Tôi không nhớ ai là người giới thiệu cho tôi vào làm việc ở
công ty thủy tinh. Hiện tôi là một công nhân viên thuộc công ty. Một công nhân
viên không biên chế, nghĩa là một anh cu li, nếu nói theo thời thực dân tôi là
một thằng cu li hạng bét.
Có được việc làm thời mới giải phóng miền Nam là may mắn rồi,
bao nhiêu người thất nghiệp, hoặc bị ngưng việc ngang, công việc làm không
thích hợp hoặc chưa thể thích hợp được, vì chưa được học tập đường lối chính trị
của nhà nước. Nhưng lao động là vinh quang, lang thang là chết đói, hay nói thì
ở tù. Khẩu hiệu khuôn vàng thước ngọc đã đề ra như vậy, đừng có lôi thôi.
Anh làm bất cứ nghề gì, miễn là có việc làm, lại được cơ quan nhà nước chứng nhận
là công nhân viên, lương hướng dù không đáng bao nhiêu, nhưng cũng đáng kể đấy.
Người không chê việc mà việc không chê người. Đừng có ỷ ôi lựa chọn, kiểu việc
này thích hợp, kiểu việc kia không thích hợp. “Mọi con người bình đẳng”. Hình
như hiến chương Liên Hiệp Quốc đã ghi, “bác” Hồ đã nói trong tuyên ngôn độc lập
như vậy. Người ta sẽ tìm ra ngọc trong đá thôi. Anh có thể trả lời với nhà cầm
quyền ở phường anh là người lao động có cơ sở chứng minh, không ăn bám ai cả,
công an và mấy vị chức sắc ở phường để anh yên thân, anh không bị đòi lên Công
An phường làm kiểm điểm vì tội chây lười lao động, hoặc anh bị tống đi làm thủy
lợi đào kinh vét mương, tự anh lo lấy miếng ăn cho anh, đuổi khỏi nhà anh cho
đi xây dựng vùng Kinh Tế Mới, một công việc được coi là ăn cơm nhà vác ngà voi.
Không chấp hành thì anh phải trốn chui trốn nhũi ra chợ trời buôn gian bán lận.
Tất cả đều là quốc doanh. Ắn tô phở phải mua phiếu, phải đứng xếp hàng chờ cả
tiếng đồng hồ, đồng một loạt phở bò lèo tèo mấy tiếng thịt chín, nước lèo lạt
thếch, đục ngầu ngầu, lại phải tự hầu lấy mình, bưng tô lấy đũa. Ôi còn đâu thuở
ăn phở tái chín nạm gầu, nước béo hành trần, tương ớt rau giá ăn thả cửa.
Thuở đó cách nay không lâu, nhưng cũng coi như lâu lắm rồi.
Một kỷ niệm khi nghĩ đến khiến chảy nước mắt, nhưng chỉ nên khóc thầm thôi, anh
khóc thật thì bị mang tội phản động đấy, liệu cái thần hồn. Tư tưởng anh lệch lạc
anh có thể được đi học tập cải tạo mút mùa Lệ Thủy, khi nào anh học tập tốt nhà
nước khoan hồng cho anh về sum họp với gia đình. Anh chọn cách sống nào thì chọn,
tôi chọn làm thinh.
Lao động suốt tám tiếng đồng hồ một ngày, tôi đẩy hàng mấy chục xe thủy tinh vỡ
bể vào nhà kho cho mấy chục nữ công nhân lựa chọn, mầu thứ nào ra thứ nấy. Tiếng
bánh xe sắt ở chiếc xe cút kít tôi đẩy nghiến trên đường cót két như một điệp
khúc buồn nản. Cán bộ chấm công đứng dọc đường đi miệng quang quác hối thúc, động
viên:
"Khẩn trương, khẩn trương nên, không được nề mề, vượt chỉ tiêu
nào…"
Anh ta chính là cai cu li, trên tay chỉ thiếu cái roi quất cu li túi bụi, nhưng
đủ khiếp rồi, lời anh hót còn sót sa còn hơn roi vọt. Chớ ngu dại mà gọi anh là
cai cu li, mang họa đấy. Phải gọi anh là trưởng ban thi công cho ra vẻ cách mạng.
