“Dịch” đây không phải là “Mắc Dịch”, “Già Dịch”, “Dịch Hạch – Dịch Tả” hay bệnh “Dịch” lan tràn; cũng không phải là “Tinh Dịch”, ”Dịch Hoàn”, “Dung Dịch”, hay “Kinh Dịch” - một trong năm cái “Ngũ Kinh Dị” của Ba
Tầu - mà là “Thông Dịch”, việc chuyển ngữ từ tiếng nước này sang tiếng nước khác.
“Good morning/afternoon. My name is Tuấn, a Vietnamese interpreter for
you today. How can I help you with?”
“Chào ông/bà...Tên tôi là Tuấn. Tôi sẽ là người thông dịch cho
ông/bà...hôm nay.
Từ khoảng 4 năm nay, sau một thập niên dài lưng tốn vải ăn no lại nằm,
tôi trở về với một việc làm có lẽ là nhàn nhất thế giới: Đó là nghề thông dịch
viên (TDV) Anh - Việt, Việt - Anh cho một công ty ở Portland Oregon. Tuy
công ty này có trụ sở tại Oregon nhưng tôi thì làm việc ở Huntington Beach. Sở
dĩ tôi cho công việc này là nhàn nhất thế giới là thay vì phải đóng bộ
complet-cà vạt như khi đi làm hồi thế kỷ trước, bây giờ mùa hè thì tôi mặc quần
xà lỏn, áo thung; mùa đông thì mặc flannel pajamas, khoác cái robe khi làm
việc. Và nhất là không phải lái xe vì tôi làm TDV tại nhà, trên điện
thoại, trong cái phòng làm việc xinh sắn của tôi, giúp cho những người cần tiếp
xúc với các cơ quan ở Mỹ nhưng không đủ khả năng để trình bầy họ muốn gì. Và
giúp cho các cơ quan ở Mỹ (và ở cả các nước khác) hiểu được người nói tiếng
Việt Nam đang tiếp xúc với họ muốn gì.
Để tôi kể qua tiến trình một ngày làm việc của tôi. Ngủ dậy buổi sáng,
đánh răng, uống cà phê xong thì tôi vào phòng làm việc, mở computer xem / trả
lời emails, lên mạng xem tin ở các trang như Skimm, The Daily Beast, The New
York Times; rồi bắt đầu viết lách qua loa. Cùng lúc đó tôi lấy điện thoại bàn
(không được dùng điện thoại di động) gọi vào công ty rồi bấm số #1 để “log
in”. Thế là xong. Sau khi “log in” thì tôi có nhiệm vụ trả lời những
cú điện thoại của hãng gọi cho tôi rồi nối đường đây điện thoại của tôi với thân
chủ đang chờ sẵn. Lúc nào không muốn làm vì bận việc riêng thì tôi lại gọi số
của hãng rồi bấm số #2 để “log out”. Có nhiều lúc sau khi đã “log
out” rồi mà điện thoại vẫn reo với “ID caller” của hãng. Nếu tôi nhấc
máy, nhân viên của hãng sẽ xin lỗi là đã làm phiền tôi và yêu cầu tôi, nếu có
thể được, giúp trả lời cú điện thoại này vì lý do hãng không đủ người thông
dịch tiếng Việt lúc đó, hay có một thân chủ nào tôi đã giúp trong quá khứ nêu
đích danh và xin hãng liên lạc với tôi, yêu cầu tôi giúp. Không phải lúc nào tôi
cũng làm việc; có ngày đắt hàng, có ngày ế. Thứ Hai thường là bận rộn nhất. Một
ngày trung bình tôi dịch trên điện thoại khoảng từ 250 đến 300 phút. Trong
những lúc không có “khứa” thì tôi có thể đi lau nhà, rửa bát, giặt quần áo, làm
vườn cho vợ. Đến năm giờ chiều thì tôi “log out”, đi tắm, rồi ngả người trên
ghế recliner nhấp một ly rượu vang (hay 2) hay một shot (hay 2)
Cognac/Whisky/Tequila, xem báo, làm ô chữ, nghe nhạc. Những ngày cuối tuần
nghỉ.
