(Thân tặng cô giáo Ca Dao)
Chiếc xe thổ mộ (1) nhét bốn người đã đầy nhóc, chạy lọc xọc lọc xọc,
trệu qua trệu lại trên con hương lộ vừa mới trải đá, chuẩn bị cho việc hình
thành một con đường nhựa trong tương lai. Có những đoạn đường đang cày ủi khiến
hai chiếc bánh xe bằng cây, niềng sắt với những cây căm bằng gỗ căm xe, to cỡ
cườm tay, chụm từ cái đùm ở giữa chia khoảng cách đều đặn, tỏa ra cắm vào vành
xe có đường kính gần mét rưỡi, tua tủa như những nhánh sao, trồi lên hụp xuống
kêu ken két, ken két khiến thành xe lắc lư như con thuyền giăng buồm trên biển
giữa trời lộng gió.
Ba người, một già hai trẻ, ngồi chung xe với Hạnh, hết nhìn nhau lại
nhìn nàng như thầm hỏi. Họ là những
người nông dân địa phương, từ xã An Thuận, một xã chỉ cách thị trấn Thạnh Phú
chưa đầy năm cây số. Họ đi chợ Huyện gần như thường ngày để bán con gà, cặp vịt
mớ cá tôm rồi mua về những nhu cầu cần thiết cho đời sống miền thôn dã nghèo
nàn vật chất nhưng đầy ấp tình người.
Ở cái xã gần như xa xôi hẻo lánh đó, ít khi họ gặp được cô gái có màu
da sáng sủa, có nét mặt thanh tú như Hạnh. Họ muốn thân mật nhưng ngại ngùng.
Con đường lởm chởm đá, đôi chỗ còn bùn lầy, nước đọng sau cơn mưa đêm.
Đó cũng là con đường thân thương, từng mài nhẵn gót những đôi dép Nhật nhỏ bé
của những bàn chân tràn nhựa sống và cũng từng thấm hàng hà sa số giọt mồ hôi
của tuổi thơ chập chững bước vào trường cấp hai ở Huyện lỵ.
Gặp nhau trên bến xe ngựa gần chợ Huyện, những người nông dân bây giờ
đang cùng chuyến xe với Hạnh, họ nhìn Hạnh một cách soi mói tìm tòi, thương cảm
lẫn e dè thắc mắc. Chẳng ai bảo ai, họ tự ngồi sát vào nhau, nhường cho Hạnh
một chỗ ngồi khả dĩ đủ xếp chặt hai chân và co gối lên ngực.
Trên quảng đường dài, dằn, xóc, cà giật cà tâng, nghiêng qua chao lại,
gập ghềnh, khúc khuỷu, mọi người cố bám chặt hai bàn tay vào thành của chiếc xe
xệu xạo.
Ông Năm, lão đánh xe, nói bâng quơ:
- Con lộ nầy hỏng đầy năm cây số, vậy mà mấy ổng làm cả năm trời chưa
xong. Troóc! Troóc! Troóc!…
- Anh Năm, anh tính coi để con cháu đây ở nhà nào cho tiện? Bà Hai Nghề
thân mật hỏi.
Một cô gái ở lứa tuổi hăm, chen vào:
- Con thấy để cô giáo ở nhà anh Tư Tân thì tốt hơn hết. Nhà ảnh ở ngay
Ngã Tư, gần trường, lợi (2) rộng rãi.
Bà Hai Nghề giẫy nẩy:
- Ý! Đâu có được mậy. Thằng tư Tân mới chết vợ. Ở dzậy coi sao được!
Tai tiếng hổng tốt đâu! Tao thấy để cháu đây ở nhà ông chủ tịch xã là hay hơn
hết.
Hà, cô gái đôi mươi lên tiếng phản đối:
- Ở đó đâu có được Bác Hai. Ông chủ tịch có thằng con cũng bằng tuổi cô
giáo mà, ở vậy coi cũng đâu có được...
Bà Hai Nghề giọng cả quyết:
- Mầy coi hổng được, nhưng tao coi được. Ở đó tốt nhất. Thằng lớn của
ông chủ tịch nó lên trên Tỉnh học lâu lâu mới về một lần, ở đó có sao đâu? Ăn
nhậu gì tới mâày mà mầy lo?
