16 May 2023

KẺ GÁC CHUỒNG NGƯỜI - Đỗ Trường

Gà đầy ự đĩa. Những cái nhìn thăm dò, cân não cùng đòn gió đã được đưa ra, vậy mà không ai có thể ù. Mặt thằng nào cũng phừng phừng đỏ. Đang độ gay cấn, căng thẳng, chợt có tiếng Đỗ Nga Thị the thé từ phòng khách vọng ra: Có đứng dậy đi về hay không, thì bảo.

Tiếng quát làm gã đầu bạc ngồi đối diện với tôi giật mình, mấy lá bài trên tay rơi úp vào lòng. Hai Hiển chủ nhà, một thuyền nhân tị nạn, ngồi cạnh càu nhàu: Bà làm quái gì hắc xì dầu thế. Để ông ấy chơi chút nữa, gà béo, bắt đến nơi rồi.

Không trả lời Hai Hiển, Đỗ Nga Thị vọt ra, đứng sau gã đầu bạc, thúc thúc đầu gối vào lưng: Đứng dậy, đứng dậy, làm thì lười, tá lả sao chăm thế!

Gã đầu bạc ngước mắt, đang định nói gì đó, gặp ngay ánh mắt có lửa của Đỗ Nga Thị, liền cụp vội xuống, lẩm bẩm. Mọi người lắc đầu, mất hứng, hạ bài, định chia gà. Nhưng tôi bảo gã đầu bạc: Để nguyên gà đó, tôi thế chỗ ông. Phần gà của ông bao nhiêu, tôi trả.

Gã đứng dậy, Đỗ Nga Thị quay người, bước đi. Gã ngả người vào Hai Hiển thì thầm: Ông cầm tiền giúp tôi, mai qua lấy. Bây giờ mang về, nó lột hết.

Đỗ Nga Thị ra cửa gặp ngay Minh Phủi đi với vợ mới từ Việt Nam sang. Thị cười tít cả hai con mắt, cùng Minh Phủi lại quay vào nhà, chuyện trò rôm rả, để gã đầu bạc chưng hửng đứng ở ngoài. Minh Phủi người Nha Trang, bạn thời trẻ trâu, đá bóng phủi hè phố của Hai Hiển. Hắn phải làm ca chiều, nên đến muộn. Bữa nhậu mừng ngày schulanfang (ngày tựu trường đầu tiên) của con Hai Hiển đã tàn canh.
Minh Phủi cùng đội lao động cũ với Đỗ Nga Thị. Những ngày cuối tuần trước đây, Minh Phủi cùng Thị thường tay trong tay đến lò mổ chúng tôi xin tiết canh, cổ hũ. Đỗ Nga Thị xuất thân từ gia đình trưởng giả. Bố làm quan không lớn, nhưng ở vị trí nắm thóp được nhiều kẻ. Do vậy, dù tiếng Đức phọt phẹt Thị vẫn được cử sang làm bà đội. Tuy đảng viên Cộng sản, song bức tường Berlin vừa sụp đổ, Thị vọt một phát thẳng sang Tây Đức, đặt đơn tị nạn chính trị. Lúc đó, không riêng gì nước Đức mà cả Đông Âu xáo động, người Việt chạy loạn xí ngầu, tôi gặp lại Thị ở trại tị nạn Ingelheim thuộc bang Rheinland-Pfalz. Thời gian sau, Thị về định cư ở vùng Karlsruher, cách Wallhalben nơi tôi cư ngụ không xa.

Đứng chờ lâu, có lẽ đâm chán, gã đầu bạc giục, Thị quắc mắt: Làm gì mà nhặng xị lên thế, ngồi vào tá lả, tý nữa về.

