26 December 2017

NHỊP MÙA LỄ HỘI - Nguyễn Thị Khánh Minh


Khi những trận gió Đông Bắc rời khỏi đỉnh cao của nó thì mùa thu cũng thẳm xa. Nếu để tâm chạy theo phút chia tay hẳn vẫn còn thấy được bóng áo thu giằng co nơi khúc quanh trên con đường mùa đông vừa mở. Như cái nhìn nuối theo của bác sĩ Zhivago, chạy vội vàng lên tầng lầu để bắt kịp hình ảnh chiếc xe ngựa chở Lara mờ xa trong bụi tuyết… (phim của David Lean dựa trên truyện của B. Pasternak)
Cây maple bên kia đường đã trơ trụi chỉ còn vương đôi ba lá vàng trên cuống mỏng mảnh, mang theo hết cái lao xao vàng của nó, để cho cành cây phô những nét chấm phá khẳng khiu đông, lại càng cô quạnh hơn khi tình cờ có con chim đậu một mình trên cành trong nắng mai lạnh. Khoảnh khắc đẹp của mong manh, dường như nhìn cũng phải hết sức nâng niu, nghe nói trên đường phố ở thủ đô nước Nga vào mùa cây trút lá có những biển đề “tránh đừng động vào cây, mùa lá rụng.” Thật lãng mạn.
Cây mùa này đang ốm đấy, gầy trơ xương ra. Người thì như đẫy đà thêm dưới lớp áo ấm…
Cuối năm, là mốc thời gian đặt tôi ở giữa biên giới những buồn vui. Buồn thì không đến nỗi nặng trĩu, vui cũng chẳng đến độ rộn ràng, cứ thế người lùng bùng vui vui buồn buồn. Nếu bạn hỏi tôi sao im lặng thế, sẽ mỉm cười và trả lời nhỏ, có lẽ như con cá ươn sắp sửa se mình như Nguyên Sa nói thôi. Vừa nao lòng trước khép lại chóng vánh của một năm, vừa náo nức với khí lễ hội đang mở.

CHUÔNG GIÓ NOEL,

Đó là lúc con đường với những ngôi nhà hiện ra như trong tấm thiệp Noel, ngày còn nhỏ đã ước được sống trong cõi tranh thần thoại với con đường sáng huyền ảo của hoa tuyết, những ngôi nhà thập thò mái ngói đỏ dưới cái lạnh trắng mùa đông. Những muốn ngồi bên bàn tiệc đầy ắp thức ăn được bày biện đẹp đẽ và ánh sáng lễ hội xôn xao chải lên mái tóc.
Chuông gió cuối năm lôi ước mơ thơ trẻ ấy ra khỏi cõi tranh đặt vào con đường hoa đèn tôi đang đi ở thành phố Fountain Valley này, gió mùa đông len vào chiếc khăn quàng cổ, cho tôi cảm thấu cái rét xứ người. Được hít thở hơi thanh bình cổ tích, dễ khiến mình kiếm lại được hồn nhiên, mơ mộng. Đó là đường Heils, con đường chứa những ngôi nhà trang hoàng lộng lẫy, mỗi nhà một cảnh, một gợi mở rất khác để người nhìn vào tha hồ tưởng tượng, bước như đang bước vào tấm thiệp Giáng Sinh năm xưa, và khí lạnh càng làm nồng thêm bàn tay để sâu trong túi áo. Tiếng cười, tiếng nói gần lại hơn ở bên tai, ấm quá với cái quàng vai của cậu con út, mới đây thôi, bây giờ nó đã dềnh dàng đi bên cạnh, làm mình phải ngước đầu lên khi nói chuyện, đã quàng vai mình một cách gọn gàng, và tay kia, quàng vai cô bạn gái, một dòng sông từ đầu tay kia của con nôn nao chảy theo vòng ôm đến vai bên này của tôi, đập những gợn nhẹ nhàng của sự nối tiếp những thế hệ… Tôi trôi giữa dòng sông ấy, và được hòa nhịp với muôn dòng sông khác, để biết cuối cùng là một điểm xum vầy.
Không khí an bình no đủ làm tôi chạnh lòng đến quê nhà… Con đường Heils nhập nhòa đường Duy Tân dẫn đến nhà thờ Đức Bà Sài Gòn…


