Thành phố Đà Nẵng trên đường Độc Lập trước 1975 (nay là đường Trần Phú).
Hình: Internet.
Lúc hai cái xe mười bánh nối
đuôi nhau chạy vụt qua, bụi đỏ bốc bùng lên, bên này ngó bên kia không thấy gì
hết. Bà mợ Năm lom khom bước ra khỏi ngưỡng cửa, nheo hai con mắt lại, quay về
hướng chợ miệng lầm bầm gì đó nghe không rõ. Con Sượng đang ngồi trên ghế bố
thõng hai chân xuống đong đưa qua lại lớn giọng nói vọng ra:
“Bà mợ ở đó mà ngóng. Nó đi
chút xíu nó dìa chớ mắc mớ gì. Thây kệ nó.”
Nó nói mà con mắt cũng hướng về
hướng chợ. Thiệt tình thì nó cũng nóng lòng thằng anh. Ở ngoài chợ chắc người
ta xôn xao lộn xộn lắm, súng lâu lâu nổ đẹt đẹt. Hình như có một chuyện gì đó,
khác hơn mọi hôm. Hồi sáng, anh nó, thằng Sùng đi la cà ở đâu, chút chút tọt
về, nói đủ thứ chuyện. Nói người ta chen nhau đi đò xuống An Thới, nói mấy
người lính Địa Phương Quân cãi lộn với Cảnh Sát Dã Chiến ngoài cầu Quan Thuế,
nói giặc gần đánh tới chợ rồi.
Bà mợ Năm trở vô, gỡ cái khăn
trên đầu, đập phạch trên cái ghế xấp, điệu bộ chán ngán. Bà nói với con Sượng
mà như nói một mình:
“Ở ngoài lộn xộn lắm, nó đi mua
mấy con cá mà mắc cái giống gì cả tiếng đồng hồ chưa thấy dìa.”
Nói rồi co một chân lên ghế,
tiếp tục ngó ra đường. Con Sượng từ sau cái hôm bị miểng đạn pháo kích ghim vô
ống chân, mổ lấy ra rồi mà vẫn phải ở đâu ở một chỗ, nó sanh ra bực mình với
bất cứ chuyện gì. Thấy bà mợ nãy giờ càu nhàu hoài cái chuyện thằng Sùng đi lâu
quá không về, nó dài giọng:
“Bà mợ lo cho nó cái gì mà lo
dữ vậy. Bộ nó đi lâu như vậy là nó chết chắc.”
“Mày biết cái giống đách gì.”
Bà mợ Năm quay qua con Sượng. “Tao sợ nó nghe người ta rủ ren rồi nhẩy lên xe,
lên ghe đi theo đó chớ.”
“Đi đâu, bà mợ nói nó đi đâu?”
Bà mợ Năm biết mình lỡ lời,
quay qua chỗ khác. Bà thấy khó mà giải thích cho con này biết được cái nỗi lo
của mình. Hồi lâu, bà hỏi:
“Mày đói bụng chưa? Tao luộc
hột vịt mày ăn cơm nghe? Tao cũng muốn ăn cho rồi.”
“Luộc thì luộc. Ăn thì ăn. Mà
còn chờ thằng Sùng về ăn luôn. Bà mợ muốn ăn trước thì ăn.”
Bà mợ Năm ngồi yên ngó ra
đường. Hai dẫy tiệm tạp hoá bữa nay chỉ có một gian của chệt Hí là mở cửa nhưng
không thấy ai mua bán gì hết. Chiếc xe lam của ông Thạch Ký cũng đâu mất. Con
Sượng trườn người kéo cái gối để lên đùi, hỏi nhỏ:
“Phải giặc đánh gần vô tới chợ
rồi không bà mợ? Làm như ai cũng muốn đi khỏi chỗ này hết vậy?”
Bà mợ Năm không đáp, lơ đãng
ngó qua cái cửa sổ bên vách. Bên kia là ổ chứa. “Con mẹ Sáu” sáng nay không
thấy mắng chửi ai hết. Bộ hết khách hết khứa rồi đâm ra buồn chắc. Mấy con điếm
cũng không thấy ngồi hàng ba ca vọng cổ nữa. “Tụi này là qủi, tối ngày sáng đêm
nó hiện lên nó báo cả xóm không ngủ được với nó. Ít bữa là có đánh lộn, ít bữa
là có bắn lộn. Ở ngay cái cổng Xóm Năm này, mình có ngày chết vì bệnh đau tim.”
Bà mợ Năm bỏ ghế đứng dậy đi
lần về phía bàn thờ. Trời bên ngoài chói chang nắng mà trong góc nhà tối mò. Bà
lôi ra bộ đồ nghề ăn trầu và bưng trở lại ghế, chưa ngồi yên chỗ mà mắt đã ngó
ra đường.
