Cô Trang xinh đẹp, đẹp cả người, đẹp cả nết, ôn hòa nhã nhặn
trong cách đối xử giao tiếp với mọi người.
Cô người Nha Trang, lớn lên và đi học ở đó. Cô sinh trưởng trong một gia đình gia giáo, mẹ cô đi dậy học, ông thân cô cũng là hiệu trưởng một trường trung học lớn ở Phú Yên. Năm 22 tuổi, cô học năm cuối đại học văn khoa Huế thì gặp gỡ chú Hiếu trong một dịp hội thảo sinh viên do các biến động thời cuộc miền Trung bắt đầu nhen nhúm. Chú Hiếu lúc đó đang theo cao học luật. Họ thành đôi bạn tâm giao tuổi trẻ, sau thành đôi uyên ương. Ba năm sau khi Trang vừa 25 tuổi, Hiếu đã nhậm chức chánh án tòa thượng thẩm. Hiếu hơn Trang 10 tuổi, nhưng Hiếu mảnh người, dáng nhanh gọn, nói năng hoạt bát. Trông họ rất xứng đôi vợ chồng. Họ làm đám cưới trang trọng và thân mật giữa sự vui mừng của hai họ nội ngoại. Sau nghi lễ, Trang vô ở trong căn nhà nội thất trang trọng mà tòa như dành riêng cho vợ chồng mới. Năm đó khoảng 1967-1968. Hơi uổng là dù có kiến thức mà Trang không ra ngoài xã hội làm việc. Có lẽ cũng theo yêu cầu chồng nàng chỉ lui cui ở nhà thu vén tề gia nội trợ. Khi còn độc thân, Trang là một tiểu thư khuê các, khi thành gia thất, nàng là một mẫu mực mệnh phụ phu nhân. Người chồng chiều chuộng và lo chu cấp đầy đủ cho cuộc sống, cho mọi nhu cầu. Trong cơ ngơi, cô còn có kẻ ăn người lằm và tài xế riêng khi cần đưa đón. Họ sống rất thuận thảo hạnh phúc, sung mãn. Trang cởi mở và thân mật với tất cả mọi người kể cả những người giúp việc.
Sau 5 năm, Trang và Hiếu có được 2 con trai xinh đẹp khôi
ngô là Thảo và Thuận. Hai đứa con như làm tăng thêm hạnh phúc gia đình…
Nếu cứ thế mãi thì không sao, nhưng cuộc đời chợt đổi thay.
Ngày 30-04-1975 định mệnh đen tối ấp đến với cả đất nước, không ngoại trừ một
ai.
Gia đình Hiếu và Trang bị cuốn theo chiều gió, ngơ ngác. Từ
đầu tháng 03-75 gia đình nội và ngoại đã di tản vào Nam. Nhưng Hiếu, Trang và
hai con vẫn ở lại miền Trung.
Hiếu nắm trách nhiệm công việc, không thể bỏ rơi đồng nghiệp
và nhiệm sở. Trang thì không thể và không muốn rời xa chồng, cái cột dựa vững
chắc của cô. Trang và hai con trai lẩn quẩn bên cạnh chồng ngay cả khi anh làm
việc trong lúng túng. Họ sinh hoạt thu gọn hơn, nhưng vẫn trong khuôn viên tòa
án.
Nhưng rồi ba ngày sau, ba mẹ con cô không thể đi theo Hiếu
vào trại giam vì lúc cộng sản chiếm thành phố, Hiếu bị bắt đi ngay lúc họ ập vô
tòa án, Hiếu đi ra vội vã đến nỗi đi tay không và không nói lời tạm biệt gia
đình, là lệnh mà!
