26 August 2017

NÔM VỚI HÁN CŨNG MỘT NGHĨA NHƯ NHAU - Hồ Đình Nghiêm

Sư Viên Thành (1879-1928) đã để lại cho Huế bốn câu thơ đậm chất thiền:

“Vầng trăng núi Ngự, nước sông Hương,
Khi chưa đến đặng, hận muôn đường.
Đã đến xem ra, không gì lạ,
Vầng trăng núi Ngự, nước sông Hương.”


Dụng ý là muốn tả một khung cảnh mà hoá ra không. Đẹp như thế nào, chẳng nói tới. Cái úp mở ấy lại khiến tâm tình như trải rộng ra, vô bờ.
Nhưng than ôi, từ xa xôi ở bên nước lạ có kẻ làm thơ mang tên Tô Đông Pha (1037-1101), vị tiên sinh nọ có mần bài Lô Sơn với bốn câu được dịch ra:


“Mù toả Lô Sơn sóng Triết Giang
Khi chưa đến đó hận muôn vàn
Đến rồi về lại không gì lạ
Mù toả Lô Sơn sóng Triết Giang”.

“Chí lớn gặp nhau” hay người phương Nam “vi phạm bản quyền” của ông anh đại gia phương Bắc?
Ở Việt Nam chẳng có ai mang tên Tô Đông Pha cũng không có địa danh trùng lẫn Lô Sơn. Chỉ có Đồ Sơn “hoành tráng” và dân gian Giao Chỉ đã truyền khẩu hai câu na ná tựa Tô Đông Pha:

“Chưa đi chưa biết Đồ Sơn
Đi rồi mới thấy không hơn đồ nhà”.

Hán với nôm làm chi cho rách việc. Hai câu này mang tính “đậm đà bản sắc dân tộc” một cách đúng quy trình. Trẻ lên năm cũng hiểu đồ nhà là cơm nguội mà Đồ Sơn là nơi có lắm phở. Vương Duy hoặc Đổ Phủ ma-dzê-in Vietnam từng dụng bút:

“Vợ là cơm nguội nhà ta
Lại là phở tái thằng cha láng giềng”.

Vợ nghe được bèn ngửa mặt lên trời mà than: Quả là bụt nhà không thiên vậy! Hay là nó cứ xơi miết đâm ra ớn tận cổ? Thà mà nhan sắc và thể hình ta thua kém con mẹ láng giềng cho cam! Ôi cái bọn trắc nết cứ ưa đứng núi này trông núi nọ!
Trong bài “Ẩm Tửu Khán Mẫu Đơn” cũng của Tô thi nhân có hai câu hay:

“Đản sầu hoa hữu ngữ
Bất vị lão nhân khai”.


(Chạnh buồn hoa biết nói
Đâu nở cho ông già).

Nghe cực tâm tư, bức xúc lắm. Là nỗi lòng đơn lẻ, là tâm trạng sầu úa của các tiên ông ngày xa xưa. Bây chừ hả, tuổi thọ con người được kéo dài ra, chưa kể ngoài thị trường bày bán vô số những nhân sâm bổ thận hoàn ông uống bà khen hay. Mấy ông già Việt kiều đã thử làm kách mệnh, thử cãi mệnh trời để hăm hở về tắm ao nhà nước đục với cẩm nang lận túi:

“Xi-đa là bệnh ngoài da
Mười năm mới chết thì ta sợ gì?”

Rõ là ăn chơi không sợ mưa rơi, bệnh “ết” mà xem như bệnh ngoài da, chuyện nhỏ. Việt kiều thì hồi nào tới giờ đều lợi hại cả. Đang ăn tiền già ở bển mà về lại cố quận thì thân phận quả có đổi khác. Ôi chao hoa đâu mà lắm thế, trăm hoa đua nở chỉ tinh tuyển những nụ nhỏ. Có bông hoa mới 17 xuân thì khi ôm ấp lấy đối tượng đã không khoan nhượng tới “ông nội” tóc bạc da mồi kia: “Hãy chơi cháu đi chú. Nên vô tư thư giãn rồi cháu sẽ mang chú đi từ a tới z”. Ôi chao bên đó gầm đầu mà đếm bước, về đây hãnh tiến coi trời bằng vung, tha hồ kén cá chọn canh, chê cơm phần sáng tối cứ một mực xơi phở, tái chín nạm gầu vè gân sách, mỗi tô một vẻ mười tô vẹn mười. Chí thú ăn cho bõ những ngày cơ cực.

