Câu nói để đời của TT Nguyễn Văn Thiệu: “Làm kẻ thù của Mỹ thì dễ, làm bạn với Mỹ thì rất khó”. Làm kẻ thù với Mỹ chỉ trực tiếp đối đầu còn làm bạn với Mỹ phải chấp nhận yêu sách, quyền lợi của Mỹ… nếu không sẽ bị “đá giò lái, đâm sau lưng” và có lúc bị bán đứng đất nước!
Với tài kinh luân, thao lược, Bàng Quyên được tiến cử làm quân sư cho Ngụy Huệ Vương, nhập cuộc, bách chiến bách thắng, tiếng tăm lẫy lừng, được hưởng bổng lộc triều đình nên đem lòng ngạo mạn, kiêu căng và muốn độc quyền trong địa vị. Bàng Quyên nghĩ tới người bạn đồng môn Tôn Tẫn, không muốn tiến cử vì biết người bạn lại giỏi hơn mình nên nghĩ tới mối nguy của người bạn lấn mình hơn là chung lưng sát cánh với mình. Bàng Quyên làm ngơ người bạn đồng môn Tôn Tẫn như đã hứa thề.
Tôn Tẫn vỡ lẽ, bèn tương kế tựu kế, giả khùng giả điên, thần
kinh bấn loạn. Bàng Quyên bèn phơi bày tâm địa của mình, nhốt Tôn Tẫn vào chuồng
heo để coi Tôn Tẫn điên thật hay giả, Tôn Tẫn thản nhiên ăn ở chung với heo.
Mặc Địch biết chuyện, thương người có tài gặp hoạn nạn, tìm
cách liên lạc cho Điền Kỵ biết, lập phương kế sang Ngụy để nhận kẻ điên và cụt
giò về Tề. Tôn Tẫn trở lại bình thường và được Tề Hầu phong làm Quân Sư.
Ngụy, Tề xảy ra chiến trận. Bàng Quyên thống lãnh ba quân của
Ngụy, Tôn Tẫn coi đạo quân của Tề, dụ Bàng Quyên tới Mã Lăng, quân Ngụy bị đánh
tan nát, Bàng Quyên bị vây khốn, chợt thấy nơi cây đại thọ có hàng chữ được khắc
trước: “Bàng Quyên tử thử thọ hạ. Quân sư Tôn thị”. Binh phục của Tôn Tẫn bắn
chết Bàng Quyên như lời thề của Tôn Tẫn dưới gốc cây nầy quyết tiêu diệt người
bạn lòng lang dạ thú, táng tận lương tâm.
Bàng Quyên và Tôn Tẫn, hai người bạn đồng môn, trở thành hai
kẻ thâm thù truyền kiếp.
Tôn Tẫn sau khi rửa được mối thâm thù, lập được công danh,
chán cảnh hồng trần, từ bỏ danh lợi vào núi ẩn dật, tu tiên, bầu bạn với trời
mây sông nước.
Theo Sử Ký của Tư Mã Thiên (145-90 trước CN): “Tôn Tử tên là
Vũ, người Tề, nhân dâng binh thư, được vào yết kiến Ngô Vương Lạp Lư... Lạp Lư
biết Tôn Tử có tài dụng binh bèn dùng ông làm tướng. Tây phá được cường Sở, vào
được Dĩnh Đô, Bắc uy hiếp được Tề, Tấn nổi tiếng với chư hầu, phần nào nhờ có sức
Tôn Tử. Tôn Vũ chết rồi, hơn trăm năm sau có Tôn Tẫn, sinh ở vùng A Quyên, cũng
là dòng dõi Tôn Vũ...
... Ngô Khởi người Vệ, thích quân sự, đã từng theo học Tăng
Tử và thờ Lỗ Quân. Tề đánh Lỗ, Lỗ Quân muốn phong Ngô Khởi làm tướng nhưng vì vợ
Ngô Khởi là người Tề, nên còn ngờ, muốn cho danh phận được trót lọt, Ngô Khởi
bèn giết vợ để chứng tỏ mình không thân Tề. Và Ngô Khởi được Lỗ phong tướng.
