Nhà văn Kim Thúy và cuốn "Ru", ấn bản đầu tiên bằng
tiếng Pháp
Đọc: Ru (2)
(tiếp theo và hết)
***
Chúng tôi không biết mình đang ở đâu. Chúng tôi mới đặt chân lên vùng đất liền
đầu tiên. Khi chúng tôi đang trên đường đến bãi biển, một người đàn ông châu Á mặc
quần cộc màu xanh nhạt chạy về phía thuyền của chúng tôi. Ông ấy nói với chúng
tôi bằng tiếng Việt rằng hãy lên bờ và phá hủy con thuyền ngay. Ông ấy có phải
người Việt Nam không? Có phải chúng tôi đã trở lại điểm xuất phát sau bốn ngày
lênh đênh trên biển? Tôi không nghĩ có ai hỏi, bởi vì tất cả chúng tôi đều nhảy
xuống nước như thể chúng tôi là một đội quân đang được triển khai. Người đàn
ông biến mất trong sự hỗn loạn này, mãi mãi. Tôi không biết tại sao tôi lại nhớ
đến hình ảnh rõ ràng như vậy về người đàn ông đó đang chạy dưới nước, vẫy tay,
đấm vào không trung với một tiếng kêu khẩn cấp mà gió không mang đến được chỗ
tôi. Tôi nhớ hình ảnh đó với độ chính xác và rõ ràng như hình ảnh Bo Derek chạy
ra khỏi nước trong bộ đồ tắm màu da thịt của cô ấy. Tuy nhiên, tôi chỉ nhìn thấy
người đàn ông đó một lần, trong một phần của giây, không giống như tấm áp phích
của Bo Derek mà tôi bắt gặp hàng ngày trong nhiều tháng.
Mọi người trên boong đã nhìn thấy ông. Nhưng không ai dám khẳng định điều đó một
cách chắc chắn. Ông ta có thể là một trong những người chết đã nhìn thấy chính
quyền địa phương xua thuyền trở lại biển. Hoặc một con ma có nhiệm vụ cứu chúng
tôi, để ông có thể tự mình đến thiên đường. Ông ta có thể là một người Mã Lai bị
tâm thần phân liệt. Hoặc có thể là một khách du lịch từ Club Med muốn phá vỡ sự
đơn điệu trong kỳ nghỉ của mình.
***
Rất có thể ông ta là một khách du lịch, vì chúng tôi đã cập vào một bãi biển được
bảo tồn vì có quần thể rùa, và nó gần với địa điểm của Câu lạc bộ Club Med. Quả
thực, bãi biển này đã từng là một phần của Club Med, vì quán bar bên bờ biển của
họ vẫn còn tồn tại. Chúng tôi ngủ ở đó hàng ngày tựa vào phông nền của bức tường
quán bar nơi có khắc tên những người Việt Nam đã ghé qua, những người còn sống
sót như chúng tôi. Nếu chúng tôi đợi thêm mười lăm phút nữa trước khi cập bến,
thì chân chúng tôi đã không bị kẹt trong bãi cát vàng mịn của bãi biển tuyệt vời
này. Con thuyền của chúng tôi đã bị phá hủy hoàn toàn bởi những con sóng được tạo
ra do một cơn mưa bình thường đổ xuống ngay sau khi chúng tôi lên bờ. Hơn hai
trăm người chúng tôi im lặng theo dõi, mắt mờ đi vì mưa và kinh ngạc. Những tấm
ván gỗ lần lượt lướt trên đỉnh sóng, như động tác bơi đồng bộ thường quy. Tôi
khẳng định rằng trong một khoảnh khắc ngắn ngủi, cảnh tượng đã khiến tất cả
chúng tôi trở thành người có đức tin. Ngoại trừ một người đàn ông. Anh ta đã lần
bước quay lại thuyền để lấy những lượng vàng mà anh ta đã giấu trong thùng
nhiên liệu của con thuyền. Anh đã không bao giờ trở lại. Có thể những lượng
vàng đã làm anh chìm, có thể chúng quá nặng nên anh không mang nổi. Hoặc nếu
không thì dòng nước đã nuốt chửng anh như một sự trừng phạt vì đã quay nhìn lại,
hoặc để nhắc nhở chúng tôi rằng đừng bao giờ hối tiếc về những gì mình đã bỏ lại
phía sau.
***
Ký ức đó chắc chắn giải thích tại sao tôi không bao giờ rời khỏi một nơi nào đó
với nhiều hơn một chiếc vali. Tôi chỉ mang sách theo. Không có gì khác có thể
trở thành cái của tôi thực sự. Trong phòng khách sạn, phòng dành cho khách hay
trên giường của người lạ, tôi đều ngủ ngon như trong phòng và trên giường của
chính mình. Quả thực, tôi luôn vui vẻ chuyển nhà; nó cho tôi cơ hội làm nhẹ bớt
đồ đạc của mình, bỏ lại một số thứ để trí nhớ của tôi trở nên thực sự chọn lọc,
chỉ có thể nhớ những hình ảnh vẫn còn lấp lánh sau mí mắt nhắm nghiền. Tôi
thích nhớ những xao xuyến trong lòng, những bâng khuâng, những bàng hoàng, những
do dự, những biến động, những hụt hẫng của mình… Tôi thích chúng hơn vì tôi có
thể định hình chúng theo màu sắc của thời gian, trong khi đồ vật vẫn bất động,
đông cứng, cồng kềnh.
***
Tôi cũng yêu đàn ông theo cách như vậy, không muốn họ là của mình. Theo đó, tôi
là một trong số những người khác, không có vai trò gì, không tồn tại. Tôi không
cần sự hiện diện của họ vì tôi không nắm được những người vắng mặt. Họ luôn được
thay thế hoặc có thể thay thế được. Nếu họ không thể thay thế được, thì tình cảm
của tôi dành cho họ có thể thay thế được. Vì lý do đó, tôi thích những người
đàn ông đã có gia đình, tay đeo nhẫn vàng. Tôi thích những bàn tay đó trên cơ
thể tôi, trên ngực tôi. Tôi thích chúng bởi vì, bất chấp sự pha trộn của nhiều
mùi, bất chấp sự ẩm ướt của da những bàn tay ấy trên da thịt tôi, bất chấp niềm
hưng phấn thỉnh thoảng đến, những ngón tay đeo nhẫn với lịch sử của chúng vẫn
khiến tôi xa lánh, dửng dưng, ẩn mình.
***
Tôi quên các chi tiết về cảm giác của mình trong những cuộc gặp gỡ này. Tôi nhớ
những cử chỉ thoáng qua, chẳng hạn như ngón tay của Guillaume chạm vào ngón
chân út bên trái của tôi để viết chữ G đầu tiên của anh ấy; giọt mồ hôi từ cằm
Mikhaïl rơi xuống đốt sống thắt lưng đầu tiên của tôi; đáy xương ức của Simon,
Simon đã nói với tôi rằng nếu tôi thì thầm vào lõm ngực của anh, lời nói của
tôi sẽ vang vọng đến tận trái tim.
Qua nhiều năm, tôi đã sưu tập được hàng lông mi xao xuyến của người này, lọn
tóc lòa xòa của người kia, những bài học của người này, sự im lặng của người
kia, một buổi chiều ở chỗ này, một ý tưởng ở chỗ kia - để cấu thành một người
tình duy nhất, bởi vì tôi đã sao nhãng việc ghi nhớ khuôn mặt của từng người.
Cùng nhau, những người đàn ông này đã dạy tôi cách trở thành một người tình,
cách yêu đương, cách khát khao một trạng thái say đắm. Tuy nhiên, chính các con
tôi đã dạy tôi động từ yêu thương, chúng là những người đã định nghĩa nó. Nếu
tôi biết thế nào là yêu thì tôi đã không có con, vì một khi yêu là yêu mãi, như
vợ cậu Hai, mợ Hai, không thể ngừng yêu đứa con trai cờ bạc, đứa con trai đang
đốt tài sản gia đình như một kẻ cuồng phóng hỏa.
