Những ngày tháng sau hiệp định Paris năm 1972 ở các đơn vị tác chiến là khoảng thời gian dở khóc dở cười. Cuộc chiến vẫn còn nguyên nếu không muốn nói còn tàn khốc hơn trước nhưng mang giả danh hòa bình thay cho chính danh xưng chiến tranh trước đó. Những thương thảo giữa các phái đoàn bốn bên VNCH/ Hoa Kỳ/ Cộng sản Bắc Việt/ Mặt trận Giải phóng Miền Nam (MTGPMN), sau những thủ đoạn mánh lới đã sản sinh ra được một bản hiệp định mà các bên tham gia đều cho là thắng lợi ngoại trừ VNCH – nạn nhân trực tiếp của cuộc chiến. Trên các chiến trường từ khắp 4 vùng chiến thuật, máu vẫn đổ, người vẫn chết, bom mìn súng đạn vẫn không hề ngơi tiếng nổ. Hình thái chiến tranh cũng đổi khác, cộng sản chuyển từ thế thủ lén lút xâm nhập sang công khai di chuyển trên các huyết mạch giao thông dọc theo Trường Sơn, họ tổ chức các cuộc tấn công lấn đất giành dân khắp nơi. Phía ta chuyển từ thế công sang thế thủ, phòng ngự trên các cứ điểm, thành phố, thị trấn quan yếu. Quân đội Hoa Kỳ còn tất bật thu dọn đồ đạc để rút toàn bộ lực lượng ra khỏi chiến trường bỏ lại người bạn đồng minh đã từng chung vai chiến đấu trước đó không lâu để bảo đảm rằng Hoa Kỳ đã tuân thủ ‘nghiêm chỉnh’ những điều khoản được ký trong hiệp định. Những đại đơn vị chính quy cộng sản tổng trừ bị cùng xe tăng đại pháo, hỏa tiễn từ Miền Bắc ồ ạt vượt vĩ tuyến 17 vô Nam trên những đoàn con voi chạy ngày đêm để bổ sung quân số, vũ khí cho đám lính xâm nhập trước đó đã bị tiêu hao kiệt quệ trong chiến đấu. Ngọn roi B.52 đã không còn sau đòi hỏi ưu tiên của cộng sản yêu cầu chấm dứt mới chịu ký bản hiệp định. Có lẽ trong quân sử thế giới, chưa có đạo quân nào như VNCH chúng ta đã phải chiến đấu trong một tình trạng bi thảm đến như thế. Đạn dược, quân trang dụng bị cắt xén, giảm thiểu ngoài tiền tuyến cộng với một hậu phương sôi sục biểu tình hàng ngày do đám việt cộng nằm vùng phát động. Thủ đô Sài Gòn không có ngày nào được bình yên.
Trong tình hình như thế, đòi hỏi người lính VNCH phải tác
chiến có hiệu quả cao có phải là ảo tưởng không? Suy cho cùng, sự sụp đổ của Miền
Nam trong ngày 30 tháng Tư 1975 là điều có thể hiểu được, hợp logic. Chỉ có điều,
cho tới tận ngày nay, cuộc đổ tội lòng vòng từ dân sang lính, từ các chính
khách sang các nhà lãnh đạo cuộc chiến vẫn cứ kéo dài miên man mà có vẻ chẳng
ai thấy việc vong quốc ấy lại do chính mình trách nhiệm phần lớn.
Người viết nghĩ rằng cuộc chiến vừa qua là cuộc chiến tự vệ
của chúng ta chống lại cuộc xâm lăng của cộng sản Miền Bắc, khi chúng ta thua
trận, mất nước, toàn thể những ai nhận rằng mình là người quốc gia đều có lỗi.
Lỗi nặng nhẹ tùy vào vị trí hoàn cảnh từng người trong đội ngũ cuộc chiến.
