Ðứng trong văn phòng của vị đại tá chỉ huy phó Bộ Chỉ Huy Lực
Lượng Thủy Bộ, tôi bàng hoàng và xúc động khi đọc lá thư của mẹ Duyên gửi cho
Tư Lệnh Lực Lượng. Tôi đọc đi đọc lại hai ba lần mà tưởng như chuyện hoang đường.
Lá thư viết nội dung như sau: “Ngày hôm qua con tôi về báo mộng và nói
khi chết đi bị mất chiếc đồng hồ Seiko đang đeo, đây là chiếc đồng hồ con tôi
đã mua trong thời gian đi du học tại trường Hải Quân OCS, Hoa Kỳ. Tôi đã đau
lòng khi mất đứa con trai yêu dấu, nay tôi lại rất buồn khi con tôi ra đi chiếc
đồng hồ Seiko mà nó thường đeo đã bị lấy mất. Con tôi đã về và nói với tôi như
vậy. Nó nhắn tôi phải tìm lại chiếc đồng hồ đó. Với lá thư này, tôi yêu cầu qúy
vị bằng mọi cách tìm lại chiếc đồng hồ Seiko ấy để trả lại cho chúng tôi, đây
là một kỷ vật vô giá cho gia đình chúng tôi …”
Rời chiến hạm HQ 800 tôi lên đường đến nhận đơn vị mới: Giang Ðoàn 75 Thủy
Bộ, tại đây tôi gặp Phạm Ngọc Ðông khóa 9 OCS và Phạm Văn Duyên khóa 11
OCS. Ðông can đảm và nhanh nhẹn, Duyên trầm tĩnh và ít nói. Sau một thời gian
đóng quân tại xã Hòa Tú, Ba Xuyên, giang đoàn được lệnh di chuyển về Kiên
An để chuẩn bị một cuộc hành quân vào vùng U Minh. Trước giờ hành quân,
tôi được cử ở lại hậu cứ để làm một vài công tác hành chánh và an ninh, sau đó
sẽ theo tàu vào vùng hành quân.
Ðêm hôm ấy, các sĩ quan giang đoàn cùng tập trung uống cà phê tại câu lạc bộ hậu
cứ để chờ giờ xuất quân.
Trong lúc ngồi nói chuyện bỗng Duyên đề nghị:
– “Nếu kỳ này chỉ huy trưởng cho tôi ở lại hậu cứ tôi sẽ dùng nguyên tháng
lương để đãi anh em một bữa nhậu”.
Thiếu tá Quyên chỉ huy trưởng cười và đáp lại:
– “Nếu vậy phải để thiếu úy Duyên vào vùng lần này, rồi lần sau sẽ cho ở lại hậu
cứ thì chắc chắn thiếu úy Duyên sẽ đãi hai tháng lương để anh em nhậu đã đời”.
Mọi người cùng cười rộ lên nên không để ý đến khuôn mặt bỗng nhiên lo lắng và bồn
chồn của Duyên.
Trong đêm tối, các con tàu nhẹ nhàng lầm lũi dời hậu cứ để vào vùng lửa đạn.
Tôi đứng trên bờ vẫy tay chào mọi người, Duyên cười và vẫy tay chào hẹn ngày
tái ngộ.
Giang đoàn vào vùng được mấy ngày thì tin báo về quân ta bắt đầu chạm địch.
Những tin tức đầu tiên rất phấn khởi; giang đoàn đã phá vỡ vài căn cứ tiếp
liệu của cộng sản và tịch thu được nhiều vũ khí của địch.
Lệnh từ Bộ Tư Lệnh Tiền Phương ban ra: “Giang đoàn tiếp tục tiến sâu vào vùng
trách nhiệm”.
Càng tiến xâu các trận đánh càng xảy ra ác liệt, tin tức chiến sự đưa về phòng
hành quân tới tấp.