Nghe giọng bà Hai Nghề sừng sỏ, Hà rụt cổ im re. Ông Năm đánh xe thấy
vậy, cười, hỏi vặn bà Hai Nghề:
- Chị có chắc lâu lâu thằng đó về là hỏng có sao phải hông?
Bà Hai Nghề ấp úng, không trả lời thẳng câu hỏi của ông Hai. Bà chậc
lưỡi, than:
- Chậc! Vậy chớ tui biết để ở đâu bây giờ?
Cô gái tuổi hăm, bạn của cô vừa bị bà Hai Nghề cự nự, nghe bà Hai Nghề
than thở, bèn nhìn bà Hai Nghề nói:
- Bác hai cũng không chắc ăn, vậy mà hồi nãy bác la con nhỏ nầy.
Hạnh cười. Ông lão đánh xe cũng cười, nói:
- Ỷ lớn hiếp bé, ỷ già hiếp trẻ mà cháu! Bả (3) chỉ làm hùm làm hổ với
tụi cháu thôi. Chớ gặp bác thì...
Bà Hai Nghề hùng hổ:
- Thì sao? Anh nói tui gặp anh thì sao, nói đi!
Ông Năm lại cười văng cả nước miếng:
- Gặp tôi hả? Tôi vả cho chị phù mõ, rồi mua tặng chị vài trứng đà
điểu.
Ba cô gái cười theo, cô gái tuổi hăm ngây thơ hỏi:
- Bác tặng bác Hai trứng đà điểu chi vậy Bác Năm?
Ông Năm đánh xe, cười ồ ồ:
- Bác vả bả sưng mõ, tặng bả mấy trứng đà điểu để bả luộc mà lăn cho
hết sưng.
Bà Hai Nghề đấm mạnh vào lưng ông lão:
- Anh đúng là thằng cha già mắc dịch. Ăn nói vậy rồi tụi nhỏ nó coi tui
ra gì...
Ông Năm đánh xe không tha:
- Đó, đó! Hai cháu thấy chưa. Bà Hai thấy bác đánh xe mệt mỏi nên đấm
bóp cho bác đó. Troóc! Troóc! Troóc!
Bà Hai Nghề xì một tiếng dài, nghe rõ nồm nộp:
- Có quỷ mới đấm bóp anh.
Ông Năm không vừa:
- À, té ra, quỷ vừa đấm tui.
Hạnh cùng hai cô gái trên xe cả cười, nhưng chẳng cô nào dám lên tiếng.
Nhất là Hạnh.
Bà Hai Nghề đổi giọng nghiêm chỉnh:
- Thôi, anh đừng có ba trợn nữa. Tui về mà mét ông xã tui, ổng xé xác
anh ra đó!
Ông Năm xuýt xoa:
- Trèn ơi! cái gì mà chị tính làm lớn chuyện dữ vậy? Ai biểu hồi nãy
chị làm tình làm tội mấy đứa nhỏ mần chi, để tụi nó buồn. Thấy tụi nó ngồi co
ro tội nghiệp, tôi chọc chị cho vui vậy mà. Troóc! Troóc! Troóc!
Bà Hai Nghề cười dễ dãi, nói sau khi sửa cách ngồi:
- Thôi bỏ chuyện tào lao thiên đế đó đi. Bây giờ anh cho tui biết mình
nên để cháu nầy ở nhà ai?
Ông Năm đánh xe, chẳng chút do dự:
- Tôi nghĩ để cháu ở nhà bà Chín Xôi thì hay hơn hết! Bả có một mình,
nhà cửa sạch sẽ gọn gàng, cũng gần trường nữa, lợi là chỗ yên tĩnh. Tui nói ở
đó là hay hơn hết!
Bà Hai Nghề đánh mạnh vào vai ông Năm, tỏ sự đồng tình:
- Đúng! Đúng! Vậy mà tui nghĩ không ra.
Rồi bà quay sang nói với Hạnh:
- Cháu yên lòng, đừng lo nghĩ gì hết nghen! Có bọn qua (4) lo hết cho
cháu rồi.
Hạnh cảm động, nàng nhỏ giọng:
- Dạ! Cháu xin cảm ơn hai bác với hai chị. Cháu rất xúc động trước sự
giúp đỡ, lo lắng tận tình của hai bác với hai chị.