Trong sự thất bại cay đắng Tháng Tư năm ấy, đành rằng nạn
nhân là tất cả những ai từng đứng chung dưới một mầu cờ vàng ba sọc đỏ nhưng bi
tráng hơn hết thẩy vẫn là những người lính VNCH. Trong chiến đấu, họ đã hy sinh
xương máu thậm chí cả tính mạng mình để bảo vệ non sông, khi chiến tranh chấm dứt
họ bị đối xử tàn tệ, dẫm đạp, bôi xấu bởi kẻ thù cộng sản là điều có thể hiểu
được nhưng bị bôi xấu bởi chính đồng minh là điều không thể hiểu nổi.
Song Vũ (đội nón sắt) cùng Tổng
thống Nguyễn Văn Thiệu + Trung Tướng Trần Văn Trung + Trung Tướng Lê Nguyên
Khang + Thiếu Tướng Phạm Văn Phú, tại căn cứ 801Pleiku, khi phái đoàn Tổng Thống
đến ăn Tết cùng đơn vị (Trung Đoàn 44BB) -Tết Ất Mão, ngày 11.2.1975. Ảnh tác
giả cung cấp.
Còn lại chăng trong những giờ phút bi tráng nhất của lịch sử
dân tộc, chúng ta còn thấy được gương tuẫn tiết hy sinh của các tướng lãnh Nguyễn
Khoa Nam, Trần văn Hai, Phạm văn Phú, Lê văn Hưng, Lê Nguyên Vỹ, một số sĩ
quan, cùng hạ sĩ quan binh sĩ khác trong ngày 30 tháng Tư năm ấy. Tấm gương tiết
liệt ấy là bằng chứng xác thực nhất chứng minh sự hào hùng dũng cảm của một đạo
quân đã lập nên bao chiến công trong suốt chiều dài cuộc chiến. Riêng người viết,
cứ mỗi lần tháng Tư đến lòng lại bùi ngùi xúc động hồi tưởng tới những vị anh
hùng vị quốc vong thân. Đời sống con người là hữu hạn, dù cho ở bất cứ địa vị
nào trong xã hội, cao thấp sang hèn, tiền muôn bạc đống cũng chẳng thể kéo dài
tuổi thọ ra mãi mãi, nhưng ngược lại có thể làm cho cuộc đời ngắn hơn qua những
chọn lựa cá nhân mình tùy theo hoàn cảnh mình đang sống. Lẽ sống chết, tử sinh
trong cuộc đời một người cầm súng rất khác với những người bình thường khác
trong xã hội. Có những quyết định hiện đến rất tình cờ chi xẩy ra trong chớp mắt
nhưng cũng có những quyết định được nhen nhóm trong lòng từ rất lâu sau khi mặc
bộ quân phục và nguyện thề một lòng trung chính phục vụ đất nước. Tôi vẫn nghĩ,
các vị anh hùng tuẫn tiết vừa nêu trên, những quyết định sống chết cùng non
sông đất nước ở trong trường hợp thứ hai. Chắc hẳn khi lựa chọn cái chết cho bản
thân, quý vị ấy chẳng hề nghĩ rằng sự ra đi của mình sẽ được hậu thế tưởng nhớ
hoặc theo gương mà đơn thuần chỉ là biểu hiện lòng trung thành với tổ quốc,
trách nhiệm với công việc không hoàn thành và sự thủy chung với đồng đội, và đặc
biệt là các vị đã ý thức rõ rệt việc bảo toàn danh dự danh dự của chính mình
thà chết không chịu sa vào tay giặc. Trong quân sử thế giới gần gũi với chúng
ta nhất là quân đội Nhật Bản trong Thế chiến thứ Hai. Khi nghe tin Nhật Hoàng
chấp nhận đầu hàng vô điều kiện để cứu dân thoát khỏi bị tiêu diệt bằng bom
nguyên tử, rất đông sĩ quan và binh sĩ Nhật đã tự mồ bụng mình tuẫn tiết. Chỉ
có điều khác biệt, thời gian sau đó là một quốc gia Nhật Bản đứng lên từ đổ nát
tan hoang xây dựng thành công một đất nước rạng danh thế giới chỉ ít chục năm
sau. Còn chúng ta thì không, dân chúng vẫn tiếp tục bị kìm kẹp áp bức tù đầy,
chỉ một thiếu số đảng viên cộng sản sống xa hoa đàng điếm trước một đại đa số
dân chúng sống trong nghèo khó đói rách.