Cũng đừng gọi anh ta là “đại ca” xách mé giang hồ kiểu Đơn Hùng Tín của người
miền Nam. Tốt hơn hết là làm thinh, mặt mũi ngu độn một chút cho hợp thời. Ngu
độn thôi chứ đừng làm mặt khổ. Không ai chấp nhận cái mặt khổ của anh, có cuốn
sổ chấm công, giá một xu một xe đẩy đầy có ngọn. Cũng chẳng thiếu gì người vượt
chỉ tiêu, được phong anh hùng lao động. Thèm một đĩa cơm bình dân đầu đường
ghê, mà tôi không mua nổi. Cơm cũng phải bán “chui” ngoài cửa xí nghiệp. Ly cà
phê bắp rang cháy cũng vậy. Cũng bán chui. Tôi không dám ăn uống thứ lương thực
xa xỉ ấy. Bữa cơm trưa của tôi là mấy củ khoai lang sùng đắng nghen nghét và
bình nước lạnh mang theo. Khoai mẹ tôi phải đứng xếp hàng mua ở tổ Hợp Tác Xã
phường. Không có tên trong sổ lương thực, anh phải có tên trong hộ khẩu. Cái
tên đó có thể bị gạch xóa đi bất cứ lúc nào, nếu anh bị ghét bỏ, phường không
chịu quản lý con người anh nữa thì bỏ mẹ. Không khí hãi sợ trùm lên tất cả mọi
người.
Tôi ở tuổi 40 rồi, sức lao động cũng kém đi, chưa bao giờ
tôi đạt chỉ tiêu qua những chuyến xe đẩy thủy tinh vỡ. Tôi là nhà văn tự gác
bút, mấy anh bạn đồng hành đẩy xe với tôi, người là luật sư, dược sĩ, người là
nhà giáo “mất dậy”, thay phiên nhau đứng hạng bét, dù cố gắng thế nào cũng
không đạt chỉ tiêu trên đề ra, chứ chẳng mong gì đạt chỉ tiêu hoặc vượt chỉ
tiêu. Anh hùng lao động chỉ là điều mơ ước, khó còn hơn làm luận án thi tiến
sĩ.
Con đường chúng tôi đi từ cổng vào đến nhà kho, lẩn thẩn mà tính ra cũng phải đẩy
xe cả trăm cây số mỗi ngày. Thuở mới đổi tiền, từ tiền Ngụy sang tiền Cách Mạng,
tỉ lệ một ăn mười. Đồng tiền không vàng bảo chứng cũng quí giá vô cùng. Tìm ra
nó khó ngàn lần vào rừng ngậm ngải tìm trầm.
Giờ nghỉ giải lao buổi trưa chỉ có một tiếng đồng hồ vừa ăn vừa nghỉ. Bình nước
ni lông tôi mang theo uống từ sáng đến giờ đã hết, tôi ra bể nước vục bình xuống
múc. Cái bình chứa hơn phân nửa nước vẫn nổi lềnh bềnh trong bể. Tôi nghịch ngợm
nhấn chìm xuống, thả tay ra, cái bình vẫn nổi lên như cái phao. Nghĩa là bình
còn một phần không khí chứa bên trong thì cái bình vẫn nổi. Có một người đang đứng
nhìn tôi nghịch ngợm, anh kỹ sư xây lò của công ty. Nghe đâu anh ta là người chế
độ cũ, làm việc ở công ty này lâu năm, nay được cách mạng lưu dùng (lưu dùng chứ
không phải lưu dụng). Hành động đùa nghịch của tôi giờ nghỉ nên sẽ không bị khiển
trách hay phê bình. Anh đứng xem tôi nghịch ngợm, rồi nở nụ cười, buột miệng
nói:
“Cám ơn nhà văn, anh đã cho tôi ý tưởng hay”.
Tôi ngừng chơi, tròn xoe mắt nhìn anh, không nói được mà chỉ há hốc miệng. Một
lát sau tôi mới lắp bắp chối:
“Không anh nhầm rồi tôi là... là cu li không công nhân viên”.