Ngô Khởi cầm quân đánh Tề và quân Tề bị tan rã”.
Sau nầy thêm phần bổ túc của Ngô Khởi, người nước Vệ, đời
Đông Châu (Ngô Khởi là người giết vợ tiến thân) nên được gọi là Tôn Ngô Binh
Pháp.
Theo Hán Thư Nghệ Văn Chi, sách binh pháp của Ngô Khởi có 48
thiên và hiện chỉ còn lưu lại 6 thiên về Đồ Quốc, Liệu Địch, Trị Binh, Luận Tướng,
Biến Hóa, Lệ Sĩ.
Khi nước nhà bị quân nhà Minh xâm lăng, bạo tàn và khát máu.
Nơi núi rừng Lam Sơn, hội thề Lũng Nhai qui tụ 28 người con thân yêu của tổ quốc,
đã tìm đến với nhau, cắt máu thề nguyền, nguyện vào sinh ra tử, chấp nhận muôn
ngàn gian lao nguy hiểm, khổ cực một lòng, sống chết bên nhau. Lời thề ấy đã tạo
thành sức mạnh nhiệm mầu trong suốt 10 năm (1418-1427) nằm gai nếm mật, đánh đuổi
giặc Minh, quang phục tổ quốc. Nguyễn Trãi (1380-1442) cùng với Lê Lợi mang nặng
thù nhà, nợ nước, quyết một lòng đánh đuổi quân Minh. Hình ảnh “Lê Lợi vi quân,
Nguyễn Trãi vi thần” đã làm nên trang sử hào hùng của dân tộc Việt Nam.
Trong gian lao, Bình Định Vương Lê Lợi xem Nguyễn Trãi (cháu
ngoại Trần Nguyên Đán) và Trần Nguyên Hãn (cháu nội Trần Nguyên Đán) trong tình
ruột thịt như máu và tim.
Đánh đuổi được giặc Minh ở Bắc phương, vị anh hùng dân tộc
áo vải Lam Sơn trở thành hoàng đế, lập ra triều đại Tiền Lê (1428-1527), đem lại
thanh bình cho đất nước.
Thế nhưng! trong ánh hào quang của giai đoạn đầu bước chân
vào ngưỡng cửa danh vọng, bởi danh và lợi, triều đình quy nạp bầy tôi đố kỵ, nịnh
bợ... biến bạn thành thù, tấu hót với nhà Vua để loại trừ những công thần đã tận
trung với nước.
Lê Thái Tổ (1428-1433) đã ghi lại trang sử vàng son cho dân
tộc, tiếc rằng nhà vua cho bắt giết Tả Tướng Trần Nguyên Hãn, Thái Úy Phạm Văn
Xảo... và ngay cả đệ nhất công thần Nhập Nội Hành Khiển, Lại Bộ Thượng Thư Nguyễn
Trãi cũng bị hạ ngục. Trong lúc gian nguy, bạn cùng chí hướng có nhau đến khi
thái bình bị đám bầy tôi chỉ biết ganh ghét ăn hại, đem lời gièm pha, lung lạc
tình cảm với bậc minh quân chuyển bạn thành thù trong miếng đỉnh chung.
Đến đời Lê Thái Tông (1434-1442), Nguyễn Trãi đã trải qua
bao giai đoạn thăng trầm, điêu linh trong lúc triều đại xảy ra diễn biến dồn dập
bởi bọn nịnh thần, năm 1437, Nguyễn Trãi lui về quy ẩn vói cỏ cây ở núi Lam Sơn
nhưng rồi oan nghiệt lại ập đến trong vụ án Lệ Chi Viên, nhận lãnh bản án thảm
khốc “tru di tam tộc”!
