24 October 2015

ÁC MỘNG TRĂM NĂM - Phùng Nguyễn

Một trong những câu hỏi mà tôi luôn muốn được trả lời là cái âm mưu biến người miền Nam thành bầy thú dữ chuyên ăn thịt người bắt nguồn từ đâu. Trong bài viết “Đúc khuôn Tội ác” trước đây, tôi đã đưa ra bằng chứng không thể chối cãi về những nọc độc văn hóa tiếp tục lan tràn trong huyết quản dân tộc, phần lớn được chuyên chở bởi các tác phẩm văn học nghệ thuật. Trong nhiều năm, tôi không tìm được manh mối nào về nguồn gốc của những âm mưu ác độc, vô luân, phản dân tộc này cho đến gần đây, khi tình cờ đọc một truyện ngắn do một người bạn trên Facebook đưa đường dẫn. Và Eureka! Tôi tin rằng mình đã tìm được bằng chứng cụ thể của “khuôn mẫu tội ác” được áp dụng trong gần ba phần tư thế kỷ qua.

Truyện có tựa đề “Giấc ngủ mười năm, ” được sáng tác vào năm 1949, vào khoảng giữa của cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp do Việt Minh lãnh đạo. Nhân vật chính, nông dân Nông Văn Minh, kể lại tao ngộ kỳ lạ của mình. Tham gia kháng chiến chống Pháp, bị thương ở đầu, ngất đi và tỉnh lại mười năm sau. Được Đào, cô con gái nay đã lớn khôn, kể cho nghe diễn tiến trong mười năm qua, từ chiến thắng rực rỡ của Việt Minh cho đến những thành quả vượt bực trong việc xây dựng một đất nước độc lập và thống nhất dưới sự lãnh đạo của chủ tịch Hồ Chí Minh. Một thứ Rip Van Winkle on steroids, theo nhận xét của Ngô Tự Lập. Nguyễn Cao Sinh, trong bài nhận định cùng tên “Giấc ngủ mười năm” đăng trên báoVăn Nghệ Quân Đội năm 2008, đã không hề kiệm lời tán dương nội dung của truyện. “Câu chuyện được viết theo bút pháp, mà các nhà phê bình văn học gọi là ‘bút pháp huyền thoại’, ‘bút pháp giả tưởng’… đã thể hiện một niềm tin chắc chắn, một niềm lạc quan phơi phới về sự tất thắng của cuộc kháng chiến, về một tiền đồ tươi sáng của đất nước ta sẽ ‘tiến kịp các nước tiên tiến trên thế giới’. Đứng trên quan điểm lịch sử, đặt câu chuyện vào thời điểm năm 1949 chúng ta càng thấy giá trị, ý nghĩa cũng như tính dự báo thiên tài của tác phẩm,” Nguyễn Cao Sinh phát biểu.
Người viết không có ý định tranh cãi với ông Nguyễn Cao Sinh về nhận định trên, cho dù “tính dự báo thiên tài” của tác phẩm không hẵn là hoàn toàn chính xác, thí dụ như cái viễn tượng “đất nước ta sẽ tiến kịp các nước tiên tiến trên thế giới” chẳng hạn. Tuy nhiên, qua truyện “Giấc ngủ mười năm,” một số chi tiết hư cấu đã trở thành hiện thực cho dù có xê xích một số năm. Thành công của cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp cũng như sự phổ cập của khẩu hiệu “Hồ Chí Minh muôn năm” là những bằng chứng cho thấy khả năng “tiên tri” của truyện. Đã có một số ý kiến qua lại liên quan đến việc tác giả của “Giấc ngủ mười năm” có phải là cha đẻ của văn học “viễn tưởng” Việt Nam hay không. Trong khi đây là một đề tài thú vị, người viết xin nhường sân chơi cho quý vị có thẩm quyền trong lãnh vực phê bình văn học để họ quần thảo. Thay vào đó, người viết muốn chia sẻ cùng bạn đọc một chi tiết rất quan trọng nhưng, vì một số lý do không khó hiểu cho lắm, hầu như hoàn toàn bị bỏ rơi hoặc né tránh bởi những người đã bỏ công đọc, nghiên cứu, và tuyên dương truyện ngắn này.
