24 April 2021

KHI LÁ XANH RỒI 9 – Ngọc Ánh

Xem KHI LÁ XANH RỒI8

Thăm Lại Nơi Có Chùm Khế Ngọt.

Hàng năm cứ vào cuối thu, lá ngoài đường rụng nhiều và trên không có những đám mây bàng bạc…” đoạn văn của Thanh Tịnh xưa mấy chục năm vậy mà mỗi lần đọc lên, ai trong chúng ta cũng cảm thấy nôn nao nhớ lại buổi tựu trường năm cũ. Thoắt cái mà đã mấy chục năm, mùa tựu trường lớp Đệ Nhất Cấp năm 1968 của các cô cậu học trò vừa mới qua cái tuổi thò lò mũi xanh, chàng nào cũng ra vẽ trịnh trọng trong áo sơ mi trắng bỏ “vô thùng” nghiêm chỉnh, trong khi các nàng lại xúng xính chiếc áo dài đầu tiên trong đời dài thòng, suông đuột (!), sân trường Hoàng Diệu buổi sáng chào cờ hôm đó, nghĩ lại xem các “nữ sinh” lớp đệ thất lúc ấy trông ngây ngô, ngượng ngùng bn ln đến tức cười…

Mọi chuyện cứ như là mới hôm qua, những đám mây bàng bạc cũng đang trôi trong không gian xám xịt của miền Nam Texas trong mùa mưa bão, cũng buổi sáng tháng 9 “đầy sương thu và gió lạnh” cách đây mấy mươi năm, có ai đó vừa mới nhắc trên mạng “Ê, còn mấy ngày nữa là nhập học rồi nhe bà con”,  biết nói giởn  mà trong lòng chợt nôn nao như thiệt! Ừ hén, mỗi lần nhắc tới trường lớp bạn bè là thấy như mình còn ..nhỏ xíu.  Tháng rồi được về Việt Nam, lăng xăng háo hức như tuổi ..18. Ông xã mắng yêu “mới đi đã đòi về”. Mà cũng đúng, rất nhiều người đã đi biền biệt mấy mươi năm mà còn chẳng hẹn ngày về, mình thì cứ đếm từng tháng, chờ có điều kiện là bay về,  dẫu biết rằng quê hương không còn là chùm khế ngọt, nhưng…. ít nhất ở đó còn có một nơi chốn bình yên, ký ức tuổi thơ, kỹ niệm một thời mộng mơ mới lớn, hương bưởi, hương cau, phượng đỏ, thu vàng của bướm hoa lãng mạng….Vì vậy cả nhà ai cũng khoái về, ai cũng muốn gặp lại bạn bè, người thân, dù chỉ là ly cà phê vĩa hè với vài ba câu chuyện phiếm, nhưng vui và thanh thản, hồn nhiên.

          Bạn bè Sóc Trăng cũng từng đó khuôn mặt, không thay đổi bao nhiêu dù thời gian già cổi. Gặp nhau nói cười ha hả như mấy mươi năm trước, nhắc chuyện cũ thời đi học hay kể chuyện mới “trong nhà ngoài phố, có thể thêm thắt đôi chút gây hào hứng, sôi nổi hoặc chuyện thật cứ như đùa khiến ai cũng cười  nghiêng ngửa.. Có những đứa hồi đi học đâu thân thiết gì nhau vì khác ban khác lớp, nhưng khi già rồi mới cảm thấy cần xích lại gần nhau, nhớ cách đây gần 10 năm, lần đầu mới về Sóc Trăng dự họp mặt ở trường Hoàng Diệu, sau thời gian dài biệt tích giang hồ, bước vào lớp có ghi hàng chữ “niên khóa 68-75”, nhìn mặt ai cũng lạ hoắc, chỉ có 2 tên “tóc dài” đứng ỏn ẻn, còn lại là dân húi cua chững chạc cụ non, tui phải thu hết can đảm để đứng lên tự giới thiệu mình với ước mong được nối vòng tay ..nhỏ với các bạn, đám con trai lục lọi trong trí nhớ xem con nhỏ này là ai, chắc chắn ngày xưa không phải là ..Hoàng thị Ngọ để có kẻ lẻo đẻo ..“em tan trường về, anh theo Ngọ về..” vì nàng ta ..xấu ỉn,  nhưng nếu tên nào nhận ra “Tứ Bà La Sát” lớp A2 thì đúng là ..chính ẻm! Bạn cố tri lúc đó chỉ còn lại vài đứa biết mặt biết tên vì chung nhóm Du Ca  “sỏi đá trổ bông” văn nghệ văn gừng của trường trước 75. Phải nói thật lòng, sau những thăng trầm cuộc đời, gặp nhau mừng mừng tủi tủi, cụng ly ở một góc phố thân quen, nhắc đứa còn đứa mất, “chuyện mới cũ khóc vui tràn trề..” lúc đó sao mà thấy thương bạn bè quá đổi! Bàn nhậu gần tàn, có anh chàng bước tới cầm tay “.. nhớ ra rồi, Ánh răng thỏ.” Chính xác! Hồi xưa mập mà lùn, bây giờ cao gầy xơ xác quá phải không?. Đêm đó LHMinh về làm bài thơ “Hội ngộtặng con nhỏ khiến nó thổn thức nhớ đời . “hai mươi mấy năm thời gian như dao cắt..Cô học trò sôi nổi ngày xưa, đã đứng dậy sau mùa bảo dữ..” .

          Rồi đứa nầy kéo đứa kia, quen đứa nọ, cứ thế vòng tay bè bạn mỗi lần rộng ra thêm, không cần biết học chung hay không, chỉ biết dân HD là “dzô”!  Cứ đến hẹn lại lên vào Thanh Minh hàng năm, sau khi cúng kiến mồ mã ông bà xong là bạn bè í ới nhau.. hội ngộ. Kể ra cũng là mốc thời gian đáng nhớ! Mà có gì linh đình lắm đâu, hẹn nhau  ở quán cóc nào đó,  nói cười rôm rả, rồi nửa đêm lật đật leo xe đò tốc hành chạy lên SàiGòn để kịp đi làm.

