Mùa lễ Phục Sinh, đám con nít gặp nhau ở nhà ông bà Ngoại,
vui mừng tở mở. Đêm nào chúng cũng thức khuya lắc, khuya lơ. Sáng dậy trưa trật,
trưa trờ. Mở mắt, mở miệng, như bầy tằm ăn rỗi. Chúng lau chau một hồi là tủ lạnh
láng o. Chúng sục sạo tủ này, tủ kia, hỏi, chúng trả lời: “Kiếm cái chi tào lao
ăn cho đỡ buồn miệng”. Nhà bếp bày biện nấu nướng linh đình, hết bánh cuốn,
bánh canh đến cơm chiên, mì xào. Khi nhà bếp tuyên bố, hôm nay mời món bún ốc,
đám trẻ uể oải: “Thôi, con nhịn đói”, “Con ăn chips cho no cũng được”. Bỗng
đâu, giọng oanh vàng thỏ thẻ:
– Lâu lắm rồi mình chưa đi ăn nhà hàng.
Thế là có ngay dàn hợp xướng:
– Đúng rồi! Bữa nay người lớn đãi
con nít ăn nhà hàng Mỹ.
Nhà hàng sang trọng đây là tiệm ăn
của cháu chắt mấy đời ông Mạc Đĩnh Chi: ông Mỹ Mạc-Đô-Nô. Trong nhà, ai nấy bận
rộn. Chỉ có Quỳnh Tương bị “ế độ” thôi. Bởi vậy, mọi người nhanh chóng có ngay
quyết định. Người lớn Quỳnh Tương sẽ dẫn bầy cháu ra McDonald's để chúng chạy
ngoài trời cho giãn gân, giãn cốt. Rồi vào tiệm nạp năng lượng với những big
mac, hamburger, những shake này, shake kia.
Cho mấy đứa nhỏ tìm bàn ngồi, nàng
dắt hai đứa lớn lại quầy để đặt đồ ăn. Chỉ việc biểu mấy đứa nhỏ điều chỉnh âm
thanh vừa đủ nghe là đã khản cả tiếng. Năm người, mười ý, tụi nhỏ ưa lộn xộn đó
thôi. Tiệm McDonald's đâu phải đại tửu quán có hàng chục món điểm sấm, cả trăm
món xào, chiên. Nàng phải lên giọng đe dọa: “Tụi bây rắc rối quá là dì xù. Dì dắt
cả đám về nhà, bắt mỗi đứa ăn một trái táo”. Bầy nhỏ nghe đến táo, mặt mày đổi
qua xanh lè như màu táo Granny Smith. Hai đứa lớn, bộ tịch nghiêm chỉnh, nhanh
chân nối đuôi vào hàng ở quầy, đặt thức ăn cho cả nhóm.
Quỳnh Tương chẳng hiểu tại sao những
tiệm McDonald's luôn đông khách. Khoai tây chiên xìu xìu, chẳng bù với khoai
chiên giòn tan ở các sạp bán xúc xích nướng. Mấy loại bánh mì kẹp thịt hâm hẩm,
chẳng có mùi vị gì đặc biệt. Dọc đường đói bụng, ăn bánh mì Döner của Thổ Nhĩ Kỳ,
nồng nàn vị xốt tỏi, đậm đà hơn nhiều. Vào tiệm McDonald's, nàng chỉ thích mỗi
món bánh táo. Mắt nàng lơ đễnh nhìn các hình quảng cáo, mặc cho hai đứa nhỏ lựa
chọn. Lát nữa, nàng chỉ cần hoàn thành sứ mệnh danh dự là trả tiền và giữ trật
tự, trong khi đám con nít vừa ăn, vừa chọc ghẹo nhau.
– Hallo Ihr Kleine, bitte schön! Nào, các cháu bé thích món gì
đây!
Cu Tí và Bê Bê cùng liến thoắng:
–
Vier happy meals, zwei mc rib, eine Apfeltasche…bitte! Cho
chúng cháu xin bốn phần này, hai phần kia, một phần bánh táo…
Đột nhiên, Quỳnh Tương sững sờ, nhìn người đang đứng ở quầy vừa
nhắc lại lời đặt hàng vừa bấm máy tính tiền. Trời ơi, Hiển, đúng là Hiển rồi.