Anh kỹ sư vẫn cười:
“Thôi đừng chối nữa, tôi biết mà, tên anh có trong kia, tôi không lạ gì anh,
tôi từng là độc giả của anh. Tôi không phải công an, đừng lo. Anh ăn cơm
chưa?”.
Tôi hoàn hồn, lắc đầu:
“Không ăn được, mấy củ khoai sùng đắng nghét”.
“Vậy tôi mời anh ra cổng ăn đĩa cơm bình dân chui với tôi, uống ly cà phê bắp
rang”.
Tôi toan từ chối, nhưng anh đã thân mật vỗ vai tôi:
“Đừng từ chối, tôi người Nam, thật tình đó”.
Thế là tôi với anh cùng nhau ra cổng. Đĩa cơm chui rưới nước mắm ớt, đậu que
xào loáng thoáng mỡ, “chạy qua” hàng thịt mà ngon lành làm sao. Xong bữa cơm
anh lại mời tôi qua đường uống cà phê đen, đường tán cạo ra xúc được nửa thìa vừa
đắng vừa thiếu ngọt, hút điếu thuốc rê vấn sẵn.
Anh kỹ sư chẳng thèm hỏi đến thân phận cùn mằn của tôi bây giờ ra sao, có lẽ
anh cũng thừa biết rồi. Anh hỏi tôi:
“Mấy ngày hôm nay anh có thấy những phái đoàn đến thăm cơ sở của ta không?”.
“Có, đi xe ô tô con, có vệ sĩ đi hộ vệ nữa”.
Anh hớp một miếng cà phê đắng nghét, nhăn mặt:
“Cho thêm tí đường đi, đắng quá”.
Cô hàng cà phê xúc cho thêm tí đường tán cạo, anh kỹ sư có vẻ hài lòng, không
còn xin thêm chất ngọt nữa.
“Còn hơn là uống cà phê quốc doanh, đắng xin thêm tí đường mà sợ bỏ mẹ. Thằng bảo
vệ nhìn mình chằm chằm như muốn ăn tươi nuốt sống. Đừng coi thường chúng nó,
chúng có thế có quyền đấy, có ô dù che chắn”.
Tôi đồng ý với anh, vì tôi từng thấy cảnh này. Anh kỹ sư như chợt nghĩ lại chuyện
các phái đoàn đến công ty. Anh nói:
“Toàn những cấp lớn, phái đoàn bự”.
“Họ tới chi vậy?”.
“Tới vì việc xây lò nấu thủy tinh, xem bản vẽ thiết kế xây lò của tôi.”
“Vậy hả, chính anh là người thiết kế xây lò?”
“Ờ chính tôi, tôi đã làm việc này nhiều năm, có tay nghề.”
“Mừng cho anh.”
Anh kỹ sư gắt lên:
“Mừng cái mẹ gì, tôi đang lo này”.
“Lo gì?”
"Chuyện lắm thầy thối ma.như thế nào tôi không biết sao. Đúng là lắm thầy
thối ma,nhiều cha con khó lấy chồng. Ông nào cũng to cũng có quyền hết. Tôi giải
thích, thậm chí lấy chuyên môn ra lý luận cũng không xong. Tôi mang tiếng là
cãi lệnh cấp trên, chống đối lại ý kiến xây dựng của lãnh đạo. Tôi đành phải
chiều theo ý kiến xây dựng của họ. Nhưng tôi yêu cầu họ ký tên vào sự sửa đổi ấy
ngay dưới bản vẽ, vị nào cũng xin hoàn toàn chịu trách nhiệm. Tôi không thể làm
ngần ấy cái cửa lò trong một cái lò. Tôi sẽ lấy ý kiến cuối cùng, ý kiến ấy mới
có ở phái đoàn sáng nay. Tôi biết sẽ thất bại, sẽ không ổn nhưng cũng đành phải
nghe theo thôi. Lò sẽ nổ tung hay xụp đổ vào ngày khánh thành, đốt lò. Khi đó
chẳng ai chịu trách nhiệm hết ngoài thằng kỹ sư xây dựng lò là tôi. Vứt đi hàng
bao nhiêu ngàn viên gạch chịu nóng, loại gạch đặc biệt phải mua của nước ngoài
giá đến mười đồng mới đổi một viên chứ có ít đâu, chưa kể phải kê giá lên cao
theo lệnh cấp trên".
