27 May 2015

Bán trâu - Trangđài Glasssey-Trầnguyễn

Sáng sớm, Bà Ngoại đội nón ra khỏi nhà. Ngoại đi kiếm người mua trâu.
Bước chân Ngoại chậm hơn mọi ngày. Dáng Ngoại dong dỏng cao, gầy guộc. Ngoại cao hơn Ông Ngoại nửa cái đầu, nhưng càng lớn tuổi, thì gánh nặng của cuộc đời đã kéo lưng Ngoại xuống, nên khi đứng gần, hai người cũng cao xấp xỉ nhau.

Mới trung tuần, mà Ngoại đã sống qua không biết bao cuộc chiến. Mỗi lần ngồi võng chơi, nói chuyện với con cháu, Ngoại hay kể chuyện chạy loạn. Giặc Bình Tây. Giặc Pháp. Ngoại đã sanh biết bao đứa con trong lúc chạy loạn. Thời của Ngoại, ở miệt ruộng, nhà nào cũng có chí ít năm bảy con. Ngoại sanh mười mấy lần. Cậu Năm chết non hồi nhỏ. Ngoại còn được bảy người con.

Ngoại làm lụng cả ngày, không ngơi. Đi coi ruộng, dòm chừng lúa, nhổ cỏ, dặm lúa. Mùa cấy, Ngoại đi kêu người dần công, rồi nấu cơm cho họ ăn. Ai cũng trông được dần công cho Ngoại, vì Ngoại nấu ăn khéo. Người ta kêu Ngoại là “Bà Mười,” vì Ngoại ở quê chồng. Khi về quê mình, Ngoại được gọi là “Cô Bảy.”

Ngoại đi tới trưa thì về. Mặt buồn hiu. Ngoại đã tìm được một ông lái trâu. Nhà còn mỗi con trâu để cày bừa. Bán nó đi, không biết cách gì làm ruộng. Nhưng không còn chọn lựa. Bán trâu. Không bom nổ, đạn bay, mà nặng nề tang tóc.
Không bán trâu, thì không có cách gì cứu Cậu Út. “Chôn dầu vượt biển” là quốc tội. Ngoại mong giữ mạng cho đứa con trai mới ngoài hai mươi của mình. Sáng sớm mai, Ngoại sẽ đem tiền lên xã để thế chấp cho Cậu về, ngoài việc phải thề thốt là sẽ không để con mình đi vượt biên nữa.
Ngoại ra chuồng trâu, đem theo xô nước ngọt cho con Đen. Chuồng trâu nằm ngay trước nhà, kế bên cái kinh đào dẫn nước từ sông vô ruộng. Nước mưa hiếm hoi ở miền đất mặn này. Nhưng Ngoại thương những thú vật nuôi trong nhà. Lúc nào, cũng cho chúng uống nước ngọt.
Con Đen đang nằm ngủ, thấy Ngoại đem nước ra thì đứng dậy, tới máng nước. Ngoại đổ chầm chậm hết xô nước, rồi vuốt đầu nó. Con Đen uống ngon lành.
Ngoại gom thêm mớ rơm bên góc trái chuồng trâu. Từng ôm rơm vàng hực, thơm nắng. Lần cuối nó được ăn rơm nhà. Ngoại bỏ nhiều hơn mọi ngày.
Ngoại ra ngoài liếp, cắt cỏ. Thường, Ông Ngoại cắt cỏ cho trâu. Bữa nay, Ngoại muốn lo cách riêng cho con Đen. Như một bữa tiệc tiễn chân.
Con Đen thấy Ngoại đem cỏ vô thì mừng xoắn đuôi. Chưa bao giờ nó được ăn cỏ trong buổi chiều như vầy. Giờ này, nó phải nhai rơm, hay nhai lại những thứ từ bao tử.
Ngoại không nói tiếng nào. Con Đen cắm đầu ăn.
Ngoại trở vô nhà. Tiếng gà gáy trưa từ xóm trên văng vẳng.
Có tiếng chó sủa trước sân. Ngoại đi nhanh ra cửa. Ông lái vừa trờ tới. Ngoại chào, mời ông vô nhà.