Tháng Tư năm nay lại về. Vừa tròn 50 năm kể từ Tháng Tư năm ấy.
Biển dâu biến đổi, những đổi thay trong tình hình thế giới khiến cho tôi lại nhớ
tới tháng Tư năm ấy một lần nữa. Tôi muốn nói tới đất nước Ukraine. Cuộc xâm
lăng tàn bạo của Nga sô mới đó mà cũng đã hơn 3 năm kể từ ngày 24 tháng 2. 2022
tới nay. Những cuộc chém giết dân lành tàn bạo của cộng sản Nga chẳng khác chút
nào với việt cộng trong chiến tranh Việt Nam trong quá khứ. Sự khác biệt duy nhất
là lòng dũng cảm và quyết tâm bảo vệ đất nước của dân tộc Ukraine có quyết liệt
hơn và dứt khoát hơn. Sự giúp đỡ của EU và đặc biệt của Hoa Kỳ đã khiến cho cuộc
xâm lăng của Nga thất bại sau khi cuộc tấn công phủ đầu của họ bị đánh tan tác.
Về lâu dài, với tài nguyên phong phú, quân đội hùng cường của Nga có khả năng
chấp nhận được một cuộc chiến tranh tiêu hao hơn là phía Ukraine. Hai mươi phần
trăm lãnh thổ Ukraine đã bị Nga kiểm soát. Tổn thất của cả hai bên đều trầm trọng.
Ba lần kêu gọi tổng động viên của Putin cuối cùng đành phải muối mặt cầu viện quân
Bắc Hàn giúp sức. Tôi cứ nghĩ rằng ở vị thế chiến lược của mình, Hoa Kỳ có rất
nhiều khả năng chấm dứt cuộc chiến này trong danh dự được bảo tồn của đồng
minh. Nào ngờ từ khi tổng thống Trump lên nhậm chức, cuộc chiến đảo chiều, thậm
chí Ukraine còn có thể bị ép buộc phải đầu hàng địch quân nếu không có sự hỗ trợ
tích cực từ phía EU.
Vẫn là một Hoa Kỳ can thiệp vào cuộc chiến và đề ra giải
pháp chủ bại cầu hòa. May mắn là tổng thống Zelensky đã không dễ dàng bị khuất
phục sau cuộc” phục kích” ngày 28 tháng 2, 2025 của Nhà Trắng thất bại. Nước Mỹ
hiện ra trong con mắt thế giới Tự Do là một quốc gia rất khác so với trước đó.
Một tổng thống con buôn lập ra một chính phủ thương gia phối hợp với một trọc
phú mắc bịnh hoang tưởng nặng đã khiến cho tình thế ngày càng bất lợi cho dân tộc
Ukraine. Thực tâm tôi không hiểu kết cuộc sẽ xẩy ra theo kịch bản nào nhưng có
thể chắc chắn Ukraine sẽ không đầu hàng cho dù bị thúc ép tới mức độ nào đi nữa.