***
Khi tôi còn nhỏ, tôi đã thấy dì Hai phủ phục trước Phật, trước Chúa Giê-su, trước
con trai, để van xin nó đừng đi xa mỗi lần hàng mấy tháng trời, đừng trở lại
sau những tháng ngày vắng bóng với những kẻ hộ tống đang dí con dao vào cổ họng
của nó. Trước khi làm mẹ, tôi không hiểu sao dì, một nữ doanh nhân với bàn tay
nắm chặt, mắt tinh, miệng lưỡi sắc bén, lại có thể tin vào những lời dối trá và
hứa hão của đứa con trai cờ bạc. Trong lần tôì ghé thăm Sài Gòn gần đây, dì bảo
tôi rằng chắc hẳn dì đã phạm trọng tội trong kiếp trước, nên kiếp này buộc phải
liên tục tin vào những trò lừa dối của con trai mình. Dì muốn ngừng yêu. Dì đã
chán yêu lắm rồi.
Vì đã làm mẹ nên tôi cũng dối dì bằng cách giữ im lặng về cái đêm con trai dì nắm
tay con tôi quấn quanh dương vật vị thành niên của nó, và về cái đêm nó chui
vào mùng của dì Bảy, người bị chậm trí, không có khả năng tự vệ. Tôi đã ngậm miệng
để dì Hai già nua, héo mòn không phải chết đi vì đã quá yêu con.
Dì Bảy là con thứ sáu của bà ngoại tôi. Con số của dì ấy, số bảy, không mang lại
may mắn như người ta vẫn gán cho nó. Khi tôi còn nhỏ, thỉnh thoảng dì Bảy đợi
tôi ở cửa, tay cầm cái thìa gỗ, sẵn sàng đánh tôi thật mạnh để xua bớt cái nóng
tích trữ trong người dì. Dì luôn nóng nảy. Dì cần phải hét lên, phải ném mình
xuống sàn, phải xả hơi bằng cách đánh. Ngay khi dì bắt đầu hú lên, tất cả những
người giúp việc chạy khắp nhà, để lại xô nước, con dao, ấm đun nước, khăn lau bụi,
cây chổi của họ ngay tại chỗ và chạy đến kềm giữ dì lại. Thêm vào sự hỗn loạn
đó là tiếng khóc của bà tôi, má tôi, các dì khác của tôi, các con của họ và của
chính tôi. Chúng tôi là một dàn hợp xướng gồm hai mươi giọng gần như cuồng loạn,
gần như phát điên. Một lúc sau, chúng tôi không còn biết tại sao mình lại tru
lên nữa, vì tiếng kêu ban đầu của dì Bảy đã bị tiếng ồn của chúng tôi bóp nghẹt
quá lâu. Nhưng mọi người cứ khóc, tận dụng cơ hội để khóc.
Đôi khi, thay vì chờ tôi ở cửa, dì Bảy lại mở cửa, sau khi lấy trộm chìa khóa của
bà tôi. Dì thường mở nó ra để có thể bỏ chúng tôi mà đi và rốt cục lạc bước vào
các con hẻm, nơi không ai nhìn thấy khuyết tật của dì, hoặc ít ra là mặc kệ. Một
số người mặc kệ khuyết tật của dì đổi một miếng ổi để lấy cái vòng cổ bằng vàng
24 cara của dì, hoặc đổi một lời khen ngợi để được quan hệ tình dục với dì. Một
số thậm chí còn hy vọng rằng dì sẽ mang thai để họ có thể biến đứa bé thành đối
tượng tống tiền. Lúc đó dì và tôi tuổi trí bằng nhau, chúng tôi là bạn, kể cho
nhau nghe những điều khiến chúng tôi sợ hãi. Chúng tôi chia sẻ những câu chuyện
của mình. Ngày nay, người dì tật nguyền coi tôi như người lớn nên không kể cho
tôi nghe những lần trốn nhà hay những chuyện cũ nơi đầu đường xó chợ nữa.
Tôi cũng mơ được ra ngoài chơi nhảy lò cò với lũ trẻ hàng xóm. Tôi ghen tị với
chúng qua những tấm lưới sắt rèn trên cửa sổ hoặc từ bao lơn của chúng tôi.
Ngôi nhà của chúng tôi được bao quanh bởi những bức tường xi măng cao hai mét gắn
những mảnh kính vỡ để ngăn cản những kẻ đột nhập. Từ nơi tôi đứng, thật khó để
nói liệu bức tường tồn tại để bảo vệ chúng tôi hay ngăn cản chúng tôi tiếp cận
cuộc sống.
Những con hẻm tràn ngập lũ trẻ nhảy nhót với những sợi dây bện từ hàng trăm sợi
dây thun nhiều màu. Món đồ chơi yêu thích của tôi không phải là một con búp bê
biết nói: “Tôi yêu bạn”. Món đồ chơi mơ ước của tôi là một chiếc ghế gỗ nhỏ có
hộc để đựng tiền của những người bán hàng rong, và cả hai chiếc thúng lớn mà họ
gánh ở hai đầu của một cái đòn gánh tre dài cân bằng trên vai. Những người phụ
nữ này bán tất cả các loại bún cháo. Họ đi giữa hai vật nặng: một đầu là cái nồi
lớn đựng nước dùng và lò than để giữ nóng, đầu kia là bát, đũa, bún và gia vị.
Đôi khi người bán hàng thậm chí có thể cõng một đứa trẻ trên lưng. Mỗi người
bán hàng thường quảng cáo sản phẩm của mình bằng một điệu rao hàng đặc trưng.
Nhiều năm sau, ở Hà Nội, một người bạn Pháp của tôi phải dậy lúc năm giờ sáng để
thu âm các điệu rao hàng. Anh ấy nói với tôi rằng chẳng bao lâu nữa những âm
thanh đó sẽ không còn được nghe thấy trên đường phố nữa, rằng những người bán
hàng rong đó sẽ từ bỏ những chiếc thúng của họ để vào làm việc trong nhà máy.
Vì vậy, anh ấy sẽ bảo vệ tiếng nói của họ một cách trọng thị và yêu cầu tôi
phiên dịch những lời rao hàng trên đường đi, sau đó anh sẽ sắp xếp chúng theo
danh mục: người bán cháo, bán kem đậu nành, người mua thủy tinh đồng nát, người
mài dao, người đấm bóp cho nam giới, người bán bánh mì… Chúng tôi đã dành cả buổi
chiều để dịch. Cùng người bạn ấy, tôi đã học được rằng âm nhạc đến từ giọng
hát, nhịp điệu và trái tim của mỗi người, và nhạc tính của những giai điệu
không được ghi âm ấy có thể vén màn sương mù, xuyên qua cửa sổ, bình phong để
đánh thức ta nhẹ nhàng như lời hát ru buổi sớm mai.
Anh phải dậy sớm để ghi hình vì bún, phở bán chủ yếu vào buổi sáng. Mỗi loại có
sợi bún riêng: bún bò sợi tròn, bún heo, tôm sợi nhỏ dẹt, bún gà sợi trong suốt…
Mỗi bà bán hàng có một sở trường và lộ trình riêng. Khi Marie - France, giáo
viên của tôi ở Granby, yêu cầu tôi mô tả bữa ăn sáng của mình, tôi nói với cô ấy:
xúp, bún, thịt lợn. Cô ấy hỏi tôi một lần nữa, hơn một lần, giả vờ làm động tác
thức dậy, dụi mắt và vươn vai. Nhưng câu trả lời của tôi vẫn như cũ, chỉ khác một
chút: cơm thay bún. Những đứa trẻ Việt Nam khác cũng đưa ra những mô tả tương tự.