Ông lái ngồi xuống ở bàn giữa trong phòng khách. Phòng này là nơi thờ phượng. Chỉ những việc trọng đại nhất diễn ra ở đây, như cưới hỏi, ma chay, Tết nhất.
Cái khăn ren trên bàn đã ngả vàng. Ngoại rót trà mời khách. Cái bình trà bằng sành, có hình Chị Hằng cưỡi mây, có cái nắp tròn nhỏ xíu ở trên, với hai cái lỗ nhỏ để dễ lấy nắp ra. Bình trà được giữ ấm trong cái vỏ dừa có màu nâu. Trái dừa còn nguyên được phơi khô rồi cưa ngang ở phía đầu để lấy trái dừa khô ở trong ra mà vẫn giữ cho vỏ dừa còn nguyên. Phần trên làm thành cái nắp. Cái vỏ dừa này có thể giữ trà ấm cả tiếng đồng hồ. Đít dừa được gọt bằng triến để vỏ dừa ngồi yên trên bàn mà ôm bình trà, không lăn đi. Mỗi ngày, Ông Bà Ngoại pha trà ít nhất ba lượt, cũng với cái bình trà duy nhất này. Mùi trà nhè nhẹ nhón bước khắp phòng.
Trời đã bớt nắng. Ông lái đi đường xa khát nước, không kịp nhìn tách trà, đưa lên miệng hớp một ngụm lớn, rồi phun ra sàn đất. “Nóng quá!”
Nửa bực, nửa vội, ông xoè xấp tiền ra, đếm từng tờ một đưa cho Ngoại. Vì đã ép giá hết mức, nên ông lái không cần coi trâu mà chồng tiền luôn. Những tờ giấy đã mủn, những góc đã cuộn vào, có tờ sắp rời ra làm hai. Thời bệ rạc, giấy bạc cũng xuống cấp.
Giao tiền xong, ông lái quày quả đi ra sân trước, chui vào chuồng trâu. Con Đen còn đang đủng đỉnh ăn cỏ. Bữa tiệc chia ly mà nó tới giờ cũng không biết.
Ông lái lấy thế, nắm dây thừng, thử kéo con Đen. Nó chống lại, đứng yên. Lần trước, có một ông khác cũng đến buổi trưa, dẫn chồng nó, con Đực, đi mất. Mấy tháng rồi chưa thấy về. Nó chợt hiểu ra mọi sự.
Bà Ngoại bán con Đực lần trước để chuộc Ông Ngoại. Buổi chiều đó, cả nhà đang ăn cơm, thì công an xã ập vô. Họ đòi xét nhà, rồi lôi tất cả sách vở của Ông ra, dòm ngó từng cuốn. Mấy người công an này chưa bao giờ đi học. Họ không biết sách nói gì. Chỉ biết là họ phải hoạch hoẹ Ông để kiếm chác.
Nhà không có tiền. Dần da một hồi, họ còng tay Ông dẫn đi. Ngoại chết đứng giữa nhà. Sáng bữa sau, Ngoại nhắm mắt bán con Đực, lấy tiền chuộc chồng. Ngoại giữ con Đen vì lúc đó nó đang có bầu, Ngoại thương cảnh bụng mang dạ chửa của nó. Ngoại đã mấy lần phải sinh nở ngay trong chuồng trâu mấy lần chạy loạn. Ngoại không muốn con Đen chịu cảnh xa lạ, khó khăn trong lúc nó đang thai nghén.
Mấy ngày sau khi Ông được thả về, Ông Chín Tiền ghé thăm, chưởi thề không ngớt. Ông giận đỏ mặt, chưởi đám công an xã vô lối, không nghĩ tới bao năm trời Ông Ngoại đã tham gia kháng chiến chống Pháp. Dù gì, Ông Ngoại cũng đáng bậc cha chú của mấy tay công an này. Từ khi Việt Minh đổi thành Việt Cộng, Ông đã về vườn ở ẩn, làm kẻ sĩ đứng ngoài thế sự.
