27 May 2015

Nhà Băng & Nhà Nước - Tưởng Năng Tiến

Tôi không hay can thiệp vào chuyện của người khác, nhất là những việc có liên quan đến “cơm/áo/gạo/tiền.” Tuy nhiên, hôm nay tôi đành phải phá lệ vì vấn đề (sắp trình bầy) có thể phương hại đến sinh mạng của tiến sĩ Nguyễn Thanh Giang, một nhân vật được nhiều người qúi mến.

Ngày 8 tháng 5 vừa qua, trên trang Dân Luận có bài viết (“Vietcombank Tùy Tiện Khóa Tài Khoản Khách Hàng Theo Mật Lệnh Của Bộ Công An ”) của luật sư Lê Thị Công Nhân, với lời yêu cầu là ngân hàng này phải trả tiền cho thân chủ. Sự việc được bà trình bầy (và chúng tôi xin phép được tóm gọn) như sau:


Năm 1995 ông Thanh Giang mở tài khoản tại Vietcombank tại Sở Giao dịch chính trên phố Ngô Quyền. Khi có chi nhánhVietcombank Thanh Xuân 448 Nguyễn Trãi (nằm cùng phía trường Đại học Quốc Gia/Tổng hợp cũ, cách ngã tư Khuất Duy Tiến khoảng 200m) thì ông giao dịch tại chi nhánh này cho gần nhà.

Mọi việc bình thường đến cuối năm 2011, bỗng dưng chi nhánh này không cho ông rút tiền mà không có lý do chính đáng nào được đưa ra một cách nghiêm túc tối thiểu (tức là bằng văn bản). Cả chục lần ông tới chi nhánh đều quay về trong tức tưởi. Nhân viên ngân hàng luôn nói làm “Theo lệnh cấp trên,” thỉnh thoảng có nhân viên lại nói “Theo lệnh Bộ Công An...” 

Họ bảo ông lên Trụ sở chính Vietcombank mà hỏi. Dù ông yêu cầu thế nào chi nhánh này cũng nhất quyết không lập bất kỳ biên bản làm việc hay ghi giấy giới thiệu ông đến gặp “cấp trên” hay “Bộ Công An” thần bí nào đó để làm việc, nếu như chi nhánh này không làm gì sai...

Ông rất mệt mỏi, phẫn nộ và bế tắc đến nỗi gửi chi nhánh 1 lá thư tuyên bố nếu chi nhánh không trả tiền cho ông và vẫn cứ im lặng khinh thường, vô luật với khách hàng như vậy thì ông sẽ đến chi nhánh ngân hàng này tuyệt thực cho đến khi nào họ giải quyết hoặc đến chết!

Biết tin này, chúng tôi rất shock và phẫn nộ, không tưởng tượng nổi ngân hàng Vietcombank lớn, chuyên nghiệp và uy tín nhất nước, giao dịch toàn cầu lại hành xử như vậy...

Tôi cũng “shock” (luôn)̀ khi L.S. Lê Thị Công Nhân cho biết thêm rằng “chúng tôi  khuyến khích ông phải kiên quyết làm sáng tỏ vụ việc. Chúng tôi gồm: nhà văn Phạm Thành, học giả Nguyễn Hoàng Đức, kỹ sư Hoàng Văn Hùng, biên tập viên Nguyễn Lê Hùng, nhà báo tự do J.B Nguyễn Hữu Vinh và vợ chồng tôi Nhân-Quyền bé Lucas cùng đi với ông đến chi nhánh lạ lùng này để yêu cầu họ lần cuối cùng - có trả tiền cho ông Nguyễn Thanh Giang hay không. Nếu không trả thì phải làm giấy giới thiệu nói rõ phải đến chỗ nào để đòi.”

Với tất cả thiện chí, cũng như thành tâm, tôi khẩn khoản và mong mỏi cùng quí vị có tên tuổi dẫn thượng nên ngưng ngay cái ý định “đòi tiền” (cho bằng được) vừa nêu – trước khi quá muộn. Vấn đề, như đã thưa, rất có thể phương hại đến tính mạng của T.S. Nguyễn Thanh Giang

Trên nguyên tắc, tôi hoàn toàn đồng ý với L.S Lê Thị Công Nhân là  “chả có chính chị chính em gì ở đây hết. Đơn giản là rút tiền của mình ở ngân hàng mà thế này thì sợ quá.”

