Chị ơi, em viết những dòng này khi chỉ còn một tuổi nữa là đã 80, và chắc
chị cũng đã không còn trên cõi đời này nữa.
Năm ấy, chị trên 30, một góa phụ trẻ, sống với hai con, một trai một gái.
Chị đi làm ngày hai buổi, một mình, dù nắng hay mưa chị đều cuốc bộ. Buổi sáng,
khi chị rời khỏi nhà, tháp chuông trên nhà thờ đá giục giã đổ hồi. Buổi chiều,
chuông cũng ngân nga khi chị bước ra khỏi sở. Chiếc đồng hồ bốn mặt trên tháp
cao vẫn cứ âm thầm đếm bước thời gian. Không biết có khi nào chị đếm những bước
chân lẻ loi của chính mình.
Cuộc đời chị nhỏ nhoi quá, lặng lẽ quá. Có thêm một nụ cười cũng chẳng ai
biết, thêm một giọt lệ cũng chẳng ai hay.
Cho đến khi có bé Tr.
Bé Tr. đến với chị như một nụ hồng ân sủng. Tiếc thay hoa hồng nào mà chẳng
có gai. Trong khi chị nâng niu bé Tr. thì trái tim chị rướm máu. Bên hiên nhà,
khi ánh trăng lọt qua kẽ lá rải những đốm sáng như những nụ hoa vàng, chị khóc
và kể cho em nghe mối tình oan nghiệt của chị.
Người đàn ông ấy, có một thưở là thư ký riêng của vua Bảo Đại, rất mực hào
hoa và cũng rất mực đa tình. Chị bảo, ông ta có lạ gì những người trẻ và đẹp
khắp bốn phương, cuộc đời tình cảm của một viên chức cao cấp đâu chỉ có mỗi một
bà vợ cho dù rất đẹp, mà còn có những mối tình thoáng qua với phấn son ngào
ngạt. Những người đẹp dễ dãi ấy qua tay ông nhạt nhòa như nhấp thêm một ly
rượu, hút thêm một điếu thuốc.
Ông chẳng yêu ai cả.
Cho đến khi gặp chị.
Một nữ nhân viên chỉ hơn một nữ lao công, thầm lặng không phấn son, đơn giản
với chiếc áo dài màu tím và guốc mộc.
Chỉ vậy thôi mà ông điên đảo.
Cũng có thể là ông điên thật, nên nhiều đêm ông một mình lái xe qua đèo Hải
Vân chìm trong mây mù, vào thành nội âm u chỉ để lặng lẽ đứng yên bên khung cửa
sổ đã đóng kín.
Ông nghe tiếng chị thở, tiếng chị trở mình, thương tấm thân mỏng manh bé nhỏ
của chị co ro trong chiếu chăn lạnh lẽo. Rồi ông trở về để kịp sáng ra có mặt
trước vợ con đề huề, ăn sáng như thường lệ, xong đến sở ngồi đĩnh đạc trên
chiếc ghế giám đốc dành riêng cho ông.
Không chỉ một đêm mà nhiều đêm.
Không chỉ những đêm đầy sao mà cả những đêm mưa.
Ông đứng như trời trồng, trong khi những cơn mưa mùa đông của xứ Huế cứ rỉ
rả kéo dài lê thê.
Ông đứng đó cho đến khi chị bất ngờ mở cửa sổ, thấy ông toàn thân ướt sũng.
Thế là ông đã biết yêu và cõi lòng lạnh lẽo của một góa phụ cũng đã bắt lửa,
để rồi kết trái là bé Tr.
Có bé Tr. chị bỗng nhiên sống trong lo sợ. Không sợ chiến tranh mà sợ bà chị
có thể vào bắt cháu để cắt đứt một cuộc tình hoang dại.
Em đến nhà chị cũng vì vậy, đến để có thêm một người đàn ông cho rậm cửa rậm
nhà chứ không chỉ để dạy kèm hai con nhỏ đang còn học tiểu học.
Rồi mọi sự cũng qua đi. Không một người đàn bà nào có thể cấm cản được một
người đàn ông đang yêu. Bé Tr. cứ phơi phới lớn lên, mặc cho đàm tiếu, mặc cho
bom đạn, mặc cho những kẻ không mời mà đến cướp mất nhà em, đẩy mẹ con em xuống
thuyền vượt biên chỉ với hai ổ bánh mì và một lon sữa.
Thuyền ra khơi cứ như đi picnic. Đến ngày thứ ba thì hết cả đồ ăn và nước
uống. Ai cũng đi vội nên chẳng mang theo được gì nhiều.
Khát!