Trong cuốn Việt Nam Sử Lược, cụ Trần Trọng Kim ghi lại những
dòng ai oán:
“Nghĩ mà buồn thay cho mấy người công thần đời xưa chỉ lầm
ví hai chữ công danh mà đem tấm lòng son sắt đi phù tá quân vương trong lúc
gian nguy, mong được chút hiển vinh để cho thỏa cái chí trượng phu ở đời, ngờ
đâu chim bay đã hết, cung tốt cất đi, thỏ lanh chết rồi, chó săn phải giết; đến
khi công việc xong rồi thì không những là một thân một mình cũng không được trọn
vẹn mà cả họ hàng thường cũng vạ lây! Thế mới biết, chỉ có Trương Tử Phòng nhà
Hán là người kiến cơ hơn cả”.
Tài năng và đức độ của bậc chính nhân quân tử đã có ảnh hưởng
quan trọng, vì thế Nguyễn Trãi chết đi nhưng không bị uất hận nghìn thu.
Hai mươi năm sau đời Lê Nhân Tông (1443-1459), vua Lê Thánh
Tông (1460-1497) nhận biết được tấm lòng và thiên tài Nguyễn Trãi nên cởi oan
khiên, truy phong chức tước, tên tuổi của Nguyễn Trãi được lưu truyền hậu thế.
Lê Thánh Tông cho đi tìm con cháu lưu lạc sống sót để được hưởng bổng lộc.
Chân dung Nguyễn Trãi còn được ghi tạc trong câu thơ của Lê
Thánh Tông:
“Tấm lòng Nguyễn Trãi sáng đẹp như sao Khuê,” để đời đời ghi
nhớ.
Nhân đây, đề cập trong lãnh vực văn chương qua vài câu đối
đã lưu lại hậu thế, còn trong chính trị thì nhan nhản.
Đặng Trần Thường (1759-1813), người Nam Định, trước kia theo
Tây Sơn cùng với Ngô Thì Nhậm, cả hai đều uyên bác nên thường tranh chấp và bất
đồng ý kiến, Đặng Trần Thường vào Gia Định, theo Nguyễn Ánh, chống lại Tây Sơn.
Ông được thăng chức từ Tán Lý đến Binh Bộ thượng thư. Khi đạt được vinh quang,
ông có tính cao ngạo, hiềm khích với mọi người.
Ngô Thì Nhậm (1746-1803), nhà ngoại giao lỗi lạc, khi quân
Tây Sơn của Nguyễn Huệ kéo quân ra Bắc để “phò Lê diệt Trịnh”, Ngô Thì Nhậm được
tiến cử phong chức Công Bộ thị lang, mưu thần trong quân trướng. Khi quân Thanh
đem quân sang xâm lăng nước ta, Ngô Thì Nhậm đã sát cánh cùng vua Quang Trung
đánh đuổi quân Thanh; ông được đảm nhận Binh Bộ Thượng Thư và Chánh Sứ.
Vua Quang Trung ngợi khen về Ngô Thì Nhậm: “Ngọn bút của Ngô
Thì Nhậm có sức mạnh phi thường, ngăn được 20 vạn quân sĩ nhà Thanh”.
Khi nhà Nguyễn tiêu diệt Tây Sơn, Ngô Thời Nhậm bị bắt giải
về Bắc Thành, vẫn hào khí, một lòng với Tây Sơn nên khi bị Đặng Trần Thường trả
đũa vì mối tị hiềm bất đồng chính kiến năm xưa, bèn ra câu đối móc hiểm.
“Ai công hầu, ai
khanh tướng, trong trần ai ai dễ biết ai?”.
Ngô Thời Nhậm thản
nhiên đối đáp: “Thế Chiến Quốc, thế Xuân Thu, gặp thời thế, thế thời phải thế!”.
Phan Văn Trị
(1830-1910), người Vĩnh Long, thường gọi là Cử Trị và Tôn Thọ Tường
(1825-1877), tỉnh Gia Định. Cả hai cùng sinh hoạt thơ văn với nhau với nhau,
tham gia trong nhóm Bạch Mai Thi Xã, bầu rượu túi thơ, tương tri tương đắc.