Tôi không lạ gì với cái nghề TDV này cho lắm. Thật ra, cái “job” đầu
tiên của tôi trên đất Mỹ là TDV trong trại tị nạn IndianTown Gap, Pennsylvania
vào giữa 1975. Vừa xuống máy bay thì tôi bị lùa vào phòng “processing” để
làm cuộc phỏng vấn đầu tiên cho thủ tục nhập cảnh. Ngồi cạnh nhân viên sở di
trú là chị X., một người tôi quen sơ bên Guam, sang trước và đang làm TDV. Chị
X. thấy tôi vào, và vì biết khả năng của tôi, nên để tự tôi trả lời cuộc phỏng
vấn rồi xin phép đi ra ngoài. Phỏng vấn xong thì người nhân viên di trú Mỹ yêu
cầu tôi làm TDV thay cho chị X. bắt đầu từ sáng hôm sau và nói là tuy chị X.
làm TDV tự nguyện không lương cho trại tị nạn, anh sẽ trả cho tôi $20.00 một
ngày. Sau hơn một tháng xếp hàng xin cơm ở Guam, nhờ vào cái “job” này, gia
đình tôi bắt đầu vào PX mua thức ăn và không thèm ăn cơm phát chẩn nữa trong
suốt thời gian ở IndianTown Gap (Tôi còn để dành được vài chục và trong một
canh xì phé với các bạn trong barracks, ăn non, gom đủ tiền chạy vào PX mua
được cái đồng hồ Omega tự động – chỉ cần lắc cổ tay vài cái là coi như đã lên
giây - giá là $175.00. Anh Vũ Huyến, cùng ở chung trại, trong một canh bài
khác, cũng ăn non, chạy ra PX mua cái đồng hồ này. Khoảng 20 năm sau thì đồng
hồ của tôi hỏng, thợ mở ra thì thấy máy ở trong cứng ngắc, không lắc nữa. Đồng
hồ của anh Huyến thì không sao.)
Trở về hiện tại, khách hàng của công ty tôi làm phần đông là người Việt
lớn tuổi đi mua thuốc, khám bệnh, nằm nhà thương, vào phòng cấp cứu, đi chụp
hình quang tuyến (Xray-Scan-MRI). Trẻ hơn thì ra tòa vì tội DUI, vượt đèn đỏ,
đánh vợ, khai bankruptcy, quỵt nợ, đến sở xã hội xin welfare, medicaid, foods
tamps, housing. Còn có những người liên lạc với nhà băng, hãng bảo hiểm (xe, y
tế, nhân thọ), hãng telephone v...v...Còn có cả những cú điện thoại từ Việt Nam
gọi sang tố cáo với công ty mẹ những hành vi ngược đãi nhân viên của những cơ
sở ở VN. Cũng có những công ty ở Mỹ gọi về VN nói chuyện về nhiều vấn đề.
Nhiều người cố gắng nói tiếng Anh nhưng khi hai bên không hiểu được nhau
vì rào cản ngôn ngữ thì họ cầu cứu tới hãng tôi làm việc. Ngay lập tức hãng
liên lạc với tôi hay những TDV khác. Nhấc điện thoại lên, tôi nói một tràng
tiếng Anh, như người máy:“Good morning/afternoon. My name is Tuấn, a Vietnamese
interpreter for you today. How can I help you with?” Sau khi người Mỹ tự
giới thiệu và nói lý do họ muốn có sự giúp đỡ của tôi, tôi quay sang nói bằng
tiếng Việt: “Chào ông/bà..tên tôi là Tuấn. Tôi sẽ là người thông dịch cho
ông/bà...hôm nay".Một số cơ quan (phần nhiều là nhà thương và vài văn
phòng an sinh xã hội) dùng hệ thống hai máy điện thoại song song - một cho
người Mỹ và một cho người Việt, rất tiện cho TDV. Có những chỗ chỉ có một máy
nên tôi sẽ nghe một bên rồi chờ máy chuyển sang cho người kia rồi dịch lại.
