Trái, “Cô
bé Afghan”, 1984, Steve McCurry; “Cô
bé Sudan”, 1994, Kevin Carter; và “Cô
bé Napalm”, 1972, Nick Út.
Vào mùa đông năm 1984, nhiếp ảnh gia Steve McCurry tháp tùng phóng viên Debra Denker của tạp chí National Geographic thăm một trại tị nạn Nasir Bagh ở Paskistan gần biên giới với Afghanistan, nơi chứa hàng ngàn dân tản cư từ Afghanistan chạy tránh chiến tranh giữa các lực lượng kháng chiến Afghan chống lại quân Nga Sô xâm lăng thời bấy giờ. Tại đây ông McCurry đến thăm một lớp học và bị lôi cuốn bởi một cô bé khoảng 12 tuổi có đôi mắt mầu xanh lục rất lạ. Cô giáo của cô, một phụ nữ bị mất một chân vì đạp phải mìn, cho biết cô bé tới trại sau hai tuần cùng bà ngoại (hay nội) và mấy nguời anh em vượt núi phủ đầy tuyết tại biên giới tới Pakistan sau khi cha mẹ bị máy bay Nga Sô dội bom chết. McCurry xin phép chụp hình cô bé và hoàn tất trong vòng vài phút.
Một trong những tấm hình chụp cận ảnh cô bé, trong tấm khăn
mầu đỏ cũ kỹ quấn hững hờ trên đầu viền quanh khuôn mặt nhếch nhác với đôi mắt
mầu lục như trong suốt nhìn thẳng vào ống kính, đã được Nat Geo chọn dùng làm
bìa cho số báo ra tháng 6 năm 1985 để nói lên thảm cảnh dân tị nạn ở biên giới
Afghanistan và Pakistan.
Bức chân dung của Cô bé A Phú Hãn không tên với cái nhìn như
xoáy vào lòng người đã trở thành biểu tượng của vấn nạn dân tị nạn khắp thế giới,
kể cả vấn nạn thuyền nhân Việt vào cuối thập niên 1970 tới giữa thập niên 1990
bấy giờ. Cái nhìn khiến có người ví với cái nhìn bí ẩn mê hoặc, ai-muốn-giải-thích-sao-cũng-được,
của Mona Lisa trong bức tranh nổi tiếng La Joconde của danh hoạ Leonardo da
Vinci.
Nhiều độc giả đã gọi điện thoại hay viết thư tới Nat Geo hỏi
thăm về cô bé. Có người muốn biết cái gì đã xẩy ra cho cô bé; có người muốn biết
làm thế nào để gửi tiền giúp cô bé; có người muốn nhận cô bé làm con nuôi; lại
có vài thanh niên muốn tìm ra tông tích của cô bé và nói sẵn sàng kết hôn với
cô nữa. Những câu hỏi, cũng như ánh mắt nhìn như xoáy vào lòng người của Cô bé
Aghan khiến McCurry cảm thấy một thôi thúc phải đi tìm cho ra tông tích của cô
bé mà khi chụp, McCurry không ngờ là bức hình có một sức mạnh khiến ai nhìn
cũng cảm thấy như bị thu hút vào chiều sâu trong suốt vô đáy ấy.
Suốt thập niên 1990 Afghanistan, sau khi thoát khỏi cuộc chiến
với quân đội Nga Sô, lại rơi vào sự cai trị hà khắc của chính phủ Hồi giáo cực
đoan Taliban. McCurry đã có những nỗ lực tìm kiếm tông tích của Cô bé Afghan
song không thành công vì Afghanistan đóng cửa biên giới không cho báo chí Tây
phương lai vãng.
McCurry cho biết tuy thế, “không một tuần nào qua đi mà
chúng tôi lại không nhận được nhiều câu hỏi về Cô bé Afghan đã ra sao, còn sống
hay đã chết, và nếu còn sống thì giờ ra sao.”
Cuộc truy tìm ‘Cô Bé Afghan’
Vào năm 2002, chính quyền Taliban bị quân Hoa Kỳ và đồng
minh đánh đổ sau vụ khủng bố 9/11 của quân al-Qadea của trùm khủng bố Osama bin
Laden mà Taliban dung dưỡng tại Afghanistan. Khi nghe tin Pakistan sắp sửa đóng
cửa trại tị nạn Nasir Bagh nơi McCurry đã chụp hình Cô bé Afghan gần hai chục
năm về trước, McCurry hướng dẫn nhóm làm phim truyền hình Explorer thuộc Nat
Geo lên đường đến Pakistan đi tìm cô bé.