… Nhớ một Noel, như vào năm 78, 79, ở Sài Gòn, lúc này đã mang tên mới, nhưng vẫn thích, Sài Gòn, rằng quen mất nết đi rồi, người bạn chở tôi bằng xe đạp, phố ngày ấy không đông như bây giờ, sau một biến cố lớn, mọi người còn đói, còn bao lo âu của một cuộc sống quá đỗi ngặt nghèo, thì chẳng ai thiết nghĩ đến trang hoàng nhà cửa, đường phố để mừng ngày Giáng Sinh.
Nhà thờ Đức Bà vào đêm Noel năm đó, chỉ có hai dây đèn treo từ nóc tòa cao đến tượng Đức Mẹ, vậy thôi, hai dây đèn lốm đốm những bóng điện nhỏ lạc lõng cô quạnh, hòa với đêm tối u buồn. Lặng lẽ ánh đèn vàng hoe. Lặng lẽ ánh mắt của người đi lễ. Hai chúng tôi đứng ở đầu đường Nguyễn Du, bên cạnh chiếc xe đạp, ngó lên những ánh đèn mờ nhạt, nó không có cái sáng long lanh của ánh đèn lễ hội, nó có cái sáng rưng rưng. Cảnh vật phố phường toát ra khí đói ảm đạm, thổi bạt mọi ước muốn sống vui, sống đầy đủ cho tinh thần.
Đêm đó, chúng tôi chỉ đủ tiền để ghé vào một quán cà phê cóc bên lề đường nhâm nhi một loại cà phê tạp với mùi gì rang khen khét. Lấp xấp dưới ánh đèn dầu, những chiếc đẩu gỗ lộn xộn, chơ vơ, chia sẻ rất tội nghiệp với không khí xa vắng của đêm Noel, nhưng dù sao quán cóc đèn dầu cũng đem lại chút hơi phố xá, chúng tôi không nói gì, những mơ ước về tương lai đã bị đóng lại, đã bị xếp vào hàng xa xỉ sau cơm áo, nên nếu không nói được về những dự phóng vui vẻ của ngày mai thì tốt hơn, ngồi bên nhau cùng cảm im lặng, người bạn an ủi tôi về một điều không may tôi đang gặp phải, để yên cho tôi khóc, thôi vậy cũng ấm lòng.
Rời khỏi quán cóc bên đường, chúng tôi đạp xe qua nhà thờ Huyện Sĩ, ở đó tương đối vui hơn bên nhà thờ Đức Bà vì người đi xem lễ đông hơn, mãi khi tan lễ, chúng tôi mới chia tay.
Một mình trong đêm, trước giấc ngủ, tôi thấy mình hết sức buồn bã, tôi buồn cảnh nhà, mẹ và các em nhỏ, cả tôi, ngơ ngác, không cha, không anh ở nhà, tôi, đứa con gái vừa tốt nghiệp đại học, bỗng xính vính hốt hoảng khi thấy mình là chị lớn một đàn em, vốn liếng có được từ trường, lại là trường Luật của Việt Nam Cộng Hòa nữa, lúc ấy không giúp ích gì để tôi kiếm sống được giữa một xã hội đang đảo ngược hết tất cả mọi giá trị, như thế.
Đêm nào tôi cũng đi vào giấc ngủ bằng nỗi trăn trở u hoài. Và thảng thốt của một kẻ thức dậy, tiếc nuối một giấc mơ đẹp đang bứt ra khỏi mình, có lẽ, mãi mãi. Chút tình yêu thơ dại, tưởng chỉ dơ tay là chạm được trời xanh, tưởng đã hẹn hò là chung thân hạnh phúc. Nó thành một vết thương, mỗi khi cào lên, lại thấy xót.
Đã chẳng dễ quên vạt âm u của một ngày, ba tôi, hai em trai tôi, hút vào đêm tối, thăm thẳm một hơi rất dài của thời gian… Nhớ nước mắt của mẹ khi bới đồ đi thăm nuôi cha. Nhớ những tiêu chuẩn tem phiếu để mua gạo thịt, bỗng trở thành câu chuyện từng ngày. Nhớ những đêm cùng mẹ cặm cụi từng mũi len, mẹ phải choàng cả việc cho cô con gái mới học cầm chiếc que đan. Nhớ cơm độn bo bo. Nhớ cậu em học Thủy Sản, nuôi và bán cá giống trong cái hồ non bộ của cha khi trước, Khuyến thức đêm cho cá ấp trứng, Khuyến khóc khi cá chết. Nhớ cậu em phải dấu thịt cột sát bắp chân, đem từ sở làm ở Hiệp Hòa về Sài Gòn cho mẹ cho chị cho em*, Khương ơi! Nhớ Khuê đi làm tài xế cho cán-bộ, đêm lái xe về nhà, hút trộm xăng ra, em nói “xăng này cũng là của ăn cắp, ăn cắp đi ăn cắp lại, huề.” Đúng hay sai, lúc đó không còn dũng cảm để phê phán em nữa…