Thường thì thân chủ để máy ở vị trí speaker phone trong phòng để mọi người cùng
nghe lời dịch Việt – Anh, Anh - Việt của tôi. Nói chuyện và dịch qua speaker
phone rất khó, nhất là gặp người Mỹ nói nhanh và ngọng (như mấy anh gốc Ấn Độ
hay Mễ Tây Cơ) và bên kia là một cụ già người Quảng đang lên cơn suyễn, nói
không thành tiếng, mà có thành tiếng thì cũng rất khó nghe. Speaker phone cũng
được dùng ngoài tòa án. Luật sư ngoài tòa và bác sĩ trong bệnh viện thường nói
rất nhanh, hình như lúc nào cũng vội để còn gặp thân chủ / bệnh nhân khác. Các
ông chánh án thường chậm rãi hơn và bao giờ cũng ngỏ lời cám ơn Mr. Lê (tôi)
trước khi gác máy.
Có một số ít người Việt Nam khi nghe tôi tự giới thiệu là TDV thì tỏ vẻ
khó chịu – có lẽ là vì nghĩ rằng mình nói tiếng Anh ngon lành, cần gì thằng cha
này – và bộc lộ thái độ của mình bằng cách lờ tôi đi, tiếp tục nói tiếng Anh.
Tôi “ ngậm miệng ăn tiền”- nhưng vẫn phải theo dõi cuộc đối thoại - chờ cho đến
khi nào một trong hai bên “bí”, (người Mỹ nói, “What did he say,
interpreter?; người Việt thì hỏi, “Nó nói gì vậy anh?” ) thì tôi mới mở
miệng. Nhiều khi tôi “ngậm miệng ăn tiền” như thế đến 10, 15 phút. Chắc quý vị
cũng đã từng phải chờ đợi khá lâu tại văn phòng bác sĩ. Tôi cũng thường xuyên
phải chờ bác sĩ khá lâu, nhưng khác một cái là càng chờ lâu trên điện thoại thì
tôi lại kiếm nhiều tiền hơn mà không phải làm gì cả.
Làm cái nghề thông dịch này của tôi dễ mà khó. Dễ là vì chẳng phải có
bằng cấp, thi cử gì, chỉ cần khả năng nghe giỏi và nói một ngoại ngữ lưu loát
ngang với tiếng mẹ đẻ. (Xin mở ngoặc nói thêm về một loại TDV được gọi là TDV
Hữu Thệ – Certified Interpreter – phần nhiều làm việc ở tòa án. Những TDV này
phải qua một kỳ khảo hạch của tiểu bang nơi họ muốn hành nghề. Tôi nghe nói là
kỳ khảo hạch này của California rất khó nuốt, một phần vì hội hay nghiệp đoàn
các TDVHT ở California không muốn có nhiều TDV quá, mất ăn, nên làm khó những
người muốn thi vào. Tôi chưa hề trải qua cuộc khảo hạch này nên không có kinh
nghiệm bản thân về chuyện này.) Khó là vì chuyển ngữ là một nghệ thuật và năng
khiếu trời cho, không phải ai cũng làm được dù cho có giỏi ngoại
ngữvà tiếng mẹ đẻ đến đâu đi nữa. Diễn tiến của việc thông dịch như sau:
tai tiếp nhận được những dữ kiện của ngôn ngữ #1 rồi chuyển lên óc, óc nhận
được, dịch ngôn ngữ #1 sang ngôn ngữ #2 rồi ra lệnh cho lưỡi hoạt động, nói
thành tiếng bằng ngôn ngữ #2. Tiến trình này diễn tả thì lâu nhưng thực sự chỉ
xẩy ra trong một phần ngàn của một giây. Cho nên khả năng thông dịch hầu như
hoàn toàn dựa theo phản xạ tự nhiên của người biết nghe và nói thông thạo 2 thứ
tiếng khi làm TDV.
Ngoài ra còn vấn đề phát âm. Số đông những người nói ngoại ngữ không
được chuẩn vì không được học nhiều và không xử dụng thường xuyên trong đời sống
hàng ngày. Một số có học nhưng không có khiếu nói ngoại ngữ nên rất khó chuyển
đạt những gì mình muốn nói đến người khác. Hai điểm quan trọng nhất trong việc
nói ngoại ngữ là cái tai và khả năng bắt chước lối phát âm của người bản xứ.