Một chiếc xe Jeep quen thuộc
chạy ngược về hướng phi trường, tài xế vẫn là hạ sĩ Đức, đệ tử của tiểu đoàn
phó Tiểu đoàn 506. Ngang qua cái cổng Xóm Năm, rõ ràng bà thấy hạ sĩ Đức quay
đầu ngó vô nhà “con mẹ Sáu,” lại còn bóp còi hai ba cái.
Tự dưng, bà thấy ghét cái bản
mặt rỗ chằng rỗ chịt của nó. “Non nước này mà còn ghẹo còn chọc mấy cái thứ dơ
dáy đó!”
Bà vừa mở nắp giỏ trầu, cúi đầu
loay hoay têm, vừa nói với con Sượng:
“Mày có biết bữa nay là bữa
lính Quốc Gia đầu hàng không?”
“Vậy hả bà mợ.”
“Ừ! Ông Quận đi máy bay trực
thăng, bay ra biển rồi.”
“Vậy hả bà mợ.”
Bà mợ Năm chép miệng ngồi yên.
Những điều bà biết được lúc ghé qua chùa Phước Thiện bổ thuốc, nói lại cho con
Sượng nghe hết, mà sao nó không mấy ngạc nhiên.
Trong một lúc các ý nghĩ bị kéo
dần ra rồi bị buông nhập lại bất ngờ quá, bà mợ Năm quên rằng con Sượng dẫu gì
cũng mới mười một mười hai tuổi đầu, nó biết chó gì tới cái chuyện đổi thay to
lớn sắp tới, trách nó, bực nó làm sao được.
“Lát nữa bà mợ đẩy cái ghế bố
tới gần cửa, con ngó coi Việt Cộng nó ra làm sao.”
“Thì nó cũng giống như mình
thôi.”
“Nó có đuôi không bà mợ?”
“Bậy, nó cũng giống như mình
thôi. Nó bắn mày bị thương đó. Nó bắn bể cây cột đèn trước chùa đó.”
“Vậy hả bà mợ.”
“Ừ.”
Bà mợ Năm chợt nhớ tới thằng
cháu. “Hổng biết lúc này nó đóng ở đâu. Xui xẻo mà đụng trận mấy cái lúc này
thì oan mạng lắm. Cả năm rồi không thấy nó dìa phép.” Con Sượng chợt hỏi:
“Rồi cậu Ba cũng phải đầu hàng
luôn hả bà mợ?”
“Ừ,” bà mợ Năm đáp nhẹ.
“Cậu Ba nói cậu Ba đánh giặc
hay lắm mà. Cậu Ba nói cậu Ba ở trên máy bay nhẩy xuống rồi mới bắn, phải không
bà mợ? Rồi cậu Ba đầu hàng là được dìa đây ở phải không bà mợ?”
“Ai biết đâu. Mày hỏi nhiều
chuyện quá.”
Có mấy người lính Dân Vệ quen
mặt không biết đi đường nào mà ba lô súng đạn đầy đủ từ trong con đường mòn đi
ngược ra cổng, điệu bộ hấp tấp lắm. Tiếng một con điếm nói vọng ta, chói lỗ
tai:
“Anh Ba Lành bữa nay đi ngang
mà không ghé sao hè!”
Mấy người lính không một người
nào ngó vô, cũng không thấy đáp lời lại. Bà mợ Năm nghe tiếng “con mẹ Sáu” lải
nhải gì đó với mấy con điếm. Một chút sau, nhạc ở trong radio vọng ra. Người ta
ca như hét như la, bà mợ Năm không nghe rõ được câu nào.
Một tràng súng liên thanh ở
đằng hướng chợ cá nổ giòn, lằn đạn đi đúng về hướng này, thấp lắm. Bà mợ Năm
nghe nóng hừng hực trong lồng ngực, bà bước vội ra cửa. Một người lính Dân Vệ
hấp tấp mở cái dây chạc đầy nhóc băng đạn đặt nhẹ xuống đất, rồi tiếp tục đi.
Cạnh đó, cũng có một cái ba lô của ai, no tròn, nằm chỏng gọng. Người ta đi
ngang qua, liếc con mắt một cái rồi thôi.
Bà mợ Năm ngó ngược về phía phi
trường, có một vết bụi bốc lên chạy dọc theo con đường đất đỏ từ trong ấp Nùng
ra. “Chắc xe nhà binh.”
Bà đứng như vậy thật lâu, cho
tới khi chiếc xe nhà binh chạy vụt qua. Trên xe đầy nhóc lính, những cái khăn
quàng mầu xanh dương bay phất phới, người đông như vậy mà ai cũng im lặng.
