚC,” ngày chúng tôi mất đi phần đất thân yêu ở đó chúng tôi đã được sống
trong bầu không khí tự do để hy vọng một ngày nhìn thấy nửa phần bên kia của đất
nước cũng có cuộc sống như chúng tôi. Tuy cuộc chiến đã ngày càng khốc liệt,
người dân ít am hiểu chính trị vẫn tin vào sự chống trả của Quân đội Miền Nam
mà không biết rằng số phận của Việt Nam đã đặt trên bàn cờ Quốc Tế và Miền Nam
Tự Do chỉ là quân cờ thí. Đã năm mươi năm trôi qua nhưng vết thương chưa lành,
mỗi năm đến tháng Tư chúng ta lai quặn đau nghĩ về những ngày kinh hoàng
đó.
Những ngày đó, gia đình tôi cũng như bao người khác, đều
sống trong lo lắng hoang mang. Chiến tranh như càng tiến gần vào Thành phố. Đêm
đêm tiếng đạn pháo kích nổ rền, buổi sáng, qua đài phát thanh, người ta được
nghe những tổn thất về nhân mạng đáng kể. Quân “cách mạng” không cần biết mục
tiêu của họ nữa mà chỉ muốn khủng bố tinh thần dân chúng nên đã nã súng vào cả
các trường học và những khu đông đúc dân cư với mục đích gây hoảng loạn và càng
gây khó khăn cho nhà cầm quyền. Các cuộc di tản trong âm thầm trở nên
công khai, ai cũng tìm đường chạy trốn “quân giải phóng.” Người dân rất hoang
mang sợ hãi không biết quyết định ra sao vì mọi sự xẩy ra quá nhanh chóng. Tình
hình càng ngày càng trở nên bất ổn, Người ta tràn vào các cơ sở Mỹ đã bỏ
ngỏ để khuân và chở đi những đồ vật bị bỏ lại. Riêng tôi vì phục vụ trong một
cơ quan có liên hệ nhiều với người Mỹ nên cũng có tên trong danh sách được di tản
qua Tòa Đại Sứ. Nhưng vì không muốn rời khỏi quê hương, tôi cứ nấn ná không đi
lấy danh sách lên máy bay mà chờ cho đến khi tòa Đại Sứ Mỹ phải đóng cửa vì quá
đông người tìm cách tràn vào khiến các quân nhân người Mỹ không giữ được trật tự
và việc kiểm soát an ninh trở nên quá chặt chẽ, gây khó khăn cho tất cả mọi người.
Sáng hôm 25 tháng Tư 1975 tôi đến Tòa Đại Sứ Mỹ với hy vọng
lấy danh sách lên máy bay tại Tân Sơn Nhất. Mới đằng xa đã thấy rất đông người
đang chen chúc tranh nhau để được lọt vào trong. Tôi lại gần một quân nhân Việt
Nam đứng giữ trật tự, e dè hỏi làm sao vào được để lấy giấy tờ thì ông ta nói:
“Tôi đến gác từ 5 giờ sáng đã thấy trong sân đầy người và càng lúc càng đông,
bà không có hy vọng vào được đâu.” Tôi đành phải ra về, hy vọng tìm được phương
cách khác. Rồi tin xấu cứ dồn dập: Tổng Thống Thiệu từ chức, thủ tướng của
chính phủ mới thành lập kêu gọi cơ quan quân sự đóng tại phi trường Tân Sơn nhất
phải rời khỏi Saigon trong 24 tiếng, tiếp theo là phi trường Tân Sơn Nhất bị dội
bom làm tuyệt đường di tản bằng hàng không. Tôi thất vọng đành tìm một vài chỗ
mách mối đi đường thủy. Có người quen làm tại hãng xăng dầu hẹn sẽ đón gia đình
tôi tối 28 tháng tư bằng xe cứu thương chạy trước và chúng tôi lái xe chạy sau
ra bến tàu vì lúc đó giới nghiêm 100/100 không có xe tư nhân nào được chạy
ngoài đường. Tôi về đổ đầy bình xăng chiếc xe hơi, tập họp gia đình, sắp một số
đồ dùng tối thiểu và tất cả đều chờ trong hồi hộp. Nhưng mọi sự đã không xẩy ra
trong đêm như chúng tôi dự tính mà chỉ có tiếng pháo kích rít trên không trung,
nổ ầm ầm chung quanh và ngay cả giữa thành phố. Tôi chết lặng nghĩ đến chiếc xe
hơi đầy xăng, nếu chẳng may trúng pháo kích sẽ phát nổ và chúng tôi sẽ chết
không vì đạn pháo kích mà vì ngọn lửa từ bình săng đầy ắp. Hai, ba ngày sau
cũng vẫn những giờ phút nghẹt thở cứ tái diễn, những người quen hẹn giúp chúng
tôi không đến như đã hẹn. Họ đã bỏ rơi chúng tôi có lẽ vì ai cũng cần trốn chạy
trong thời gian quá quẫn bách.