Sau đó, cô giáo gọi điện về nhà chúng tôi để kiểm tra độ chính xác trong câu trả
lời của chúng tôi với phụ huynh. Thời gian trôi qua, chúng tôi nay không còn bắt
đầu ngày mới với xúp và cơm nữa. Cho đến ngày nay, tôi vẫn chưa tìm được món
thay thế. Vì vậy, rất hiếm khi tôi ăn sáng.
***
Tôi quay lại ăn bún vào bữa sáng khi tôi mang thai con trai Pascal ở Việt Nam.
Tôi không thèm dưa chua hay bơ đậu phộng, chỉ thèm tô bún mua ở góc phố. Trong
suốt thời thơ ấu của tôi, bà tôi đã cấm chúng tôi ăn những món bún đó vì chén
bát được rửa trong một xô nước nhỏ. Những người bán hàng không thể gánh nước
trên vai như gánh nước dùng và chén bát. Bất cứ khi nào có thể, họ sẽ xin mọi
người một ít nước sạch. Khi còn nhỏ, tôi thường đợi họ ở hàng rào gần cửa bếp đổ
nước ngọt vào xô cho họ. Tôi thường đổi con búp bê mắt xanh của mình để lấy những
cái ghế gỗ. Lẽ ra tôi nên tặng lại cho họ, bởi vì ngày nay những cái ghế gỗ đã
được thay thế bằng những chiếc ghế nhựa, nhẹ hơn, không có ngăn kéo bên trong
và không để lộ dấu vết mỏi, mòn trên thớ gỗ như cái ghế gỗ. Những người bán
hàng rong bước vào kỷ nguyên hiện đại nhưng vẫn mang trên vai sức nặng của cái
ách đó.
***
Dấu vết của các sọc đỏ và vàng của túi bánh mì sandwich Pom bị cháy dính vào một
mặt của cái lò nướng bánh mì đầu tiên của chúng tôi. Những người tài trợ của
chúng tôi ở Granby đã để cái thiết bị nhỏ đó ở đầu danh sách những thứ cần thiết
phải mua khi chúng tôi chuyển đến căn hộ đầu tiên của mình. Trong nhiều năm,
chúng tôi đã mang cái lò nướng bánh mì đó từ nơi này sang nơi khác mà không bao
giờ sử dụng nó, bởi vì bữa ăn sáng của chúng tôi là cơm, bún, thức ăn thừa từ
đêm hôm trước. Một cách lặng lẽ, chúng tôi bắt đầu ăn Rice Krispies, không sữa.
Các anh tôi hưởng ứng điều này với bánh mì nướng và mứt. Trong suốt hai mươi
năm, mỗi buổi sáng, không có ngoại lệ, người anh trẻ nhất ăn sáng với hai lát
bánh mì kẹp bơ và mứt dâu, bất kể đang làm việc ở đâu - New York, New Delhi,
Moscow hay Sài Gòn. Người giúp việc Việt Nam của anh đã cố gắng khiến anh thay
đổi thói quen bằng cách mời anh những nắm xôi với dừa tươi nạo, mè rang và đậu
phộng giã trong cối, hoặc một cái bánh mì Pháp nóng với giăm bông phết sốt
mayonnaise tự làm, hoặc pa-tê gan ngỗng được trang trí bằng một nhánh rau mùi…
Anh ấy gạt tất cả chúng sang một bên và quay trở lại với món bánh mì sandwich
mà anh ấy để trong ngăn đá. Lần gần đây nhất tôi đến thăm anh, tôi phát hiện ra
rằng anh ấy cất cái lò nướng bánh mì cũ đã ố màu của chúng tôi trong tủ. Đó là
món đồ rẻ tiền duy nhất mà anh mang theo từ nước này sang nước khác như thể nó
là một cái mỏ neo, hay ký ức về việc thả chiếc neo đầu tiên.
***
Tôi phát hiện ra mỏ neo của mình khi ra đón Guillaume ở sân bay Hà Nội. Mùi nước
xả vải Bounce trên áo phông của anh làm tôi bật khóc. Trong hai tuần, tôi ngủ với
một mảnh quần áo của Guillaume trên gối. Về phần mình, Guillaume choáng ngợp
trước mùi mít, quất, sầu riêng, khế, khổ qua, cua đồng, tôm khô, hoa huệ, hoa
sen và rau thơm. Nhiều lần anh đến chợ đêm, nơi rau, trái cây và hoa được mua
bán qua lại giữa những cái thúng của những người bán hàng đang thương lượng với
nhau trong cái hỗn loạn ồn ào nhưng có kiểm soát, như thể họ đang ở trên sàn của
Sở giao dịch chứng khoán. Tôi thường đi tới chợ đêm này với Guillaume, luôn mặc
một trong những chiếc áo chui đầu của anh bên ngoài áo sơ mi của tôi vì tôi
phát hiện ra rằng ngôi nhà của tôi có thể được hội tụ lại như một thứ mùi bình
thường, giản dị từ cuộc sống hàng ngày ở Bắc Mỹ của tôi. Tôi không có địa chỉ
nhà riêng, tôi sống trong một căn hộ văn phòng ở Hà Nội. Sách của tôi cất ở chỗ
dì Tám, bằng cấp của tôi ở nhà ba má tôi ở Montreal, ảnh của tôi ở nhà các anh
tôi, áo khoác mùa đông của tôi ở chỗ người bạn cùng phòng cũ. Lần đầu tiên tôi
nhận thức rằng Bounce, mùi Bounce, đã cho tôi cơn nhớ nhà đầu tiên.
***
Trong những năm đầu tiên ở Quebec, quần áo của tôi có mùi hơi ẩm hoặc mùi thức
ăn vì sau khi giặt xong, chúng được treo trong phòng ngủ của chúng tôi trên dây
được căng từ tường này sang tường khác. Ban đêm, đêm nào cũng vậy, hình ảnh cuối
cùng tôi nhìn thấy là những màu sắc treo lơ lửng khắp phòng như những lá cờ cầu
nguyện của người Tây Tạng. Trong nhiều năm, tôi đã hít mùi nước xả vải trên quần
áo của các bạn cùng lớp khi gió mang nó đến cho tôi. Tôi sung sướng hít ngửi những
túi quần áo đã qua sử dụng mà chúng tôi nhận được. Đó là mùi duy nhất tôi cần.
***
Guillaume rời Hà Nội sau khi ở với tôi hai tuần. Anh không có quần áo sạch để lại
cho tôi. Trong những tháng tiếp theo, thỉnh thoảng tôi nhận được qua đường bưu
điện một phong bì nhựa dán kín với một chiếc khăn tay mới sấy khô bên trong, có
mùi Bounce. Gói hàng cuối cùng anh ấy gửi cho tôi có một vé máy bay đi Paris.
Khi tôi đến, anh ấy đang đợi để đưa tôi đến một cuộc hẹn với một chuyên gia nước
hoa. Anh ấy muốn tôi ngửi thấy mùi lá violet, hoa diên vĩ, cây bách xanh, vani,
cây cần núi… và hơn hết là mùi hương vĩnh cửu, mùi mà Napoléon nói đã ngửi thấy
ở đất nước của ông trước khi ông đặt chân lên đó. Guillaume muốn tôi tìm một
mùi hương mang lại cho tôi đất nước, thế giới của mình.
