21 May 2016

TRÁI ĐẮNG CỦA KHỔ ĐAU: THƯ GỬI MẸ TÔI, MỘT NGƯỜI TỊ NẠN - Hồ Nguyệt Thu chuyển ngữ

Dịch từ: The Fruits of Your Suffering: A Letter to My Refugee Mom- Adrienne Minh-Chau Le
Khi con hỏi điều gì khiến mẹ nhớ sâu đậm nhất về ngày Sài Gòn sụp đổ. Mẹ trả lời: những đôi mắt buồn tủi của người dân.
Mẹ đang ở nhà một mình khi chính quyền miền nam Việt Nam đầu hàng vào ngày 30 tháng 4, 1975. Bán tín bán nghi nghi mẹ chạy ra khỏi nhà, theo hàng xóm ùa ra đường phố. Mẹ thấy xe tăng Mỹ đang chạy trên đường – nhưng lại không cắm cờ Mỹ và đươc điều khiển bởi những người lính của phe bên kia-
Mẹ muốn khóc nhưng không rơi lệ nổi . Lúc đó mẹ mới 22 tuổi và đang mang bầu con gái đầu lòng chỉ mới hai tháng .

Trong những năm kế tiếp sau khi Sài Gòn sụp đổ, mỗi tế bào của cơ thể mẹ đều được rèn luyện cho mục tiêu tìm kiếm mọi phương cách . Thời gian đầu, mẹ phải tìm kiếm phương cách để tồn tại dưới chế độ mới – tìm kiếm phương cách để đương đầu với những cuộc xét nhà , đốt sách ( toàn là sách quý), với nổi khổ khi cha và hai người anh bị bắt đi học tập để “cải tạo”, đi lao động thủy lợi không trả lương, với cái đói, với việc đổi tiền liên tục và đồng tiền mất giá đã khiến mẹ hết sạch, trắng tay, chẳng còn gì cả. Và đất nước của mẹ đã hoàn toàn biến đổi . Lo sợ và bí mật luôn bao trùm cuộc sống của mẹ và cách duy nhất để tồn tại là ra đi .
Phải mất hai năm để hoạch định kế hoạch trốn thoát, và mẹ phải giấu nhẹm việc này không cho ai biết cả kể cả ông bà ngoại . Mọi người đều biết rằng vượt biên bằng đường biển cũng đồng nghĩa với chết chóc, và bà ngoại sẽ không thể nào chịu nổi khi biết chuyện này. Hai ngày trước khi lên thuyền, mẹ về nhà và nhìn thẳng vào đôi mắt của ông ngoại- mắt ông đã già cổi & mờ đục vì bị cườm . Mẹ nhờ ông nói lại với bà là mẹ sẽ ra đi .
Ông ngoại quỵ ngay xuống sàn, và khóc ngay ở ngưỡng cửa. Ông nài nỉ” Cho em trai con đi theo cho có chị có em “. Trong số 12 người con của ông, hai người vẫn còn trong trại tù cải tạo và hai người còn ở nhà sắp có nguy cơ bị bắt gia nhập quân đội Cộng sản. Điều đó vượt quá sức chịu đựng của ông ngoại. Mẹ hứa với ông là mẹ sẽ cố gắng sẽ tìm cách bằng mọi giá .
Lúc mẹ con mình đang ngồi xem một đoạn video về đám tang của ông ngoại, lần đầu tiên con thấy mẹ khóc . Mẹ không thể bay về Việt Nam để dự tang lễ. Con hỏi mẹ chuyện gì vậy mẹ. Mẹ giải thích rằng ông ngoại đang ở một cái hủ gì đó màu xanh. Con tưởng tượng ông đang ngồi ở co mình và bó gối mình như một thai nhi trong cái hủ đó. Con chẳng hiểu gì cả , nhưng con cũng tuôn nước mắt vì thấy mẹ đang tuôn lệ.
Năm 1979 trong một đêm không trăng mẹ rời Việt Nam trên trên một chiếc thuyền đánh cá nhỏ xíu cùng với chồng, cậu em , đứa con ba tuổi và 21 người khác. Mẹ bị say sóng suốt ba đêm và bốn ngày trên biển, nhưng mẹ chỉ nghĩ đến một điều duy nhất: đi càng xa Việt Nam càng tốt. Khi hải tặc Thái Lan đuổi theo tàu mẹ nhắm mắt thật chặt và cầu nguyện với Phật Bà Quan Âm, vì mẹ đã từng nghe chuyện hải tặc thường cướp bóc và hãm hiếp thuyền nhân. Những lời cầu nguyện của mẹ đã được lắng nghe, và tự dưng bọn cướp biển mất hẳn dấu tích tàu của mẹ .
Tới đêm thứ tư, tàu mẹ thấy đất liền. Nhưng khi lên bờ, mẹ thấy chồng, em trai, và những người đàn ông khác bị cảnh sát Mã Lai đánh túi bụi – lấy báng súng tọng vào đầu. Đêm ấy mẹ nằm run rẩy trên bãi biển, ôm chặt con gái đầu lòng vào người và trăn trở hỏi làm sao con người lại có thể dã man đến thế. Ngày hôm sau, mẹ cùng 300 thuyền nhân khác bị đẩy lên một chiếc tàu không máy, kéo ra đến giữa biển và nằm chờ chết.
Kiệt sức và mê sảng vì đói lả, mẹ nằm gục trong một góc tàu, quá yếu đuối để xê dịch hay thậm chí mở miệng lên tiếng khi một người đàn ông vô tình tiểu lên người mẹ trong bóng đêm. Khi tỉnh lại, mẹ mới biết mình đã được cứu vớt bởi tàu hải quân Indo .
Mẹ khá vui thích khi hồi tưởng lại cuộc sống ở trại tị nạn. Mẹ kiếm được việc làm bằng cách may áo quần cho dân địa phương và mấy người tị nạn khác; với số vải còn dư mẹ lấy may áo quần cho đứa con mới sanh của mình. Mẹ cười khi kể lại cách cậu em hùng hổ xua đuổi bọn người bất lịch sự tới ngay chỗ ở của gia đình để phóng uế hay khi hai chị em( mẹ và cậu) vừa vội vàng nhảy qua mực nước giữa các hòn đảo khi thủy triều lên, khệ nệ ôm trên mình một số trái cây đã nhặt hái để sau đó đem bán .Khi nước biên dâng lên ngang đùi , cậu đã hối thúc mẹ chạy trước để nếu thủy triểu lên quá nhanh cậu sẽ là người chết chìm . Dù rằng cả hai chị em đều không hề biết bơi .
Mẹ tin rằng mẹ sống sót nhờ Trời Phật phù hộ. Sau tám tháng ở trại tị nạn, rồi nhà thờ ở Knoxville với bao người hoàn toàn xa lạ , và cuối cùng được bảo trợ ở Tennessee đến vùng đất mơ ước. Sự tranh đấu để tồn tại và ăn nên làm ra tại Mỹ lại là một câu chuyện khác cũng rất xứng đáng được kể lại – những thành quả đạt được, theo mẹ một phần là do lòng rộng lượng, nhân từ của nhiều người khác và một phần còn lại là do ý chí sắt đá của riêng mình.