Đau thương trước
hoạn nạn của đất nước, không chịu ra hợp tác với thực dân Pháp để được hưởng
vinh hiển mà cùng nhóm sĩ phu nổi dậy chống Pháp. Giao du với nhiều nhà nho yêu
nước ở miền Nam như Bùi Hữu Nghĩa, Nguyễn Đình Chiểu, Nguyễn Thông..., Phan Văn
Trị được thực dân mời hợp tác nhưng đã từ chối và dùng ngòi bút của kẻ sĩ yêu
nước bút chiến với “văn hữu” Tôn Thọ Tường. Phan Văn Trị coi Tôn Thọ Tường như
kẻ thù ngu dại, dơ bẩn và tồi tệ đã mượn “hơi hùm” của thực dân để phản bội đất
nước, ông cảm thấy xấu hổ vì có người bạn trong thi xã năm xưa. Trong các bài
thơ bút chiến, Phan Văn Trị đã khẳng khái chửi thẳng vào bọn tham quan hại dân
hại nước, trong đó có Tôn Thọ Tường:
Tôn Thọ Tường
theo thực dân Pháp, mượn thơ văn để lấp liếm thái độ “thức thời” của “Từ Thứ
Quy Tào” nên trả đũa lại Phan Văn Trị:
Trong cuộc bút
chiến, ngoài Mười Bài Liên Hoàn của Tôn Thọ Tường, và bài Tôn Phu Nhân Quy Thục
mượn hình ảnh ngày xưa trước thời thế để nói thái độ thức thời của ông. Phan
Văn Trị đã họa lại Mười Bài Liên Hoàn đó và bài Cảm Hoài gồm mười bài để họa lại
bài thơ Tôn Phu Nhân Quy Thục.
Nói đến kẻ thù,
nói đến mối hiểm nguy, đáng sợ. Saadi đã nói rất chí lý kẻ thù của bạn dù khiêm
nhượng đến đâu, bạn phải nên nhớ, hắn là kẻ đáng sợ.
Nói đến bạn,
trong tiếng Anh, Pháp, Hán... và nhất là ngôn ngữ chúng ta có rất nhiều từ để gọi
tùy theo nghề nghiệp, chức năng, hoàn cảnh, môi trường... áp dụng cho phù hợp với
ý nghĩa của nó. Mỗi từ (chữ), tự nó thể hiện ý nghĩa sâu sắc, biết được thân
hay sơ, tri kỷ tri bỉ, qua đường. Với thù, có lẽ chẳng có bao nhiêu từ. Đã thù
thì luận giải cho nhiều làm gì, nhọc công, tốn sức.
Một người bạn xấu
chỉ hãm hại được người bạn xấu, nhưng bạn ở lãnh vực rộng lớn, tầm cỡ “đất nước”
như “người bạn đồng minh” mà chơi xấu thì nguy hại cho cả dân tộc, đất nước.
Kẻ chiến bại vào
vòng lao lý, gia đình tan nát và tìm vùng đất hồi sinh nơi hải ngoại; trong khi
đó “người bạn đồng minh” vạch lại lộ trình nhằm giao hảo với kẻ thù năm xưa.
Người cựu thù năm
xưa Đại Úy Douglas “Pete” Peterson, tháng 9 năm 1966 thi hành phi vụ 67 trên
chiếc Phantom F-4B, trúng hỏa tiễn SAM-2, thảm bại bên gốc cây xoài ở Xuân
Đoài, Bắc Việt rồi trải qua 6 năm rưỡi trong lao tù ở Hỏa Lò, Hà Nội. Sau ba thập
niên kẻ thù hùng hổ áp tải “tên giặc lái”, thời thế thay đổi kẻ thù khúm núm
đón tiếp kẻ thù năm xưa, vẫn hình ảnh Pete Peterson. Sự nhố nhăng, kịch cỡm,
tráo trở trong lá bài chính trị, vừa hô hào chống đối, vừa khúm núm tiếp rước,
thể hiện bản chất con người Cộng Sản luôn luôn tay hình đổi dạng!.