Phải uống nước tiểu của nhau. Mà nước tiểu cũng cạn dần. Chỉ còn mỗi một
cách là lạy trời mưa xuống! Nhưng trời cũng rất không độ lượng, chỉ có mây đen
nghìn nghịt vần vũ mà ngóng mãi cũng chẳng có giọt mưa nào rơi xuống.
Nước không có, tàu các nước qua lại như mắc cửi nhưng chẳng tàu nào chịu
dừng. Sau mười bảy ngày đêm lênh đênh trên biển, đành phải quay vào bờ.
Thuyền tấp dưới chân đèo Cả, có công an biên phòng chờ sẵn. Đàn ông đi tù
một lũ, đàn bà con nít được đưa vào nhà thương rồi được tha.
Chưa bao giờ chị trải qua những ngày giờ kinh hãi đến thế. Sợ nhất là bé Tr.
cứ muốn lao xuống biển vì khát.
Mặc dù vậy nhưng sau đó ít năm Tr. muốn thử đi lần nữa. Tr đi một mình. Và
thoát.
Em đến được Pháp, được gặp bố dù đã rất già, được học nghề rồi đi làm với lương
đủ sống thoải mái. Hình em chụp gửi về, mặc áo pull đỏ ngồi trên lan can trông
khỏe mạnh và rất xinh.
Rồi em biết yêu và được yêu. Chàng là một thanh niên Pháp, rất đẹp trai. Cả
hai đều rất trẻ trung, gần như là một cặp đôi hoàn hảo. Chàng đưa em đi thăm
thú khắp nơi rồi đưa về nhà chào bố mẹ. Ông bố đã có một thời ở Việt Nam, khen
Nha Trang thanh bình và đẹp. Ông cũng rất quý em, thầm khen con trai đã tìm
được một ý trung nhân phương đông xinh đẹp.
Rồi một buổi chiều, trong khi tiếng chuông nhà thờ Đức Bà ngân nga, chàng
quỳ gối xin cầu hôn và em đã chìa tay ra cho chàng trao nhẫn. Cả hai ôm nhau
hôn thắm thiết rồi bay về phương nam đầy nắng ấm để ăn mừng.
Đẹp quá phải không chị và lòng người mẹ bấy lâu buồn lo bỗng sáng bừng lên
niềm vui chờ đợi. Chị vội vã lo mọi thủ tục để sang dự lễ cưới của con.
Thế nhưng, một hôm cả hai rủ nhau về một miền quê. Trên ngọn đồi xinh có một
nhà tu kín. Em bỗng muốn xin vào thăm và được Mẹ bề trên vui vẻ mời vào.
Em chơi ở đó suốt ngày, được Mẹ dẫn đi thăm mọi chỗ, được mời ăn trưa, và
khi chiều đến em bỗng dưng không muốn về!
Thế là em được ân phước của Chúa, như Mẹ nói, và em đã nguyện dâng mình cho
Chúa suốt đời.
Trước khi bước vào cánh cửa đóng kín, em được phép gặp mẹ một lần. Và chỉ
một lần rồi thôi.
Chị tất tả đi qua Pháp để gặp con. Chị chỉ nghe em nói, bonjour maman rồi
xách giỏ theo các bạn đồng tu đi xuống đồi hái nho. Đã tự bao đời, các nữ tu
quần quật chặt cây khiêng đá biến ngọn đồi đầy đá sỏi thành những vườn nho. Rồi
họ làm rượu không phải để uống mà để bán, tự mưu sinh chứ không có một nguồn
trợ cấp nào khác.
Em rồi cũng sẽ như vậy, ăn ngủ thức đều theo giờ giấc nghiêm ngặt, làm việc
bằng chân tay chứ không có máy móc nào trợ giúp. Và tối đến, sau giờ đọc kinh
chỉ được ngã lưng trên bệ xi măng cứng lạnh.
Chị khóc và âm thầm quay về. Từ đó, chị coi như mình đã đánh mất cả cuộc
đời.
Tr. nay cũng đã lớn, không hiểu khi bỏ cả người chồng sắp cưới, bỏ cả người
mẹ khổ đau để dâng mình cho Chúa thì đã được những gì. Nước Chúa ư? Xa xôi quá
nếu không muốn nói là rất ảo tưởng, và có phải là thiên phước chăng khi chung
quanh chỉ có một bầy chiên ngoan đang quỳ dưới chân Chúa?!
Chị ơi, em viết những dòng trên đây như một nén hương thắp cho linh hồn tội
nghiệp của chị. Nếu có một cõi khác, em cầu mong chị được một lần gặp lại con.
Khuất Đẩu
Noel 2017