Tôi há hốc miệng nghe anh kỹ sư tả oán. Tôi không có ý kiến gì, vì tôi dốt đặc
cán mai về nghề xây lò. Tôi rụt rè hỏi anh kỹ sư:
“Anh đã có cách nào thoát khỏi “kiếp nạn” này chưa?”.
Anh mỉm cười gật đầu:
“Có rồi, mới trưa nay thôi, khi nhìn anh đổ nước vào bình”.
Trời đất ơi, tôi có liên quan gì đến chuyện này, tôi thầm kêu lên như vậy.
Nhưng anh không giải thích cho tôi, anh quay sang một chuyện khác:
“Tôi có một người bạn làm thợ máy Không Quân. Sau giải phóng anh chạy không kịp
nên được lưu dùng, làm việc tại phi đoàn trực thăng, vẫn công việc sửa máy bay
của anh ta xưa kia. Ai cũng nói anh được may mắn, có công việc làm, không phải
đi học tập cải tạo. Một ngày kia, anh nhận thấy loạt bu gi của máy bay đã hết hạn
xài, vì thứ đó cần được thay thế vì đã xài đến hằng ngàn giờ bay rồi, phải liệng
đi thôi, thay thế cái mới.
Kho tiếp liệu lại hết đồ, anh đành lên báo cáo với tân chỉ huy trưởng phi đoàn.
Chỉ huy trưởng không giải quyết chuyện này mà chỉ ra lệnh vắn tắt: “Khắc phục!
Anh cạo bu gi, mài lại vít lửa, báo cáo với tôi làm gì, rồi chờ Liên Xô viện trợ
thì thay thế. Anh cứ thi hành lệnh của tôi, tôi chịu trách nhiệm. Anh không làm
thì có người của chúng tôi làm, anh có thể xin nghỉ việc, không phải chỉ anh mới
là người giỏi, tôi không thể bao che cho anh mãi được, cách mạng từng chế ra
tên lửa bắn rơi được B52 của Mỹ, nữa là cái chuyện vặt này có gì quan trọng
đâu”. Hú hồn, anh ta làm đơn xin nghỉ việc liền, mới đây tôi gặp anh ta ngồi lề
đường sửa xe gắn máy, xe đạp. Anh tha hồ cạo bu gi, phục hồi bu gi và mài vít lửa.
Anh hiểu chứ, chiếc Honda đang chạy trên đường bỗng nhiên chết máy còn giắt bộ
mang đi sửa được. Chứ cái máy bay đang bay bỗng nhiên bị tịt ngòi bu gi giữa trời
khắc phục cái nỗi gì”.
Dứt câu chuyện, anh kỹ sư cười hì hì:
“Tôi thì không có may mắn bằng người lính thợ bạn tôi, vì tôi không được phép
làm đơn xin nghỉ việc. Mãi ngày hôm nay tôi mới tìm ra cách thoát thân, một sống
một chết mà. Cùng tắc biến, biến tắc thông phải không anh. Sắp đến giờ lao động
rồi, chúng ta vào thôi. Mai Chủ nhật rảnh mời anh sang nhà tôi chơi. Tôi ở Nhà
Bè, tôi chỉ đường cho dễ tìm lắm. Thứ Hai này khởi công xây lò rồi.Tôi bận mất
mấy ngày”.