Lúc đó, Hiển cũng vừa nhận ra Quỳnh Tương. Hiển lúng túng, cố giữ giọng tự
nhiên, hỏi hai đứa nhỏ:
–
Noch einen Wunsch? Còn đặt món gì nữa không các cháu?
Hai đứa nhanh nhẩu:
–
Nein, das war´s. Danke schön. Dạ thôi, đủ rồi. Cám ơn.
Hiển lách cách bấm máy, cười gượng gạo:
– Lâu ghê, mới gặp lại Quỳnh Tương. Quỳnh Tương ở gần đây hả?
Quỳnh Tương không giấu nổi bối rối:
– Ờ, ờ, gần đây. À, à, chào Hiển, Hiển khỏe không?
– Cám ơn Quỳnh Tương. Hiển cũng thường. Ồ, quên, phải tính tiền nữa chứ.
Hiển đổi qua tiếng Đức:
– Dreiunddreißig… Ba mươi ba đồng.
Bê Bê láu táu:
– Dì Út quen với chú này hả?
Cu Tí lên giọng ta đây:
– Không phải là chú đâu, là bác, vì bác này già hơn dì Út mà.
Bất giác, nàng nhận ra Hiển già đi nhiều. Mới có gần mười năm, mà Hiển chẳng
còn chút dáng dấp thư sinh. Trả tiền xong, nàng lí nhí đôi lời, nửa Việt, nửa Đức:
– Cám ơn Hiển. Vielen Dank. Tschüß.
Mặc cho bầy nhóc lao nhao tranh giành ăn uống. Trí Quỳnh Tương đang lùi những
bước thật dài, thật nhanh về quá khứ, thời trung học ở một làng bé tí, miền
trung nước Đức. Trong trường dành cho những học sinh ngoại quốc lỡ thì, quá lứa,
đa số là “hàn nho” Việt Nam, nhiều người đang tà tà bước vào tuổi “băm”. Lèo
tèo vài ba học sinh từ Tansania, Kenia, Kurdistan, Pakistan. Mỗi tầng lầu của
ký túc xá cho khoảng 20 học trò chỉ có một nhà bếp lớn. Bởi thế, vào giờ cao điểm,
những giao tranh nho nhỏ của dao thớt nồi niêu chẳng thể nào tránh khỏi. Chuyện
gia vị, chén bát đi lạc cũng là chuyện hàng ngày. Đăng, một đầu bếp trứ danh của
nhóm nam, lục lọi tủ đồ ăn, la oang oang:
– Hiển, Hiển. Tương đâu?
Nhân đang đứng gần đó, quay sang nhìn Quỳnh Tương, đủng đỉnh:
– Tương đây nè. Làm gì mà phải hỏi thằng Hiển.
Quỳnh Tương bực ghê. Đang chiên chả giò, nàng không dám dằn mạnh đũa chiên, vì
sợ lỡ dầu văng trúng, phỏng thì oan mạng. Tên Quỳnh Tương văn hoa như vậy, mà mấy
ông “cốt đột” này lại đem ra so với nước tương maggi hiệu cô đầu
bếp cười toe. Đăng không để ý câu đùa của Nhân, chỉ lầm bầm:
– Ông nội Hiển nấu ăn dở như hạch mà cũng bày đặt trổ tài. Nấu xong rồi dọn dẹp
lộn xộn, xáo trộn hết trật tự của người ta.
Khi Hiển chạy ra bếp, Đăng nhăn nhó:
– Ông làm ơn lấy đồ đạc ở đâu, thì để lại đó. Mà thôi, nhất nghệ tinh, nhất
thân vinh, ông ơi. Ông cứ lo rửa dọn. Còn chuyện bếp núc để tui với thằng Nam
tính.
Hiển hiền lành:
– Hôm qua, mấy ông miệng than đói, mà mắt dính cứng ti– vi coi đá banh. Tui phải
tìm nấu quấy quá kiếm chút bỏ bụng.
