Mọi người chung quanh cho rằng bà ngoại tôi là một người đàn
bà khó tính, khắc nghiệt và lạnh lẽo Bà có một chứng bệnh không bác sĩ nào chữa
được. Đó là bệnh nóng cổ. Cổ bà nóng và rát, làm bà ray rứt, khó chịu, ăn ngủ
không được, người đâm bẳn gắt. Bà ngoại tôi rất chiều con cháu, nhưng hay la mắng,
rầy rà gia nhân. Mẹ tôi là con độc nhất của bà. Gả mẹ tôi cho ba tôi là người Bắc,
bà ngoại tôi luôn luôn mang nỗi buồn phải xa đứa con một.
Tôi chưa hề thấy bà ngoại tôi khắc nghiệt hay lạnh lẽo. Bà
ngoại thích coi cải lương, say mê. Nhiều khi xúc động, khóc sụt sùi. Con người
tình cảm ấy không thể nào khắc nghiệt hay lạnh lẽo. Khi bà la mắng người làm,
giọng bà như độc thoại, buồn như một điệp khúc than thở, không hề có tính cách
đay nghiến của một người chủ thiếu lòng nhân. Lúc về già, người độc nhất mà bà
cằn nhằn là ông ngoại tôi. Nhiều khi không duyên cớ. Ông ngoại tôi người nhỏ
bé, tính vui vẻ, hồn nhiên. Bà con gọi đùa là Lão Ngoan Đồng như trong truyện
kiếm hiệp. Khi bà ngoại tôi càu nhàu, ông ngoại tôi chỉ phớt tỉnh, ngồi đọc
báo.
Mẹ tôi kể cho tôi nghe cuộc đời bà ngoại. Bà chỉ có một người
chị gái. Hai chị em con quan xứ Huế, gia đình phong lưu trưởng giả. Người chị
gái, bà Ấm, lấy chồng đông con nên vất vả. Bà ngoại tôi lấy ông ngoại tôi là
con quan, được đủ miếng ăn thì lại phải chịu những đau đớn khác.
Ngoài cảnh làm dâu trong chế độ gia đình phong kiến, bà ngoại
tôi là một người mẹ xấu số. Đẻ ba con trai đều chết cả ba. Mẹ tôi thì èo uột,
hay đau ốm. Bà ngoại phải đem cho chùa, đổi tên, cho thần thánh khỏi bắt đi. Vì
không có con trai, bà phải cưới vợ hầu cho ông ngoại rất nhiều lần. Mẹ tôi kể
có lần bà phải nằm giường sát phòng hợp cẩn của ông ngoại và người hầu trẻ. Ông
ngoại tôi là một thứ “ông phán” phong nhã, hào hoa, có không biết bao nhiêu vợ
hầu vợ lẽ. Không có con trai, bà ngoại tôi phải nuôi con nuôi, hoặc con trai của
những người vợ hầu. Những người con trai này lớn lên (trừ người con út) đều phụ
công nuôi dưỡng của bà ngoại tôi mà đi.
Thuở nhỏ tôi không hiểu được lòng ưu uất của người vợ lớn là
bà ngoại tôi, cũng như nỗi cô đơn của bà. Ở tuổi thơ ấu, tôi không hiểu được
căn bệnh nóng cổ của bà. Mẹ tôi bảo bà tưởng tượng ra bệnh. Tôi thì cho rằng bà
nóng cổ vì hay hút thuốc Cẩm Lệ.
Tôi lớn lên trong lòng thương và tình quyến luyến của bà ngoại.
Có lẽ tôi đã lây tính đa sầu, đa cảm, hay khóc thương phận người của bà. Tuy
trí óc non nớt, tôi cũng biết bà ngoại là người hay phiền muộn. Bà thích tôi ngồi
coi cải lương với bà, một điều mà bố tôi cấm đoán. Tôi tự cho mình là người bạn
nhỏ của bà. Tôi tự nguyện lớn lên sẽ làm cô giáo, mua nhà ở Huế cho bà ngoại ở.
