Trần Mộng Tú năm 1976
(Ghi lại quãng đường 50 năm di tản)
Mỗi con người là một đốm lửa nhỏ nhoi, đốt hân hoan và
cháy thống khổ. Cha mẹ, anh em ruột thịt, bạn rất thân có yêu thương mình tới
đâu cũng không bao giờ thấu hiểu tận cùng cái đốm lửa đó cháy và tàn như thế
nào của mỗi phận người. Hạnh phúc và bất hạnh của mỗi người còn nổi trôi theo
hoàn cảnh, vận nước, thời cuộc chung của nhân loại.
Cuối cùng, phần đông người ta chỉ có thể dựa vào lòng tin
của tín ngưỡng để tự đứng dậy.
Khi chúng tôi yêu nhau thì anh mới ra Đại Học Sư Phạm được hơn 1 năm và đang đi dạy học thì bị gọi động viên-khóa 3/68 Thủ Đức. Anh xin phép cha mẹ tôi cho anh được làm hôn thú trước, ngày tháng cưới tính sau vì sợ vào quân đội rồi, xin phép thành hôn sẽ khó khăn. Cha mẹ tôi bằng lòng. Tháng 6/1968 Ba tôi đi cùng tới văn phòng tỉnh, cho phép chúng tôi làm hôn thú. Mấy ngày sau anh đi trình diện nhập ngũ, tôi thật sự lo sợ nhưng không biết phản ứng thế nào.
Chiến tranh vẫn vào thành phố mỗi đêm qua hỏa châu cùng tiếng
súng và ban ngày là những lệnh nhập ngũ lan rộng ở các công tư sở. Sau cuộc tấn
công Tết Mậu Thân của Cộng sản vào Huế, những trang báo ngập tràn tin chiến sự,
cầm tờ báo lên ngang mặt như ngửi được mùi thuốc súng. Tiếng đại bác đêm đêm vẫn
vọng về từ một nơi nào đó và ban ngày thì chiến tranh rải đạn trên những tờ nhật
báo. Hàng xóm, người thân, nhà nào cũng có con trai bị gọi nhập ngũ.
Rồi những tiếng gõ cửa chợt đến vào bất cứ giờ nào trong
ngày, mở cửa ra, nhìn thấy một người ăn mặc quần áo nhà binh, mặt mũi thất thần,
ngập ngừng báo tin: Người con / người chồng của Bà đã tử trận. Tiếng
khóc bật lên, cả nhà giao động, người ôm mặt, người ngất xỉu, người chạy đi báo
thân nhân…cả khu phố náo loạn… Mang được xác về hay mất xác thì cũng đau đớn
ngang nhau.
Chiến tranh đã bước vào nhà mình, vào ngay nhà hàng xóm và
đã đổ ập xuống thành phố.
Những tờ nhật báo
mỗi ngày một giống nhau
hôm nay tin địch chết
ngày mai tin ta chết
mẹ già cuối xóm
đi nhận xác con
người vợ trẻ xếp hành trang cho chồng mai đi sớm
tăng thêm quân
tuổi mười tám xếp bút nghiên cầm súng
đào thêm hầm
người chết thiếu chỗ chôn
chung quanh em bỗng thấy
thành phố tắt tiếng cười
chiếc áo em đang mặc mầu xanh
em nhìn thành mầu đỏ
mùi mực in
thành mùi máu tanh hôi
em yếu đuối
em ngơ ngác thất thần
em sợ lắm rồi thây người ngã xuống
Không,
không bao giờ em muốn anh đi
Anh gạt tay em dấn mình vào lửa
mảnh đạn mảnh bom chặn mất đường về
Ngày mai mưa nắng anh không biết
lửa hỏa châu
đốt cháy lời thề. (tmt)
Cung bị gọi nhập ngũ (Khóa 3/1968) Thủ Đức
Thời gian Cung huấn luyện quân sự ở Thủ Đức chúng tôi còn thỉnh
thoảng được gặp nhau. Có khi cuối tuần, anh đi theo “xe cơm” ở trong trại ra
ngoài, về được 1 đêm, sáng sớm hôm sau tìm taxi về trại. Nhà tôi đến Thủ Đức
khoảng 30 cây số. Ba, Mẹ tôi thương lắm! Có khi anh về, gặp mưa ướt hết giầy,
áo nhà binh, Ba tôi đưa quần áo của mình cho anh thay, Mẹ tôi phải nói chị giúp
việc mang quần áo anh vào trong bếp lửa hong cho khô để ngày mai có áo về trại.