Qua nhiều ngày thăm dò với một số người còn trong trại,
trong đó có cả cô giáo cụt chân đã dậy cô bé dạo nào, cuối cùng McCurry được một
người nhận ra cô bé trong hình và giúp phái đoàn tới gặp người anh của cô bé.
Người anh, với cặp mắt giống như mầu mắt của cô bé trong hình, cho biết cô em
gái đã cùng với chồng con hồi hương từ năm 1992 sau khi quân Nga Sô rút lui.
Anh ta tình nguyện về nước kiếm cô em và đem cô tới gặp McCurry và phái đoàn
Nat Geo.
Cuối cùng, McCurry được tái ngộ với Cô bé Afghan. Cô bé đã
là một phụ nữ có chồng và ba con, tên thật là Sharbat Gula, lúc ấy vào khoảng
30 tuổi (bởi chính chị cũng không biết tuổi thực của mình). Mặc dù khi thấy
Gula, McCurry nhận ra ngay nhờ cặp mắt không thay đổi bao nhiêu, dù vậy Nat Geo
cũng nhờ chuyên viên nhận diện con ngươi phân tích và so sánh cặp mắt trong tấm
hình chụp năm 1984 với bức hình Gula chụp năm 2002, cũng như nhờ FBI làm một cuộc
nhận diện khuôn mặt bằng máy vi tính. Cả hai thử nghiệm cùng xác quyết Gula và
cô bé trong bức hình 1984 là một.
Cuộc tìm kiếm Cô bé A Phú Hãn đã được nhóm thực hiện phim
Explorer thuộc Nat Geo Society làm thành phim tài liệu phát hành năm 2003, với
tựa đề “The Search for the ‘Afghan Girl’,” (Cuộc truy tìm Cô bé Afghan) dài 53
phút, hiện có thể xem trên YouTube.
Sau khi phim phổ biến, gia đình Gula đã phải thay đổi chỗ ở. Theo yêu cầu của
gia đình Gula, nơi ở của họ được dấu kín vì họ muốn sống một cuộc sống bình thường.
‘Cô bé Sudan’
Nhiếp ảnh gia gốc Nam Phi Kevin Carter là người được giải
Pulitzer cho bức hình đã gây chấn động về thảm cảnh chiến tranh đói khổ của dân
Sudan vào đầu thập niên 1990, tựa là “Cô bé Sudan”. Anh ta không có được cái
may mắn như nhiếp ảnh gia McCurry đi tìm và gặp lại chủ đề của mình.
Bức hình được giải danh giá Pulitzer mô tả một bé gái gục xuống
vì đói, với một con diều hâu đứng trực sẵn ở hậu cảnh. Bức ảnh Carter tình cờ
chụp được khi anh và một bạn đồng nghiệp chờ đi nhờ chuyến bay chở thực phẩm cứu
trợ của Liên Hiệp Quốc để đi săn hình về nhóm phiến loạn đàng sau cuộc nội chiến,
bên cạnh tình trạng hạn hán đã đưa tới nạn đói khủng khiếp ở Sudan—nạn đói đã
giết hại hàng trăm ngàn người.
Bức ảnh đã được tờ The New York Times mua và in nơi trang 3
số ra ngày 26 tháng 3, 1993; sau đó được các báo khắp nơi trên thế giới tường
thuật lại. Bức ảnh đoạt giải phóng sự nhiếp ảnh sáng giá Pulitzer năm 1994, trở
thành biểu tượng của nạn đói kinh hoàng ở Sudan dạo đó (và hiện lại đang tái diễn
khi người viết soạn bài này).
Đồng thời, bức hình cũng trở thành một trong những hình
phóng sự đã gây nhiều tranh biện nhất.
Cũng như trường hợp của McCurry với bức hình Cô bé Afghan,
liền sau khi hình được phổ biến, độc giả đã tới tấp gọi tới tòa báo hỏi thăm
cái gì đã xẩy ra cho cô bé đáng thương đó. Nhiều người chỉ trích Carter là đã
không làm gì giúp cô bé mặc dù đã trải qua khoảng 20 phút tại hiện trường, hình
như có vẻ còn hy vọng con kên kên xoè cánh để có một cái hình hay hơn. Bị vặn hỏi,
Carter giải thích là anh ta đã được dặn dò là không nên đụng vào các nạn nhân bị
đói để tránh bệnh tật, nên đã chỉ xua đuổi con kên kên đi sau khi chụp hình, và
cô bé cũng đã bò tới được trạm cứu đói cách đó vài thước.