Tôi tìm nhà anh kỹ sư xây lò nấu thủy tinh ở Nhà Bè không khó, anh đã chỉ dẫn
đường đi nước bước cho tôi cặn kẽ, cặn kẽ từng chi tiết, vả lại bấy giờ chưa đổi
tên đường. Tôi cọt kẹt đạp chiếc xe đạp cũ rích sang nhà anh chơi. Anh đón tôi
ngoài cửa nhà cười toe toét. Căn nhà của anh là một chiếc bè, thả nổi trên
sông, neo ngay cạnh bờ, lối lên xuống là chiếc cầu gỗ vững chãi, nhưng cũng tiện
lợi, có thể điều khiển được, rút cầu lên, chiếc cầu ở trên bè, bởi vì anh ta là
một người khoa học, hình như chiếc bè ấy còn di chuyển được. Tôi nhìn thấy một
cánh buồm cuốn lại, không biết còn máy móc gì khác không. Trước mắt tôi là một
căn nhà gỗ đơn sơ nhưng khá vững chắc. Đời sống của con người này, một vợ và một
con nhỏ có vẻ bụi đời. Nhưng thực ra chẳng bụi đời tí nào, khi vào hẳn căn nhà
của anh tôi mới rõ. Một căn nhà đầy đủ tiện nghi, có máy phát điện riêng, cầu
tiêu buồng tắm, bếp núc, kho chứa lương thực nước ngọt. Tôi dạo chơi thăm căn
nhà anh một vòng, tôi rất hài lòng và ao ước có một căn nhà như thế, cây kiểng
xung quanh nhà được trồng trong chậu sành, bè là những thân gỗ lớn, ghép lại bằng
bù loong và dây xích sắt. Tôi hỏi anh:
“Sao anh lại có căn nhà này, mới đây hay từ lâu rồi?”
“Mới đây thôi, từ khi tôi bán căn nhà ở đường Trịnh Minh Thế.”
“Tại sao anh phải bán căn nhà đó?”
“Nhà tôi rộng nên Cách Mạng xin vào ở chung, làm nhà tập thể, tôi không muốn sự
chung chạ nào, cũng không thích tập thể, phiền lắm".
“Làm cách nào mà anh bán được căn nhà anh đang ở?”
“Một người cách mạng lớn cần một căn nhà cho phù hợp với địa vị của ông ta, tôi
bán với giá bèo ấy mà, tiền bạc ấy tôi xây dựng cái bè này, làm nhà cây lên
trên, vậy là cả gia đình tôi ở được. Tôi muốn di chuyển đi đâu cũng dễ, về quê
chẳng hạn, cả gia đình tôi cho chạy về quê, chỉ cần nhổ neo giong buồm lên, cần
thì máy đuôi tôm hỗ trợ. Miền nam mình thiếu gì sông ngòi. Cả gia đình tôi như
con ốc, đi đâu mang theo cái nhà của mình, chắc ăn.”
“Tại sao anh có sáng kiến ấy, nhà anh có hộ khẩu không?”
“Có chứ, hộ khẩu thành phố đàng hoàng. Sáng kiến làm căn nhà biết bơi này tôi
cũng mượn ý qua một chuyện ngắn “Căn nhà biết đi” đăng trên báo, cũng do chuyện
đó tôi xin hộ khẩu tại căn nhà này, như nhân vật nào đó trong truyện ngắn xin hộ
khẩu trên toa xe lửa bỏ hoang, vô tình toa xe lửa ấy của hỏa xa, bị kéo đi ra
Nha Trang sửa chữa, thế là chủ hộ khẩu mất nhà. Trường hợp tôi thì không, tài sản
này của tôi không thể mất được, vì chính tôi làm chủ hộ khẩu và chủ căn nhà. Thời
buổi này gạo châu củi quế phải không, tôi vẫn sống đầy đủ đó anh, cần gạo thì
tôi về nhà quê rồi lên, không lẽ người ta khám xét nhà tịch thu gạo, tịch thu đồ
kho dự trữ .”
Tôi khen:
“Ý kiến anh rất hay, sống ngay trong thành phố mà anh tự do, không theo luật lệ
nào hết, nhiều người ao ước như vậy mà không được đấy. Anh coi chừng bị kết tội
là phản động.”
“Ấy không, tôi vẫn đi họp tổ dân phố đều đặn, có điều lương thực tôi được phép
mua nhường lại cho người khác thôi. Tôi là một công dân hợp pháp.”