Sáng 30 tháng Tư trong lúc toàn dân đang ở trạng thái tuyệt cùng của căng thẳng
thì từ đài phát thanh Tướng Dương Văn Minh kêu gọi các quân nhân đang chiến
đấu buông súng. Chúng tôi ai cũng bưng mặt khóc cho sự bức tử của Nền Cộng Hòa
đã bao bọc chúng tôi trong 20 năm từ khi rời bỏ miền Bắc Cộng Sản. Sau đó là
tình trạng hỗn loạn chưa từng thấy: từ các căn cứ quân sự nay đã bỏ ngỏ một
nhóm người vô ý thức đã lợi dụng thời cơ tràn vào chiếm các quân xa, lái vòng
vòng trong thành phố, miệng reo hò và nổ súng chỉ thiên để áp đảo tinh thần những
người dân lương thiện. Trên đường phố: áo quần, giẩy cao cổ của các quân nhân vứt
ngổn ngang, một cảnh tượng thương tâm làm chúng tôi rơi nước mắt là hình ảnh những
người lính cởi trần, đi chân đất lang thang trên đường, không biết về đâu khi
đơn vị tan rã. Những người lính ấy, trước khi nhận lịnh buông súng đã anh dũng
bảo vệ Miền Nam trong bao năm, giờ đây phải cởi bỏ quân phục vì sự trả thù sẽ
nhắm vào họ. Khi màn đêm phủ xuống, chúng tôi tưởng được tạm yên để đón chờ những
bất trắc của ngày mai, nhưng vừa nằm xuống, chưa chìm vào giấc ngủ thì đã nghe
tiếng gạch đá rào rào trên mái nhà. Sự kiện này tiếp diễn vài lần và khi chấm dứt
chúng tôi nghe tiếng ông hàng xóm vang lên trong đêm vắng: “Tụi bay đừng làm vậy,
họ có tội thì để nhà nước xử.” Thì ra chính ông đã từ trên lầu 3 ném đá lên mái
nhà chúng tôi và đã thay mặt “nhân dân” phán quyết chúng tôi là những người có
tội. Từ đấy chúng tôi luôn sống trong lo sợ, không biết “cách mạng” sẽ trừng phạt
những người di cư 54 như chúng tôi ra sao. Sau này, lúc họp tổ để báo công, tôi
mới được biết ông hàng xóm đó làm y tá trong Bệnh Viện Cộng Hòa. Ông kể lại rằng
ông thường xuyên báo cáo số thương binh được chở vào chữa trị và ông còn cho tọa
độ của bệnh viện Cộng Hòa để quân cộng sản pháo kích cho đúng! Chúng ta đã mất
Miền Nam với sự phụ giúp của lực lượng nằm vùng như thế. Chưa kể đến một số người
núp dưới bóng các nhà sư gây thêm xáo trộn bằng cách khiêng bàn thờ Phật xuống
các ngả đường tạo nên một không khí đấu tranh đượm mầu sắc Tôn Giáo.