Greg Marinovich, một đồng nghiệp của Carter, người đoạt giải
phóng sự nhiếp ảnh Pulitzer năm 1991 về một tấm ảnh một người da đen bị tình
nghi là gián điệp đã bị đánh đập và đốt sống trong một trong những đụng độ đầy
bạo lực tại Nam Phi khi còn dưới chế độ kỳ thị chủng tộc da đen (apaheid) của tập
thể lãnh đạo da trắng, đã lên tiếng bênh vực Carter. Ông nói: “Phần vụ của
[Carter] với tư cách một nhà báo, là trình bầy thảm cảnh của dân Sudan, đã hoàn
tất, đúng ra là vượt quá cả hoàn tất. Chuyến bay [Operation] Lifeline Sudan [của
Liên Hiệp Quốc] không chở Kevin và João [Silva, người đi cùng với Carter] đến
Sudan để nhặt nhạnh và cho trẻ em đang chết đói ăn — họ được đưa vào Sudan để
tường trình về những gì khủng khiếp nhất của nạn đói và quảng bá đến mọi người.”
Dù vậy, Carter không thể không bị ảnh hưởng bởi những chỉ
trích. Nếu McCurry của “Cô bé Afghan” có khả năng và hỗ trợ của cả một tổ chức
tên tuổi và nhiều nguồn tài lực như National Geographic Society để đi tìm cô bé
đằng sau tấm ảnh nổi tiếng đó, thì Carter, ngược lại, không có những điều kiện
may mắn đó.
Carter sinh ra trong một gia đình người da trắng, lớn lên ở
khu toàn da trắng thuộc thành phố Johannesburg, Nam Phi. Theo giõi những tin tức
về cuộc tranh đấu của người da đen mà người lãnh đạo là Nelson Mandela, Carter
đã cảm thấy có gì không ổn. Khi Carter bỏ ngang việc học dược, anh ta bị động
viên. Trong khi ở trong quân ngũ, một lần Carter thấy một người hầu bàn da đen
bị một số quân nhân đối xử tàn tệ ở trong phòng ăn của trại, anh ta nhẩy vào
can thiệp liền bị đánh đập. Bất bình, Carter bèn đào ngũ, nhưng sau vài thất bại
ngoài đời vì tình trạng bất hợp pháp của mình, anh đành phải trở lại hoàn tất
nghĩa vụ quân dịch. Sau khi chứng kiến vụ đánh bom của người da đen trong tổ chức
African National Congress chống lại chế độ kỳ thị của tập đoàn lãnh đạo da trắng
vào năm 1983 ở Pretoria, Carter quyết định trở thành phóng viên nhiếp ảnh.
Cùng với các đồng nghiệp phóng viên nhiếp ảnh Greg
Marinovich, Ken Oosterbroek và João Siva, bộ bốn thanh niên da trắng này họp lại
thành một nhóm được mệnh danh là the Bang Bang Club, là những người không quản
hiểm nguy chạy tới những nơi có súng nổ (trong khi thiên hạ chạy đi) để thu
hình, cung cấp cho các báo Tây phương để có dịp trình bầy với thế giới sự tàn bạo
của cuộc nội chiến ở Nam Phi giữa một đa số da đen đòi quyền sống và một thiểu
số da trắng thống trị và kỳ thị. Dù muốn dù không, loạt hình của nhóm Bang Bang
Club đã đánh động lương tâm thế giới về chế độ kỳ thị chủng tộc phi nhân và phi
lý của Nam Phi, và đã góp phần vào cuộc tranh đấu nhằm thay đổi chế độ này của
người Nam Phi, với phần lớn là gốc da đen, do Nelson Mandela lãnh đạo.
Thường xuyên chứng kiến và thu vào ống hình những cảnh con
người đối xử tàn bạo với con người đã ảnh hưởng tới tâm lý của người phóng viên
nhiếp ảnh. Thêm vào đó là áp lực của những bình phẩm về thái độ gọi là tắc
trách đối với cô bé trong bức hình đã đoạt giải Pulitzer. Tờ St. Peterburg
Times ở Florida, trong một bài bình luận, đã thống trách Carter, rằng: “Người
đàn ông này đã điều chỉnh ống kính để thu vào gọn trong khung hình nỗi khổ đau
của cô bé, có khác nào một tên săn mồi, một thứ kên kên khác trong cảnh trên.”