Điều này đã trở thành thông lệ, năm nào tui bận rộn trể hẹn không về kịp thì cứ y như là bồn chồn ngồi đứng không yên, cũng từ cái tình quê hương gắn bó này mới có chuyện hiểu lầm động trời là tui tên Lân ng chung mùng!!. Thật ra mỗi lần về quê, tui thường ghé nhà đứa này đứa kia ng để tâm sự cho dzui, khi thì nhà TTHai, lúc ở nhà NHVõ, nhà Lộc Cồ .. Mỗi lần đến thì vợ Lộc treo mùng cho ng, Lân lâu lâu về chơi cũng ng trong cái mùng đó, nói theo kiểu tam đoạn luận thì là ..2 đứa ng chung 1 cái mùng!! Bởi vậy nói chuyện mà không đầu không đuôi dễ chết lắm thay!

 Còn chuyện độc chiêu này nữa, tui sau bao nhiêu năm trôi nổi tùm lum tà la, già khú đế mới bày đặt lấy chồng, lần đầu tiên và cũng là lần duy nhất trong lịch sử của học trò Hoàng Diệu, bạn bè đứng ra tổ chức đám cưới cho bạn, dưới sự chuẩn bị chu đáo của mọi người, sân khấu hội trường bàn tiệc đều được sắp xếp tươm tất..Thiệp mời do Thu, Kiệt, Minh viết xong mà chưa thấy chú rể hồi hương, báo hại Ban Tổ Chức hồi hộp quá chừng, nghĩ xem đám cưới mà không có chú rể thì ai sẽ đóng vai Lê Lai cứu Chúa đây? Tội nghiệp Kiệt đại diện đàng gái mất ăn mất ngũ vì lo...Nhưng rồi cũng kịp giờ hoàng đạo, hôn lễ diễn ra trong bầu không khí thân mật, ấm cúng,  hoành tráng và ..sang trọng, mặc dù không có họ hàng 2 bên nhưng bạn bè Hoàng Diệu đông đảo hơn 40 người, có cả mấy ông Thầy cũ nữa, Thầy An đứng ra làm chủ hôn đọc diễn văn khai mạc, Kiệt ban huấn từ gởi gấm cô dâu cho “Nứng”,  Minh lên đọc thơ cảm khái… Chời đất! phải nói chưa bao giờ “Cô rê Chú dẩu” cảm thấy sung sướng hạnh phúc trên cả tuyệt vời đến như vậy. Cám ơn đời, cám ơn người, cám ơn bạn bè, cám ơn “Thần hoàng Bổn cảnh”, địa linh anh kiệt Sóc Trăng tạo ra những người bạn chí cốt hết lòng vì tương lai con em chúng ta đến như vậy, vui thì ai cũng khoái, nhân đây cũng nói nhỏ với các bạn nào còn độc thân vui tính, liệu mà đăng ký với BTC sớm sớm đi kẻo không còn cơ hội đầy đủ bá quan văn võ như bây giờ đâu nhé,  bạn bè đứa nào tóc cũng muối tiêu, cũng hơn nữa thế kỷ.. Biết đâu được gió heo may đã về!!, bửa nào trái gió trở trời lở dại có đứa ò í e thì cả bọn (nhất là xóm nhà lá) khóc sưng mắt, bởi vậy mỗi lần về quê thấy mấy tên nhậu quắc cần câutui lo ngại quá chời, bèn giở giọng giáo khoa thư “hút thuốc là ung thư phổi, uống rượu là ung thư gan” nhưng có ai nghe đâu, như Sơn cận khoe bộ xương cách trí ra tự hào “con vi trùng nào sống nổi với tui, nó hít khói thuốc hoài cũng ngộp mà chết”, còn Hồng Sơn thì than thở tại bị thì là  nghề nghiệp ngoại giao nên phải nhậu ngày ..8 tiếng chứ có khoái gì đâu!” nghe mà thương phải không các bạn?

Chuyến về Việt Nam lần này cũng hào hứng như bất kỳ chuyến nào từ trước đó, đập ống heo ra mua vé máy bay, ( cũng nói thiệt cái vụ ống heo này là một kỳ tích bí mật của chàng đấy, mấy ông cũng nên bắt chước theo để.. bà xã hài lòng ) đi suốt 30 tiếng đồng hồ, đứng ngồi dật dựa ở mấy phi trường mới về tới Sài Gòn, nhìn bà con mình kẻ đưa người đón chen chúc nhau ở sân bay chật hẹp nóng bức mới thấy được cái tình quê hương trong lòng kẻ xa nhà .., Tui có ông anh họ sống đã lâu ở xứ người, ông thèm được về quê kinh khủng, ông nói lần đầu tiên bước xuống máy bay ngửi cái mùi nồng nồng hanh khô của nắng của gió, mùi hương đồng cỏ nội mà ông không thể cảm nhận được ở bất cứ nơi nào ông đã đi qua, đặc biệt đến nổi khiến ông nhớ hoài suốt bao nhiêu năm .. “quê hương mỗi người chỉ một, như là chỉ một mẹ thôi..” cũng có thể thêm mẹ nuôi, mẹ đở đầu hay mẹ ghẻ, nhưng dù thế nào thì Mẹ vẫn là hình ảnh gắn bó nhất trong cuộc đời mỗi chúng ta, may cho tui còn bà Mẹ vẫn mạnh khỏe, vui vẻ và rất dễ thương, đón đợi ở nhà với nồi cháo gà trộn gỏi bắp chuối ngon tuyệt cú mèo!

Trở lại nơi này sau hơn mấy năm đi vắng, ấn tượng đầu tiên là sự ngột ngạt của một thành phố đông đúc, quá nhiều xe gắn máy trên đường, lúc nào cũng chật cứng người đi hối hả, tui trước đây cũng là tay lái có hạng, vậy mà bây giờ không dám chạy xe Honda vì phát hoảng với mấy tên anh hùng xa lộ, lạng lách vòng vèo, vượt nhanh phóng ẩu và sẳn sàng tông vào mình không biết lúc nào, thôi thì đi đâu chịu khó leo lên xe bus hay taxi cho chắc ăn.