Sáng 1 tháng 5, vì là công chức nên tôi vẫn phải vào trình
diện để bàn giao dụng cụ và tài sản của đơn vị nơi tôi phục vụ. Vụ kiểm
kê rất tỉ mỉ được diễn ra trong ngày hôm đó vì ban Quân Quản sợ tài sản bị tẩu
tán ra ngoài, trong khi tâm trạng chúng tôi thì chán chường khôn tả. Ôi, “mất
nước là mất tất cả” như lời người lãnh đạo đã cảnh cáo chúng tôi, thì những vật
dụng trước mắt có là gì để chúng tôi tẩu tán! Những ngày sau đó, mỗi sáng đều
có màn chào cờ trước khi nhân viên bắt đầu làm việc. Tôi là nhân viên biệt phái
từ Bộ Giáo Dục qua Bộ Y Tế, Ban Quân Quản chưa biết xử trí ra sao nên tôi đã trốn
những buổi chào cờ ấy. Đứng trong văn phòng, tuy cửa sổ trông ra sân chào cờ đã
đóng kín nhưng khi tiếng hát “Đoàn quân Việt Nam đi…” vọng vào, tôi đã khóc nghẹn
vì nghĩ đến những buổi chào cờ “Này Công Dân ơi” nay đã là quá khứ.
Những ngày sau giải phóng đó toàn dân đã nếm mùi cay đắng của phe thua cuộc, bắt
đầu là kiểm kê văn hóa, mọi sách báo đang được dùng đều được liệt kê là đồi trụy,
được gom lại chất đống trên đường và những ngọn lửa bạo tàn đã đốt cháy cả một
nền văn hóa mà người ta không còn bao giờ vực dậy được nữa. Rồi đến kiểm kê tài
sản: tất cả các tiệm buôn lớn nhỏ đều nằm trong mục tiêu này. Sáng sớm đoàn kiểm
kê tràn vào các cửa hàng, họ đếm từng món hàng còn lại từ các kệ hàng đến kho dự
trữ, khi các món này đã nằm trong danh sách kiểm kê những chủ nhân có bổn phận
giữ để không thất thoát cho đến khi nhà nước có lệnh tịch thu. Khủng khiếp nhất
là giai đoạn đổi tiền, chỉ qua một đêm, sáng hôm sau toàn dân đã trở thành vô sản:
bằng cách đổi tiền này nhà nước đã bần cùng hóa nhân dân. Thể lệ đổi là 1 đồng
tiền cách mạng bằng 500 đồng tiền cũ và mỗi nhà chỉ được đổi lấy 200 đồng tiền
mới. Có nhiều gia đình không có đủ số 100.000 tiền cũ để đổi lấy 200 đồng
tiền mới nhưng cũng có người nuốt nước mắt nhìn số tài sản dành dụm trong bao
nhiêu năm nay trở thành đống giấy vụn. Trong vùng Chợ Lớn có những nhà buôn lớn
người Trung Hoa quá giầu có đã ôm khối tài sản tiền mặt nhẩy từ bao lơn những
tòa nhà cao từng xuống mặt đường để tự vận. Đây là trận chiến “đánh Tư Sản“ rất
thành công của nhà nước cách mạng. Người dân kiệt quệ phải bán đi những tài sản
cuối cùng mà họ có: giường tủ, bàn ghế, TV, tủ lạnh, máy may, nồi cơm điện và
luôn cả nồi niêu và bát đĩa đều được bầy bán tên hè phố và được chiếu cố rất tận
tình bởi những người đi “giải phóng.”