Anh kỹ sư cười với tôi:
“Hôm nay anh ở lại đây ăn với tôi một bữa cơm thịt cá, cơm trắng gạo Long An,
cá tươi tôi mới lưới đêm qua, nhậu rượu đế Gò Đen, tráng miệng bằng xoài, thơm
Bến Lức, để anh biết Nhà Bè là như thế nào. Miền Nam ta là xứ chim trời cá nước,
đừng ép nhau quá. Tôi nguyên là gốc nông dân từ mấy đời nay, tôi không sợ đói,
không cần lệ thuộc vào một thế lực nào hết. Cần lúa gạo thì trời cũng cho. Hẳn
anh có nghe tại miền Nam này có loại lúa mọc tự nhiên, không phải do người gieo
trồng mà trời cho. Hoàn cảnh khó khăn này tôi sẽ sống như thế đấy ..Hoàn cảnh của
tôi còn may mắn hơn Robinson Crusoé lạc trên đảo hoang. Tôi phải tồn tại”.
Tôi tưởng chừng như đã lâu lắm mới được ăn một bữa cơm ngon như vậy. Đúng là
tôi đã gặp một quái nhân, sống khắc phục trong mọi hoàn cảnh. Anh không hề than
phiền về đời sống hiện tại.
Rượu vào lời ra, ly rượu đế nếp Gò Đen thơm ngon nhậu với gỏi soài xanh khô cá
lóc bắt đáo để. Chẳng mấy chốc chúng tôi trở nên thân thiết, bóc ruột bóc gan
ra với nhau, tinh thần tôi vốn dĩ nhiễm tinh thần người Nam Kỳ. Tôi nói với
anh:
“Anh buồn gì nào, đời sống anh đầy đủ như thế này khối người thèm đấy, buồn thì
anh về quê. Còn như tôi có quê đâu mà về, nay thống nhất rồi, quê tôi ở miền Bắc
xa xôi, nay khác lắm rồi”.
“Quê tôi ở miền Nam, nhưng bây giờ cũng vậy cả thôi, rập khuôn một mẫu mã, nhiều
con người họ hàng bà con cũng đã thay đổi, không giống thời gian tôi sống và lớn
lên. Họ phải sống theo thời như thế mới tồn tại được. Tôi buồn là vậy đó, tôi
muốn đi khỏi đất nước này từ mấy tháng trước. Yêu quê hương thì có yêu chứ,
nhưng cũng đành thôi. Tôi cứ nấn ná mãi cho đến lúc nhận lệnh xây cái lò, tưởng
rằng mọi chuyện xuông xẻ, không ngờ?”
“Chính vậy, tôi có xây cái lò theo ý tôi được đâu, tức là theo kinh nghiệm
chuyên môn mà tôi đã làm từ hai chục năm qua. Làm cái đếch gì cũng bị biên tập
thì làm sao nổi, nó sẽ ra cái quái thai nào. Họ ngoan cố mà có giáp trụ phòng
thân, tôi thì có gì, như anh vậy, anh có gì? Lần này thì tôi đi xa, mang cả vợ
con đi. Tôi ở đây không toi mạng thì cũng tù mọt gông. Cũng vì công việc xây
lò, tôi biết chắc chắn rằng cái lò của tôi thiết kế thế nào cũng tiêu vào ngày
khánh thành. Vậy thì “tẩu vi thượng sách”. Dù có bao nhiêu chữ ký đi nữa, nhưng
rồi khi có “sự cố” xảy ra thì tôi người xây lò vẫn phải chịu sự “truy cứu trách
nhiệm hình sự”. Biết vậy nên tôi phải tìm cách trốn đi bằng chính chiếc bè nhà
tôi. Chuyện vượt biển không phải chuyện dễ, nhưng tôi phải liều thôi, tìm cái sống
trong cái chết. Nói theo người miền Nam thì “nhất chín nhì bù”. Tôi đã lo liệu
mọi thứ cho sự an toàn “chỉ mành treo chuông” này, nhưng còn một thứ tôi ưu tư
là lượng nước ngọt mang theo những ngày còn lênh đênh trên biển, sợ không đủ
dùng. Ngày hôm qua, nhìn anh cho nước vào bình, anh nghịch ngợm, nhấn chìm mãi
cái bình nước mà cái bình không đầy nước cứ nổi lên lềnh bềnh, tôi nẩy ra sáng
kiến, chứa nước vào những thùng phuy, đổ vào mỗi thùng phuy chỉ 2/3 phuy thôi,
gắn xuống đáy bè, khi nào dùng đến nước uống thì cứ việc bơm lên thôi, tôi an
tâm ở chuyến ra đi này, dù rằng phiêu lưu đó, giao cả sinh mạng của mình và
sinh mạng vợ con cho biển cả. Khi cần thì tôi chạy bằng máy, khi chạy bằng buồm,
tôi hy vọng rằng tôi chỉ ra khỏi hải phận là thoát”.
