Sài Gòn 1968 và 1969 qua ống kính Brian Wickham
Ý chí và nhiệt tâm kiến thiết quốc gia của người Việt từng
có một giai đoạn sáng chói. Năm 1955, xuất phát điểm của miền Nam cũng gần
tương tự miền Bắc. Sau khi Pháp rút, Việt Nam nói chung là một quốc gia nông
nghiệp nghèo nàn, công nghiệp gần như bằng không, cùng với nhiều cái “không”
khác, từ hệ thống giáo dục, chăm sóc y tế đến quản trị hành chính. Miền Nam đã
xây dựng tất cả từ bàn tay trắng theo đúng nghĩa đen.
Chỉ trong 5 năm, từ 1955-1960, miền Nam đã lột xác với công
cuộc kiến thiết toàn diện, bằng các chính sách dinh điền, xây dựng thủy nông, lập
khu kỹ nghệ, phát triển điện lực, thiết lập hệ thống giao thông, khai thác tài
nguyên khoáng sản, xây dựng hệ thống ngân hàng… Đó là “5 năm vàng son” như cách
nói của giáo sư Nguyễn Tiến Hưng trong “Khi đồng minh nhảy vào” (cơ sở xuất bản
Hứa Chấn Minh 2016). “5 năm vàng son” đã tạo nền tảng cho sự phát triển miền
Nam trong 15 năm sau đó.
Trong khi “Kế hoạch Ngũ niên I” (1957-1961) tập trung việc
xây dựng canh nông (lập khu dinh điền; thu xếp nơi sinh sống cho đồng bào di cư
miền Bắc…), ngư nghiệp, công kỹ nghệ, công chánh, điện lực, khoáng sản…, “Kế hoạch
Ngũ niên II” (1962-1966) nhấn mạnh việc gia tăng mức sống người dân và đặc biệt
chú trọng đến giáo dục, y tế, xã hội và lao động. Khu kỹ nghệ Biên Hòa được xây
trong thời gian này (theo sắc lệnh ký ngày 21-5-1963); tiếp đó là khu kỹ nghệ
Phong Dinh (1967). Ngày 1-4-1961, công trình thủy điện Đa Nhim được khởi công;
nửa tháng sau, nhà máy xi măng Hà Tiên ra đời… Trong lĩnh vực công nghiệp tiêu
dùng, công nghiệp dệt, đồ hộp, thủy tinh, nhựa dẻo, lắp ráp cơ khí… phát triển
rất mạnh. Đến năm 1968, miền Nam đã có 85 hãng dược, sản xuất 2.203 dược phẩm,
chiếm 70% thị phần, với nguyên vật liệu chủ yếu trong nước.
Năm 1950, hệ thống giao thông miền Nam gần như chẳng có gì.
Sài Gòn và các vùng ven đô vẫn còn nhiều con đường bụi đất mịt mù với những chiếc
thổ mộ ngang dọc lọc cọc. Chỉ vài năm sau, xe đò đã có thể chạy bon bon trên đường
nhựa về lục tỉnh. Ngày 7-8-1954, hơn một năm trước khi Thủ tướng Ngô Đình Diệm
trở thành Tổng thống nền Đệ nhất Cộng hòa, công cuộc tái thiết đường hỏa xa
xuyên Việt (Sài Gòn-Đông Hà, 1.223 km) đã hoàn thành, chạy qua các tỉnh dọc bờ
biển Trung Phần với các nhánh nối nhiều thành phố lẫn các khu kỹ nghệ (Kỳ
Lâm-Nông Sơn; Diên Trì-Qui Nhơn, Tháp Chàm-Đà Lạt; Mường Mán-Phan Thiết…).
Các phương tiện giao thông khác cũng nhanh chóng phát triển.
