Lúc vui miệng, soạn giả Nguyễn Phương đã kể lại chuyện ông
Chín Trích đập vỡ cây đàn:
“Ngày cô Năm Phỉ mất, người đến viếng tang
nghe nhạc sĩ Chín Trích đàn ròng rã mấy ngày liên tiếp bên quan tài… Ông vừa đờn
vừa khóc. Đến lúc động quan, trước khi đạo tỳ đến làm lễ di quan, nhạc sĩ Chín
Trích đến lậy lần chót, ông khóc lớn: ‘Cô Năm đã mất rồi, từ nay Chín Trích sẽ
không còn đờn cho ai ca nữa…’ Nói xong ông đập vỡ cây đờn trước quan tài người
quá cố.” (Thời Báo USA, số 321, 18/02/2011).
Cô Năm Phỉ qua đời năm 1952, vì tai biến mạch máu não, khi đang trình diễn tại rạp Nam Quang. Cái chết đột ngột của người nghệ sỹ tài ba này, ngay trên sân khấu của gánh hát Nam Phỉ, được tất cả các tờ nhật báo ở miền Nam trang trọng loan tin, khiến cho khán giả mộ điệu bốn phương bàng hoàng nuối tiếc! Thập niên 50 và 60 là thời vàng son của nền cổ nhạc, vẫn theo như lời kể của Nguyễn Phương: “Saigon và các tỉnh thành ở miền Nam Việt Nam, có nhiều đoàn hát cải lương như đoàn hát Nam Đồng Ban, Huỳnh Kỳ, Trần Đắc, Phước Cương, Văn Hí Ban, Văn Võ Hí Ban, Tân Thinh, Hữu Thành, Phụng Hảo, Nam Hưng, Kỳ Quan, Tập Ích Ban, Thái Bình, Tiến Hóa, đoàn cải lương Hậu Tấn – Năm Nghĩa, Hậu Tấn – Bảy Cao, Việt Kịch Năm Châu, đoàn Mộng Vân, đoàn Sống Mới – Năm Nở, đoàn hát Phát Thanh, đoàn Tiếng Chuông (còn nhiều nữa, kể không xiết…)”
Cùng lúc, đây cũng là thời mà “cái nghề nghiệp
ca trù (bị ) truy nã tận cùng”, ở bên kia giới tuyến, theo như cách nói của
Phùng Cung. Qua truyện ngắn Mộ Phách, tác giả đã kể lại chuyện đập vỡ một cây
đàn khác (của một đôi nghệ sĩ khác) sau khi thời thế đã buộc họ phải bỏ nghề :
“Vợ chồng kép Chản, đào Khuê lặng buồn,
trăn trở thầm kín, nuối tiếc không phải là sự thất thoát lưng cơm, manh áo, mà
là sự đổi thay từ dáng dấp đến vẻ mặt, đến lời ăn tiếng nói của cả vợ chồng. Tư
Chản rầu rĩ thương nghề, thương vợ mà không một lời phàn nàn ra miệng.
“Ngày nào ông cũng hai lần nâng tấm khăn,
nhìn kỹ toàn cây đàn. Sóc, vọng hai lần mỗi tháng; vào buổi tối, ông đều lau bụi,
và bàn tay lại chạm khẽ lên dây tơ, lặng nghe tiếng xa xưa vọng lại. Ông đứng
ngẩn ngơ, quên, nhớ mông lung. Trước khi quay lưng ông không quên chắp tay
thành kính vái cây đàn đủ bốn vái.”
Sự “rầu rĩ thương nghề” của kép Chản, cũng như thái độ
“thành kính” của ông với cây đàn – tất nhiên – không qua khỏi tai mắt
nhân dân và (cuối cùng) đã lọt đến tai cậu con trai, đang đi bộ đội ở
xa. Khi được về phép thăm nhà, cậu không bỏ lỡ cơ hội để “động viên” hai đấng
sinh thành:
- Bố mẹ bình tĩnh nghĩ xem, việc làm lạc
hậu ấy, nó kìm hãm bước tiến của con. Có lẽ đâu gia đình của một quân nhân cách
mạng lại như vậy. Bố mẹ vẫn tự cùm mình trong thành phần tiểu tư sản nông thôn.
Con chậm kết nạp Đảng là vì vậy: là vì cây đàn!
Ông Chản như bị cứng lưỡi, không dám nhìn lại
con, ngơ ngác; đi lùi lại hai bước; vẫn không cất nên lời. Thuyên giục bố:
- Bố cứ đập quách nó đi!
Ông Chản nhìn lên cây đàn, mặt nhợt đi, miệng
lắp bắp lạc giọng:
- Thôi! Mày đập đi Thuyên ạ!
- Vâng, để con! Mắt Thuyên long lên…
‘Choác!’ một tiếng trước cửa bếp.Thuyên mắm
môi, quắc mắt, tay đập, chân đạp vào cần vào đáy đàn khiến cây đàn biến thành củi.
Ngoài sân, ông Chản bưng tai như nghe sét đánh, liêu xiêu bước ra ngõ.” [Phùng
Cung. “Mộ Phách.” Truyện Và Thơ (Chưa Hề Xuất Bản). Văn Nghệ:
California, 2003].
“Mộ Phách,” theo nhận xét của nhà phê bình văn học Thụy Khuê: “Là bài điếu văn cho thi ca, cho âm nhạc trong một thời mà nghệ thuật đích thực không còn chỗ đứng.”