Trên đây là chính sách trả thù công khai của phe thắng cuộc,
sau đấy là một cuộc trả thù tinh vi hơn mà người ta không thể ngờ được: “Chính
sách tập trung cải tạo.” Theo Thông Cáo thì những nhân viên Hành chánh từ cấp
chủ sự và quân nhân từ cấp Hạ sĩ chỉ tập trung học tập trong 10 ngày; những người
này sau 10 ngày đã được trở về đúng thời hạn. Về các cấp cao hơn : hành chánh từ
Giám Đốc đến Bộ Trưởng và quân đội từ cấp Úy đến cấp Tướng đều phải tập trung
và mang lương thực trong 1 tháng. Với hy vọng được sống bình thường sau thời
gian đó, mọi người đã tuân thủ lịnh tập trung này; nhưng những người ra đi đã
không trở về theo như thông cáo mà thật ra họ đã vào tù không có ngày về. Sau
thời gian 1 tháng không thấy thân nhân trở về, tin tức vắng bặt, mọi gia đình đều
sống trong nỗi hoang mang không biết chồng con cha anh họ ở đâu. Một thời gian
sau có thông báo cho các gia đình được gửi lương khô cho thân nhân. Gói quà 2kg
chỉ được mang tên người nhận với một mã số chỉ định cho từng người để người ta
không đoán biết nơi giam giữ những người tù này. Trong khi đó nhà nước đang bí
mật chia họ ra từng nhóm, có nhóm được ở lại miền Nam, nhóm khác bị đưa ra những
miền cao nguyên phía Bắc. Với khí hậu khắc nghiệt, với cách đối xử dã man, tra
tấn, biệt giam, lao động khổ sai, một số đã bỏ mình nơi thâm sơn cùng cốc.
Trang Sử đẫm máu và nước mắt này đã được viết lên sau khi một số được trả tự do
và ra về với một thân thể tàn tạ. Họ đã bị cướp đi tuổi thanh xuân và sức sống
của một đời người.
Một thời gian sau khi đã đưa các tù nhân vào các trại giam, nhà nước lại ra một
chính sách “khoan hồng” mới: cho gia đình được đi thăm nuôi tù cải tạo. Chính
sách này mở ra một phần vì họ không có đủ lương thực để cung cấp cho những người
tù khốn khổ để khai thác sức lao động của họ, mặt khác họ cũng lợi dụng để bớt
phần quà bằng cách tịch thu thứ này thứ nọ mà họ cho là không hợp lệ. Nhờ vào
những gói quà tiếp tế mà đám cán bộ quản giáo và công an canh gác trại cũng bớt
đi phần nào sự hành hạ đối với những người biết lo lót. Những người thiếu may mắn
không có gia đình thăm nuôi cũng được anh em cùng phòng chia sẻ thức ăn tiếp tế
để cùng nhau sống lay lắt cho qua ngày.
Đến đây mới nhận thấy sự can đảm của người phụ nữ Việt Nam;
có những người lúc trước chỉ ở nhà nuôi dạy con cái, mọi chuyện bên ngoài đã có
người chồng lo lắng thì “nay một thân nuôi già dạy trẻ” như được tả trong Chinh
Phụ Ngâm nhưng so sánh thì người chinh phụ đời xưa cũng không phải vất vả như
người phụ nữ dưới thời hậu “giải phóng“ này. Phút chốc phải đương đầu với bao
khó khăn trước mắt với cái nhãn gia đình ngụy, với cái án treo “cắt hộ khẩu”
và đi kinh tế mới. Họ đã lao ra đời kiếm cách buôn bán luồn lọt để có tiền nuôi
đàn con thơ dại và dành dụm để nuôi chồng ở trong tù. Người ta vừa mừng vì được
gặp người thân lại lo tiền đâu để mua lương thực đi tiếp tế. Những người có
thân nhân bị đưa ra miền Bắc còn phải lo tiền mua vé tầu, xe để tới dược
những chốn xa xôi mà họ chưa bao giờ được biết đến. Nhưng họ đã vượt qua được tất
cả để ít nhất được nhìn lại những người thân ở tù không biết ngày về. Từ đó
trên các chuyến xe đò, xe lửa đông đúc, hỗn độn luôn có mặt những người vợ, người
mẹ len lỏi mang những bao, gói lương thực để ít nhiều gì cũng giúp cho những
thân nhân đang bị giam cầm sống được qua cơn đói rét trong những trại tù của miền
Bắc.