Bà Hai Nghề giọng dài thượt:
- Ối! Ơn yết gì đâu nè! Cháu về đây giúp dạy dỗ con cháu của bọn qua,
thì bọn qua phải hết lòng lo lắng cho cháu chớ.. ớ.. ớ..!
Cô gái tuổi hăm, giọng e dè:
- Chị Hạnh! Sao chị không dạy ở Sègòn mà xuống chi cái xứ khỉ ho cò gáy
nầy cho cực khổ?
Hạnh cười thân mật:
- Em thích sống ở miền quê. Ở thôn quê em sẽ học được rất nhiều điều mà
ở Sàigòn không thể nào em học được.
Cô gái bẽn lẽn:
- Chời! Chị nói... học là học ở Sègòn, còn ở dưới nầy có cái gì đâu mà
học!
Hạnh sung sướng cười, đáp:
- Ở quê có nhiều thứ để em học lắm chị. Chẳng hạn như chuyện hai bác
với hai chị hết lòng lo lắng nơi ăn chốn ở cho em vừa rồi. Ở Sàigòn khó tìm
được những tấm lòng cao quý như vậy lắm chị!
Cô gái đỏ mặt, rụt rè:
- Sao kỳ vậy cà? Em tưởng người mình ở đâu cũng dzậy!
Hạnh thương cảm:
- Không phải đâu chị, tuy người mình cùng là đồng bào với nhau, nhưng
người ở thành thị phải tranh đua với cuộc sống, giành giựt nhau từng công việc,
từng miếng ăn, cái uống... lại còn bon chen đua đòi xa hoa vật chất, nên người
dân thành thị gần như khô khan tình cảm, không giống như bà con ở nông thôn
mình.
Bà Hai Nghề xen vào, giọng như người sành sỏi:
- Ối! Hơi đâu mà cháu nói với nó. Tối ngày nó không rời đít ông Táo nên
hổng biết gì ráo trọi. Nó có biết Sègòn sè ghiết gì đa..â..âu! Cháu nói mần chi
cho mất công.
Hạnh nắm bàn tay đen đúa của cô gái tuổi hăm. Bàn tay trắng phau, mềm
mại của nàng vừa chạm vào làm cô gái khẽ giật mình. Hạnh chân thành nói:
- Khi nào về Sàigòn, em sẽ mời chị đi với em cho vui.
Trong khi cô gái còn cảm động muốn rơi lệ, thì Hà thấy vậy bèn nói:
- Em cũng hổng biết Sègòn. Chừng nào về trển chị dẫn chỉ (5) theo thì
cho em theo với…
Không để Hạnh kịp trả lời, bà Hai Nghề dọa hai cô gái:
- Tụi bây lên trển lạng quạng dám bị xe bắt chó bắt lắm đó!
Ông Năm đánh xe phản bác:
- Chị nói sa.. a.. ao! Nên khuyến khích con cháu đi đây đi đó cho biết
nó với người ta. Troóc! Troóc! Hù dọa tụi nó làm gì...
Bà Ha Nghề cười ngất:
- Thì tui nói chơi vậy mà. Cái ông nầy hổng biết gì hết!
Đến bến, ông Năm cho chiếc xe ngựa dừng lại. Mọi người lần lượt xuống
xe. Hai cô gái giành phần đỡ chiếc vali khá to của Hạnh. Ông Năm nhìn cái vali,
nói với hai cô gái:
- Tụi bây mỗi đứa giúp một tay, khiêng nó về nhà chị Chín Xôi rồi về
thể..!
Hai cô gái khẻ dạ rồi khiêng chiếc vali đi trước. Còn lại ba người. Bà
Hai Nghề giọng kẻ cả nói với ông Năm đánh xe:
- Tôi giao anh nhà bà Chín Xôi mà nói cho xong chuyện ăn ở của con cháu
nầy. Giờ tôi về lo cơm nước cho Tía (6) tụi nhỏ. Chiều tôi qua bển.
Thấy Hạnh mở bóp định trả tiền xe, ông Năm xua xua hai bàn tay:
- Cháu cất vô đi, qua hỏng lấy đâu!
Hạnh cố nhét tiền vào tay ông Năm, ông quyết liệt:
- Qua nói một là một, hai là hai! Hổng lấy là hổng lấy. Cháu cất đi!