Bây giờ chắc không thể được như thế, ngay mới
đây thôi, hai tối 17&18/9/2010, chương trình hòa nhạc ‘VNSO Beethoven cycle
Vol.5’ với nghệ sĩ piano nổi tiếng người Nhật Michie Koyama (Người đoạt cả 2 giải
quốc tế vào loại lớn nhất, Chopin và Tchaikovsky) thì vắng người xem… Bây giờ
thì số đông người ta chọn nghe Hương Lan, Tuấn Vũ. Vậy văn hóa Hà Nội đang xuống
cấp so với chính ta?”
Nói thiệt: không nhờ cái ông Phúc này thì phen
này tui hố nặng. Ai mà dè rằng người Hà Nội chỉ sính nghe nhạc cổ điển Tây
Phương, và những “đêm nhạc Beethoven ở Nhà Hát Lớn lúc nào cũng đông kìn kịt
người” như thế. Vậy mà tui cứ tưởng là dân Hà Thành chỉ toàn nghe loại nhạc loa
(giăng mắc khắp Ba Mươi Sáu Phố Phường) thôi chớ.
Tôi thực lấy làm tiếc vì sự hồ đồ của mình, và
vô cùng cảm kích vì những thông tin rất quí giá (và cũng hơi quí tộc) mà ông
giáo sư vừa cung cấp. Tôi chưa bao giờ có cơ duyên được đặt chân đến mảnh Đất
Ngàn Năm Văn Vật. Một kẻ xa lạ (tới cỡ đó) mà cứ tiếp tục huyên thuyên nói mãi
về Hà Nội, và Thời Đại Hồ Chí Minh Quang Vinh, xem ra, cũng có hơi kỳ, nếu chưa
muốn nói là… lố bịch!
Xin nhường lời lại cho một ông bạn cố tri, vốn người đất Tràng An, một tác giả sinh trưởng trong lòng cách mạng: “Nơi em về trời xanh không em… ? Bên này vĩ tuyến 17 không có một câu hỏi thơ mộng, lãng mạn như vậy, còn các Vũ Hoàng Chương, Khái Hưng, Hàn Mặc Tử… đã bị đánh bật rễ khỏi người đọc, gom lại trong cái nghĩa địa văn hóa cổ, le lói trong ký ức người già. Các tay ‘yêu’ lừng lẫy một thời vẫn còn đấy, nhưng đã biến thành Xuân Diệu Xuân Xanh Xuân… Tóc Đỏ.” (Thế Giang. Thằng Người Có Đuôi. Nguời Việt: California, 1987).
Thảo nào, khi Hương Lan và Tuấn Vũ mang những bản nhạc sến của
miền Nam ra trình diễn thì “họ ăn khách Thủ đô đến ngỡ ngàng.”
Còn “ngỡ ngàng” cái con bà gì nữa, cha nội?
Chớ (không lẽ) suốt ngày cứ bâng khuâng “nhớ
đôi dép đơn sơ đôi dép bác Hồ,” suốt đêm cứ nằm mơ thấy “râu Bác dài, tóc Bác bạc
phơ,” và suốt đời lúc nào cũng chỉ có mỗi một “nguyện vọng duy nhất” là được dịp
“dâng lên cho Đảng cả niềm tin chiếu sáng ngời” sao?
Hát hò kiểu đó hoài, mắc cở chết mẹ, chịu đời
sao thấu? Thỉnh thoảng cũng phải có Chuyện Tình Lan Và Điệp, Hoa Sứ Nhà
Nàng, Giọt Lệ Đài Trang, Lâu Đài Tình Ái, Người Yêu Cô Đơn… này nọ – cho nó
hợp với tính thật của mình, và đỡ ớn (chè đậu) chút xíu chớ! Đúng không?
Đi nghe Hương Lan và Tuấn Vũ hát thử một đêm,
giữa lòng Hà Nội, cũng tựa như đi ăn một bữa phở chui vào thời bao cấp vậy.
Dù “nhạc sến” không được “chất lượng” gì cho lắm nó vẫn có thể khiến cho thiên
hạ bùi ngùi, xuýt xoa hay hít hà và nước mắt nước mũi ướt khăn chỉ
vì họ đã (lỡ) phải ăn những tô phở quốc doanh, không người lái, cũng chả tiêu ớt/hành
ngò gì ráo, quá lâu rồi!
Giản dị, và trần trụi, chỉ có “thế thôi” mà
giáo sư âm nhạc Đặng Hữu Phúc đặt vấn đề rất trầm trọng (nghe) thấy ghê quá
hà: “Nếu ta cứ khuyến khích thế hệ trẻ nghe và ta cứ quảng bá những
loại nhạc ‘rác’, nhạc bình dân, ca khúc quần chúng mãi, thì rồi sẽ đến một lúc
họ sẽ quay lưng lại với Bach, Beethoven, Chopin… với Quan họ, Chèo, Ca
trù… với văn hoá đích thực. Đó sẽ là chuyện tất yếu và đã xảy ra rồi.”
Coi: Đảng và nhà nước (ta) có “khuyến khích”
và “quảng bá những loại nhạc rác” cũng như “nhạc vàng, nhạc sến” bao giờ đâu, hả
Giời? Nói theo nguyên văn lời của Phùng Cung là chúng bị “truy nã đến tận
cùng,” từ hơn nửa thế kỷ nay, nhưng vẫn (may mắn) thoát nạn đấy chứ. Chúng bị cả
chục “nghị quyết” (rắp tâm) chôn sống nhiều lần nhưng vẫn không (chịu) chết đấy
thôi.