Có lẽ điều lạ lùng nhất trong mọi chuyện là: khi kể cho con nghe những chuyện này ,con không cảm nhận chút nào cay đắng trong giọng nói của mẹ.Có những lúc mẹ thì thầm, thở dài, la lớn, cười vui và đôi mắt nhuốm buồn. Nhưng vượt trên tất cả là sự chấp nhận bình thản rằng phần số của mẹ là vậy đó.
Sau khi thu hết can đảm con bay về nhà để gạn hỏi mẹ, vì muôn ghi chép thật đầy đủ từ đầu chí cuối về cuộc đời của mẹ . Hôm đó hai mẹ con mình ngổi bệt dưới sàn nhà trong phòng ngủ để cùng nhau tâm sự. Mẹ con mình đã tâm sự với nhau bằng tiếng Việt, một ngôn ngữ mà cũng nhờ mẹ con mới nói được, nghe được và hiểu được. Nhưng con sẽ không bao giờ thật sự hiểu được những gì mẹ đã trải qua, hoặc việc thừa huởng một lịch sử phức tạp sẽ mang lại ý nghĩa gì cho đời con?

Nhưng nhờ vào trái đắng của khổ đau của mẹ mà con đã lớn khôn trong sung sướng no đủ.
Bây giờ con 24 tuổi rồi, cùng lứa tuổi khi mẹ trốn khỏi Việt Nam ôm trong tay chị gái của con. Từ lúc đứa con gái thứ hai này ra đời, con đã sống trong nhung lụa. Nhờ ơn Trời, con chưa hề biết gì về đói khổ và tuyệt vọng, hai yếu tố đã định hướng lứa tuổi hai mươi của mẹ. Thật không ngờ biết bao thay đổi đã xảy ra chỉ trong vòng một thế hệ. Mẹ không hề ngần ngại, luôn bảo con là niềm tự hào của mẹ . Tuy nhiên, với tất cả các đặc quyền của một người phụ nữ tươi trẻ ,khỏe mạnh, có bằng cấp từ Đại Học Yale, bất kỳ thành quả nào con đạt được cũng không thể so sánh với những gì mẹ đã chu toàn.

Mẹ chuyển hóa mọi đau khổ vì thế con không bao giờ cảm nhận được, không bao giờ nhìn thấy nó ẩn sâu bên trong tình thương tràn trề của mẹ, cho đến khi con đủ lớn , biết tò mò và bắt đầu tìm hiểu . Con biết mẹ không vui nhưng mỗi khi nhớ về quá khứ của mẹ con luôn bật khóc. Quá khứ đầy đau khổ này khiến con muốn làm tất cả mọi thứ vì mẹ và con luôn sẵn sàng…Thật vậy mẹ à .
Mẹ luôn nói với con rằng máu của con chính là máu của mẹ, xương của con là xương của mẹ. Con là mẹ và mẹ là con. Quá khứ của mẹ là của con, hiện tại là của chúng ta, và tương lai của con là tương lai của mẹ. Tất cả mọi thứ con làm trong cuộc đời này là cho mẹ hết thôi., mẹ ơi . Con mong mẹ cảm nhận điều này .


Hồ Nguyệt Thu