          Mấy tuần đầu ở Sài Gòn thăm bà con hàng xóm, về lại căn nhà ngoại ô ở Củ Chi xem còn mất thế nào. Mấy cành phong lan của Sơn cho vẫn ra lá mà không thấy trổ bông, cây xoài cây bưởi trổ bông lại không đậu trái…Thế mới biết vắng chủ nhà là mọi thứ trở nên đìu hiu, tổ ấm mà không có con chim mái thì lạnh tanh là vậy. Hai vợ chồng an ủi nhau.. “ráng vài năm chờ con bé học hành xong là mình về lại ..” hai con bồ câu già cũng mơ sống hòa bình trong khu vườn nho nhỏ, mặc dầu cái thời “đất lành chim đậu” đã không còn ý nghĩa như xưa, nếu đậu thì cũng chỉ đứng 1 chân như con cò, bởi vì “đất nhậu thì chim bay” mà hổng bay sao được, bên này người ta khoái nhậu bất cứ con gì, từ thằn lằn rắn mối tới bò cạp dế cơm, chim chuột…nếu bay hổng kịp thì chết chắc!

 Nhắc đồ nhậu lại nhớ tới thực đơn hấp dẫn của Lực khi rủ vợ chồng tui về SócTrăng cuối tuần với tour du lịch đúng điệu chân quê “Vườn Me Trip” ở Mỹ Xuyên, cơ ngơi rộng mấy hecta  của anh Cua (anh của HQL),  trồng toàn giống me Thái ngọt, nhưng có lẽ đi không đúng mùa nên trái chỉ bằng ngón tay út, chủ yếu là mấy ao cá mà chỉ cần xắn quần lội xuống quăng lưới là.. ngon cơm, còn chuyện thả câu chỉ là mẫu để chụp hình thôi, như Lực ngồi cả buổi chỉ có mỗi con cá.. kiểng, Minh dính đuợc con cá hơi lớn, anh chàng hí hửng đem khoe mấy nàng đương ngồi rửa rau đàng sau bếp nhưng bị nhỏ Chuôn chê là cá bị mù (!) làm chàng ta cụt hứng nín thinh.

          Buổi cơm đồng quê thịnh soạn với những món như: cọng năng xào tép, đọt lang luộc chấm chao, gỏi đu đủ bào, rau càng cua bóp giấm, cá kho lạt, cơm gạo lức ..Ngon chưa từng thấy, phải nói thiệt là có nhiều món coi bình thường vậy mà mấy chục năm nay , ngay cả lúc tui lên thành phố, vẫn chưa có dịp được ăn, nên khi ăn bằng cả tấm lòng, ăn “khí thế” cho đã đời.. Và cũng nói thêm về lòng hiếu khách của chủ nhà và các món ăn dân dả trên đều có từ vườn anh Cua (cũng là dân HD khóa đàn anh của tụi mình đấy) một k sư chân đất chính hiệu. Gạo lức đỏ thơm dẻo bổ dưởng và có vị ngọt mà cả bọn đang ăn là do anh ấy lai tạo giống thành công, trở thành một đặc sản quý hiếm ở quê nhà, cũng như vườn me Thái 2 hecta của anh cũng thuộc loại tầm cở ở vùng đất này. Ngoài ra anh cũng đang trồng thử một giống dừa trái nhỏ mà nước của nó ngọt thơm như mùi lá dứa. Bởi vậy khi cả bọn “mượn” Vườn Me của anh để cắm trại, ban đầu anh cũng ok vì thương đám bạn của em mình, ai dè sau trận chiến, ao cá nhà anh chỉ còn lại mấy con lòng tong, quầy dừa dứa để làm giống cũng bị tụi nó xử tan nát, chưa kể mấy tên xóm nhà lá ở bên Mỹ hăm he mai mốt về thăm quê, hổng có gì ăn sẽ bắt … Cua rang me, làm anh thêm hết hồn khép chặt cửa vườn, cạch tới già chắc hổng dám hiếu khách với cái đám trời thần đất lở đó nữa..

Chương trình còn lại là chuyến xuôi về Cà Mau thăm một thắng cảnh cũng mới nổi tiếng đó là Hòn đá bạc, truyền thuyết kể rằng hồi thời vua Gia Long chạy trốn quân Tây Sơn ngang qua đó, thuyền bị đắm ướt hết đồ đạc, Vua mới ra lệnh tấp vào nơi vắng vẻ đó để.. phơi tiền, đồn rằng thỉnh thoảng trời quang mây tạnh, sương khói bốc lên tạo hình ảnh giống như ông quan già lui cui phơi tiền trên đá, nên mới có địa danh như vậy, cả bọn tự hỏi hổng biết bây giờ còn sót tờ  giấy bạc nào trên đó không nữa? Dĩ nhiên truyền thuyết thì chuyện thật cũng như đùa, có điều chặng đường quá dài giữa trưa nắng chang chang khiến đứa nào cũng thấm mệt, buổi cơm trưa ở nhà hàng dù gạo nấu còn ngòi, canh chua cá chưa chín nhưng vì đói quá nên ai cũng ăn ngon lành.

          Tour 2 ngày qua đi, nhưng cuộc vui còn đọng mãi, mọi người đều no nê với những trận cười trên suốt chuyến hành trình “Ê, mày còn nhớ thằng bác sĩ T ở gần nhà mày không? Nó vừa bị chửi một trận tơi bời, có bà hàng xóm vừa mất chồng, bà buồn khổ suy nhược và đến phòng khám của nó, thấy dáng vẽ mệt mỏi của bà, nó bèn kê toa: Vitamin C 500mg, ngày 1/viên, b vừa đi vừa lẩm nhẩm đọc, không hiểu nghĩ sao bà quay vô nổi trận lôi đinh.. “ Này thằng kia, mày nghĩ là bà không biết gì, mày xỏ xiên bà đấy hả, chồng bà mới mất mày bảo bà thiếu vi ta min C, còn mày, mày thiếu  vi- ta-min en lờ (L) thì có !!” Chời ơi, phịa mà cứ như thiệt, cái giọng kể tỉnh queo làm cười muốn đau bụng.