***
Tôi chưa bao giờ dùng loại nước hoa nào khác ngoài loại được tạo ra cho tôi
theo yêu cầu của Guillaume trong chuyến đi Paris đó. Nó đã thay thế Bounce. Nó
nói hộ tôi và nhắc nhở tôi rằng tôi tồn tại. Một trong những người bạn cùng
phòng của tôi đã dành nhiều năm nghiên cứu thần học và khảo cổ học để tìm hiểu
ai là người tạo ra chúng ta, chúng ta là ai, tại sao chúng ta tồn tại. Mỗi đêm,
cô trở về căn hộ không phải với câu trả lời mà với những câu hỏi mới. Tôi chưa
bao giờ có bất kỳ câu hỏi nào ngoại trừ câu hỏi về thời điểm mà tôi có thể chết.
Lẽ ra tôi nên chọn thời điểm trước khi các con tôi chào đời, vì kể từ đó tôi
không còn quyền lựa chọn cái chết nữa. Mùi tóc cháy nắng nồng nặc, mùi mồ hôi
lưng khi tỉnh giấc sau cơn ác mộng, mùi bụi bẩn của những bàn tay khi chúng bước
ra khỏi lớp học có nghĩa là tôi phải sống, phải lóa mắt trước cái bóng của hàng
lông mi của chúng, xúc động bởi một bông tuyết, bối rối trước giọt nước mắt lăn
trên má chúng. Các con tôi đã trao cho tôi năng lực độc quyền để thổi vào vết
thương khiến cơn đau biến mất, để hiểu những từ không được thốt ra, để nắm bắt
chân lý vũ trụ, để trở thành một nàng tiên. Một nàng tiên say mê mùi của chúng.
***
Wyatt say mê áo dài vì trang phục đó làm cho cơ thể phụ nữ trông thật thanh tú
và vô cùng lãng mạn. Một hôm anh đưa tôi đến một ngôi biệt thự hoành tráng nằm
khuất sau những dãy ki-ốt xây trên nền đất nơi trước kia là khu vườn. Căn biệt
thự là nơi ở của hai chị em lớn tuổi đang âm thầm bán bớt đồ đạc cho những người
sưu tầm để đảm bảo cuộc sống qua ngày. Wyatt là khách hàng trung thành nhất của
họ, vì vậy chúng tôi được mời ngả lưng trên chiếc giường lớn bằng gỗ gụ giống
như chiếc giường của ông nội tôi, tựa đầu lên những chiếc đệm gốm nơi những người
hút thuốc phiện từng nằm. Bà chủ mang cho chúng tôi trà và vài lát kẹo gừng. Một
làn gió nhẹ làm bay tà áo dài của bà khi cúi xuống để đặt những chiếc tách giữa
Wyatt và tôi. Dù đã ngoài sáu mươi nhưng vẻ gợi cảm trong tà áo dài của bà khiến
chúng tôi xúc động. Một centimet vuông da thịt lộ ra giễu cợt sự tàn phá của thời
gian mà vẫn khiến tim ta bồi hồi. Wyatt nói rằng không gian nhỏ bé là tam giác
vàng, là hòn đảo hạnh phúc, là Việt Nam của riêng anh ấy. Giữa những ngụm trà,
anh thì thầm: “Nó khuấy động tâm hồn tôi.”
***
Khi những người lính từ miền Bắc vào Sài Gòn, họ cũng bị khuấy động bởi vùng da
tam giác đó. Họ xao xuyến trước những cô nữ sinh áo dài trắng tung tăng tan trường
như những cánh bướm mùa xuân. Và thế là việc mặc áo dài sớm bị cấm. Nó bị cấm
vì nó gây ra sự khinh bỉ đối với chủ nghĩa anh hùng của những người phụ nữ đội
mũ kêpi màu xanh lá cây, xuất hiện trên các panô áp phích khổng lồ ở mọi góc phố,
mặc áo sơ mi kaki xắn tay áo để lộ những cánh tay vạm vỡ. Họ đã đúng khi trục
xuất trang phục áo dài. Thời gian cài khuy lâu gấp ba lần thời gian cởi ra. Một
chuyển động nhanh là đủ để làm cho các khóa áo bật mở. Riêng bà tôi không phải
mất thời gian gấp ba mà gấp mười lần để mặc áo dài, vì sau khi sinh mười người
con, cơ thể bà phải được tạc lại, vẽ lại bằng một chiếc đai lưng có ba mươi móc
khóa và mắt khóa, để tôn vinh đường nét của trang phục khiêm tốn một cách giả tạo
và chân thành một cách dối trá đó.
***
Hôm nay, bà tôi đã già lắm rồi, nhưng vẫn xinh đẹp, xa hoa như một bà hoàng.
Khi ở tuổi bốn mươi, ngồi trong phòng khách của mình ở Sài Gòn, bà là hình ảnh
thu nhỏ của cả một thời đại về một thái cực của vẻ đẹp và giàu sang. Sáng sáng,
một nhóm những người bán hàng đợi ở cửa để trình những mặt hàng mới của họ cho
bà. Hầu hết trong số họ đã biết yêu cầu của bà. Họ mang theo những đồ sành sứ mới,
những bông hoa nhựa vừa được chuyển đến từ châu Âu và tất nhiên là cả những chiếc
áo lót cho sáu cô con gái của bà. Đất nước có chiến tranh, thị trường bấp bênh,
nên lường trước mọi việc là tốt nhất. Đôi khi nó là kim cương. Tất cả phụ nữ Việt
Nam trong giới chúng tôi đều có kính lúp để kiểm tra kim cương. Tôi đã học cách
phát hiện tạp chất trong kim cương từ khi còn rất nhỏ, bởi vì đó là một kỹ năng
cần thiết để quản lý tài chánh gia đình. Khi hệ thống ngân hàng yếu kém và tạm
bợ, phụ nữ phải thành thạo nghệ thuật mua và bán vàng và kim cương để quản lý
tiền dành dụm của họ. Bà tôi đã dành nhiều ngày một lúc để làm những việc vặt
mà không bao giờ phải đi đâu cả. Giữa những chuyến viếng thăm của những người
bán hàng, bà cũng chiêu đãi bạn bè hoặc phỏng vấn những người giúp việc đang
tìm việc làm.
Tháng ngày của bà tôi ngập đầy những công việc tẻ nhạt này. Và dù bà là một phật
tử, bà không có thời gian để ngồi trước Đức Phật. Sau khi các khu chợ đã bị
quét sạch hàng hóa và người buôn bán, sau khi những người Cộng sản mướn nhà của
bà đã lấy hết đồ đạc trong két sắt và những chiếc khăn đăng ten, bà học cách mặc
bộ kimono dài màu xám mà các phật tử thường mặc. Dù mái tóc muối tiêu được vuốt
khá đơn giản và búi thành búi cao ngay sau gáy, bà vẫn xinh đẹp lộng lẫy. Bà khấn
vái mọi giờ trong ngày, trong khói hương nghi ngút, chờ đợi tin tức của những đứa
con đã ra khơi. Bà đã để hai đứa con út, một trai và một gái, ra đi với má tôi
bất chấp sự bấp bênh, bất định. Má tôi yêu cầu bà ngoại lựa chọn giữa nguy cơ mất
con trai ngoài biển cả và nguy cơ tìm thấy con bị banh xác ở một bãi mìn trong
thời gian thực hiện nghĩa vụ quân sự ở Campuchia. Bà phải lựa chọn thầm lặng,
không do dự, không run rẩy, không toát mồ hôi. Có lẽ, để kiểm soát nỗi sợ hãi của
mình, bà bắt đầu cầu nguyện. Có lẽ vì say khói hương mà bà không còn rời bàn thờ
nữa.
***
Ở Hà Nội, tôi có một người hàng xóm bên kia đường, sáng nào cũng cầu nguyện,
lúc bình minh, hàng giờ liền. Tuy nhiên, không giống cửa sổ của bà tôi, cửa sổ
làm bằng nan tre của bà mở thẳng ra đường. Câu chú và tiếng gõ đều đặn, không
ngừng của bà vào cái mõ gỗ đã xâm nhập vào cả khu phố. Lúc đầu, tôi muốn chuyển
đi, khiếu nại, thậm chí đánh cắp cái mõ của bà và đập vỡ nó thành từng mảnh.