Nghèo đói, nợ nần, lại bị ảnh hưởng bởi thuốc, Kevin rơi vào
tình trạng trầm cảm trầm trọng. Vào ngày 27 tháng 7, 1994, vài tháng sau khi
lãnh giải Pulitzer, ở tuổi 33, Carter lái chiếc pickup của mình tới một nơi anh
hay tới chơi hồi còn nhỏ, tự vẫn chết bằng hơi độc mà anh ta dẫn bằng một cái ống
từ ống khói của xe qua cửa sổ vào chỗ tài xế ngồi.
Carter để lại một lá thư tuyệt mệnh, có đoạn như sau: “Tôi
vô cùng xin lỗi. Sự đau đớn của đời sống đã lấn lướt niềm vui đến đỗi niềm vui
không còn hiện hữu nữa… tuyệt vọng… không điện thoại… tiền trả tiền thuê nhà…
tiền trả cho con… tiền trả nợ… tiền!!!… Tôi bị ám ảnh bởi những ký ức sống động
về các vụ giết người và tức giận và đau đớn… của trẻ em chết đói hay bị thương
tích, về những người điên nổ súng và hể hả trong việc bắn giết, thường là cảnh
sát, của những tên hành quyết khát máu… Tôi đi để đoàn tụ với Ken [Oosterbroek,
một đồng nghiệp trong nhóm Bang Bang Club bị tử thương trước đó một thời gian
ngắn khi cùng với Carter đến thu hình một vụ xung đột], nếu tôi được may
mắn như anh ấy.” Và Carter đã toại nguyện.
Bi kịch Kevin Carter trong bối cảnh Nam Phi trong thời kỳ
còn chế độ “apaheid” (chế độ này chỉ chính thức kết thúc bằng cuộc bầu cử lịch
sử vào năm 1994 với việc thắng cử của cố Tổng thống da đen đầu tiên của Nam
Phi, Nelson Mandela), cũng như đời sống đầy hiểm nguy của các phóng viên nhiếp ảnh
đã được Greg Marinovich và João Silva ghi lại trong cuốn hồi ký “The Bang-Bang
Club – Snapshots from a Hidden War”, xuất bản năm 2001, khá lôi cuốn, với nhiều
cảnh bạo lực khiến một người nhậy cảm có thể không chịu được. Năm 2010, đạo diễn
Steven Silver thực hiện thành phim cùng tên, nhưng không thành công lắm. Cái chết
của Carter cũng đã là chủ đề của một cuốn phim tài liệu ngắn khoảng nửa tiếng,
tựa là “The Death of Kevin Carter: Casualty of the Bang Bang Club” (2006), do
Dan Krauss thực hiện. Phim đã được đề cử vào tranh giải Oscar dành cho phim tài
liệu ngắn cùng năm.
Trái, bìa cuốn hồi ký “The Bang Bang Club – Snapshots
from a Hidden War”, xuất bản lần đầu năm 2001, của phóng viên nhiếp ảnh Greg
Marinovich và João Silva, hai trong bốn người sống sót của nhóm The Bang Bang
Club. Giữa, bích chương của phim “The Bang Bang Club” (2011) do Steven Silver đạo
diễn, dựa trên cuốn hồi ký cùng tên. Trong bích chương, người đứng giữa là tài
tứ Taylor Kitsch, gốc Canada, thủ vai Kevin Carter. Và phải, bích
chương phim tài liệu “The Death of Kevin Carter – Casualty of the Bang-Bang Club”
do Dan Krauss thực thiện vào năm 2006.
‘Cô bé Napalm’
Trong ba bức hình nổi tiếng chọn cho bài viết này, bức “Cô
bé Napalm”, do phóng viên nhiếp ảnh Nick Út chụp và đã đoạt giải ảnh phóng sự
Pulitzer năm 1972, đã mang lại cho người chụp cũng như chủ đề của hình những kết
quả tích cực và cảm động hơn cả.
Vào một ngày tháng 6 năm 1972, trong một trận dội bom xuống
một làng ở Trảng Bàng, Nam Việt Nam, nơi đã bị Cộng quân tấn công và chiếm
đóng, phi cơ của bên Việt Nam Cộng Hoà đã lầm tưởng một nhóm cư dân chạy tránh
bom đạn và đã thả bom lửa lầm xuống họ, giết chết một số người và làm bị thương
một số người khác. Phan thị Kim Phúc, lúc ấy mới 9 tuổi, bị phỏng nặng quần áo
bị cháy nên đã bị cô trút bỏ. Phóng viên nhiếp ảnh Nick Út của Associated Press
đã chụp được bức hình đã trở thành biểu tượng của cuộc chiến tại Việt Nam. Bức
hình đã được trao giải Pulitzer cùng năm.