Tôi nhớ mãi có lần tôi bắt gặp bà ngoại tôi nhỏ lệ, không phải
vì tuồng cải lương hay vì giận ông ngoại nước mắt bà thấm ướt mái tóc dài. Tay
bà run rẩỵ Bà kể cho tôi nghe về một hình ảnh mà lâu lâu bà vẫn thấy trong một
giấc mộng đã ám ảnh bà cả đời. Bà dặn dò tôi đừng kể cho ai nghe, kể cả mẹ
tôi.
Giấc mộng chỉ đến đó thôi rồi bà ngoại tôi tỉnh dậy.
Tôi vẫn thắc mắc mãi tại sao bà ngoại tôi nằm mộng thấy quan
tài? Tại sao bà mang nhiều phiền muộn? Bà tương đối là được sung sướng vật chất
và đời sống được bảo đảm. Trong khi cả nước khổ cực theo chiến tranh, theo nạn
đói năm Ất Dậu, theo cuộc kháng chiến chống Pháp và những ngổn ngang của lịch sử
thì bà ngoại tôi vẫn may mắn làm người thiếu phụ quý phái đất thần kinh.
Năm mười lăm tuổi, tôi đủ thông minh để phỏng đoán là những
cỗ quan tài trong giấc mộng tượng trưng cho những cái chết của ba người con
trai bà. Không có con trai là thảm kịch của cuộc đời bà ngoại tôi. Có thể những
cỗ quan tài ấy tượng trưng cho nỗi đau khổ của bà khi phải chứng kiến những cái
chết của những đứa con trai nhỏ vì bệnh sài kinh. Chung là sự hủy diệt sức sống
và lẽ an vui của đời bà. Không có con trai, bà sớm mất tư thế trong gia đình.
Nghe chuyện, tôi cảm thấy bất mãn cái vô lý, vô nhân của một xã hội chuyên chế
đã gây nên sự đau buồn cho bà ngoại. Đồng thời, giấc mộng của bà làm tôi suy
nghĩ đến cuộc đời của những phụ nữ Việt Nam khác trong dòng họ tôi.
Ngày còn là học sinh ở Việt Nam, tôi vẫn suy nghĩ mãi, không
hiểu tại sao trong cuộc đời bà nội tôi cũng có những cái tang đau khổ, những biến
cố đánh nặng vào đầu óc, vậy mà bà nội tôi không mộng thấy quan tài. Hay là bà
nội tôi cũng có nằm mộng đấy, mà không kể lể, khóc thương?
Chiếc quan tài ám ảnh tuổi thơ của tôi cùng với hình ảnh những
người đàn bà khác trong họ. Tôi có người cô họ, tên Oanh, năm hai mươi hai tuổi
thì chồng chết trận. Cô than khóc, vật vã, gào thét, vất vưởng, mắt lạc thần cả
mấy năm sau đó. Trong họ hay bảo: cô khật khùng vì đau khổ. Tôi có người dì họ,
tên Thanh, chồng chết đã lâu. Bà ngồi bán nón ở chợ Đông Ba, Huế để nuôi con. Đứa
con trai của bà chết trận. Quan tài của con chở về, bà cũng khóc lóc, vật vã,
khật khùng như cô Oanh. Chứng kiến nỗi đau khổ của họ, tôi vẫn tự hỏi không biết
rồi họ có nằm mộng thấy những cỗ quan tài trôi lềnh bềnh trên sông như bà ngoại
tôi?
Cũng năm mười lăm tuổi, tôi đọc cuốn Phái Thứ Hai (Deuxième
Sexe) của nhà văn Pháp Simone de Beauvoir, tình nhân của triết gia
Jean Paul Sartre. Trí óc tôi chưa đủ phát triển để hấp thụ hết cái thuyết tranh
đấu cho nữ giới trong tác phẩm của de Beauvoir. Nhưng tôi đã đủ lớn không để nhận
thức rằng trong tác phẩm của nhà văn nữ này, không có cái ám ảnh đau thương của
những cỗ quan tài như trong giấc mộng của bà ngoại, không có những gồng gánh,
bưng xách đến lùn cả người như trong đời bà nội tôi, cũng không có những cỗ
quan tài bọc cờ và những cơn vật vã, khật khùng của cô Oanh và dì Thanh. Những
phụ nữ Âu Mỹ tranh đấu để được quyền. Còn những phụ nữ trong gia đình tôi phấn
đấu để sống còn, và sống là sống cho người chứ không phải cho mình. Tôi tự hỏi
tại sao trên mặt đất này mà những mẫu người đàn bà được Simone de Beauvoir phân
tích là tác phẩm của trí tuệ và ý thức, còn những người đàn bà thân yêu trong đời
tôi là tác phẩm của nước mắt chảy ngược vào lòng?
