Năm 1986, tôi được gặp nhà văn Bình Nguyên Lộc (đôi lần) ở một
thành phố nhỏ – phía cực Bắc của tiểu bang California. Lần nào tác
giả Đò Dọc cũng tế nhị kéo tôi ra cái quán ăn
của người Hồ Nam, có tên là Hunan Restaurant, và nói rất ân cần: “Chỉ
có tiệm này họ mới bán cơm thôi em à.”
Sau này, sau khi đọc một đoạn ngắn trong tuyển tập truyện ngắn Ký Thác của Bình Nguyên Lộc, tôi mới hiểu
ra sự ân cần và tế nhị của ông:
Cơm là ác mộng của người Trung Hoa, cho đến nỗi họ gặp nhau,
chào nhau bằng câu: “Ăn cơm chưa?”
Té ra ông anh thấy tôi họ Tưởng nên tưởng (lầm) rằng thằng nhỏ này
nó người Tầu, hoặc rẻ ra thì cũng gốc Tầu. Nói nào ngay: tôi hoàn
toàn, và tuyệt đối, không Tầu xíu xiu nào hết trơn hết trọi nhưng bà
vợ (nhỏ) thì Tầu thiệt và Tầu lắm.
Dòng họ bên bả đông hết biết luôn. Tôi tiếp xúc với họ hàng ngày
nhưng không còn nghe ai chào theo kiểu (“ăn cơm chưa”) như thời trước
nữa. Cách họ thăm hỏi nhau nghe đã khác rồi:
– Nị ăn mì chưa ?
Nói vậy dám có người không tin lắm à nha. Muốn biết (chắc) cứ
thử leo lên một cái phản lực cơ của công ty AirAsia hay China Airline mà
coi. Thực đơn trên mọi tuyến bay đến Ma Cao, Trùng Khánh, Quảng Châu,
Côn Minh, Quảng Đông, Thượng Hải … đều có ghi đủ loại mì ly (hay mì
tô) cùng hình ảnh đi kèm.
Một trang thực đơn của AirAsia. Ảnh chụp tháng 4 năm 2016.
Ở phi trường Thượng Hải hành khách còn được cung cấp nước sôi luôn
nữa. Vòi nước này luôn đặt cạnh cái máy bán mì ăn liền. Bỏ tiền,
bấm nút, lấy cái tô ra, xé nắp, rồi chế nước vô là … sực thôi.
Giản tiện và tân kỳ dễ sợ chưa?
Chưa đâu! Kiểu đó đã xưa rồi, cha nội. Trang mạng Shangaiist vừa mới hớn hở loan tin là những máy bán
mì đầu tiên của thế giới đã xuất hiện ở thành phố Thượng Hải. Chỉ
cần bấm nút một cái là nguyên tô mì (bốc khói) tới miệng cấp kỳ.
Ảnh: shanghaiist.com
Sau la bàn, thuốc súng, chữ in thì có lẽ đây là phát kiến quan
trọng … thứ tư của dân tộc Trung Hoa! Từ nay các đấng con trời có
quyền ngẩng mặt nhìn đời với niềm hãnh diện là họ (cũng) vừa phát
minh ra một thứ gì đó hoàn toàn mới lạ, chớ không còn cứ tiếp tục
chỉ làm hàng nhái hay chôm chỉa phát kiến của thiên hạ nữa.
Ủa? Mà sao người Ấn, người Thái, người Miên, người Miến, người
Lào, người Nhật, người Việt, người Mã Lai, người Nam Dương, người Đại
Hàn, người Miến Điện … cũng đều ăn mì (lia lịa) nhưng chỉ có người
Tầu mới phát minh ra được cái máy bán mì ăn liền thôi – vậy cà?
Lý do, theo tôi, có lẽ vì “văn hoá ăn liền” hợp với tạng của
người Tầu hiện nay hơn nhiều dân tộc khác. Nhân loại đâu có ai nghĩ ra
được những cú Đại Nhẩy Vọt (Great Leaps Forward) lẹ cấp kỳ như Chủ
Tịch Mao Trạch Đông, hồi cuối thập niên 1950.
Tác giả cuốn Bia Mộ, nhà báo Dương Kế Thằng,
tính gọn là mấy cú nhẩy ngoạn mục này đã khiến cho ba mươi sáu
triệu người dân Trung Hoa biến thành những con ma đói. Tuy tất cả các
nạn nhân đều đã mồ yên mả đẹp từ lâu nhưng có lẽ cái “gene” nóng
vội vẫn còn thôi thúc trong giòng máu của những thế hệ sau. Nhờ
vậy, hậu duệ của họ mới phát minh ra được cái máy bán mì ăn liền
tại chỗ.
Những người Cầm Lái Vỹ Đại kế tiếp của nước Trung Hoa cũng đều
nóng như hơ, đều nhấp nhổm muốn nhẩy vọt (và nhẩy đại) bất cần thân
thể. Sau khi hô hào “mèo trắng mèo đen gì miễn bắt chuột là được,”
họ còn tiến xa hơn khi khuyến khích toàn dân xẻ núi lấp sông để nâng
cao sản xuất.
Ảnh lấy từ ethongluan.org
Ngó cái cách người Trung Hoa lấp sông bằng xe đổ rác cũng đã đủ
cho thiên hạ “ấn tượng” lắm rồi nhưng nghe bác Nguyễn Gia Kiểng kể chuyện đi Tầu thì mới thiệt là
hết hồn hết vía:
“Trên máy bay từ Tây An về Côn Minh, tôi đọc trên tờ China Daily, tờ nhật
báo duy nhất bằng ngoại ngữ tại Trung Quốc, dĩ nhiên là báo nhà nước và cũng
chỉ tìm thấy trên máy bay: 278 thành phố, 5.000 thị xã và 20.000 thị trấn hoàn
toàn không có hệ thống xử lý nước thải.”