          Sóc Trăng bây giờ thay đổi nhiều so với mấy mươi năm trước, đường xá khang trang mở rộng hơn, quảng trường đối diện trường Nữ tỉnh lỵ hồi xưa có cây đa xù xì với những chùm rể buông thỏng đong đưa mà lúc nhỏ đi học sợ ma gần chết, bây giờ là công viên rộng thoáng, băng qua đường Giao Hạ, cây đa cũng hơn 100 tuổi mà còn vững vàng đứng đó, còn ta mới ngót nghét 50 mà đã mỏi gối chồn chân hay sao?! Chụp mấy tấm hình để dành làm kỹ niệm, thư viện ở đầu đường Trần Hưng Đạo nơi hồi xưa hay lê la vô đó những giờ nghĩ học, bây giờ có lẽ đã bỏ hoang nên cửa nẻo xộc xệch điêu tàn.. Bưu điện cũ kỷ mà phía sau là dãy nhà của g/đ NDL xưa kia, bây giờ đã biến thành tòa nhà đồ sộ, tượng trưng cho bộ mặt bề thế của thành phố. Ghé vô chợ đi vòng vo mấy dãy phố Tàu, tiệm cà phê Khoái Lạc Lâm quen thuộc của Ba mỗi sáng với  ly “xây chừng” cũng may vẫn còn nguyên góc cũ sau gần 40 năm vật đổi sao dời.

Trước bến xe Sóc Trăng, cửa ng vào thị xã xưa vừa mới xây một tượng đài 3 cô gái, giống như 3 thiếu nữ Việt- Miên- Tàu, buồn cười ở chỗ là có tên nào đó đã ghi chú trong bản đồ ST địa danh “Ngã ba 6 vú”, tụi con gái hơi bị quê với cái nick name kỳ cục này, nhưng nghĩ lại xem, 3 cô thì 6 vú, chuyện bình thường! Đám con trai cười khoái chí, hổng tin ai có dịp về Sóc Trăng ghé lại đếm coi đúng không?!

Sóctrăng xưa chỉ có mấy quán cà phê nổi tiếng như Quên Đi, Ba Đô, Trang.. mà tụi  học trò khoái lê la hò hẹn sau giờ tan học, những mối tình lâm ly thơ mộng cũng bắt đầu từ đấy, bây giờ thì nhóc! Quá nhiều quán sang trọng, lãng mạn và hiện đại hơn nhiều. Bạn mình trước đây cũng nhớ kỹ niệm thời đi học nên mở quán cà phê mang tên Giao Hạ, mỗi lần họp bạn thì đây cũng là địa chỉ quen thuộc của cả bọn, quán nghèo nhưng ấm lòng những tên giang hồ vặt.. “ nghe tiếng cơm sôi cũng nhớ nhà” (thơ của ai quên rồi), sau những mệt mỏi căng thẳng vì đủ thứ chuyện, leo lên cái võng tòn teng đánh một giấc quên đời thì quán bạn luôn mở cửa đón chào! Rồi với thời gian, cái quán cũng dẹp tiệm vì không đủ sức cạnh tranh, bạn bè mất đi một nơi để ...tám!

Ăn sáng thì có bún nước lèo ở cạnh chùa ông Bổn, quán  đông  khách, bàn ghế thấp lè tè, nhưng nói như HQL “dơ mà ngon” nên cũng là một điểm hẹn thường xuyên, có chuyện tức cười Kiệt nhận được tin nhắn trong cell phone  “7AM cho cu an sang” viết không dấu dễ sinh ra hiểu lầm, nhưng anh chàng này còn ngây thơ hơn khi chạy xe vòng vòng tìm cho ra địa chỉ mới, hồi nào tới giờ ăn ở chùa ông Bổn, bửa nay đổi chỗ mới 7Am, biết đâu mà rờ! Thiệt tình quê hết biết, người ta ghi theo kiểu Mỹ ông ơi, 7Am là buổi sáng, để khỏi lộn với Pm buổi chiều, Kiệt cằn nhằn “ am hay miểu gì cũng vậy thôi!”.Làm cả bọn một phen cười bể bụng.

Sơn cho mượn chiếc xe Honda, vợ chồng tui có dịp đi vô Vũng Thơm thăm người xưa cảnh cũ, nhớ hồi đi học, cứ chủ nhật là cả bọn hì hục đạp xe lên ngã ba An Trạch, cắm trại trong vườn táo, hay vô nhà nhỏ MDung uống sinh tố, sung sức thì chạy vô nhà TTKiển tổ chức chè cháo, bánh xèo.. Thời ấy chỉ có KCThành mượn chiếc xe Vespa của ông già chạy lạch bạch theo gồng gánh đồ đạc ...Mấy mươi năm trở lại, cảnh cũ đổi thay và người xưa thì cũng y như vậy. Tìm được nhà Hồng Thạch, Ngọc Hạnh, Hoa Lang .. Cuộc gặp gỡ bất ngờ thú vị, bất ngờ vì tụi nó không tin Việt kiều Sâm lại dám chạy Honda vô tận đây, và thú vị vì 3 bà có đến ..8 chuyện để rối rít với nhau sau thời gian không gặp, ăn cái bánh pía Vũng Thơm quê hương của chò Kiển, nhớ như in mái tóc bồng bềnh, gương mặt như búp bê và giọng nói nhỏ nhẻ của cô bạn trong nhóm “5 con mèo” ngồi ở bàn đầu của lớp 9A2 ngày xưa …

          Sẳn trớn Nứng đòi chạy thẳng vô Kế sách thăm bà con, nghe nói Tăng thị Mai ở trong này mà không biết nhà, xe chạy ngang qua mấy cây cầu khỉ, dừng lại chụp hình cô thôn nữ đang xăn quần vững bước qua cầu! “ví dầu cầu ván đóng đinh, cầu tre lắc lẻo gập ghềnh khó đi” gặp tui lọt tỏm dưới sông là cái chắc! Ngọc Thạch bên NJ nghe tin tui về quê bèn gợi ý “cậu có dịp đi cống đôi Đại Hải, ghé nhà tui chơi, biểu em tui chặt dừa cho cậu uống, dừa do tui trồng hồi đó, ngọt lắm!” thấu hiểu tâm tình của bạn lâu quá không có dịp về thăm nhà, sẳn xe chùa của MHSơn bèn chạy lên tận Cống Đôi, đường quốc lộ bây giờ xe đò chạy khiếp lắm, lạng quạng nó ép văng xuống sông luôn, 2 vợ chồng vừa chạy vừa run, về Việt Nam mà bị xe cán chết lãng xẹt!