Mặt gã đầu bạc tái dại đi, yết hầu giật giật chạy lên chạy xuống. Cúi gằm mặt, im lặng, gã quay vào ngồi cạnh tôi. Lúc đó, mới biết gã cùng tuổi tôi, tên Nguyễn Đức Kiên Cường, cựu sinh viên Đại học giao thông Hà Nội, chồng chính thức của Đỗ Nga Thị cũng mới từ Việt Nam sang. Mới đầu, cứ nghĩ Cường lầm lì, kín miệng, nhưng không phải vậy. Ngồi chưa ấm chỗ miệng gã liên thanh cứ như máy khâu vậy. Không những thế, gã còn chõ miệng gịuc tôi, phải đánh con này, ăn con kia… Nhức đầu, đâm ra bực mình, tôi bảo: Hãy đóng bớt cái miệng lại! Tôi chơi, hay ông chơi đây? Ấy vậy, mà chỉ im lặng được một lúc, rồi gã lại liếng thoắng. Nghĩ bụng, có lẽ thằng này bị bệnh thần kinh nặng rồi.

Thời gian đó, tôi viết văn, viết báo khá miệt mài cho các báo: Hướng Việt, anh Trần Hữu Phúc biên tập, Nhóm Khởi Hành với Diễn Đàn (Forum) thủ lĩnh là danh thủ bóng đá Phạm Văn Kiểm, cùng Viên Giác do Thượng Tọa Thích Như Điển chủ bút… Do vậy, khi phỏng vấn ở Zirndorf, tôi được anh Trần Hữu Phúc và các anh thông dịch (cựu sinh viên trước 1975) ở đó giúp đỡ rất nhiều. Và ngay từ đợt đầu, tôi đã được chấp nhận tị nạn chính trị. Và cũng phải nói, Sở xã hội vùng Wallhalben rất tốt, biết tôi chỉ viết văn ba lăng nhăng, ấy vậy mà họ cấp riêng cho một căn phòng nằm bìa rừng rất tĩnh. Nên chỗ tôi cũng là nơi qua lại, tụ tập của những kẻ chán phố thị ồn ào, hoặc muốn giải tỏa những ưu phiền.

Từ sau buổi quen biết ở nhà Hai Hiển, Nguyễn Đức Kiên Cường cũng thường xuyên mang bộ mặt đưa đám đến chỗ tôi như vậy. Cường là một kẻ dẻo mỏ, và lúc nào cũng cố tạo cho mình cái dáng dấp khoan thai, trịnh trọng. Đằng sau cái tưởng chừng trí tuệ, uyên thâm ấy, là sự giả dối và rỗng tuếch của gã. Nếu gặp lần đầu, người không tinh sẽ bị cảm giác đánh lừa. Tuy vậy, có những lúc u sầu, say mềm Cường tỏ ra yếu đuối, và cũng rất thật thà. Có lần, Cường đến chỗ tôi trong tâm trạng rất bi quan và kích động. Gã chửi tuốt tuồn tuột từ vợ con cho đến xã hội. Rồi gốc gác, gia phả dòng họ Nguyễn Đức của mình ở Ninh Bình, Cường cũng lôi ra, chẳng cần biết tôi có nghe gã kể hay không:

Dòng họ Nguyễn Đức trải qua nhiều đời làm nghề hoạn lợn, và chăn dắt heo đực cho thuê nhảy nái, dọc theo những làng ven sông Đáy. Đến đời Nguyễn Đức Tịnh bố Cường, dù tay nghề thiến heo đã vào dạng cao thủ, song ông vẫn bỏ theo bộ đội, tham gia chiến dịch Điện Biên Phủ. Chẳng hiểu cơ duyên đưa đẩy thế nào, từ mổ lợn, thiến heo Nguyễn Đức Tịnh chuyển thẳng sang mổ người. Tuy vậy, cái spitzname Tịnh Thiến vẫn đeo đẳng, bám chặt lấy ông. Hòa bình, ông theo học bác sỹ chuyên tu, rồi được cử sang Đông Đức làm nghiên cứu sinh. Về nước, với mảnh bằng tiến sĩ hữu nghị, cùng lý lịch hoạn lợn bần cố, Tịnh Thiến được điều vào bệnh viện Việt Xô chăm sóc sức khỏe cho các ông lớn.

