Tối Chủ Nhật 24/11, trước Thanksgiving, tôi được ông anh bà chị cho
tháp tùng tham dự buổi họp mặt Cựu SVSQ Khóa 16 VBQGVN của anh, kỷ niệm 54 năm
ngày khai giảng Khóa Võ Bị đặc biệt vang danh này.
Có lẽ hầu hết những ai đã trưởng thành tại
miền Nam Việt Nam trong cuộc chiến chống Cộng đều biết hay nghe nói về Khóa 16
VB(Đà Lạt). Khóa đầu tiên cũng là khóa điển hình của quân trường mang danh “Võ
Bị Quốc Gia Việt Nam”, hậu thân của trường Võ Bị Liên Quân Đà Lạt (École
Militaire InterArmes de Dalat (EMIAD). Một quân trường danh tiếng nhất
Vùng Đông Nam Á, đào tạo những sĩ quan hiện dịch mẫu mực nhất. Với Đại tá Trần
Ngọc Huyến, vị chỉ huy trưởng nhiều tài năng và huyền thoại, một chương
trình huấn luyện bốn năm mới mẽ, đặc biệt chú trọng đến kiến thức văn hóa, với
châm ngôn được dùng như kim chỉ nam: “Tự Thắng Để Chỉ Huy”, những bài giảng về
nghệ thuật lãnh đạo có sức lôi cuốn, cùng với bài truy điệu và những hình thức
tưởng niệm đầy tính bi hùng của chính vị chỉ huy trưởng đặt ra, đã thổi vào tim
óc học trò của ông, những SVSQ Khóa 16 VB, lòng say mê binh nghiệp, niềm kiêu
hãnh của một người lính sẵn sàng hy sinh cho tổ quốc, để sau này trở thành những
vị chỉ huy tài ba, thao lược, văn võ song toàn, làm rạng danh cho Quân Lực
VNCH.
Hôm nay, những cánh “đại bàng” còn sống sót
từ một thời lẫy lừng trên khắp chiến trường ngày ấy, dù trên thân xác và trong
tâm hồn còn mang nhiều thương tích, và tuổi đời đã đến lúc không còn nhiều cơ hội
để hẹn một lần sau, nhưng đã cố qui tụ về đây để cùng gặp gỡ những đồng môn năm
xưa, khi tất cả còn là những SVSQ trai trẻ, đứng trên đỉnh Lâm Viên với hào khí
ngút trời, cùng một lời nguyền :” Chúng
tôi không cầu an lạc dễ dàng, mà chỉ khát khao gió mưa cùng nguy hiểm”. Nhìn
những mái đầu bạc, những bước chân khập khiểng, những đôi mắt mơ hồ như đang hồi
tưởng về quá khứ lẫm liệt một thời, có ai không khỏi chạnh lòng?
Nếu không có ông anh “chỉ điểm” hai vị đồng
môn ngồi ngay phía sau lưng, tóc vẫn còn đen, trông hiền lành như hai vị giáo
sư, chắc chắn tôi không thể ngờ được, một người từng là Đại tá BĐQ (Nguyễn Văn
Huy) nổi tiếng, một người là Trung Tá Nhảy Dù (Bùi Quyền), vị thủ khoa của Khóa
Võ Bị vang danh này. Khi nhìn được “dung nhan mùa thu” của vị thủ khoa Khóa 16,
tôi bỗng nhớ lại chuyện bốn mũi tên do vị thủ khoa Khóa 17, Vĩnh Nhi, giương
cung bắn đi trong ngày lễ ra trường mà tôi được nghe một ông anh Khóa 17 kể lại
vài năm trước.
Mặc dù đã được thực tập nhiều lần trước
ngày hành lễ về động tác dùng cung bắn 4 mũi tên đi 4 phương trời tượng trưng
cho chí tang bồng hồ thỉ của các tân sĩ quan, nhưng trong giây phút trang
nghiêm nhất của buổi lễ hôm ấy, trước sự chứng kiến của vị nguyên thủ quốc gia,
tân thiếu úy Vĩnh Nhi, thủ khoa Khóa 17, đã chỉ bắn bay xa được có một mũi tên
duy nhất. Sau này nhiều người nghĩ mũi tên ấy chính là biểu tượng cho vị thủ
khoa Khóa 16, Bùi Quyền, người hùng còn sống sót đến hôm nay. Ba mũi tên còn lại
bị rơi ngay trước mặt là điềm báo trước sự hy sinh của ba thủ khoa kế tiếp:
Nguyễn Anh Vũ thủ khoa khóa 18, sĩ quan binh chủng Nhảy dù hy sinh trong
trận đánh tại mật khu Bời Lời năm 1964. Thủ khoa Võ Thành Kháng khóa 19, TQLC,
tử trận ngay trong trận đánh đầu đời, Bình Giả năm 1965. Và cuối cùng chính là
người bắn cung hôm ấy, thủ khoa Vĩnh Nhi, SĐ7BB, hy sinh bên bờ
sông Bảo Định, Mỹ Tho trong trận Mậu Thân 1968.