Nhưng không muốn làm bạn thất vọng nên cũng ráng bấm gan mà đi, tới nơi quả thật nước dừa ngọt thiệt, nhưng vườn dừa xơ xác cỏ mọc um tùm, nhìn con mương đầy rác bốc mùi mà thương cho kỹ niệm của Thạch nhà ta “hồi xưa con mương này nước trong veo, tụi em thường nhảy từ cây cầu  xuống tắm.., hồi xưa đám ruộng này một tay ảnh cấy bị đa đeo hoài, hồi xưa..hồi xưa..” giọng thằng em như ngậm ngùi tiếc nuối cái hồi xưa thanh bình của gia đình nó, chụp vài tấm hình quanh mộ BaMẹ của bạn, hình cây khế trĩu quả bên hè nhà, hình gương mặt thằng em như già hơn ông anh bên Mỹ…Mình đã làm xong nhiệm vụ bạn giao rồi nhe Thạch, đừng buồn! nói như Thầy N.T.Thiếp “quê hương chỉ là nơi để nhớ”  Cậu nên cám ơn cái hồi xưa êm đềm xa lắc đó để bây giờ cậu còn có chút gì để nhớ, để thương.

Hồi đi học, nghe bài thơ “màu tím hoa sim”của Hữu Loan hoài mà không biết hoa sim ra làm sao, nghe tin tui về quê,(tin tui về quê cả thế giới đều biết)  nhỏ Hương bèn nhắn gởi: “mày tìm hoa sim và chụp hình gởi tao coi nhe”.Thấy con nhỏ tò mò quê một cục mà thương nên tui cũng hăng hái gật đầu “ ở vùng quê Củ Chi thiếu gì, tao thấy cả rừng sim chớ hổng phải đồi sim như trong bài hát đâu, để tao gởi mày coi”, tui lăng xăng cả buổi với cái máy chụp hình và mấy cây hoa tím ở bờ ruộng, bị kiến cắn gần chết, xong chạy ngay về nhà gởi lên mạng cho nó coi xôm tụ, con nhỏ ngắm tới ngắm lui mấy tấm hình khi mờ khi tỏ do thợ chụp yếu tay nghề, rồi “meo” một câu cụt ngủn: “tưởng gì, bông này tao thấy hoài mà đâu biết là hoa sim”…làm tui hơi bị quê độ, khi gặp bạn bè, tui đem chuyện hoa sim này ra kể công, ai dè chiên gia  Lân phân tích cũng chí lý lắm “hổng phải sim ở bờ ruộng thấp lè tè đâu, hoa sim thân cao, mọc trên vùng đồi núi miền Trung,nên mới có cái từ..những đồi hoa sim,chớ vùng sông nước làm gì có, lộn địa chỉ rồi bạn ơi!”Tui ngẩn tò te vì thất vọng nhưng hổng dám kể lại cho nhỏ Hương biết, cái con bà chằn ấy lại bắt mình ra Trung, leo lên đồi chụp hình  hoa sim thứ thiệt cho nó coi thì tiêu đời!

Chỉ có một chuyện đáng buồn là khi tìm thăm cô bạn bắc kỳ Lê thị Thanh Vân, sau 75 bán trái cây trong chợ Sóc Trăng, cái giọng chán đời gay gắt đã làm nhỏ Tú bực mình trong lần đầu gặp lại nhau cách nay cũng khá lâu, bây giờ hỏi ra mới biết Vân đã mất vì chứng ung thư khắc nghiệt…Lòng chợt chùng xuống thảm sầu, Hoàng Diệu  mất đi một đứa học trò mà nào ai hay, cũng như bao nhiêu cái bóng lặng lẽ khác đã bỏ trường, bỏ lớp, bỏ bạn bè ra đi mãi mãi từ ấy đến nay trong nỗi thương tiếc ngậm ngùi…Phút mặc niệm dành cho tất cả những người bạn đã mất, tự dưng nhớ giọng hát vút cao của TVSùng. . “hạt bụi nào hoá kiếp thân tôi, để một mai tôi trở thành cát bụi..”.Cầu xin cát bụi không phủ xuống những bạn bè còn lại hôm nay! Cầu xin trong mail box đừng bao giờ  nhận được thông báo  “Tin buồn” làm giật mình thảng thốt!

Hôm lang thang ở PhanThiết nhậu với Hồng Sơn, nghe bạn ca vọng cổ mùi mẫn, chợt nhớ lần cả bọn ghé Đồi Sứ của bạn, đêm nghe tiếng sóng biển rì rào, thấy mình nhỏ nhoi giữa không gian mênh mông vô tận, cả bọn chợt ngồi xích lại gần nhau hơn, tiếng hát lãng đãng và tình bạn ấm nồng men cay, có lẽ đó là những khoảnh khắc đáng nhớ, như thơ của LHMinh “Em về phố nhỏ Sóctrăng, bạn bè còn đó tình thân nghĩa đầy, em đi còn nhớ chốn này, con đường góc chợ, hàng cây lối về” Ôi!Sóc trăng thân thương, quê hương kỹ niệm trong trái tim mình!

Thời gian qua nhanh và mấy tuần về quê sắp hết, có người tính toán và cười tui dở hơi, tự dưng vợ chồng con cái bỏ cả trăm triệu trong thời buổi kinh tế khó khăn để chỉ về VN chơi mấy tuần, sao không đi du lịch Thái lan, Trung quốc, Nhật bản..Việt Nam có gì vui đâu ? Hồi nhỏ tới giờ thú thiệt là tui chưa bao giờ hối hận về điều gì mình đã làm, cái gì mình đã chọn lựa và dĩ nhiên là không thèm cải lý với suy nghĩ kiểu cân đo đong đếm như vậy, ngốc ạ! Niềm vui không thể mua được bằng tiền và tình cảm chân thành giữa mọi người với nhau lại càng đáng được trân trọng hơn nữa, tui chọn lựa niềm vui thanh thản với các bạn thân thiết của mình, những giây phút thoải mái bên nhau nói cười rôm rả đâu dễ gì tìm được ở lứa tuổi U60, huống chi tụi mình đã có hơn 40 năm chung một mái trường, chơi với nhau từ thuở tóc xanh đến bây giờ đầu bạc, kể ra thì cũng chí cốt lắm chứ, dù mỗi người mỗi hoàn cảnh sống, mỗi chí hướng khác nhau nhưng đều có mẫu số chung là sự thân thiện của tình bạn, đó mới là điều đáng nói!