… Những Noel sau này, đâu khoảng những năm 80, cánh cửa ngôi nhà Sài Gòn đã hé mở để lọt vào chút sinh khí ấm no. Gia đình tôi đã dễ thở hơn vì có anh em ở Pháp tiếp tế, lúc ấy ở Sài Gòn, chỉ ở thành phố thôi, người ta được ăn no và ngon hơn, mặc được tươm tất hơn, nên người ta đón Chúa tưng bừng hơn, mặt mũi thành phố sáng loáng hơn nhiều những năm trước.
Người bạn thuở đói kém nay đã là bạn đời của tôi, không còn lọc cọc chiếc xe đạp nữa mà chở tôi bằng chiếc Bridgestone của Nhật, đi lên phố xem lễ Noel, quả là chật vật để len vào những con đường đưa tới nhà thờ lớn, người ta không đi bộ ngắm cảnh Giáng Sinh như ở đường Heils thênh thang có chỗ cho cả gió đi này, mà nườm nượp ngồi trên những chiếc xe Honda nhả khói, chen lấn, đôi khi còn cự nự vì lấn chỗ va quẹt vào nhau, người ta đi đâu? làm gì? ngắm Noel ra sao trong quang cảnh cối xay như thế? Chúng tôi ghé vào một quán cà phê, quán cóc tù mù đèn dầu năm xưa hóa thân thành cafeteria rất sang, tiếng dương cầm phát ra từ dàn máy tân tiến, với ly cà phê đúng mùi cà phê, chúng tôi lại nhắc đến quán cóc năm ngoái năm kia, ơ hay, hoài niệm là tật cố hữu của người ta hay sao ấy.
Năm ấy tôi rất hạnh phúc vì đi đâu cũng có một điều níu kéo để quay về, đó là mái ấm, có tiếng oa oa của đứa con vừa ra đời. Tôi không còn hứng thú len vào dòng người nêm chặt đường phố đêm Giáng Sinh nữa, mà hưởng không khí ngọt lừ của đứa con bé nhỏ mang lại, trang trí cây Noel và cùng ăn một bữa tiệc nhỏ gia đình, Bin ơi, mỗi Christmas ở đây với bàn đầy thức ăn, mẹ hay nói với con, hồi mình ở Việt Nam, đâu có thức ăn ê hề như ở đây, mẹ nhớ có lần nướng con gà mẹ đã phải chia hai cái đùi cho hai con trước, vì con còn bé hay đòi cả, nên anh hai con so bì. Điều đó, khi nghĩ đến, dù có chút rưng rưng, nhưng nó khiến tôi cảm thấy không khí gia đình tôi lúc ấy không thể nói gì khác hơn là, hạnh phúc. Và bây giờ, ở đây, gia đình nhỏ ba người, năm nay lại có thêm cô bạn gái của con, nếu có hỏi tôi tìm chữ biểu tượng cho mái ấm thì vẫn là hai chữ hạnh phúc.
Mà riêng mình, rất lạ, Giáng Sinh nào cũng vẫn sống được cảm giác cũ, đi vào những con đường hoa đèn trong gió cuối năm bằng tấm lòng trẻ trung với dư âm giấc mơ.
Kể ra trời đất cũng độ lượng cho con người chấm hết một năm bằng toàn những lễ hội, để có dịp biết rõ hơn, đầy đủ hơn, rằng, trong hưởng thụ nảy sinh lòng biết ơn.
Quá đủ để cảm thấy như thiêu thiếu. Ôi quả là lòng tham, đong hoài chả thấy đầy. Bập bênh hai đầu, tiếng chạm vào của ấm áp xum vầy, tiếng tịch lặng ôm trọn của cõi riêng thơ. Để chia sẻ được cái cô độc của Voltaire, văn hào Pháp, niềm hạnh phúc to lớn nhất của mọi cuộc đời là sự cô độc bận rộn. (tudiendanhngon.vn)…