Đã có rất nhiều bài viết ca ngợi vinh danh
những sĩ quan, những cấp chỉ huy tốt nghiệp Khóa 16 VB, như là những người lính
kiệt liệt, những cấp chỉ huy mẫu mực ở những binh chủng lừng danh, không những
đã tạo nên những chiến tích lẫy lừng mà còn mang nhiều huyền thoại. Từ vị Thủ
khoa, Mũ Đỏ Bùi Quyền, đến vị Á khoa Mũ Xanh Robert Lửa Nguyễn Xuân Phúc, Á
khoa Mũ Đỏ Trần Đăng Khôi, vị Lữ Đoàn trưởng Nhảy Dù ” bô trai” Lê Minh Ngọc, vị
Lữ đoàn phó TQLC “hào hoa” Đỗ Hữu Tùng từng làm say đắm một nàng ca sĩ nổi danh
thời ấy. Đại tá BĐQ Nguyễn Văn Huy, mang lon đại tá khi chỉ mới 34 tuổi và có lẽ
là một trong số rất hiếm sĩ quan cấp đại tá có Đệ Tam Đẳng Bảo Quốc Huân
Chương. Đại tá Đặng Phương Thành, người anh cả của Trung Đoàn 12/SĐ7BB đã tạo
nên chiến thắng cuối cùng lẫy lừng nhất khi đánh tan hai trung đoàn thiện chiến
của Công trường 7 CSBV tại Long An, trong mưu đồ vây hãm và tiến chiếm Sàigon
tháng 4/75. Ông đã nhận tấm Bảo Quốc Huân Chương Đệ Tứ Đẳng cuối cùng của VNCH
do Tổng thống Trần Văn Hương đến tận nơi trao tặng. Năm 1976 Ông đã bị bon CS
trả thù giết chết man rợ tại một trại tù miền Bắc. Đại tá Nguyễn Hữu Thông, vị
trung đoàn trưởng can trường của SĐ22BB, luôn hết lòng yêu thương, sống chết với
anh em đồng đội. Cuối tháng 3/75 theo lệnh, đã cùng đơn vị lên tàu Hải quân chờ
di chuyển, nhưng thấy còn thiếu một “đứa con” đang vẫn còn chiến đấu , đã nhảy
xuống tàu bơi vào bờ, để rồi không bao giờ trở lại.
Trong số những tên tuổi tiêu biểu này, có
người đang còn sống đời lưu lạc tha phương, có vị đã vĩnh viễn nằm lại chiến
trường xưa, ở một nơi vô danh nào đó. Dù xương cốt đã tan vào cát bụi, nhưng
hình ảnh kiêu hùng và tên tuổi sẽ còn linh hiển và vang vọng mãi trong lòng mọi
người, đặc biệt những ai đã từng là lính.
Được vinh hạnh tham dự buổi họp mặt của những
vị đàn anh ” quá khổ”, những ông thầy một thời hằng ngưỡng mộ, tôi bỗng nhớ đến
những vị Khóa 16 mà tôi đã từng phục vụ dưới quyền hoặc có cơ duyên được làm việc
chung trong các cuộc hành quân hổn hợp hay đã được quen, được gặp. Đa số những
vị này có thể ít người biết đến, hoặc đang còn ở cái thời chưa vang tiếng,
nhưng tất cả đã để lại trong lòng tôi một niềm kính phục.
Rời trường Thủ Đức, tôi được bổ nhậm về một
Sư Đoàn Bộ Binh ở Vùng 2. Sau khi trình diện đại tá Lữ Lan, Tư Lệnh Sư Đoàn,
trong số 12 người cùng khóa, tôi và hai thằng bạn được về Tiểu Đoàn 3/44,
bổ sung cán bộ trung đội trưởng vừa bị tử thương trong các trận Đỗ Xá, Vũng Rô.
Hậu cứ tiểu đoàn đóng tại Ban Mê Thuột,
nhưng vì được chọn làm đơn vị lưu động, trừ bị cho quân đoàn, nên đơn vị đi
hành quân liên miên từ các tỉnh đồng bằng vùng duyên hải đến các tỉnh cao
nguyên xa tít: Quảng Đức, Lâm Đồng, Pleiku, Ông thiếu úy già chỉ huy hậu cứ cho
biết, đã hơn bốn năm, tiểu đoàn chưa có lần trở về hậu cứ.