Hạnh đang còn bỡ ngỡ thì bà Hai Nghề chen vào, nói với Hạnh:
- Nhà qua ở dưới bến thằng Quyền, khi nào yên nơi yên chỗ rồi, cháu
xuống đó chơi nghen!
Ông Năm nói:
- Cái bà nầy, đúng là “thấy sang bắn quàng làm họ.” Chuyện ăn ở tui
chưa lo xong gì hết mà bà bày đặt giành giựt mời mọc rồi!
Bà Hai Nghề đã quay lưng mấy bước còn quay lại, giơ cao nấm tay, cười
dọa ông Năm:
- Tui giao anh chuyện lợi nhà bà Chín lo chuyện ăn ở cho cô giáo mà anh
lo hổng xong thì biết tay vợ chồng tui.
Ông Năm nói với Hạnh:
- Cháu đứng đây chờ chút, qua đi thả ngựa rồi lợi dẫn cháu đi.
***
Hôm sau, Hạnh đến trường, nàng được thầy chủ nhiệm - một người còm cõi,
xấp xỉ năm mươi, dẫn nàng đi quan sát ngôi trường, ông nói:
- Tôi dạy đây gần hai chục năm. Quen nước quen cái rồi, nên coi như là
quê hương mình. Dân tình ở đây rất dễ mến, họ chất phác, chân thật, lòng ngay
như ruột ngựa, còn biết thương yêu, đoàn kết, đùm bọc, giúp đỡ nhau nhiều lắm.
Để rồi cô sẽ thấy.
Bây giờ tôi nói với cô chuyện nghề nghiệp của bọn mình. Trường nầy có
năm lớp, trong đó có hai lớp từ lâu tôi dạy, được cô về đây giúp sức, tôi rất
mừng. Tuy nhiên, cũng cần thêm một thầy cô nữa về mới đủ cấp số. Tôi đã xin
nhiều lần, nhưng cứ phải chờ, vì xa xôi quá, chẳng ai chịu về. May mà có cô,
không thì tôi quán xuyến hoài cũng mệt. Chỉ tội là tội cho đám học sinh. Thiếu
thầy, thiếu cô làm sao học hành tiến bộ được. Tội nghiệp, chúng rất hiếu học mà
mình thì không có phương tiện dạy dỗ. Đáng thương nhất là có những em học hành
rất siêng năng, chăm chỉ nhưng, gia đình cha mẹ các em đó nghèo khổ quá, không
kham nổi tiền học phí phải đành nghỉ học ở nhà đi làm thuê, làm mướn người ta.
Hạnh nghe qua lòng cảm thấy bùi ngùi, chua xót. Trong khi thầy chủ
nhiệm trường vẫn bình thản thả bước. Có lẽ ông đã quen rồi. Ngừng một chút cho
thấm giọng, ông tiếp:
- Ước nguyện của tôi là xin cô cố gắng giúp tôi, mình nương nhau mà
sống để dạy dỗ chúng nó. Tôi nghĩ hoàn cảnh ở đây có thể làm cô buồn, nhưng lâu
rồi cũng quen.
Hạnh gật đầu chấp nhận.
Hôm sau Hạnh đi dạy, Thầy trưởng giáo nhìn cách ăn mặc đơn giản của
Hạnh, ông hài lòng, nhưng vẫn nói:
- Ở đây, khi đến trường mình nên ăn mặc vừa phải thôi, không nên cầu kỳ
diêm dúa thái quá. Người dân ở đây họ cực khổ, nghèo khó quá. Mình ăn diện tươm
tất quá trớn sẽ làm họ khó chịu mà tủi thân.
Hạnh cười, đáp:
- Cám ơn sự chỉ dẫn của thầy. Cháu đã biết trước những điều đó rồi!
Trước khi cháu quyết định nhận về địa phương nầy, Ba cháu đã nói cho cháu biết
nhiều về cuộc sống ở nông thôn. Chính ba cháu đã khuyến khích cháu nên chọn về
vùng quê để có cơ hội học làm người, học về bản chất thật thà chất phác của
người nông dân mình. Và thật sự cháu đã học được nhiều, học ngay trên chuyến xe
ngựa từ huyện về đây.