Tháng Tư năm ấy còn gợi lại trong tôi những suy nghĩ về tình
hình thế giới hiện nay. Sau thế chiến thứ 2 mọi người đã tưởng vũ khí nguyên tử
sau khi hoàn thành cuộc thử nghiệm thực địa ở hai thành phố Nhật Bản Hiroshima
ngày 6 tháng 8,1945 và Nagasaki ba ngày sau đó khiến Nhật bản phải đầu
hàng ngày 15 tháng 8 sẽ chỉ còn được trưng bầy trong viện bảo tàng. Lý do đơn
giản, khi các cường quốc lúc đó chỉ có 2 là Hoa Kỳ và Nga sô là những nước sở hữu
loại vũ khí này với số lượng hữu hạn. Chỉ cần vài chục năm sau số đầu đạn hạt
nhân đã quá dư thừa để tiêu diệt cả thế giới nếu họ mang ra sử dụng. Thời gian
trôi qua, số quốc gia hiện nay sở hữu đã tăng lên ngoài Hoa Kỳ và Nga là Pháp,
Anh, Israel, Ấn Độ, Trung Quốc, Pakistan, Bắc Triều Tiên, Do Thái và có thể kể
tới Iran trong tương lai gần*. Câu chuyện lại trở nên rôm rả hơn sau khi Nga
xâm lược Ukraine, Nga tuyên bố sẵn sàng sử dụng vũ khí này khi cần thiết! Vũ
khí nguyên tử giờ đây trở thành một thứ “hàng nóng” dùng để bảo kê của các tay
côn đồ. Thế giới đang yên lành trở thành một kiểu xã hội đen. Tình hình lại
càng đen tối hơn khi một số quốc gia mới có cũ có lại cúi đầu thuần phục những
thủ lĩnh độc tài ngang ngược lèo lái đất nước. Những tên lãnh tụ độc tài mới được
hình thành trong một xu thế mới của lịch sử nhân loại không chỉ lập lại hình ảnh
những tên tội đồ từng gây ra các cuộc chiến tranh thế giới trước đây mà có vẻ
còn lợi hại hơn qua lối mị dân dân túy hiện đại qua các hệ thống thông tin với
những khả năng truyền tải rộng lớn hữu hiệu gấp nhiều lần trước đây. Các tin giả
(fake news) được hỗ trợ qua các ứng dụng AI tiên tiến đã làm mờ mịt ranh giới
giữa cái đúng và cái sai, chẳng biết đường nào mà lần. Hậu quả hiện tiền, những
khuấy đảo về kinh tế, chính trị đã làm cho thế giới bất an gia tăng từng ngày.
Thì ra thời điểm này, anh hùng tạo thời thế là có thật. Trước đây tôi vẫn nghĩ,
thời thế tạo anh hùng, điều này ở thời điểm hiện tại có lẽ cần xem xét lại.
Thêm vào đó có lẽ chúng ta cũng phải suy nghĩ về quan niệm sở hữu vũ khí hạch
tâm cổ điển nữa. Trước đây các cường quốc e ngại nếu vũ khí hạt nhân được nhân
rộng, nguy cơ sử dụng loại vũ khí này bừa bãi sẽ khiến cho thế giới chết chùm
oan mạng. Thời gian trôi qua êm ả và luận điểm này có vẻ hợp logic. Cho tới khi
một số quốc gia khác tự mầy mò tự chế tạo ra vũ khí cho mình cùng lúc với những
đe dọa kiểu côn đồ rằng nếu các quốc gia nhỏ yếu hơn không chịu đầu hàng như
Putin từng làm với Ukraine thì rõ ràng luận điểm trên trở thành
phi-logic. Các nước nhỏ sẽ nghĩ rằng các anh lớn cậy có ‘ đồ chơi nóng’ rồi đòi
tôi phải chịu làm tôi tớ cho các anh thì các anh để yên còn nếu chúng tôi không
chịu thì anh đem ra sử dụng. Kiểu trấn lột bắt nạt này ở mức độ cá nhân thì vì
hèn yếu tôi có thể khuất phục, nhưng trên diện rộng một tập thể cộng đồng, một
quốc gia thì xin lỗi anh chơi kiểu này không đẹp và chúng tôi sẵn sàng đáp trả.
Từ đó mọi quốc gia, để bảo vệ đất nước mình đều nên sẵn sàng thủ đắc vài trái
bom hạt nhân làm bùa hộ mạng là hợp lý. Cái kết vẫn là, nếu anh xâm lấn tôi,
tôi sẽ xài hàng nóng nếu tôi không thể ngăn cản được biển người biển tài nguyên
của các anh. Chết là chết chung vì trước sau gì thì chúng tôi cũng chết và các
anh phải trả giá cho hành động côn đồ của mình.