Lãnh quân trang súng ống xong, hai ngày sau
chúng tôi được lệnh tháp tùng chuyến bay C47 của đại táTư Lệnh SĐ đi họp ở Nha
Trang, để trình diện đơn vị. Tiều đoàn đang hành quân tảo thanh địch tại vùng
Diên Khánh, nơi một mật khu của địch vừa bị khám phá sau khi khai thác những tù
binh bị bắt trong trận tấn công của chúng vào khu vực Đại Điền và Thanh Minh bị
thảm bại.
Chúng tôi được ông tiểu đoàn trưởng mang xe
đến phi trường đón về đơn vị. May mắn, đúng vào lúc đơn vị vừa chấm dứt cuộc
hành quân dài hạn, đang nằm dưỡng quân tại một vườn dương trên bờ biển, bên
ngoài hàng rào của TTHL Hải Quân Nha Trang. Lần đầu tiên chúng tôi thấy tận mắt
hình ảnh cực khổ của một đơn vị tác chiến thực thụ. So với hình ảnh sinh hoạt của
TTHL/ HQ nằm ngay bên cạnh, thì đó là một thiên đường, một hình ảnh lính hoàn
toàn khác.
Thời ấy, được một đơn vị chủ lực hùng mạnh
tăng phái hành quân truy tìm và tiêu diệt địch trong lãnh thổ của mình là một
điều rất vui mừng, nên ông tỉnh trưởng Khánh Hòa đã dành riêng 4 phòng tại
khách sạn Phụng Hoàng, nằm trước ga xe lửa, cho tất cả sĩ quan nghỉ ngơi sinh
hoạt. Chúng tôi được ông tiểu đoàn trưởng đưa về đây trình diện các ông đại đội
trưởng và giới thiệu với các sĩ quan khác trong đơn vị.
Trong bốn ông đại đội trưởng có một vị oai
phong cao lớn, mang hai hoa mai trước ngực. Sau khi được giới thiệu, chúng tôi
biết đó là Trung úy Thái Hữu Dư, tốt nghiệp Khóa 16 VB Đà Lạt. Đại Đội
trưởng Đại Đội 1.
Tôi về Đại Đội 3, không thuộc quyền của
anh, nhưng hầu hết sĩ quan trong đơn vị đều gần gũi thân tình. Anh xem bọn tôi
như em út, chỉ dạy, hướng dẫn đủ điều. Không những về kinh nghiệm chiến trường,
mà còn nghệ thuật lãnh đạo chỉ huy. Anh bảo, là sĩ quan ở một đơn vị tác chiến
phải làm sao cho quân sĩ vừa yêu thương mà vừa kính nể. Hơn một năm, đơn vị
tham dự khá nhiều trận chiến, anh luôn là một vị đại đội trưởng xuất sắc, gan dạ
mưu lược, đã tạo nhiều chiến thắng vẻ vang cho đơn vị.
Một năm sau, anh được thuyên chuyển bổ sung
đại đội trưởng nòng cốt cho một tiểu đoàn bạn. Trong một cuộc hành quân tại Lâm
Đồng, đại đội anh bị địch quân phục kích khi đang di chuyển bằng xe trên quốc lộ.
Anh bị thương nhưng vẫn điều động đại đội phản phục kích, chuyển bại thành thắng.
Tuy nhiên chiến thắng ấy chính anh phải trả giá, vết thương ở chân bị trở nên
trầm trọng. Anh được tản thương về TYV Cộng Hòa để giải phẫu. Xuất viện, anh được
thuyên chuyển về một đơn vị thuộc Vùng 4.
Sau đó, sư đoàn bổ sung cho đơn vị một vị đại
đội trường khác, cũng xuất thân Khóa 16VB mà chúng tôi đã từng nghe danh và gặp
gỡ trong các cuộc phối họp hành quân trước đó: Trung úy Huỳnh Bá Vạn. Anh
về nắm đại đội của tôi.
Anh Vạn là người đã tạo nên nhiều huyền thoại
(và giai thoại) trong đơn vị, mà tất cả anh em từ quan tới lính đều hết lòng
thương yêu và kính nể. Anh là một trong những SVSQ Khóa 16 VB được chọn sang
ngành Hải Quân. Nhưng sau một thời gian ngắn ở TTHL/HQ Nha Trang, anh đã xin ra
Bộ binh để được đi chiến đấu. Anh đúng là một “chiến binh” thực thụ, luôn một
lòng sống chết với anh em, dù ở chiến trường hay khi về thành phố. Anh chiến đấu
thật hào hùng và sống hào sảng như một Lương Sơn Bạc. Thương yêu sĩ quan dưới
quyền như các em út trong nhà. Đàn bà và rượu dường như không đủ làm anh say và
luôn xem nhẹ hơn tình đồng đội. Khi uống rượu anh cũng bình tĩnh như lúc đánh
giặc, chỉ cười, không nói, vậy mà chưa có tay nào trong đơn vị uống hơn anh và
đánh đấm hơn anh.