Ở cái cổng, bóng mát của ngọn
dừa phía bên trái nhà “con mẹ Sáu” đổ qua đúng về cái mặt tiền ngó ra đường một
khoảng lớn, lỗ chỗ. Con điếm tóc bom-bê thường ngày hay mặc áo bà ba đỏ, bữa
nay mặc cái áo cánh sát nách đứng dựa ngửa theo chiều nghiêng của cây chống
cổng, khoanh tay ngó bâng quơ ra đường. Bà mợ Năm chợt ngó thấy, hịt mũi, bỏ bộ
định đi vô nhà. Có tiếng “con mẹ Sáu”:
“Cái này của ai đây, Gấm?”
“Biết đâu! Chắc mấy ông Dân Vệ
hồi nãy.”
Bà mợ Năm ngó qua. “Con mẹ Sáu”
đang cúi người hì hục lôi cái ba lô đầy nhóc vô một góc cổng. Với điệu bộ cẩn
thận, con mẻ nhắc cái dây ba chạc lên, chầm chậm mang nó đăt cạnh cái ba lô.
Hai trái lựu đạn hai bên móc gài đong đưa thấy mà ớn.
Thêm một con điếm nữa ở trong
ra, đứng lại một lúc rồi cùng với “con mẹ Sáu” băng qua đường, sấn vô tiệm chệt
Hí, vừa đi vừa ngả ngớn.
Bà mợ Năm lại ngóng về hướng
chợ. “Thằng Sùng nó đi đâu mà kỳ cục quá, biết người ta trông ngóng mà không về
sớm sớm.” Có tiếng đàn ông gần lắm:
“Bữa nay lính mình bỏ đồn hết
trơn rồi đó nghe bà Năm.”
Ông Nghiệp hớt tóc dạo đặt cái
hộp đồ nghề xuống, đưa tay quệt mồ hôi mặt, rồi lần túi áo móc thuốc hút. Bà mợ
Năm quay lại:
“Ủa, chú Tư.”
Rồi bà không nói gì thêm nữa.
Bây giờ đã có thêm năm bẩy người nữa đứng tụm vô cái bóng mát ở trước cổng, nói
chuyện xì xào. Từ hướng phi trường, một hàng lính Tiểu đoàn cặp sát lề đường đi
như chạy trở ra, người nào cũng có súng. Trong vài phút đồng hồ, kể từ khi bà
mợ Năm nhìn rõ mặt được người lính đầu tiên cho tới lúc họ đi ngang qua cổng,
đầu óc bà miên man không rõ được là mình đang nghĩ tới cái gì.
“Ừ, lính mình bỏ đồn thiệt.”
“Chớ tui nói chơi với bà Năm
sao! Tổng thống kêu lính mình không được bắn mà.”
Bà mợ Năm nhướng mắt nhìn Tư
Nghiệp, giọng nhỏ lại:
“Ở đâu cũng vậy hết sao chú
Tư?”
“Ở đâu cũng vậy!”
“Thiệt tình là ai cũng biết
công chuyện nó đã tới nước này, nhưng ai cũng muốn được nghe người khác nói
lại, nói hoài.”
Hàng lính đi nỗi lúc một nhiều
thêm, hai ba tốp gặp nhau đâu ở gần phi trường rồi kéo ngang qua đây, ngõ duy
nhất tuôn ra biển. Mang bảng xanh là ấp Nùng ra, bảng vàng trên đồi trọc, bảng
xanh lá cây ở Tiểu đoàn, bảng đỏ ở Gành Gió.
Mặt trời dần xế chiều rồi,
“không biết lệnh lạc ra làm sao mà lính tới giờ này mới chịu bỏ đồn, chứ ông
Quận thì đi hồi sáng sớm.” Ở ngoài đầu cồn, có nhiều loại súng thi nhau nổ,
đụng nhau không chừng.
Hàng lính còn dài quá. Bà mợ
Năm chưa muốn trở vô nhà. Bà lách người khỏi Tư Nghiệp, bước hẳn ra đường, ngó
cho trọn.
Thiệt là kỳ, hồi nào tới giờ,
có khi nào bà cảm thấy cái thị trấn này nó nhỏ lớn ra làm sao đâu. Tự dưng hôm
nay, bà biết rõ từng chút những khoảng rừng thưa, những khoảng đồng tranh bao
vòng thị trấn.
Để coi, tốp lính mang bảng xanh
đi hết rồi là từ bờ sông trái cửa ấp Nùng ra tới lò rèn “ông Quốc Quân” bỏ
trống, rồi tốp bảng đỏ mà ra tới đây thì cái đuôi ít nhất cũng lọt vô phi
trường. Giờ này còn ai dám héo lánh tới con rạch chạy vòng chân núi chùa ông
Phụng. Ba bốn chỗ bỏ hết, kéo ngang qua đây. Cuộc sống, đối với bà Năm lúc này,
rõ ràng mỗi lúc một nhỏ tóp lại.
