Trời đã vào Đông mà thời tiết vẫn còn oi bức. Mấy cụm mây xám chĩu nước từ
miền bắc đang kéo xuống phía nam thì bị từng đợt áp xuất cao đẩy lui về hướng
đông. Lâu lắm mới có một vài cơn mưa nhỏ rải rác đổ xuống thành phố. Mưa không
lớn, chỉ đủ ướt cây cỏ, và làm đường xá, xe cộ bầy nhầy thêm vì nước mưa quyện
lấy dầu bụi!.
Lý lấy tấm da cừu nhúng nước rồi lau xe. Những vòng tròn lớn nhỏ do nước và
bụi hòa lại làm chiếc xe mầu đậm từ xa trông như con beo đốm. Lý càng lau, xe
lại càng mốc. Bực mình, Lý mang xe đi rửa.
Những chỗ rửa xe chuyên nghiệp này không những dùng nước lọc lại, mà chỉ tốn
rất ít nưóc trong cho đợt tráng cuối cùng để làm sạch xe và giữ nước sơn. Nếu
Lý rửa ở nhà thì có thể tốn từ 40 đến 80 ga lông nước, ngược lại họ chỉ tốn
khoảng 15 ga lông. Sẵn tính lười, Lý lấy cớ điều này có lợi cho môi sinh nên ít
khi Lý rửa xe ở nhà.
Trao chìa khóa cho nhân viên xong, Lý bước vòng trở ra chỗ quầy tính tiền. Hôm
nay vắng khách. Ngoài Lý ra, chỉ có Adam, anh quản lý người Palestine, và một
người đàn ông Việt Nam đến trước Lý vài phút.
Thoáng nghe qua câu chuyện Lý hiểu người đàn ông kia mang xe ra rửa, mấy
nhân viên không biết làm sao làm lạc mất chùm chìa khóa của ông. Cũng may là
người cẩn thận nên ông đã làm phó bản cho các chìa. Hôm đó mấy nhân viên phải
gài xe vào số không, rồi hì hục đẩy xe vào chỗ rửa, rồi lại hò nhau đẩy xe ra
bãi lau khô, cuối cùng Adam phải chở ông về nhà lấy chìa khóa phụ mới
mang được xe về.
Adam năn nỉ ông nên chờ một thời gian ngắn, hy vọng có khách hàng nào nhặt
được hay cầm nhầm họ sẽ mang ra trả, chuyện này xảy ra hầu như bình thường.
Người đàn ông kia đồng ý, nhưng ông quay trở lại đã mấy lần mà vẫn không thấy
tăm hơi xâu chìa khóa. Ông nói đây là lần cuối, và ông muốn giải quyết vấn đề
cho nhẹ người.
Adam đề nghị:
– Ông mang chùm chìa khóa kia đi làm thêm mỗi thứ một cái, tốn kém bao nhiêu
chúng tôi sẽ bồi hoàn tất cả.
Người đàn ông đỡ lời:
– Tôi đã hỏi nhiều chỗ, có chỗ rẻ hơn hãng bán xe. Tính ra tổng cộng cũng
gần hai trăm đồng. Ông rửa một chiếc xe lời bao nhiêu, còn bao nhiêu thứ chi
phí khác. Tôi định điều đình với ông như thế này: chuyện không may đã xảy ra
ngoài ý muốn của mọi người, tôi cũng còn bộ chìa khoá khác đủ để dùng. Hơn nữa,
xe tôi cũng đã cũ, vài năm nữa phải đổi chiếc khác. Tôi không muốn bắt đền ông
làm gì. Điều làm tôi không vui là trong xâu chìa khóa đó có hình lá cờ Việt Nam
Cộng Hòa do bà chị tôi vẽ kiểu, và một hãng trên mạng sản xuất, và giới thiệu
sản phẩm đó đến với giới tiêu thụ. Họ bán hết hàng rồi, không bết bao giờ họ sẽ
sản xuất lần nữa. Mỗi lần tôi nhìn mầu cờ, tôi lại mong ước Tự Do, Công
Bằng, và Bác Ái sớm được thể hiện trên đất nước thân yêu của chúng tôi.
Nhưng thôi chuyện đó không quan trọng. Tôi chỉ muốn chúng ta vui vẻ khi gặp lại
nhau.
Nghe ông nói, khuôn mặt Adam rực lên. Anh lấy trong ngăn kéo ra mấy phiếu
rửa xe, đóng dấu chi chít lên đó rồi trao cho người đàn ông:
– Để đáp lại lòng tốt của ông, tôi xin tặng ông một ít phiếu rửa xe miễn phí
loại thượng hạng. Bất cứ khi nào ông cần, ông mang xe ra, bất cứ loại xe nào,
chúng tôi sẽ làm ông hài lòng.
Người đàn ông nghe vậy, trả lời:
– Ông cứ giữ đó, khi nào có ai cần thì ông tặng họ.
Nói xong, người đàn ông đưa tay ra bắt cáo từ:
– Shalom!
Ông vừa định cất bước, Adam hỏi với theo:
– Tôi hơi thắc mắc, tại sao ông lại làm vậy?
Người đàn ông trả lời:
– Tôi tha nợ cho ông, thì cha tôi trên trời cũng sẽ tha nợ cho tôi.
Lý chợt nhớ tới đoạn cuối trong kinh Lạy Cha của những người Ki Tô giáo: “Xin
Cha cho chúng con hằng ngày dùng đủ, và tha nợ chúng con, như chúng con cũng
tha kẻ có nợ chúng con…” Người đàn ông kia đang thật sự giữ đạo và sống
đạo. Nghĩ đến đây Lý thấy lòng vui lây, lấy tiền ra trả, nhưng sục hết túi này
đến túi kia mới tìm ra vài đồng tiền lẻ để riêng ra cho mấy người lau xe uống
cà phê. Adam theo dõi cử chỉ của Lý nãy giờ, lắc đầu ra dấu:
– Đừng lo, ông ta đã trả cho bạn rồi.
Lý nhìn theo đến khi bóng xe ông mất hút trong dòng xe cộ. Chắc hẳn ở một
chỗ nào đó, ông đã dành sẵn cho mình một chìa khóa. Không phải chìa khóa nhà,
không phải chìa khóa xe, cũng không phải là chìa khóa hộp thơ, mà chìa khóa vào
nước Trời, một chốn không còn hận thù, khổ đau. Một chốn thật bình an và hoan
lạc.
Khổng Trung Linh