Ôi thôi, chuyện gửi tiền và rút tiền ở những ngân hàng VN còn có nhiều vụ đáng “sợ” hơn nhiều! Xin đơn cử vài “vụ” nhỏ, vừa được tường thuật báo chí trong thời gian gần đây: 
“Ngày 27.9.1983 ông Nguyễn Vĩnh Rượu (ngụ đội 1, HTX Hòa Quý, Hòa Vang) có đến Ngân hàng Nhà nước Việt Nam Chi nhánh huyện Hòa Vang gửi tiết kiệm 90 đồng (tương đương 1 chỉ vàng). Tại bàn 19, ông Rượu được hướng dẫn gửi theo dạng tiết kiệm không kỳ hạn. Từ năm 1983 đến năm 1988, số tiền lãi vẫn được tính đều đặn. Tính đến tháng 11.1988, ông Rượu có 266 đồng trong quỹ gửi tiết kiệm.

Bà Nguyễn Thị Thạnh, con gái ông Rượu, cho biết: ‘Hồi đó gia đình tôi cũng nghèo khó nên làm gì có tiền gửi tiết kiệm. Số tiền này là tiền chính sách, hỗ trợ các gia đình thân nhân liệt sĩ vì gia đình tôi có 2 liệt sĩ. Cha tôi không biết chữ, lúc đi gửi cũng không nói với ai nên gia đình không hay biết.’

Năm 2001, ông Rượu qua đời. Mãi tới gần đây, khi lục tìm trong đống giấy tờ của người cha quá cố, người nhà của ông mới phát hiện quyển sổ tiết kiệm. 

‘Khi cầm quyển sổ, thấy không có dấu đỏ gì nên tôi cũng sợ là sổ giả. Rồi nghĩ chắc ngân hàng này giờ đã giải thể nên gia đình cũng không đi hỏi. Nhưng càng để lâu càng thắc mắc nên giờ tôi mang sổ đến ngân hàng nhằm tìm hiểu cho rõ chứ cũng không hy vọng nhận được tiền” - bà Thạnh cho biết.

Cũng theo bà Thạnh, vào thời điểm đó số tiền này có giá trị rất lớn. Với 266 đồng có thể mua hơn một chỉ vàng hoặc nhiều tài sản có giá trị khác. “Nếu biết có quyển sổ này thì gia đình tôi đã đi rút từ lâu chứ không phải để lâu như vậy. Số tiền này trước đây là cả một gia sản chứ đâu ít’ - bà nói.

Sáng 31.3, bà Thạnh mang quyển sổ tiết kiệm đến Ngân hàng Nhà nước Chi nhánh Đà Nẵng (trụ sở trên đường Lê Duẩn) để nhờ tư vấn. Tại đây, bà được các nhân viên hướng dẫn sang Ngân hàng VietinBank (đường Nguyễn Văn Linh) giải quyết. 

Sau khi kiểm tra quyển sổ, nhân viên VietinBank xác định đây là sổ tiết kiệm thật và sẽ tất toán cho khách hàng. Tuy nhiên, do còn vướng mắc về hàng thừa kế và phương án xử lý quyển sổ nên nhân viên ngân hàng đi phôtô, giữ lại một bản. 

‘Họ nói với tôi là cứ về nhà rồi mấy ngày sau sẽ liên lạc, mời đến rút tiền. Theo ước tính của các nhân viên thì tôi sẽ được nhận hơn 20.000 đồng... Số tiền này vừa vặn để ... mua 1 ổ bánh mì thịt hiện nay.’

Trao đổi với Pháp Luật TP.HCM, ông Võ Minh, Giám đốc Ngân hàng Nhà nước Chi nhánh Đà Nẵng, cho biết thời gian qua cũng có một số người đưa sổ tiết kiệm ‘tuổi đời’ 20-30 năm đến rút tiền và ngân hàng vẫn giải quyết cho khách hàng bình thường. ‘Phần lớn số tiền trong các sổ tiết kiệm rất nhỏ, qua lần đổi tiền lại càng nhỏ hơn. Ngân hàng Nhà nước đã dồn toàn bộ số tiền này qua một tài khoản riêng để giải quyết khi khách hàng đến nhận tiền’ –  ông Minh cho biết.