Niêm giám thống kê Việt Nam 1970 cho biết “chiều dài tổng cộng các đường xe là
20.896 cây số”; và theo Bộ Công Chánh, riêng Đô Thành Sài Gòn, có 7.400 xe
taxi; 2.440 xích lô máy; 7.500 xích lô đạp; 3.100 xe lam; 464 xe ngựa; 60 xe
buýt; và toàn miền Nam có khoảng 1 triệu xe gắn máy đủ loại (dưới 50 cc)… Hệ thống
hải cảng và giang cảng phát triển mạnh đặc biệt thời ông Diệm, khi mà các cuộc
tấn công của “cộng quân” còn yếu và hạn chế. Trong những năm trước 1963, trung
bình hàng năm các giang cảng trên đồng bằng Cửu Long chuyển vận về giang cảng
Sài Gòn khoảng 800.000 tấn hàng hóa (lúa gạo, trái cây, than củi, nông thủy sản…).
Trong “Hiện-tình kinh-tế Việt-Nam” (quyển hai; NXB Lửa
Thiêng 1972), tác giả Nguyễn Huy (giảng viên Đại học Văn Khoa, Đà Lạt, Vạn Hạnh)
cho biết: “Năm 1937, phi trường Tân-Sơn-Nhất chỉ có một đường bay duy nhất bằng
đá đỏ, dài 1.500 m chiều Bắc Nam, rồi đến Đệ nhị Thế Chiến mới có thêm đường
bay Đông Tây dài 1.300 m… Đến năm 1954, Nha Căn Cứ Hàng Không của chính phủ Việt-Nam
phụ trách phần kiến tạo và kiện toàn hệ thống phi trường quốc gia để phục vụ
cho hàng không dân sự… Việt-Nam Cộng-Hòa đã kiến tạo được một hệ thống phi trường
quá đầy đủ đứng đầu Đông-Nam-Á với tổng số lối 500 phi trường lớn nhỏ; (trong
đó có) 8 phi trường quốc tế có đường bay dài trên 2.500 m tiếp nhận được các loại
phi cơ DC 28 trở lên” (nđd, trang 72-74). Tân Sơn Nhất trở thành bãi đáp của
nhiều hãng hàng không quốc tế, từ Air France, China Airlines (Đài Loan), Pan
American World Airways, đến Cathay Pacific Airways… Tháng 10-1951, Công ty Hàng
Không Việt Nam được thành lập với 50% vốn Việt Nam và 50% vốn Air France. Phi đội
Hàng Không Việt Nam có 22 phi cơ, từ loại nhỏ như Cessna đến loại to như Boeing
727.
Đáng nói nhất của một thời “sáng dội miền Nam” (lấy theo tên
một tạp chí nổi tiếng trước 1975) là chính sách giáo dục. Về đầu tư cơ sở giáo
dục, năm 1957, Viện Đại học Sài Gòn được thành lập (trước 1954, miền Nam không
có đại học; muốn học cử nhân phải ra Hà Nội), với 8 phân khoa (văn khoa, luật
khoa, y khoa, dược khoa, nha khoa, khoa học, sư phạm và kiến trúc). Viện Đại học
Sài Gòn có hai ký túc xá (đại học xá Minh Mạng cho nam sinh viên và đại học xá
Trần Quý Cáp cho nữ). Các vị khoa trưởng không do Bộ giáo dục bổ nhiệm mà được
bầu từ các giáo sư hội đồng khoa. Các giáo sư Viện Đại học Sài Gòn đều là những
tên tuổi lớn: Cao Văn Chiểu, Trần Quang Đệ, Lê Xuân Khoa, Vũ Văn Mẫu… Ngoài ra
còn có Viện Đại học Huế (1957), nơi in bóng linh mục Cao Văn Luận; hoặc Viện Đại
học Vạn Hạnh (1965), nơi tập trung những nhà triết học trí tuệ vô song (Thích
Minh Châu, Phạm Công Thiện, Trí Hải, Lê Mạnh Thát, Tuệ Sĩ…).