Sau khi rời tiểu đoàn, anh về làm đại đội
trưởng Trinh sát Sư Đoàn rồi ra nắm tiểu đoàn ở một trung đoàn khác của sư
đoàn. Vài tháng sau lên làm trung đoàn phó, thăng cấp trung tá. Bị thương, anh
được thuyên chuyển về TTHL Lam Sơn (Dục Mỹ).
Tháng 5 năm 1966, đang hành quân trong rừng
núi Phú Yên, đơn vị tôi có lệnh kéo ra Quốc lộ, lên xe di chuyển đến phi trường
Tuy Hòa để không vận lên Ban Mê Thuột, tăng phái cho Trung Đoàn 45 BB, tham dự
cuộc hành quân Quảng Nhiêu, tiếp viện một tiểu đoàn BĐQ và một chi đoàn TQV bị
VC phục kích.
Trước giờ xuất quân, đám sĩ quan chúng tôi
ngồi uống rượu đế. Ông đại đội trưởng Huỳnh Bá Vạn của chúng tôi đi tìm và kéo
về một người bạn đồng môn Khóa 16: Trung úy Nguyễn Tấn Mỹ. Trông anh thật
đẹp trai và hào hiệp. Được biết anh là vị đại đội trưởng nổi tiếng nhất của
Trung Đoàn 45 này. Cuộc rượu chưa tàn thì có lệnh xuất quân. Một giờ sau, cánh
quân bạn đụng địch. Lực lượng đich khá hùng hậu, có nhiều ổ súng cộng đồng, bố
trí trong các vườn cà phê với hầm hố kiên cố. Cánh quân đi đầu của ta phản công
mãnh liệt, dưới sự điều động gan dạ liều lĩnh của người đại đội trưởng, đã
nhanh chóng đè bẹp đối phương. Nghe trong hệ thống vô tuyến, nhiều địch quân bị
giết và bắt sống, bỏ lại một số vũ khí có cả đại liên và súng cối 60 ly. Chiến
thắng hào hùng ấy đã phải trả giá bằng chính sinh mạng của vị đại đội trưởng.
Chúng tôi giật mình thảng thốt, khi biết vị sĩ quan ấy chính là Trung úy Nguyễn
Tấn Mỹ, vừa mới gặp để chỉ kịp cạn nửa bi-đông rượu mà đã đem lòng kính mến,
chúng tôi đã vĩnh viễn mất anh. Đó là vị sĩ quan tốt nghiệp Khóa 16 VB đầu
tiên mà tôi được quen biết, đã hy sinh. Nghe nói anh ra đi, cũng đã để lại rất
nhiều nước mắt cho các mỹ nhân, nữ sinh Ban Mê Thuột.
Trận chiến Quảng Nhiêu kết thúc, đơn vị tôi
di chuyển đến Lâm Đồng. Trong một cuộc hành quân phối hợp với một tiểu đoàn bạn,
tôi lại được gặp Trung úy Điều Ngọc Chuy, cầm trên tay khẩu Carbine M.2
bá xếp, đang chỉ huy đơn vị lục soát, vội vàng chạy đến hướng dẫn đại đội tôi
đi theo lộ trình tránh mìn bẫy của địch. Thấy anh bắt tay ông đại đội trưởng của
tôi, thân mật mày tao, chúng tôi biết anh cùng Khóa 16. Anh Chuy rất vui vẻ hiền
lành. Sau này anh lên trung tá, làm Trưởng Phòng Nhì Sư Đoàn. Trong vài lần ghé
thăm trung đoàn tôi, khi bào huynh của anh đang làm trung đoàn trưởng (Đại Tá
Điều Ngọc Chánh, Khóa 8 VB). Gặp chúng tôi, lúc nào anh cũng bình dị, hòa đồng,
luôn nở nụ cười và xưng hô anh em thân thiện. Từ các vị Tư Lệnh đến tất cả sĩ
quan các đơn vị, ai cũng mến mộ và kính nể anh.