Anh được một tối ở lại nhà tôi và được cha mẹ và tôi săn sóc, đêm anh ngủ với
Ba tôi trên cái sập gụ giữa nhà. Những lần anh về như thế, chúng tôi được ngồi
im lặng bên nhau đến khuya, chỉ cầm tay thôi mà muốn khóc…cũng không hiểu tại
sao lại muốn khóc.
Nhưng sáng hôm sau anh đi thì tôi khóc thật, khóc âm thầm một
mình sau cánh cửa. Không biết tại sao lại khóc có lẽ vì sơ mà khóc thì đúng
hơn. Sợ anh đi rồi đi luôn. Cái sợ đó không lâu biến thành sự thật.
Anh ra Thủ Đức bị chuyển tới Chi Khu Trà Bồng. Một địa danh
nghe tên mà ngơ ngác.
Tháng 11/1968 mẹ chồng tôi mang trầu cau, bánh rượu, sang
xin làm đám hỏi. (Bà không muốn mất cô con dâu mà con Bà đã yêu quý.) Đám hỏi
không có chú rể, nghĩ cũng buồn, nhưng thời chiến mà, làm sao được.
Sau đó anh được chỉ thị về đóng ở Kiên Giang (Rạch Giá). Sau
Lễ Phục Sinh, tháng 4/1969 anh xin phép về 1 tuần cưới vợ. (Mọi việc đều do mẹ
anh thu xếp), Sau đám cưới, anh trở lại đơn vị, tôi vẫn ở nhà với cha mẹ và gia
đình mình, đợi Bộ Giáo Dục cho Cung về đi dạy học lại, mới tính chuyện hai vợ
chồng trẻ ra ở riêng.
Nhưng anh không bao giờ trở lại với tôi nữa, ngày 30/7 anh tử
trận ngay lần ra trận đầu tiên ở Xã Vĩnh Thanh Vân- Rạch Giá (Kiên Giang).
Nếu tính ngày: Chúng tôi cưới nhau được 3 tháng và ở với
nhau được 2 tuần.
Tôi, mẹ chồng và người anh ruột của anh cùng đi Kiên Giang
đón xác anh về.
Nhà xác Kiên Giang nằm cạnh bờ sông /Con nước
đục lờ đờ pha sắc máu.
Huyệt mộ
Không bao giờ em quên
đường ba trăm cây số
em đi nhận xác anh
với trái tim thống khổ
Không bao giờ em quên
trại lính nghèo xơ xác
nến thắp trên quan tài
nước mắt em mặn chát
Không bao giờ em quên
mẹ già đầu nhuốm bạc
người anh trai đau xót
thương thân mình ngày mai
Không bao giờ em quên
mắt môi anh ngày ấy
mắt nhìn em đắm đuối
môi còn ấm tình đầy
Không bao giờ em quên
trái tim anh lãng mạn
chỉ một bóng hình em
giờ nhận thêm mảnh đạn
Không bao giờ em quên
chiếc quan tài mầu vàng
lá cờ ba sọc đỏ
anh nằm im lìm đó
chẳng một lời sau cùng
Không bao giờ em quên
nghĩa trang ngày hôm đó
nắm đất vun cuối cùng
anh nằm sâu huyệt mộ.
