Khi một đứa trẻ khóc, có một điều gì đang xảy ra. Đói, khát,
bệnh tật, giận dữ, đau, một điều gì trẻ con không diễn tả được. Người lớn không
khóc vì họ biết cách diễn tả những xúc cảm ấy. Khi không biết cách, người lớn
cũng khóc. Chiếc thuyền nổ máy rẽ sóng chạy đi, đứa trẻ cuối thuyền lại khóc rất
to. Người mẹ lấy tay bịt miệng, nhưng nó khóc dữ quá, không ngừng. Tôi cố xích
lại gần, đưa tay sờ lên trán. Đó là đứa bé trai mới sinh, vài ba tháng, xanh
lét, gầy yếu. Không sốt, chỉ khóc ngằn ngặt, lịm người, mẹ dỗ thế nào cũng
không nín. Thỉnh thoảng chị úp mặt đứa bé vào bầu vú, nó ngậm một lát, lại nhả
ra, khóc ngất. Ngực chị xẹp lép, nhão, da từng lớp nhăn lại, tôi nghĩ như vậy
là mất sữa, không phải tắc sữa. Nếu tắc, ngực sẽ cương, đau nhức. Khoang thuyền chật, ngột ngạt hơi người, đứa trẻ càng khóc dữ. Một người nào lớn
tiếng mắng nhiếc người mẹ. Nhiều người khác cũng bực bội lên tiếng hùa theo, mỉa
mai, đe dọa. Ai cũng biết khi đi qua các trạm kiểm soát, tiếng khóc của đứa bé
có thể làm lộ bí mật. Nhưng làm cho một đứa trẻ ba bốn tháng tuổi đang đói khát
hay đang bệnh không khóc nữa là chuyện không thể được. Có một khoảnh khắc lẫn lộn
khi ánh sáng và bóng tối xô vào nhau, bôi xóa, làm thành nhau, khi người ta ở
trong sự lẫn lộn ấy, không có một quyết định nào được sinh ra. Người mẹ ngơ
ngác nhìn quanh, tuyệt vọng, ngượng ngùng cúi mặt ôm con. Đứa bé càng khóc lớn,
người mẹ cố dỗ cho con bú, chị lại đút núm vú đen đen vào miệng nó. Thằng bé ngậm
một hồi ngắn, mút, nhả ra, về sau không thèm ngậm nữa. Nó khóc vì đói. Người mẹ,
tôi nghĩ, có thể bị bệnh, có thể thiếu ăn, hay mệt mỏi do chạy trốn nhiều ngày,
lo lắng, nên mất sữa. Người chủ ghe quay đầu xuống nhắc lần thứ hai, lần thứ
ba, bảo cô ta làm cho đứa bé im miệng đi, ông nói, sắp qua trạm gác quan trọng
trên sông, trước khi ra cửa. Lát sau, một người cúi đầu xuống qua lỗ thông hơi
báo cho chúng tôi biết, bây giờ đã hết lãnh vực bảo trợ của họ, qua chòi canh
này mọi người sẽ ra biển, đây là chòi canh hỗn hợp, vậy cần tuyệt đối trật tự,
im lặng, anh dặn. Mọi người nhận ra tình huống gay cấn, căng thẳng, trong thuyền
nghe được tiếng thở của nhau. Đứa bé sau một lúc mút mãi đầu núm vú nhăn khô nứt
nẻ, lại khóc ngằn ngặt. Mọi người nhìn nhau. Sự bất lực là một cảm giác dị thường.
Tôi không biết làm gì với tình huống trước mắt, tôi cố gắng kiểm soát những điều
không thể kiểm soát.
Sự tồn tại của linh hồn trong thể xác là sự tồn tại mong
manh. Không có nước uống trong ba ngày, tôi sẽ chết. Không có không khí để thở
trong một phút, tế bào não tổn thương, trong ba phút, tôi mất ý thức, trong năm
phút, cái chết đến. Sự biến mất của sự sống ra khỏi thân xác là không hồi phục.
Sự tồn tại của con người thật yếu đuối, chỉ một thoáng, vô vàn hung hiểm. Chúng
ta chỉ còn biết dựa vào nhau. Con người chỉ tồn tại trong mối quan hệ với người
khác. Tôi thuộc về người khác.
Làm sao tôi có tự do nếu tôi thuộc về người khác?
Chính là trong khi thuộc về người khác mà tôi có tự do.
Một người nhìn tôi, từ phía sau. Người phụ nữ ngồi bên kia mạn
tàu đối diện hai mẹ con khom người đứng dậy. Tôi tránh ra, tò mò quan sát. Một
phụ nữ trẻ, có lẽ chưa đến ba mươi, môi son, mặt phấn, quầng mắt thâm lại, lông
mày dài, ánh mắt nhìn mệt mỏi, buồn chán, bất cần, nhưng lấp loáng một tia sáng
khó hiểu. Cách ăn mặc lạ, diêm dúa một cách dễ ghét, một cách ngây thơ, một
cách đáng yêu. Giữa những người phụ nữ khác, lam lũ, bần hàn, ở giữa những bộ
áo quần xám ngoét mà mọi người cố tình mặc vào trên đường trốn chạy, phong cách
của cô thật không hợp tí nào. Thấy tôi nhìn tò mò, người đàn ông ngồi bên cạnh
bảo khẽ vào tai tôi, nửa châm biếm nửa thích thú, đó là gái, từ Sài Gòn. Cô
lách qua những kẻ nằm ngồi, tiến tới người mẹ, quỳ xuống trước mặt đứa bé, đưa
tay ôm lấy nó. Người mẹ trao đứa con, ngỡ ngàng, cam chịu. Cô gái úp đứa bé vào
ngực mình, luồn một tay vào dưới người nó, nâng lên, mở bật cúc áo ngực của
mình. Cô ngồi nghiêng, dựa vào mạn thuyền, ép cho hai người khác ngồi xích ra.