          Tháng 9, mùa tựu trường và tháng 9 cũng là sinh nhật của tui, nói như người xưa “tam thập niên tiền nhị thập tam” (ba mươi năm trước ta mới có hai mươi ba tuổi) có nhiều bạn sợ hi không muốn nhắc đến tuổi già sồng sộc để “nhìn lại mình đời đã xanh rêu..”nhưng tui thì mạnh dạn soi gương để đối diện với nó, những nếp nhăn của thời gian trong khóe mắt, vành môi.. Mà có gì đâu chỉ là một chút da chút thịt bề ngoài, chủ yếu là trái tim còn biết rung động cảm xúc, còn biết yêu thương cuộc sống hôm nay, tui nhớ đọc được mấy câu đâu đó “Một chút giận, hai chút hờn, lận đận cả đời- ri cũng khổ! Trăm điều xã, vạn điều buông, thong dong tấc dạ - rứa mà vui!”Tui chủ trương thâm tâm an lạc và mong các bạn cũng được như vậy, an lạc thân tâm..

          Tháng 9 nhớ kỹ niệm, nhớ bạn bè, MHSơn khi bị nỗi buồn đau đè nặng, đã  phải kêu lên “bà mẹ nó, may mình còn có đám bạn cũng nguôi ngoai” Ừ, hạnh phúc ở chỗ mình biết quý cái gì mình đang có, mọi thứ có thể qua đi, biến mất, nhưng chỉ có tình bạn còn tồn tại, hãy giữ lấy nó!

 

Tứ bà la sát 

Mới nghe cái tên đã thấy “ bà chằn lửa” rồi, mấy đứa tui hồi lớp 7 đã được  Thầy Tâm âu yếm đặt cho cái danh này sau những lần làm loạn trong lớp, bị ăn cả thúng hột vịt oan mạng nên nhao nhao đứng lên khiếu nại Thầy,  vừa cãi lý vừa khóc tấm tức...Chắc ổng cũng mắc cười cái đám nhà chòi của tụi tui nên nạt ngang “thôi nín đi mấy bà la sát”.

 Vậy là tên bốn đứa tui dính chùm từ đó, không biết la sát chằn ăn trăn quấn c nào nhưng phải nói là tụi tui khoái cái biệt danh này lắm, thậm chí có đứa làm thơ còn ghi bút hiệu “TBLS” cho có vẽ bí ẩn.

Trong lớp với tụi tui còn có nhóm “ Năm con mèo” là mấy đứa ngồi ở bàn đầu (Oanh, Kiển, Thủy, Vân, Dung ) nhỏ nhẻ, ngoan hiền một mực. Lớp bên kia thì có nhóm Acetylen C2H2 gồm Chuôn, Chính, Hai, Hương...Nhưng có lẽ phá phách đình đám nhất là nhóm Tứ bà la sát.

Nhỏ Hương mới lớp 6 là đã nhổ giò cao lêu khêu, lên lớp 9 còn gắn thêm cặp kiếng cận tổ chảng nên bạn bè gọi nó là Hương cận, nhờ cặp kiếng nên gương mặt nó trông ngây thơ khờ khạo, em hiền như ma sơ khiến mấy tên húi cua trong trường cứ ngẩn ngơ, có đứa còn cả gan làm thơ tỏ tình trắng trợn“mắt em bé nhưng ngời sáng hơn sao / hãy cho phép ta lao vào em nhé..” Đâu ai biết đôi mắt bà la sát đó đã trừng nguýt mấy đứa đứng trong hàng chào cờ mà cứ rù rì nói chuyện, đâu ai biết nhỏ ta là đầu đảng của mấy vụ chọc Thầy phá bạn nhất lớp.

Nhỏ Thạch cao lêu khêu thì hiền hơn, người Khờ Me mà, đi học luôn mặc quần đen lưng thung,vô lớp mỗi lần Thầy gọi hỏi bài là nó đứng dậy theo thói quen sửa quần sửa áo, tay thì gài cái nút áo cuối (ngồi mở khuy ra cho nó ..mát) tay thì kéo cái lưng thung nghe cái phạch..khiến tui ngồi kế nó mắc cười muốn chết. Coi hiền vậy mà đụng tới nó thử, nó cãi tới bến.

Nhỏ Thanh da ngâm đen nhưng khá mặn mà, có chút tài vặt hát hò, thơ văn lãng mạn nên biết yêu sớm nhất bọn, có anh chàng thi sởi nào đó gởi tặng nó bài thơ, nó hào hứng đem khoe với cả bọn, tui nhớ mang máng mấy câu chót. “Anh về lo liệu mùa hoa cưới/ Hôn vạn lần hôn để nhớ hoài”. Coi bộ mùi tận mạng, nhưng có cưới thiệt không phải đợi coi hồi sau sẽ rõ. Tình thời học trò mà, chỉ đẹp khi dang dỡ thôi.

Còn tui hả, chắc “la sát” thiệt, hồi tui còn nhỏ Má tui đi coi ông lên bà xuống gì đó nhập xác cậu , phán một câu xanh lè “ Nữ này chân mạng là con của bà Thánh Anh La Sát, nên nó hổng có ngán ai hết, ma quỷ thấy nó là né ra ...” Hèn gì, tui chơi cầu cơ hoài mà cái tay im re, trong khi mấy đứa kia cơ kéo chạy vù vù.

Nói Tứ bà la sát thì có vẽ như tụi tui dữ dằn lắm, nhưng thật ra đứa nào cũng ..hiền, bằng chứng là suốt thời trung học , ngoài những nghịch ngợm phá phách của tuổi 13, tụi tui đều học hành nghiêm chỉnh, có bảng danh dự đều đều hàng tháng, cũng tham gia sôi nổi văn nghệ báo chí của trường đâu có thua kém bạn bè. 

Đây là thời kỳ tuyệt vời nhất trong lứa tuổi thần tiên của cả bọn, chỉ  biết học hành, vui chơi, yêu đương lãng mạn và hồn nhiên chim sáo. Bởi vậy ký ức về tuổi học trò, những kỹ niệm đẹp, tui nghĩ là mình có đầy nhóc!!!