Cung tử trận ngày 30 Tháng 7- 1969 (1)
Thời gian cứ trôi, mây vẫn bay và nước sông vẫn chảy. Tôi
khóc cười theo vận nước nổi trôi. Tôi sống với tình yêu
của hai bên gia đình: gia đình tôi và gia đình anh.
Tôi đi làm với sự thương quý, bao bọc của Hãng Thông Tấn The
Associated Press, họ là những người đã yêu thương nâng đỡ tôi từ khi tôi còn độc
thân, lấy chồng rồi lại độc thân. AP là một gia đình thứ hai của tôi, những người
bạn Việt và Mỹ ai cũng yêu thương và hỗ trợ tôi qua thăng trầm của cuộc sống. Họ
chia sẻ giọt nước mắt và tiếng cười với tôi.
Thế rồi Tháng Tư ập tới, một cơn hồng thủy hỗn mang. Gia
đình, bè bạn, sở làm…tất cả đều tan tác như chim lạc bầy.
Tôi bỏ quê hương ra đi theo sự xếp đặt của AP. Cuống cuồng,
hỗn loạn. Tôi cố lo cho đại gia đình mình. Tôi không còn lòng dạ nào nghĩ tới
ngôi mộ của anh nằm cô đơn trong nghĩa trang. Sau này nghĩ lại tôi cũng ân hận
mãi là không kịp đến giã từ anh lần cuối.
Tạ Tình
tmt- Tháng 4-1975 (2)
Cũng như tất cả những người Việt Nam di tản khác, ai ai cũng
mang trong mình những ký ức buồn của kẻ lưu vong. Chúng tôi làm lại đời mình,
nhưng làm lại như thế nào cũng không bao giờ quên được ký ức của thời sống trên
quê hương mình:
Buồn,vui, tiếng cười và nước mắt, vết thương tháng Tư không
bao giờ đóng vẩy, không bao giờ khô. Thỉnh thoảng những người tha hương vẫn cúi
xuống nhìn vết thương của mình.
Anh ạ, tháng Tư mềm nắng lụa
Hoa táo, hoa lê nở trắng vườn
Quê nhà biền biệt sau trùng núi
Em mở lòng xem lại vết thương (tmt)
Vết thương chiến tranh, vết thương di tản dù xẩy ra ở bất cứ
quốc gia nào, cho bất cứ dân tộc nào cũng là những vết thương khó lành nhất. Mấy
chục năm định cư ở xứ người: không bị đói, không bị lạnh, không bị vất vả bản
thân, không chạy dưới bom đạn, sao tâm vẫn không thấy hoàn toàn vui, vẫn đau
đáu một quê nhà xa lắc, vẫn thấy mất một cái gì quý lắm mà không bao giờ còn lấy
lại được và mỗi năm tháng Tư về, thấy mình ngơ ngác đi tìm một cái gì chỉ còn
bóng không còn hình.
Để rồi, tất cả như một cuốn phim quay ngược lại thời gian:
Tháng Tư đi vào trong núi
Tìm con ngựa trận năm nào
Yên cương bây giờ mục nát
Hỏi chàng chàng bặt âm hao (tmt)
Tháng Tư 1975- những con người hốt hoảng chạy từ các thành
phố, các tỉnh, đổ về Saigon, rồi lại kéo nhau chạy tứ tán ra bến cảng ra phi
trường và chạy bất cứ nơi nào có thể chạy. Những sinh linh đáng thương như những
con kiến chạy chung quanh miệng chén, chạy một lúc lại trở về chốn cũ. Con mất
cha mẹ, vợ chồng mất nhau, anh chị em thất lạc…Mất tất cả như không còn gì để mất.
Nước mắt, máu và những tiếng súng…. Thành phố thân yêu không
còn là thành phố mà giống như một miếng mồi khổng lồ cho báo, cho cọp và cả những
con chó già xác xơ ở đâu tới, vào giật xé, chiếm đoạt.