Chúng tôi đặt câu hỏi: Có hợp lý không khi vào thời điểm mở sổ, số tiền người dân gửi có giá trị khá lớn nhưng tới giờ nhận cả lãi lẫn gốc không đủ một cuốc xe ôm. Ông Minh cho rằng đây không phải là Nhà nước o ép người dân mà là do giá trị đồng tiền bị sụt giảm. Ngân hàng Nhà nước đã có hướng dẫn rất rõ ràng về việc chi trả này.”  (Tấn Tài. “Gửi Tiết Kiệm Một Chỉ Vàng Nhận Lại Một Ổ Bánh Mì Thịt”. Báo Một Thế Giới, số ra ngày 02/04/2015).

Thêm một trường hợp nữa cũng “rõ ràng” không kém: 
“Đó là trường hợp của ông Lê Minh Toán tại Hàng Bài - Hà Nội. Từ năm 1982-1985, ông đã chắt chiu từ chính tiền lương của mình để gửi tiết kiệm 12 cuốn sổ với tổng giá trị là 4.100 đồng vào các quỹ tiết kiệm thuộc Ngân hàng Nhà nước trung ương. 

Căn nhà người bộ đội xuất ngũ đang ở, mua ngày đó chỉ 3.100 đồng... Ở thời điểm ấy số tiền ông gửi đủ mua thêm một căn hộ nhỏ ở trung tâm Hà Nội. Thế nhưng sau 20 năm, cả gốc lẫn lãi số tiền mà ông gửi chỉ được 109.778 đồng, đủ ăn được vài ba tô phở.” (Lê Thanh. “Gửi Tiết Kiệm 20 Năm, Một Căn Hộ Còn Ba Tô Phở.” Báo Tuổi Trẻ, số ra ngày 10/03/2015).

Căn cứ vào hai sự việc trên tôi có thể xác quyết rằng Vietcombank không “tùy tiện khóa tài khoản khách hàng theo mật lệnh của bộ Công An,” như L.S. Lê Thị Công Nhân đã nghĩ. Ngay cả ở một quốc gia không có Tự Do/ Hạnh Phúc – chỉ có Độc Lập xuông thôi, như Bắc Hàn – cũng chả có Bộ nào lại (nỡ) phong toả số tiền chỉ đủ mua một ổ bánh mì hay ba tô phở của một người dân cả.

Có chăng thì chỉ là mật lệnh của Phủ Thủ Tướng, chỉ thị cho Bộ Y Tế phong toả tài khoản của T.S. Nguyễn Thanh Giang nhưng mà do thiện ý của ngài mà thôi. Trong hội nghị trực tuyến toàn quốc sáng hôm 8 tháng 5 năm 2015, Thủ Tướng Nguyễn Tấn Dũng đã long trọng tuyên bố: “Lo cho dân là phải lo mọi thứ!”

 Chắc vì “lo” rằng T.S. Nguyễn Thanh Giang có thể chết ngất (rồi chuyển qua chết luôn) sau khi biết số tiền mình gửi ngân hàng từ năm 1995 đã trở thành một mớ giấy lộn nên mới có những sự việc (đáng tiếc) như trên, xẩy ra Vietcombank. 

Hiền tài là nguyên khí của quốc gia. Vì tiếc mạng sống của một vị tiến sĩ nên Chính Phủ đã phải hành động hơi khuất tất chút xíu. Thường dân – cỡ nhà văn Phạm Thành, học giả Nguyễn Hoàng Đức, kỹ sư Hoàng Văn Hùng, biên tập viên Nguyễn Lê Hùng, nhà báo tự do J.B Nguyễn Hữu Vinh và vợ chồng  Nhân-Quyền cùng bé Lucas – nên thể tất cho rồi. Làm ra lẽ thì chỉ tạo cơ hội cho những thế lực thù địch tuyên truyền/ xuyên tạc đường lối lãnh đạo đứng đắn của Đảng cùng và Nhà Nước thôi, chứ có vị tiến sĩ nào lại cần đến mấy ổ bánh mì hay vài ba tô phở? 

Tưởng Năng Tiến