TRỜI ĐẤT MỚI LÒNG TA CŨNG MỚI…,

Giáng Sinh xong là rộn rịp mùa Tết âm lịch. Thời khắc sửa soạn để đón Tết là lúc tâm tư, cảm xúc phê nhất. Này nhé, những cây anh đào trong ngõ vườn chạy dài theo hiên nhà, bắt đầu tươm nụ xuân thì bên cạnh cây maple đông giá. Và nhóm người Việt trong khu nhà ở này lại họp nhau để làm tiệc tất niên, vẻ tất bật háo hức phân chia nhau làm món ăn làm tôi thấy quí giá quá việc lưu giữ truyền thống Tết dân tộc, cũng vì vậy mà trong nhà tuy không mấy người nhưng tôi cũng bày ra, muối dưa hành, và chắc chắn là hầm một nồi măng chân giò kiểu Hà Nội của mẹ, anh em chúng tôi chẳng đứa nào quên được món này của mẹ vào những dịp Tết, mày mò xôi vị kiểu Nha Trang của ba, và dĩ nhiên không thiếu bánh chưng dưa món (mua, đừng hiểu lầm là làm, mắc cỡ lắm nghe), phải xôn xao thế thì con trai mới thấm được cái khí Tết, vị Tết Việt Nam, không thì con biết lấy gì đem vào mái ấm của nó mai sau? Còn chút đó mà không giữ thì làm sao mà nhìn mặt tổ tiên.
Có ai đi xuống phố Bolsa vào những ngày cận Tết mới cảm thấy hơi nóng mạnh mẽ của truyền thống – qua những cửa hàng bánh chưng bánh tét, mứt, dưa món, – qua những mái che được dựng lên thành một dãy hàng hoa, nơi mà người mình những ngày này thường rủ nhau, đi chợ hoa, nghe sao mà nó quê hương quá, Tết quá, – qua những nhịp chân hối hả mua mua sắm sắm, tấu thành một bản giao hưởng với những nốt nhạc reo lên ở cung bậc rộn ràng nhất. Một Việt Nam bé nhỏ trải dài mùa xuân rạo rực quê nhà trên một quãng đường Bolsa ấm lạnh khí đông.
Một lần, Tết năm ngoái, nỗi nao nhớ đã kìm tôi đứng trên hè trước chợ Hòa Bình, đường Westminster, trên tay ôm cái bánh chưng, lòng cảm động nỗi vui và biết ơn những người đã nấu những chiếc bánh truyền thống Tết, đã làm những hũ dưa món (tưởng tượng, thơm nắng Calif.), đã chăm lo để có được hoa cúc hoa lan, và cả một loại hoa từa tựa như mai vàng, cho ngày tết… Tất cả tạo nên một không khí ruột thịt đến mềm lòng. Người bán báo, và cách sắp xếp báo, lịch, trên một cái quầy bên hè đường, khiến tôi mường tượng đường Nguyễn Huệ Sài Gòn. Thấy sao mà thương khi chị cầm cái chổi nhỏ quét quét trên mặt những tờ báo, và mời tôi, mua báo tết đi chị, tôi đang ở đâu đây cảm xúc tôi ơi… hình phong pháo vỡ bung tia đỏ, hoa mai dòn dã vàng trên những bìa báo kéo tuột tôi về một miền xa lắc có cái quán tre bày bán những con gà đất màu rực rỡ nắng và phong bao lì xì đỏ treo tòn teng, mình bé lắm theo chân ba mẹ về quê…
Một nét đặc trưng có sức hút mạnh mẽ tôi, là báo Tết, ngày còn ở nhà, tôi thích nhất Tết được đóng cửa, buổi sáng trong căn phòng tinh tươm mùi Tết, bên ly cà phê nóng, nằm đọc báo xuân, cộng thêm niềm vui có bài đăng trong báo nữa, thật là vui, vầy.
Năm nay, trong gió lạnh Sài Gòn Nhỏ, trong không khí gia đình, tôi lại nhâm nhi thú đọc báo tết. Báo giấy, báo mạng, tha hồ, những con chữ mùa xuân ào ạt cái mới mẻ, nạp thêm cho người năng lượng để tiêu pha 365 ngày sắp tới.
Trong bản giao hưởng lễ hội, tôi đang đi (phải nhẩy chứ nhỉ) điệu rộn rã nhất để hòa âm với nhịp Tết, xôn xao cùng nụ đào bụ bẫm đất trời, theo bước đi tới của dòng chảy cuộc sống, và réo rắt nốt xanh nhất một giấc mơ. Tôi mong những tiết tấu vui tươi này được kéo dài mãi trước khi vào nhịp khoan thai chậm rãi của bóng thời gian…


*Vào thời gian những năm 75, 78, ở Sài Gòn lúc ấy có một chính sách mà người dân gọi là “ngăn sông cấm chợ,” mọi lương thực, thực phẩm đều bị cấm đưa về thành phố, và ngược lại.

Nguyễn Thị Khánh Minh