Ông Ngoại không nói gì, chỉ ngồi nhìn trân trân ra rừng nắng bên ngoài. Ông Chín Tiền chưởi hơn tiếng đồng hồ mới ngưng.
Trưa nay, trời cũng nắng như đổ lửa. Ông Ngoại đã ra ruộng coi lúa, không có nhà. Ông tránh để không phải chứng kiến cảnh bán trâu chuộc người một lần nữa. Bán con Đen rồi, lần sau, nhà có người bị bắt, sẽ bán cái chuồng để chuộc hay sao?
Ông lái giựt sợi dây thừng. Con Đen vẫn không nhúc nhích. Bà Ngoại bước tới, vỗ vỗ vào đít nó. Con Đen giận dữ, phun mớ cỏ nó đang nhai trong họng ra, rồi quay mặt vô vách. Mặt buồn hiu.
Bà Ngoại ra dấu kêu ông lái ra ngoài. Rồi Ngoại ghé sát vô lỗ tai con Đen, thầm thỉ với nó. Nó lẳng lặng đưa đầu qua lại. Ngoại mở dây ra khỏi cột, rồi từ từ dắt nó ra sân. Con Đen lầm lũi đi theo.
Ngoại đi miết ra tới bờ kinh trước nhà, rồi mới ra hiệu cho ông lái tới nắm dây thừng. Con Đen ngó lui ngó tới, quay đầu nhìn đám cỏ dưới chân, rồi bắt đầu gặm.
Ngoại quay lại. Chuồng trâu trống hoác. Ngoại khoát tay chào ông lái, rồi lững thững đi vô sân đứng dòm.
Người lái dẫn trâu đi khuất hàng cây trâm bầu trước nhà. Cây này mọc hoang khắp miền Nam, nhất là ở những miệt đồng bằng như Tiền Giang quê tôi. Nhiều vùng khác, người ta gọi nó là chưng bầu, hoặc tim bầu, hay săng kê. Cây trâm bầu có gỗ chắc, nhiều người cũng lấy để dựng chòi, dựng nhà, hoặc đóng nẹp cho những việc cần hằng ngày. Cây trâm bầu tàng tròn bầu dục, thân thẳng, lá xanh bạc. Cây mọc khắp nơi, nên người dân quê tôi cứ để cho nó mọc thành hàng dọc theo bờ đi. Người đi làm ruộng tới trưa cũng vô gốc trâm bầu nghỉ mệt và ăn cơm. Cây trâm bầu không có gai mà có những mấu nhỏ nhọn hoắc chỉa ra từ thân, ai lỡ bị đâm trúng thì đau lắm và sẽ chảy máu. Lá trâm bầu hình bầu dục, dài. Bông trâm bầu nhỏ li ti, màu vàng kem, nở từng chùm ở kẽ lá phía đầu cành, mùi thơm không dứt khoát. Trái trâm bầu cũng mọc thành chùm, màu vàng pha xanh nhạt. Ông Ngoại đọc báo, nói ở Châu Phi, cây trâm bầu có trái màu tím đỏ rất đẹp. Trái có bốn cánh mỏng ôm lấy hột ở giữa. Những ngày trời bão lớn, gió mưa ầm ầm trên mái nhà lá, mấy cây trâm bầu cao ngất cũng nằm rạt xuống dưới gió. Chúng tôi ngồi trong nhà, nhìn ra mưa trắng đồng, miên man với bầu trời mênh mông. Ở quê tôi, người ta hái trái trâm bầu đã khô, lấy hột nướng hoặc rang vàng lên rồi ăn với chuối chín để sổ lãi, nhất là lãi kim và lãi đũa. Người nào muốn ít chát thì lấy lá và vỏ cây nấu nước uống thay vì ăn hột. Người dân quê đi chợ huyện về, nói chuyện vu vơ với nhau cho đường bớt xa, cũng hái trái trâm bầu dọc đường ăn cho vui miệng.
Ngoại thắt thỏm chạy trở ra bờ kinh, bứt mấy lá trâm bầu vò vò trong tay, đứng ngóng theo con Đen và người mua nó. Mặt trời bắt đầu ngả. Ở miền quê, trời sụp tối rất mau, vì không có vật cản như ở thành thị. Vừa sáng rỡ, đã chạng vạng. Bóng chiều vật vờ trên con đường bờ con.