Khác với McCurry, tác giả “Cô bé Afghan”, và Carter, tác giả
“Cô bé Sudan”, Nick Út có dịp giúp đỡ cô bé Phúc và các nạn nhân khác bằng việc
tìm phương tiện đưa họ tới nhà thương, và sau đó theo dõi cuộc đìều trị của họ,
đặc biệt của Phúc, người bị phỏng nặng hơn cả. Sau 14 tháng điều trị với 17 lần
mổ, Kim Phúc bình phục và trở về làng mình, nơi khi nào có dịp Nick Út ghé
thăm. Rồi họ mất liên lạc khi Nick Út di tản ra khỏi Việt Nam khi biến cố 30
tháng 4, 1975 xẩy ra.
Kim Phúc ở lại, trở thành một công cụ của chính quyền cộng sản
nhằm tuyên truyền về “tội ác của Mỹ Nguỵ”. Song cũng nhờ vậy mà Kim Phúc có dịp
được phép của nhà nước cho đi học ở Cuba vào năm 1986. Tại đây, cô quen biết với
Bùi Huy Toàn, người sau này trở thành hôn phu của cô. Năm 1992, hai người thành
hôn và lên đường đi Moscow hưởng tuần trăng mật. Khi chuyến bay của họ phải dừng
lại ở Gander, Newfoundland, Canada để đổ xăng, hai vợ chồng tìm cách trốn khỏi
máy bay và xin tị nạn chính trị ở Canada. Hiện hai vợ chồng sống tại Ajax,
Ontario gần Toronto và có hai con. Năm 1996 họ trở thành công dân Canada. Năm
sau, 1997, Kim Phúc thành lập Kim Phuc International Foundation
(www.kimfoundation.com/) nhằm giúp các trẻ em nạn nhân chiến tranh bị thương
tích cần chữa trị ở ngoại quốc. Kim Phúc đã đi nói chuyện ở nhiều nơi, đã là đề
tài của nhiều bài báo, sách, phim, bài hát, trong đó có cuốn “The Girl in the
Picture: The Kim Phuc Story, the Photograph and the Vietnam War” của Denise
Chong, xuất bản năm 1999, và bài hát “The Girl in the Picture” do nhà soạn nhạc
người Belgium Eric Geurts viết tặng Kim Phúc vào năm 2003.
Vào ngày 28 tháng 12 năm 2009, đài phát thanh National Public Radio phát
thanh khắp nước Mỹ bài nói chuyện đơn
sơ song cảm động của Kim Phúc, “The Long
Road to Forgiveness / Hành trình dài dẫn tới sự tha thứ”: trong loạt chương
trình “This I Believe”.
Trái, bích chương của một chương trình nói chuyện của Kim
Phúc. Phải, tại buổi tưởng niệm 50 năm bức hình lịch sử “Cô bé Napalm” tại
Trung tâm Văn hóa Trung Hoa ở Toronto ngày 3 tháng 12, 2022. (Ảnh Kim
Phuc Internationl Foundation)
Kim Phúc cũng đã gặp lại những người đã giúp đỡ cô khi bị nạn,
như các bác sĩ đã chữa trị cô ở Việt Nam, các phóng viên quốc tế đã giúp cô lúc
bị nạn và phổ biến trường hợp của cô như một trong những nạn nhân tí hon của
chiến tranh.
Và đã hẳn là cô cũng gặp lại người phóng viên nhiếp ảnh Nick
Út. Cả Nick Út lẫn Kim Phúc là những người may mắn đằng sau bức hình “Cô bé
Napalm” nhờ còn duy trì được một liên hệ bằng hữu cho tới nay.
Tuy vậy, gần đây có người đã công khai đặt nghi vấn về việc
Nick Út có thực sự là người đã chụp bức hình “Cô bé Napalm” đó. Song, đấy lại
là chuyện khác, không thuộc phạm vi của bài này.
Trùng Dương
[td2025-05]
Chú thích:
“The Search for the ‘Afghan Girl’” http://www.youtube.com/watch?v=kQyTgIWQbiU&list=PL6839B65DB79FF302&index=1