Việc “dựng người” được chú trọng từ cấp tiểu học. Trẻ được dạy
cách khiêm tốn, trung thực, lễ phép và tôn kính (thậm chí cúi chào một anh học
trò học “cao” hơn chỉ một lớp). Chủ trương giáo dục hoàn thiện nhân cách bên cạnh
việc dạy chữ có thể thấy rõ ở chính sách giáo dục cộng đồng. Nghị định
2463-GD/PC/NĐ ngày 25-1-1969 của Bộ giáo dục đã yêu cầu “tất cả các trường tiểu
học trên toàn quốc” (VNCH), kể từ niên khóa 1969-1970, phải áp dụng chương
trình cộng đồng hóa. Trong quyển “Giáo dục cộng đồng” (Bộ giáo dục và Trung tâm
học liệu xuất bản 1971), nhóm soạn thảo viết:
“Trường Cộng-đồng vừa giáo-dục học-sinh vừa hướng-dẫn
dân-chúng công-cuộc giáo-dục của học-đường chỉ có thể đạt được kết-quả tốt đẹp
nếu học-sinh, khi bước chân ra khỏi trường không thấy những điều trái ngược với
lời Thầy giảng-dạy. Cho nên việc giáo-dục ở nhà trường phải đi đôi với việc cải-tạo
hoàn-cảnh ở bên ngoài… Trường Cộng-đồng hướng-dẫn học-sinh tự tìm tòi, học-hỏi
đồng-thời phát-triển tinh-thần học tập-thể và dân-chủ: để tránh lối học từ-chương
nhồi sọ, học-sinh trường Cộng-đồng luôn luôn được hướng-dẫn quan-sát địa-phương
để tự tìm hiểu những vấn-đề liên-quan đến chủ-điểm giáo-dục” (nđd, trang 25).
Ban soạn thảo cũng nhấn mạnh đây là phương pháp giáo dục “đặt trên căn bản 3
nguyên tắc chính: dân tộc, nhân bản và khai phóng”.
Miền Nam trong suốt 1955-1975 chưa bao giờ bình yên. Làng
quê lẫn đô thị liên tục xảy ra những vụ “một xe Lambretta ba bánh bị trúng mìn
trên hương lộ 10, Long An: 13 hành khách chết, 2 bị thương” (11-3-1965); hoặc
“lựu đạn giấu trong ổ bánh mì, nổ tại đường Ngô Quyền, Sài Gòn: 2 quân-nhân Mỹ
và 6 người Việt bị thương” (19-3-1965) – như được thuật trong “Việc từng
ngày-1965” của Đoàn Thêm. Nhưng khói lửa chiến tranh và những giọt nước mắt “khóc
người tiền phương” vẫn không làm mất đi sự tươi đẹp của làng quê, sự lạc quan của
dân chúng và sự an bình trong xã hội lẫn gia đình. Điều đó thể hiện trong các
sáng tác văn học, thi ca, và âm nhạc. Không chỉ thịnh vượng ở vật chất, con người
cũng giàu lòng nhân ái và dạt dào tình yêu quê hương.
“Năm 1960, Đài Loan còn là Formosa, Singapore chưa ra đời, sản
xuất chính của Thái Lan chỉ có gạo, những mái nhà ở Đại Hàn toàn màu đỏ vì người
dân phơi đầy ớt để làm kim chi” – tiến sĩ Nguyễn Tiến Hưng nhắc lại (trong “Khi
đồng minh nhảy vào”). Đó là thời điểm mà Mao đang đưa Trung Quốc trở về “thời kỳ
đồ đá” bằng kế hoạch “Đại nhảy vọt”. Miền Nam VNCH đã đi trước và tạo khoảng
cách rất xa với các nước khu vực. Điều đó cho thấy rằng, việc kiến thiết quốc
gia không dễ nhưng không phải quá khó. Kiến thiết quốc gia không dùng sức mạnh
của sự tàn phá ngu dốt. Nó dùng năng lượng kết tụ của trí tuệ và sự nhiệt tâm.
Mạnh
Kim