Không chỉ cách ly hoàn toàn với dân chúng, mà các quan cùng được hưởng đặc ân ở Bệnh viện Việt Xô cũng phải chia khu lớn nhỏ, cao thấp khác nhau. Kiểu như khẩu phần ăn đại táo, trung táo, tiểu táo, Nhà Thờ hoặc Tôn Đản vậy. Quan càng lớn, càng sợ nghẻo. Do vậy, trình độ thiến heo, tiến sỹ hữu nghị của Tịnh Thiến chỉ được phép phục vụ chăm sóc cho các quan phẩm hàm thấp, thứ, vụ trưởng, tổng giám đốc… mà thôi. Ấy vậy, trong cái rủi lại đẻ ra cái may. Phục vụ loại phẩm hàm này, tuy không vác mặt lên bằng các khu khác, nhưng quan hệ chặt chẽ qua lại vật chất, tinh thần Tịnh Thiến vui vẻ và rủng rỉnh lắm. Mỗi lần thiết kế xong một hồ sơ bệnh án để các quan phẩm hàm này đủ điều kiện sang Đông Âu nghỉ dưỡng, thì tên tuổi, quan hệ Tịnh Thiến với họ càng đậm nét và nồng thắm. Chẳng vậy, thằng con Nguyễn Đức Kiên Cường học hành ba lăng nhăng, vừa tốt nghiệp được giữ lại làm giảng viên Trường Đại học giao thông Hà Nội ngay tắp lự. Khi bạn bè cùng khóa, thằng nào thằng nấy đều phải sung lính, lao thẳng lên mặt trận biên giới. Đến đường tình của Cường với cô con gái họ Đỗ cũng được bắt đầu, rồi khai hoa nở nhụy từ những mối qua hệ qua lại ấy của Tịnh Thiến.

Nghe Cường nằm lảm nhảm, bỗng có một chuyện làm tôi giật mình, đang viết cũng phải buông bút quay lại, hỏi gã. Bởi, liên quan đến những người bà con, họ hàng bên ngoại tôi, mà tôi chứng kiến, từ mấy chục năm trước:

Với trình độ thiến heo, tiến sĩ hữu nghị của Tịnh Thiến không thể gặp may mãi được. Đặng Chế con cô Đặng Thị Uẩn em kế của ông Trường Chinh, trong họ anh gọi mẹ tôi là bác. Là giảng viên Đại học giao thông Hà Nội lâu năm, nên anh đủ tiêu chuẩn khám chữa bệnh ở khu hạng bét của Việt Xô. Và anh Đặng Chế cũng là thày dạy của Nguyễn Đức Kiên Cường. Đang khỏe mạnh, gần nửa đêm anh bị đau bụng. Không muốn làm phiền ai, anh tự đạp xe vào Việt Xô. Thật là, còn đen đủi hơn đại hạn bốn chín, Đặng Chế gặp đúng vào ca trực của Tịnh Thiến. Chẳng biết Tịnh Thiến khám như thế nào, và cho uống những thứ thuốc bậy bạ gì, làm anh Chế chết ngay trong đêm ở bệnh viện. Sáng hôm sau gia đình, và Trường Đại học giao thông mới biết. Mới đầu, gia đình cũng định làm cho ra ngô ra khoai. Nhưng không hiểu, anh Đặng Hồi Xuân, Bộ trưởng y tế làm tư tưởng với cô Uẩn, chị Phương (vợ anh Chế) hay ở cấp cao hơn chỉ đạo xuống, không làm ầm ĩ lên nữa. Tất cả ngậm miệng, im lặng. Bực mình, hôm đám tang anh Chế, tôi rủ anh Bộ con út của cô Uẩn đi tìm Tịnh Thiến tẩn cho một trận. Song ông anh họ Đặng Đình Phúc trưởng khoa tai mũi họng Việt Xô tìm cách ngăn lại. Có lẽ, Tịnh Thiến là bạn cùng học bác sỹ chuyên tu, rồi cùng đi nghiên cứu sinh ở Đông Âu, và là cạ của Đặng Hồi Xuân chăng? Bởi, Đặng Hồi Xuân có thời gian làm Giám đốc Việt Xô. Một bên là họ hàng, một bên là cánh hẩu, Đặng Hồi Xuân thật khó xử lý. Rút cuộc, Tịnh Thiến được thoát nạn, tuy nhiên nghề cầm dao thiến heo vĩnh viễn phải chấm dứt từ đó.