Thật ra, chẳng phải Hiển bất tài nơi chốn này. Ngày mới lập nhóm, Hiển lừng lẫy
với món gan xào thơm. Danh vọng lên cao đến độ Hiển mang luôn cái tên hấp dẫn
mà kỳ cục: Hiển gan xào. Nhiều đứa bạn lười lĩnh, chỉ gọi Hiển bằng hai chữ Gan
Xào. Ban đầu, Hiển rất rầu vì cái tên có vẻ dĩ vãng khơi niềm đau. Dần dà, Hiển
cũng quen và cảm thấy cần thiết để phân biệt với Hiển quắn lầu 1. Ngày ấy, Hiển
và mấy người bạn họp nhau nấu ăn chung. Luân phiên, mỗi người nấu một ngày. Ai
nấy hể hả. Bao nhiêu là của ngon, vật lạ. Hiển tung ra món gan xào thơm. Trong
nhóm mỗi người một lời, thi nhau khen. Khiến Hiển có cảm tưởng mình là đầu bếp
thứ thiệt, tài năng đang lên như diều gặp gió. Thành xuýt xoa:
– Ngon, ngon không thể tưởng. Không thua gì món rựa mận ở đường Thoại Ngọc Hầu.
Thục hỏi vặn:
– Lúc ở Việt Nam, chú mày nhậu thịt chó dữ lắm sao?
Thành giả lả:
– Nhà tui ở đường đó mà! Đi ngang thấy họ để bảng quảng cáo nào là nhứt mực nhì
vàng, nào là sống ở đời ăn miếng dồi chó, chết xuống âm phủ biết có hay không.
Nam sốt ruột cắt ngang:
– Biết rồi, biết rồi. Quan trọng là ông đã ăn thịt cầy chưa?
Thành nhẩn nha:
– Thong thả. Chuyện gì cũng phải có đầu đuôi ngọn ngành chứ. Hồi đó, bà già tui
cấm ăn thịt chó. Bà đe dữ lắm, cấm tiệt. Nhưng tui đi học ngày nào cũng đi
ngang qua hàng thịt cầy. Vừa thấy hình chú nai đồng quê, vừa ngửi mùi. Thì coi
như đã ăn rồi. Ăn... hàm thụ.
Nhưng không lâu sau, thấy Hiển cứ bổn cũ soạn lại, cả nhóm đồng lòng thăng chức
Hiển thành “phi công lái dĩa bay” và xóa tên vĩnh viễn món gan xào thơm ra khỏi
thực đơn của nhóm. Nhà bếp rộng rãi, nhưng vẫn đủ để cho mọi người cùng hiểu
chuyện nhau. Quỳnh Tương cũng như Hiển, nghề chính là rửa chén bát. Hôm nay ngoại
lệ, mấy chị đã gói xong chả giò, nàng chỉ mỗi việc chăm lo nồi dầu chiên. Thỉnh
thoảng, nàng thử “khám phá tài năng” mình, bữa thì mặn điếng, lúc thì nhạt thếch.
Có lần, nàng tính nấu bún mọc, hầm xương không để ý, nước sôi sùng sục, đục ngầu.
Vậy là nàng quyết định đổi thành bún bò, mặc dù không có thịt bò gân, giò heo
và sả. Nàng xào bột ớt Paprika với dầu, nước đo đỏ ở trên mặt, coi như êm. Đến
lúc dọn ra, nàng đã no vì nếm lui, nếm tới quá nhiều. Mấy chị làm ra vẻ khảnh
ăn, khèo khèo vài cọng bún, húp vài muỗng nước, rồi buông đũa, vì trí tưởng tượng
không đủ phong phú để nhận ra món nàng nấu là món ăn Việt hẳn hoi. Quỳnh Tương
hay gặp “đồng nghiệp” Hiển trong những lúc thi hành công tác. Không hẹn, mà Hiển
và Quỳnh Tương thường trùng “ca” lao động. Chén bát của chị em nàng gọn gàng,
khoắng một tí là xong. Nàng chỉ ngán đám nồi niêu to lớn, dềnh dàng. Thấy nàng
loay hoay với mấy xoong chảo dầu mỡ, Hiển hào hiệp ra tay cứu nhân độ thế. Nàng
chỉ lẩn quẩn đứng trò chuyện. Tự lúc nào, những giờ giấc tinh tú quay cuồng với
mớ chén bát, nồi niêu là thời gian Hiển và Quỳnh Tương chuyện trò tâm đầu ý hợp.
Những câu chuyện lan man có thể đối với người khác vớ vẩn, ấm ớ. Nhưng đối với
cả hai là những trao đổi thật thú vị. Chuyện ông thầy Anh văn giận đám học trò
không sành ăn. Ông thầy nghỉ hè, lên tận bắc Âu câu cá. Rồi đem thành quả đi
hun khói. Với cả tấm lòng, ông đem biếu cho đám học trò để tụi nó ăn bánh mì.