Tháng Tư những tướng lãnh Việt Nam Cộng Hòa tuẫn tiết theo
thành, đã có những vị chỉ huy, quay súng tự bắn mình… họ không muốn chết dưới
tay Cộng Sản Bắc Việt và để cho lính của mình được an tâm di tản với gia đình.
Tháng Tư, các công tư sở, các trường học, bệnh viện, các cửa
hàng mua bán lớn nhỏ đóng những cánh cửa thật chặt, nhưng chặt cách mấy cũng bị
đập, bị phá vỡ, bị chiếm đoạt…bởi những con người chưa từng được sống trong một
“thành phố” thật sự bao giờ. Với những người Cộng Sản miền Bắc từ núi, từ rừng
đi ra thì Saigon là một thiên đàng.
Những người quốc gia của Việt Nam Cộng Hòa hơn hai mươi năm
trưởng thành xây dựng trong thành phố đó, họ đang bị “giải phóng” bởi những người
ở rừng, ở hầm vừa mới chui ra. Những con người nhìn những cuốn sách toàn chữ là
chữ, không ích lợi gì ngoài việc dùng nhóm lửa.
Thật tiếc cho một thế hệ không được trưởng thành, được giáo
dục bằng đạo đức và bằng tinh hoa của ngôn ngữ.
Những người Quốc Gia bỏ chạy chỉ lo thoát thân, họ không cần
đem theo tài sản vật chất vì họ đã có cái vốn văn học, vốn giáo dục 20 năm thẩm
thấu vào đời sống họ. Vật chất mất đi họ có thể kiếm lại. Vốn liếng giáo dục và
học vấn không ai lấy ra khỏi được ở con người Quốc Gia. Có mất mát vật chất
nhưng không đáng để phải đau lòng. Mất thân nhân, ruột thịt, bạn hữu và mất cả
một nền văn hóa tốt đẹp mới đáng kể.
Tháng Tư và những tháng tiếp theo của năm 1975, bao nhiêu
người bị bắt, bị nhốt, bị tù đầy, bị đuổi ra khỏi chính căn nhà của họ đã gây dựng
từ bao nhiêu năm tháng để rồi chết trong những bìa rừng, trong những cái trại
có cái tên hoa mỹ là “cải tạo”. Bao nhiêu chiếc thuyền ra cửa biển không phải
chỉ một tháng Tư mà những năm tháng kế tiếp đó. Thuyền chìm, thuyền cứ chìm, cứ
mất tích, cứ bị hải tặc, người vẫn bỏ đi.
Bỏ đi vì chính quyền Cộng Sản mới đã tước đoạt đến tận cùng
những gì thuộc về người Quốc Gia…Người Cộng Sản dùng chữ “giải phóng” hoa mỹ
thay cho chữ “chiếm đoạt” Họ chiếm tất cả nhà cửa, tài sản vật chất của người
quốc gia, nhưng họ không bao giờ chiếm được di sản văn hóa đạo đức của Việt Nam
Cộng Hòa.
Tháng Tư 1975 và những năm tháng kế tiếp sau này đã cả triệu
người của Việt Nam Cộng Hòa bỏ nước ra đi, hiện sống rải rác trên thế giới.
Họ bỏ đi vì không muốn con cháu họ lớn lên trong xã hội
Cộng Sản. Họ đi, mang theo cái di sản văn hóa tốt đẹp mà họ đã được hấp thụ
truyền xuống con cháu họ ở hải ngoại. Thế hệ nối tiếp đã làm được nhiều điều tốt
đẹp trên những quê hương họ di trú. Tháng Tư của 50 năm sau, những bậc phụ
huynh một phần đã qua đời theo tuổi tác, những người còn lại không còn trẻ nữa,
cúi nhìn xuống đời mình, lòng vẫn nặng tình quê.
