1.
Sáng nay thứ hai, Sydney lạnh 8 độ C, nhưng là ngày nghỉ lễ
mừng sinh nhật Nữ Hoàng nên, trừ tôi ra cứ gần sáng là luôn mất ngủ, còn cả nhà
đều thức giấc thật muộn vì chằng ai phải đi làm, đi học. Trong nhà im ắng,
ngoài đường cũng vắng vẻ, ít xe cộ.
Laptop khẽ khàng mở ra bên ly cà phê đầu ngày. Hốt nhiên cảm
giác lặng lẽ, thư thái tiêu tan đâu mất khi tôi đọc đến một bài viết ngắn của
Hoàng Nguyên Vũ trên FB.
Đại để anh Hoàng Nguyên Vũ kể chuyện rằng trong sinh hoạt cá
nhân nơi công cộng hay tại nhà con cái, một số người già đã phạm lỗi lầm, như:
nằm bệnh viện thì đái dầm trên giường, ở nhà khi ăn uống thì làm rơi vãi, thậm
chí không tự mặc quần áo được, cứ kêu con giúp… Để rồi không thể tránh được
chuyện các y tá cằn nhằn khi phải làm vệ sinh, dọn giường, con dâu mắng mỏ khi
phải hốt cơm rơi, con trai gắt gỏng khi đã đến giờ đi làm mà còn phải mặc áo
cho bố…
Có nghĩa những người nói trên – trong đó có chính các con
cháu của các cụ - khi phải mắc công, phiền hà bởi những người già – trong đó có
chính cha mẹ, ông bà của mình - đã vì già yếu, bệnh tật đủ thứ mà vụng về hay
không thể làm chủ bản thân mà ‘gây chuyện” làm mất vệ sinh, trật tự trong nhà
hay nơi công cộng, thì họ đã thản nhiên kết tội, trách mắng các cụ - thay vì cảm
thông và kiên nhẫn tiếp tục giúp đỡ, chăm sóc các cụ bằng lòng thương yêu, bảo
bọc. Bởi, theo tác giả Hoàng Nguyên Vũ thì:
“Người ta hay nói ‘Già như con nít’. Nhưng không.Trẻ con có
mẹ. Người già thì không.Trẻ con lấm lem thì có người lau mặt, dỗ dành, xoa đầu
mà bảo:“Không sao, mẹ đây rồi.”
(Còn) người già lấm lem thì bị nhíu mày, bị nhắc nhở, bị những
cái thở dài kéo dài đến rã rời.
Trẻ con được nâng niu vì còn cả một đời phía trước.
Người già bị bỏ mặc… vì chẳng còn bao nhiêu đời để mà mong
chờ”.
Hay chuyện người cha già bị chứng run rẩy, không thể tự mặc
áo, đã ‘làm phiền’ con mình, thì tác giả tự kể:
“Tôi nhớ cha mình – một người thợ mộc từng thẳng lưng suốt đời,
từng không biết cúi đầu trước ai – đứng run rẩy ở cửa phòng tôi, chỉ để thốt
lên một câu:“Con ơi, giúp ba thay áo với.”Ông đứng đó, như thể xin một đặc ân.
Tôi bước ra, thấy bàn tay ông đã không còn vững, cúc áo cài lệch, vạt áo lộn
trong ra ngoài.
Lòng tôi thắt lại.
Người từng dạy tôi cài khuy áo… giờ không cài nổi áo cho
mình.
Ông xấu hổ. Không phải vì chiếc áo. Mà vì lần đầu trong đời,
ông cần con trai… như ngày xưa tôi từng cần ông”.
2.
Tôi chạnh nhớ, ở Sài Gòn ngày trước, chừng 10 năm gần đây,
khi tôi vẫn có thể lái xe gắn máy đi lại ngoài đường phố một cách bình thường,
vững vàng thì nhiều lúc chính tôi đã cảm thấy khó chịu vì bị cản trở, lướng vướng,
mất thì giờ khi gặp phải những ông, bà già đi xe đạp hay xe gắn máy. Tôi đã bực
mình khi bị ngáng đường lâu lắc bởi các cụ cứ chậm chạp, rề rà hoặc gặp chỗ
đông xe hay cần vượt qua ngã ba, ngã tư thì các cụ lúng túng, đứng ì tại chỗ…
Rồi, chẳng bao lâu đến phiên tôi cũng già đi cùng bệnh tiểu
đường và cao áp huyết, dần hồi trở nên chậm chạp, lúng túng, ngớ ngẩn có khác
gì các cụ mà tôi từng gặp ngoài đường và tôi đã từng tỏ ra lạnh lùng khó chịu về
sự chậm chạp của họ?
Ngày tháng nào tôi còn khỏe thì khi tiếp cận với những anh
chị lớn tuổi hơn mình như thế, đúng hơn hết - tôi nên, như tác giả Hoàng Nguyên
Vũ đã viết:
“Thương một người già, đôi khi không cần phải làm điều gì lớn
lao.
Chỉ cần đủ kiên nhẫn để đừng khó chịu. Đủ mềm lòng để không
nhẫn tâm.
Và đủ tử tế… để không rời tay họ khi họ bắt đầu run rẩy.”