Nghe tôi nhắc lại câu chuyện đầy đủ hơn, Cường bảo: Chuyện này tôi còn nhớ, nhưng không rành rọt cho lắm. Cũng không ngờ thày Đặng Chế là họ hàng, bà con của ông. Gia đình tôi, thời gian đó chao đảo lắm. Tôi hỏi: Cuộc sống của Tịnh Thiến (tức bố ông) sau đó ra sao? Gã cười nhạt: Vật vờ, mọi người lánh xa cả. Cũng may lúc đó tôi kịp chuyển ra Bộ giao thông, chứ còn mặt mũi nào ở lại trường…

Trước khi về, Cường hỏi: Ngày mai, ông có thể cùng tôi ra Sở xã hội không? Có việc gì! Tôi hỏi lại Cường. Gã bảo: Phụ bếp, rửa chén bát ứ đến tận cổ rồi, tôi muốn xin Sở xã hội học tiếng, sau đó học lại, lấy bằng kỹ sư của Đức, để dễ xin việc làm. Sao bảo, ông qua đây để học thạc sĩ, tiến sĩ cơ mà, tôi hỏi tiếp gã như vậy. Cường đỏ mặt cười cười: Nói vậy cho máu thôi. Đơn tị nạn chính trị của vợ chồng tôi đều bị bác rồi. Luật sư nói, phải chờ luật nhân đạo đối với công nhân hợp tác lao động của Quốc hội kỳ này. Nếu Quốc hội thông qua, tôi có cửa ăn theo vợ.

Sáng hôm sau, tôi đi cùng Nguyễn Đức Kiên Cường ra Sở xã hội. Qủa thực, Cường không hề biết tiếng Đức, ngoài hai câu, chào và tạm biệt. Đang lơ ngơ tìm chỗ lấy số thứ tự, chợt có tiếng gọi, tôi quay lại, nhận ra Thắng Còi. Thắng Còi là kỹ sư, học Bách Khoa Hà Nội khóa 23, đói ăn, sung vào đội quân cày thuê, cuốc mướn cùng ở Leipzig với tôi, nhưng khác đội. Hỏi làm gì ở đây? Thắng Còi bảo, đến xin tiền học thêm tiếng Đức, để học lại cái bằng kỹ sư máy điện. Thế là, có bạn cùng đường nhé, tôi bảo Cường như vậy. Rồi nhờ Thắng Còi dẫn Cường cùng vào trình bày, và nộp đơn cho tiện. Bởi, tiếng Đức của Thắng Còi rất khá. Lúc sau, hai gã ra, nhìn mặt mày tươi rói. Hỏi thế nào? Cả hai cùng đồng thanh: Sở xã hội hứa, sẽ cố gắng giúp, kết quả gửi tới nhà bằng đường bưu điện.

Phải nói, Baden-Württemberg là một trong vài, ba bang giầu có nhất nước Đức, bởi, tập trung nhiều nhà máy sản xuất Auto, và điện tử, công nghiệp. Do vậy, quĩ xã hội lớn, mọi việc xin xỏ sẽ dễ dàng chấp nhận hơn. Ở các bang khác vào những năm 1991-1992, mấy ông lật khật đang xin tị nạn như, Cường hay Thắng Còi, hoàn toàn không được phép đi học. Người Việt xuất thân từ công nhân hợp tác lao động, hay mới vượt biên vào Đức, nộp đơn tị nạn thời gian đó, dường như, chỉ có Nguyễn Đức Kiên Cường và Thắng Còi ở Baden-Württemberg được đi học kiểu này.