Chẳng bao lâu tin dữ đưa về, giang đoàn chạm địch mạnh, hai giang đỉnh bị trúng
mìn, chỉ huy phó và một số chiến sĩ bị thương nhẹ, riêng Duyên bị trúng miểng
B40 ngay cổ nên được trực thăng bốc lên và đưa về bệnh viện Chương Thiện cứu cấp.
Từ hậu cứ tôi được lệnh chuẩn bị theo giang đoàn 74 Thủy Bộ để vào vùng chiến đấu.
Tướng Hoàng Cơ Minh, Tư Lệnh Lực Lượng Thủy Bộ cũng sẽ theo tàu để vào vùng trực
tiếp chỉ huy trận đánh.
Hành trang đã chuẩn bị đầy đủ, chỉ chờ giờ lên đường thì hung tin báo về: Duyên
từ trần tại bệnh viện Chương Thiện vì vết thương quá nặng. Tôi nhận chỉ thị của
chỉ huy trưởng:
– “Không vào vùng hành quân nữa mà trở về trình diện Bộ Tư Lệnh Thủy Bộ để nhận
công vụ lệnh và đại diện Bộ Tư Lệnh Lực Lượng Thủy Bộ và Giang Ðoàn 75 lên nhà
Duyên tại Ðà Lạt để phân ưu cùng tang quyến”.
Từ Kiên An quá giang tàu về Rạch Sỏi, sau đó theo xe “jeep” trở về Bình Thủy
trình diện và nhận công vụ lệnh, sáng hôm sau lên xe đò trở về Sài Gòn, ngủ tại
nhà một đêm ngày hôm sau tìm đường lên Ðà Lạt.
Bước chân vào nhà Duyên tại Ðà Lạt, một không khí buồn tang thương và ảm
đạm hiện ra. Những vành khăn tang vội vã chít lên đầu, những tiếng khóc, tiếng
nấc nghẹn ngào. Tôi đứng đó mà lòng như tan vở. Có lời nói nào xoa dịu được nỗi
thương đau của người cha. Có an ủi nào có thể làm khô đi dòng lệ của người mẹ.
Tôi đứng đó mà lệ dâng trào.
Nhìn di ảnh Duyên bên hai hàng nến trắng, nhìn hàng chữ Tổ Quốc Ghi Ơn với lá cờ
vàng ba sọc đỏ phủ ngang chiếc quan tài, tôi tưởng tượng ở nơi đây, trong giờ
phút này hồn thiêng sông núi đang ẩn hiện đâu đây. Người anh hùng đã nằm xuống,
bạn tôi đã đem máu đào đổ xuống giang sơn để ước mong quê hương có ngày tự do hạnh
phúc.
Chiến tranh tàn ác đã cướp đi bao nhiêu người con yêu của tổ quốc, chiến tranh
nào đã khiến mẹ, khiến cha phải khóc con, vợ phải khóc chồng, em phải khóc anh.
Lịch sử nào có thể diễn tả đầy đủ được những u uất mà hàng trăm ngàn gia đình
đang gánh chịu. Lịch sử nào có thể viết hết được nỗi đau thương mà cả một dân tộc
đang chịu cảnh chiến tranh nồi da nấu thịt. Người cộng sản Việt Nam đã gây cuộc
chiến tương tàn này, họ phải chịu trách nhiệm trước lịch sử và dân tộc. Tôi cố
ngăn dòng nước mắt, tiến đến bên quan tài, khẩn cầu chú nguyện và đốt nén nhang
trịnh trọng đặt lên bàn thờ người bạn quá cố.
Ðám tang Duyên được cử hành trang trọng theo nghi lễ quân cách và theo
nghi thức Phật Giáo. Nhìn thân xác bạn tôi đang từ từ hạ xuống lòng đất, tôi chợt
nhớ tới thời gian tôi đã được cùng chiến đấu bên Duyên tại Giang Ðoàn 75 Thúy Bộ.
Tôi nhớ đến những đêm tuần tiễu dọc theo sông Cái Lớn, tôi nhớ đến những địa
danh Hòa Tú, Hòa Tâm, Cổ Cò, Kiên An, Kiên Lương mà tôi đã cùng Duyên đi qua.