Khi tôi về dậy Anh Văn ở Việt Nam (lớp đào tạo giáo viên), tôi nói với các học
viên của tôi ( tất cả đang dậy Anh Văn) là nếu tai các bạn không tự nhận thấy
là các bạn phát âm sai thì hết thuốc chữa. Tôi còn nhớ cách đây hơn 20 năm, tôi
về hưu sớm đi làm phim. Trong lúc rảnh rỗi có một hãng mời tôi đi thông dịch
cho những phiên tòa hành chánh xử các vụ xin tiền an sinh xã hội về bệnh tật.
Lúc đó hầu như tất cả các luật sư đại diện cho thân chủ xin tiền ASXH đều là
người Việt Nam, cỡ tuổi tôi hoặc lớn hơn, đã từng hành nghề LS tại VN, sang đây
học và thi lại. Luật pháp Hoa Kỳ bắt buộc lời khai của người đi xin tiền ASXH
phải được dịch qua TDV và ghi lại bằng máy ghi âm hay máy tốc ký. Một hôm, ông
LS trình bầy sự kiện trước ông chánh án bằng tiếng Anh thì bị ngưng lại không
cho nói tiếp. Rồi ông chánh án nói, “Xin lỗi anh. Tôi không hiểu anh nói
gì cả. Sao anh không nói tiếng Việt, rồi nhờ ông thông dịch viên này giúp
cho?” Tất nhiên là ông LS đó phải nói tiếng Việt theo lệnhông chánh án
nhưng mặt ông ta sưng lên và nhìn tôi với con mắt mất thiện cảm.
Như trên đã nói, phần đông những người tôi giúp là người lớn tuổi, nhưng
gần đây có một hiện tượng là có những người trên điện thoại là dân Bắc Kỳ 75.
Chuyện này xẩy ra thường xuyên hơn trong những cú điện thoại ở Canada (Dân Hải
Phòng thì nà mà...). Còn ở Mỹ tôi cũng gặp khá nhiều trên điện thoại. Sau đợt
của các cựu sĩ quan VNCH đã bị Cộng Sản giam cầm di dân sang Mỹ cùng với gia
đình theo diện HO thì đến lượt dân Bắc Kỳ 75 kéo nhau sang. Những người này
thường còn rất trẻ, không biết tiếng Anh, lói giọng Hà Lội, ráng rặn ra một đứa
con (phải có con nhỏ mới đủ điều kiện)rồi đi xin welfare, medicaid, food
stamps, housing. Vấn đề tôi đặt ra ở đây là, những người này chắc chắn phải là
dân có tiền hay là loại COCC tham nhũng mới có thể xoay sở lấy cái visa di dân
sang Mỹ. Sang đến Mỹ rồi thì chôn vàng, dấu của, lợi dụng tình nhân đạo và kẽ
hở luật pháp của nước Mỹ, đi ăn mày xã hội. Và quý vị và tôi phải è cổ đóng
thuế để nuôi những thành phần (có thể là giầu hơn chúng ta rất nhiều) này.