Ở góc nhin của mình, người viết cho rằng “Giấc ngủ mười năm” trước và trên hết là một tác phẩm tuyên truyền bậc thầy với tầm ảnh hưởng vô cùng sâu rộng, tác động lên tâm lý đông đảo quần chúng không chỉ trong giai đoạn kháng chiến chống Pháp (1945 – 1954) mà còn về sau này, trong cuộc chiến tranh “chống Mỹ” và các cơ hội khác. Quan trọng hơn nữa, tác phẩm “Giấc ngủ mười năm” nếu không phải là điểm khởi hành của thì cũng là bằng chứng cụ thể nhất về một chiến lược tuyên truyền vô cùng hiệu quả nhằm mục đích biến kẻ thù, bất kỳ “kẻ thù” là ai, thành bầy ác thú man rợ để khơi dậy căm thù. Và lửa căm thù thiêu đốt lòng người biến thành sức mạnh cần thiết để chiến thắng. “Biến căm thù thành sức mạnh” là khẩu hiệu quen thuộc được hô hoán liên tục suốt hai cuộc chiến tranh, không phải vậy hay sao?
Điều gì trong tác phẩm tuyên truyền “Giấc ngủ mười năm” đã dẫn người viết đến một kết luận nghiêm trọng như thế, bạn hỏi. Không nhiều, chỉ là một đoạn không dài lắm trong truyện, bắt đầu với những câu văn được trích dẫn dưới đây:
Bắt đầu trích:
 “Người ta nói dân ở gần mặt trận ai cũng hăng. Có gì lạ đâu. Tây nó ác quá. Chúng bắt được đàn bà con gái, thì 7 tuổi đến 70 nó chẳng từ ai. Năm bảy thằng tranh nhau hiếp. Hiếp không chết, thì nó chặt đầu, móc mắt, mổ bụng, rạch trôn. Có khi chúng bắt con trai hiếp mẹ, cha hiếp con gái, cho chúng nó coi và cười. Không nghe thì chúng giết cả nhà.”
Hết trích --
Tất nhiên là không có chút xíu liên hệ nào giữa đoạn văn nói trên và phần mô tả lính “thám báo ngụy” hãm hiếp và hành hạ dã man trước khi sát hại các nữ thanh niên xung phong trong “Tiểu thuyết Vô đề” của nhà văn Dương Thu Hương dưới đây:
Chúng tôi hướng vào góc rừng đã tỏa ra mùi thối khủng khiếp mà đi. Tới vực cô hồn, gặp sáu cái xác truồng. Xác đàn bà. Vú và cửa mình bị xẻo, ném vung vãi khắp đám cỏ xung quanh.
Trở lại với “Giấc ngủ mười năm.” Phần mô tả tội ác của thực dân Pháp tiếp tục với những hình ảnh càng lúc càng ghê rợn hơn như sau:
Bắt đầu trích:
“Có khi bắt được đàn bà có thai, chúng nó trói lại như trói lợn, rồi đánh đố với nhau. Thằng thì đoán chửa con trai. Thằng thì đoán chửa con gái. Rồi chúng nó mổ bụng người đàn bà chửa, móc đứa con trong bụng ra coi. Thằng nào đoán trúng thì được tiền hoặc thuốc lá.
Có khi chúng nó bắt đàn bà, trói chân, trói tay lại, lột truồng hết áo quần rồi cho chó con bú cụt cả đầu vú. Người đàn bà vô phúc van khóc chừng nào, thì Tây reo cười chừng ấy.
Bắt được người già và thanh niên, chúng nó chọc tiết, chôn sống, chặt đầu, phanh thây, hoặc treo thòng lòng trên cành cây, chất củi thui. Có khi chúng nó bắt ăn thuốc viên, nói là thuốc chữa bệnh. Nuốt xong chừng mấy phút đồng hồ thì trợn mắt lăn ra chết, cả mình mẩy tím bầm.
Trẻ con thì chúng nó bắt bỏ trong chum, nấu nước sôi giội vào. Hoặc trói 2, 3 em lại một bó, quấn rơm và giẻ chung quanh, rồi chúng nó tưới dầu xăng đốt.
Tây ác như vậy, cho nên dân ta ai cũng hăng máu lên. Họ nói thà đánh Tây mà chết còn hơn để nó hành hạ mà chết.”