Ngay chiều cùng ngày, Trang được lệnh phải dắt hai con ra khỏi
nơi cu ngụ… Trang sợ thất thần, nhưng rồi nàng chợt hiểu… nhờ chợt nhớ lại,
trong mớ kiến thức hổn độn thời kỳ còn đi học… chẳng còn gì ngoài mấy câu thơ sắc
nét của nhà thơ Trần Dần :
“Tôi bước đi
Không thấy phố thấy nhà
chỉ thấy mưa sa
trên mầu cờ đỏ!“
Trang mang hai con ra cổng nhà, đi về phía nhà cha mẹ ruột
dưới trời mưa xám, hơi nặng hạt, rất may cho mẹ con cô là cả nhà đã di tản,
nhưng còn chị Tám giúp việc còn lại đó, chị thu dọn gian bếp, ngủ, đặng coi chừng,
coi chừng gì không biết nữa, à, coi chừng xem mặt cộng sản ra làm sao, chưa thấy
cộng sản tới tịch thu nhà. Chỉ thấy Trang dắt con tới gọi, chị cười như mếu: ô,
cô hả, may quá, có cô và hai em tới ở cùng, cháu sợ một mình lắm, cô và hai em
cứ vô bếp này, thôi mình chỉ ăn ngủ nội trong đây thôi.
Rồi cô cháu mẹ con tá túc quấn quýt bên nhau ít ngày. Chị
Tám bơ vơ một mình, biết chạy về đâu, chị viện lẽ chị sinh trưởng ở đây thì đất
nơi này là của chị… không ai có quyền chiếm đoạt tài sản hay đất đai. Trang
thông minh hơn, nói như an ủi, hãy đợi coi vì họ vô thì ở đâu chẳng có họ, có
mà chạy lên trời không lại.
Cũng có người quen rủ, tình thế nhốn nháo, chưa biết ai kiểm
soát ai, cứ thúc đại ghe thuyền đi đại vô Saïgon, trong đó có người có ta, rồi
tính sau. Nhưng Trang quyết ở lại để đi tìm tin tức của Hiếu. Cô trấn an hai
con mà như để trấn an mình, “đừng sợ hãi, rồi ba các con về, ba sẽ lo mọi sự“
“mình phải đợi ba về, mình không thể bỏ rơi ba“. Ngay lúc đó Trang cứ đoán như
kỳ loạn cộng sản tất Mậu Thân ở Huế… rồi ít ngày ít tháng sẽ xong. Nhưng cô đâu
có ngờ chồng cô đã bị điệu ngay ra Bắc, ông chánh án ngụy, nguy hiểm đi xa biền
biệt.
Chờ đợi chán, cuối cùng Trang cùng hai con rong ruổi ngày đi
đêm đi rong tuổi chạy bộ dần dần về Saïgon tìm gia đình, tìm cha mẹ. Tìm mãi
không thấy cha mẹ, nhưng còn may cô tìm được người chị có nhà ở trong Nam, cho
mẹ con cô tá túc.
Từ đó phải lo sống, Trang thu gom vốn liếng còn sót lại, cô
theo người chị đi buôn bán chui với giấy tùy thân cũng chui (làm giả). Khi thì
mua hàng ngoài chợ trời Trương Minh Giảng, khi thì đeo xe khách ra miền Trung
buôn café Ban Mê Thuộc. Cô vẫn cố gắng đi đi về về chốn cũ, hy vọng tìm ra tông
tích Hiếu.
Trang khá thông minh tháo vát và can đảm đối phó hoàn cảnh
khó khăn. Dù trong lòng, có lúc tuyệt vọng, nhưng cô vẫn khuyên các con: “dù
gì, mình cũng phải đợi ba về, ba về, ba sẽ lo được mọi việc. Tin mẹ đi, ba các
con vẫn còn sống và bị giam giữ ở đâu đó!“
Trang và hai con cũng sống tạm ổn nhờ có chi viện của cha mẹ
cô từ Pháp gởi về sau ba năm, họ liên lạc được với nhau. Các anh chị cũng có
làm giấy tờ bảo lãnh xuất ngoại, nhưng Trang khoan tính chuyện ra đi, cô chờ chồng,
chờ tin chồng, cô cứ tin là Hiếu còn sống đâu đó dù đã ba năm bặt vô âm
tín.