Tháng Tư, tôi bỏ nước ra đi dắt theo cha mẹ già và cuốn
Chinh Phụ Ngâm, cuốn Kiều trong túi hành trang. Tôi đến Camp Pendleton vào một
buổi tối ngày 21 tháng 4 năm 1975.
Bài thơ viết ở Pendleton, California
(Viết tặng những người di tản, ngày đầu đến trại Tỵ Nạn)
Khi
tôi đi một mặt trời vừa rụng
Một
kinh thành vừa sụp đổ sau lưng
Một
quê hương vừa thở nhịp cuối cùng
Một
dân tộc vừa ly khai dân tộc
Khi
tôi đến mặt trăng xanh vừa mọc
Từng
đoàn người già trẻ níu ôm nhau
Ai
gọi tên ai tiếng nấc nghẹn ngào
Lều
vừa dựng đứng chờ hồn thất lạc
Khi
tôi đi một cuộc tình vừa rạn
Những
đóa tường vi gục khóc trong bình
Nụ
hôn đau trao vội vã người tình
Gói
trong aó một cành hoa nước mắt
Khi
tôi đến… Ôi! một tôi đổi khác
Áo
khăn người nghe lạ tủi trên thân
Chăn
chiếu người đắp mãi vẫn lạnh căm
Ly
nước ngọt trên môi nghe muối mặn
Khi
tôi đi cả dòng sông đứng lặng
Những
vai cầu khuỵu xuống buổi tiễn đưa
Nón
bài thơ thả trên dòng nghinh lũ
Sóng
tang thương nức nở mấy cho vừa.
Ngày
21 Tháng Tư/1975
Viết tiếp sau 20 năm
Hai
mươi năm sau mở trang thơ cũ
Giấy
ố vàng…vẫn chẩy một dòng sông
Tôi
úp mặt vào thơ tìm tiếng sóng
Hồn
cỏ lau. Ôi! bãi nhớ mênh mông
Tháng
Tư/1995
Viết tiếp sau 45 năm
Bốn
mươi lăm năm nhìn bàn tay mở
Thời
gian trôi vớt được giọt nào không
Dòng
sông nào chẩy hoài trong ký ức
Cửu
Long ơi sao sóng cạn giữa lòng.
Tháng
Tư/2020
Viết tiếp vào năm 50
Sợi
tóc nào vừa nhuộm
Vẫn
trắng với thời gian
Giọt
nước mắt nào tan
Vẫn
đầm đìa muối mặn
Quê
hương còn…mà mất
Hận
thù vẫn không vơi
Lá
cờ nào xé đôi
Cũng
hai màu vàng đỏ
Màu
đỏ là của máu
Màu
vàng là của da
Một
mai khi nằm xuống
Cờ
nào phủ thịt da
Một
mai khi nhắm mắt
Ta
có xót thương Ta
Tháng
Tư /2025
Tôi đã đi qua 50 năm ở quê người, mỗi năm đều có
1 Tháng Tư, như vậy là tôi đã cõng trên lưng 50 Tháng Tư. Chao ơi là nặng!
Bao nhiêu giọt lệ bao nhiêu tiếng cười, (Giọt lệ luôn
đi trước tiếng cười), bao nhiêu đổi thay trong cuộc sống. Từ độc thân, lập gia
đình, có con, có cháu ngoại, cháu nội…Từ môi thắm, má hồng thành da mồi, tóc bạc
và buồn hơn nữa là càng nhiều tuổi và không còn bận mưu sinh, càng thấy như
mình vẫn chạm tay vào một vết thương không bao giờ đóng vảy.
Cha mẹ và một vài người thân ruột thịt, vài người bạn quý đã
qua đời. Thân xác họ nằm trong đất hay lênh đênh trên bọt sóng, tất cả đều để lại
tiếng dội trong lồng ngực gầy, để khi nào lòng quê chợt động, tôi mang ra tự vỗ
về tôi.