Hết trích ---
Tây thực dân ác là cái chắc. Đốt nhà, hiếp dâm, giết người, chúng đều đã có làm. Nhưng để nghĩ ra những hành động quái đản, ghê rợn trong phần trích dẫn ở trên, tác giả phải có một khả năng tưởng tượng có một không hai, mãnh liệt đến độ bệnh hoạn. Ở vào thời điểm này, năm 2015, mặc dù đã từng làm quen với những màn giết chóc, thiêu sống người dã man của phiến quân Nhà nước Hồi giáo (IS) trên màn ảnh nhỏ, rất khó để thuyết phục người đọc là bọn thực dân Pháp đã thực sự nhúng tay vào những tội ác ghê tởm như tác giả mô tả trong đoạn trích dẫn kể trên. Tuy nhiên, trong những năm kháng chiến chống Pháp, một bộ phận rất lớn dân chúng đã dễ dàng tin rằng đây là những tội ác có thật của bọn thực dân. Tai sao? Tại vì tên tuổi, địa vị của tác giả, và nhất là niềm tin và sự tôn sùng của một khối lớn nhân dân mà tác giả giành được qua những thủ đoạn tuyên truyền tinh vi trong giai đoạn lịch sử liên hệ.
“Giấc ngủ mười năm” cùng với/hoặc các sản phẩm tuyên truyền tương tự được dàn dựng, truyền bá rộng rãi đến các tầng lớp dân chúng, được đưa vào chương trình tuyên huấn, dân vận để giáo dục bộ đội và nhân dân biết căm thù, để biến căm thù thành sức mạnh. Và tác giả, không chỉ là một nhà tuyên truyền thiện nghệ mà còn là một chiến lược gia tài ba, đã dựa vào sức mạnh của căm thù để lèo lái cuộc kháng chiến đến thành công. Nguyên tắc “dựa vào căm thù để chiến thắng” tiếp tục sau đó với những cuộc đấu tranh chống kẻ thù giai cấp trong các đợt cải cách ruộng đất, đánh tư sản, đánh trí phú địa hào. Và tiếp theo là cuộc chiến tranh “chống Mỹ cứu nước,” trong đó kẻ thù, người miền Nam, cần được biến thành ác thú.  Vì độc lập tự do hạnh phúc, vì thống nhất đất nước, mọi thủ đoạn, dù tồi tệ đến đâu, đều có thể được chấp nhận. Hơn nữa, xuyên tạc, bịa đặt, vu khống là điều bình thường trong công tác tuyên truyền, nhất là khi nhân danh những điều cao quý, đẹp đẽ nhất. Cho nên, ăn thịt người, không phải vì đói khát mà vì nhu cầu khát máu của người miền Nam, là một tội ác “hợp lý” để tròng lên đầu kẻ thù cùng một giống nòi. Nghĩ cho cùng, “ăn thịt người” thì đâu đã thấm gì so với “tội ác” của bọn thực dân Pháp được mô tả bởi ngòi bút thần sầu của tác giả trong truyện “Giấc ngủ mười năm.” Những ai đã tin vào sự hiện hữu của những tội ác như thế nhất định sẽ sẵn sàng tin vào những tội ác kém man rợ hơn, “lính ngụy ăn thịt người” chẳng hạn. Và như thế, trá ngụy biến thành tín điều, và mọi người đều hăng hái kể về, nói về, viết về, và làm chứng cho cái tội ác ghê rợn mà họ không hề chứng kiến.
*
Sẽ bị xem là võ đoán nếu quả quyết rằng sự xuất hiện của tác phẩm “Giấc ngủ mười năm” là điểm xuất phát của chiến lược sử dụng căm thù để chiến thắng. Cũng liều lĩnh không kém nếu khẳng định rằng khái niệm “biến căm thù thành sức mạnh” là phát minh của tác giả truyện “Giấc ngủ mười năm.” Vào năm 1949, thời điểm tác phẩm này được viết ra và phổ biến, Hồng quân Trung Hoa đã kiểm soát toàn bộ hoặc ít nhất phần lớn lãnh thổ Hoa lục, và ảnh hưởng của đàn anh CS Trung quốc lên giới lãnh đạo CS đàn em tại Việt Nam chỉ có thể ngày mỗi lớn mạnh thêm. Có thể khái niệm căm thù được tác giả “nhập cảng” từ đồng chí Mao Trạch Đông vĩ đại, người phát động chiến dịch “Thổ địa Cải cách”  với khẩu hiệu “Vạn niên đích oan yêu thân – Thiên niên đích cừu yêu báo” trong những năm 1946 – 1949 ở Trung quốc và đem áp dụng cho công cuộc kháng chiến chống Pháp và kế hoạch phát động căm thù trong chương trình Cải Cách Ruộng Đất sau đó. Như vậy, có thể sách lược dựa vào căm thù để chiến thắng đã có mặt ngay trong giai đoạn đầu của kháng chiến chống Pháp, trước khi truyện “Giấc ngủ mười năm” được phổ biến. Trong mọi trường hợp, không thể chối cãi “Giấc ngủ mười năm” là bằng chứng cụ thể và rõ ràng nhất về việc sử dụng căm thù như là vũ khí hàng đầu để chiến thắng, trong chiến tranh cũng như trong các cuộc đấu tranh nhằm tiêu diệt kẻ thù giai cấp của đảng CS. Chưa bao giờ và ở đâu nguyên tắc “cứu cánh biện minh cho phương tiện” được nâng lên một tầm cao như vậy.