… Rồi trời phật cũng không phụ lòng tin, cuối năm 1979, cô
được một người lạ tìm đến tận nơi ở, không hiểu sao mà người đưa tin tìm ra cô,
cho cô hay chồng cô đang ở trại giam Vĩnh Phú, phía bắc Hà Nội 50km Hiếu ghi
cho Trang giòng chữ nhỏ vắn tắt trên một mảnh giấy nhàu nát và đúng ra là nét
chữ của chồng cô: “cứ an lòng, anh sẽ về!“
Trang lần theo địa chỉ ghi, cô nhờ cậy một người bà con làm
chức vụ ở Bắc vô Nam chơi, vừa khéo léo biếu quà vừa mua chuộc, cô xin được giấy
phép ra Bắc thăm chồng.
Trang cứ nhớ mãi không thể quên, là lần đi thăm nuôi duy nhất
và xa xôi đó, nàng không dám mang gì nhiều, sợ lộ việc, sợ sức mình mang vác nặng
không kham nổi, cô chỉ thu gói gọn trong hai giỏ sách tay, một đựng vài bộ áo
quần đơn giản cho mình và hai bộ áo quần cho chồng, sợ Hiếu đã rất rách rưới,
còn một giỏ kia là đồ ăn, thịt chà bông, kẹo ngọt và một số thuốc tây căn bản
phòng thân.
Còn lại thứ phụ thuộc linh tinh như cơm, gạo, bánh, mì khô
cô chuẩn bị ra Hà Nội sẽ mua sau dù phải mua đắt. Nhưng ngược lại, cô bọc kỹ
trong mình một số tiền khá lớn, giấy giá trị lớn và gọn, nhẹ chuẩn bị khi sa cơ
nhỡ cho chồng nhiều và cho cả mình phần nào. Tất cả đều do mẹ cô giúp đỡ.
Rồi họ gặp nhau, một đôi vợ chồng còn khá trẻ, đầy can đảm
nghị lực và nhuệ khí. Gặp nhau, sau xúc động là họ bình tĩnh âm thầm bàn tính,
nói ít hiểu nhiều, Hiếu đồng ý cho Trang mang con ra ngoại quốc. Họ có mủi
lòng, nhưng không khóc lóc và hẹn ngày tái ngộ.
Tới lúc bịn rịn chia tay, Trang tỏ ra cứng cỏi và quyết
đoán, nàng cứ nhớ mãi là đã bọc tiền chặt, gọn và rất kín đáo và cuốn trong cái
quai giỏ sách quần áo cho Hiếu, nàng dặn dò Hiếu lo giữ lấy phòng thân khi cần.
Tiền để sống.
Nhưng Hiếu dùng dằng, rồi bảo đưa lại tiền cho Trang, viện cớ
ở tù không cần mua gì và Trang có hai con thì cần hơn. Đẩy qua đẩy lại, nói ngọt
ngào chồng không nghe lời, Trang đổi ý sẳn giọng:
Thôi con lạy ông, ông cầm lấy dùm con đi, cứ dằn co thế này,
kìa, nó mà đoán, thấy được, nó bắt được thì chết… chết cả ông mà chết cả
con!
Hiếu tức cười, cất tiền vô bao thuốc lá, không quên khen vợ:
mấy lúc này, em tiến bộ coi được, biết đi van lạy và dọa nạt có bài bản…
* * *
Sau lần thăm nuôi ấy, Trang dặn dò chồng mọi chuyện, nàng về
Nam, thu xếp với số tiền còn lại trong mình, nàng lo thủ tục giấy tờ đã được
cho mẹ bảo lãnh từ lâu đưa được hai con trai sang Pháp. Đầu năm 1981, ăn tết
Nguyên Đán xong, mẹ con nàng ra đi, rời quê hương Việt Nam yêu dấu, mẹ con nàng
đã sang định cư ở một vùng ngoại ô Paris, Choisy Le Roi.
Sau một hai tháng đầu nơi đất khách, Trang thảng thốt khóc
vùi nhớ nhà, nhớ quê hương Việt Nam, nhớ thành phố biển êm dịu miền Trung, nhớ
Saïgon tất bật mà vui rộn ràng. Rồi thì cũng phải đứng dậy lau nước mắt làm chủ
gia đình, lo đi học ngoại ngữ, lo đi học một nghề mà làm việc mà nuôi
con.