Những nhà máy sản xuất trên toàn quốc, tất nhiên, cũng khỏi cần
cài đặt hệ thống xử lý nước thải làm chi (cho má nó khi) cứ tuồn
mẹ nó hết xuống sông cho nó khoẻ. Thiệt là gọn gàng và lẹ làng
hết biết luôn.
Hèn chi mà hàng hoá Trung Quốc tuy bán rẻ (như cho) nhưng kinh tế
của họ vẫn tăng trưởng đều đều khiến toàn thể nhân loại đều phải
suýt xoa ngưỡng mộ, trừ mấy ông Việt Nam có máu … bài Tầu, trong
cũng như ngoài nước :
– Nguyễn
Xuân Nghĩa: “Đây là chuyện bình thường của các nước ‘tân tòng’ mới áp dụng
quy luật thị trường để điều hành kinh tế, như Nhật Bản sau Thế chiến II và
nhiều nước Đông Á kể từ thập niên 60-70 của thế kỷ 20. Nhờ đi sau, khởi lên từ
một nền móng tan hoang vì sai lầm chánh sách trước đấy, và học các xã hội đi
trước, các nước tân tòng đều có một giai đoạn ‘khởi phát’ … Trong những năm
tới, Trung Quốc sẽ tụt hậu so với đà tiến đã qua. Sẽ mất vị trí cường quốc kinh
tế họ vừa thấy trong tầm tay và chưa nắm được thì đã tuột.”
– Ngô Nhân Dụng: “Cả nền kinh tế Trung Quốc trong mấy năm
qua dựa trên ‘phép lạ’ đầu tư chỉ để tiếp tục đầu tư thêm, nhờ thế vẫn chưa sụp
đổ… Ai cũng thấy tình trạng này không thể kéo dài được… Cho nên, chúng ta không
nên ngộ nhận rằng nền kinh tế Trung Quốc cứ thế mà lên, đè bẹp các nước khác.
Bên trong cơ cấu kinh tế của Trung Quốc không có động cơ tạo sức phát triển bền
vững mà trá lại còn chứa những trái bom nổ chậm không biết lúc nào nổ.”
– Lê Phú Khải: “TQ là đất nước của một chế độ tuyệt vọng.”
– Nguyễn Gia Kiểng: Thực ra chính quyền Bắc Kinh chỉ làm
một điều rất giản dị là bóc lột công nhân tối đa và tàn phá môi trường để sản
xuất thật nhiều với giá thật rẻ. Nói cách khác chính quyền cộng sản Trung Quốc
xuất khẩu sự nghèo khổ mà chính họ là nguyên nhân đồng thời phá hoại đất nước
theo nghĩa đen, làm cho đất khô cằn, nước và không khí bẩn và độc. Chính sách
tệ hại đó dù nhất thời có thể gây ấn tượng nhưng sau cùng chỉ làm Trung Quốc
kiệt quệ lâu dài, như những kim tự tháp tại Ai Cập và Vạn Lý Trường Thành tại
chính Trung Quốc trước đây.
Ảnh: foreignaffairs.com
Tui không đủ kiến thức, cũng như chữ nghĩa, để có thể đưa ra những
nhận định cùng với những kiểu ví von xa xôi (Đông/Tây –Kim/ Cổ) như
qúi vị thức giả thượng dẫn. Cứ theo cách nghĩ của một thường dân
cỡ tôi thì kiểu làm ăn của người Trung Hoa, trong mấy thập niên qua,
từa tựa như những kẻ sống bằng … nghề bán máu để ăn (liền) vậy.
Tất nhiên, họ sẽ không sống được lâu.
Nói vậy nghe hơi ác miệng, và cũng rất dễ mích lòng nên tôi email
bài viết này cho bà vợ (nhỏ) đọc trước – cho nó chắc ăn – trước khi
đi ngủ. Dù gì thì mình cũng đang sống chung với Tầu mà.
Sở dĩ có cái vụ “email” và “reply” qua lại vì vợ chồng chúng tôi
giận nhau hơn cả tuần rồi. Người Việt cũng như người Tầu đều rất
giầu tự ái nên không đứa nào chịu mở lời (trước) cả . Tôi không nằm
chung giường với kẻ thù đã gần chục đêm nay.
Sáng hôm sau, có hồi âm ngay:
“Nị viết quá hay và quá đúng. Không chỉ đúng với dân Tầu mà còn
đúng luôn với dân Việt nữa. Bởi vậy chỉ cần thay hai chữ “Trung Hoa”
bằng “Việt Nam,” và đổi lại cái tựa (“Mày Ăn Cơm Chưa?”) là coi như
sẽ có thêm một bài viết mới. Nói cách khác là đêm qua nị chỉ viết
một bài thôi nhưng lại có thể biến thành hai nên có thể nhận được
hai lần tiền nhuận bút. Nhớ là số tiền dư này phải dùng để mua thêm
thuốc bổ gan, chớ đừng có mang đi nhậu hết (mang tội chết) đó nha –
cha nội.”
P.S: I love you. Dù có giận, nị vẫn ái ngộ. Ngộ đừng ái ngại.
Tưởng Năng Tiến