Nhưng đám học trò Việt Nam không hảo những khoanh cá hoi hoi màu cam đỏ, đặt
lên miếng bánh mì đen thui. Thế là một cô trong nhóm nhanh nhẩu thắng nước màu,
xịt nước mắm, rắc tiêu, thêm vài trái ớt và biến thành món cá kho. Chỉ thiếu
cái tộ và ăn với canh chua là thành món đặc sản Việt Nam. Ông thầy thất vọng
não nề, mặt chầm vầm một đống. Nếu ông thầy rành tiếng Việt, chắc ông sẽ buông
thõng một câu: “Ôi bầu dục mà chấm mắm cáy”. Chuyện cô giáo Hóa học tình cờ
ngang qua phòng ăn, khi học trò đang xì xụp món bún riêu. Học trò diễn tả rằng,
món này giống như súp trứng, tha thiết mời cô dùng bữa. Cho đúng điệu, một bạn
múc một muỗng mắm ruốc đậm tình quê hương vào tô của cô. Tội nghiệp cô, phải ngậm
đắng nuốt cay mà xơi món hải vị đặc biệt này. Cứ vậy, hai đứa ngày ngày cùng
vui trong công việc chẳng mấy ai ưa chuộng.
Thường đầu tháng, mới lãnh học bổng, nhóm bạn của Hiển kéo nhau ra quán ăn gà
nướng. Nhà bếp vẫn có những người khác ra vào, nấu nướng rửa chén, mà những
ngày không có Hiển trong bếp, nàng thấy văng vắng, thiêu thiếu điều gì. Nàng rửa
chén thật lẹ rồi rút về phòng. Nghỉ hè, mấy chị em Quỳnh Tương về nhà. Hiển
cùng vài bạn khác, những người một thân, một mình ở Đức, rủ nhau đi chơi loanh
quanh thám hiểm nước Đức. Quỳnh Tương còn nhớ cảm giác man mác buồn vào mỗi mùa
nghỉ. Trở về trường, cả hai lại có những giờ phút chuyện trò vui vẻ bên bồn rửa
chén. Gần ba năm ở mái trường trung học này, xuất hiện nhiều đôi bạn. Nhân, từ
khi cặp với Nguyệt Nga trở thành Vân Tiên. Dũng, cao lêu khêu, tự động bị đổi
tên là Chú Lùn sau khi thành người yêu của Bạch Tuyết. Trong những sinh hoạt
chung của ký túc xá, Quỳnh Tương và Hiển luôn có mặt. Cứ hai tuần một lần, tối
thứ Sáu, cô Finke viết thật to trên tấm bảng trước văn phòng: Heute
Abend! Disco! Tối nay có nhảy nhót. Học trò Việt Nam đông nhất, giành
lấy việc để nhạc “tua” cho đầy đủ điệu nhảy Pasodoble, Tango, Chachacha... Nào
là Dừng bước giang hồ, Mộng ban đầu, Nắng chiều... Học trò các sắc
dân khác đến chơi vài lần, nghe “rơ” nhạc Việt Nam là dội, nhường hẳn đêm Disco
cho học trò Việt Nam. Thấy bạn bè khiêu vũ, Quỳnh Tương rất thích. Nhưng cả
nàng và Hiển không biết nhảy. Các “kép” khác xem Quỳnh Tương là “của” Hiển. Cho
nên, chẳng ai mời nàng nhảy các điệu tình tứ. Chỉ khi “ông bầu” để những bài
vui nhộn như Sáu mươi năm cuộc đời, Hot Stuff, Let's Twist
Again... Thục rủ hết mọi người ra sàn nhảy, Hiển và Quỳnh Tương mới theo
các bạn lúc lắc. Cho đến ngày rời trường, những gặp gỡ “riêng hai đứa mình” của
Quỳnh Tương và Hiển vẫn chỉ là những buổi chuyện vãn trong nhà bếp.
Sau mấy năm mài đũng quần ở trường làng, ai nấy giờ đây đã thành cô tú, cậu tú.