Nhờ có vốn liếng sinh ngữ thời trẻ còn sót lại, nàng mau
chóng xin học một formation ngắn hạn. Năm 1982, Trang bắt đầu làm caisse, rồi
lên làm chef de rayons cho siêu thị Monoprix gần nhà. Hai con trai, Thuận và Thảo
được đi học lại, chúng nghe mẹ khuyên bảo, học hành chăm chỉ tấn tới và như
chúng cao lớn hẳn lên, cao hơn cả mẹ chúng…
Điều hơi đáng tiếc là Hiếu bị cộng sản giam cầm khá khá lâu,
12 năm sau, được vợ con bảo lãnh qua Paris, khi đó Hiếu đã 56 tuổi, tuy còn
sung mãn nhưng vì bị tù đầy quá lâu, Hiếu không còn được lanh lẹ và hồn nhiên
vui tính như ngày nào.
Dù gì họ vẫn là một gia đình được may mắn hơn chán vạn nạn
nhân đồng hương của họ đã bạ tan nát đâu đó hay bị vùi sâu dưới đáy đại
dương.
Trang lo chăm sóc sức khỏe cho chồng. Các con thành công
trung học và bước vào học đại học.
Nhưng có lúc Hiếu vẫn buồn vơ vẩn, buồn cái buồn chung cả
dân tộc, buồn cái buồn nhớ quê hương, và những cái buồn riêng bất lực và khó
nói.
Hiếu đi loanh quanh trong hiên nhà, luẩn quẩn trong suy nghĩ
sao tụi mình lại thua cộng sản? Không biết mình sống ở nơi này là đúng hay sai?
Thỉnh thoảng nghe Hiếu thở dài, Trang nói như giỡn: “… em bắt chước giọng điệu
cộng sản nếu như anh vẫn là tiểu tư sản!
Rồi ít lâu sau, Hiếu cũng phải đứng dậy đi làm việc, cho bớt
suy nghĩ và phụ Trang nuôi con. May mắn nhờ người bạn thân đưa đẩy, anh được
vào làm việc, trực một phòng thí nghiệm hóa sinh cho một trường trung học.
Hiếu bớt suy nghĩ, bớt buồn từ khi có việc làm, cũng trong
công việc làm, Hiếu gặp lại vài ba người bạn đồng hương và họ cũng có lần rủ
hai vợ chồng Hiếu đi hát karaoké. Họ vui vẻ cùng đi. Cùng ca hát.
Hiếu đàn giỏi hát hay và Trang như là Trang còn hát karaoké
hay hơn nhiều người và hay hơn cả chồng, nhìn Trang và Hiếu song ca bên nhau
bài Quỳnh Hương, người ta tưởng đó là đôi bạn tình đắm đuối nhứt một thời:
Em trao cho anh một đóa quỳnh…
Quỳnh
thơm hay môi em thơm…
Em trao cho ta một
đóa quỳnh…
Ngọt ngào thấm đẫm
đam mê…
Họ hát karaoke và
ăn cơm chung ở nhà Đỗ Quyên. Nhà Đỗ Quyên rộng, mát, đẹp, thuận tiện để tổ chức
ăn và hát karaoke. Đỗ Quyên thích tổ chức văn nghệ như là họp mặt thi văn tao
đàn, làm chỗ gặp gỡ hàn huyên, ngâm vịnh thi ca hát nhạc Việt Nam vào mỗi cuối
tuần, đó là dịp tạm giải sầu cho cái sầu ly hương, buồn viễn xứ. Đó là dịp tạm
giải sầu cho cái sầu ly hương, buồn viễn xứ. Đó là nơi bạn có thể tìm lại được
bạn cũ hay có bạn mới. Đỗ Quyên yêu thích văn nghệ và không vụ lợi, chỉ cần
đóng góp 20 euros, bạn ăn uống nói chuyện thỏa lòng vô tư… bạn bè vẫn ca ngợi:
Đỗ Quyên là con
chim nho nhỏ
Có cái cổ đỏ rất
xinh xinh
Và cũng hót với
giọng du dương rất tình…
Nhưng ăn và uống
thì thỏa thuê, bao nhiêu cũng được, nhưng màn hát karaoké thì có giới hạn, khi
mục ca hát hào hứng, ai cũng thích tới phiên mình hát trước bạn, có lúc ca sĩ
say mê micro hơn cả ăn uống hay hàn huyên, tâm sự cùng nhau… hát là trên hết.