Ngoại quay vô nhà, đi vòng ra chái bếp. Ngoại đi thẳng lên gò trên, rồi ra đứng chờ ở hàng rào xương rồng. Ngoại đã tới trước. Con Đen và người lái trâu còn chưa thấy đâu.
Ngày xưa, Ông Bà Cố đã khai hoang miếng đất này, rồi khi có người mới tới, Ông Bà cắt đất chia cho họ ở chung. Nhà bà Tư Tòng ở sát bên. Nhà ông Tư Một ở phía trên. Muốn đi ra xã, thì đi hướng Tây. Ngoại biết ông lái trâu sẽ đi hướng Tây. Nên Ngoại chờ ở đây.
Mấy con dế ruộng và vạc sành bắt đầu âm ư. Gió ngoài sông cái thổi vô, tóc ngoại lơ thơ. Ngoại đứng yên chờ.
Chợt có tiếng thì hồ nạt nộ ở đường bờ con đầu nhà bà Tư Tòng. Con trâu không chịu đi. Người lái bực bội quát tháo, quất roi vô đít nó đen đét. Con trâu nhất định không chịu đi. Nó giơ sừng về phía người lái.
Ông lái trâu bực bội, chưởi thề, rồi buông mấy câu tục tĩu. Con trâu lầm lũi đứng nghe. Rồi nó quay đầu, trở ngược, đi về nhà.
Bà Ngoại thấy không xong, lội xuống ruộng, đi vòng qua hàng rào xương rồng, leo lên đường bờ con. Ngoại đi vòng xuống trước nhà bà Tư Tòng, tới chỗ con Đen.
Thấy Ngoại, con Đen cong đuôi vẫy rối rít, rồi chun mũi hưởi chân Ngoại. Ngoại tới gần, ôm đầu nó như mọi bữa. Ngoại tính nói gì, nhưng chực khóc, nên thôi. Ngoại ra hiệu với người lái đưa dây thừng cho Ngoại.
Ngoại dẫn con trâu đi tiếp về hướng Tây. Nó ngoan ngoãn đi theo. Như mọi ngày, Ngoại vẫn dẫn nó từ chuồng ra sân, ra ruộng. Ngoại dẫn nó trên bờ đê, vừa đi vừa nói chuyện với nó. Nó nghe lời Ngoại lắm. Ai nói mà nó không nghe, chỉ cần kêu Ngoại, nó nghe liền. Ngoại hay ra chuồng buổi tối, bỏ thêm cỏ, thêm rơm cho mẹ con nó lúc nó mới sanh. Chủ và thú thương nhau như ruột thịt. Bữa nay, con Đen không hiểu sao, người mẹ của nó lại cho người lạ dẫn nó đi.
Đi một đoạn, Ngoại đưa dây cho ông lái, rồi đi sát con Đen, vuốt ve lưng nó, vỗ vỗ đít nó. Từ từ, Ngoại thụt về phía sau, và đứng lại. Con Đen không để ý, cứ vậy mà đi theo ông lái vào bóng chiều lãng bãng phía trước.
Ngoại lội vòng xuống ruộng, trở vô chỗ hồi nãy Ngoại đứng phía sau hàng rào xương rồng. Bóng con Đen khuất dần, rồi mất hẳn.
Ngoại cứ đứng vậy, ngó theo cõi chiều tịch mịch đã rụng xuống phía xa. Bóng Ngoại mờ mờ hoà vào hàng rào xương rồng. Những cành xương rồng tan ra, lan vào không trung, những kim nhọn tung tóe, chụp lên Ngoại. Mặt trời che mặt, tuột xuống sau bờ ruộng ở phía Tây. Bóng đêm ùa ra, nuốt chửng mọi vật.
Đêm ba mươi Tết. Nhà vắng lặng như chùa Bà Đanh, không có lấy một viên pháo để đón giao thừa. Chỉ có tiếng thở dài của Ngoại gõ nhịp lên thinh không.

Trangđài Glasssey-Trầnguyễn