Từ tháng Tư năm ấy cho tới nay, vấn đề chiến tranh cũng lại
cần xem xét lại. Trước đây, để tổ chức một cuộc hành quân thường phải qua các
giai đoạn căn bản ở khâu chuẩn bị. Một cùng tập trung để tập hợp các đơn vị
tham chiến trước khi xuất phát. Một hoặc nhiều trục tiến quân được hoạch định sẵn
từ trước và sau cùng là đội hình xuất phát tiến vào vùng hành quân. Chiến thuật
tiến quân cũ thường dùng một trục chính làm mũi đột phá đánh thẳng vào mục tiêu
đã xác đinh là ưu tiên một. Trên trục tiến quân, tùy theo tình hình có thể từ
trục chính tách ra một hai trục phụ tiến vào các mục tiêu phụ. Hình ảnh tiến
quân của Trung cộng trong tháng 2/1979 khi tiến đánh Việt Nam và mới đây khi
Nga sô tiến quân vào Ukraine là minh chứng. Chỉ có điều khác biệt, khi Trung cộng
xâm lược, Tầu gọi kiểu tiến quân này là ‘đầu nhỏ đuôi dài’vì địa hình núi non
hiểm trở của Miền Bắc và trực giao thông chính Quốc lộ 1 lại quá hiểm trở vì lọt
giữa những rặng núi dể bị phục kích nên quân Trung cộng phải di chuyển theo các
đường thông thủy mà đi. Nhưng với Nga thì khác, địa thế đồng bằng rộng mở trên
các trục lộ thông suốt từ biên giới Nga dẫn tới Kiev khiến cho một đội hình dài
cả trăm cây số xe tăng thiết giáp, quân xa chở lính cùng tiếp liệu di chuyển
công khai trên đường. Điều bất ngờ ở đây là Ukraine đã sử dụng máy bay drone cắt
đoàn convoi thành nhiều cụm rồi sử dụng phi cơ, trọng pháo tiêu diệt từng cụm một
khiến cho Nga thất bại nặng nề không đạt được mục tiêu kế hoạch hành quân đã định
từ trước. Từ đây chúng ta có thể suy nghĩ về những cuộc tiến quân tương lai,
vai trò của drone và robot rất có thể sẽ được sử dụng tối đa thay thế cho con
người bằng xương thịt. Từ đó hình thái chiến tranh tương lai chắc cũng đổi
khác, những phương tiện tác chiến điện tử, do thám vệ tinh sẽ đóng vai trò quyết
định chiến trường. Con người có lẽ sẽ lãnh trách nhiệm điều hành, vận dụng máy
móc là chính. Hỏa tiễn sẽ thay thế đại bác súng cối, drone thay thế cho các
toán trinh sát, tiền tiêu. Lực lượng tiến quân phải phân tán thành nhiều mũi tiến
vào mục tiêu để tránh bị tiêu diệt trước khi giáp mặt địch quân thực thụ.
Tháng Tư năm ấy, giờ đây vừa đúng một nửa thế kỷ đã qua. Cuộc
đời trôi nhanh như dòng nước chẩy dưới chân cầu. Biết bao phát minh phát kiến
khoa học đã làm cho nhân loại có một cuộc sống có nhiều tiện nghi và tốt đẹp
hơn. Rồi cũng chính những phát minh khoa học ấy lại đưa nhân loại tới bên bờ vực
thẳm của hủy diệt. Thế giới chúng ta đang sống thực ra có phải là một dòng chảy
liên tục không hay đã có lúc dòng chảy ấy đứt đoạn? Thực sự cho tới giờ phút
này không ai trả lời được chính xác câu hỏi này. Nhưng có điều nên văn minh hiện
có không phải là duy nhất vì trước đó cũng đã từng có những nền văn minh khác
mà các bằng chứng khảo cổ học tìm ra và đã không thể giải thích được.**
Lịch sử nhân loại đã tiến hóa theo quy luật nào cũng chẳng
ai dám chắc. Quy luật chung mà chúng ta có thể suy nghĩ tới là luật Sinh/ Hoại
/Trụ/ Diệt và thuyết Nhân Quả của Phật Giáo. Chúng ta cũng có thể suy nghĩ về