Tôi nhớ đến gương mặt khắc khoải của Duyên khi xin chỉ huy trưởng được ở lại hậu
cứ, tôi nhớ đến nụ cười và cái vẫy tay chào hẹn ngày tái ngộ vào đêm xuất trận.
Cái vẫy tay hẹn ngày tái ngộ ấy có ai ngờ lại chính là cái vẫy tay chào nhau lần
cuối. Ôi bi thương, ôi uất nghẹn… Ðịnh mệnh nào đã xô đẩy tôi được chỉ định ở lại
hậu cứ. Ðịnh mệnh nào đã lôi kéo Duyên vào vòng chiến để giờ đây thân thể sắp
trở về lòng đất. Trong một giây phút tĩnh tâm, tôi chắp tay nguyện cầu. Tôi tin
tưởng rằng ở một nơi nào đó giờ này Duyên đang mãn nguyện vì đang được sống
trong cảnh giới lành, nơi đó không còn hận thù, không còn chiến tranh, không
còn đau khổ.
Ngày hôm sau tôi từ giã gia đình Duyên để trở về đơn vị. Tôi ghé Bộ Tư Lệnh
Lực Lượng Thủy Bộ tại căn cứ Bình Thủy, Cần Thơ tường trình diễn tiến đám tang
và sau đó tôi tiếp tục lên đường để trở về hậu cứ Kiến An.
Ở tại hậu cứ gần một tuần thì bỗng nhiên tôi nhận được một bức điện khẩn của Bộ
Tư Lệnh Thủy Bộ gọi về trình diện gấp đại tá chỉ huy phó. Tôi không biết chuyện
gì, lên máy hỏi thiếu tá Quyên chỉ huy trưởng Giang Ðoàn 75, thiếu tá Quyên
cũng không biết lý do. Tôi lại xách ba lô lên đường trở về Bình Thủy.
Sau khi trình diện đại tá chỉ huy phó, tôi được đại tá đưa cho một lá thư nói
là của mẹ Duyên gửi cho Bộ Tư Lệnh Thủy Bộ kể về việc Duyên bị mất chiếc đồng hồ
Seiko. Tôi đọc đi đọc lại lá thư hai ba lần mà cứ tưởng như không phải là sự thật.
Chờ tôi đọc xong, đại tá tư lệnh phó ra lệnh cho tôi thật ngắn gọn:
– “Bằng mọi giá tìm cho ra chiếc đồng hồ Seiko để trao lại cho gia đình Duyên.”
Lệnh đưa ra thật ngắn gọn nhưng sao mà nặng nề khó khăn thế.
Rời khỏi văn phòng Tư Lệnh Phó với một tâm trạng rối bời. Làm sao tìm
cho ra chiếc đồng hồ đây? Ai đã giữ chiếc đồng hồ đó? Duyên có đeo chiếc đồng hồ
Seiko này vào những giờ phút cuối cùng không?
Bao nhiêu câu hỏi dồn dập hiện lên trong trí. Tôi ghé phòng hành quân, nhờ máy
viễn liên liên lạc về chỉ huy trưởng Giang Ðoàn trình bày sự việc và nhờ chỉ
huy trưởng cho kiểm soát lại chiếc giang đỉnh mà Duyên đã đi để tìm xem có chiếc
đồng hồ không? Cả giang đoàn được thông báo sự việc và tất cả cùng lục soát các
nơi nhưng vẫn không kiếm ra kỷ vật.
Sau một đêm thao thức suy nghĩ về lá thư, về lệnh bằng mọi giá phải kiếm cho ra
chiếc đồng hồ, tôi quyết định việc đầu tiên là phải xuống bệnh viện Chương Thiện
để dò tìm tin tức vì nơi đó Duyên đã sống những ngày cuối cùng.