Nhắc đến Bắc Kỳ 75 thì tôi có một giai thoại về tòa án. Hôm đó tôi trả
lời điện thoại thì được hỏi, “Do you speak the Southern dialect?” Tuy
nói tiếng Bắc nhưng vào Nam từ năm lên tám nên tôi trả lời, “Yes, I
do.”Sau khi được nối dây với tòa, tôi tự giới thiệu. Ông chánh án cẩn thận hỏi
một lần nữa; tôi trả lời “Yes, your honor!” Rồi ông yêu cầu tôi nói
một vài câu với người bị cáo đang đứng trước tòa. Tôi nói bằng tiếng Bắc cố hữu
thử xem người kia có hiểu không thì có một giọng đàn bà người miền Nam trả lời
rất ngọt ngào. Tôi hỏi bà có hiểu tôi nói gì không. Bà bảo hiểu chứ. Tôi bèn
báo cáo với ông chánh án là chúng tôi nói cùng một thứ tiếng và hiểu nhau hoàn
toàn. Ông chánh án nói với tôi là sở dĩ ông phải yêu cầu một TDV nói tiếng Nam
là vì người TDVHT, lúc đó hãy còn đứng trong tòa, nói tiếng Bắc với bị cáo
nhưng bà này than phiền là không hiểu người TDV nói gì. Tôi hiểu ngay câu
chuyện. Đã có vài lần các cơ quan thông dịch bị chập dây nên có 2 TDV trên máy
cùng một lúc. Khi tôi và người TDV kia biết thì một người sẽ cúp máy nhường,
tùy trường hợp hãng nào nhận điện thoại trước. Qua một hai câu nói thì tôi biết
người TDV kia là Bắc Kỳ 75. Và đã nhiều lần tôi nghe thân chủ than phiền,“Ông
ơi, ông nói tui hiểu hết mà sao mấy cô cậu trẻ nói giọng Bắc gì kỳ quá, tui
hổng hiểu gì hết trơn hết trọi.” Thì ra các cô, các cậu con ông cháu cha
ở “nước ta”sang “nước mình”học, rồi ở lại, đi làm TDV. Bắc Kỳ cũ 54 như
tôi mà còn thấy chói tai, ngơ ngác khi nghe thứ tiếng “Mọi” của người Hà Lội
ngày nay thì các ông bà người miền Nam làm sao hiểu nổi vì chưa được “ân hận”
nghe cái giọng 4000 năm văn hiến của các cô các cậu Bắc Kỳ 75 này.
Nói về “giọng”. Có lẽ vì tôi nói to (chắc tại tai hơi điếc) và nói tiếng
Anh lưu loát nên các thân chủ người Việt tưởng là tôi còn trẻ. Có người xưng
“Ông” với tôi. Có người xưng bác, chú, anh, chị. Một hôm, tôi nói, “Chào
Bà...”và sau khi nghe giọng một người đàn bà miền Nam có vẻ còn trẻ, đổi sang
“Cô” thì bà này lập tức xưng “cô” và gọi tôi bằng “con.” Khi tôi nói là tôi gần
70 rồi, bà ta xoay chiều, xin lỗi và gọi tôi là ông anh, xưng em. Một trường
hợp khác cũng tương tự nhưng vui hơn. Sau khi tôi nói là tôi gần 70 rồi, một bà
nói với tôi bằng một giọng rất đanh đá và hơi xấc, “Già rồi mà không chịu nghỉ
cho khỏe, ham tiền đi mần làm chi cho nó khổ...” Tự nhiên nhớ đến nhạc sĩ Đức
Huy, bạn tôi, tôi trả lời ngay lập tức, “Dạ, tôi nghỉ hưu mấy năm rồi đó
chớ, nhưng kẹt một cái là năm rồi, tôi dzề Dziệt Nam lấy con dzợ mới 26 tuổi,
sanh được thằng con trai gần 2 tháng nên phải đi làm lại...” Dzợ tôi đang
ở gần đó, nghe tôi nói, phá lên cười.
Cuối cùng xin kể một giai thoại nhỏ về cái phản ứng tự nhiên của một
TDV. Tôi dịch cho một bà bác sĩ và một cô gái quê miền Nam mới sang Mỹ có mấy
tháng đi khám sức khỏe tổng quát. Lúc khám đến ngực thì bà bác sĩ hỏi, “Do
you have breast implants?” Phản xạ tự nhiên lúc đó của tôi là câu hỏi đầy tính
chất bình dân học vụ, bật ra từ miệng rất nhanh, “Dzú cô là dzú thiệt hay dzú
giả?”, và cô gái quê bẽn lẽn trả lời, “Dạ, thưa chú, dzú con là dzú thiệc...”
Mỗi khi chấm dứt một câu điện thoại, tôi kết thúc bằng:
“Thank you for using our services. Have a good day...”
Và tôi cũng xin chấm dứt bài này bằng:
“Cám ơn quý vị và các bạn đã đọc bài này...Chúc quý vị và các bạn một
ngày vui...”
Luân Tế
Giáng Sinh 2014