Hình ảnh “giặc
lái P. Peterson” như hàng trăm hình ảnh “giặc lái” khác của “đế quốc thâm thù”
bỗng trở thành những người bạn vĩ đại, được đón tiếp long trọng còn hơn lãnh tụ
lụ khụ trong hệ thống Xã Hội Chủ Nghĩa, nghĩ cho cùng, khác gì trò cười cho thế
nhân.
Hỡi ôi! khi rời
nhà tù Hỏa Lò, ví von “Khách Sạn Hilton” ở Hà Nội vào tháng 3 năm 1973, chàng
P. Peterson thề thốt: “Lạy Chúa, con thề sẽ không bao giò trở lại chốn nầy nữa!”.
Thế nhưng, sau 31 năm xa cách lời thề, tháng 5/1997 Pete Peterson đến Hà Nội được
báo chí gọi đùa “phi vụ 68”. Chàng tuyên bố: “Xây dựng chiếc cầu qua dòng sông
của khổ đau” làm bàn dân thiên hạ liên tưởng đến hình ảnh “Cầu Sông Kwai”!.
Chiếc cầu thời kỳ
Nhật Hoàng Hirohito vào đầu thập niên 1940 thực hiện cho tuyến đường sắt nối liền
từ Mã Lai qua Thái Lan và vùng núi non hiểm trở Thanbyuzayat ở Miến Điện. Chiếc
cầu bắt qua dòng sông Mae Khlong với cái giá máu xương trên nửa triệu người tù
binh và dân chúng bỏ thây nơi núi rừng ám khí. Con số đó tương đương với oan hồn
của người Việt đi tìm tự do bị vùi thây trên biển cả, trên núi rừng biên giới!
Theo VOA: “Ngày
26/10/1967, tại hồ Trúc Bạch, quân và dân Hà Nội bắt sống phi công John Sydney
McCain, thiếu tá không quân thuộc lực lượng Hải Quân Hoa Kỳ đã lái chiếc máy
bay A4 bị bắn rơi tại nhà máy điện Yên Phụ”, ông nhảy dù xuống hồ Trúc Bạch.
“Ông McCain bị giam giữ trong nhà tù của Việt Nam trong 5 năm cho đến khi được
trao trả theo Hiệp Định Paris năm 1973… Sau khi chiến tranh kết thúc, Mỹ cấm vận
Việt Nam trong nhiều năm. Ông McCain đã trở thành một thượng nghị sĩ vào năm
1987 và có nhiều hoạt động ủng hộ việc bình thường hóa quan hệ Việt-Mỹ vào năm
1995 và sau đó là thúc đẩy mối quan hệ này…. Bản thân ông đã nhiều lần quay lại
thăm Việt Nam, bao gồm cả ghé thăm tấm phù điêu về chính ông”.
Theo Wikipedia (dựa
vào hồi ký của McCain): “Chiếc phi cơ A-4E của ông bị một hỏa tiễn bắn trúng
trên bầu trời Hà Nội… McCain bị gãy cả hai tay và một chân khi phóng ra khỏi
chiếc phi cơ, và gần như bị chết đuối khi nhảy dù xuống Hồ Trúc Bạch…
Mặc dù McCain bị
thương trầm trọng, ông cáo buộc những người bắt ông đã từ chối điều trị các vết
thương cho ông, đánh ông và tra khảo ông để lấy thông tin; ông được chăm sóc sức
khỏe chỉ khi người Việt khám phá ra rằng cha ông là một vị tướng cao cấp (Ghi
chú thêm: Ông nội ông là John S. McCain Sr., Đô Đốc từng là Tư Lệnh Hải Quân Mỹ
ở Thái Bình Dương. Lúc đó, cha ông là John S. McCain Jr., Tư Lệnh Hải Quân Đệ
Thất Hạm Đội). Câu nói dân gian của ta “Đánh chó phải kiêng chủ nhà” vì vậy
“McCain trải qua sáu tuần lễ trong bệnh viện, ông nói rằng mình đã nhận được những
chăm sóc y tế rất tốt. Vào lúc đó ông mất 50 lb (23 kg) và tóc bắt đầu bạc,
McCain từ nhà tù Hỏa Lò đưa đến một trại giam khác nằm ở ngoại ô Hà Nội vào
tháng 12 năm 1967.