Trong thời gian hành quân ở Ninh Hòa (Khánh
Hòa), nhờ có ông đại đội trưởng Khóa 16VB, bọn sĩ quan chúng tôi được quen biết
và “ăn có” uy danh và lòng hào hiệp của một ông quận trưởng tốt nghiệp Khóa
16VB: Trung úy Nguyễn Đằng Tống. Lúc ấy, anh Tống có lẽ là một ông
quan quận trẻ nhất nước, lại làm quận trưởng của một cái quận lớn nhất tỉnh
Khánh Hòa: quận Ninh Hòa.
Bọn tôi đi theo ông quận trưởng đến thăm
các trường tiểu học, và trung học. Chẳng báo trước và cũng chẳng có tiền hô hậu
ủng. Ông quận thì “thăm dân cho biết sự tình”, còn bọn tôi dựa hơi để tán mấy
cô giáo trẻ. Ở vài trường, các cô thầy giáo không biết anh là quận trưởng, vì
thấy anh còn quá trẻ, đặc biệt mặc quân phục TQLC, nên chẳng có ai biết cấp bậc
của anh. Có người còn hỏi anh có phải là cảnh sát. Anh cũng chỉ cười,
không giới thiệu mình là ai.
Anh là cựu học sinh, huynh trưởng của tôi, ở
trường Võ Tánh Nha Trang. Về sau chúng tôi rất hãnh diện biết anh là một tiểu
đoàn trưởng, rồi lữ đoàn trưởng vang danh của TQLC. Rất đau đớn khi biết anh đã
chết trong những ngày sa cơ khốn khó tại một trại tù ở Nghĩa Lộ. Khi ấy tôi
cũng đang ở một trại tù khác trong vùng, nhưng không được biết tin và chào anh
lấn cuối.
Trong một cuộc hành quân tại khu vực Bình
Lâm (Phan Thiết), đơn vị tôi được đại tá Tư Lệnh Sư Đoàn đến thị sát và ở lại với
chúng tôi một đêm. Vị tư lệnh rất đặc biệt và nổi danh này là Đại tá Nhảy dù
Trương Quang Ân (từng thủ khoa Khóa 7 VBĐL và nhiều khóa tham mưu khác trong và
ngoài nước. Sau lên chuẩn tướng và đã hy sinh cùng phu nhân khi chiếc trực
thăng của ông bà bị bắn rơi ngay sau khi rời khỏi tiền đồn Đức Lập mà ông bà vừa
ghé thăm, ủy lạo anh em binh sĩ và gia đình, vào tháng 8/68).
Ông là một vị tư lệnh rất mẫu mực, nghiêm
khắc. Khi nghe tôi trình bày về tình trạng quân số của đại đội, do tôi vừa
mới tạm thời thay anh đại đội trưởng bị thương nằm bệnh viện, nên không nắm vững,
Ông đã lớn tiếng khiển trách tôi về số binh sĩ bất khiển dụng và phục vụ ở hậu
cứ. May mắn có một vị trung úy trẻ tháp tùng vị Tư Lệnh đã xin phép Ông, giúp
tôi kiểm soát và cùng trình bày lại với vị Tư Lệnh sau khi Ông duyệt qua hệ thống
phòng thủ. Vị trung úy luôn vui vẻ, tươi cười và khuyên tôi bình tĩnh, giúp tôi
tính lại chính xác và giải thích các lý do bất khiển dụng của binh sĩ trong đại
đội. Lần này được vị Tư Lệnh chấp nhận, hài lòng. Sau đó tôi được biết đó là
Trung úy Nguyễn Xuân Thắng, tốt nghiệp Khóa 16 VB. Sau này trở
thành trưởng Phòng TQT của Sư Đoàn với cấp bậc Trung tá.
Cuối năm 1966, sau cuộc hành quân tại Di
Linh, Lâm Đồng, tiểu đoàn tôi được di chuyển về giữ an ninh cho công trường Đập
Đa Nhim. Riêng đại đội tôi được biệt phái cho Tiểu Khu Ninh Thuận. Đúng lúc ông
trung úy đại đội trưởng đi phép đặc biệt, không có đại đội phó, tôi là sĩ quan
trung đội trưởng thâm niên được chỉ định xử lý thường vụ.
Đại đội tôi có nhiệm vụ tùng thiết một chi
đoàn TQV, phối hợp với Hải Quân, đổ bộ đột kích bất ngờ vào Sơn Hải, ngôi
làng hẻo lánh nằm ven biển, bị địch chiếm đóng từ ba tháng trước và đang tổ chức
thành một sào huyệt kiên cố.
