Mười hai năm trước, nhà văn Doãn Quốc Sỹ gửi cho nhật báo Người Việt tấm
thiệp viết: “Nhân dịp đầu Xuân Ất Dậu, xin gửi tới quý văn hữu cùng quý quyến
lời chúc thân tâm an lạc, vạn sự cát tường! Thân quý.” Cùng với lời chúc Tết,
Doãn Quốc Sỹ còn kể ông mới “du ngoạn công viên Grand Canyon bên tiểu bang
Arizona. Xe dừng trên chiều cao xa lộ, nhìn xuống toàn cảnh Grand Canyon, rồi
nhìn xuống ngọn nguồn con sông Colorado nhất định xuyên thẳng hai bên vách núi
chứ không chịu chảy quanh vòng vo – thật tuyệt vời.”
Doãn Quốc Sỹ, tác giả “Chiếc chiếu hoa cạp điều” được giáo dục theo truyền
thống dân tộc, cho nên nhìn dòng sông Colorado dưới thung lũng Grand Canyon ông
lại thấy đó như một biểu tượng cho thái độ chính trực, không sợ hãi, không
khuất phục, không luồn cúi và không sa ngã. Trong truyện ngắn Chiếc chiếu hoa
cạp điều ông kể chuyện một phụ nữ Việt Nam suốt đời ân hận chỉ vì đã có lúc làm
một việc trái đạo đức, dù một việc rất nhỏ, bà phạm lỗi vì chỉ lo cho gia đình
nheo nhóc trong lúc đang “chạy loạn.” Chính Doãn Quốc Sỹ đã thể hiện lối sống
đại trượng phu trong cuộc đời mình, cho con cháu chúng ta, ở trong nước Việt
Nam và ở bên ngoài. Một ngày nào đó, có những bà mẹ Việt Nam sẽ kể cho con nhỏ
nghe: Ngày xưa có ông Doãn Quốc Sỹ, sinh vào thời loạn lạc nhiễu nhương …, ông
kể chuyện “Con Mèo Mà Trèo Cây Cau” như thế này…
Dân Việt mình vẫn thờ cúng tổ tiên, mỗi dịp Tết lại là dịp kể chuyện ông bà
cho con cháu nghe. Chúng ta thường hãnh diện về lịch sử tổ tiên chung của giống
nòi. Những Tô Hiến Thành, Chu Văn An, Nguyễn Trãi, Nguyễn Đình Chiểu, Ông, bà
Bùi Hữu Nghĩa, đều để lại những tấm gương cho người Việt ngày nay hãnh diện.
Nhân lúc đón Xuân Đinh Dậu, nhớ lại tấm thiệp Xuân của nhà …,” chúng ta có thể
hãnh diện về nhân cách của một nhà văn, bị tù đầy chỉ vì sống cương trực, giữ
tiết tháo “uy vũ bất năng khuất” của một đại trượng phu, trong những năm dài
ngồi tù cải tạo mà thân tâm ông vẫn thản nhiên an lạc.
Chúng ta có thể hãnh diện về tổ tiên người Việt. Một dân tộc còn giữ được
nền độc lập sau một ngàn năm bị người Hán đô hộ, dân tộc đó rất đáng hãnh diện.
Nhìn lại bao sắc dân khác ở phía bắc biên giới Hoa-Việt đã hoàn toàn biến mất,
nay họ tự nhận là người Hán. Nền văn minh “Hoa Hạ” có sức đồng hóa mạnh hơn cả
văn minh Hy Lạp, La Mã. Kể từ đời Tần Thủy Hoàng (2 thế kỷ trước công nguyên)
đến nay, đế quốc Trung Hoa đã bành trướng lớn lên gấp bốn lần. Nhưng chúng ta
không chỉ hãnh diện về những Bà Trưng, Bà Triệu, Trần Bình Trọng, hay các danh
nhân trong lịch sử, mà còn có thể hãnh diện về chính ông bà, cha mẹ, những
người sống cùng thời với mình, những người cùng làng, cùng xóm đáng nêu gương.
Khi nào người Việt Nam còn biết hãnh diện về tổ tiên mình, về đồng bào mình,
thì nước Việt Nam không sợ mất.