Mấy nhóm cùng tầng lầu rủ nhau làm buổi tiệc chia tay. Nhóm nào cũng trình làng
những món ăn tâm đắc của mình. Gánh nặng bài vở đã nhẹ, mọi người thơ thới,
chuyện trò vui như tết. Họp mặt phải có hát hò mới vui trọn vẹn. Bởi vậy, màn
văn nghệ bỏ túi được mọi người hưởng ứng nồng nhiệt. Ai cũng góp phần. Nhưng Quỳnh
Tương nhớ nhất phần trình diễn của Hiển. Hiển đọc bài thơ Hoa học
trò của thi sĩ Nhất Tuấn. Rưng rưng phượng đỏ trên đầu/Tìm em,
anh biết tìm đâu bây giờ/ Bao nhiêu kỷ niệm ngày xưa/ Gửi vào đây một bài thơ
cuối cùng. Quỳnh Tương lắng nghe, xao xuyến. Hiển nâng đàn hát, đến đoạn Bây
giờ còn nhớ hay không? Nhiều người không hẹn, mà cùng ca theo Bây
giờ còn nhớ hay không?* Nàng hơi cúi đầu, vờ đưa tay nhón miếng trái
cây, giấu sự cảm động. Nàng hơi tiếc, đã không nhìn Hiển. Biết đâu, ánh mắt của
nàng sẽ gặp ánh mắt của Hiển. Cuối buổi, Đăng làm ra vẻ trịnh trọng:
– Mời Nam đại diện cho nhóm đọc bài thơ “Cuộc tình chén bát” để tặng cho...
Đăng bỏ lửng câu nói. Mọi người ồ lên thích thú:
– Cho ai vậy ta?
Đăng làm ra vẻ bí mật:
– Các bạn kiên nhẫn nhe. Chờ nghe xong bài thơ biết cũng không muộn.
Nam cất giọng:
Em lẩn quẩn trong gian nhà bếp
Anh thẹn thùng chén bát run tay
Lim dim mắt bên em trời buông nắng
Chữ nghĩa thầy giờ bỗng thoáng
bay đi
Chén bát đầy hình bóng em lẩn quẩn
Cả hồn này bối rối hỏi vu vơ
Nở nụ cười em buông lời thỏ thẻ
“Rửa chén rồi mình tính chuyện mai
sau”
Nghe em nói cả hồn anh chất ngất
Đống chén đầy mờ mắt ngỡ trầu
cau
Người yêu nhau trao tim lời hứa
hẹn
Mình yêu nhau chén bát giữ làm
tin.
Nam vừa dứt lời, mọi người vỗ tay rào rào:
– Rõ rồi, biết rồi.
Thành đưa cao hai tờ giấy chép bài
thơ, vờ hỏi:
– Ai là người nhận huy chương
nhỉ?
Mọi người đồng thanh:
– Quỳnh Tương và Hiển!
Quỳnh Tương ngượng chín cả người,
chưa biết phản ứng thế nào. Nàng len lén nhìn hai chị cầu cứu. Tiếng Hiển chậm
rãi:
– Cám ơn các bạn đã tặng bài
thơ cho mấy phi công lái dĩa bay. Hiển rất vui đã có thể đóng góp chén bát sạch
để có được những bữa cơm ngon cho cả nhà. Hiển cũng cám ơn Quỳnh Tương về những
buổi rửa chén bát thật thú vị.
Chị Quỳnh Chi, chị của nàng góp lời:
– Chi thay mặt bé Út của tụi này,
cám ơn bài thơ của các thi sĩ vườn nhà. Cám ơn Hiển hay phụ giúp bé Út nha. Hôm
nay, tụi này sẽ đảm trách chuyện rửa chén. Cho Hiển và Quỳnh Tương được nghỉ
phép.
Quỳnh Tương chẳng vui mừng vì được
nghỉ phép. Chỉ thấy tiếc, mất một buổi mạn đàm của “hai đứa mình”.
Suốt thời gian trung học, Hiển và
Quỳnh Tương là láng giềng, cùng ở chung tầng lầu trong ký túc xá. Nhưng hai đứa
chẳng bao giờ chung bước đến trường. Mà cũng chẳng bao giờ cùng sớm hôm lo sách
đèn. Hiển là “ngôi sao” toán lý, nức tiếng mấy lớp. Bởi vậy, mấy đứa bạn học
vùng Trung Đông cứ xin tôn Hiển làm sư phụ. Thế mà, kết quả của bằng tú tài
không như Hiển mong đợi, vì điểm thi vấn đáp quá thấp. Trường hợp của Hiển giống
vài học sinh Việt khác: đọc và viết giỏi, nhưng nghe và nói lại gặp vấn đề. Có
những giám khảo người Đức, họ ít dịp nghe người ngoại quốc, nhất là người Á
châu nói tiếng Đức. Cho nên, nhấn giọng, phát âm không chính xác, giám khảo
không hiểu, không chấm điểm được.