Tuy nhiên, sau một vài tuần, tôi ngừng nguyền rủa người phụ nữ đó vì tôi bị ám ảnh
bởi hình ảnh của bà tôi.
Trong những năm đầu tiên đầy sóng gió, bà tôi thỉnh thoảng nương tựa vào các
ngôi chùa. Bà muốn trốn vào đó ghê lắm, thậm chí còn để dì Bảy lái xe đưa mình
đi. Dì Bảy không biết lái xe gắn máy, vì không ai chỉ cho dì, và cũng vì dì
không được phép ra khỏi nhà. Nhưng các quy tắc đã được viết lại kể từ biến động
cấu trúc của cuộc đời dì và cuộc sống nói chung. Đối với người dì tàn tật của
tôi, vụ nổ của hạt nhân gia đình đã mang lại một loại tự do, cũng như một cơ hội
để trưởng thành. Hoàn cảnh khiến dì phải khởi động chiếc xe máy bị bỏ lại trong
sân. Bà tôi lên xe, và dì tôi bắt đầu lái và lái, không bao giờ thay đổi tốc độ,
không bao giờ dừng lại, kể cả khi đèn đỏ. Về sau, dì kể với tôi rằng khi nhìn
thấy đèn giao thông, dì đã nhắm mắt lại. Còn bà tôi thì đặt tay lên vai con gái
và cầu nguyện.
Tôi muốn dì Bảy kể cho tôi nghe dì đã sinh con như thế nào trong thời gian ở với
các nữ tu. Không biết dì có biết con nuôi của dì Bốn thực ra là con của dì
không. Tôi không biết làm thế nào mà tôi biết được điều đó. Có thể do bọn trẻ
nghe lén qua lỗ khóa mà người lớn không để ý. Hoặc bởi vì người lớn không phải
lúc nào cũng biết rằng trẻ em đang có mặt. Cha mẹ không cần phải để mắt đến con
cái của họ; họ tin tưởng vào các bảo mẫu giám sát chúng. Nhưng các bậc cha mẹ
đôi khi quên mất rằng các cô bảo mẫu là những cô gái trẻ: họ cũng có những ham
muốn, họ thích thu hút ánh mắt của người tài xế, nụ cười của người thợ may, họ
thích mơ mộng trong chốc lát khi soi mình trong gương, rằng họ cũng là một phần
của bối cảnh được phản ánh ở đó.
Tôi luôn có bảo mẫu, nhưng đôi khi họ quên mất tôi. Và tôi không nhớ bất kỳ người
nào trong số họ, ngay cả khi tôi thường tìm thấy họ ở một góc, nằm ngoài tiêu
điểm, trong những bức ảnh chụp từ thời thơ ấu của tôi.
Con trai Pascal của tôi cũng không còn ký ức về cô bảo mẫu của nó, Lek, ngay
sau khi chúng tôi rời Bangkok để trở về nhà ở Montreal. Tuy nhiên, bảo mẫu người
Thái đã ở bên nó bảy ngày một tuần, 24 giờ một ngày, trong hơn hai năm, ngoại
trừ thỉnh thoảng có vài ngày nghỉ lễ. Lek yêu Pascal ngay từ giây phút đầu
tiên. Cô khoe nó với cả xóm như thể nó là của cô, xinh đẹp nhất, khôi ngô nhất.
Cô ấy yêu nó nhiều lắm, tôi sợ cô quên rằng chắc chắn rồi họ sẽ chia tay, rằng
một ngày nào đó chúng tôi sẽ rời xa cô ấy và đáng buồn thay, con trai tôi có thể
không còn nhớ đến cô ấy nữa.
Lek chỉ biết một vài từ tiếng Anh và tôi biết một vài từ tiếng Thái, nhưng
chúng tôi vẫn trò chuyện rất lâu về những cư dân trong khu nhà tôi ở. Hình ảnh
đậm chất điện ảnh nhất là người hàng xóm ở tầng chín, một người Mỹ trạc ba mươi
tuổi. Một đêm, anh đi làm về và thấy căn hộ của mình phủ đầy lông và rêu. Quần
của anh ấy bị cắt làm đôi theo chiều dọc, ghế sofa của anh ấy bị xé toạc, bàn của
anh ấy bị dao rạch nát, rèm cửa của anh ấy bị xé thành từng mảnh. Tất cả thiệt
hại này gây ra do người tình mà anh ta đã sa thải sau ba tháng phục vụ. Lẽ ra
anh không nên vượt quá giới hạn một tháng, bởi vì hy vọng về một tình yêu lớn
lao lớn lên trong tâm trí cô ta mỗi ngày, mặc dù cô vẫn tiếp tục được trả tiền
vào thứ Sáu hàng tuần cho công việc yêu của mình. Để tránh sự thất vọng ở mức độ
đó, có lẽ anh không nên mời cô ấy đến tất cả những bữa tiệc nơi mà cô ấy mỉm cười
mà không hiểu gì, nơi cô ấy là vật trang trí cho bàn ăn, nơi cô ấy phải nuốt
món xúp khoai tỏi trong khi thèm ăn salad đu đủ xanh với những quả ớt mắt chim
cay xé toạc miệng, làm bỏng môi, và đốt cháy tim người ăn.
Tôi thường hỏi những người nước ngoài đến châu Á để mua tình một đêm rằng tại
sao, vào buổi sáng sau một đêm cuồng nhiệt, họ nhất quyết muốn chia sẻ bữa ăn của
mình với tình nhân Việt Nam hoặc Thái Lan. Những người phụ nữ muốn nhận chi phí
cho những bữa ăn đó bằng tiền mặt, để họ có thể mua một đôi giày cho mẹ hoặc một
tấm nệm mới cho cha, hoặc để gửi em trai của họ đi học tiếng Anh. Tại sao lại
mong muốn sự hiện diện của họ bên ngoài giường khi vốn từ vựng của họ chỉ giới
hạn trong những cuộc trò chuyện diễn ra sau cánh cửa đóng kín? Họ nói với tôi rằng
tôi không hiểu gì cả. Họ cần những cô gái trẻ đó vì một lý do hoàn toàn khác -
để khôi phục lại tuổi trẻ của họ. Khi nhìn vào những cô gái trẻ đó, họ nhìn thấy
tuổi trẻ của chính mình, tràn đầy ước mơ và triển vọng. Các cô gái đã cho họ một
thứ: ảo tưởng rằng họ vẫn chưa làm hỏng cuộc sống của mình, hoặc ít nhất là sức
mạnh và sự thôi thúc để bắt đầu lại. Thiếu các cô gái, họ cảm thấy vỡ mộng, buồn
bã. Buồn vì chưa bao giờ yêu đủ và chưa bao giờ được yêu đủ. Vỡ mộng vì tiền
không mang lại cho họ hạnh phúc, ngoại trừ ở những quốc gia mà với năm đô la họ
có thể có được một giờ hạnh phúc, hoặc ít nhất là chút tình cảm, chút bầu bạn,
chút săn sóc. Với năm đô la, họ có được một cô gái trang điểm vụng về đến uống
cà phê hoặc bia với họ và cười phá lên vì người đàn ông vừa nói từ tiếng Việt
tiểu thay vì tiêu, hai từ chỉ được phân biệt bằng một dấu giọng, một thanh điệu
mà gần như không thể nhận biết đối với cái tai chưa được huấn luyện. Một điểm
nhấn duy nhất cho một khoảnh khắc hạnh phúc duy nhất.