Thầy trưởng giáo thở hắt ra cái mạnh, lòng cảm thấy nhẹ nhõm. Ông cười,
nói:
- Như vậy thì tốt quá! Tôi chỉ ngại...
Ông bỏ lửng câu nói, lại cười, nụ cười thật đôn hậu. Ông bước nhanh vào
lớp. Còn lại một mình. Hạnh bắt đầu quan sát kỹ chung quanh ngôi trường. Ngôi
trường thật cũ kỹ, vách ván nhiều nơi mục bể, mái ngói phủ rêu, màu xanh nhờn
nhợt, một vài chỗ ngói bể trơ sườn.
Trước trường, bên nầy đường, mấy cây me keo (7) to tướng che mát cả sân
trường. Mé bên kia, ngay trước sân trường là một dãy nhà nửa giống phố chợ, nửa
giống nhà ở.
Giờ chơi, Hạnh rời khuôn viên trường, thả dọc theo dãy nhà phố, ngược
với hướng Huyện lỵ Thanh Phú, theo con đường độc đạo Hạnh đến cuối ven làng.
Phía trái con đường là ruộng lúa mênh mông; bên phải, một con sông uốn khúc
ngoằn ngoèo chảy cặp kè theo ven hương lộ. Hạnh bỗng giật mình khi thấy cái cầu
vệ sinh che sơ sài bằng những tấm lá dừa nước ở trên ao cá vồ nằm sát mé làng.
Hạnh nhẩm trong lòng, “chỉ có xong xuôi ở nhà”, nếu không đến lớp rủi ro bị bất
ngờ thì chỉ có nước chết”.
Một vài học sinh chạy nô đùa, cố tình ngang qua Hạnh, chúng vùng (8)
đứng lại lễ phép cúi gập đầu rồi chạy tiếp. Nhóm khác đứng xa xa chỉ trõ cô
giáo mới. Học sinh vùng quê là vậy!
Chiếc trống trường bị thủng cả hai mặt. Thầy Trưởng giáo phải dùng còi
để báo giờ ra vào lớp. Học sinh yên lặng sắp hàng đôi trật tự bên tay phải cửa
lớp. Hạnh nhìn chúng khoác nhẹ tay, chúng tuần tự vào lớp đứng trước chỗ ngồi.
Hạnh vừa bước vào, vừa nói:
- Các em ngồi.
Giữa giờ chính tả, Hạnh nhìn ra thấy một người đàn bà mặc chiếc quần
vải đen khá mới, nhưng nhăn nheo, trên mặc chiếc áo trắng đã ngả màu ngà cũng
nhăn không kém, đang đứng lấp ló ở cửa. Hạnh biết, đó là những thứ mà họ cố để
dành để có khi ra ngoài “đi đứng với người ta”. Nàng rung cảm trong lòng: “Quê
hương tôi ơi! Sao còn quá nhiều những người nghèo khó. Ba ơi! Con cảm ơn Ba đã
khuyên con nên chọn vùng nông thôn để cho con biết được những thực trạng đau
lòng nầy”.
Người đàn bà nhìn Hạnh e dè:
- Thằng nhỏ tui bị bịnh cả tuần nay, mà xin phép nghỉ có hai ngày, nay
hết bịnh, nghe có cô giáo mới, nó hổng dám đến trường. Tui dẫn nó lợi đây xin
cô vui lòng tha cho nó.
Hạnh nói với người đàn bà:
- Dạ! không sao đâu chị, em bị bệnh, khi hết bệnh thì cứ đến lớp. Chẳng
có gì chị phải lo lắng.
Rồi nhìn sang đứa bé, nàng tiếp:
- Lần sao em đừng làm phiền mẹ nữa. Thôi em vào lớp đi!
Người đàn bà cảm ơn ríu rít, kiếu từ ra về. Hạnh nhìn theo lòng cảm
thấy man mác buồn. Trở vào lớp, Hạnh thấy bọn trẻ nhao nhao, nàng nghiêm giọng:
- Cô muốn tất cả các em đều phải là học sinh gương mẫu, học hành siêng
năng, chăm chỉ và có kỷ luật. Các em...
Nàng chưa dứt lời, cả lớp im phăng phắc.