Rời trường, bịn rịn chia tay, bạn
bè trao đổi nhau địa chỉ, hẹn nhau mỗi năm hội ngộ một lần. Tính vậy thôi, đâu
ai thực hiện được. Ai nấy còn bao nhiêu nỗi âu lo, trăn trở trước ngưỡng cửa đại
học. Những năm cuối thập niên 80, chưa có điện thoại di động, chưa có internet.
Những ai sống với gia đình, còn có điện thoại bàn. Những người tứ cố vô thân
như Hiển, mượn tạm địa chỉ của người quen. Xin được chỗ học ở tỉnh nào, mới đến
đấy tìm nơi ăn ngủ. Quỳnh Tương và hai người chị học cùng trường với Nhân ở
Frankfurt, miền Trung nước Đức, nhưng khác ngành. Được thời gian ngắn, hai chị
lập gia đình, theo chồng, đổi đi học ở tỉnh khác. Thỉnh thoảng, muốn gặp Nhân,
nàng phải hẹn năm lần bảy lượt. Nhân kể, Hiển lận đận trong chuyện học hành. Do
thiếu điểm, Hiển không được chọn đúng trường, đúng môn mình muốn học. Hiển lưu
lạc về tận Konstanz, một tỉnh cực nam nước Đức, sát biên giới Thụy Sĩ. Nghe
Nhân bảo, Hiển gởi lời thăm Quỳnh Tương, lòng nàng xôn xao nhớ những ngày tháng
êm đềm nơi trường làng. Nàng nhờ Nhân chuyển lời hỏi thăm đến Hiển. Thời gian
sau, mỗi người có những bận rộn riêng. Có lần Nhân gọi, nàng vắng nhà. Nhân nhắn
tin. Nàng gọi lại Nhân. Không gặp Nhân. Nàng cũng gởi lời nhắn. Mà chẳng thấy
Nhân gọi lại. Từ đấy, nàng mất luôn liên lạc với Nhân và cũng chẳng còn tin tức
gì về Hiển. Nàng có bạn bè mới. Vào những dịp lễ cũng có tụ tập, ăn uống. Nhưng
không còn không khí vô tư như thuở học trò. Lật cuốn Album có
mấy tấm hình thuở trường làng, lòng Quỳnh Tương bâng khuâng nhớ trường xưa. Nhìn
những tấm hình chụp chung với nhiều người, nàng đưa mắt dò tìm những khuôn mặt
bạn bè. Trong hình, Hiển và Quỳnh Tương thường là người ở đàng đông, người ở
đàng tây. Chắc tại vì, hồi đó, hai đứa có tịch, nên rục rịch, không dám đứng gần.
Bê Bê đã đến bên Quỳnh Tương tự lúc
nào, khèo khèo vai áo nàng:
– Dì Út, bây giờ mình phải về. Chút
nữa con đi sinh nhật của bạn con.
Cu Tí tường thuật:
– Bê Bê nó ăn cái bánh táo của dì
Út. Hồi nãy nó hỏi xin dì. Mà không nghe dì nói gì hết. Bánh này phải ăn nóng mới
ngon. Bây giờ bánh vô bụng nó rồi.
Nàng chần chờ, muốn lại xếp hàng,
mua đại một món gì, rồi tiện dịp, đưa số điện thoại để Hiển liên lạc. Nàng nhìn
về phía quầy, Hiển vẫn bận rộn với dãy khách hàng đang đứng chờ. Quỳnh Tương nhẹ
nhàng bảo mấy đứa cháu:
– Không sao. Bây giờ mình về nhà
nhe.
Nàng băn khoăn, không biết Hiển có
kịp ngước lên, thấy nàng và đám cháu đang rời tiệm. Giữa tiếng lao xao cười nói
của bầy trẻ, nàng bồi hồi đọc khẽ câu thơ: chút ngày xưa gặp tình cờ/
thoáng hương mùa cũ như vừa đâu đây**.
Hoàng Quân
* Hoa học trò, thơ Nhất Tuấn, nhạc Anh Bằng