Hiếu gặp bạn tù
cũ, Tùng, ngồi cạnh, Tùng và Hiếu tỉ tê tâm sự vui buồn, Tùng kể cho Hiếu nghe
chuyện vượt biên của gia đình anh, bi thảm, vì vợ con anh bị chìm xuồng hết thẫy
giữa biển khơi. Họ lắng sâu vào chuyện kể, vào dĩ vãng… cho đến một lúc, Hiếu
giựt mình ngửng lên thấy Trang, vợ anh, đang song ca rất tình tứ với các nam
danh ca khác, những bản nhạc du dương: “tôi vẫn nhớ - đám cưới đầu xuân - lúa
mùa duyên thắm…“ anh bạn song ca với Trang, rất vô tư, ôm vai Trang thắm thiết…
và rống to như một con bò, giọng lanh lảnh để lọi kéo sự reo hò chú ý của khán
giả:
… Gạo trắng trong
mà nên duyên hẹn thề
… Gạo trắng trong
mà nên duyên mặn mà.
Trang thì tươi cười
hớn hở trước sự vỗ tay nồng nhiệt của mọi người. Hiếu hơi ngạc nhiên, Tùng như
hiểu ý ánh mắt khó chịu của Hiếu, vội an ủi:
Ôi, ca với hát,
hơi nhảm nhí rồi đó.
Từ đó Hiếu không
muốn đi hát karaoké nữa, anh nói ở nhà đọc sách lợi hơn.
Trang thì cứ
thích karaoké, em thích hát! Thích ca! Thích ca thì em đi một mình, anh không
đi.
Hai vợ chồng cứ
như vô cớ bất hòa từ tí ti, nhỏ rồi tới lớn dần.
Một hôm Trang sửa
soạn đi karaoké vì Đỗ Quyên đang lập đi lập lại từ đầu giây bên kia, giọng vang
vang:
Nhớ đến nghe
Trang, Trang mà không đến là thiếu lắm đó Trang à… mọi người đang đợi!
Trang đang săm
soi sửa soạn để đi hát, Hiếu dòm vợ lăng xăng và tỉ mỉ trang điểm trước gương…
cùng lúc, đầu giây điện thoại kia vẫn vang lên giọng Đỗ Quyên gọi Trang dồn dập.
Rồi chẳng biết, để mắng vợ hay mắng cô nàng Đỗ Quyên, cũng chẳng biết từ đâu,
hay từ vô thức, Hiếu bật ra từ cửa miệng:
“Đồ đĩ!“
Đó là nguyên nhân
làm đổ vỡ hạnh phúc vợ chồng. Từ buổi đó, khoảng cách Trang và Hiếu xa dần xa dần.
Mới đầu giận, hằn
học, xong không nói chuyện với nhau nữa. Hai đứa con khổ sở không hiểu tại sao,
chúng len lén đi học về học, ăn cơm, rửa chén, làm bài vở và đi ngủ. Lặng lẽ.
Hiếu bỏ nhà đến ở
với Tùng một tuần lễ, Tùng lấy lời hơn thiệt khuyên Hiếu về lại nhà, viện lẽ Hiếu
còn có một gia đình để yêu thương… còn Tùng, có ai đâu, độc đinh cô quả! Hiếu
nghe lời Tùng trở về gia đình, nhưng rồi lại giận hờn, Hiếu nói nhà này
chỉ có thể một trong hai đứa ở thôi, hoặc tôi hoặc em!
Trang đồng ý ra
đi, nàng về sống với cha mẹ, đợi chồng nguôi ngoai cơn giận, nàng nghĩ có lẽ
gông cùm cộng sản đã làm tình cảm Hiếu có phần han rỉ, hao hụt. Mà có phần đúng
vì Hiếu như càng ngày càng bực tức vô cớ và đi vào trầm cảm, anh thầm nguyển rủa
cộng sản, nguyền rủa ông Nguyễn Văn Thiệu, nguyển rủa Đỗ Quyên và Trang là hai
đứa con gái ham vui một cách vô ý thức, đã mất quê hương mà vui hát cái nỗi
gì?