Đại đôi di chuyển đến Ninh Chữ, quê hương của
Tổng thống Nguyễn Văn Thiệu. Sau khi bố trí quân xong, cho anh em binh sĩ luân
phiên ra biển tắm rửa, nghỉ ngơi, tôi vào Duyên Đoàn 27 họp hành quân. Điều bất
ngờ lý thú là anh Duyên đoàn trưởng, HQ Trung úy Hoàng Đình Thanh, lại
là bạn cùng Khóa 16 VB với ông đại đội trưởng của tôi, cùng được chọn về Hải
Quân khi còn ở trường Mẹ, nhưng anh đại đội trưởng của tôi đã xin ra Bộ Binh
đánh giặc. Tôi bèn khoe danh tánh và thành tích ông đại đội trưởng của mình,
nên “Commandant” Thanh xem bọn tôi như em út của chính anh. Lệnh cho duyên đoàn
thết đãi và chăm sóc bọn tôi chu đáo. Sau khi họp hành, nhận bản đồ và đặc lệnh
truyền tin xong, anh xách xe jeep chở bọn tôi lên thành phố Phan Rang chơi xả
láng một đêm và cả một buổi sáng hôm sau. Ông duyên đoàn trưởng gốc Võ Bị Đà Lạt
này chịu chơi còn hơn cả đám bộ binh đánh đấm nhà nghề bọn tôi. Tửu lượng của
anh cũng thuộc hàng “sư phụ”. Và đây là lần đầu tiên tôi tham dự một cuộc hành
quân do Hải quân chỉ huy.
Chúng tôi đã đánh một trận rất đẹp và chiến
thắng vẻ vang. Từ ấy, anh Thanh xem tôi như là em và chúng tôi thỉnh thoảng vẫn
liên lạc với nhau trước ngày mất nước. Năm 1974, trong thơi gian theo học một
khóa tham mưu tại Long Bình, tôi gặp lại anh. Lúc ấy anh là trung tá đang làm
việc tại BTL/HQ. Anh em cũng đã say một buổi. Sau này biết tin anh mất ở Hoa Kỳ.
Một vài lần, dẫn đơn vị về thụ huấn bổ túc
tại TTHL/ QG Lam Sơn (tại Huấn Khu Dục Mỹ), chúng tôi được gặp một vị thiếu tá
trẻ, Trưởng Khối Huấn Luyện, đẹp trai, tướng tá oai phong nhưng rất vui vẻ hiền
lành, đã tận tình hướng dẫn và giúp đơn vị chúng tôi trong suốt thời gian huấn
luyện. Vị sĩ quan này đã để lại trong lòng tất cả sĩ quan và binh sĩ đơn vị tôi
sự kính trọng và quí mến. Đó là Thiếu tá Trần Khắc Thuyên, tốt nghiệp
Khóa 16 VB. Sau này anh được thuyên chuyển về Sư Đoàn 21 BB, và sau cùng về một
TTHL/ QG khác để giữ chức vụ quan trọng hơn. Khi ra hải ngoại tôi được biết anh
luôn gắn bó với Trường Mẹ, với đồng môn, hết lòng gầy dựng Tổng Hội Cựu SVSQ
/VB.
Năm 1970, (lúc này tôi đã được điều về BCH
Trung Đoàn), một sĩ quan từ Sư Đoàn 22BB chuyển về giữ chức vụ Tiểu Đoàn
Trưởng Tiểu Đoàn 4/44: Đại úy Võ Anh Tài. Có lẽ anh là một trong số rất
ít sĩ quan tốt nghiệp Khóa 16 VB có quá nhiều lận đận, trong tình trường cũng
như trên chiến trường. Anh là người cùng quê Ninh Hòa với bà xã tôi, và khi ở
trong cư xá sĩ quan. chúng tôi ở sát vách nhau. Dường như chính những nỗi
niểm đặc biệt trong tình yêu, hôn nhân, và chứng tâm bệnh kỳ lạ của một đứa
con, đã làm cho anh trở nên khắc khổ, trầm lặng, nghiêm nghị, ít nói. Rất khó để
tìm được ở anh một nụ cười, hay một lời đùa giỡn. Khá thân nên anh thường rủ
tôi sang uống bia, sau các cuộc hành quân trở về. Anh uống khá nhiều, đôi mắt đỏ
hoe, nhưng chỉ trầm ngâm, họa hoằn lắm anh mới thốt ra vài tiếng, rất nhỏ nhẹ
thân tình. Hiểu và thương quí anh, nhưng thực tình, tôi rất ngại và không mấy hứng
thú khi được anh gọi sang uống rượu. Vì tửu nhập mà ngôn không thể xuất.