Ngọc Ánh

                    

Nhóm TBLS của bọn tôi (Hương ,Ánh ,Thanh ,Thạch) tưởng đã bị quên lãng theo thời gian, nay chợt bừng sống lại không ngờ. Từ cái hẹn của nhỏ Ánh, hai đứa sẽ gặp nhau tại nhà Huỳnh Kim Hua, trời trưa nắng thật gắt, tôi vẫn vượt đường dài để gặp lại nhỏ bạn thân năm nào  trong tâm trạng bồi hồi khó tả...                               

 Ánh ra đón tôi bằng những lời thơ nồng ấm             " ...Yêu nhau từ thuở mắt còn xanh                                 Chuyện đời ngày ấy mình chưa biết

 Cô bé ngày xưa Lê Thị Thanh....”

Thoáng chút ngỡ ngàng hai đứa ôm chầm lấy nhau mừng mừng, tủi tủi.  Thật vui, tôi cười cười nhìn nó, rồi lẩm bẩm " mày hay quá hé Ánh. Bài thơ của "người ta" (anh TH Nhã) viết tặng cách đây hơn 40 năm-tao không thể nào nhớ nỗi ,mà mầy lại đọc vanh vách từng câu”     Và buổi chiều hôm đó, có lẽ tôi là người vui nhất, nói nhiều nhất, nói như chưa bao giờ được nói. Chở Ánh vòng qua những con phố Sóc Trăng, chúng tôi thấy mình như trẻ lại, sung sướng tung tăng.  Kỹ niệm  ngày xưa được tìm về mênh mang, đầy ắp...Gặp lại Hồng Võ, cứ nhìn tôi trân trân, không nhận ra. Ừ nhỉ, nhỏ Thanh ngày xưa giờ lạ hoắc thế này sao?!   Các bạn thương  mến của tôi ơi, tôi đã thật sự đổi thay rồi. Từ vóc dáng, gương mặt, tuổi đời. Từ cách nhìn, tiếng nói, tướng đi.  Bỡi sau mấy mươi năm lăn lộn, trãi đời- tôi đã trở thành một con người hoàn toàn khác, tâm tư cũng dần biến đổi theo cuộc  sống quay mòng.....    Tôi đã từng vấp ngã, rồi lại cố gắng đứng lên. Cứ thế mà chân bước chông chênh...Có lúc tôi thèm được khóc quá, nhưng tôi vẫn không khóc được. Và tôi quên tất cả người thân, bè bạn. Cho đến bây giờ, bằng những bước chân đời vững chắc tôi ước ao gặp lại thầy cô, bạn bè xưa cũ, tôi muốn tìm lại tuổi thơ của mình mà tôi đã đánh mất từ lâu.            

Sáng hôm sau uống cafe xong, tôi cùng anh Sâm, Ánh, Hồng Võ vào Phú Tâm thăm Hồng Thạch, TT Huyệt và Hoa Lang.  Gặp lại bạn bè,sao mà vui quá đỗi. Mạnh đứa nào nấy nói, ánh mắt rạng ngời-nhìn nhau cười rôm rả, dòn tan....Thế nhưng tôi vẫn cảm thấy thiếu thiếu một chút gì ! Ba bà La Sát đây rồi,nhưng TT Hương đâu? Phải chi có nó thì vui ghê nhỉ. "Thu Hương ơi mày ở xa quá- biết bao giờ tụi mình mới được gặp nhau?"             

Ngồi nhắc lại với Ánh,Thạch về chuyện buổi thuyết trình vào giờ thầy An. Nhỏ Ánh đại diện tổ lên thuyết trình (Hương, nh chung tổ). Hôm ấy trên tóc Ánh cài 1cánh hoa nhỏ xíu, xinh xinh, ngồ ngộ. Tới phần góp ý, tôi viết lời bình. Vì quá thân nhau nên tôi cố tình chọc nhỏ A cho vui "bạn điệu quá bày đặt cài hoa lên tóc.  Tôi đưa cho Thu Hà tờ giấy, nó đứng lên đọc liền một mạch, không chấm phết, không pha trò theo ý của tôi. Thế là lời bông đùa thành lời ...phẩn nộ. Trên bàn thầy, nhỏ Ánh vẫn cười vô tư. Còn ở dãy bên kia mặt nhỏ Hương ...phừng phừng lửa giận. Tôi biết nó đã hiểu lầm mình. Phải chi tôi đích thân góp ý thì đâu nên nỗi..               

Một lần nữa tôi chở T Hương đi chơi. Con lộ từ ngã ba An Trach đến Phú Tâm rất xấu, đi được nửa đường, tay lái tôi bỗng chao đảo khi vấp phải ổ gà đầy cát. Xe ngả cái rầm, nhỏ H bị rách cái quần ống "loe", còn tôi cần số đập vào chân quá mạnh còn mang sẹo đến bây giờ.  Thế mà khi dựng xe đứng lên, hai đứa lại nhìn nhau cười (nửa cười nửa mếu) thấy thương làm sao! Ơi những kỹ niệm êm đềm thuở còn đi học,kể đến bao giờ mới hết đây! Cho nên, Thu Hương ơi, Tứ Bà La Sát chỉ thiếu mỗi mày. Dù mầy có ở tận nơi đâu,bọn tao vẫn luôn nhắc tới mày trong mong nhớ quắt quay.

Lê thị Thanh

 

Sau 75 hổng biết bạn bè biến đi đâu mất tiêu, tui về quê định bỏ học luôn, nhưng Má tui biểu ráng thi vô sư phạm đặng có cái nghề tử tế. Ra trường dạy đâu được năm thì bị ngh ngang xương vì chị tui là “ngụy”. Buồn quá tui lấy chồng làm ruộng luôn, cũng ít ra chợ Sóc trăng nên chuyện gặp gở bạn bè cũng không sao liên lạc. Cơm áo bộn bề cứ lu bu ngày này tháng nọ khiến tui cũng quên mất mình có một thời làm học trò tươi vui  nhốn nháo, quên mất cái danh Tứ bà la sát chọc phá nghịch ngợm mà cả bọn hào hứng xưng tên hồi đệ nhất cấp. Lâu lâu nghe ai đó nhắc về ba con bạn chí cốt trong nhóm TBLS, nhỏ Ánh ở tù, nhỏ Hương vượt biên, nhỏ Thanh gia đình lận đận...Tôi buồn hết sức, nhưng nghe vậy thôi chớ biết sao giờ...Thân mình còn vất vả lao đao, đời nay làm ruộng đủ ăn là hên rồi.