Nhưng anh rất mềm
dịu với hai con trai, anh thương chúng đầu thai lầm thế kỷ, anh tỏ ra săn sóc
các con hơn lúc Trang còn ở nhà.
Trang rất giận chồng
đã quá nặng lời nàng không thể nào làm hòa với một con người thô lỗ quá thế.
Nhưng vì lòng thương con, vì tình mẫu tử xót xa Trang vẫn năng nổ nấu gói đồ ăn
thịt kho trứng, cá thu sauce tomate, canh chua, giò heo hầm, tôm hùm chua ngọt…
Trang làm mỗi tuần một giỏ đồ ăn đầy ắp, nặng trĩu… lén lén đợi lúc Hiếu không
có mặt ở đó, nàng mang về nhà xếp gọn gàng đầy tủ lạnh. Lau quét trước sau sạch
sẽ, rồi lặng lẽ khóa cửa ra đi.
Trang tránh gặp mặt
Hiếu trong khoảng thời gian dài đăng đãng gần 3 năm trời. Thời gian cứ vùn vụt
trôi đi trôi đi, chẳng ai xin lỗi ai. Chẳng ai nhận lỗ họ cố chấp thiệt… hai đứa
con đã học xong, đã bắt đầu đi làm việc… Thảo tìm đến nhà thăm ông bà và đưa tiền
lương kiếm được biếu mẹ, mẹ con ôm nhau khóc thầm sau vườn cây, thuận thì thầm
khuya vắng nào cũng nhắn tin cho mẹ trên ipad…
Rồi người ta đồn
này đồn kia, đồn Trang đã có kép mới. Người ta cũng xì xầm Hiếu chán đời, bỏ việc
làm, đã gá nghĩa với bà chủ quán ăn sang trọng nào đó ở miến cực nam nước
Pháp.
Hai đứa con trai
họ trưởng thành trong cái hạnh phúc khô cứng của bố mẹ chúng. Chúng hay nhìn
nhau như cùng chia xẻ nỗi buồn gia đình tẻ nhạt. Chúng vẫn sống chung cùng
ba chúng… anh em Thuận Thảo ngầm chia sẻ nỗi buồn đồng cảnh ngộ, không đứa
nào dám có, hay dám yêu một cô gái, một bạn gái… chúng như cùng an ủi nhau đợi
một ngày đẹp trời nào đó, mẹ Trang sẽ mang hai giỏ đồ ăn về và ở lại, ở lại
nhà, không khép cửa để ra đi nữa!
Hiếu qua tuổi 60
lúc nào không hay, Hiếu vẫn đi đứng mạnh khỏe bình thường, có điều trầm cảm nặng
hơn và như mất dần trí nhớ, vưa mất trí nhớ vừa thêm hoang tưởng… anh phải vô bệnh
viện hôpital Esquirol St Maurice đều trị tâm thần. Người ta cho anh uống
tamesta rồi nặng hơn la prozac anh mới có thể ngủ lại được.
Khi bớt bệnh, hai
con trai lại đưa bố chúng về nhà, một ngày đó vào một dịp lễ, các con đi xa, Hiếu
ở nhà một mình, vắng lặng, rồi Hiếu muốn mở tủ lạnh kiếm một chút gì ăn, anh
không hẳn đói, nhưng anh nhớ, nhớ những món ăn Trang hay làm… khéo léo và tỉ mỉ
nhưng anh hơi bất ngờ đến ngạc nhiên vì các ngăn tủ lạnh trống trơn. Anh lật đật
bấm điện thoại cho các con.
Ủa, thế mẹ không
còn làm đồ ăn cho tụi con nữa à?
Dạ, là mẹ đau bệnh
đã 2, 3 tháng nay rồi, mẹ con bị mệt tim dữ lắm, có lẽ phải đặt máy trợ
tim….
Hiếu im lặng
buông máy rồi từ từ, rất lừ đừ vô giường nằm, anh lại ngủ vùi vì uống prozac.