Làm sao bây giờ? Bà mợ Năm ngó
qua hết thảy mọi người chung quanh, có vài người quay lại nhưng không ai nói gì
cả. “Đông mà yên lặng như vậy cũng ít thấy, chớ không phải chơi đâu!”
Ở cái cổng Xóm Năm, người ta
đứng lan ra tới ngoài nắng. Vài người lính nhìn thấy “con mẹ Sáu” thì sà vô,
lời qua tiếng lại vẫn với vẻ hối hả. Một anh đeo bảng vàng nói ong ỏng:
“Má Sáu mua cho tụi này ít gói
thuốc coi, được hông? Xả láng với nhau cú chót đi.”
Rồi hai ba người khác phụ theo,
hàng lính tự dưng um sùm lên:
“Chơi cho đẹp đi!”
“Có con nữa nghe má Sáu.”
“Con nữa.”
Bà mợ Năm quay qua Tư nghiệp:
“Thiệt, hết ai rồi mấy ông nhè
con mẹ lủng đó mà xin. Mắc tức cười.”
“Ừ. Mấy ổng nói chơi mà!”
Bên kia đường đối diện với cổng
Xóm Năm, “con mẹ Sáu” bắt đầu lên tiếng. Trong đám hỗn loạn, tiếng con mẻ nghe
lồng lộng. Có thêm hai ba con điếm nữa chút xíu chạy vô tiệm chệt Hí rồi mang
ra đủ loại thuốc hút, mì gói, bánh ú.
“Đứa nào muốn bánh ú thì có
nghe. Thằng Thành đây, tao biết mày khoái Bastos Luxe. Tao gởi ít gói cho thằng
Biệt, nó đâu rồi? Hộp quẹt hả, chờ chút xíu. Mày lấy cái hộp quẹt có chưa vậy
Gấm, cái con qủi cái này.”
Hàng lính ngang qua cổng ít ai
không dừng lại. Bà mợ Năm cảm thấy có một chút gì đó gượng gạo trong thái độ
của những người lính, rồi thêm giọng nói thảnh thót của “con mẹ Sáu”, cùng với
cái cảnh hỗn tạp mà xót xa quá cho tất cả mọi người hiện diện. Đầu óc như quay
cuồng, bà nói với Tư Nghiệp:
“Lính mình bỏ đồn hết rồi.”
Thấy mợ Năm bước vô nhà, con
Sượng đang nằm ngồi bật dậy:
“Thằng Sùng dìa chưa bà mợ?”
“Chưa. Mà kệ bà nó.”
“Bà Mợ biết nó ở đâu hông? “
“Đừng hỏi lảng lảng. Tao nói kệ
bà nó!”
Có thêm mấy loạt súng nổ ở phía
chợ cá, lần này thì đạn bay về hướng khác rồi chắc, không nghe tiếng rít. Bà mợ
Năm kéo cái ghế xếp tới gần cửa nhà, ngồi quay lưng vô, ngó ra ngoài. Lúc này
chỉ còn lưa thưa vài người lính mang bảng đỏ cố đi thật nhanh ngang qua nhà.
Người ta vẫn còn đứng đầy khoảng đất cát trước cổng.
Tiếng “con mẹ Sáu” bên kia:
“Thằng nào còn một mình ênh ở
tuốt đằng kia vậy kìa, giống như thằng Canh. Nó nằm bệnh viện mà, về đồn hồi
nào vậy?”
Một người lính trả lời lí nhí
mấy tiếng xong thì hối hả đi. “Mẹ Sáu” quay qua con Gấm:
“Mầy lấy thêm ít gói Capstan,
tao đưa thằng Canh. Tội nghiệp thằng này lắm, nó biết điều.”
Bà mợ Năm nheo mắt nhìn qua bên
kia đường, bóng dáng con Gấm xen vô rồi mất hút trong đám người đứng trên thềm
tiệm chệt Hí. Bà quay về hướng phi trường. Người lính, có lẽ là người lính cuối
cùng, bệnh hoạn chầm chậm bước, trên người không mang theo gì khác ngoài khẩu
súng cầm tay.
Bà im lặng, thở nhè nhẹ. Bà
chợt phát giác ở bên kia đường, cả một khoảng đường ở cổng Xóm Năm, ai cũng im
lặng.
Bà mợ Năm giữ mãi cái thế ngồi
đó, miệng cũng thôi nhai trầu, bà không ngó người lính mà ngó xuống vệt nắng,
lúc đó, đã xế ra tới giữa đường, như một lằn ranh giữa cái còn và cái mất.
Người lính từ từ đi qua khỏi
nhà bà mợ Năm, cuộc sống từ từ đi qua khỏi nhà mợ Năm, khỏi cổng Xóm Năm, sau
khi ngừng lại một chút ở chỗ “con mẹ Sáu.”
VÕ HOÀNG