Ngay sau đó tôi chuyển về thành phố Leipzig. Thỉnh thoảng, Thắng Còi cũng về Leipzig chơi. Hắn kể, Nguyễn Đức Kiên Cường đã bỏ học, bởi không thể vượt qua được môn tiếng Đức. Và Quốc hội đã thông qua luật nhân đạo, công nhân hợp tác lao động được phép ở lại Đức. Đỗ Nga Thị, vợ Cường đã rút đơn xin tị nạn, nhận giấy phép cư trú nhân đạo. Cường được ăn theo vợ… và công việc phụ bếp, rửa chén đĩa vẫn không chịu buông tha hắn.

Từ đó, tôi ít có tin tức về Nguyễn Đức Kiên Cường, cứ ngỡ gã đã an phận với cái nghề rửa bát, lau chén đĩa của mình. Nhưng đầu hè 1997, bất ngờ Cường điện thoại cho tôi. Qua giọng nói, biết ngay tâm trạng gã đang lúc phấn khích, muốn được chia sẻ:

-Này Đỗ Trường, kể từ giờ phút này, tôi trịnh trọng tuyên bố giã từ cái nghề bếp núc của mình.

Biết cái tính phổi bò của Cường, nên tôi động viên ai ủi:

- Tìm được công việc mới hay sao? Ở Đức từ bác sỹ, kỹ sư đến người lao công, rửa bát đều được coi trọng như nhau. Quen việc rồi chuyển đổi làm gì.

Gã cười:

-Ông không hiểu được đâu. Cái nghề hoạn lợn và cái nghề rửa bát này, không hiểu sao nó cứ ám ảnh, dày vò dẫn đến sự tự ti, mặc cảm trong tôi. Dù ở Đức, song sự tự ti ấy, luôn làm cho tôi không còn là tôi nữa. Có đêm, tôi giật mình tỉnh giấc, mồ hôi vã ra cứ tưởng là máu, kinh sợ, như vừa bị ông bố, ông cố, ông tổ… đè xuống thiến sống mình vậy. Cho nên, nhiều lúc, tôi muốn rời xa tất cả, nhưng hoàn toàn bất lực. Cơ hội đã đến, dứt khoát tôi phải dứt bỏ nó.

Tôi dịu giọng, trước lời nói có vẻ sên sến, nhưng quả thực cảm động của gã:

-Thế ông định chuyển sang nghề gì, ở đâu?

Gã trả lời rất nhanh gọn:

- Việt Nam.

Tôi hơi bị giật mình, và không tin cho lắm:

-Việt Nam. Ông có đùa không đấy. Bao người về trắng tay, rồi lại phải ngược sang.

Gã giải thích:

-Bởi họ không, hoặc chưa đi đúng đường thôi.

Tôi hỏi lại:

-Thế ông định làm gì?

Gã có vẻ tự tin:

-Quyền lực. Tôi sẽ đầu tư vào quyền lực.

Tôi hơi bị hoa mày chóng mặt với ý đồ của gã này:

-Ông định làm học trò của Lã Bất Vi hay sao? Nguy hiểm lắm.

Gã không trả lời. Tôi định gác máy, nhưng đột nhiên gã nói thật nhanh:

-Yên tâm đi. Chưa thể nói cụ thể với ông, song con đường về của tôi đã có bọc lót hết rồi…

Và từ đó đến nay, trên hai mươi năm tôi chưa hề gặp lại Nguyễn Đức Kiên Cường. Hình như, tôi đã quên hẳn gã. Nếu thời gian gần đây, không thấy xuất hiện một ông quan lớn lập pháp, tiến sĩ Nguyễn Đức Kiên Cường miệng thét ra lửa, thường xuyên trên truyền thông, báo chí, thì có lẽ, tôi không biết cái sự đầu tư quyền lực của gã thành công đến vậy. Và dường như càng thành công, càng trèo cao thì bàn tay sắt của gã càng thít chặt cái chuồng người ở chính quê hương mình.

Đây chắc chắn là một trong những ván bài Ù quái thai, lớn nhất của cuộc đời gã, đất nước gã. Một ván Ù những người không chơi, không đặt cược cũng trắng tay.

Đỗ Trường