Thắm thoát hai tháng trôi nhanh. Hạnh dần dà quen với cuộc sống mới nơi
thôn xóm. Những bữa tiệc cưới, giỗ chạp, đình đám ở vùng quê nầy, người ta rất
tôn trọng các nhà mô phạm. Lần đầu, khi cùng thầy chủ nhiệm đến ăn giỗ nhà bà
Hai Nghề, trên đường đi, Hạnh hỏi thầy chủ nhiệm:
- Cháu nghe nói bác Hai Nghề, không phải tên Nghề, nhưng sao lại gọi
bằng Hai Nghề, thầy có biết không?
Thầy chủ nhiệm cười xòa:
- Chẳng có gì là khó hiểu hết, tánh tình con người ở đây mộc mạc chất
phác, họ rất kiêng úy tên người lớn tuổi. Để phân biệt ông hai bà hai nầy, với
ông hai bà hai kia, người ta đem nghề nghiệp của họ mà ghép vào thứ bậc trong
gia đình của người đó để gọi thành tên.
Hạnh tròn xoe đôi mắt. Nàng thắc mắc:
- Nhưng Hai Nghề có liên quan gì đến nghề nghiệp đâu thầy?
Thầy chủ nhiệm lại cười:
- Có chứ cô! Ông Hai làm nghề thợ mộc kiêm luôn thợ hồ, nên người ta
gọi là ông “Hai Nghề” cho tiện. Bà Chín Xôi cũng vậy. Người ta gọi như vậy chỉ
vì trước kia bà Chín bán xôi ở chợ Ngã Tư mình.
Hạnh phì cười:
- Cháu nghĩ, như vậy cũng hay phải không thầy?
Thầy chủ nhiệm cười đồng tình, tiếp:
- Nhưng ở đây có cái địa danh rất đặc biệt. Cô phải thận trọng.
- Địa danh nào vậy thầy?
- “Bến Thằng Quyền”. Cái tên nầy người ta gọi hàng bốn, năm mươi năm về
trước, nghĩa là khi ấy nhà cha mẹ thằng Quyền ở gần bến nước nầy. Bây giờ thằng
Quyền năm xưa đã là ông Quyền gần bảy chục rồi. Nhưng do quen miệng có người
vẫn gọi “Bến Thằng Quyền”. Cũng có người sửa lại gọi là “Bến Ông Quyền”, nhưng
đa số vẫn là “Bến Thằng Quyền”.
Ngưng một chút, thầy Trưởng giáo vừa cười vừa tiếp:
- Mấy tháng trước, có ông lái trâu, đem bầy trâu mua được ngang qua
đây, lùa xuống Bến Ông Quyền cho uống nước. Trong khi trâu uống nước, ông lái
trâu vào nhà hàn huyên với gia chủ. Ông Quyền đem trà ra đãi khách. Ông lái
trâu muốn có chút bánh kẹo cùng gia chủ đưa hơi, nên hỏi:
- “Cháu Quyền có nhà không anh?”
Ông Quyền biết người khách nhầm lẫn, nhưng vẫn hỏi:
- “Anh có cần sai nó việc gì
hông?”
- “Tôi định nhờ cháu chạy lại đằng tiệm mua ít bánh kẹo về anh em mình
uống nước.”
Ông Quyền đứng lên, nói:
- “Để tui đi mua cho”
Ông lái trâu vội nói:
- “Hổng dám! Hổâng dám! Thôi, để tiểu đệ đi.”
Ông Quyền cười ngất:
- “Thì tui là thằng Quyền nè!”
***
Trong đêm hôm ăn giỗ. Hạnh bị chột dạ, sáng hôm sau, thầy chủ nhiệm lại
về huyện họp, Hạnh vẫn phải đến lớp. Đang giờ dạy, bụng Hạnh đau thắt, nàng
muốn đi... nhưng khi ra đến ao cá vồ, nhìn cái cầu vệ sinh che sơ sài, Hạnh
không đủ can đảm bước vào ngồi trơ mặt ra làm việc bài tiết. Trên đường trở về
lớp, nàng cảm thấy không thể chịu đựng được nữa, nên quay lại “làm liều, họ sao
mình vậy!” Trong khi Hạnh đang thắt thỏm sợ có người đi đến, bỗng nàng nghe có
tiếng động cơ máy đuôi tôm nổ xình xịch, mỗi lúc một gần rồi vụt thoắt lướt
nhanh như phản lực, Hạnh choáng váng, điếng người. Phía sau cầu vệ sinh quay ra
con rạch trống trơn.