Nhưng dường như ở bất cứ một vị sĩ quan tốt
nghiệp từ Khóa 16 VB nào cũng có nhiều điều làm tôi nể phục. Anh làm tiểu đoàn
trưởng cùng với ba anh tiểu đoàn trưởng khác đều là đàn em của anh: Đặng Trung
Đức, Nguyễn Xuân Phán (khóa 19) và Hồ Đắc Tùng (khóa 20). Đặc biệt hơn, vị
trung đoàn phó (và sau này là trung đoàn trưởng) cũng là một đàn em Võ Bị của
anh: Trung tá Ngô Văn Xuân (Khóa 17).
Vậy mà trong các sinh hoạt, qua các buổi hội
họp, hành quân, tôi thấy anh luôn nhường nhịn, “tương kính” đàn em. Các vị đàn
em, dù có người là cấp chỉ huy của anh, ai cũng kính trọng anh trong tình thần
đệ huynh Võ Bị. Tôi rất khâm phục.
Mùa hè 1972, Trung Đoàn 44 BB chúng tôi tạo
một chiến thắng lẫy lừng và giữ vững được Kontum trước sự tấn công của Sư Đoàn
Điện Biên 320 CS. Anh Tài được thắng cấp thiếu tá tại mặt trận cùng 3 vị tiểu
đoàn trưởng đàn em. Và cấp chỉ huy của anh, một đàn em khóa 17 được thăng cấp
trung tá. Tôi được uống rượu “rửa lon” cùng bốn anh tiểu đoàn trưởng
trong một buổi trưa tạm im tiếng súng. Sau khi cụng ly vui vẻ với đàn em, anh tỏ
ra bực dọc về việc Mỹ bỏ rơi đồng minh Việt Nam, chúng tôi phải chiến đấu trong
điều kiện khó khăn, thiếu thốn đủ mọi phương tiện. Bỗng anh nở một nụ cười (hiếm
hoi) rồi thốt lên: “Mai mốt tao bị thương hay chết chẳng biết có trực thăng đưa
tao ra khỏi Kontum này hay không nữa?”
Không ngờ câu nói ấy lại trở thành điềm gỡ.
Chỉ hai hôm sau, khi CSBV đưa chiến xa T54 tấn công chiếm Bệnh viện 2 Dã chiến,
nằm sát hàng rào phòng thủ của thành Dak Pha, đang được xử dụng làm BCH Trung
Đoàn. Tiểu Đoàn 4/44 được lệnh mở đường sang tái chiếm. Hỏa lực địch quá mạnh,
anh Tài phải cho cắt hàng rào kẻm gai phòng thủ, rồi đích thân dẫn đầu toán
thám báo chui qua vùng địch chiếm. Một quả mìn phòng thủ của ta phát nổ làm bay
mất cả hai chân của anh. Được binh sĩ khiêng ra phía sau. Trong khi chờ phi cơ
tản thương, anh rất tỉnh táo, hé mở mắt nhìn anh em, từng người, với thói quen
im lặng không nói một lời gì. Nhưng tôi nhìn thấy dòng nước mắt vừa ứa ra trên
mí mắt anh. Một trung úy đại đội trưởng là em ruột của anh, được phép tháp tùng
đưa anh về QYV Pleiku. Nhưng khi trực thăng cất cánh được khoảng 15 phút, qua hệ
thống vô tuyến, người em báo cho chúng tôi biết là anh Võ Anh Tài đã trút hơi
thở cuối cùng.
Đầu tháng 3 năm 1972, Trung Đoàn 44BB có lệnh
di chuyển từ bản doanh Lý Thường Kiệt Sông Mao ( Bình Thuận) lên An Khê để
thay thế vị trí của một Lữ Đoàn thuộc SĐ 101 Không Kỵ Hoa Kỳ rút quân về nước.
Trong các cuôc hành quân trực thăng vận vào các khu vực Đèo Mang Yang và các mật
khu nằm phía bắc An Túc, tôi có vài dịp cùng bay trên C&C đổ quân với trung
tá Vĩnh Quốc, Phi Đoàn trưởng Phi Đoàn Sơn Dương 235 (Pleiku). Ông xuất
thân Khóa 16 VB. Trung tá Vĩnh Quốc là vị phi đoàn trưởng rất cẩn trọng,
bình tĩnh, trong tình huống nào cũng quan tâm đến sinh mạng , không những của
phi hành đoàn , mà cả các binh sĩ bộ binh. Ông điều động các gunship dọn bãi
đáp và cover thật kỹ, trước khi cho các trực thăng (slick) đáp xuống đổ quân.
Vài trường hợp bộ binh vừa xuống đất thì chạm địch, ông luôn túc trực trên trời
để hổ trợ. Sau này tôi gặp lại ông vài lần tại Kontum. Phi Đoàn Sơn Dương 235 của
ông đã ròng rã sống chết với những người lính bộ binh chúng tôi trong suốt Mùa
Hè Đỏ Lửa.