Lúc ở trong bệnh viện, anh có lần loáng thoáng nghe lọt khi các bác sĩ chẩn định
thuốc cho anh, có người đã nói rằng… uống nhiều prozac, patient này có khi sẽ
đi tới tendance à sucider… Hiếu vẫn ngủ và mơ màng như thấy Trang đang bị mổ ngực
để đặt máy trợ tim… nhìn Trang đang nằm mê man thoi thóp trên bàn mổ, da thịt vợ
anh tím, tái… Hiếu giựt mình choàng thỉnh và nhủ thầm với lòng: mình phải xin lỗi
Trang, xin lỗi mẹ chúng nó, trước khi quá muộn màng, vì biết đâu lỡ em không hồi
tỉnh, vì biết đâu lỡ anh điên rồ mà sucider… trước khi em còn kịp mang đồ ăn về
nhà… anh xin lỗi Trang, ngàn lần xin lỗi vì anh quá nặng lời…
Tự nhiên anh thấy
mình tỉnh táo lạ thường, anh nhớ trong lần thăm nuôi, Trang đã cho anh rất nhiều
tiền, nhờ số tiền đó anh gởi mua thêm thuốc sốt rét ở ngoài mang vào trại
tù uống chữa những cơn bệnh nặng, nhờ số tiền đó, có lần anh đã giúp bạn
ra tù, rồi cùng anh, ăn đường ngủ trọ và nhứt là mua vé xe đò về Nam… anh đã sống
được nhờ số tiền đó!
Quả là anh không
đúng trong vài năm gần đây, anh đối xử với vợ không đẹp, chỉ khi nào cần nhờ vả
điều chi anh mới nói nhẹ nhàng vui vẻ, ngoài ra, nhứt nhứt nói với nàng, anh
như khô khan, có chút cộc cằn và ra lệnh! Người ở tù lâu… cạn kiệt tình cảm rồi
sao?
… Cánh cửa sổ
phòng cài không kỹ, chợt gió lùa làm mở toang, ánh sáng tràn vô sáng lòa, tiếng
động lạch cạch, cửa đập vô tường, làm Hiếu tỉnh hơn, anh ra khỏi bàng hoàng và
trán đẫm mồ hôi!
Anh choàng dậy, dứt
khoác đi pha cho mình một ly café sữa… ngon, anh sẽ cố làm sao ngon, đậm
đà và thơm như Trang vẫn pha cho anh khi xưa.
Phòng ngoài, hai
đứa con đã về tới, chúng rù rì nói chuyện rồi có đứa huýt sáo… choto mate
kudasai, nhạc chủ đề của bộ phim orféo négro, nhạc ngoại quốc lời việt, tạm dịch
“yêu đến muôn đời!“ Uống vơi ly café sữa đặc anh tỉnh táo hơn nhiều, anh nhớ là
có lần các con đã nói bên tai, “nếu bố không còn bệnh vơ vẩn hoang tưởng nữa,
thì mẹ sẽ về. “ À bây giờ như là bố hết bệnh, hết điên khùng, bố khỏi thiệt rồi
chúng mày à… ngủ tốt là bố khỏi bệnh.
Một buổi chiều cuối
xuân, vào hạ, có nắng hanh vàng rưng rưng ngoài cửa sổ… một buổi chiều êm như một
giấc mộng. Hiếu ngồi hút điếu thuốc lá nhẹ bồng bềnh, khói uốn éo lên cao. Hai
đứa con lẩn quản với bếp, có tiếng nồi soong va chạm khua nhẹ vào
nhau.
… Két, két, két,
cánh cửa khô dầu, rung nhẹ rồi im. À, thì ra Trang vừa đẩy cửa vô nhà. Lần này
cô sách hait ay hai giỏ khá đầy, giỏ ví đeo vắt trên vai.
Thảo mừng rỡ ngó
thấy, reo vui:
Thuận chạy vội về
phía trước, tay đỡ mấy giỏ sách:
Ô, mẹ về, mẹ về
thiệt rồi, bố ơi mẹ về!
Hiếu vịn thành ghế,
ngỡ ngàng một giây, rồi như phản xạ, anh lập lại lời con: mẹ về, mẹ về thiệt rồi…
Chúc Thanh
mùa Vu Lan 2025