Có những người Việt hay sợ nước lớn quá, nói đến Trung Quốc là sợ, vì nước
họ mạnh gấp trăm lần nước mình. Nhưng trong lịch sử đã có nhiều “Ông Trạng” làm
cho vua quan nước Tầu phải phải kính phục; những“Ông Trạng” có thật như Mạc
Đĩnh Chi, có nhân vật tưởng tượng như Trạng Quỳnh. Doãn Quốc Sỹ có kể một
chuyện Trạng Quỳnh Đi Sứ.
Một người từng công khai tuyên bố hãnh diện làm dân Việt Nam là Ngô Thì Nhậm
(1746 – 1803) thời vua Quang Trung (Cũng đọc là Ngô Thời Nhiệm). Trong một
chuyến đi sứ, đi qua tỉnh Quảng Tây, Ngô Thì Nhậm viết bài thơ “Hoãn Nhĩ Ngâm”
(Mỉm cười mà ngâm thơ) để chế nhạo những thành kiến sai lầm trong sách sử của
người Trung Hoa. Nhưng lời phê bình nặng nề nhất ông dành cho thói phân biệt,
khoe dân Trung Hoa (gọi là Hoa Hạ) mới có văn minh, còn các sắc dân khác đều
mọi rợ, man di. Ông viết: “Di, Hạ, âm dương phân – Thử ngôn thái thiển lậu!”
Nghĩa là: Phân biệt Hoa Hạ khác Man Di như Dương khác với Âm; Nói như thế là
quá nông cạn!
Để thuyết phục người Trung Hoa về trình độ văn minh của dân phương Nam, Ngô
Thì Nhậm viện dẫn Chu Hy đời Tống, một triết gia có uy tín trong lịch sử và văn
hóa Trung Quốc. Chu Hy đã nhận xét, “Thịnh xưng tây nam phiên – Văn tự đa cao
thủ – Tất hữu khai kỳ tiên – Bất độc quốc trung hữu.” (Đáng khen các dân tộc
miền Tây Nam – Có nhiều người giỏi chữ nghĩa – Tất nhiên họ đã khai hóa từ lâu
– Đâu phải chỉ Trung Quốc mới có tiến bộ). Sau khi dẫn những lời của Chu Hy,
ngay câu sau, Ngô Thì Nhậm viết: Khi về nước, ta sẽ bảo với bạn hữu rằng: “May
mắn thay, chúng ta sinh ở Nước Nam!” (Hạnh tai sinh Nam bang)!
Bây giờ có bao nhiêu người Việt đang nghĩ như Ngô Thì Nhậm? Nếu ai không
nghĩ làm dân Việt là may mắn, thì ít nhất người đó cũng phải ước mong con cháu
sau này sẽ có lúc cảm thấy được làm dân Việt là may mắn.
Chúng ta phải coi đây là một bổn phận. Bổn phận trả lại cho con cháu niềm
hãnh diện mà tổ tiên đã vẫn nói với nhau: Hạnh tai, sinh Nam bang! Đêm giao
thừa năm nay, sẽ khấn khứa ông bà, xin nguyện sẽ cố gắng giúp các thế hệ sắp
tới có thể cao hứng thốt lên như Ngô Thì Nhậm: May mắn thay, sinh làm người
Việt Nam!
Chúng ta đón mùa Xuân về với niềm tin tưởng là ngày đó không xa. Phục hồi
một nếp sống thuần hậu, ngay thẳng, chánh trực; sống lại các giá trị đạo lý của
Nguyễn Trãi, Nguyễn Đình Chiểu; Phan Châu Trinh; chúng ta sẽ trở về, trong ngôi
nhà cũ của tổ tiên đứng trước bàn thờ mà lòng không hổ thẹn. Ngày về sắp đến
rồi. Cái gì tới chỗ cùng cực, sẽ phải thay đổi. Cả nước đang rạo rực chờ biến
chuyển. Cả dân tộc đang trở về nhà, lòng náo nức như một thi sĩ đi tù sắp được
về sau “Mười năm mặt sạm soi khe nước – Ta hóa thân thành vượn cổ sơ.” Trong
lòng thi sĩ vẫn tràn ngập niềm vui:
Tiếng biển lời rừng nao nức giục
Ta về cho kịp độ xuân sang
(Ta Về, Tô Thùy Yên)
Ngô Nhân Dụng