***
Sáng thứ Hai tuần sau, Hạnh bước vào lớp thấy trò Cúc con của Tư Tân,
chủ tiệm bán tạp hóa gần trường, một người đàn ông trẻ, góa vợ chưa ngoài ba
mươi. Nhìn cặp mắt em còn đỏ hoe, Hạnh nghĩ có lẽ em bị trò nào hiếp đáp nên
gọi lên, hỏi:
- Sao em khóc?
Bé Cúc đáp giọng ngọng nghịu:
- Ưa ô, ba on ánh on (Thưa cô ba đánh con)
- Em đã làm gì ba em giận?
- Ưa ô, ba ấm, on ổng dám ói! (Thưa cô, ba cấm con hỏng dám nói)
- Em nói đi! Để cô biết mà can thiệp với ba, sau nầy ba đừng đánh em
nữa.
Vẫn giọng ngọng nghịu, bé Cúc thì thầm:
- Anh ò am, hôm thứ áu đi ài, ấy cô đi... bèn ạy uồng ngang qua dể em
ít ô. Về nhà òn ói ới người ta cái ít của cô ắng ếu (Anh trò Nam hôm thứ Sáu đi
chài, thấy cô đi... bèn chạy xuồng ngang qua để xem “ít” cô. Về nhà còn nói với
người ta cái “ít” của cô trắng hếu”
Hạnh bủn rủn cà tay chân. “Trời Phật! Phải biết vầy, mình đừng hỏi có
hơn không?” Hạnh thầm nghĩ. Nhưng đã lỡ rồi, đã hỏi thì hỏi cho tới nơi tới
chốn:
- Chuyện như vậy có can hệ gì đến em mà ba em đánh?
- Ưa ô, on nghe anh ò am ói vậy ới người ta, on ét ba, ba ánh on, ấm on
ỏng được ói. (Thưa cô, con nghe anh trò Nam nói vậy với người ta, con mét ba,
ba đánh con, cấm con không được nói).
Hạnh biết anh trò Nam là ai rồi! Đó là một thanh niên chừng tuổi nàng,
con thứ Hai của ông Trưởng ấp, được gia đình cho lên tỉnh học, không hiểu sao
về quê chơi trong mấy ngày qua. Phải rồi! Chỉ có anh ta, lên tỉnh học hành, lại
học đòi mới lém lỉnh như vậy, chứ thanh niên nông thôn có cho vàngcũng không
dám làm điều đó. Hạnh nghĩ.
***
Trong khi Tư Tân đỡ bó lá chầm (9), thì ông Năm lấy mấy cái nẹp bằng
thân dừa nước từ trên xe thổ mộ xuống. Ông tiết lộ:
- Hôm qua, lại nhà thằng Trưởng ấp, tao mắng vốn vụ thằng con trai của
nó chơi rắn mắt. Nó hứa sẽ đập cho thằng đóù một trận còn đoan chắc với tao
không bao giờ để tình trạng đó xảy ra nữa. Nó nói, từ nay đứa nào dám lạng
quạng như vậy là nó cạo đầu khô.
Tư Tân cười:
- Nghĩ mình cũng bậy, cái cầu vệ sinh nằm chình ình ngay chỗ đông người
qua lại trống trơn như vầy mà hổng có ai dòm ngó, sửa sang gì cả. Bây giờ
chuyện xảy ra như vậy rồi mình mới chú ý. Thôi bác về nghỉ đi, mình cháu làm
được rồi, một chút là xong.
Ông Năm nói:
- Trời cũng gần tối rồi, để tao phụ mầy một chút nữa cho xong, rồi về
thể. Tao tính, mình làm thêm tấm bửng (10) để che phía trước nữa. Thằng Tư mầy
nghĩ thế nào?
Tư Tân đồng tình:
- Cháu cũng có ý đó.
***
Sáng sau đến lớp, Hạnh thấy đám học sinh bu quanh cái cầu vệ sinh mới,
chúng thi nhau chỉ trõ cười nói om sòm. Hạnh làm như không quan tâm đến, nhưng
lòng thầm cảm ơn ai đó đã làm việc ấy. Lòng bất chợt rộn niềm vui.