Căm thù, như thế, đã trở thành một phần không thể tách rời của văn hóa Việt Nam  trong gần ba phần tư thế kỷ, nếu tính từ những ngày đầu của công cuộc kháng chiến chống Pháp. Trong chừng ấy năm, bao nhiêu máu đã đổ xuống, bao nhiêu xương cốt đã đầy lên, bao nhiêu hận thù đã chồng chất, và còn như vẫn chưa đủ, nọc độc căm thù tiếp tục được bơm vào huyết quản dân tộc, phần lớn qua các hình thái văn học nghệ thuật và giáo dục. Chỉ cần nhìn lại các sáng tác thơ văn xuất hiện trong hai cuộc chiến tranh và xa hơn, đặc biệt từ nền văn học cách mạng. Có được bao nhiêu tác phẩm mà trong đó không nhắc đến chém giết và hận thù? Có khi nào các nhà văn, nhà thơ, nhà soạn kịch, nhà vẽ tranh v.v.. đã đóng góp vào “sự nghiệp” nuôi dưỡng căm thù dừng lại và tự hỏi mình những hình ảnh về  tội ác mà họ sẽ tròng lên đầu lên cổ kẻ thù đến từ đâu?
Vì lợi ích mười năm trồng cây. Vì lợi ích trăm năm trồng người. Những thế hệ Việt Nam, hàng hàng lớp lớp, được nuôi dưỡng bởi dòng sữa ngập ngụa hận thù, khi trưởng thành, sẽ có những đóng góp gì cho đất nước, đặc biệt về mặt văn hóa? Lợi ích trăm năm hay là ác mộng trăm năm?
*
Đã đến lúc trả lời câu hỏi đang treo lơ lửng trên đầu lưỡi của bạn. Điều gì làm người viết quả quyết truyện “Giấc ngủ mười năm,” đúng hơn là tác giả của nó, có đủ quyền lực để khiến những người cầm bút thuộc nền văn học cách mạng, một cách mù quáng, biến cái tội ác tưởng tượng “lính ngụy ăn thịt người” thành một tín điều bất khả tư nghị và vất qua một bên lý trí và chức năng sáng tạo của mình để chỉ sử dụng một cách máy móc cái khuôn mẫu “tội ác” mô tả trong văn bản tuyên truyền này nhằm biến người lính miền Nam thành bầy ác quỷ?
Bởi vì tác giả là Trần Lực. Còn được biết đến dưới các bút danh Chiến Thắng, Chiến Sĩ, Howang T.S, Lý Thụy, Nguyễn Du Kích, Nguyễn Ái Quốc trong số hàng trăm tên hiệu được tác giả sử dụng trong suốt quá trình hoạt động của mình. Chức vụ sau cùng của tác giả: Chủ tịch nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa.
Có thể bạn sẽ cảm thấy có chút hoang mang hoặc ngay cả có nhu cầu không để bị thuyết phục bởi các dữ kiện do bài viết này cung cấp. Không sao! Đó là phản ứng tự nhiên của người đã quá lâu bị che phủ dưới bóng âm u của thần tượng. Đây là một trong những trường hợp tốt hơn hết nên để cho người đọc tự tìm lấy câu trả lời. Người viết xin nhường cho bạn cái công việc điền vào chỗ trống, hoặc như người Mỹ thường nói, connecting the dots, nối những chấm dữ kiện trong bài viết để rút ra kết luận cho chính mình. Nếu vẫn cảm thấy chưa đủ, chỉ cần bấm vào đường dẫn dưới đây để đọc toàn văn truyện “Giấc ngủ mười năm” cùng với các thông tin liên quan đến thân thế tác giả. Và hãy yên tâm, sẽ không có tường lửa, bởi vì người CS không có thói quen dựng tường lửa ngăn chặn nguồn thông tin tuyên truyền của chính họ!


Phùng Nguyễn
22.10.2015