Anh kỹ sư có vẻ tin tưởng, anh nói với tôi rằng anh sẽ không có mặt vào ngày
khai trương lò, dặn tôi tránh xa lò khi người ta đốt lò. Anh mơ mộng không, hay
hoang tuởng trong một vụ thoát thân? Như gần dây có tin đồn có người đã thoát
thân được bằng khinh khí cầu tự chế. Chuyện ấy có thật hay không, nhưng lời đồn
đại thì um xùm trong thành phố, chốn chợ trời, có người tin và người không tin,
nhưng lời đồn thì có đó.
*****
Tôi không được chứng kiến và tham dự ngày khánh thành lò nấu thủy tinh, nên
không được biết kết quả lành dữ ra sao, dù tôi rất muốn chứng kiến ngày trọng đại
ấy. Tôi không có cái hân hạnh, vì chỉ một tuần lễ sau, tôi bị vồ ở chợ trời, do
giao du với những phần tử phản động. Tôi lên trại học tập cải tạo, những năm
tháng chán nản tôi cũng muốn quên đi, điều duy nhất tôi còn quan tâm là số phận
anh kỹ sư và gia đình anh có thoát được không? Dù chuyện ấy rất phiêu như người
thoát thân bằng khinh khí cầu, treo người trên cái giỏ cần xế, mặc cho gió đưa
đi rồi hạ cánh xuống đâu cũng được, miễn là xa rời được quê hương yêu dấu. Như
những người vượt biên bằng chiếc thuyền chỉ dài mười hai thước, mỏng manh như
chiếc lá giữa đại dương, có thể bị sóng to gió lớn vùi lấp bất cứ lúc nào,
không kể bọn côn đồ trên biển, bọn hải tặc Thái Lan mất nhân tính, đe dọa tính
mạng, trinh tiết của phụ nữ. Người ta vẫn cứ ra đi, tâm niệm tất cả những người
ấy đều giống nhau qua câu” tự do hay là chết”. Đồng bào tôi đau khổ quá, như
tôi vậy, bỗng nhiên mang thân tù tội, không biết ngày nào ra, dù rằng từ cái lồng
nhỏ ra cái lồng lớn hơn.
Một ngày kia, trại học tập tôi đang ở tiếp nhật một đám tù mới từ trại nào đó
chuyển tới. Tôi nhận ra một người quen, anh ba luật
sư làm cu li với tôi ở công ty sành sứ thủy tinh hồi nào. Việc
đầu tiên tôi hỏi anh về số phận cái lò nấu thủy tinh, anh cho biết cái lò ấy vì
xây không đúng qui cách nên nóng quá đã sụp rồi. Tác giả cái lò bị qui trách
nhiệm là phá hoại và bị truy nã, vì anh ta đã trốn mất tiêu với gia đình, không
biết anh ta đi đâu. Riêng tôi biết anh ta đã trốn ra biển, việc thoát được hay
không, tôi không biết, vì nhiều năm sau không nghe một trường hợp thoát thân
như thế.
Hai mươi lăm năm đã trôi qua, một phần tư cuộc đời.
Nguyễn Thụy Long
(1938
- 2009)
Ấp Đông Ba cuối năm 2001