“Nghe ngã ba chú Ía, lòng khấp khởi
Ùn tắc giao thông, thôi hồ hởi
Đến khi vào động, hoa xởi lởi
Tới mười chú Ía, cũng vậy thôi”.

Chạnh buồn hoa biết nói, hét giá quá cao so với ông già! Thôi đi tía, Việt kiều cũng có dăm bảy hạng Việt kiều. Phải biết liệu cơm gắp mắm chứ. Nhỏ nhít không nói gì, goắc cần câu cỡ tía, nói dại mồm, lỡ chết trên bụng con thì sanh căng thẳng hiện trường, khi không mà vướng án sát nhơn. Cơm mời không ăn lại đi ăn cơm phạt!
Ông già dịch học được từ mới và áp dụng ngay: Con nhỏ này ăn cái giống gì mà “chảnh” vậy hổng biết! 50 đô la mà nó ỏng ẹo chê bai. Ông bắt xe ôm đi lộn trở ra như kiểu Vân Tiên vừa đụng phải cột nhà. Nằm trút hơi thở sau cùng trên bụng đàn bà rõ là một hạnh phúc, chưa kể được chết trên quê hương; chứ về lại bên đó, nghĩ mà coi nó tủi thân vô vàn, không kèn không trống đã đành lại còn bó thây chui vào lò cho bà hoả thiêu cháy. Chao, đi đong một kiếp người sao ngẫm ra vô vị ngần ấy!

“Khói mù bốc khét cả lò thiêu
Những mong cuối đời đừng ngó thấy
Đến lúc diêm vương ngồi giở sổ
Khói mù bốc khét cả lò thiêu”.

Có ông già đọc thấy mẩu quảng cáo đi tua Trung Quốc, ghé thăm nơi ăn chốn ở của những bậc tài hoa trong văn học thời nhà Đường nhà Thanh nhà Minh, lòng những muốn xiêu đổ nhưng sau cùng phải thoá mạ bằng tiếng Đan Mạch khi nhìn hình chụp một quán ăn nằm ngoài Tử Cấm thành treo tấm bảng to đùng: “Cấm người Việt và chó vào!”. Vậy thì hà cớ gì không ngâm vịnh hát hò: Ta về ta tắm ao ta, dù trong dù đục ao nhà vẫn hơn. Ngoài tiền chêm đầy vào ruột tượng còn phải khệ nệ cõng theo một cái tủ thuốc gia đình, chủ yếu là thuốc chống tiêu chảy, ngừa kinh phong trúng gió, đau lưng mỏi chắc, thấp khớp nhồi máu cơ tim huyết áp trồi sụt, tiểu đường và viagra.

“Thiên Mụ dòng Hương bóng thuyền rồng
Lặn lội về nhìn cho đã con mắt
Trông trước ngó sau có nhiêu đó
Thiên Mụ dòng Hương bóng thuyền rồng”.

Có tiền cũng có thể chơi cha thiên hạ. Giá chỉ trăm đô chứ mấy, sẽ mặc long bào ăn cơm cung đình (sao không có phở cung đình nhỉ?) nghe cổ nhạc triều đình thời Min-Nớp-Xăng-Hồi-Đó. Hoàng thượng ngồi nhấp nhổm đợi phục vụ như kiểu ở Bia Ôm Đèn Mờ Cơm Đút. Thuyền trôi xa cõi bụi trần, thảo nào chẳng nghe ma nữ rù quến bên tai: Xin hãy giết em một cách dịu dàng đêm nay. Lẹ đi mờ, kẻo tai sẽ nghe “tiếng chuông Thiên Mụ, canh gà Thọ Xương”.
Hừ, rõ là: Đản sầu hoa hữu ngữ, bất vị lão nhân khai. Già cả đâm bất tiện quá thể! Đành quên hán với nôm cho nhẹ thân. Văn chương thi phú ích gì cho buổi ấy, nhớ?

Hồ Đình Nghiêm