quy luật tuần hoàn của lịch sử tương tự như những chuyển động quay vòng của mọi
vật thể trong vũ trụ. Thậm chí chúng ta cho rằng mọi sự việc đều tiến hành theo
lẽ biến thông của Kinh Dịch. Nhưng tôi vẫn thích một câu nói của tiểu vương
Dubai, Sheikh Rashit Bin Saeed Al Maktoum:
” My grandfather rode a camel, my father rode a camel, I
drive a Mercedes, my son drives a Land Rover, his son will drive a Land Rover,
but his son will ride a camel”. Tạm dịch: “Ông nội tôi cưỡi lạc đà,
cha tôi cưỡi lạc đà, tôi lái xe Mercedes, con tôi lái xe Land Rover, cháu tôi
cũng sẽ lái xe Land Rover, nhưng đến chắt tôi rồi sẽ lại cưỡi lạc đà”. Khi
nói câu này ông hàm ý rằng tài nguyên thiên nhiên dầu mỏ ở khu vực Trung Đông
có giới hạn, khai thác nhiều đời rồi cũng sẽ cạn kiệt và lúc đó nếu chỉ biết dựa
vào tài nguyên mà sống thì không xong. Câu này sau đó lại được hiểu theo một ý
nghĩa khác thú vị hơn. Trong hoàn cảnh khó khăn nguy kịch, đất nước sẽ tạo ra một
nhà lãnh đạo giỏi để đưa đất nước thoát ra khỏi tình thế ngặt nghèo, trở nên dễ
sống. Rôi từ một xã hội phồn vinh dễ sống ấy lại tạo ra những lãnh đạo ‘dở hơi’
đưa đất nước trở về điểm xuất phát nghèo đói.
Thời thế tạo anh hùng là ý nghĩa của vế đầu. Anh (k)hùng tạo
thời thế là ý nghĩa của vế thứ hai.
Song Vũ
(2025)
————–
*Tính đến tháng 3 năm 2025, có 9 quốc gia sở hữu vũ khí hạt
nhân gồm: Hoa Kỳ, Nga, Trung Quốc, Anh, Pháp, Ấn Độ, Pakistan, Bắc Triều tiên,
Israel, tương lai gần có thể kể tới Iran. Theo Liên Đoàn các nhà khoa học Mỹ
(FAS), tổng số đầu đạn hạt nhân trên thế giới vào đầu năm 2025 có khoảng
12.331, trong đó có 9604 đầu đạn nằm trong kho vũ khí quân sự sẵn sàng sử dụng
**Một số nhà nghiên cứu cho rằng có thể đã từng có những nên
văn minh tồn tại trên trái đất trước nền văn minh hiện tại của chúng ta. Giả
thuyết này dựa trên các phát hiện khảo cổ học chưa có lời giải thích thỏa đáng
chẳng hạn như:
1/ Gobeki (Thổ Nhĩ Kỳ): Một quần thể đá được xây dựng khoảng
12.000 năm trước đây, lâu đời hơn cả Kim Tự Tháp Ai Cập.
2/ Các bản đồ cổ như bản đồ Piri Reis, có chi tiết về châu
Nam Cực mà chỉ khi có công nghệ hiện đại mói có thể xác định.
3/ Các công trình chìm dưới nước như thành phố Dwarca (Ấn Độ),
Yonaguni (Nhật Bản), Có thể đã tồn tại trước thời kỳ nước biển dâng cao sau kỷ
băng hà cuối cùng. Vì thiếu bằng chứng rõ ràng nên những giả thuyết về sự tồn tại
các nền văn minh này vẫn còn trong vòng gây tranh cãi.
Các sự kiện từng ” Xóa bài làm lại” nền văn minh trái đất:
Trong lịch sử hình thành trái đất, đã có nhiều thảm họa
thiên nhiên làm biến đổi sự sống trên hành tinh này có thể liệt kê như sau:
1/Các thời kỳ băng hà cách nay khoảng 700.000 năm làm thay đổi
đáng kể môi trường sống.
2/ Sụ kiện Toba (khoảng 74.000 năm trước)- Một vụ phun trào
núi lửa khổng lồ có thể đã làm giảm dân số loài người xuống chỉ còn chừng vài
ngàn người cá thể.
3/ Thiên thạch Chicxulub (66 triệu năm trước)-Được cho là
nguyên nhân chính khiến các loài khủng long bị diệt chủng.