***
Một đêm nọ, khi tôi vào một nhà hàng theo chân một người đàn ông với dái tai bị
rạch như của một trong những người lính Cộng sản từng sống trong ngôi nhà của
gia đình tôi ở Sài Gòn, tôi nhìn qua khe giữa hai bức tường của một phòng
riêng, sáu cô gái đang xếp hàng, dựa vào tường, loạng choạng trên đôi giày cao
gót, khuôn mặt trang điểm đậm, cơ thể ốm yếu, làn da run rẩy, hoàn toàn trần
truồng dưới ánh sáng lập lòe từ những bóng đèn huỳnh quang. Cùng nhau, sáu người
đàn ông nhắm vào các cô gái, mỗi người cầm một tờ một trăm đô la Mỹ được cuộn
chặt, gấp đôi quanh một sợi dây thun căng. Những tờ tiền băng qua căn phòng đầy
khói với tốc độ điên cuồng của đường đạn, cuối cùng đáp xuống làn da trong mờ của
các cô gái.
***
Trong những tháng đầu tiên ở Việt Nam, tôi rất hãnh diện khi mọi người nghĩ rằng
tôi là người hộ tống của sếp, mặc dù tôi mặc vest hàng hiệu và đi giày cao gót,
bởi vì điều đó có nghĩa là tôi vẫn còn trẻ, mảnh khảnh và mong manh. Nhưng sau
khi chứng kiến cảnh các cô gái phải cúi xuống nhặt những tờ bạc trăm đô nằm dưới
chân, tôi không khỏi xuýt xoa vì nể phục họ, bởi đằng sau thân hình mơ ước và
tuổi trẻ của họ, họ mang trên mình cả sức nặng vô hình. của lịch sử Việt Nam,
như những người đàn bà còng lưng.
Như một số cô gái có làn da quá mỏng manh, không chịu nổi sức nặng, tôi bỏ về
trước cú vô lê thứ ba. Tôi rời khỏi nhà hàng không phải bởi tiếng va chạm của
những chiếc ly mà bởi âm thanh không thể nghe thấy của những tờ tiền va chạm
vào da thịt họ. Tôi rời nhà hàng, đầu óc đầy âm hưởng của sự im lặng khắc kỷ của
những cô gái đang ở lại đằng sau ấy; họ có đủ sức mạnh để tước bỏ quyền lực của
đồng tiền, trở thành bất khả xâm phạm, bất khả chiến bại.
***
Khi tôi gặp những cô gái trẻ ở Montreal hay những nơi khác, những người cố
tình, cố ý làm tổn thương thân thể họ, những người muốn những vết sẹo vĩnh viễn
hằn trên da, tôi không thể không thầm ước họ có thể gặp những cô gái trẻ khác
có những vết sẹo vĩnh viễn cũng sâu như vậy nhưng vô hình với mắt thường. Tôi
muốn ngồi đối mặt với họ và nghe họ so sánh giữa vết sẹo mong muốn và vết sẹo
không mong muốn, giữa vết sẹo phải trả giá và vết sẹo được đền bù, giữa vết sẹo
có thể nhìn thấy và vết sẹo vô hình, giữa vết sẹo nhạy cảm quá mức và vết sẹo
không thể đo lường, giữa vết sẹo co rút và vết sẹo dị thường.
Dì Bảy cũng có một vết sẹo ở bụng dưới, dấu vết của một trong những lần dì trốn
nhà lẻn vào mê cung của những con hẻm nơi dì chen lấn giữa những người bán nước
đá và bán guốc dép, giữa những người hàng xóm cãi cọ ầm ĩ, giữa những người phụ
nữ giận dữ và những người đàn ông cương cứng. Ai trong số những người đàn ông
này là cha của con dì? Không ai dám chất vấn dì Bảy vì họ đã phải nói dối dì
trong thời gian dì mang thai để bảo vệ dì khỏi cái bụng của chính mình bằng
cách che giấu nó theo thói quen của các nữ tu ở Couvent des Oiseaux. Các nữ tu
gọi dì là Josette và chỉ cho dì cách viết tên mình bằng những ký tự chấm lớn.
Dì Josette không bao giờ biết tại sao mình lại béo lên như vậy hay tại sao khi
tỉnh dậy sau một giấc ngủ say, dì lại phát hiện ra mình lại gầy đi. Dì chỉ biết
rằng đứa con nuôi của dì Bốn, giống như dì, đã bỏ trốn ngay khi có thể. Nó băng
qua những con hẻm giống nhau với tốc độ ánh sáng, cầm đôi dép của mình trên tay
để bàn chân cảm nhận được sức nóng của mặt đường, độ đặc của phân, độ sắc của một
mảnh chai vỡ. Nó đã chạy suốt thời thơ ấu của mình. Và trong suốt thời thơ ấu ấy,
chúng tôi, những đứa trẻ khác, lớn có bé có, mười, mười lăm, thậm chí hai mươi
người chúng tôi, tuần tra khu phố hàng tháng. Một ngày nọ, tất cả chúng tôi trở
về nhà tay không, những người giúp việc và hàng xóm cũng vậy. Nó đã rời bỏ cuộc
sống của chúng tôi lần theo con đường mòn mà nó đã từng đi qua, để lại vật kỷ
niệm duy nhất là vết sẹo phía trên vùng kín của mẹ nó.
***
Con trai Henri của tôi cũng bỏ trốn. Nó chạy đến sông St. Lawrence ở bên kia một
xa lộ, một đại lộ, một con phố, một công viên, một con phố khác. Nó chạy đến
vùng nước nơi nhịp điệu êm dịu và sự chuyển động không ngừng của những con sóng
thôi miên nó, mang lại sự bình tĩnh và bảo vệ. Tôi đã học cách trở thành cái
bóng trong cái bóng của nó để tôi có thể đi theo mà không làm khó chịu, không
quấy rầy nó. Tuy nhiên, có một lần, chỉ cần một giây mất tập trung, tôi đã thấy
nó lao tới trước những chiếc ô tô, phấn khích và tràn đầy sức sống hơn bao giờ
hết. Tôi choáng váng trước niềm hạnh phúc quá hiếm hoi, quá bất ngờ của nó, và
nỗi thống khổ của chính tôi khi nghĩ đến việc thi thể nó bị ném lên không trung
bên trên cái chắn bùn. Tôi có nên nhắm mắt và đi chậm lại để tránh chứng kiến
cú va chạm, để sống sót? Tình mẫu tử, tình mẫu tử của chính tôi, đã làm tôi đau
khổ với một tình yêu đã đập phá trái tim tôi, đã làm căng phồng, xả xì và đẩy
tim tôi ra khỏi lồng ngực khi tôi nhìn thấy con trai lớn của mình, Pascal, từ
đâu bất ngờ xuất hiện và xô em nó xuống bãi cỏ mới cắt ở dải phân cách đại lộ.
Pascal đáp xuống trên người em trai mình như một thiên thần, với cặp đùi nhỏ mập
mạp, đôi má hồng như kẹo và ngón tay cái nhỏ xíu giơ lên không trung.
Tôi đã khóc vì sung sướng khi cầm tay hai đứa con trai, nhưng tôi cũng khóc vì
nỗi đau của một người mẹ Việt Nam khác đã chứng kiến cảnh con mình bị hành quyết.
Một giờ trước khi chết, cậu bé ấy đang chạy băng qua đồng lúa với mái tóc tung
bay theo gió, để chuyển thông điệp từ người này sang người khác, từ tay người
này sang người khác, từ nơi ẩn náu này sang nơi ẩn náu khác, để chuẩn bị cho cuộc
cách mạng, để làm phần việc của mình cho cuộc kháng chiến, nhưng đôi khi, cũng
đơn giản giúp gửi một bức thư tình trên đường đi.