 Gần 30 năm sau khi mọi việc đều yên ổn, đứa này đứa kia đời sống thong thả đôi chút mới í ới gọi nhau, đầu tiên là nhỏ Ánh ở Sàigòn về ST họp bạn, rồi nhỏ Hương ở bên Mỹ cũng về mấy năm sau đó, nhưng nhỏ Thanh nó ở đâu? Nghe nói nó lấy chồng miệt Lịch hồi thượng...

Mãi tới năm ngoái ba bà La sát mới hội ngộ nhau trong Vũng Thơm(có Ánh , Thanh , Thạch, chỉ thiếu Thu Hương thôi), cũng căn nhà cũ của Má tui mấy chục năm trước, bụi tre già bao quanh mát rượi như hồi xưa, khung cảnh y chang mà mặt đứa nào cũng già chát... Phải nói là mừng hết lớn sau thời gian dài cả bọn tứ tán mỗi người mỗi hoàn cảnh mà cũng còn có dịp để tìm nhau, nhắc lại thời đi học vui ơi là vui, kể chuyện này kia trong lớp rồi cười ha hả như trẻ thơ.  Con gái tui ra vô cứ tấm tắc “ Bạn bè Má hồi xưa vui ghê, nghe mấy ý nói chuyện mà con cười muốn chết”.

Còn gặp là còn vui, tui nhớ nhỏ Hương có bàn tay búp măng mà tui hay cầm lên săm soi, so sánh với bàn tay làm ruộng của mình, tôi nhớ miệng cười có hai cái răng cửa bự chảng của nhỏ Ánh, tôi nhớ làn da bánh ít đường tán của nhỏ Thanh khi nó tự hào “ đen mà có duyên”, tui nhớ có lần cả bọn bàn về xem tử vi, bói nốt ruồi, nhỏ Thanh kể là ngón trỏ mình có chấm đen, nhỏ Ánh ngó qua rồi nói “số mày chỉ huy chồng” sao biết?thì mày cứ lấy ngón trỏ ấn vào ngón cái thử, đó là ..bóp mũi, xỏ mũi dắt đi” nhỏ Thanh kêu lên “con quỷ khiến cả bọn cười nắc nẻ.

Bổng nhiên tui nhớ đủ thứ chuyện hồi xưa. Ước phải chi bây giờ có đủ bốn bà, tụi mình ra cột cờ trước sân trường chụp chung tấm hình như hồi đó. Ủa mà trường Hoàng Diệu bây giờ xây khác rồi, đâu còn cảnh cũ nữa đâu?..

Hồng Thạch

                                                                                         Nghe tin nhỏ Ánh về Sóc Trăng tìm ra mấy đứa trẻ lạc, tôi thật sự vui mừng như thể mình đang nắm được tay tụi nó để hình dung ra từng khuôn mặt ngày xưa.

Cái thị xã nhỏ xíu vậy mà phải mất mấy chục năm mới gặp lại nhau,nghĩ cũng lạ. Nghe tiếng nó kể líu ríu trong điện thoại  mà lòng tôi nôn nao.  “..mày nhớ con Hua không?  nó ở xéo xéo cổng trường HD, nhà nó là vựa bánh kẹo nên ra chơi là tụi mình chạy qua tìm bánh vụn sót trong thùng thiếc ăn đã đời...mày nhớ DMThanh hôn?con nhỏ ngồi ở bàn sau lưng mình đó, bây giờ nó làm cô giáo, nó về dạy lại ngay khu đất nhà mày khi xưa, nó còn nhắc mày đó, mày còn nhớ LTThanh trong nhóm TBLS của mình, nó bây giờ khác xưa,nhưng khi cười mắt híp lại là nhận ra ngay...Tao cũng có vô Vũng Thơm thăm Đá Đỏ (Hồng Thạch) nữa, tụi nó réo tên mày cho mày ách xì văng mắt kiếng luôn ...”

Cả một trời kỹ niệm xưa hiện về trong trí nhớ. Ôi mấy bà la sát, tau cũng nhớ tụi mày lắm chớ, tau nhớ con đường lởm chởm ổ gà từ ngã ba An Trạch vô Phú Tâm mà mỗi tuần bọn mình đạp xe đèo nhau tới nơi  tán dóc, cười đã đời rồi về. Dọc theo đường nào là nhà của Trần Thị Huyệt nơi bọn mình chống xuồng xuôi theo con rạch nhỏ dưới trưa nắng chang chang, chỉ là quýnh quáng, trôi ngược xuôi theo dòng nước, trải rộng tiếng cười, tiếng hét thất thanh mỗi khi có đứa rơi tòm xuống nước vì cây sào mắc cứng trong sình không kéo lên được. Sau đó ghé nhà Kiển ăn cơm trưa với mắm lóc chiên thơm mùi tỏi, giấm. Nhân tiện dòm qua nhà Mã Anh Minh coi nó đang làm gì trong tiệm thuốc bắc. Vòng vòng đâu đó trong thị xã là nhà bà con của Minh Nguyệt, của Thu Hà A1, Hồng Thạch...nhiều lắm, không kể xiết.  Trạm cuối cùng khi ra về là quán sinh tố của Mỹ Dung, có lần tụi mình rủ bọn con trai lớp 9A3 theo, Lý Hùng Kiệt hào phóng móc tiền trả chầu sinh tố, Dung từ chối đây đẩy “ Thôi, tui hổng lấy anh đâu”  Kiệt thì cứ kỳ kèo “Chị lấy tui đi mà” làm tụi mình cười gần chết.

Chắc hồi đó mình mê tuồng cải lương “Nửa đời hương phấnnên có lần tau từ Sài gòn về sau 3 tháng hè, Ánh giả giọng Hữu Phước ghẹo tao “ The à, bộ cái tên The ba má đặt cho mày quê mùa lắm hay sao mà mày lên Sàigòn đổi lại tên Hương... rồi cả bọn cười nắc nẻ.

Càng nhắc chuyện hồi xưa càng nhớ đủ thứ chiện, thôi thì ba nào tau gáng bay dìa chơi với tụi bây nhe. Hãy đợi đấy mấy bà la sát ạ.

Thu Hương

Ngọc Ánh