Hình như có sống xa quê, người ta mới biết cái tình quê
hương nó sâu đậm đến thế nào trong trái tim mình. Nhất là thức giấc vào một đêm
tháng Tư thì khó tìm lại được giấc ngủ. Bao nhiêu hình ảnh đau buồn thi nhau
kéo về, mình không khóc nhưng sao lòng im ắng thế, như nghe được tiếng thở của
đêm và hình như tháng Tư đang khóc.
Em nằm im lặng nghe đêm thở
Tháng Tư mở đôi mắt trong đêm
Anh ạ, em nghe tháng Tư khóc
Tháng Tư nhỏ những giọt lệ đen.(tmt)
Tôi tự nói với mình: 50 năm rồi đấy, sao mình có thể sống ở
ngoài quê hương lâu đến thế nhỉ! Ngày xưa còn nhỏ, cứ nghe thấy người bỏ làng,
bỏ quê đi làm ăn xa, họ phải mau mau trở về nguyên quán khi tuổi đời đã cao, họ
muốn được sống những ngày cuối đời ở quê nhà, và khi chết, được chôn cất trong
làng trong quê mình. Bây giờ mình không chỉ xa quê, xa làng, mình còn xa cả nước.
Mình đã rơi vào câu nói: “Sống nơi đất khách/Thác chôn quê người”
Có người bạn nói: “Đây là quê hương thứ hai của mình.” Thật
vậy sao!
Tôi chỉ nghe nói Quê Nội, Quê Ngoại, nhưng không có nghĩa là
hai tổ quốc, hai quê hương, vì làm sao một con người mà có tới hai quê? Chao
ôi! Sao mà khó thế!
50 năm cũng cho tôi nhiều người bạn mới thành những người bạn
lâu năm, những người bạn Việt Nam cùng chia xẻ được những ký ức về nguồn cội, về
văn chương, văn hóa của quê nhà, để đôi khi cùng nhau ngậm ngùi hay hạnh phúc.
Những người bạn khác quốc tịch, khác văn hóa trên mảnh đất Hợp Chủng này
đã cho tôi học được rất nhiều điều: từ kiến thức và lòng nhân ái của họ, để thấu
hiểu câu: “Cũng nhân tâm ấy há thiên lý nào” của người xưa để lại.
Năm mươi năm đôi khi nghĩ lại giật mình, sao mà dài thế,
nhưng đôi khi lại thấy ngắn như một tiếng thở dài.
Anh ạ tháng Tư sương mỏng lắm
Sao em nhìn mãi chẳng thấy quê
Hay sương thành lệ tra vào mắt
Mờ khuất trong em mọi nẻo về. (tmt)
Tháng Tư khi nghĩ về quê nhà, nghĩ về một Saigon thân thương
với bao nhiêu kỷ niệm đầu đời, từ thuở còn đi học cho đến lúc trưởng thành,
nhưng hình ảnh sâu đậm nhất để lại trong tâm vẫn là hình ảnh pho tượng người
lính VNCH trước Nghĩa Trang Quân Đội. Người ta có thể kéo pho tương xuống, đập
tan tành nhưng không đập được linh hồn của pho tượng đó trong tâm khảm của người
quân, dân Việt Nam Cộng Hòa.
Tháng Tư của 50 năm sau. Chúng tôi, những người sống còn
trong cuộc chiến “máu đỏ da vàng” này, luôn luôn kính trọng và ghi
ơn những tướng, tá, những người lính trong hơn 20 năm của VNCH đã vị quốc vong
thân, và những quân nhân còn sống sót lưu vong đến ngày hôm nay, họ là những
pho tượng không bao giờ vỡ dưới thời gian hay bất cứ bạo lực nào.
Trần Mộng Tú- Tháng Tư-1975-2025
- Chi
tiết chuyến đi đón xác ghi lại ở bài: Bình Thủy 1969