Cậu bé đó đang chạy với tuổi thơ trên đôi chân mình. Nó không thể nhìn thấy
nguy cơ thực sự bị bắt bởi những người lính của phe đối địch. Nó sáu tuổi, có
thể bảy tuổi. Nó chưa biết đọc. Tất cả những gì nó biết là làm thế nào để giữ
chặt trong tay mẩu giấy mà nó đã được trao cho. Tuy nhiên, khi bị bắt, đứng giữa
những họng súng chĩa vào mình, nó không còn nhớ mình đang chạy đến đâu, tên người
mà bức thư được gửi đến, hay điểm xuất phát chính xác của mình. Sự hoảng loạn
khiến nó câm lặng. Những người lính bịt miệng nó. Thân thể yếu ớt của nó đổ gục
xuống đất và những người lính bỏ đi, miệng nhai kẹo cao su. Mẹ nó chạy qua cánh
đồng còn in dấu chân con trai. Bất chấp tiếng đạn nổ xé toạc không gian, khung
cảnh vẫn như cũ. Những bông lúa non tiếp tục được gió nâng niu, thản nhiên đối
mặt với sự tàn bạo của những tình yêu lớn quá cỡ đó, với những nỗi đau câm lặng
đến nỗi nước mắt không thể tuôn ra nữa, với tiếng khóc không thể thoát ra từ tấm
thân người mẹ đang thu vén vào chiếc chiếu cũ thi thể của đứa con trai, mà một
nửa chôn vùi trong bùn.
***
Tôi cố kìm tiếng khóc của mình để không làm biến dạng âm thanh mê hoặc của những
chiếc máy may nối đuôi nhau trong gara của ba má tôi. Giống như tôi và các anh
tôi, các em họ của tôi cũng may vá sau giờ học để kiếm tiền tiêu vặt. Với đôi mắt
tập trung vào chuyển động đều đặn, nhanh nhẹn của những chiếc kim khâu, chúng
tôi không nhìn thấy nhau, vì vậy, rất thường, những cuộc trò chuyện của chúng
tôi thực sự là những lời tự bạch. Các em họ của tôi mới mười tuổi, nhưng chúng
đã có một quá khứ để kể lại vì chúng sinh ra ở Sài Gòn phồn hoa và lớn lên
trong thời kỳ đen tối nhất của Việt Nam. Chúng mô tả cho tôi, với tiếng cười giễu
cợt, chúng đã thủ dâm cho những người đàn ông như thế nào để đổi lấy một bát
súp hai ngàn đồng. Không giấu giếm gì, các em diễn tả những hành vi tình dục đó
một cách tự nhiên và chân thực, như những người mà đối với họ, mại dâm chỉ là
chuyện người lớn và tiền bạc, chuyện không liên quan đến những đứa trẻ sáu bảy
tuổi như chúng, những kẻ làm việc đó để đổi lấy một bữa ăn chỉ mười lăm xu. Tôi
lắng nghe mà không quay đầu lại, vẫn cứ khâu vá, không bình luận, vì tôi muốn bảo
vệ sự ngây thơ trong lời nói của chúng, không làm hoen ố sự thành thật của
chúng bằng việc diễn giải hành động đó theo cách của tôi. Chắc chắn nhờ sự ngây
thơ hồn nhiên đó mà chúng đã trở thành kỹ sư sau mười năm học tập ở Montréal và
Sherbrooke.
Trở về nhà sau khi chia tay các em họ ở Đại học Sherbrooke, tôi được một người
đàn ông Việt Nam tiếp cận ở trạm xăng, người đã nhận ra vết sẹo tiêm chủng của
tôi. Một cái nhìn vào vết sẹo đó đã đưa anh quay ngược thời gian và để anh thấy
mình khi còn là một cậu bé đi bộ đến trường dọc theo con đường đất với tấm bảng
con con kẹp nách. Nhìn vết sẹo ấy, anh biết mắt chúng tôi đã từng thấy những
chùm hoa vàng trên cành mai trước cửa nhà mỗi dịp Tết đến. Chỉ cần nhìn vết sẹo
đó, anh đã nhớ lại mùi thơm ngon của món cá kho tiêu, đang sôi liu riu trong nồi
đất đặt trực tiếp trên than hồng. Nhìn vào vết sẹo đó, tai chúng tôi lại nghe
thấy âm thanh phát ra từ thân một cây tre non khi nó rạch không khí rồi rạch da
lưng chúng tôi. Chỉ cần nhìn vào vết sẹo đó thì cội rễ nhiệt đới của chúng tôi,
được di thực vào vùng đất tuyết phủ, lại trổi dậy. Trong một giây, chúng tôi đã
nhìn thấy sự mâu thuẫn của chính mình, trạng thái lai ghép của chúng tôi: nửa
này, nửa kia, không có gì cả và có mọi thứ cùng lúc. Một dấu vết duy nhất trên
da và toàn bộ lịch sử chung của chúng tôi đã được trải ra giữa hai máy bơm xăng
trong một trạm xăng gần lối ra đường cao tốc. Anh đã giấu vết sẹo của mình dưới
con rồng xanh nửa đêm. Tôi không thể nhìn thấy nó bằng mắt thường. Tuy nhiên,
anh ấy chỉ cần lướt ngón tay trên vết sẹo lộ ra một cách khiếm nhã của tôi, và
cầm lấy ngón tay của tôi trong bàn tay kia của anh và lướt nó trên lưng con rồng
của mình và ngay lập tức chúng tôi trải qua một khoảnh khắc đồng lõa, đồng cảm.
***
Đó cũng là khoảnh khắc đoàn viên khi đại gia đình lớn của tôi tụ họp ở ngoại ô
New York để chúc mừng sinh nhật lần thứ tám mươi lăm của bà tôi. Có ba mươi tám
người chúng tôi, buôn chuyện, cười khúc khích, chọc tức nhau trong hai ngày. Lần
đầu tiên tôi để ý thấy tôi có cặp đùi tròn như dì Sáu và chiếc váy tôi mặc cũng
giống váy dì Tám.
Dì Tám là người chị lớn của tôi, người đã chia sẻ với tôi cảm giác hồi hộp về từ
nữ thần mà một người đàn ông đã thì thầm vào tai dì khi dì đang ngồi, khuất tầm
nhìn của má tôi, trên thanh ngang xe đạp, trong vòng tay ôm của anh ấy. Dì cũng
là người đã chỉ cho tôi cách nắm bắt niềm vui của một ham muốn thoáng qua, của
một lời tâng bốc phù du, của một khoảnh khắc bị đánh cắp.
Khi chị Sao Mai ngồi sau ôm lấy tôi trước ống kính máy ảnh của hai cậu con
trai, chú Chín mỉm cười. Chú Chín hiểu tôi hơn chính tôi vì chú đã mua cho tôi
cuốn tiểu thuyết đầu tiên, vé xem kịch đầu tiên, chuyến thăm viện bảo tàng đầu
tiên, chuyến hành trình đầu tiên của tôi.
Sao Mai đã trở thành một nữ doanh nhân quan trọng, một nhân vật của công chúng,
một nữ hoàng hiện đại sau khi chị đánh hàng chục quả trứng bằng tay – ở Sài Gòn
mất điện năm ngày trong bảy ngày – để làm bánh sinh nhật mà chị bán cho những
người lãnh đạo Cộng sản mới. Như diễn viên nhào lộn, chị đi giao bánh bằng xe đạp
lạng lách qua những chiếc xe đạp khác, tránh làn khói đen của xe máy và những hố
ga bị trộm mất nắp. Ngày nay, những chiếc bánh của chị, và bây giờ là cả kem,
bánh ngọt, sô cô la và cà phê, được bán ở mọi khu phố ở các thành phố lớn, trải
khắp đất nước từ Nam chí Bắc.