Tháng 8 năm 1968,
McCain cáo buộc rằng một chương trình tra tấn khắc nghiệt bắt đầu được thực hiện
lên người ông. Ông nói rằng mình bị buộc bằng dây thừng và bị đánh đập cứ hai
giờ một lần trong lúc ông đang bị bệnh kiết lỵ. Bị nhiều vết thương hơn đã khiến
cho ông bắt đầu tìm cách tự vẫn nhưng được những người canh giữ ông ngăn chặn.
Sau bốn ngày, McCain ký vào ‘giấy tự thú’ tuyên truyền chống Mỹ... McCain nói rằng
những tù binh Mỹ khác cũng bị tra tấn và đối xử tệ để lấy ‘lời thú nhận tội’ và
những lời tuyên bố mang tính tuyên truyền. Trong số đó có những người phải chịu
đựng sự đối xử tệ hại hơn và dài hơn; gần như tất cả tù binh cuối cùng cũng phải
khuất phục một phần nào đó trước những người bắt họ. McCain kể rằng ông bị đánh
ba lần mỗi tuần vì ông tiếp tục từ chối ký thêm các bản tự thú khác.
Tính chung,
McCain làm tù binh tại Hà Nội trong 5 năm rưỡi. Ông được thả vào ngày 14 tháng
3 năm 1973. Các vết thương của ông vào thời chiến vẫn còn khiến cho ông vĩnh viễn
không thể đưa hai tay qua khỏi đầu” (Wikipedia).
Bài viết của nhà
văn Huy Phương: John McCain, ‘cái quan luận định!’ đăng trên nhật báo Người Việt:
“Người xưa có nói
“cái quan luận định” (đậy nắp hòm rồi mới có thể khen chê hay dở!). Trường hợp
Thượng Nghị Sĩ John McCain, không những nắp hòm đã đậy mà quan tài cũng đã đem
chôn, nói vài lời về ông cũng là việc phải…
Thượng Nghị Sĩ
John McCain đã là một trong những chính khách vận động với chính phủ Hoa Kỳ
trong việc điều đình lâu dài và kiên trì với chính phủ CSVN để cho chúng tôi,
hơn 350,000 cựu tù nhân “cải tạo” và gia đình được đến định cư tại Hoa Kỳ. Ơn ấy
sánh bằng trời biển! Nhờ sự can thiệp của Thượng Nghị Sĩ John McCain, qua Tu
Chính Án mang tên ông, vào năm 1998, Quốc Hội Hoa Kỳ sửa lại tu chính án này để
cho phép những người con của cựu tù nhân “cải tạo,” bị từ chối trước ngày 1
tháng Tư, 1995 vì lý do trên 21 tuổi, nay được nộp đơn xin cứu xét định cư tại
Hoa-Kỳ…
Sự góp phần vận động
cho chương trình tái định cư những cựu tù đã bị giam cầm trong “trại cải tạo” của
ông đã làm thay đổi tương lai của cả một thế hệ con cháu của những người cựu
quân nhân VNCH. Ngoài ra ông còn có công trong việc thông qua Luật “The
Amerasian Homecoming Act,” cho phép từ 23 đến 25 ngàn con lai và thân nhân định
cư tại Hoa Kỳ…
Nhắc lại tiểu sử,
sự nghiệp của John McCain, người ta đã ca ngợi ông như một anh hùng của nước Mỹ
và là một “đại ân nhân” của CSVN. Mỹ và Bắc Việt đã từng là kẻ thù của nhau, có
thể nào một anh hùng của đất nước này lại là một ân nhân của đất nước kia
không? Ông không những có công với người Việt hải ngoại đã vì chống đối chế độ
trong nước mà khăn gói ra đi, ông cũng là một trong những người vận động bỏ cấm
vận và mở lại bang giao Việt Mỹ, để người Việt gọi ông là “đại ân nhân,” chúng
ta đã thấy hình ảnh nhiều người dân ôm ảnh ông vào lòng mà sụt sùi sau khi ông
mất.