Tại bệnh viện gặp hết bác sĩ này đến y tá nọ rọ hỏi xem có ai biết tin tức
về chiếc đồng hồ của Duyên không thì đều được trả lời không biết. Vào phòng bệnh
nơi Duyên đã nằm, hỏi thăm các thương bệnh binh đã nằm cùng phòng với Duyên, gặp
một vài anh em hải quân đang nằm điều trị cũng không có tin tức gì mới lạ. Ghé
phòng CTCT trình bày vấn đề cũng không được giúp đỡ gì hơn. Buồn quá, xuống
cantine uống nước, lân la nói chuyện với một vài hạ sĩ quan đang làm việc tại bệnh
viện, một người đề nghị ghé phòng văn thư mà hỏi vì nơi ấy lưu trữ các giấy tờ
chuyển người, nhận người.
Tôi lại gõ cửa phòng văn thư, lại một màn trình bày lý do. Ai cũng cho là mơ hồ,
không tưởng. Nhưng mọi người vẫn sốt sắng lục lại đống hồ sơ cũ xem có
tìm ra tin tức gì không.
Bỗng một người hỏi lớn:
– “ Tên ông thiếu úy ấy là gì ?”
Tôi trả lời:
– ”Tên là Duyên, hải quân thiếu úy Phạm văn Duyên”.
Người hạ sĩ già lật lật trang giấy rồi nói lớn:
– Ðây nè, có hồ sơ của thiếu úy Duyên đây ”.
Nói xong ông ta trao cho tôi một mảnh giấy nhỏ, tôi đọc ngấu nghiến hàng chữ:
– “Có nhận hai bộ quần áo và một chiếc đồng hồ Seiko”, dưới ký tên một thượng
sĩ phòng CTCT thuộc Trung Tâm Hải Quân Sài Gòn.
Vị hạ sĩ giải thích tiếp:
– “Như vậy là căn cứ hải quân Sài Gòn đã tiếp nhận thi hài của thiếu úy Duyên
và những vật dụng tùy thân để chuyển về gia đinh người đã khuất. Cứ về căn cứ hải
quân Sài Gòn kiếm ông thượng sĩ này là ra ngay thôi.”
Cầm tờ giấy chứng nhận trong tay, nỗi vui mừng không sao tả xiết. Tôi
nhanh chóng thu xếp hành trang để lên đường trở về Sài Gòn. Tại đây tôi vào
trình diện trung tá trưởng phòng CTCT căn cứ hài quân Sài Gòn, trình bày sự việc
và trao tấm giấy biên nhận của bệnh viện Chương Thiện cho trung tá trưởng phòng
coi. Vị trung tá gọi điện thoại kêu viên thượng sĩ vào trình diện.
Khi được hỏi về chiếc đồng hồ, người thượng sĩ bỗng tái mặt và nói lí nhí:
– “Tôi chỉ giao quần áo lại cho thân nhân, còn chiếc đồng hồ tôi giữ lại.”
Khi được hỏi chiếc đồng hồ đâu, ông trả lời ông lỡ kẹt tiền nên đã đem chiếc đồng
hồ thế chân tại một tiệm cầm đồ. Trung tá trưởng phòng liền cho gọi quân cảnh
đi cùng với người thượng sĩ đến tiệm cầm đồ. Sau gần một tiếng đồng hồ chờ đợi,
người lính quân cảnh trở lại với chiếc đồng hồ Seiko trong tay.
Nhìn chiếc đồng hồ Seiko tôi tưởng như mình tìm lại được vật quý giá nhất
trên đời. Tôi nghĩ đến giây phút ba mẹ Duyên nhận lại chiếc đồng hồ này chắc hẳn
hai cụ sẽ sung sướng lắm. Tôi rùng mình khi nhớ đến sự báo mộng của Duyên cho
gia đình, một sợi dây linh thiêng nào đó đã nối chặt giữa người sống và người
chết. Tôi chắc giờ đây Duyên đã thực sự an tâm và thanh thản để ra đi. Nghĩ đến
đó lòng tôi bỗng rộn lên một niềm vui vô tả. Bây giờ tôi có thể yên lòng trở về
đơn vị cùng các chiến hữu anh em.
Chương
Ngô