Trước khi tôi kịp nhìn kỹ, đứa bé đã vùi mặt nó vào ngực của người đàn bà lạ,
mút lấy mút để. Thì ra đó là một người đàn bà cũng đang cho con bú, vì bầu ngực
vẫn còn căng sữa.
Cô xuống thuyền lúc nào không ai biết, cô đi một mình hay đi với ai, đứa con
đang bú sữa của cô thất lạc ở đâu, hay để lại trên bờ, cho ai, tại sao, mọi thứ
đều mơ hồ. Bất cứ một kết luận nào vào lúc này là không thể. Không ai nói gì, mọi
người lặng lẽ đưa mắt nhìn cảnh một người đàn bà cho trẻ bú. Tôi ngồi đó dưới
quầng sáng của ngọn đèn vàng ảm đạm trên trần, nhìn người phụ nữ vạch áo, cúi
xuống. Thời tôi còn nhỏ, mẹ tôi cũng bị khắt sữa, khi tôi lên ba tháng tuổi, bà
đã bồng tôi đi bú nhờ những người phụ nữ mới sinh con khác trong xóm. Người quê
tôi nói việc bú nhờ ấy là mẹ tôi tìm cách gọi sữa về. Sữa của người khác kêu gọi
sữa mẹ về. Sữa mẹ cũng là sữa mẹ của người khác. Tôi nhìn thấy sự phụ thuộc,
nhìn thấy tình yêu, sự gắn bó, nhìn thấy tình mẫu tử, sự đói khát, nỗi khổ nhục
và lòng hy vọng trên khuôn mặt người đàn bà, hơi cúi xuống, xoay người lại. Tôi
nhìn thấy ngọn đèn điện vàng lắc lư, không phải vì sóng lớn dù thuyền ngày một
chạy ra gần phía cửa biển, mà vì những người ngồi trong thuyền lòng lo âu,
không yên ổn. Người sợ hãi, người tức giận, người cầu nguyện, người chửi rủa,
người thỏa hiệp, người chạy trốn, người tỏ niềm yêu thương, những tâm sự ấy
thay đổi, khi nặng khi nhẹ, khi xa khi gần, làm con thuyền lảo đảo. Thế rồi nó
cũng chạy ra đến giữa dòng sông và bắt đầu chạy băng băng dưới ánh sáng của vài
ngôi sao thưa thớt, lúc này đã rẽ mây lộ ra, chiếu qua cái lỗ nhỏ trước mặt
tôi, ở mũi thuyền. Tôi không thể nhìn thấy chính tôi được. Đời sống không phải
là một tấm gương. Bên ngoài tấm gương, tôi cười nói thế nào, cử động ra sao,
yêu mến và căm giận thế nào, trước mắt người khác, tôi không thể biết được. Khi
nhận xét người khác, tôi cố không quên rằng người khác không nhìn thấy hình ảnh
của họ như tôi nhìn thấy.
Con người ngậm kín cái tốt vào lòng. Để khỏi mua lấy vạ hiềm
nghi ghen ghét. Tôi nhìn đứa bé từ sau lưng, sự rung động khẽ của đôi vai nhỏ
bé, vẻ hạnh phúc của cái gáy nhỏ xíu măng tơ. Phút này qua phút khác, có lẽ lâu
lắm, cho đến khi đứa bé bắt đầu thỏa mãn, bú chậm lại, nhưng nó vẫn ôm lấy bầu
ngực của người đàn bà lạ, ngủ thiếp đi. An tâm, âu yếm úp mặt vào ngực người
đàn bà, người mẹ thứ hai của nó, vì người đàn bà nào mà cuối cùng không phải là
một người mẹ, khuôn mặt của nó đẹp như thiên thần. Bây giờ người phụ nữ ngồi im
lặng. Cô lắng nghe tiếng động khẽ khàng của đứa bé, hơi thở của nó, nhịp tim đập
của nó, sự vận động của các bắp thịt, tiếng nước chảy, lắng nghe khuôn mặt của
đứa bé, run rẩy, hạnh phúc. Sau này, mỗi khi nhớ lại, hình ảnh người đàn bà và
đứa trẻ lại hiện ra trong tôi tươi mát như mưa xuân trên mạn thuyền, khi người
ta có thể gọi sữa về từ một bến bờ xa lạ nhưng cũng thật gần. Tôi nhận ra không
phải ta đi tìm tuổi thơ của mình mà tuổi thơ đi tìm ta, tìm và lay gọi.
Nguyễn
Đức Tùng