Cuộc sống quá khó khăn với bao đe dọa đã khiến cho cả những người lạc quan nhất
cũng bắt đầu nghĩ đến chuyện phải rời xa một nơi không còn sống được. Từ đó đi
đến đâu cũng nghe những lời rỉ tai bàn tán vượt biên. Người ta tổ chức những
chuyến đi đường bộ qua biên giới Miên, Lào và tiếp theo là những chuyến vượt
biên trên những chuyến tầu đánh cá mỏng manh và nhỏ bé. Thiên bi kịch “Thuyền
Nhân” đã ghi một nét đậm trong lịch sử để sau này hậu thế không đánh giá những
người bỏ nước ra đi là những kẻ “đu càng” theo máy bay Mỹ để hưởng chút bơ thừa
sữa cặn! Người ta đua nhau ra đi, những chuyến đi được bí mật tổ chức nhưng dù
có giữ kín bao nhiêu cũng không che dấu nồi lực lượng Công an giăng tỏa khắp
nơi. Nhiều người bị bắt nhưng sau khi chạy tiền để được thả ra họ lại tiếp tục
đi chuyến khác, có người đã phải liều mạng đến hơn 10 lần mới đi thoát. Tin tức
những chuyến đi đó không phải lúc nào cũng là tin vui: có những chiếc tầu nhỏ bị
sóng gió chìm ngoài khơi, có những chuyến gặp cướp, họ giết chết những đàn ông
đã chống cự lại họ rồi bắt đi các phụ nữ, tàn khốc nhất là những chuyến gặp hải
tặc hãm hiếp các phụ nữ và cả các bé gái còn rất trẻ. Những chuyện kinh hoàng
đó đã không làm chùn chân những kẻ quyết tâm. Họ vẫn ra đi trong nhiều năm sau
cho đến một lúc “tỵ nạn Cộng Sản” đã bị trà trộn với “tỵ nạn kinh tế” khi những
người từ Miền Bắc đã nhìn thấy có cánh cửa để thoát khỏi thiên đường XHCN mà họ
đã bắt buộc sống trong bao nhiêu năm. Gia đình tôi may mắn đã qua khỏi được bao
hiểm nguy đó, đã được đoàn tụ sau bao lần vượt biên thất bại. Nay ngồi ở một đất
nước Tự Do tôi hồi tưởng lại cơn ác mộng quá dài đã trải qua và vô cùng thương
sót cho những người không được may mắn, đã bỏ mạng trên đường đi tìm Tự Do ấy.
Năm mươi năm rồi, người ta đã cố tình bôi xóa sự xâm chiếm
Miền Nam Tự Do bằng mỹ từ “Giải Phóng“ và “Thống Nhất” nhưng vẫn không bôi xóa
được những đau thương mất mát trong lòng chúng tôi. Ngày 30 tháng Tư tại Việt
Nam người ta mở tiệc ăn mừng ngày chiến thắng trong khi người Việt lưu vong
chúng tôi vẫn kỷ niệm ngày QUỐC HẬN này. Năm 1954, khi xa lìa miền Bắc để di cư
vào Nam, chúng tôi chỉ có những ca khúc “Giấc Mơ Hồi Hương,” “Nhớ Về Hà Nội,”
nhưng năm 1975 chúng tôi có những ca khúc tha thiết não nùng hơn. Trong tháng
Tư đau thương này những ca khúc “Saigon Ơi Vĩnh Biệt,” “Người Di Tản Buồn,”
“Món Quà Cho Quê Hương,”và “Giọt Nước Mắt Cho Saigon” vv… lại vang vọng khắp
nơi và cả trong lòng chúng tôi. Ông Võ văn Kiệt nói: “Ngày này có một triệu
người vui cũng có một triệu người buồn.” Thưa Ông, đúng đấy. Tuy vậy con số của
Ông không chính xác lắm, tôi nghĩ có nhiều triệu người buồn hơn là người
vui. Mong rằng sau này lịch sử sẽ chứng minh được điều đó.
Vũ
Xuân Lan