Cái chết của bà ngoại làm tôi thấm thía thêm ý nghĩa “sinh
ly tử biệt”. Lần cuối cùng nhìn bà ngoại buổi chiều tháng tư năm bảy lăm, khi
bà tần ngần đứng bên cửa sổ nhìn con cháu ra đi là ý nghĩa nỗi khổ “sinh ly”.
Và tin bà chết ở bên kia bờ đại dương là ý nghĩa niềm đau “tử biệt”. Tôi tự an ủi
nghĩ rằng tôi không phải là người độc nhất thấm thía cái đau sinh ly tử biệt.
Mà đó là cái đau chung của cả một dân tộc kém may mắn trên bản đồ thế giới. Nô
lệ và chiến tranh. Một cơn lốc chính trị xoay chuyển cả nguồn gốc của một văn
hóa nghèo, chậm tiến. Trong phần tư thế kỷ mà hai lần di tản cả triệu con người,
vượt đường trường, vượt đại dương.
Tôi vẫn tự hỏi trong thời gian chúng tôi ở Mỹ, và bà ngoại sống
thiếu thốn ở Việt Nam, không biết bà có nằm mộng thấy những cỗ quan tài trôi
sông, và bà có thấy những gì bên trong cỗ quan tài đó ? Điều đó bà chưa hề hé
môi chia sẻ với tôi. Hay với bất cứ ai, kể cả chồng con.
Năm một chín chín mươi, tôi có một hồi rảnh rỗi trong nghề
nghiệp để đọc lại văn chương Việt Nam. Lần đầu tiên, tôi ngồi đọc hết mấy ngàn
câu Chuyện Kiều, để ngẫm nghĩ về nước mắt, định mệnh, và sự phấn đấu của cô Kiều,
về thân phận người đàn bà mà Nguyễn Du thương xót như thương xót chính thân phận
tài hoa kẻ sĩ, và nỗi cô đơn tột độ của người thức giả:
Tôi tự hỏi có người phụ nữ Việt Nam nào nhạy cảm, là nạn
nhân của xã hội chiến tranh đó, mà không mang trong lòng những cỗ quan tài của
Tĩnh Tâm? Tôi may mắn sinh ra trong một thời đại không phải gồng gánh, bưng
xách như bà nội tôi, không phải cưới vợ hầu cho chồng như bà ngoại tôi, không
phải là nạn nhân của tục tảo hôn, không phải tủi sầu vì không có con trai. Tôi
may mắn không phải đi vớt xác con, đi nhận xác chồng, xác con trai như những
người bất hạnh của cố hương đầy đau khổ.
Tôi tin vào thuyết tiềm thức tập thể của nhà tâm lý học Carl
Jung. Cho nên tôi đứng đó, đối diện tượng Nữ Thần Tự Do, bên bờ biển Đại Tây
Dương, là một người đàn bà di dân đến từ nước Việt Nam nhỏ bé, trước ngưỡng cửa
thế kỷ hai mươi mốt, nhớ đến hương hồn của bà ngoại và nghe tiếng kêu khóc của
những người đàn bà Việt Nam xấu số. Tôi đến Mỹ khi còn là đứa bé gái hăm hở trước
cuộc đời. Cuộc di cư đã cho tôi lối thoát và cơ hội để áp dụng sự phân tích của
Simone de Beauvoir vào đời sống của chính mình. Nhưng tôi vẫn nhỏ nước mắt, hướng
về Tây phương và quay lại Đông phương, thường tự hỏi mỗi nơi sẽ đem lại những
gì cho tính nhạy cảm và cái tiềm thức văn hóa trong tôi. Nước mắt tôi vẫn nhỏ,
cho dù bề ngoài tôi cứng rắn, vì tôi đã nghe, đã chứng, đã xót xa trong lòng về
những cỗ quan tài của Tĩnh Tâm.