Ngồi nơi bàn viết, nhìn đám học sinh đang cắm cúi làm bài. Hạnh nhớ lại
lời thầy trưởng giáo nói với nàng sau khi ăn giỗ nhà Bác Hai Nghề về:
- “Nền phong hóa dân tộc ta, còn tồn tại đến ngày nay là nhờ bản sắc
của người dân nông thôn. Nông thôn là nơi cất kín, giữ kỹ tinh thần truyền
thống dân tộc. Nông thôn vừa là cội nguồn, gốc gác vừa là nền tảng của dân tộc
ta. Mất nông thôn chúng ta sẽ mất tất cả. Đáng tiếc! Trong chúng ta không ít kẻ
nhìn về nông thôn chẳng những bằng ánh mắt thiếu thân thiện mà còn khinh
thường. Nỗi đau của dân tộc mình khởi đầu từ chỗ đó...”
Thái Quốc Mưu
__________________
Ghi chú:
Truyện nầy tôi cảm hứng từ khi
đọc truyện ngắn Cô Giáo Trẻ, đăng trong Kiến Thức Ngày Nay (đáng tiếc quên tên
tác giả và số báo). Tôi lấy ý mà khai triển nội dung mới. Cốt truyện, cách viết
hoàn toàn khác với Cô Giáo Trẻ. trong Kiến Thức Ngày Nay. Dù sao, cũng xin tác
giả, báo Kiến Thức Ngày Nay và bạn đọc vui lòng cảm thông.
1. Xe thổ mộ: Một loại xe ngựa,
có thùng dài, không băng, ghếâ ngồi. Hành khách ngồi bẹp xuống sản xe
2. Lợi: lại, đến.
3. Bả: Bà ấy.
4. Qua: Tôi, bác, chú. Đại từ
ngôi thứ nhất, người lớn tưổi dùng để tự xưng một cách thân mật với người nhọ
tuổi, bậc dưới. Thí dụ: “Qua đây là bạn của ba cháu!” Khác với “qua” (động từ),
và Hôm qua (danh từ).
Thí dụ: Hôm qua (danh từ), Qua nói Qua qua mà Qua
không qua. Bữa nay Qua hổng nói Qua qua mà Qua qua (Chữ Q. viết hoa, tô đậm là
đại từ ngôi thứ nhất; “qua” tô đậm là động từ. Trong tình yêu nam nữ, Qua
thường đi vối Bậu (đại từ ngôi hai, có nghĩa, em, mình, cưng,...). Thí dụ: Áo
Qua đứt chỉ đường tà, Ai may áo Bậu hay là Bậu may! (Qua, Bậu đều là từ cổ,
hiện không thấy ai dùng).
5. Chỉ: Chị ấy.
6 Tía: Cha (mẹ, má), Ba (mẹ,
má). Đại từ ngôi thứ hai. Từ cổ, vùng quê miến Tây, miền Nam vẫn còn có người
dùng.
7. Me keo: Miền tây Nam Bộ,
thường gọi là “Me nước”. Trái từng mắt, như trái me chua, ăn chát hoặc ngọt,
tùy loại.
8. Vùng: Đột nhiên, tự dưng,
bất ngờ.
9. Lá chầm: Lá của cây dừa
nước, được lạt (cọng lá dừa nước còn non, đập dập, phơi heo héo) kết hợp lại
theo bề ngang của cánh lá, thành tấm dài chừng mét, dùng đề ngăn vách nhà. Khác
với lá “chầm nốp” (chiếc lá được bẻ gấp lại, bề bụng vào trong, bên trong chỗ
gấp có cọng cây dài làm sống, được kết dính bằng sợi lạt đan ngang, dài chừng
mét hoặc hơn; Gọi lá “chầm nốp, vì sau khi hoàn thành,trông từa từa như “cái
nốp”. “Nốp” là chiếc đệm, gấp đôi lại, may hai đầu, người giữ đồng, đi bắt cá
chui vào trong ngủ tránh muỗi. Thời kháng Pháp trong một bài hát có câu: “Nốp
với giáo mang lên vai...” Còn “lá xé” cũng là cây là dừa nước được xé chia đôi
theo chiều dọc của cây lá. Lá “Chầm nốp” và “lá xé” dùng để lợp nhà hoặc làm
vách quanh nhà, không dùng để ngăn phòng như “lá chầm”