Sau ngày mất nước, trong lúc sa cơ tù tội,
tôi được “biên chế” về một đội tù mà anh đội trưởng là một “ông thầy Khóa 16” nổi
danh trên chiến trường Vùng I: Trung tá Nguyễn Phú Thọ. Anh cũng là bào
đệ của Á khoa khóa 16, sau này là vị lữ đoàn trưởng lừng danh của TQLC: Trung
Tá Nguyễn Xuân Phúc.
Trong đội tù, anh là người có cập bậc cao
nhất. Dường như đó là thủ đoạn của đám VC, nhằm tạo sự ngờ vực lẫn nhau. Dù bắt
buộc phải làm, nhưng anh là người đội trưởng rất tư cách, khí khái, luôn tìm
cách bảo vệ, giúp đỡ em út tận tình, chấp nhận mọi hình phạt của bọn cai tù. Ở
trong tù, nhưng anh đã xem “đội tù” như là đơn vị cũ của mình, hết lòng thương
mến đùm bọc, chở che em út. Ngày tôi được chuyển trại vào Nam, trong lúc chia
tay, anh đưa cho tôi lá thư nhờ chuyển về một địa chỉ ở Sài gòn. Anh kể cho tôi
nghe giai thoại giữa anh và người nhận thư. Sau khi ra tù, tôi có ghé lại thăm
người bạn quí ấy của anh và nghe những lời ca tụng về anh với sụt sùi hai dòng
nước mắt. Sau này biết anh trốn trại và vượt biên sang Canada. Tôi mừng lắm,
liên lạc hỏi thăm anh. Rồi một hôm khi vừa đến Cali thăm mấy đứa con, tôi được
tin anh Nguyễn Phú Thọ đã ra đi một cách chẳng ai ngờ, cũng trong một buổi họp
bạn Khóa 16 ở Nam Cali. Tôi ân hận là đã đến trễ hơn hai tuần để không được gặp
lại anh, tiễn đưa anh về cõi vĩnh hằng.
***
Những khuôn mặt Khóa 16 VB mà tôi đã được
vinh dự làm việc dưới quyền hay quen biết ấy đã cho tôi một cái nhìn thật chính
xác và toàn diện về các vị sĩ quan tốt nghiệp từ Khóa 16VB. Bất cứ ở cương vị
nào, quân binh chủng nào, từ tác chiến đến tham mưu, từ những vị thành công hay
thất bại trong thăng tiến, và ngay cả trong hoàn cảnh tù đày nghiệt ngã nhất,
cũng đều tỏ ra rất xứng đáng để được ngợi ca, nể trọng.
Trong buổi họp mặt, một vị đàn em Khóa 18 rất
nổi danh: Trung Tá Trần Ngọc Huế, người từng được báo chí Mỹ ca tụng là một anh
hùng, được mời lên nói vài lời tâm tình. Với một giọng rất xúc động, ông nói:
“Tôi
đã được người Mỹ gọi là một anh hùng, một “real hero”, nhưng điều đó không làm
tôi hãnh diện hơn là đã được làm đàn em, được trực tiếp dạy dỗ bởi các niên trưởng
Khóa 16VB. Một khóa đã đào tạo rất nhiều anh hùng cho QLVNCH. Trong bất cứ hoàn cảnh nào, tôi
luôn ngưỡng mộ và hãnh diện về các Niên Trưởng của tôi”.
Điều đau lòng là miền Nam Việt Nam vô cùng
bất hạnh và chúng ta đã tham dự một cuộc chiến quá bất công, để chính nghĩa
không thắng được bạo tàn, chí nhân đã phải thua cường bạo. Bao đấng anh hùng
Khóa 16 đã phải đành vất cung bẻ kiếm trong đớn đau uất hận. “Ôi! sự nghiệp đang công đeo đuổi thôi
đành gián đoạn nửa đường. Chí tang bồng hằng mong thực hiện thôi cũng đành ôm hận
ngàn thu”, nhưng tất cả thực sự đã không phụ lòng kỳ vọng của vị chỉ huy
trưởng và vị nguyên thủ quốc gia, đã làm rạng danh cho ngôi trường Mẹ, Trường
VBQGVN, cùng QLVNCH.
Dân tộc ngày một tan tác điêu linh, đất nước
ngày một lâm nguy trong tay của bọn người chiến thắng man rợ, sẵn sàng bán nước
cầu vinh. Nhất định có lúc, dân tộc Việt nam sẽ viết lại bản anh hùng ca dành
cho những người chiến binh can trường bị bại trận oan khiên tức tưởi năm xưa.
Phạm Tín An Ninh