***
Tôi vẫn là cái bóng của chị Sao Mai. Nhưng tôi thích như vậy, bởi vì trong thời
gian ở Việt Nam, tôi là cái bóng nhảy múa quanh các bàn thương lượng để đánh lạc
hướng những người mà chị ấy đang giao dịch trong khi chị cân nhắc. Bởi vì tôi
là cái bóng, chị có thể tâm sự với tôi những lo lắng, sợ hãi, nghi ngờ của mình
mà không cần thỏa hiệp. Vì tôi là cái bóng, nên tôi là người duy nhất dám bước
vào đời sống riêng tư của chị, vốn đã bị bịt kín từ thời bán “cà phê” làm từ
bánh mì cũ đốt thành tro rồi xay nhỏ, trên vỉa hè đối diện với nơi chị sống, kể
từ khi các cửa sổ của ngôi nhà đã bán hết. Không cần xin phép, tôi thắp lại ngọn
lửa mà chị nghĩ đã biến mất sau vẻ ngoài đồ sộ của mình. Tôi dọn đường cho sự
phù phiếm bằng cách cho phép các con chị ném bánh trứng vào nhau trên sân thượng
của tôi, bằng cách đặt chúng vào một hộp các tông đầy hoa giấy bên ngoài phòng
chị để chúc mừng sinh nhật khi chị thức dậy, bằng cách đặt vào chiếc cặp của chị
một quần chíp da màu đỏ.
***
Tôi thích chất liệu da màu đỏ của chiếc ghế sofa trong phòng hút xì gà, nơi tôi
dám cởi trần trước mặt bạn bè và đôi khi là người lạ mà họ không hề hay biết.
Tôi kể lại những mẩu chuyện trong quá khứ của mình như thể chúng là những giai
thoại, vở hài kịch hay những câu chuyện thú vị từ những vùng đất xa xôi với những
phong cảnh kỳ lạ, hiệu ứng âm thanh kỳ quặc và những miêu tả cường điệu. Khi
tôi ngồi trong căn phòng đầy khói thuốc đó, tôi quên rằng mình là một trong những
người châu Á thiếu enzyme dehydrogenase để chuyển hóa rượu, tôi quên rằng mình
được đánh dấu bằng một đốm xanh trên lưng, giống như người Inuit, giống như các
con trai của tôi, giống như tất cả những người có dòng máu châu Á. Tôi quên mất
đặc điểm Mongoloid tiết lộ ký ức di truyền vì nó đã biến mất trong những năm đầu
của thời thơ ấu, và ký ức cảm xúc của tôi đã mất đi, tan biến, lẫn lộn theo thời
gian.
Sự ghẻ lạnh đó, sự xa cách đó, khoảng cách đó cho phép tôi mua mà không chút e
ngại và hoàn toàn ý thức được những gì mình đang làm, một đôi giày mà giá ở quê
hương tôi đủ để nuôi một gia đình năm người trong một năm. Người bán hàng chỉ cần
hứa với tôi, Cô sẽ đi trên mây, là tôi mua ngay. Khi chúng ta có thể lơ lửng
trong không trung, để tách mình ra khỏi cội nguồn của mình - không chỉ bằng
cách vượt qua một đại dương và hai lục địa mà còn bằng cách tách mình ra khỏi
tình trạng là những người tị nạn không quốc tịch, khỏi khoảng trống của một cuộc
khủng hoảng danh tính - chúng tôi cũng có thể cười nhạo bất cứ điều gì có thể xảy
ra với chiếc vòng tay acrylic màu nướu răng giả, chiếc vòng tay mà ba má tôi đã
biến thành khí cụ sinh tồn bằng cách giấu tất cả kim cương vào trong đó. Ai có
thể nghĩ rằng, sau khi chúng ta thoát được chết đuối, cướp biển, bệnh lị, thì
hôm nay có thể tìm thấy chiếc vòng tay hoàn toàn nguyên vẹn, bị chôn vùi trong
một bãi rác? Ai có thể nghĩ rằng những tên trộm sẽ vào ăn cắp những người sống
trong một căn hộ khốn khổ như của chúng tôi? Ai có thể tưởng tượng được rằng những
tên trộm lại đeo lên mình một món đồ trang sức lố bịch làm bằng nhựa màu hồng?
Tất cả các thành viên trong gia đình tôi đều tin rằng bọn trộm đã vứt nó sang một
bên khi chúng phân loại đồ ăn trôm. Vì vậy, có thể một ngày nào đó, hàng triệu
năm nữa, một nhà khảo cổ học sẽ thắc mắc tại sao những viên kim cương lại được
xếp thành hình tròn và đặt trong lòng đất. Ông ta có thể giải thích nó như một
nghi thức tôn giáo, và những viên kim cương như một món quà bí ẩn, giống như tất
cả những lượng vàng được phát hiện với số lượng đáng kinh ngạc ở độ sâu của Biển
Đông.
Chắc chắn sẽ không ai biết được thực hư của chiếc vòng hồng một khi chất
acrylic đã tan thành cát bụi, một khi năm tháng tích tụ thành hàng nghìn, hàng
trăm lớp, bởi ba chục năm rồi ta mới nhận ra ta ngày xưa chỉ qua những mảnh vỡ,
qua những vết sẹo, qua những tia sáng le lói.
Ba mươi năm, Sao Mai trỗi dậy như phượng hoàng hồi sinh từ đống tro tàn, như Việt
Nam từ bức màn sắt và ba má tôi từ chiếc bồn cầu mà họ phải cọ rửa. Một mình
cũng như cùng nhau, tất cả những con người trong quá khứ của tôi đã rũ bỏ lớp bụi
bẩn trên lưng để dang rộng đôi cánh với bộ lông đỏ và vàng kim, trước khi lao
thẳng về phía không gian xanh bao la, tô điểm cho bầu trời của các con tôi, để
cho chúng thấy rằng một chân trời luôn che giấu một chân trời khác và cứ như vậy
cho đến vô tận, tới vẻ đẹp không thể diễn tả của sự tái tục, tới niềm phấn
khích không thể hiểu thấu được. Đối với tôi, điều đó đúng với tất cả khả năng của
cuốn sách này, cho đến khoảnh khắc khi lời nói của tôi lướt qua đường cong trên
môi bạn, đến những trang giấy trắng in dấu vết của tôi, hay đúng hơn là dấu vết
của những người đã đi trước tôi, vì tôi. Tôi tiến về phía trước theo dấu chân họ
như trong một giấc mơ thức tỉnh, nơi hương hoa anh túc mới thổi không còn là
hương thơm mà là hoa nở: nơi màu đỏ đậm của lá phong mùa thu không còn là màu sắc
mà là sự duyên dáng; nơi đất nước không còn là địa danh mà là lời ru.
Và nữa, nơi một bàn tay dang rộng không còn là một cử chỉ mà là một khoảnh khắc
yêu thương, kéo dài cho đến khi ngủ, đến khi thức dậy, đến tận cuộc sống thường
ngày.
Nguyễn Quang biên dịch năm 2022.
*******
Về tác phẩm và tác giả:
RU là câu chuyện về một người Việt tị nạn, một thuyền nhân mà ký ức đôi khi
trở thành cái cớ để mua vui, đôi khi để chiêm nghiệm, dao động giữa bi kịch và
hài hước, giữa Sài Gòn và Granby, giữa phàm tục và tâm linh, giữa cái chết giả
và cuộc sống thật.
KIM THÚY đã từng làm thợ may, thông dịch viên, luật sư và chủ nhà hàng. Ru là
cuốn sách đầu tiên của cô, đã được xuất bản ở 15 quốc gia và nhận được một số
giải thưởng, bao gồm cả Giải thưởng Văn học của Toàn quyền. Kim Thúy hiện sống ở
Montréal, nơi cô chuyên tâm viết lách.
Về dịch giả:
Nguyễn
Quang, giáo viên về hưu, hiện sống tại một thành phố miền Trung Việt Nam.