Có điều khá khó
hiểu là vì sao đối với một “đại ân nhân” như John McCain, CSVN không xây cho
ông một tượng đài mươi tỷ, không hoành tráng như tượng “bác Hồ” thì cũng tạm
như tượng ông Fidel Castro. Cái tượng tạc ông, nói cho đúng một bức phù điêu nhếch
nhác xây bên bờ hồ Trúc Bạch, mô tả cảnh ông quỳ gối, dang tay đầu hàng…
Đây rõ ràng không
phải là một bức tượng “vinh danh” hay “tri ân” mà là một bức tượng “sỉ nhục” tả
ông trong tư thế quỳ gối, hai tay đưa thẳng lên cao khỏi đầu. Điều làm tôi ngạc
nhiên là Thượng Nghị Sĩ John McCain đã tỏ ra “tự hào” khi được Việt Nam dựng
“bia” tại hồ Trúc Bạch, nơi máy bay của ông bị bắn rơi. Một bức ảnh chụp lại bức
phù điêu này được treo trong phòng làm việc của ông, và ông đã có lần nói với
ông Đại Sứ CSVN Nguyễn Quốc Cường là: “Đây là bức ảnh tôi quý nhất!”…
Người ta cho rằng
tư thế quỳ gối đầu hàng của một chiến binh là một sự sỉ nhục ở tầm quốc gia.
Câu chuyện này đã làm tôi nhớ lại việc Iran công bố đoạn video ghi lại cảnh 10
thủy thủ Mỹ quỳ gối khi bị bắt giữ ở hải phận Iran, dưới thời Obama. Nhưng ông
John McCain chỉ bị bắn rơi và cũng chẳng bao giờ giơ hai tay lên khỏi đầu và quỳ
gối với tư thế ươn hèn như vậy…
Nếu nay mai, CSVN
lấy tên ông John McCain, “đại ân nhân” để đặt cho một con đường ở Hà Nội, thì
trước hết phải phá bỏ bức phù điêu “quỳ gối đầu hàng” của ông bên hồ Trúc Bạch,
để ít ra cho thiên hạ thấy chế độ này còn một chút liêm sỉ!” (Huy Phương)
Theo nguồn tin
trên internet, phù điêu “Quân dân thủ đô bắn rơi máy bay Mỹ” và phù điêu “Bắt sống
phi công Mỹ John McCain” cùng thời điểm, lúc đó phù điêu thực hiện bằng xi-măng
chỉ trơ trọi... Sau nầy Thượng Nghị Sĩ McCain có công tái lập bang giao Mỹ-Việt,
vì vậy trước phù điêu mới được trồng bồn hoa, trở thành địa điểm thăm viếng.
Khi bước vào chính trường Mỹ, ông McCain đã từng ghé thăm nơi nầy và cho biết
thích phù điêu nầy vì nói lên quá khứ từng là người lính chiến đấu, bay vào
lòng đất địch và tù binh chiến tranh như những đồng đội khác… Giữa thù và bạn
thay đổi theo thời gian. Vì vậy gọi là “vinh danh” hay “sỉ nhục” (?) tùy theo
quan điểm mỗi người.
Bên cạnh phù điêu
ghi hàng chữ in: “Ngày 26-10-1967 tại hồ Trúc Bạch quân và dân thủ đô Hà Nội bắt
sống tên John Sney Ma Can (?) thiếu tá không quân Mỹ lái chiếc máy bay A4 bị bắn
rơi tại nhà máy điện Yên Phủ đây là một trong 10 chiếc máy bay bị bắn rơi cùng
ngày”. Sau nầy thay đổi cách gọi “Phi công John Sidney Mccain thiếu tá không
quân thuộc lực lượng Hải Quân Hoa Kỳ”.
Than ôi! người đời
muôn mặt, giữa chính và tà, giữa bạn và thù... nếu không bình tâm suy ngẫm,
không nhận chân sự thật, trắng đen... làm tổn thương cho nhau, tạo nên bao vết
thương lòng!.